Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Đứng lên đầu người khổng lồ


-       Trong số các loài vật bác khoái nhất con gì?
-       Nếu để nhậu tôi khoái thịt chó, để ngắm thì  thích cá rồng, còn để nghe tôi mê nhất giống họa mi, nếu để cưỡi…
-       Thôi, thôi, ý tôi muốn hỏi là bác tôn sùng con nào kia?
-       À, nếu vậy thì tôi kính trọng nhất cụ rùa. Từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến giờ trong đầu tôi luôn phảng phất hình ảnh thần Kim Qui giúp An Dương Vương xây thành Cổ loa, mê mẩn câu chuyện Lê Lợi nhờ mượn được gươm của thần rùa mà chiến thắng kẻ thù…
-       Thế bác đã làm gì để thể hiện sự biết ơn và tôn kính đó?
-       Từ nhỏ tới giờ tôi luôn tự nhủ dù có bị chết đói cũng không ăn thịt rùa, chỉ ăn ba ba thôi. Chẳng cứ gì tôi, người Việt mình ai mà không tôn kính cụ chứ
-       Vậy mà gần đây, có rất nhiều bức ảnh chụp mấy cô cậu thanh niên đứng ngồi ngả ngớn trên đầu cụ rùa ở Văn Miếu Quốc Tử Giám đấy
-       Chết, nơi tôn nghiêm mà làm thế không sợ các cụ vật chết à, bảo vệ đi đâu cả mà để tình trạng vô văn hóa như vậy diễn ra?
-       Họ còn bận hút thuốc lào, trông ôtô của du khách kiếm mấy cốc bia
-       Bọn trẻ thiếu chỗ đứng hay sao mà thích trèo lên đầu cụ rùa thế nhỉ?
-       Chắc chúng nghĩ muốn thành công ở đời phải đứng lên đầu người khổng lồ nên mới làm như vậy. Các cháu còn trẻ người non dạ mà
-       Nếu là con tôi, tôi sẽ quật chết
-       Chấp chúng làm gì, người lớn còn cắt tiết rùa hòa với rượu uống, còn đem cụ hấp với bia, chặt nhỏ cụ ra để rang muối, ăn cả xương lẫn mai, thì bảo sao bọn trẻ chẳng tỏ ra bất kính với linh vật của dân tộc.
      Cận 

Cám ơn mấy ông chủ thầu


-       Ở Quảng Trị vừa xảy ra vụ sập nhà bác ạ
-       Ôi dào, chuyện cơm bữa, thế có chết nhiều người không?
-       Chỉ có một cụ già sinh năm 1927 bị thương thôi
-       Có thế mà cũng làm ra vẻ nghiêm trọng,  bao giờ thấy chuyện thịt nát xương tan hẵng kể cho tôi nghe nhé
-       Vấn đề là gần một thế kỉ cụ già này sống an toàn trong túp lều tranh, vậy mà chỉ chuyển sang ngôi nhà tình nghĩa được đúng một ngày thì lại gặp tai họa
-       Sao lại thế, nhà tình nghĩa được làm bằng gạch, xi măng, cốt thép vững chãi lắm, đổ sao được
-       Độ bền chắc của ngôi nhà không trông vào vật liệu mà chủ yếu lệ thuộc vào đạo đức của người xây. Gặp phải kẻ gian tham thì nhà có làm bằng đá cẩm thạch, dán keo con voi cũng sập thôi
-       Trước khi bàn giao cho người dân, chính quyền địa phương đã nghiệm thu mà?
-       Hình thức thôi, có biết bao con đường, biết bao khu nhà cao tầng vừa được bàn giao, đưa vào sử dụng hôm trước, hôm sau đã xuống cấp
-       Thế tình hình cụ già ở Quảng Trị hiện thế nào rồi?
-       Vẫn đang nằm viện, không tiền, không người thân chăm sóc, muốn chết cho rảnh nợ mà có được đâu
-       Thường thì những người ở tuổi cụ chỉ cần ngã nhẹ một cái là “thăng”, vậy mà cả ngôi nhà sập xuống đầu mà vẫn sống thì lạ nhỉ?
-       Có gì đâu mà ngạc nhiên. Xi măng, gạch ngói bị ăn bớt, tôn lợp thì mỏng như lá lúa, đổ xuống người chưa đủ để gãi ngứa, chết làm sao được
-       Nếu vậy thì phải cám ơn mấy ông chủ thầu xây dựng, nhờ sự ăn bớt của họ mà nhiều người nghèo không chết, chỉ bị thương bán thân bất toại thôi
     Cận

