Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Còn nhiều người tử tế

- Xưa thật sướng, đi đâu cũng yên tâm, giờ ra đường là nơm nớp sợ tai nạn
- Có chuyện gì bức xúc mà sáng ra đã bi quan thế bác?
- Mình già rồi mắt mũi kèm nhèm, thụt xuống cái ổ gà, lăn quay ra đường. Đám thanh niên không đỡ dậy còn cười hô hố đi qua, tiện tay còn cầm luôn cái kính tôi làm rơi nữa chứ
- Thôi chấp chúng nó làm gì. Tuổi trẻ đứa nào chẳng nghịch ngợm, lớn lên chút nữa là đâu vào đấy cả thôi. Bác ngã xuống ổ gà ở đâu vậy?
- Thì cái hố to đùng ở đầu phố chứ cái nào nữa
- Tôi cũng ngã xuống đó mấy lần. Đường thành phố mà sao lắm ổ gà thế bác nhỉ? Cái ổ gà bác vừa nói xuất hiện đã mấy năm rồi mà chẳng thấy cơ quan có trách nhiệm nào đến sửa chữa, khổ cho xe cộ và người già quá
- Cơ quan chủ quản còn bận nhiều việc. Họ cố tình không sửa chữa để những người máu nóng không dám phóng nhanh vượt ẩu, còn những người như tôi với bác ngã xuống đó để kiểm tra sức khỏe. Nếu không què tức là xương cốt của cánh ta vẫn “ngon”, ăn nhậu thoải mái, còn nếu bị gẫy chân, gẫy tay thì chắc chắn mắc chứng loãng xương, phải bổ sung canxi ngay
- Thế mới thấy ở đời vẫn còn nhiều người tử tế. Ở thành phố Cần Thơ có một chàng trai suốt bốn năm qua bất kể mưa nắng tự nguyện vá đường cho bà con
- Chắc lại cậu ấm, con “quan” thừa tiền, rửng mỡ, làm điều đó để thu hút sự chú ý của dư luận chứ gì?
- Trái lại, cậu ấy cực nghèo, phải đi làm thuê, làm mướn, ăn uống đạm bạc, dành tiền mua nhựa đường, ximăng, cát sỏi để lấp ổ gà, ổ trâu, giúp người qua đường tránh được những tai nạn đáng tiếc
- Những người như vậy đáng được khen thưởng. Sao ông Bộ trưởng Giao thông không dùng sớm những con người như thế này làm cán bộ quản lí các dự án nhỉ, chắc chắn dân sẽ được nhờ nhiều lắm.
Cận

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Già rồi còn dại

- Từ nhỏ tới giờ mới được mời bữa đặc sản giá mấy chục triệu đồng, đã quá bác ạ
- Trong những thứ bác ăn chắc chắn có món thịt bò Kô-Bê
- Sao bác tài quá vậy, nói trúng phóc. Đúng là toàn bò, đủ các món tái, chín, nóng, nguội, khô, ướt. Nghe mấy người cùng bàn nói, mỗi gắp cho vào miệng trị giá hàng trăm nghìn đồng, bằng mấy ngày lương hưu của tôi với bác
- Vấn đề là có ngon, bổ… đắt như quảng cáo không?
- Tuyệt vời. Thịt nào chẳng dai, vậy mà món Kô-Bê này mềm đến mức tôi chưa kịp khởi động hai hàm răng giả nó đã tan ra trong miệng, thấm vào tận lục phủ ngũ tạng. Không chỉ vậy, nó còn mát rượi, ngọt thỉu, khi nuốt vào bụng tôi thấy mình như đang bay lên, bay lên…
- Nghe bác kể mà tôi có cảm giác như đang “ăn thịt” tiên nữ vậy. Thịt bò Kô-Bê có xuất xứ từ đâu vậy bác?
- Nghe nói đây là giống bò quí hiếm của nước ngoài, được nuôi bằng chế độ dành cho phi công vũ trụ. Khi buồn, chúng được ca sỹ hạng 5 sao hát cho nghe, khi ốm chúng được bú sữa người, còn được nằm ngủ trên đệm khử trùng, được nuôi trong những căn hộ cao cấp trị giá hàng triệu USD…
- Đúng là già rồi mà còn dại. Kô-Bê gì, có mà Kô-ti-lưa thì có. Cơ quan hữu trách vừa cho biết chưa bao giờ cho phép nhập gam thịt bò Kô-Bê nào và cũng chưa bao giờ kiểm dịch loại thịt này
- Vô lí, chẳng lẽ những đại gia ăn phở bò Kô-Bê giá mỗi bát gần triệu bạc cũng bị lừa hay sao?
- Khôn ngoan mấy rồi cũng chết vì ăn mà thôi
- Vậy loại thịt này từ đâu ra?
- Có khi đó chính là loại bò được nuôi bằng rác ở Thái Nguyên cũng nên
Cận

