Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Phải nắm đằng chuôi

- Bác Viễn ở nhà mạnh giỏi nhé! Hôm nào về nhất định tôi sẽ khao bác một bữa ra trò.
- Bác đi buôn đường dài à? Đi có lâu không?
- Bậy nào, buôn bán gì đâu, tôi lên thành phố tham gia một game show do đài truyền hình tổ chức.
- Ghê thế kia à! Chương trình Chồng ngoan vợ đảm hay Ông lão sành điệu vậy?
- Bác cứ khôi hài, tôi tham gia chương trình Người về hưu năng động thôi.
- Giải thưởng chắc to lắm, Có đủ để sửa lại căn nhà không bác?
- Tôi cũng không rõ, nhưng chắc cũng không đến nỗi nào
- Nhiều hay ít không quan trọng, vấn đề là giải thưởng phải có tác dụng động viên tinh thần người chơi. Liệu người thắng cuộc có nhận được tiền không bác?
- Sao lại không, nếu đoạt giải thì đơn vị tổ chức trả ngay chứ giữ làm gì.
- Từng này tuổi rồi mà vẫn nhẹ dạ cả tin quá. Thế bác không biết chuyện chương trình Hiền tài đất Việt “bùng” tiền thưởng của hai học sinh đoạt giải vật lí quốc tế à?
- Khó tin quá, có nhiều không bác?
- Nghe nói cũng mấy chục triệu đồng
- Chắc họ sợ các cháu có nhiều tiền trong tay lại ăn chơi quá, dễ hư hỏng nên giữ hộ thôi
- Thì giao cho bố mẹ các cháu, ai lại để gia đình họ đi đòi mấy tháng nay mà vẫn không trả, tệ đến thế là cùng.
- Đưa cho phụ huynh quản lí cũng tốt, nhưng lại sợ cửa dả không chắc chắn đêm hôm trộm đột nhập mất cả người lẫn tiền thì khốn
- Thôi bác đừng có bao biện cho cái đám đạo đức giả ấy nữa. Mấy chục triệu bạc là khá to đối với một gia đình ở nông thôn, nhưng nó không quan trọng bằng sự mất lòng tin của giới trẻ đối với người lớn
- Sau sự vụ này, những người tổ chức chương trình tôn vinh hiền tài đất Việt chắc phải đeo mo vào mặt bác nhỉ?
- Họ mà biết xấu hổ đã không làm chuyện nhơ nhớp đó. Đúng là Mua danh ba vạn bán danh ba đồng.
- Hay là tôi ở nhà không đi thi nữa?
- Sao lại bỏ, bao nhiêu người ước mơ lên truyền hình mà có được đâu. Vấn đề là mình phải nắm đằng chuôi.
- Là thế nào hả bác?
- Thì trước khi ghi hình, các bác cứ đòi đơn vị tổ chức đưa trước giải thưởng cho chắc ăn.
- Nhưng nhỡ không đoạt giải thì sao, phải trả lại tiền à?
- Đương nhiên
- Eo ôi, thế thì ngượng lắm