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Ở nhà sướng hơn


-       H è này bác đã đưa gia đình đi nghỉ mát đâu chưa?
-       Khủng hoảng kinh tế thu nhập eo hẹp, chẳng dám đi đâu cả. Khắp các bãi biển tình trạng chặt chém diễn ra tràn lan thà ở nhà pha muối vào chậu rồi thốc gió vào người còn sướng hơn
-       Ai cũng như bác thì ngành du lịch phá sản, kiếm tiền quanh năm cũng phải tiêu bớt đi chứ
-       Tiêu pha gì thì cũng phải đúng chỗ, đúng nơi. Có lần tôi thấy con ngựa trên bãi biển đẹp quá muốn được chụp ảnh cùng. Chủ ngựa đồng ý lấy 5.000 đồng. Khi chụp xong ông ta đòi 30.000 đồng với lí do đã bấm máy 6 lần
-       Phải tôi, tôi cũng tính như vậy. Con ngựa hay cái máy ảnh được sinh ra là để phục vụ nam thanh nữ tú. Vừa già vừa xấu như bác chụp làm gì mà lắm thế, để dọa ma à?
-       Có đêm, thuê thuyền đi câu mực họ đồng ý giá 200.000 đồng. Câu xong, quay về họ đòi 500.000 đồng, tôi cự lại họ bảo 300.000 đồng chênh lệch là tiền trả công chở cái cần câu
-       Phải tôi nhất định tôi không trả, làm gì được nhau
-       Đừng có tinh tướng. Cái đám chèo thuyền ra khơi quanh năm bắp tay to như cái hoa chuối, họ “quại” cho một phát có mà tẩu hỏa nhập ma suốt đời
-       Nhưng nghe nói ông chủ tịch thị xã nơi có cái bãi biển đó khẳng định là không có tình trạng chặt chém du khách mà
-       Thực ra thì ông ta nói cũng đúng. Mỗi khi “vi hành” bố bảo chủ quán nào dám thu tiền của ông ta. Ăn tôm hùm mà tính tiền ốc vặn thì làm gì mà chẳng khen rẻ, khen ngon, khen quê hương mình giàu đẹp, yên bình
     Cận


Tình yêu thời thổ tả


-       Dạo này đọc báo thấy nhiều vụ con cái bất hiếu với bố mẹ mà trong lòng thấy day dứt quá bác ạ
-       Mở cửa là phải chấp nhận đón vào nhà cả những rác rưởi, mặt trái của kinh tế thị trường mà
-       Chẳng phải, nhiều nước cũng phát triển theo hình thức kinh tế này mà có băng hoại đạo đức thế đâu. Tôi cho rằng do cung cách quản lí xã hội yếu kém thôi
-       Chẳng qua bác quá khắt khe nên nhìn đâu cũng thấy tiêu cực. Vừa rồi ở Đà Nẵng có một cậu bé tuổi trúng số gần một tỷ đồng dành hết số tiền xây nhà cho mẹ khiến ai nấy đều xúc động quá
-       Nhỏ tuổi đã biết tiêu pha gì đâu mà không đưa tiền cho mẹ xây nhà. Cậu bé chắc phải là con ngoan trò giỏi lắm?
-       Trái lại, cậu ta đua đòi theo chúng bạn bỏ học sớm, lang thang kiếm ăn đầu đường xó chợ, hư hỏng từ nhỏ
-       Lạ nhỉ, những đứa như thế lúc nào cũng cần tiền ăn chơi, chúng chỉ có thể “nã” tiền của cha mẹ chứ mấy khi mang về nhà
-       Tôi lại cho rằng dù có là tướng cướp đi chăng nữa trong bản thân họ vẫn luôn tồn tại một góc con người, vì thế mới có chuyện mấy anh chàng tóc nhuộm xanh đỏ xăm trổ đầy mình đi hiến máu nhân đạo. Vấn đề là chúng ta phải biết khơi gợi trong họ những điều tốt đẹp
-       Chí lí, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của bác. Vậy theo bác chúng ta phải làm gì với những đại gia nhà cao cửa rộng lại đuổi bố mẹ ra đường?
-       Chắc con cái làm thế để rèn luyện sương gió cho đấng sinh thành thôi. Đấy cũng là cách thể hiện “tình yêu thời thổ tả” mà bác
     Cận 

