Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Xa xỉ với tương lai

- Bác Viễn đi đâu về mà mặt mũi đăm chiêu thế?
- Tôi vừa đi xem phim ngoài rạp về
- Chà, chà! Sao hôm nay bác ăn chơi thế? Mỗi chiếc vé xem phim mấy chục ngàn bạc ít ỏi gì đâu. Bác vừa xem phim gì về vậy?
- Siêu phẩm 2012, kinh khủng lắm bác ạ
- Bác kể tôi nghe với
- Phim nói về nỗi kinh hoàng của ngày tận thế, chỉ có một nhóm thoát chết, và họ được sống để chiêm nghiệm lại những gì mình đã gây ra
- Sao gần đây người ta nói nhiều về việc trái đất bị huỷ diệt thế nhỉ?
- Bởi vì cái ngày đó cũng không còn xa nữa
- Bác cứ bi quan, tôi vẫn thấy trời xanh, mây trắng, chim hót líu lo, có biểu hiện gì của ngày tận thế đâu
- Giờ này mà bác vẫn còn u mê quá. Giữa mùa đông mà Hà Nội nóng như mùa hè, thủ đô Matxcova nhiệt độ xuống âm 22 độ C, khắp nơi ngập lụt, giông bão, báo hiệu sự giận dữ của thế giới tự nhiên đấy
- Tôi nghe nói vừa diễn ra Hội nghị Copenhagen bàn về biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu mà?
- Họp cho vui thôi, thế giới khó mà ký được một văn bản ra hồn khi vẫn còn tình trạng cá lớn nuốt cá bé. Chỉ khổ cho những nước đang phát triển như Việt Nam, khí hậu nóng lên, nước biển dâng tràn, mấy chục phần trăm dân số mất đất không biết sẽ đi đâu về đâu
- Vậy thì mình phải tự lo lấy thân chứ
- Vấn đề là lo như thế nào, khi mà tình trạng xả thải nước bẩn ra sông hồ vẫn ngày càng phát triển, rừng vẫn bị khai thác triền miên, kiểm lâm hàng ngày vẫn đổ máu vì lâm tặc, đi đến đâu cũng thấy rác, thật kinh khủng quá
- Sao ý thức dân mình giờ kém thế nhỉ?
- Dân thời nào cũng vậy thôi. Họ trở nên thiếu ý thức là do kỉ cương phép nước không nghiêm, người trên thiếu gương mẫu, người dưới đâm nhờn. Nhiều quan chức nghiện ăn thú rừng, thích ngủ nhà sàn, bảo sao mà rừng không bị phá. Trưởng hạt kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc, chủ tịch xã lại sản xuất hàng giả, buôn lậu động vật quí hiếm, công ty giữ gìn vệ sinh môi trường lại đổ trộm đất thải ra đường phố để moi tiền Nhà nước hai lần…
- Thôi bác đừng nói nữa, tôi ù hết cả tai rồi. Tóm lại, bây giờ chúng ta phải làm gì?
- Nghe nói người ta mới phát hiện trên sao Hoả có nước, hay là chúng ta lên đó sống vậy?
- Với ý thức bảo vệ môi trường kém thế này thì sao Hoả cũng chẳng tồn tại được mấy nả đâu. Chỉ thương đám con cháu chúng ta phải gánh chịu hậu quả từ sự vô trách nhiệm và tham lam của các thế hệ ông cha
Cận