Công tử Sóc Trăng

- Vào Nam vừa rồi bác có ghé thăm nhà công tử Sóc Trăng không?
- Tôi tưởng trong đó chỉ có công tử Bạc Liêu thôi chứ
- Mấy ông đó ăn chơi sao bằng hai “ ngài” cán bộ cao cấp ngành giao thông Sóc Trăng, mỗi ván cờ tướng các vị này ăn thua đến 5 tỷ đồng
- Bác có đùa không đấy, số tiền đó tương đương với 20 triệu bát phở, đủ vốn để xóa đói giảm nghèo cho một xã đấy. Đến các tỷ phú nước ngoài cũng không chơi “phũ” như thế
- Hoàn toàn là sự thật. Hai “cụ thằng Bần” này đã bị cơ quan điều tra khởi tố rồi đấy
- Không hiểu mấy tay cờ bạc này khi sát phạt nhau có biết trên quê hương họ vẫn còn 20% người nghèo, 14,5% trẻ em bị suy dinh dưỡng không nhỉ?
- Chắc là biết nên họ mới cờ bạc, lấy tiền mua sữa “ủng hộ” những người khốn khổ đấy mà
- Tôi chẳng tin, mà sao dạo này khu vực miền Tây lắm chuyện thế nhỉ, hết ông công chức này nằm võng “tâm sự” với nữ thuộc cấp, lại đến vị cán bộ ngành tòa án đưa vợ người khác vào nhà nghỉ để “tư vấn luật”?
- Tiếp công dân ở những nơi đó mới mát, đầu óc có sảng khoái, minh mẫn mới có nhiều ý tưởng “giúp” dân chứ
- Nếu thế phải khen thưởng họ chứ sao lại cách chức, tống những cán bộ “mẫn cán” này vào tù?
Cận

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Để một phương lấy chồng

- Tối bác thường làm gì?
- Cơm xong, ngồi uống chén trà, chuyện trò với vợ con một lát rồi ngủ
- Sao không coi ti-vi mở mang kiến thức mà “lên ổ” sớm thế?
- Vào giờ ăn thì quảng cáo thuốc tẩy giun, lúc nghỉ ngơi, thư giãn thì phải xem hình ảnh súc miệng òng ọc, ai mà chịu cho được, thà tắt đi cho đỡ khó chịu
- Đúng là văn hóa quảng cáo và kiểm duyệt quảng cáo ở ta kém thật. Vì tiền, người ta sẵn sàng đưa hình ảnh giường chiếu, thuốc cường dương, thông tắc bể phốt lên màn hình. Gần đây, người ta còn quảng cáo sữa, cốm canxi lên phiếu bé ngoan bác ạ
- Các cháu mẫu giáo đã biết đọc đâu mà quảng cáo?
- Thực ra để bố mẹ các cháu đọc là chính. Phụ huynh thường rất tin vào những thông điệp từ nhà trường mà
- Phiếu bé ngoan cũng như giấy khen, huân, huy chương, dùng để ghi nhận những nỗ lực cố gắng của con người. Quảng cáo vào đâu cũng có thể chấp nhận được, nhưng phải chừa những góc thiêng liêng này ra chứ
- Sao bác khó tính thế, các doanh nghiệp quảng cáo trên phiếu bé ngoan đâu phải vì mục đích bán được nhiều hàng hóa. Họ làm vậy để giáo dục trẻ sớm làm quen với việc quảng bá hình ảnh, sớm học được lí thuyết maketinh. Bác không thấy người ta còn cho trẻ nghe nhạc khi còn trong bụng mẹ à?
- Nhưng tôi có thấy đứa nào sau này lớn lên trở thành Bet-thô-ven hay Trai-côp-xki đâu. Với lứa tuổi ăn còn phải đút, đái còn phải “xi” này, hãy để các cháu được yên. Làm gì thì cũng phải để một phương lấy chồng chứ
Cận