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Nên thưởng xứng đáng


-       Lại có thêm 4 quan chức của Hà Tĩnh vừa bị bắt vì tội đánh bạc bác ạ
-       Ôi dào chuyện cơm bữa ấy mà. Vụ quan chơi mỗi ván cờ bạc tỷ ở trong Nam vừa xử xong lại “lòi” ra vụ này. Không hiểu sao gần đây nhiều quan chức thích sát phạt nhau thế nhỉ?
-       Bác tính, họ làm quan, mọi việc đã có lính lo, ngồi không dễ sinh bệnh. Chơi bài cũng là hình thức tập thể dục, cũng mệt ra phết đấy. Đầu óc phải tính toán nhiều mới thông minh sáng láng, mới cống hiến được nhiều chứ
-       Nếu chỉ để rèn luyện thể chất thì chơi vui thôi, sao lại “vặt” tiền,  “vặt” xe, “vặt” nhà của nhau?
-       Các quan nhà mình vốn giàu lòng nhân ái, muốn cho tiền để “cải thiện” đời sống cho anh em, nhưng ngại cấp dưới tủi thân nên bày ra trò cờ bạc thôi. Tình cảm này cần được ghi nhận, bỏ tù họ làm gì
-       Tôi chẳng tin, nhiều cấp dưới khai rằng, họ toàn giả vờ thua “sếp” để “sếp” vui, mới dễ bề làm ăn mà
-       Đồng tiền khôn là đồng tiên chạy vòng quanh, nay ở nhà này, mai ở nhà khác, nó mới sinh lời, mới thắt chặt tình nghĩa “huynh đệ” chứ
-       Ôi dào, nhiều kẻ khi còn tự do lúc nào cũng còng lưng, khụy gối trước “sếp”, lúc cùng nhau ra tòa thì vạch tội kể xấu quan thầy hết lời
-       Thế mới là cấp dưới “chân chính” đấy. Họ làm vậy để “sếp”  được ở tù lâu, mới có điều kiện nghỉ ngơi, dưỡng sức sau bao năm bon chen vất vả
-       Nói như bác thì cái đám “đệ tử” này cũng nên được thưởng, được đãi ngộ xứng đáng sao? Thật chẳng biết đằng nào mà lần
     Cận