Trăm năm bia đá

- Sao dạo này trông bác Viễn có vẻ buồn vậy? Có phải do tuần trước tôi đi uống bia mà không mời nên bác giận phải không?
- Tôi buồn là do gần chót đời rồi mà vẫn còn một việc chưa làm được.
- Nhà cao cửa rộng này, vợ đẹp, con cái thành đạt này, lại có mấy quyển sổ tiết kiệm đủ để sống sung túc tới chết, bác còn muốn gì nữa
- Phù phiếm, phù phiếm tất. Những cái đó khi chết có mang đi được đâu. Cái tôi cần là được lưu danh muôn thuở kia.
- Chà… chà| Đúng là tư tưởng của bậc đế vương. Thế bác định đi vào lịch sử bằng cách nào?
- Tôi định đợt này thi nghiên cứu sinh, lấy cái bằng tiến sỹ bác ạ
- Nhưng bác có biết một chữ nước ngoài nào đâu mà đòi thi?
- Thế bác tưởng ông tiến sỹ nào cũng biết ngoại ngữ chắc? Khối ông tiếng mẹ đẻ còn chưa nói sõi kia kìa.
- Thời buổi bây giờ khác rồi bác ạ. Người ta đang phấn đấu đào tạo tiến sỹ đạt chuẩn quốc tế đấy.
- Đạt chuẩn quốc tế cũng có dăm bảy loại. Nếu chỉ tính trong phạm vi ba nước Đông dương thì mình vượt chuẩn rồi, cần gì phải phấn đấu. Tôi chỉ cần cái bằng tiến sỹ ở mức này thôi
- Tiến sỹ là bậc học cao nhất, là cái ngọn của tri thức. Nhìn vào hoa, vào quả trên đó người ta có thể hiểu được cái gốc có được vun sới cẩn thận, có vững bền hay không. Sách giáo khoa ở bậc phổ thông còn chẳng viết nổi, làm sao mà đào tạo được tiến sỹ ở trình độ quốc tế kia chứ. Có chăng chỉ là tiến sỹ giấy, tiến sỹ ma.
- Ma hay giấy thì có sao, miễn có tên trên bảng vàng, bia đá là được rồi
- Bác cứ mơ mộng hão huyền. Thời xưa, mấy năm trời người ta mới phát hiện được vài ông tiến sỹ. Đa phần là thực tài, đều được lưu danh muôn thuở vì những đóng góp to lớn cho đất nước. Còn bây giờ ấy à…
- Bây giờ thì làm sao? Nhiều người vừa có cái bằng tiến sỹ là được bổ nhiệm ngay đấy thôi, tha hồ mà cống hiến nhé.
- Đây chính là hạn chế của chúng ta. Khi chưa rạch ròi được giữa vai trò nhà quản lí với nhà khoa học thì đất nước khó có được một đội ngũ trí thức tử tế lắm
- Tôi còn nghe nói sắp tới người ta sẽ khắc tên các tiến sỹ vào bia đá đấy. Ước gì…
- Thôi đi bác. Đá người ta khai thác để lát nền nhà vệ sinh hết rồi. còn đâu để khắc tên tiến sỹ. Trăm năm bia đá cũng mòn mà bác
Cận

Một món khoái khẩu

- Đố bác Viễn người Việt mình thích ăn gì nhất?
- Ăn phở, ăn nem, thịt thú rừng, người giàu thì mê yến sào, súp vây cá mập…
- Sai bét. Dân mình bây giờ rất thích ăn sắt, mê hơn mọi thứ trên đời
- Bậy nào, sắt cứng thế ăn sao được, ăn vào có mà thủng dạ dày à.
- Thủng dạ dày đã ăn thua gì, khối kẻ tù tội, thân tàn ma dại vì sắt mà có sợ đâu, cứ hở ra là ăn, bao nhiêu cũng ăn hết
- Thán phục, thán phục, bác có thể giới thiệu những người có hệ tiêu hoá đặc biệt đó cho sách kỉ lục thế giới được đấy
- Bác giả vờ “ngố” đấy à? “Ăn” ở đây là tham ô, tham nhũng, bác hiểu chưa?
- Ôi dào, vậy mà tôi cứ tưởng… Thế ai tham ô, ai tham nhũng?
- Đúng là cháy nhà ra mặt chuột bác ạ. Hôm vừa rồi sóng đánh vỡ mấy đoạn đê chắn triều cường ở một thành phố phía Nam…
- Thiên tai phá hỏng công trình nhân tạo là chuyện bình thường mà.
- Vấn đề là trong cả đoạn đê dài được làm bằng bê tông bị vỡ đó chỉ có lèo tèo vài thanh sắt.
- Chết, chỉ có cát và xi măng sao gọi là bê tông được. Hay là khi bê tông bị vỡ, cá nó tha hết sắt về làm tổ rồi. Làm công trình đê chắn biển đó có tốn không bác?
- Hàng trăm tỷ đồng chứ có ít đâu. Bao mồ hôi nước mắt của người dân giò trôi ra sông ra biển hết
- Có khi mấy tay chủ thầu xây dựng sợ nước biển ăn mòn nên rút sắt ra để tiết kiệm cho nhà nước cũng nên
- Nhà nước nào khuyến khích kiểu làm đó. Số tiền ăn cắp đựơc chui vào túi cá nhân cả thôi, thật khốn nạn quá
- Khe khẽ cái mồm thôi, kẻo tai vách mạch rừng…
- Sợ gì mà phải giấu. Có phải chỉ riêng đê biển đâu, cọc tiêu chỉ đường cốt tre, nhà cao tầng bị rút lõi sắt bị bắt quả tang đầy ra kia kìa
- Này bác, không biết căn hộ chung cư cao cấp tôi mới dọn đến ở có bị ăn bớt sắt hay xi măng không nhỉ?
- Đợi khi nào có động đất bác sẽ biết ngay thôi. Cứ cái đà phá hoại môi trường thế này thì cái ngày ấy không còn xa nữa đâu
- Khổ cái thân tôi, chưa kịp ăn chơi, hưởng thụ gì mà đã gặp động đất thì uổng quá
Cận

Ôi, hạnh phúc quá!

