Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

dễ được chấp nhận

- Bác Viễn sinh ngày mấy?
- Ngày 13. Có chuyện gì vậy? Năm nay bác định mua quà sinh nhật tặng tôi đấy à?
- Còn lâu nhé, tôi hỏi để biết bác được vào thành phố vào thứ mấy thôi
- Có nghĩa là…
- Nếu biển số xe của bác là số lẻ giống ngày sinh, bác chỉ được vào trung tâm thành phố các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy thôi
- Vậy các ngày chẵn nếu có việc cần kíp tôi không được vào thành phố à?
- Tất nhiên rồi
- Những người làm nghề vận tải hàng hóa, lái xe taxi sẽ một ngày nghỉ, một ngày làm, ngày ăn, ngày nhịn sao?
- Tất nhiên rồi
- Những người đau đẻ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não mà biển số xe của họ lại lệch với ngày được phép vào thành phố thì làm thế nào?
- Thì đành phải nhịn thêm một ngày chứ sao. Xe nhà không được phép thì thuê taxi, đi xe buýt
- Lúc đó các phương tiện công cộng cũng chỉ được phép hoạt động một nửa, hành khách sẽ tranh giành, chen chúc, lỡ “phọt” con ra trên xe buýt thì sao?
- Sao bác hỏi nhiều thế, nhức cả đầu. Vừa đẻ ra đã được đi ôtô, sướng quá còn gì
- Vậy tôi mua thêm chiếc xe nữa, một cái biển chẵn, một cái biển lẻ, muốn vào thành phố lúc nào chẳng được, tha hồ
- Ai cũng làm như bác thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn
- Vậy bác nghĩ “sáng kiến” biển chẵn, biển lẻ sẽ khiến đường thông hè thoáng hay sao, còn lâu nhé. Mà ai nghĩ ra cái trò cấm đoán này thế nhỉ?
- Cái bản mặt đầy mỡ, cằm sệ xuống hàng chục ngấn thì nghĩ được cái gì tử tế, đua theo nước ngoài thôi
- Đúng là voi đú, chuột chù nhảy sex. Ở nước ngoài cấm như vậy thì được, bởi hạ tầng, dịch vụ của họ được tổ chức rất tốt, tàu điện ngầm, xe buýt chạy suốt ngày đêm…
- Bác tính, mấy cô người mẫu quá lứa, mấy cô ca sĩ bất tài thỉnh thoảng phải lộ “hàng”, hở “bưởi” thì khán giả họ mới nhớ đến, quan chức cũng thế thôi, nếu không có “ý tưởng” ấy à, quên chuyện bổ nhiệm, lên chức đi nhé
- Nhưng ý tưởng cũng phải có tính khả thi, chứ cứ đề xuất bừa dư luận đánh giá là ẩm IC, chập cheng thì sao
- Họ không dại đâu, cứ đề xuất lên, được thì được chẳng được thì nghĩ chiêu khác, chẳng may vớ được ông cấp trên huyết áp và thần kinh không ổn định kí cho một phát, thế là hốt bạc
- Theo bác, “giải pháp” này liệu có được thông qua không?
- Có thể. Thường những cái ngớ ngẩn lại dễ được chấp nhận mà

Cận

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Vác mai đi đào


- Bác Viễn đi đâu mà hớt hải thế?
- Đi xếp hàng mua xăng, bác cũng nên chạy ù về nhà lấy can ra cửa hàng mua một ít đi.
- Khi nào xe gần hết xăng thì ra đổ chứ tích trữ của nợ đó làm gì, cháy nhà thì toi, chẳng dại.
- Ai chẳng biết thế, nhưng tối nay giá xăng lại tăng, ra làm mấy can dùng dần, cũng tiết kiệm được một ít.
- Xăng vừa mới tăng mà, ai bảo bác là sắp tăng tiếp.
- Thì bà bán bún đầu ngõ nói, tôi cũng thấy mọi người ùn ùn đổ ra cấy xăng, ra mua nhanh lên kẻo hết.
- Nhưng theo qui định, đối với mặt hàng xăng, lần tăng sau phải cách lần tăng trước 30 ngày, trong khi lần tăng vừa rồi mới được mấy ngày mà.
- Tin theo các văn bản đó thì có ngày ăn cám. Bác không nhớ gần đây mấy ông bộ trưởng khả kính lên tivi thề sống thề chết sẽ không tăng giá xăng, vậy mà chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, xăng lên giá đồng loạt, chẳng ai trở tay kịp.
- Sao mấy ông ấy tự hạ thấp uy tín của mình thế nhỉ?
- Có uy tín bao giờ đâu mà hạ. Uy tín cũng chẳng bằng tiền. Tôi nghĩ, việc họ sẵn sàng thất hứa với toàn xã hội chắc phải liên quan đến lợi ích nào đó.
- Bác cứ hay suy diễn. Nhà bác còn cái can để không nào cho tôi mượn vài chiếc?
- Hết rồi. Có mấy chục cái đã được dùng để tích trữ nước mắm, dầu ăn, tương ớt…
- Tích trữ cả tương ớt à?
- Bác chẳng biết gì cả. Ở nước mình, chỉ có mấy cái hạ giá liên tục, đó là ý thức công dân và đạo đức cán bộ, còn cái gì cũng tăng vù vù. Hàng hóa tích trữ chỉ ít bữa là lãi gấp đôi, lúc đấy mang tương ớt bán cho hàng phở, kiếm được khối, chẳng mấy lúc mà mua được đất, xây được nhà.
- Ai cũng làm như bác thì xã hội này loạn.
- Đừng có đạo đức giả, đến khi mọi thứ tăng cả lại hối hận, lúc đấy đừng có sang nhà tôi mà than thở, vay mượn nhé!
- Nhưng tôi ngại cái cảnh chen lấn xô đẩy để mua được vài lít xăng lắm
- Muốn ăn khoai thì phải vác mai đi đào. Bác cứ ngồi nhà rồi người ta mang xăng đến tận nhà bán cho bác chắc, đừng có mà nằm mơ.
- Vậy tôi phải làm gì bây giờ?
- Chen chúc trong đám đông hàng nghìn con người mà ăn mặc lùng thùng như bác là không ổn, cởi trần, quần đùi, đi đất là hợp lí nhất, xoa ít dầu lên người cho trơn, dễ chui luồn.
- Người toàn dẻ sườn như tôi mà cởi hết ra ngượng lắm!
- Tư cách gớm nhỉ, ra đến đó là bằng nhau tất. Nhiều khi chen ác liệt quá, quần đùi cũng chẳng còn ấy chứ!
- Ôi! Rồi cứ thế tồng ngồng về nhà à?
- Dùng can đựng xăng mà che. Mà của bác có soi kính lúp cũng chẳng thấy, có còn gì đâu mà ngắm.
- Vậy tôi liều theo bác vậy, lâu không được chen lấn xô đẩy cũng thấy nhớ. Đợi tôi về thay quần áo nhé!
Cận