Xáo trộn lên mới vui


-       Đi đâu về mà ướt như chuột thế bác?
-       Tôi vừa từ quê về, trên đường đi bất ngờ gặp trận mưa lớn quá nên ướt hết cả, hắt hơi suốt từ nãy đến giờ, chắc ốm mất thôi
-       Thế trước khi đi bác không nghe tình hình thời tiết à?
-       Trên ti vi thông báo trời đẹp, khô ráo nên tôi mới đi chứ, ai ngờ…
-       Ướt chút xíu thế ăn thua gì. Vừa rồi, chỉ vì nghe dự báo sóng yên biển lặng nên thuyền bè tấp nập ra khơi, chẳng dè gặp bão thuyền chìm người trôi, tứ tán hết cả
-       Chắc ngành dự báo thời tiết phải nói chệch đi như thế để các ngư dân rơi xuống biển rèn luyện lại kĩ năng bơi đấy mà
-       Rèn luyện cái con khỉ, hôm vừa rồi đài thông báo hôm sau hết nắng nóng, trời dịu mát đến cuối tuần, ai cũng phấn khởi, nhưng thực tế trời nắng chang chang, cá chết nổi đầy đồng. Đến lúc đấy đài lại bảo nắng nóng thêm 5 ngày nữa, vậy mà đến đêm gió mùa về, nhiều người phải lấy chăn ra đắp
-       Có khi họ phải làm thế để người dân bỏ thói nhẹ dạ cả tin, đề cao cảnh giác trước mọi kẻ thù bác ạ
-       Kẻ thù đâu chẳng thấy, chỉ thấy cả xã hội thiệt đơn thiết kép vì mấy tay nói bừa nói ẩu này. Chẳng lẽ chúng ta cứ phải sống chung mãi với những kẻ lẻo mép hay sao? Ở Hà Lan người ta xử phạt rất nặng việc dự báo thời tiết sai đấy
-       Ở mình mà có luật đó thì chẳng cứ ngành dự báo thời tiết, nhiều ngành khác cũng bị xử lí, trước hết là phạt mấy ông quan chức thích hứa suông, phạt những dự báo tăng trưởng kinh tế sai…
-       Nếu vậy thì phạt sao xuể, ở nước mình đi đến đâu chẳng gặp con cháu Gia Cát Dự. Thôi cứ để ngành dự báo thời tiết ăn nói lung tung bác ạ, cả xã hội bị xáo trộn lên mới vui, bác nhỉ
      Cận

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Eo ơi thế thì sợ nhỉ!


-       Bác có biết tại sao những năm gần đây gà nước mình liên tục bị cúm không?
-       Theo cơ quan chức năng thì chủ yếu do ý thúc phòng chống yếu kém của chính quyền địa phương và của người chăn nuôi thôi
-       Chẳng phải, mấy năm nay gà mắc chứng trầm cảm hàng loạt nên bảo nhau tự tử bằng cách tự làm lây nhiễm virus H5N1 đấy
-       Tôi tưởng chỉ con người mới bị stress hay nhũng bệnh liên quan đến tâm thần thôi chứ
-       Ai bảo bác thế, bác chưa gặp chó điên, gà khùng bao giờ hay sao?
-       Cũng thấy, nhưng ít thôi, không nhiều như con người. Sao gà, vịt lại mắc chứng trầm cảm hả bác?
-       Thì bác tính, mỗi quả trứng giá có vài ngàn đồng bạc mà bị người ta đè nghiến ra thu đến 5 loại phí thì gà bố gà mẹ nào mà không xót xa, buồn bực  
-       Con người cũng vậy thôi. Tôi thấy nhiều bà mẹ trẻ vừa sinh em bé đã mắc chứng trầm cảm, suốt ngày ủ ê, cáu giận vô cớ, chắc cũng do bị thu nhiều loại viện phí quá bác nhỉ?
-       Đúng thế. Đứa bé vừa sinh ra, chưa dứt tiếng khóc chào đời bố mẹ nó đã phải đóng hàng triệu đồng tiền viện phí, chưa kể tiền lót tay cho bác sỹ đỡ đẻ, tiền cho y tá để tiêm không bị đau, tiền tắm cho con để không bị cấu véo… Hàng trăm thứ tiền phải lo, đau đầu lắm, làm gì mà chẳng lên cơn thần kinh
-       Con gà nhỏ bé không chống được ai nên chỉ còn biết tự tử cho yên thân, chứ trâu, bò mà bị điên phi lung tung ngoài đường gặp ai cũng húc thì nguy
-       Nếu còn tận thu kiểu bóc lột thế này, thì viễn cảnh đó không còn xa đâu
-       Eo ơi, thế thì sợ nhỉ, đến lúc đấy ai còn dám ăn thịt trâu xào rau muống, ăn phở bò tái gầu nữa, chẳng may lây bệnh bò điên thì chết dở
    Cận