- Theo bác Viễn thì thời buổi này làm nghề gì sướng nhất?
- Làm nhà giáo, nhà khoa học, vừa có trí tuệ, vừa được kính trọng
- Không phải, nghề đó nghèo quá nên hay bị vợ con chê bai, coi thường
- Vậy thì làm doanh nghiệp, trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh khiến ai cũng phải nghiêng mình kính nể
- Sai rồi, tiền nhiều cũng oai, nhưng để có nó, đầu tắt mặt tối lắm
- Thế thì làm công nhân, chẳng phải mưu mô gì, kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, tối về lên giường là ngáy te te
- Cũng không đúng. Nghề này ráo mồ hôi là hết tiền. Mỗi dịp năm học mới, lo tiền sách vở cho con cũng đủ nhồi máu cơ tim rồi
- Tôi chịu không đoán được, vậy theo bác thì nghề nào sướng nhất?
- Nghề làm công chức, nhất là công chức ở thành phố.
- Người ta thường ví, công chức là đầy tớ của dân thì sướng nỗi gì?
- Có lẽ đầu óc bác có vấn đề nên mới năm chục tuổi đầu đã bị tống về hưu. Công chức bây giờ là sướng nhất đấy, vừa có thể làm giàu nhờ hoạnh hoẹ người dân, mưa lại không tới mặt, nắng không tới đầu, vừa có bằng tiến sỹ để tiếng thơm cho muôn đời
- Bác nói gì tôi không hiểu. Công chức thì liên quan gì tới bằng tiến sỹ?
- Thế bác không biết chuyện Sở Nội vụ vừa công bố đến năm 2020 Thủ đô sẽ đạt 100% cán bộ có học vị tiến sỹ à?
- Tiến sỹ là để làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, có liên quan gì đến công việc của một công chức hay quan chức đâu
- Ai chẳng biết thế, nhưng làm công chức có thêm cái mũ tiến sỹ nữa cũng oai lắm chứ. Nhiều nơi bây giờ qui định, người đứng đầu các bộ phận buộc phải có học vị tiến sỹ, có vậy nói cấp dưới nó mới nghe
- Chà, chà sắp tới đội trưởng đội xe, trưởng phòng hành chính, phụ trách vệ sinh môi trường hay trưởng ban bảo vệ như tôi cũng phải có bằng tiến sỹ à?
- Đương nhiên. Có khi tên bác còn được khắc vào bia đá ở Quốc tử giám cũng nên. Lấy được bằng bác nhớ khao đấy nhé.
- Vui quá, đến lúc đấy nhà nào cũng có vài ba tiến sỹ. Mấy bà bán chè đỗ đen, mấy ông chạy xe ôm muốn được cấp phép chắc cũng phải phổ cập thạc sỹ bác nhỉ. New york, Lon Don rồi sẽ phải phát ghen vì kém tầm trí thức so với Hà Nội. Ôi, hạnh phúc quá!
- Cũng chẳng có gì đáng mừng đâu. Để đào tạo được một tiến sỹ tốn tiền nộp thuế của dân lắm, đấy là chưa kể sẽ phát sinh nạn trọng bằng cấp. Tiến sỹ lúc đó khác gì mấy anh tại chức bây giờ, có bằng cấp nhưng có thêm được tí kiến thức nào đâu
- Bác bi quan quá. Biết đâu đến năm 2020 Hà Nội được xếp vào sách kỉ lục thế giới vì có nhiều tiến sỹ nhất thì sao? Lúc nhận vinh dự đó bác đừng có vênh mặt lên nhé
Cận

