Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

Tin vào tương lai



             
-          Chỉ với mức lương hưu 1,3 triệu đồng mỗi tháng bác có đủ sống không?
-          Biết thế nào cho đủ. Nếu chỉ ăn đọt chuối với măng rừng, quần áo quấn bằng mo cau, quên ti vi, tủ lạnh, điện đóm đi. Nhà thì bằng tre nứa đắp bùn, mái lợp rơm rạ thì số tiền ấy còn thừa.
-          Bây làm gì còn ai sống như thời ăn lông ở lỗ như thế. Vậy mà, sau 37 năm cống hiến, một cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh chỉ nhận được mức lương hưu 1,3 triệu đồng, làm sao mà sống nổi.
-          Chính quyền địa phương ăn bớt hay sao mà lương ít thế?
-          Họ cho biết đã tính đủ đến từng đồng. Vì ở nông thôn, giáo viên mầm non chỉ được đóng bảo hiểm xã hội từ năm 1995, nên các thầy cô nói chung chỉ được tính lương hưu từ thời điểm này.
-          Với đồng lương chết đói như thế làm sao mà tồn tại. Thế người đứng đầu ngành giáo dục đã có ý kiến gì về việc này?
-          Khi nghe thông tin sự việc, ông Bộ trưởng lấy làm trăn trở lắm. Ông ấy hứa thời gian tới sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan tìm hướng khắc phục theo hướng có lợi cho giáo viên.
-          Mấy chục năm nay, ông nào cũng hứa sẽ cải thiện đời sống cho các thầy cô nhưng đã thay đổi được gì đâu, thậm chí có chiều hướng đi xuống?
-          Phải có niềm tin vào tương lai chứ bác, cho dù tương lai ấy còn mịt mù và xa xôi vô cùng. Theo tôi, các thầy cô sau ngày về hưu nên đi buôn chổi đót, chạy xe ôm có khi lại sớm đổi đời, thậm chí còn xây được biệt phủ.
Cận

Việc nhỏ tác hại lớn



            
-          Hồi nhỏ, thời còn đi học, bác đã bị nhà trường đuổi học bao giờ chưa?
-           Thỉnh thoảng bị mời bố mẹ đến trao đổi với nhà trường vì tội nghịch ngầm chứ tôi đâu có ba trợn ba trạo như bác mà bị đuổi.
-          Đúng vậy. Còn nhớ, hồi lớp 7, có lần tôi “tẩn” mấy thằng ở lớp bên cạnh vì tội nhìn đểu đã bị nhà trường bắt làm bản kiểm lên bờ xuống ruộng, khiến tôi “tởn” đến giờ. Vậy mà vừa rồi, ở trường Tiểu học Nam Thành Công, Hà Nội, cô giáo chủ nhiệm dọa đuổi đến 2 lần một cháu. Theo bác, việc làm này của cô chủ nhiệm là đúng hay sai?
-          Chắc bạn này cầm dao “lùa” các bạn trong lớp ghê quá cô giáo mới làm thế. Đuổi là đúng, oan cái gì.
-          Đâu có. Cháu mới lớp 2, thỉnh thoảng còn tè dầm ra quần làm sao đã có tính côn đồ như thế. Cháu bị dọa đuổi vì hay ngọ nguậy, nói chuyện riêng trong lớp thôi.
-          Chắc cô chỉ dọa chơi, chứ cái “tội” đó đứa nào chẳng mắc. Không dọa dẫm như thế để lớn lên chúng nó làm “giặc” à?
-          Bác nói khó nghe quá. Gia đình tin tưởng giao các cháu cho nhà trường. Nhà trường phải có trách nhiệm, giải pháp giáo dục các cháu nên người. Hơi một tí lại dọa loại bỏ các cháu ra khỏi tập thể như thế là nhẫn tâm, khiến các cháu mặc cảm, mất lòng tin vào người lớn. Việc này tuy nhỏ, nhưng nếu không chấn chỉnh sớm sẽ gây ra những tác hại lớn cho xã hội, bác hiểu chưa.
Cận

Xin chớ nhẹ tay.




-          Lâu nay, tôi chỉ thấy doanh nghiệp tư nhân làm sai mới nhanh chóng nhận lỗi, doanh nghiệp Nhà nước ấy à, còn lâu nhé.
-          Cũng một duộc cả thôi. Trừ khi bị bắt tận tay day tận trán, không thể chối cãi được nữa doanh nghiệp tư nhân mới sướt mướt xin lỗi khách hàng. Như trường hợp một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm làm từ tơ lụa lớn nhất cả nước đấy. Sau bao ngày chối đây đẩy tội treo đầu dê bán thịt chó không được, ông chủ doanh nghiệp này mới đăng đàn xin khách hàng thứ lỗi.
-          Thôi, biết hối lỗi là tốt rồi. Thế ông này có bồi thường cho khách hàng không?
-          Ông ấy có hứa hoàn trả tiền cho khách hàng mua khăn lụa Trung Quốc nhưng lại đề là made in Việt Nam. Với hàng triệu sản phẩm đã bán ra, số người mang hàng đến trả là không đáng kể.
-          Lụa tơ tằm Việt Nam thiếu gì mà phải đi lòng vòng cho nhiêu khê?
-          Hàng Trung Quốc đa phần làm từ sợi nhân tạo, được làm công nghiệp nên giá thành rất rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng. Mang về chỉ việc thay mác Việt Nam là bán gần triệu đồng mỗi chiếc.
-          Ối giời, ăn dày hơn cả buôn ma túy như thế ai chẳng ham. Tôi đồ rằng không chỉ có khăn đâu, còn nhiều sản phẩm khác của doanh nghiệp này cũng gian dối như thế?
-          Cái này tôi không rõ, nhưng cũng có suy nghĩ giống như bác vậy. Cũng có thể, nhờ buôn lụa “đểu” mà doanh nghiệp này phát triển rất nhanh, đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng sang nhiều lĩnh vực khác.
-          Chỉ xin lỗi một câu rồi thôi à? Phải truy tố ông chủ doanh nghiệp này tội lừa đảo chứ?
-          Tôi và nhiều khách hàng cũng mong muốn như thế. Hi vọng pháp luật sẽ làm mạnh tay vụ này thì mới răn đe được những kẻ thích làm ăn gian dối khác, bác ạ.
Cận