Tiền mất tật mang


-       Người thế nào thì được coi là khỏe mạnh hả bác?
-       Một câu hỏi ngớ ngẩn nhất mà tôi từng được nghe đấy. Người khỏe mạnh đương nhiên là người không ốm đau, bệnh tật, không phải đi bệnh viện bao giờ
-       Nếu thế người Việt Nam mình sắp được coi là khỏe nhất thế giới. Càng vùng sâu vùng xa, tỉnh càng nghèo càng khỏe bác ạ
-       Lạ nhỉ, càng nghèo đói càng lắm tật bệnh, căn cứ vào đâu mà bác phát ngôn như vậy?
-       Thế bác không thấy hàng loạt địa phương vừa đề xuất tăng viện phí sao, tỉnh càng nghèo đòi tăng càng cao, có tỉnh xin tăng vượt khung lên tới 113%
-       Viện phí tăng thì liên quan gì tới sức khỏe?
-       Sao lại không, viện phí ngất ngưởng thế ai còn dám ốm nữa. Để tránh phải vào viện mọi người sẽ chăm tập thể dục, sẽ lập ban thờ cầu xin các vị thần linh phù hộ không bị ốm đau bệnh tật, không dám ăn uống lung tung để tránh ngộ độc…
-       Sau tất cả những biện pháp bác vừa liệt kê mà người ta vẫn ốm thì sao?
-       Thì đành phải tìm đến các thầy lang vườn, các thầy cúng thôi
-       Nhờ đám người này chữa chạy có ngàyoan gia, đắt một tí vào bệnh viện cho yên tâm
-       Cũng chẳng được như bác nói đâu, bác không thấy vừa rồi có một phụ nữ nộp viện phí cao mà vẫn bị bác sỹ cắt nhầm cả hai quả thận sao? Đứng là tiền mất tật mang
-       Thì khi tăng viện phí người ta phải cải thiện chất lượng khám chữa bệnh chứ
-       Ý bác muốn nói là mỗi giường trước 5 người bệnh thì nay “cải thiện” xuống còn 4 người chứ gì? Ngao ngán quá, tốt nhất là đừng có ốm
     Cận 

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

'Khi cạnh tranh khốc liệt, báo chí rất dễ sa đà


(theo Infonet)