Khó mọc mũi sủi tăm

- Bác Viễn này, tôi khoái nhất cái tạng cà-phê Tây Nguyên này đấy. Ủa mà sao bác chưa uống, nguội hết cả rồi. Có chuyện gì mà mới sớm ra trông bác bần thần vậy?
- Tôi đang nghĩ về những khó khăn mà bà con dân tộc thiểu số hàng ngày phải đương đầu, vậy mà họ vẫn làm được những điều thật phi thường.
- Chả cứ bây giờ, trong mấy cuộc kháng chiến vừa qua, công lao của đồng bào thiểu số là vô cùng to lớn. Hiện nay họ vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Có những gia đình thuộc hạng siêu nghèo, kiếm miếng ăn tối thiểu hàng ngày cũng chật vật.
- Vậy mà thời gian gần đây, nhiều địa phương vùng núi phía Bắc đã có sáng kiến lập lớp học bán trú dân nuôi đấy, bác thấy có tuyệt vời không?
- Chuyện người dân hiến đất xây trường, làm cầu, chở học sinh qua sông không lấy tiền thời nào chẳng có. Bán trú dân nuôi là gì hả bác?
- Tức là người dân góp tiền, góp gạo, góp công nuôi đám học sinh, không để chúng phải đi lại vất vả, nhất là để các bậc phụ huynh đỡ được bữa trưa của con, không bắt con cái phải bỏ học ở nhà kiếm tiền nữa.
- Vậy mà tình trạng bỏ học giữa chừng mấy năm nay đâu có thuyên giảm.
- Thế mới đáng buồn. Trong khi, miền núi, hải đảo xa xôi tìm mọi cách đưa con em tới trường, thì ở các vùng đồng bằng, thành phố có thu nhập cao lại không khuyến khích được học sinh tới lớp
- Bác cứ hay nói quá, cả xã hội đang đau đầu về tình trạng học sinh bỏ học kia kìa. Mà sao dạo này nhiều học sinh bỏ học thế nhỉ?
- Thu phí vô tội vạ như thế ai chịu cho nổi. Năm học vừa rồi, chính phủ qui định học phí đại học từ 50-240.000 đồng tuỳ theo tính chất, thương hiệu từng trường. Ngay lập tức các trường đều tăng kịch trần, có trường thu quá qui định. ở nhiều trường phổ thông người ta đếm được tới mấy chục khoản thu, trong đó lộn xộn nhất là quĩ phụ huynh học sinh
- Nghe nói quĩ cha mẹ học sinh là đóng góp tự nguyện mà
- Danh nghĩa là thế nhưng bác cứ thử lờ đi xem, con cháu bác đố mà mọc mũi sủi tăm lên được. Đóng nhiều thì được yêu chiều, không đóng ấy à, cháu bác có khóc cả ngày cũng chẳng ai dỗ đâu, đó là chưa nói đến chuyện bỏ đói, cấu véo, kinh khủng lắm
- Dư luận ì xèo mãi mà sao không bỏ cái quĩ ám màu tiêu cực này đi nhỉ?
- Sao lại bỏ? Sự đóng góp của cha mẹ học sinh là cần thiết. Quĩ này sẽ giải quyết được nhiều khoản mà ngân sách nhà nước không có. Tuy nhiên, để đỡ tiêu cực cũng như giải toả nỗi khó xử cho người nghèo, nhà trường không nên thu trực tiếp mà yêu cầu mọi người bỏ tiền vào phong bì dán kín, không ghi tên, cho vào cái thùng để ở chỗ dễ thấy nhất, giống hòm công đức ở chùa ấy.
- Ý tưởng hay đấy. Nhưng tôi e là đến lúc đó sẽ chẳng có ai tự nguyện quyên góp
- Bác đừng lo. Dân mình vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Trường cứ phải ra trường, thầy cứ phải ra thầy người dân sẽ không để các thầy các cô nghèo đói mãi đâu
Cận

Cái nóc cao nhất

- Bác Viễn đi đâu mà ăn mặc sành điệu thế? Quần kiểu gì mà hở hết cả lườn, cả mông thế kia?
- Đúng là câu hỏi ngớ ngẩn của kẻ lạc hậu. Đây là quần tụt, mốt mới đấy.
- Quần tụt tức là để cởi cho dễ à?
- Cởi dễ để làm gì? Vớ vẩn. Cái gì liên quan đến chữ tụt đang là mốt đấy.
- Bác nói nghe khó hiểu quá. Kinh tế đang đi lên thì phải lấy sự phát triển làm mốt mới đúng chứ.
- Có phải cái gì tụt cũng xấu cả đâu, như giảm tệ nạn xã hội, giảm ô nhiễm môi trường là tốt đấy chứ
- Ai chả biết thế, nhưng lâu nay chúng ta vẫn hiểu khái niệm tụt gắn liền với sự yếu kém, đi xuống như giáo dục mấy năm gần đây tụt 9 bậc, môi trường đầu tư tụt 5 bậc, bóng đá tụt vài chục hạng chẳng hạn.
- Và khối cái tăng cũng khiến người dân phải hoảng hốt như tăng giá thực phẩm, xăng dầu, vàng, đô- la, học phí… Theo bác lí do tại sao, nhà nước ngày càng tăng đầu tư cho giáo dục mà ngành này tụt hạng ghê thế nhỉ?
- Giáo dục là cái gốc của đất nước, nếu cứ mãi hô hào, phát động phong trào suông mà chẳng có biện pháp hợp lí, thiết thực thì nguy lắm, tụt thế là còn ít đấy.
- Vậy theo bác, chúng ta phải làm gì?
- Trước tiên phải cải cách bộ máy quản lí giáo dục từ trên xuống dưới. Nóc hết dột thì nền nhà mới khô thoáng được. Sau đó tiến đến đổi mới cơ chế quản lí, cho các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thoát dần cơ chế xin cho
- Nếu để các trường tự tung tự tác, họ tăng học phí vô tội vạ thì chết dân à?
- Chính độc quyền mới là môi trường tốt cho sự tăng giá bất hợp lí. Khi đã xã hội hoá thì các trường buộc phải cạnh tranh, người dân tha hồ được chọn trường tốt, giá rẻ. Bác cứ nhìn vào sự chênh lệch giá cước điện thoại hiện giờ so với thời nhà nước còn độc quyền là thấy rõ ngay
- Sau đó phải làm gì?
- Tiếp theo là thanh lọc, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Biện pháp cốt tử lúc này là phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Giáo viên, bác sỹ, bộ đội, công an càng ở vùng sâu vùng xa thì lương và các chế độ khác họ nhận được càng phải cao. Đồng thời, phải có chế tài thật nặng đối với những đối tượng nhạy cảm này nếu họ vi phạm pháp luật. Tầng lớp giáo viên mà trong sạch, tôi tin là đạo đức xã hội sẽ bớt vẩn đục nhiều.
- Nghe bác nói mà tôi sáng ra nhiều. Gần đây bộ Học đang tìm thuê một người có đủ tài đức làm thứ trưởng đấy, sao bác không đăng kí nhỉ
- Tôi đang hỏi vợ có nên ra ứng cử không. Quanh quẩn ở nhà nấu cơm giúp vợ cũng thú ra phết bác ạ
Cận

