Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Tiện cả đôi đường

- Lại vừa xảy ra sự cố bệnh nhân bị đau ruột thừa bác sỹ cắt dạ dày bác ạ
- Dạ dày và ruột thừa nằm gần nhau nên cắt nhầm cũng là chuyện bình thường. Năm ngoái còn có trường hợp người ta đau tai mà bác sỹ lại đè nghiến ra mổ tim, rồi có bà già đau khớp lại bị gây mê cắt lá lách mới kinh
- Sao bác sỹ bây giờ kém thế hả bác?
- Thực trạng này không liên quan gì đến trình độ chuyên môn, tất cả là do cái đám xã hội đen thôi. Bác tính, đang phẫu thuật mà bị bọn côn đồ truy sát nhau, xông cả vào phòng mổ, dao kiếm phi loảng xoảng, đạn réo ầm ầm trên đầu, ai mà bình tĩnh mổ cho chính xác được
- Mà sao dạo này đám lưu manh, đâm thuê chém mướn hay vào bệnh viện hành xử nhau thế bác?
- Bọn chúng cũng tính chán rồi, đâm chém nhau ở đấy có nhiều cái hay. Nếu chết cũng gần nhà xác, còn bị thương thì nơi này cũng sẵn thuốc men, bác sỹ, y tá chăm sóc không mất tiền, tiện cả đôi đường
- Thế bảo vệ đi đâu cả mà để bọn chúng tung hoành như chỗ không người vậy?
- Họ bận lắm. Riêng việc ngăn chặn người nhà bệnh nhân không cho vào chăm sóc người thân cũng hết cả hơi rồi. Rồi còn trông xe giá cao, rình mò xem có ai ở quê lần đầu ra thành phố khám chữa bệnh có vẻ lớ ngớ còn hăm dọa, bắt chẹt, kiếm chác. Nói chung là không còn thời gian đâu mà dây với đám côn đồ, chẳng may bị bọn chúng “sụt” cho một nhát thì vợ con mất nhờ, chẳng dại
- Vậy làm thế nào để hạn chế việc bác sỹ mổ nhầm?
- Để đủ bãn lĩnh đương đầu với côn đồ, trường y nên mở thêm khoa dạy karate. Ai không có chứng nhận đai đen dứt khoát không cấp bằng tốt nghiệp. Bác sỹ nào không tự trang bị áo giáp, mũ sắt, dùi cui điện để tự bảo vệ mình thì cương quyết không cấp cho chứng chỉ hành nghề, đâu vào đấy ngay ấy mà
Cận

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Chạy đôn chạy đáo

- Theo bác, làm quan có sướng không?
- Đầu chày đít thớt cả thôi. Lương hơn mọi người một ít, nhưng ngoài thì bị quan trên ép xuống, trong thì cấp dưới “quẫy” lên, mệt lắm
- Tôi chẳng tin. Khổ thế mà sao người ta cứ nhao vào, cắn xé, giành giật lẫn nhau. Có ông, vừa bị mất chức hôm trước, hôm sau đã ra đường nhặt lá, đá ống bơ, đi ngoài phố mà hai chân cứ xoắn vào nhau như bánh quấn thừng . Bổng lộc chắc nhiều lắm họ mới tiếc đến phát rồ phát dại như thế chứ?
- Cũng tùy người và tùy vị trí thôi. Như làm hiệu trưởng cấp Trung học phổ thông ở miền núi chẳng hạn, có học sinh đến lớp cho là may lắm rồi, lấy đâu ra mà tham nhũng
- Không “ăn” được cái này thì “ăn” cái khác. Bác có biết vừa rồi có đám cưới con gái ông Giám đốc một sở, mấy chục người dưới quyền đến phục dịch hơn chục ngày trời, chưa kể phong bì lớn bé.
- Hàng chục ngày trời chạy đôn chạy đáo như thế chắc mệt lắm nhỉ?
- “Đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở”, mệt mấy cũng phải tỏ ra phấn khởi hớn hở. Mặt mày ủ dột, đi lại uể oải “quan” lại cho rằng không có sức khỏe để “cống hiến” thì có mà toi. Có kẻ cứ 5 phút lại vã nước vào mặt giả làm mồ hôi rồi lượn qua lượn lại chỗ “quan” đứng, để “quan” nhớ mặt, thấy nỗi vất vả, rồi sai phái việc này, việc nọ, mới hi vọng được bổ nhiệm, cất nhắc chứ.
- Chẳng hiểu bố họ ở nhà chết đi có được chăm sóc chu đáo như vậy không nhỉ?
- Cũng còn tùy, nếu ông cụ để lại nhiều tiền bạc, đất đai thì còn mong con cái sum vầy, nếu không ấy à, chờ đấy
Cận