Nhà báo, Tiến sĩ báo chí Hoàng Văn Quang bàn về bài báo với tựa đề gốc "Cách sống người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội" đang tạo dư luận trên các diễn đàn mạng.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn đa diện về bài báo có tiêu đề gốc "Cách sống người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội" vừa được một trang báo mạng đưa lên gần đây và tạo làn sóng phản ứng trong dư luận, PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với Nhà báo, Tiến sĩ báo chí Hoàng Văn Quang về vấn đề này.
'Khi cạnh tranh khốc liệt, báo chí rất dễ sa đà'
TS Hoàng Văn Quang- Nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí
Thưa tiến sĩ, mới đây, một trang báo điện tử đã đăng bài với tiêu đề gốc "Cách sống của người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội" khiến cộng đồng mạng xôn xao và có rất nhiều quan điểm trái chiều. Là nhà báo lâu năm ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ts Hoàng Văn Quang: Việc báo chí nêu một vấn đề xã hội khơi gợi sự tranh luận của cả cộng đồng để đi đến chân lý nào đó là việc bình thường và nên làm. Tuy nhiên, mỗi tờ báo là một cơ quan ngôn luận của tổ chức xã hội, cộng đồng nên những vấn đề mình nêu ra phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung. Báo chí không được đăng những ý kiến phiến diện, có tính áp đặt cá nhân, đi ngược với thuần phong mĩ tục của dân tộc, đặc biệt là những nội dung có tính kì thị, cục bộ địa phương, phương hại đến ổn định chính trị, trật tự xã hội
Theo ông thông tin bài báo đưa ra có gì mâu thuẫn với báo chí trước đây? có gì cản trở sự tiến bộ chung?
- Trước năm 1990, báo chí không bao giờ thông tin những bài kiểu như “Cánh sống của người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội”, cho dù trong xã hội thời đó không phải không có những thói hư tật xấu đáng lên án. Cũng cần nói thêm là, trong lịch sử, Hà Nội đã nhiều lần cải cách, xây dựng, mở rộng, tiến hành đô thị hóa thu hút người dân các nơi di cư tới, nhưng thực tế, kỉ cương phép nước thời đó vẫn được giữ vững, văn hóa của người Tràng An không vì thế mà bị mai một, thậm chí nó ngày càng được củng cố, hoàn thiện thêm lên. Trên thế giới cũng vậy, có rất nhiều thành phố đa sắc tộc, nhưng họ vẫn giữ được những nét riêng, không thể trộn lẫn. Trong thời đại toàn cầu hóa, bản sắc bao giờ cũng hài hòa với sự đa dạng. Việc một tờ báo đăng bài có tính kì thị người tỉnh ngoài theo tôi là một hành vi phản văn hóa, đi ngược với xu thế chung của thời đại cần phải được khắc phục sớm.
Nhìn từ góc độ văn hóa, thông tin bài báo đưa ra có ảnh hưởng tới tình thần đoàn kết cộng đồng không, thưa ông?
- Tôi có thể khẳng định ngay rằng, người Việt Nam nói chung, những cư dân đang sống và làm việc tại Hà Nội nói riêng luôn mang trong mình tình yêu đất nước, tình yêu con người vô bờ bến. Không một cá nhân hay một thế lực nào có thể hủy hoại tinh thần, tình cảm đoàn kết đó được. Tuy nhiên trong một chừng mực nào đó, bài viết sẽ tác động đến nhận thức của một số người khiến họ có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với người tỉnh ngoài, nhưng đây chỉ là thiểu số. Đa số vẫn đang ngày đêm sát cánh cùng nhau xây dựng Thủ đô ngày càng tốt đẹp hơn
Có ý kiến cho rằng bài báo đưa quan điểm một người để “bôi nhọ, nói xấu” một nhóm, một cộng đồng. Quan điểm của ông thế nào?
- Bài báo viết rằng người tỉnh lẻ đang “bôi bẩn” hình ảnh Hà Nội, sao ta không lật ngược lại rằng, những người nông dân khi còn ở quê đa phần đều thật thà chất phác, họ chỉ bị thay đổi khi lên thành phố sống và làm việc. Vậy có phải họ đã bị người thành thị làm cho “tha hóa”? Thực ra thì, người dân ở đâu và vào thời nào cũng thế thôi, đều mong muốn có được đời sống yên ổn, lương thiện. Người dân nếu có bị biến chất phần nhiều là do cung cách quản lí xã hội của chính quyền. Khi cái nóc nhà bị thủng lại gặp trời mưa thì đừng hi vọng nền nhà khô ráo. Cha mẹ hư đốn thì con cái khó mà tử tế được, nhưng đôi khi những đứa trẻ ngoan ngoãn lại có sức cảm hóa rất lớn đối với người làm cha làm mẹ không ra gì. Chúng ta chưa nên qui kết việc đăng bài của tờ báo này là hành vi bôi nhọ, nói xấu cộng đồng, tất cả có lẽ chỉ nhằm thu hút sự truy cập của bạn đọc, gây sự chú ý của dư luận đối với trang báo mà thôi. Khi các tờ báo càng cạnh tranh khốc liệt thì càng dễ sa đà vào những nội dung “rẻ tiền”. Điều này có thể hiểu và thông cảm được!
Trên quan điểm của người nghiên cứu báo chí, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm gì về tác nghiệp và chọn đề tài đăng tải?
- Như trên đã nói, báo chí là cơ quan ngôn luận của số đông, nên trước hết nó phải phục vụ cộng đồng. Báo chí không chỉ có nhiệm vụ thông tin mà nó còn là diễn đàn để người đọc bày tỏ tình cảm, chính kiến của mình. Chính vì vậy, mỗi nhà báo khi chọn đề tài để tác nghiệp và đăng tải, trước hết phải tự đặt ra những tình huống giả định, bài viết đó có phục vụ những đòi hỏi tốt đẹp của người dân không, nó có làm cho con người sống tốt hơn không, tất cả có nhằm phục vụ sự phát triển đất nước, gìn giữ vốn văn hóa của ông cha để lại không? Nói cách khác, người làm báo giỏi phải đo được hiệu ứng cả mặt xấu lẫn mặt tốt của mỗi bài báo. Nếu cẩn trọng như vậy, chắc chắn những bài kiểu như "Cánh sống của người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội" sẽ không còn đất sống
Xin cảm ơn ông!
HỒNG CHUYÊN
(Thực hiện)