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Đua nhau “hư”

- Vừa rồi, đọc báo, nghe đài thấy người dân nhiều địa phương hiến đất xây trường, mở rộng đường xá thấy bâng khuâng, xúc động quá bác ạ
- Chắc đất ở đó rẻ người ta mới hiến, chứ cứ thử đắt như ở Hà Nội xem, chờ đấy
- Sao bác lại nói thế, người Tràng An mình xưa nay vốn nổi tiếng nghĩa hiệp, luôn biết hi sinh quyền lợi riêng tư vì sự phát triển Thủ đô mà
- Đấy là trước kia thôi. Bây giờ giá đất hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông, người ta không lấn chiếm thêm đất công là may rồi, chỉ ai dở hơi mới mang của riêng đi xây nhà hàng tổng thôi
- Sao ý thức công dân bây giờ kém thế nhỉ?
- Đừng vội vàng qui kết như thế. Ý thức, tình cảm người dân thời nào cũng thế. Họ nhiệt tình hay thờ ơ với những vấn đề của thành phố hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của đội ngũ cán bộ. Có những người khi đương chức, đương quyền, được thuê nhà ở của nhà nước rồi chiếm làm của riêng, rồi có vị dùng quyền uy của mình nắn cong cả một con phố chỉ để nhà mình được “nhoi” ra mặt đường. Cán bộ mà như thế, dân không “hư”, không lấn chiếm mới là chuyện lạ.
- Vừa rồi có việc vào ngõ Chợ Khâm Thiên thấy lo quá bác ạ. Nhà “ổ chuột” san sát, đường đi nhiều chỗ rộng chưa đến một mét, hai xe máy không tránh được nhau, người này tiến thì người kia phải lùi. Tất cả đều là ngõ cụt, nói dại…
- Những ngõ như vậy ở Hà Nội nhiều lắm. Chỉ một mồi lửa giữa đêm là “đi” cả phường, khác gì hun chuột giữa đồng
- Nguy cơ đã hiển hiện, sao chính quyền không sớm tìm cách giải tỏa nhỉ?
- Thành phố còn nhiều việc quan trọng phải làm. Cán bộ mình có mấy người mua nhà trong những ngõ hẹp đâu mà bác lo, hão huyền
- Cận

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Đi tắt đón đầu

- Good morning! How are you?
- Sao sáng ra bác đã “cút” với “yêu” thế?
- Đúng là đồ lạc hậu, tôi vừa nói tiếng Anh đấy
- Sao sắp xuống lỗ rồi bác lại xính học ngoại ngữ vậy, định đi du học à?
- Tôi học để lo đối đáp với đứa cháu ngoại. Chẳng là cháu nó mới học bậc mầm non mà nhà trường đã yêu cầu học tiếng Anh bác ạ
- Chết, cháu nó đã nói sõi tiếng Việt đâu mà học tiếng nước ngoài?
- Tôi cũng thắc mắc vậy, nhà trường trả lời là thời buổi toàn cầu hóa, phải cho các cháu đi tắt đón đầu, tiếp cận với văn minh thế giới sớm ngày nào hay ngày đó. Tiếng nước mình có thể dốt nhưng tiếng nước ngoài dứt khoát phải giỏi. Có thế mới sánh vai được với các cường quốc năm châu chứ
- Đành là vậy nhưng cháu nhỏ quá. Lỡ gặp phải cô giáo dạy ngoại ngữ nói ngọng thì xôi hỏng bỏng không, tiếng mẹ đẻ đã hư mà tiếng nước ngoài cũng hỏng Thế cháu nó đã học được những gì rồi?
- Cũng mới được mấy câu chào hỏi vớ vẩn thôi. Hôm vừa rồi, nó đòi đi toilet bà nhà tôi nghe thế nào lại chạy đi mua bánh tét, tối khuya thấy nó đòi sleep (đi ngủ), bà lại lấy quần lót của mình mặc cho cháu
- Vậy phải làm thế nào để hiểu được cháu?
- Thì tôi đành phải đi học ngoại ngữ rồi về dạy cho bà ấy, để hai bà cháu đối thoại được với nhau. Thôi tôi đến lớp học đây. Bye, bye
Cận