Ra ngõ là gặp Khổng Minh

- Những kẻ hay vượt đèn đỏ, thích langj lách, đánh võng giờ hết đất sống
- Căn cứ vào đâu mà bác lạc quan vậy?
- Có địa phương vừa “phát minh” ra tấm lưới buộc gạch, đá, kim loại để chụp bắt những đối tượng vi phạm luật lệ giao thông rồi bỏ chạy. Nghe nói, lưới này còn bắt được cả cá mập, mấy cậu choai choai có chạy đằng trời
- Mấy tay đua xe đang chạy tốc độ cao mà bị chụp lưới như thế có nguy hiểm đến tính mạng không?
- Theo thử nghiệm, biện pháp này không dẫn đến chết người, chỉ què quặt, chấn thương sọ não dẫn đến chập cheng, tẩu hỏa nhập ma thôi
- Sống mà như thế cũng coi như nát một đời trai còn gì. Sao dạo này nhiều người hiến kế cho giao thông thế nhỉ?
- Thì bác tính, mỗi ngày có tới gần một trung đội người chết vì tai nạn giao thông, ai chẳng lo, chẳng sốt ruột
- Nghe nói có ông còn rao bán trên báo kế hoạch chống ùn tắc giao thông với giá hàng trăm tỷ đồng, rồi có ông bộ trưởng vừa chân ướt chân ráo nhậm chức đã đưa ra kế hoạch phân giờ học, giờ làm, giờ buôn bán tại các thành phố lớn, khiến cả xã hội sôi sùng sục. Có người chất vấn ông bộ trưởng là, nếu thực hiện theo kế của ông, thì bao lâu sẽ hết ùn tắc, ông này trả lời là khó xác định lắm
- Đưa ra một kế hoạch gây xáo trộn cả xã hội mà không xác định được kết quả thì nguy hiểm quá. Cứ cái đà này, rồi thì nhà nhà hiến kế, người người hiến kế, cứ ra ngõ là gặp con cháu Gia Cát Khổng Minh, mệt lắm
- Cận

Người mau nước mắt

- Này bác, vừa có một ông Tổng ngành điện, trước mặt bàn dân thiên hạ, đã ngậm ngùi, rớt nước mắt thương các thuộc cấp nhận lương quá… cao đấy
- Thường thì người đời chỉ thương những người thu nhập thấp, chứ ai động lòng trước những kẻ lắm tiền nhiều của bao giờ. Thế cán bộ nhân viên của ông Tổng có mức thu nhập bao nhiêu mà ông ấy xót thương ghê thế?
- Vào năm 2009, bình quân đầu người ở công ty này là hơn 7 triệu đồng, gấp gần 10 lần người có mức lương trung bình lúc đó
- Thì họ kinh doanh giỏi nên đãi ngộ mọi người ở mức cao cũng xứng đáng thôi
- Được thế đã tốt, đằng này năm nào họ cũng kêu lỗ, năm nay lỗ 10 nghìn tỷ đồng. Đã thế, ngành nào, địa phương nào chỉ cần nhìn “đểu” thôi là họ cắt điện không còn làm ăn gì được nữa
- Độc quyền cũng giống đứa con cầu tự, đứa nào cũng hư, cũng bất trị lắm. Mà sao ông Tổng này hay “đau lòng” và mau nước mắt thế nhỉ?
- Thì lương cao thế chắc hẳn ăn lắm đặc sản nên không tiêu hóa kịp, dạ dày, mật, tụy hỏng hết cả nên mới hay đau râm ran. Rồi thì bia tươi, rượu ngoại nốc tì tì, lỗ dưới không thoát kịp nên trào ngược tràn ra theo đường mắt thôi
- Phải tôi ấy à, những kẻ làm ăn thua lỗ, chia chác thả phanh như thế tôi cách chức ngay, tống vào tù…
Không dễ thế đâu. Ở đâu còn lợi ích nhóm, ở đó còn tiêu cực. Tôi cá với bác là, sang năm, chính ông Tổng này lại đăng đàn, lại lăn lộn sướt mướt thương cấp dưới không mua được thêm biệt thự, không sắm được thêm Audi, Mercedes cho mà xem
- Người mà hay khóc thế dễ bị mù lắm, khổ thân
Cận

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Bôi bẩn kiệt tác

- Tôi vừa gặp cô Tấm trong siêu thị bác ạ.

- Bốc phét. Cô ấy, là hoàng hậu vào đó làm gì?
- Cô ấy đi mua quần áo, hình như vừa đi giải phẫu thẩm mỹ về.
- Ai chẳng biết cô Tấm đẹp như tiên, việc gì phải bơm ngực, độn mông.
- Cái đẹp bây giờ khác với ngày xưa rồi. Không kịp thời làm mới mình ấy à, hoàng tử sẽ bỏ rơi, ra “phố vẫy” ngay.
- Gần đây các nhà soạn sách giáo khoa đã làm mới câu chuyện cổ tích về cô Tấm bằng cách cắt bỏ đoạn làm mắm con Cám gửi cho mụ dì ghẻ ăn, chỉ giữ lại đoạn giội nước sôi lên người con Cám thôi.
- Ối giời! Bác nghĩ hành động giội nước sôi lên đứa em cùng cha khác mẹ là nhân ái ư? Sao không cắt béng cả đoạn đó đi, thay vào đó là chi tiết cô Tấm tha thứ rồi mời cả hai mẹ con mụ dì ghẻ đi ăn hải sản, nhường chồng cho con Cám vài bữa, còn mình thì lên chùa làm thơ cho nó lãng mạn.
- Thế thì còn gì tính độc đáo của câu chuyện nữa.
- Chuyện cổ tích có từ ngàn đời nay rồi. Con người nhìn vào cái kết để tự răn mình không làm điều ác. Tôi dám cá với bác là những kẻ như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa không bao giờ đọc chuyện cổ tích. Ai đã từng thấm đẫm tâm hồn với Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Cây khế chắc chắn không đủ can đảm làm điều bạc ác đâu. Đây là những kiệt tác đã được tác giả dân gian gọt giũa, hoàn thiện qua bao đời, chớ có tùy tiện chỉnh sửa. Nếu không thích thì bỏ chúng ra khỏi sách giáo khoa, để người dân tự định đoạt số phận câu chuyện. Chớ có dại mà tỏ ra khôn ngoan hơn tổ tiên.
Cận