Người giả - hàng giả

- Đố bác Viễn nguyên nhân từ đâu mà bà con nông dân bỏ đồng ruộng lên thành phố ngày càng đông?
- Thì ở nông thôn không có việc làm, giá nông sản được thu mua rẻ rúng, cuộc sống chật vật khó ngóc đầu lên được, khiến nhiều người phải cắn răng “li hương”…
- Đúng vậy, người ta thống kê hằng năm mỗi gia đình ở nông thôn phải nộp hơn 200 khoản thu lớn nhỏ đấy.
- Chết, sao nhiều thế? Họ phải nộp những khoản gì vậy?
- Nhiều lắm. Đơn cử như thuế nông nghiệp, phí thuỷ lợi, quĩ khuyến học, điện đóm, cầu đường, áo lụa tặng bà, điếu cày tặng ông…
- Thì tránh đâu cho khỏi nắng, thế bác tưởng ở thành phố không phải nộp gì hay sao?
- Biết thế, nhưng tôi có cảm giác những khoản thu, khoản phạt cứ như để “tận diệt” vậy. Gần đây một cơ quan đã có văn bản trình chính phủ đề nghị xử phạt thật nặng những đối tượng sản xuất phân bón giả đấy.
- Việc này đáng ra phải tiến hành từ lâu rồi. Sao tự nhiên bác lại động lòng cho những kẻ táng tận lương tâm vậy?
- Đâu có. Điều đáng nói là trong văn bản này có điều khoản đề nghị xử phạt tới 10 triệu đồng nếu bắt gặp ông bà Hai Lúa nào đó mua phải phân bón giả
- Thật vô lí, họ là nạn nhân kia mà. Thế những người uống phải thuốc rởm, ăn phải thực phẩm giả cũng bị phạt à?
- Theo lí giải của cơ quan này, họ làm thế là để ngăn chặn người nông dân tham rẻ mua hàng rởm
- Làm gì có ai chủ ý mua hàng giả về sử dụng bao giờ. Chắc cơ quan này không quản lí nổi đám làm hàng giả nên họ đá quả bóng trách nhiệm sang các nạn nhân đây mà. Vậy làm thế nào để nhận biết được phân bón giả?
- Nhiêu khê, phức tạp, tốn kém lắm. Nói chung là phải có thiết bị cực kì hiện đại, được sử dụng bởi những kĩ sư giỏi.
- Vậy bằng mắt thường, người nông dân có nhận biết được phân bón thật giả không?
- Các phòng thí nghiệm được đầu tư tốn kém thế mà còn cho kết quả nhiều khi trái ngược nhau nữa là người nông dân với đôi mắt cả đời không được nhỏ thuốc.
- Vậy thì người nông dân phải làm thế nào?
- Theo tôi tốt nhất là khi trồng trọt họ đừng dùng phân bón nữa
- Như vậy cây cối làm sao phát triển, cho thu hoạch cao được
- Thế thì dừng sản xuất lại, bỏ lên thành phố mà làm cửu vạn, làm “Ôsin”.
- Đấy là biện pháp tiêu cực, nó sẽ phá vỡ cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội
- Vậy chỉ còn cách là nhà nước phải đánh thật mạnh vào đám làm hàng giả, để người nông dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, phải loại trừ khỏi bộ máy công quyền đám thầy dùi đã đưa ra những đề xuất vô lí
- Việc gì phải ác thế. Mỗi sáng bắt mỗi tên mắc bệnh xúi đểu đó ăn một bát phân bón giả là tởn đến già ngay thôi mà.
Cận