Suýt lọt lưới

- Tôi tính đổi nghề, theo bác có nên không?
- Nên bác ạ. Hành nghề xe ôm tuy nhẹ nhàng, tụ do nhưng hay gặp cướp, bác nên chuyển sang làm phụ hồ, vất vả một chút nhưng khỏe người, sáng ra đỡ phải tập thể dục
- Đường đường một đấng nam nhi như tôi mà phải làm cái nghề hạ đẳng như vậy sao? Tôi dự định thi tuyển phi công đợt này đấy
- Làm phi công phải trẻ, khỏe có học thức cao. Vừa già, vừa dốt lại dặt dẹo như bác có xin cái chân rửa máy bay người ta cũng không mướn đâu
- Đừng coi thường nhau thế. Mấy chục năm chạy xe ôm tay lái của tôi “lụa” lắm, chuyển sang lái máy bay chắc chỉ vài bữa là quen thôi. Bác không biết chuyện một anh chàng nước ngoài dùng bằng cấp “dởm” và mới học cầm lái được một giờ mà thi đỗ được vào một hãng hàng không lớn của nước mình à?
- Tôi chẳng tin. Làm nghề này lương hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, yêu cầu thi tuyển rất khắt khe, chặt chẽ, chứ đâu như chọn làm ô-sin
- Vậy mà suýt lọt lưới đấy. Chẳng hiểu chiếc máy bay trị giá hàng triệu đô-la với sinh mạng hàng trăm con người giao cho viên phi công “dởm” này thì sẽ thế nào nhỉ?
- Thì cùng nhau bay lên thiên đàng chứ còn sao nữa. Như thế cũng hay, lên giời hay xuống địa ngục cùng với tập thể dẫu sao cũng vui, còn hơn đi một mình, buồn lắm
Cận

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Lửng lơ con cá vàng

- Từ nay nước mình sẽ hết nạn mãi lộ bác ạ
- Làm gì có chuyện. Ở các nước tiên tiến, lương cao ngất ngưởng, máy quay giăng khắp nơi, người ta còn không loại trừ được hoàn toàn tình trạng cảnh sát giao thông nhận tiền của cánh lái xe nữa là nước mình, lương lậu thì bèo bọt, ý thức người dân lại suy giảm, chắp vá. Căn cứ vào đâu mà bác bảo Việt Nam sẽ không còn cảnh sát giao thông nhận hối lộ?
- Thì ở trong Nam vừa rồi có địa phương qui định cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ chỉ được mang theo tối đa một trăm nghìn đồng, ai mang nhiều hơn sẽ bị kỉ luật, thậm chí bị đuổi ra khỏi ngành
- Thế có nghĩa là họ vẫn có quyền nhận của người vi phạm đến một trăm nghìn đồng. Đã cấm thì cấm tiệt luôn, cứ lửng lơ con cá vàng như thế dễ khiến người đời dị nghị. Nếu vậy, khi xe của cảnh sát xịt lốp, hết xăng, hay đơn giản như đói bụng, khát nước thì biết làm thế nào?
- Đã vào ngành này rồi, ai mà chẳng phải luyện võ công, rèn sức chịu đựng vượt qua gian khó. Dắt xe dưới trời nắng chang chang hay nhịn đói, nhịn khát vài ba ngày thì nhằm nhò gì. Để cảnh sát không còn chỗ giấu tiền, cảnh phục của ngành này tốt nhất là không may túi. Mỗi khi lập biên bản người vi phạm xong, viên cảnh sát nên chạy ra giữa đường hai tay giơ lên trời và hô thật to 3 lần: Tôi không nhận hối lộ vì không có chỗ đựng tiền
- Như vậy phản cảm quá. Khi người ta đã cố tình nhận hối lộ thì thiếu gì cách. Người chạy xe ôm, bà bán hàng nước thay mặt cảnh sát giao thông nhận tiền của người vi phạm cũng được chứ sao. Để giải quyết rốt ráo thực trạng này phải có giải pháp căn cơ, chế tài đủ mạnh, chế độ lương hợp lí, đặc biệt phải xử lí thẳng tay cả người đưa hối lộ
Cận