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Chính qui hơn cha liệt sỹ

Thời bao cấp tôi nhớ mãi câu “tiền lẻ hơn thẻ thương binh”, giờ lại thấy xót xa với câu “chính qui hơn cha liệt sỹ”.

- Bác nói gì tôi không hiểu?
- Chẳng là mấy hôm nay có một số quan chức tuyên bố con liệt sỹ mà chỉ có bằng đại học dân lập, tại chức sẽ không được nhận vào biên chế nhà nước.
- Gia cảnh liệt sỹ thường rất khó khăn. Con em họ không có điều kiện học xa, phải theo hệ vừa học vừa làm, phải thông cảm, nâng đỡ chứ. Cấm con cái liệt sỹ không được thi công chức là hành vi bất nhân, vô ơn thậm chí vi phạm pháp luật đấy. Sao dạo này quan chức hay đưa ra những lệnh cấm gây sốc như ngực lép không được tuyển làm cô giáo, lưng gù không được cấp phép lái xe… thế hả bác?
- Thì cũng như mấy cô người mẫu quá lứa phải lộ “hàng”, để gây chú ý. Quan chức mà đầu óc tăm tối quá thỉnh thoảng phải “hoắng” lên để bề trên không quên, mới được cất nhắc, kiếm chác được chứ.
- Theo bác, Bill Gates hay Steve Job mà thi công chức ở nước mình liệu có đỗ không?
- Làm bảo vệ hợp đồng thì được. Chỉ học trường tư mà đòi vào biên chế nhà nước ấy à, còn lâu nhé.
Cận

nhất cử lưỡng tiện

Nhất cử lưỡng tiện
- Có lẽ đợt này tôi chuyển sang sản xuất mũ bảo hiểm bác ạ
- Mũ bảo hiểm xe máy đang bội thực, bác làm ra bán cho ai?
- Tôi làm để đội cho cá Hồ Tây
- Sao lại thế?
- Gần đây không hiểu ai cấp phép cho một đơn vị căng lưới làm sân tập chơi gôn trên mặt hồ
- Việc đó chỉ làm xấu Hồ Tây chứ ảnh hưởng gì đến cá
- Bác chẳng biết gì cả. Quả bóng chơi gôn rất cứng, được vụt đi với tốc độ 200km/giờ thì cá voi cũng chết chứ nói gì mấy con chép nhãi nhép
- Đất đai vẫn còn sao phải làm sân gôn trên mặt hồ hả bác?
- Chẳng là gần đây có “ông thủ trưởng” cấm nhân viên dưới quyền không được bén mảng đến sân gôn nên doanh nghiệp nghĩ ra trò tổ chức chơi gôn trên mặt hồ để nếu sếp bất ngờ kiểm tra thì lặn xuống nước trốn, vừa mát, vừa an toàn, có khi còn bắt được vài con cá về nấu canh chua, thật nhất cử lưỡng tiện
- Đá bóng, chơi tenis, nhậu nhẹt, nghỉ trưa với bạn gái… cũng làm mất thời gian sao không cấm cả mà chỉ cấm chơi gôn thôi nhỉ?
- Dần dần rồi sẽ cấm hết
- Nếu cấm tất cả các môn thể thao thì công chức lấy đâu ra sức khỏe để làm việc. Tôi e rằng lệnh cấm này có vẻ không bình thường, rồi cũng như các lệnh cấm dạy thêm, cấm ăn thịt thú rừng, sẽ nhanh chóng phá sản thôi. Biết là không khả thi mà sao cứ ào ào ban hành lệnh cấm thế hả bác?
- Lệnh cấm có thất bại thì cũng có ai bị mất chức đâu. Nháo nhào hết cả lên thì mới kiếm chác được chứ.
- Vậy người dân phải vĩnh viễn sống chung với “lệnh cấm” hay sao?
- Muốn thoát khỏi “cơn cảm hứng” bất chợt của mấy kẻ thích “chém gió” chỉ có cách Nhà nước phải sớm ra lệnh cấm cá nhân, tổ chức ban hành những lệnh cấm vớ vẩn, không khả thi
Cận