Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

Thông minh đột xuất



- Sao vừa sớm ra mặt mũi bác đã cau có thế, bà xã không nấu cho ăn sáng à?
- Ăn uống cái nỗi gì, vừa đến đầu phố đã bị xe của mấy ông “mãnh” tóc xanh tóc đỏ đụng phải, lại còn phải cho mấy chục chúng mới tha cho đi, mất dạy quá
- Bác cứ hay khắt khe. Thanh niên bây giờ nó thế, cũng phải học cách sống chung với “lũ” chứ
- Chẳng ai chấp nhận được lũ nửa người nửa ngợm này. Đi đứng thì nghênh ngang, gặp người trên mắt cứ dương lên
- Đừng bi quan quá thế, khi đất nước có chuyện là cái đám này được việc ra phết đấy bác ạ. Hôm vừa rồi tôi thấy khối thằng đeo khuyên tai, xăm trổ đầy người cứ xông vào đòi được hiến máu nhân đạo cứu người đấy
- Chết dở, máu bọn này chắc toàn HIV cũng nên
- Dẫu gì thì đây cũng là hành vi đáng quí, còn hơn mấy ông to béo hô hào mọi người thì mạnh mồm lắm, nhưng cấm cho ai được cái gì. Đã thế, thấy ai hở ra là hút lấy hút để
- Bác cứ nói quá, họ không hiến máu được là do bận chơi tennis quá thôi. Dẫu sao đi nữa, giao tương lai đất nước cho đám thanh niên ba trợn tôi không yên tâm
- Vậy mà kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa rồi chính cái đám thanh niên bác vừa chê bai này đã gây xốc cho xã hội đấy
- Chúng lại quay cop hay giở trò gì à?
- Bác cứ hay nghĩ xấu, chúng đạt tốt nghiệp gần 100% đấy
- Kinh thế kia à, sao chúng thông minh đột xuất thế nhỉ?
- Nghe nói năm nay thực hiện chủ trương các trường tự coi thi, không cần giám sát của Bộ nữa
- Thế thì đỗ cao là đúng rồi, chuyện này khác gì rán cá xong để trên bàn không đậy điệm gì, trước khi đi làm dặn con mèo “Không được ăn vụng nghe chưa”
- Đấy chỉ là nguyên nhân nhỏ. Nguyên nhân chính thì như một vị quan chức khẳng định: Các cháu đạt điểm cao là nhờ mấy hôm thi trời mát, đồng thời các cháu nỗ lực là nhằm cổ vũ cho dịp đại lễ Hà Nội nghìn năm tuổi
- Thì ra nhân tài nước Việt hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Việc một cháu ở Hà Nội vừa rồi giành giải nhất Đường lên đỉnh Olimpya chắc cũng nhằm hướng tới dịp Đại lễ này, rồi thằng nghiện bớt vài liều Heroin mỗi ngày cũng là nhằm hướng tới…Ô hô, a ha
Cận

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Ôm rơm rặm bụng



- Bác Viễn này, không hiểu ai nghĩ ra cái trò cho học sinh nghỉ hè thế nhỉ?
- Thì các cháu học hành quanh năm vất vả cũng phải cho chúng nghỉ ngơi chứ!
- Cả nhà tôi đang loạn hết cả lên chỉ vì mấy đứa cháu kia kìa.
- Nếu không chăm nom được thì gửi trả cho bố mẹ chúng, ôm rơm làm gì cho rặm bụng.
- Trả được thì đã tốt, bố mẹ chúng nó cũng phải đi làm. Nghỉ ở nhà trông con thì lấy gì mà ăn.
- Tôi cũng đang khốn khổ đây. Từ đầu hè đến giờ tôi còn không có thời gian đọc báo nữa cơ, ngủ cũng chỉ dám nhắm một mắt, phải cảnh giác trông chừng lũ nhóc, sểnh ra là đánh nhau.
- Hôm vừa rồi nhà tôi gặp phen hú vía, chẳng hiểu thằng cháu nội làm thế nào mà leo được lên nóc tủ nằm ngủ, cả nhà nháo nhào đi tìm giữa trưa hè. Khi mọi người thất vọng trở về thấy nó đang ngồi giữa mâm bốc cơm nguội nhét đầy vào hai lỗ tai, bực quá!
- Như thế đã ăn thua gì. Bà nhà tôi bị gai đôi đót sống lưng mà chúng đâu có tha. Suốt ngày chúng bắt bà ấy làm ngựa cho chúng nó cưỡi. Đã thế thằng lớn còn thỉnh thoảng dùng thắt lưng quật vào mông bà bắt “phi” cho nhanh nữa chứ, thật hết chịu nổi.
- Sao trẻ bây giờ nghịch và hư thế nhỉ?
- Bác tính, chúng suốt ngày bị giam hãm giữa bốn bức tường, sáng học, chiều học, tối học, rảnh được phút nào là lại games online làm gì mà chẳng cuồng cẳng, nghịch ngầm.
- Nhưng nếu thả chúng ra xã hội còn đáng lo hơn. Đám nghiện hút lượn vè vè ngoài đường, dễ tiêm nhiễm lắm. Nếu cho chúng sinh hoạt tại các nhà văn hoá thì cũng phải đưa đón, người đâu ra. Theo bác, các thầy cô có thích nghỉ hè không?
- Nghi ngi ai chẳng thích, nhưng chỉ cần một vài tuần thôi. Nhiều người suốt ngày nằm ngủ đợi chồng, có việc gì làm đâu. Nhớ lớp nhớ trò mà chẳng biết làm thế nào?
- Ý bác muốn nói là nên mở những lớp hè để bố mẹ bọn trẻ yên tâm công tác chứ gì. Nếu có những lớp như vây tôi cũng sẽ đăng kí, sẵn sàng ngồi ở bậu cửa đọc thơ cho cô giáo nghe.
Cận