Sự bình thường vĩ đại

- Nếu bây giờ Bụt chợt hiện ra cho bác Viễn một điều ước thì bác ước gì?
- Tôi ước làm được những điều phi thường như Anh-xơ-tanh, như Niu-tơn, Pi-cat-sô, Vich-to-hu-gô…
- Sao bác không cầu có sức khoẻ, hạnh phúc hay quyền lực, tiền bạc?
- Khoẻ mà chỉ phục vụ riêng mình tôi chẳng ham. Hạnh phúc là một khái niệm mơ hồ, khó nắm bắt. Quyền lực đi liền với sự cô đơn, còn tiền bạc hay làm con người hư hỏng…
- Hôm nay bác triết lí gớm nhỉ. Thế bác muốn trở thành vĩ nhân để làm gì?
- Để sáng tạo nên những điều lớn lao, khiến nhân loại phải tưởng nhớ, biết ơn mình
- Làm được vĩ nhân thì tốt quá. Cái dáng mặt đen, răng vàng, chân vòng kiềng như bác thì đừng có mơ những điều cao cả lớn lao
- Thì tôi cũng biết thân biết phận có dám ước ao viển vông đâu. Tại bác hỏi nên tôi mới đánh liều nói ra suy nghĩ của mình đấy chứ.
- Biết mình biết ta như thế là tốt. Có một đôi vợ chồng trẻ không có sự hỗ trợ của Tiên, của Phật vậy mà đã có hành động thật đáng khâm phục, khiến tôi mấy ngày nay cứ suy nghĩ mãi
- Người có trái tim chai lì như bác mà phải rung động thì không phải chuyện đùa. Chuyện thế nào hả bác?
- Chẳng là có hai vợ chồng đều là nhà báo đã nhận nuôi một đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi mấy năm nay
- Ôi dào, có gì đặc biệt đâu, thiên hạ nhận con nuôi đầy ra đấy
- Khi mới sinh cách đây hơn hai năm đứa bé bị ném vào vườn, bị súc vật ăn mất bộ phận sinh dục và một chân
- Nhận nuôi trẻ tàn tật giờ đâu còn là của hiếm. Chắc gia đình đó không có con nên nhận về cho đỡ buồn chứ gì?
- Trái lại, họ đã có hai cậu con trai hết sức kháu khỉnh
- Phú quí sinh lễ nghĩa, họ đủ giàu nên nuôi thêm một đứa nữa thì hề hấn gì
- Họ vẫn ở nhà thuê, với đồng lương công chức họ chỉ sống tạm đủ, hầu như không để ra được bao nhiêu.
- Chắc là họ đã từng làm điều gì đó không phải giờ làm việc nghĩa để chuộc lại lỗi lầm chứ gì?
- Đầu óc bác tối tăm đến thế là cùng. Gần đây, nhờ lòng hảo tâm của xã hội, cộng với số tiền chắt bóp được là hơn 100.000 USD họ đưa đứa con nuôi sang Mỹ để lắp chân giả và khắc phục chức năng đàn ông cho cháu bé
- Gần hai tỷ đồng chữa bệnh cho đứa trẻ không phải do mình dứt ruột đẻ ra, một việc làm thật đáng ngờ
- Chỉ vì những người mất lòng tin vào thiện tâm của con người như bác nên mọi thứ mới rối tinh lên đấy
- Tin làm sao được khi mà trong xã hội đầy rẫy những kẻ ăn chặn tiền cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, thầy giáo mua trinh học trò, con chém bố, cháu bóp cổ bà…
- Dù thế nào cũng ráng phải tin hay giả vờ tin vào lòng tốt con người bác ạ. Người Việt Nam mình vốn lạc quan mà bác
Cận