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Còn kinh hơn nhiều


-       Nhà bác dạo này có còn thuê người giúp việc không?
-       Không, trước đây đứa con dâu sinh cháu, thằng chồng nó lại công tác xa, nhà  neo người nên tôi thuê người giúp việc mấy tháng. Giờ đứa cháu nội đã cứng cáp rồi thì thôi, tiền đâu thuê mãi được
-       Có người giúp việc cũng đỡ đần được khối việc, bác mới có thời gian ra công viên đánh cờ được chứ
-       Nhưng tốn kém lắm, tìm được người biết việc còn đỡ, chẳng may vớ phải đứa ngu đần, lười biếng, ăn xong nó cứ ngồi ở góc nhà giương mắt nhìn mình trừng trừng, có mà hết hơi
-       Thuê một người đã thấy đau đầu như thế, vậy mà gần đây, theo thống kê, có xã người dân phải cáng gần 5 trăm “đầy tớ” không biết còn khốn khổ khốn nạn đến đâu?
-       Nông dân đa phần là nghèo hoặc vừa thoát nghèo, tiền đâu thuê “đầy tớ”?
-        “Đầy tớ” ở đây chính là các “quan” xã. Người dân phải è cổ ra nộp các loại thuế, phí để trả lương cho các “Osin cao cấp” này
-       Cái đám này lương đâu có cao, mỗi người nhận được vài triệu đồng một tháng chứ mấy?
-       Danh nghĩa là thế, nhưng bổng lộc mới nhiều. Chẳng thế mà có chuyện “đầy tớ” xã cưỡi Lexus đi làm, kẻ thì chơi mỗi ván cờ hàng tỷ đồng, người lại có trang trại rộng hàng chục hecta, riêng tường bao xung quanh bằng thu nhập của cả xã trong vài năm
-       Họ làm gì mà giàu thế nhỉ?
-       Bòn rút từ các “ông chủ” chứ lấy ở đâu, có thế mà cũng hỏi
-       Ở xã còn thế, “đầy tớ” cấp huyện, cấp tỉnh chắc còn kinh hơn nhiều, bác nhỉ
    Cận

Sợ nhất bị đánh trộm


-       Dạo này không thấy bác lên sân thượng tập võ, lại thấy ra công viên chạy lúc sáng sớm, chắc đang “tăm tia” bà nào phải không
-       Bậy nào, ngần này tuổi còn “xí xớn” có mà đi Đài Hóa thân hoàn vũ sớm. Mấy chục năm theo nghiệp võ mà có tự bảo vệ được bản thân đâu, toàn bị thiên hạ đánh cho te tua thôi
-       Giỏi võ như bác thì ai dám bắt nạt chứ?
-       Võ sư nào cũng sợ bị đánh trộm sau lưng, như vụ tăng “trộm” giá điện vừa rồi chẳng hạn, cả nước bị đo ván chứ riêng gì tôi
-       Thời buổi khó khăn, mọi thứ đều phải giảm giá để kích cầu, sao ngành điện lại đi ngược xu thế chung nhỉ?
-       Đấy là cái thói ngang ngược của mấy tay độc quyền, tăng thế chứ tăng nữa mọi người vẫn phải chấp nhận
-       Gần đây hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải nộp đơn xin phá sản, giờ thêm cú đánh này nữa, nền kinh tế khó mà gượng dậy được
-       Những “đứa con hư” có mấy khi quan tâm đến cha mẹ đang gặp khốn khổ. Ngành điện dường như chỉ biết yêu bản thân mình thôi, “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi” mà
-       Vậy phải làm thế nào bây giờ?
-       Tôi quay ra học chạy là để khi điện tăng giá tôi chạy sang dùng bếp gas, than tổ ong, thắp sáng bằng nến, dầu hỏa
-       Chạy đâu cho khỏi nắng, rồi hàng loạt thứ sẽ tăng theo cho mà xem
-       Hàng hóa tăng giá là chuyện bình thường nhưng nên công khai để bà con chuẩn bị tinh thần, chớ nên tăng “trộm” như ngành điện, tôi thấy nó cứ hèn hèn thế nào ấy
    Cận