Đánh cắp niềm tin

- Xe máy đâu mà đi xe buýt thế bác?
- Tôi chuyển sang dùng phương tiện này để ủng hộ chủ trương của một vị Bộ trưởng yêu cầu cán bộ nhân viên dưới quyền sử dụng xe buýt đi làm để giảm ùn tắc. Bản thân ông cũng hứa mỗi tuần một lần đến công sở bằng xe buýt
- Nhưng hôm vừa rồi chính ông này lại trả lời trên báo rằng, với tình trạng xe buýt như hiện nay, có thừa dũng khí ông cũng chẳng dám bước lên. Xe buýt do ngành này quản lí, để xập xệ như vậy Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, phát ngôn như vậy ai còn dám đi xe buýt nữa
- Vị Bộ trưởng lo ngại như vậy là đúng. Bác tính, ông ấy mà liều mình lên xe buýt nhỡ gặp phải cái đám pê- đê hay bọn cướp giật, móc túi thì còn gì “mình vàng thân ngọc” nữa.
- Chẳng riêng vị bộ trưởng này, có ông vừa nhậm chức, trong một hội nghị khoa học đã khẳng định ngành xăng dầu làm ăn có lãi 3 năm liền và hứa sẽ làm rõ mọi chuyện, nhưng tại kì họp Quốc hội vừa rồi ông ta lại nói xăng dầu lỗ nặng, lỗ thảm thương, khiến dư luận hết sức bối rối
- Nói thì hay, làm như mèo mửa dẫu sao cũng còn hơn những kẻ không nói cũng chẳng làm gì. Báo chí phải biết ơn những vị bộ trưởng thích “nổ”. Nhờ họ mà dư luận mới sôi sùng sục lên. Người nghèo mải “hóng hớt” sẽ quên đi cái bụng đang réo ầm ầm vì đói. Có ai chết vì niềm tin bị đánh cắp bao giờ
Cận

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Đau mắt là khổ lắm đấy!

- Này bác, vừa có một ông Tổng ngành điện, trước mặt bàn dân thiên hạ đã ngậm ngùi rớt nước mắt thương các thuộc cấp nhận lương quá… cao đấy
- Thường thì người đời chỉ xót xa cho người thu nhập thấp, chứ ai động lòng trước những kẻ lắm tiền nhiều của bao giờ. Thế cán bộ nhân viên của ông Tổng có mức thu nhập bao nhiêu mà ông ấy động lòng trắc ẩn ghê thế?
- Vào năm 2009, bình quân đầu người ở công ty này là hơn 7 triệu đồng mỗi tháng, gấp gần 10 lần người có mức lương trung bình lúc đó
- Thì họ kinh doanh giỏi nên đãi ngộ mọi người ở mức cao cũng xứng đáng thôi
- Được thế đã tốt, đằng này năm nào họ cũng kêu lỗ, năm nay lỗ 10 nghìn tỷ đồng. Đã thế, ngành nào, địa phương nào chỉ cần vài lời kêu ca thôi là họ cắt điện làm cho bán thân bất toại mới thôi
- Độc quyền cũng giống đứa con cầu tự, nhiều đứa hư và bất trị lắm. Chẳng cứ gì ngành điện, xăng dầu, khai thác than, nước sạch cũng kêu lỗ. Vậy mà tôi biết, có ông Tổng chỉ riêng lương cứng thôi đã lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Mà sao các ông Tổng hay “đau lòng” và mau nước mắt thế nhỉ?
- Đã làm ăn thiếu minh bạch lại còn trừng trạo với bàn dân thiên hạ hay sao, thỉnh thoảng cũng phải biết xuống nước, biết rên rỉ, cấp trên mới thương mà bỏ qua cho chứ
- Sao những kẻ làm ăn thua lỗ, chia chác thả phanh như thế lại tại vị lâu thế nhỉ? Đám này là phải xử lí thẳng tay
Không dễ thế đâu. Ở đâu còn lợi ích nhóm, ở đó còn tiêu cực. Tôi cá với bác là sắp tới, họ lại khóc lóc xin tăng giá một loạt thứ cho mà xem
- Người mà hay khóc thế là hại thị lực lắm, bảo các ông ấy nên thường xuyên đi khám, đau mắt là khổ lắm đấy
Cận

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Khuyết tật “đáng yêu”