Tham bát bỏ mâm

Hello Mr Viễn| How are you?
- Bác biết tôi vốn dốt đặc mà còn bày đặt nói ngoại ngữ, bố ai biết ý bác muốn nói gì.
- Xin lỗi bác| Chẳng là vợ chồng tôi vừa đi du lịch Mỹ mấy ngày, tự nhiên nhiễm cái thói hơi một tí là xả tiếng nước ngoài.
- Chính phủ vừa phát động phong trào Người Việt dùng hàng Việt, cái bệnh xính hàng ngoại của bác nên bỏ ngay đi, kẻo thiên hạ họ cười cho đấy
- Cười hở mười cái răng. Cái tạng người mẫu của tôi là phải diện hàng ngoại mới hợp.
- Bác nói thế không biết ngượng mồm à? Trong lúc khủng hoảng kinh tế, việc tiêu dùng hàng nội chính là biểu hiện của tinh thần yêu nước đấy.
- Ai chẳng yêu nước, nhưng bác thử tưởng tượng người có hình thể đẹp như rồng như phượng của tôi mà xài bộ đồ vừa xấu vừa đắt của mấy hãng nội địa thì phí công chăm bẵm của cha mẹ lắm.
- Thế bác tưởng mấy thứ đồ ngoại mà bác thường dùng là hàng xịn à? Cũng là hàng nhái cả thôi. Nhiều thứ thấm đẫm hoá chất gây ung thư, gây dị ứng, mắc bệnh ngoài da đấy.
- Nhưng chúng lại rẻ, mẫu mã phong phú, bắt mắt. Chẳng thế mà nhiều hãng của ta nhập loại hàng đó về, thay nhãn mác Made in Việt Nam rồi bán giá cao đấy thôi
- Đất nước không ngóc đầu lên được là do loại người cứng đầu như bác đấy
- Đừng nặng lời thế, lỗi này không thuộc về người tiêu dùng. Bác có biết người dân Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản họ luôn được sử dụng các sản phẩm tốt nhất, hàng thứ cấp là dành cho xuất khẩu. Còn ở ta thì ngược lại, người dân luôn phải dùng hàng phế phẩm, giờ bảo họ phải yêu thứ hàng hoá dễ gây tổn thọ này e rằng khó lắm.
- Bác nói cũng có lý. Không hiểu vì lí do gì mà các doanh nghiệp của ta lại coi thường nguời tiêu dùng nội địa thế nhỉ?
- Bác cứ giả vờ ngây thơ, xuất khẩu để thu đô la, giờ bị nước ngoài quay lưng mới quay ra ve vãn người dân trong nước. Khi tình hình yên yên là họ lại đá vào đít người tiêu dùng ngay. Tôi còn lạ gì cái đám con buôn đó nữa.
- Thôi thì chín bỏ làm mười, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại, giờ các doanh nghiệp đã biết hối lỗi thì cũng nên quảng đại mà tha thứ
- Nói thế còn nghe được. Tôi có lời khuyên với các doanh nghiệp là, chớ có tham bát bỏ mâm, kẻo có ngày đi ăn mày cũng không ai thương đâu.
Cận

Bong bóng trách nhiệm

- Hôm qua bác Viễn đi đâu mà tôi gọi điện thoại mãi không được thế?
- Có việc gì không bác? Mấy hôm nay tôi ra phường tiếp nhận hàng cứu trợ đồng bào miền Trung, tận khuya mới về.
- Cũng không có việc gì gấp. Chẳng là có hộp trà xịn người ta biếu, mời bác sang thưởng thức đón trăng thôi
- Ôi dào, khúc ruột miền Trung, Tây Nguyên đang căng mình chống lũ, trẻ con mì tôm không có mà ăn, ai còn tâm trí đâu mà thưởng trà ngắm trăng.
- Thôi để hôm nào thong thả ngồi với nhau vậy. Các bác đã quyên góp được nhiều chưa?
- Cũng kha khá nhưng không ăn thua. Đồng bào mình trong đó bị thiên tai nặng quá. Hàng trăm người chết và mất tích, hàng vạn người mất nhà cửa, ruộng vườn, mấy chục nghìn tỷ đồng trôi theo nước lũ.
- Đây có phải lần đầu bị như vậy đâu. Cơ quan có trách nhiệm đã làm gì mà để thiệt hại lớn thế?
- Thôi bác đừng nói đến trách nhiệm làm gì cho thêm buồn. Trong lúc chính phủ và nhân dân cả nước đang tìm mọi cách giúp dỡ đồng bào miền Trung thì chính quyền tại các địa phương gặp thiên tai lại đang cãi nhau ỏm tỏi kia kìa
- Họ tranh cãi chuyện gì vậy?
- Một ông đứng đầu một tỉnh cho rằng kẻ gây ra thiệt hại là cơ quan khí tượng thuỷ văn do đã dự báo sai. Còn bên khí tượng lại đổ cho chính quyền tỉnh lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống bão.
- Sao vào lúc nước sôi lửa bỏng thế này mà họ lại cãi nhau nhỉ?
- Thì để đổ trách nhiệm cho kẻ khác chứ sao nữa
- Cái tính vô trách nhiệm của một số quan chức đã biểu hiện từ lâu, sao chúng ta vẫn chưa có giải pháp đối với loại người này?
- Thì cũng đã cách chức, bỏ tù, cảnh cáo một số đối tượng nhưng các biện pháp chế tài vẫn như phủi bụi. Có người “bị” thuyên chuyển…lên vị trí cao hơn, cần trách nhiệm lớn hơn, thật chẳng biết thế nào mà lần
- Thì phải tăng cường giáo dục đạo đức cán bộ chứ
- Không ăn thua. Theo tôi, trước khi bổ nhiệm cán bộ vùng có nguy cơ cao, yêu cầu đối tượng phải lội dưới dòng nước lũ mò cua, bắt ốc buộc phải ngồi trên mái tôn dưới cái nắng chang chang, ăn mì tôm sống 10 ngày liền, ai vượt qua được thì mới giao trọng trách, có thế trách nhiệm của cán bộ mới lên cao được
Cận