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010

Chết rét giữa mùa hè



- Ngực nở, đùi dế như tôi quần đùi cởi trần còn có người ngắm “hàng họ”, đằng này đôi “vó” thì như ống sậy, xương sườn nổi u nổi cục thế kia nhông nhông ngoài phố không thấy xấu hổ à. Áo xống đâu mà không mặc vào, gớm quá!
- Kệ tôi, trời nóng thế này mà sơ mi cà vạt khác gì đeo gông vào cổ. Bác thử sờ vào lưng áo xem, ướt sũng mồ hôi khác gì cái giẻ lau nhà.
- Tôi vừa họp trên phường về, nơi công đường phải ăn mặc chỉn chu chứ!
- Nóng như thiêu như đốt thế này tụ tập đông người làm gì cho khổ, về nhà bật điều hoà lên cho nó sướng cái thân già.
- Nhà tôi cả tuần nay bị cắt điện, nóng quá không chịu được, mấy ông cháu mỗi người ngồi trong một chậu nước chơi thuyền giấy cũng vui lắm bác ạ.
- Nhà tôi vừa mất điện vừa mất nước mới chết chứ. Không hiểu mấy “ông” điện nước nghĩ gì lại nhè vào dịp này mà cắt nhỉ?
- Thì bác tính nhu cầu sử dụng của người dân tăng mạnh trong khi khả năng đáp ứng của ngành điện lại có hạn, họ cắt điện luân phiên là để người dân chia sẻ với nhau sự sung sướng và nỗi khổ đau ấy mà.
- Tôi lại nghe nói ngành điện cắt điện là để duy tu, bảo trì đường dây.
- Sao không sửa chữa vào mùa đông hay những hôm mát trời, cắt vào những hôm trời nắng thế này bố ai chịu được…
- Hồi mùa đông họ còn bận chia nhau sử dụng mấy nghìn tỷ đồng tiền thưởng. Không chịu được thì bác đi mà kiện. Họ cắt vào dịp này chủ yếu là để thách thức những người hay kêu ca như bác đấy. Bác cứ nhồi máu cơ tim đi, cứ đột quị đi, chẳng ai phải chịu trách nhiệm đâu.
- Ôi dào, tôi khổ vì nóng một thì vợ con các vị ấy khổ mười.
- Ai nói với bác là vợ con họ khổ. Nhà họ có đường điện “ưu tiên” riêng, có bể bơi riêng, nếu có chết thì họ chết vì rét giữa mùa hè, chứ không phải chết vì bức bối như bác đâu.
- Tôi già rồi, vô dụng rồi, có chết vì thiếu điện cũng không tiếc. Chỉ thương mấy ông bác sĩ hàng ngày nhìn bà con ùn ùn kéo nhau vào viện vì nóng mà không có điện để phẫu thuật nên cũng chẳng kiếm chác được gì, phải ăn bánh piza trừ cơm, tội quá!!!
Cận

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Giải toả bức xúc



- Bác Viễn đi đâu mà vội vàng thế?
- Tôi ra công viên hóng mát thôi
- Hóng mát mà sao quần áo chỉnh tề thế, kiếm được bà nào mới phải không?
- Bậy nào, tôi ra đó đọc sách.
- Bác đùa đấy à? Công viên là nơi hẹn hò, tí tởn của đám thanh niên, đâu phải thư viện. Mà tôi có thấy bác cầm theo cuốn sách nào đâu?
- Gần đây, có mấy cô bé sinh viên mang sách riêng ra công viên cho mọi người đọc miễn phí, nhiều người ghé qua lắm!
- Đọc sách thì liên quan gì đến sơ mi cổ cồn, cà vạt là thẳng tắp thế kia, tôi chẳng tin.
- Sách vở là tinh hoa của nhân loại, phải trân trọng chứ. Các cụ ngày xưa, trước khi đọc sách thánh hiền phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước thơm đấy!
- Thế kia à, tôi tưởng các cụ ngày xưa nghèo lắm, nhất là giới trí thức, ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ra nước thơm mà tắm.
- Bác chỉ giỏi vặn vẹo. Đấy là nói một cách hình tượng thôi, không có nước thơm thì tắm nước giếng, nước mưa cũng được.
- Bình nóng lạnh chẳng có, nhỡ hôm trời rét ra tắm mà bị cảm thì vợ con mất nhờ.
- Thôi không nói chuyện với bác nữa, tôi đi đây. Cùn đến thế là cùng.
- Bác bảo ai cùn? Sách ngày xưa quí giá, đáng trân trọng, bởi nó là sản phẩm tâm huyết của bao thế hệ. Ai biết khai thác nó đều nên người cả. Còn sách bây giờ ấy à…
- Nhiều cuốn bây giờ cũng có giá trị đấy chứ!
- Ít lắm, đa phần là “xào nấu”, “cắt dán” của nhau. Có cuốn bệ nguyên chuyện phòng the, đọc xong thấy rạo rực hết cả người, phải nhảy xuống bể nước ngâm một lúc mới hết bức xúc đấy!
- Nhà bác còn có bể để nhảy xuống, chứ đám thanh niên biết giải toả ở đâu. Thảo nào mà tệ nạn xã hôi xuất hiện tràn lan, không kiểm soát được.
- Vậy phải làm thế nào bây giờ?
- Chỉ còn cách xây cho mỗi nhà một bể bơi để cho những người không kiểm soát được mình như bác ngâm người xuống đó khi đọc sách đen.
Cận