Cận
- Vừa rồi có ý kiến đề nghị chữa ngọng cho bà con ngoại thành đấy
- Tốt chứ sao đâu. Chữa ngọng có tốn kém lắm không?
- Nghe nói chi phí lên tới hàng trăm tỉ đồng
- Số tiền đó đủ để xóa đói giảm nghèo cho hàng chục xã. Tình trạng nói ngọng đã đến hồi báo động chưa mà phải cấp bách chữa trị hả bác?
- Thực ra, cả thế giới nói ngọng chứ riêng gì mình, đã có nước nào coi đây như là quốc nạn cần phải ra tay bài trừ đâu.
- Đây là nhiệm vụ của nhà trường, nhà nước nhúng tay vào làm gì?
- Chẳng qua là có mấy ông công chức rỗi hơi, thỉnh thoảng lại nghĩ ra trò gì đó rồi trình lên cấp trên, nếu được phê duyệt thì sớm mua nhà, mua xe, bị phê phán thì bỏ, nghĩ “chiêu” khác, trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch mà
- Sao dạo này nhiều người nói ngọng thế bác?
- Nói ngọng nhiều khi thuộc về bản sắc riêng của từng địa phương, thậm chí mang tầm quốc gia. Đây là một phạm trù hết sức mơ hồ. Nơi này bảo nơi kia nói ngọng, nơi kia lại bảo nơi này nói ngọng, chẳng biết thế nào mà lần. Cái tật này một phần do thày cô bậc mầm non, cha mẹ nói ngọng nên trẻ mắc theo, nhưng chủ yếu là do cơ địa, môi trường, nguồn nước, thói quen… nên mới có câu
“Toét mắt là tại hướng đình”
Nói ngọng là tại nhà mình hơi nghiêng
- Tóm lại, theo bác là không cần chữa chạy tật nói ngọng phải không?
- Đúng thế. Đất nước ta nghèo, có nhiều việc cần phải làm, chớ có phung phí vào những cái vô bổ. Mà có “nẽ”. chính nhờ những khuyết tật kiểu “lày” mà chúng ta được bạn bè quốc tế yêu quí cũng “lên”

Bằng cấp thua bằng lòng

Cận
- Có lẽ đợt này tôi phải cho thằng lớn đi du học bác ạ
- Trong nước thiếu gì trường đại học mà phải cho con ra nước ngoài?
- Học trong nước sau này khó xin việc lắm. Chất lượng đào tạo của ta bác còn lạ gì, ông không ra ông, thằng chẳng ra thằng, có nước nào công nhận đâu
- Chẳng phải ai học ở nước ngoài về cũng được trọng dụng cả. Tôi biết khối người xài bằng dởm, bằng tại chức, chuyên tu mà vẫn lên chức ầm ầm
- Đấy là họ có người thân, bạn bè làm to nên nâng đỡ cho, tôi có quen biết ai đâu
- Mấy ai sinh ra đã có ông chú làm vua, bà cô làm chúa, tự mình phải tạo ra mối quan hệ chứ
- Cũng khó lắm, mình có tài cán gì đâu mà bon chen được vào bầu trời đầy tinh tú
- Xưa có nhân vật Cao Cầu chỉ nhờ đá cầu giỏi mà giàu có, quyền hành tột bậc. Rồi nhân vật Xuân tóc đỏ từ một thằng nhặt bóng nhưng biết ve vuốt ông bà chủ mà lọt được vào giới thượng lưu. Cứ chịu khó làm Triển Chiêu là có tất
- Thế nghĩa là sao?
- Muốn vinh hoa phú quí thì phải đầu tư, biết chiều chuộng đón ý người ta. Trước hết là phải biết tenis, biết chơi golf để còn hướng dẫn, luyện tập với sếp. Giờ nghỉ giải lao là phải nhanh chóng mở bia, thấy miệng sếp hấp háy biết lựa lúc mà nhét vào đó miếng thịt chó, rồi còn phải biết uống rượu, biết tẩm quất, biết chơi bài…
- Có nghĩa là phải học tất cả các món ăn chơi để hầu hạ sếp?
- Đúng thế. Mà chưa hết đâu. Thấy vợ hoặc con sếp húng hắng trong cổ thì phải đoán được tháng sau họ sẽ bị ho gió, ho khan hay ho lao để mà còn mua thuốc đón đầu. Được cả nhà họ hài lòng ấy à, chỉ cần ít lộc rơi, lộc vãi thôi bố con ông sẽ sung túc cả đời
- Nghe bác nói tôi mở mang ra nhiều. Thì ra ở đời, bằng cấp thua xa bằng lòng, bác nhỉ!