Cải tổ từ nóc



  
-          Sau hàng thập kỉ ngành Công an sử dụng hòm thư tố giác tội phạm, đến giờ ngành Giáo dục mới lập 2 địa chỉ ở 2 đầu đất nước với hàng chục số điện thoại “nóng” để người dân phản ánh những tiêu cực của ngành này bác ạ.
-          Làm cái nghề gõ đầu trẻ toàn là những người hiền lành, tử tế, có ai làm điều xấu đâu khiến Bộ GD&ĐT phải nhờ đến người dân tố cáo?
-          Đấy là trước kia thôi. Thời gian gần đây môi trường sư phạm bị vẩn đục ghê lắm. Hết chuyện bảo kê thi cử, lại đến việc thầy “tẩn” trò. Gần đây, hầu như địa phương nào trong cả nước cũng phát hiện việc lạm thu, khiến đời sống người nghèo có con đi học lao đao.
-          Sao nhiều thầy cô tự nhiên “đổ đốn” thế nhỉ?
-          Thì bác tính, gần đây, hầu như ngành nào cũng phát hiện hàng loạt tiêu cực, không lẽ ngành giáo dục đứng ngoài cuộc mãi. Họ cũng phải thay đổi cho “bằng anh bằng em” chứ.
-          Học điều hay không học, làm thầy cô giáo mà đua nhau làm điều xấu thì còn ra thể thống gì?
-          Đầu vào điểm thấp như thế. Ra trường xin mãi mới có việc làm với đồng lương chết đói nên các thầy cô tâm tư, ức chế lắm. Bao nhiêu nỗi khổ tâm chẳng biết trút đi đâu, đành phải đổ lên đầu học trò thôi.
-          Tôi cho rằng việc lập hòm thư tố giác tội phạm chẳng đi đến đâu. Tố giác để mà mất việc hoặc bị luân chuyển đến nơi xa xôi hẻo lánh thì ai dám. Muốn các thầy cô hết tiêu cực, trước hết Bộ GD&ĐT phải có chủ trương tuyển chọn tinh hoa vào đào tạo sư phạm, phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng với người đứng trên bục giảng. Để làm được thế, trước hết phải cải tổ chính Bộ này.
Cận

Thủ đoạn móc túi dân




-          Cứ mỗi khi đến ngày khai giảng năm học mới tôi lại thấy tâm hồn phơi phới, rộn ràng quá.
-          Ở tuổi bác mà có được trạng thái như vậy chứng tỏ sức khỏe tốt. Còn tôi, cứ vào dịp này là trong lồng ngực lại có tiếng thình thịch như tiếng chân của lính tráng chạy thúc thuế hồi xưa.
-          Bác cứ hay ví von vớ vẩn. Bố mẹ, ông bà có vui thì con cháu mới học tốt được chứ?
-          Vui sao được hả bác. Gia đình tôi có 4 đứa cả con lẫn cháu vẫn ở tuổi cắp sách đến trường. Vừa vào đầu năm học tôi đã phải nộp đủ mọi khoản hết mấy chục triệu đồng. Riêng tiền mua sách giáo khoa đã mất toi hơn 2 triệu bạc.
-          Sao bác lãng phí thế. Lấy sách cũ của đứa lớn cho đứa bé chứ?
-          Bác ở trên rừng về hay sao mà nói vậy. Hầu như năm nào sách giáo khoa cũng có sự sửa chữa, bổ sung nên học sinh không thể học sách cũ được.
-          Ở nước ngoài, cả chục năm họ mới thay đổi nội dung sách giáo khoa một lần. Trong khi đó nước mình lại cập nhật liên tục chứng tỏ giáo dục Việt Nam ưu việt nhất thế giới?
-          Có mấy ai đủ tâm đủ tài đâu mà viết được lắm sách giáo khoa thế. Mỗi năm họ chỉ sửa vài trang, có khi vài dòng, để có cớ bắt cha mẹ học sinh phải mua sách mới cho con.
-          Nếu thế thì lãng phí quá. Làm vậy người nghèo chịu sao nổi?
-           Không mua sách thì để con ở nhà. Chính vì thủ đoạn lưu manh này mà ngành xuất bản sách giáo khoa mỗi năm đút túi hàng trăm tỉ đồng. Họ ngày càng béo mẫm, chỉ có người dân là ngày càng kiệt quệ, xơ xác thêm thôi.
Cận