Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Thế mà không nghĩ ra


-       Nghe nói, xăng lại sắp tăng giá bác ạ.
-       Tưởng xăng giảm giá mới đáng ngạc nhiên, chứ chuyện tăng giá là quá nhàm, ai thèm quan tâm. Bác không còn thông tin mới lạ nào nữa sao?
Tôi muốn thông báo cho bác để bác tranh thủ phóng xe ra cây xăng đổ đầy bình, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy
-       Bình xăng chiếc xe của tôi chứa được có 5 lít thì tiết kiệm được bao nhiêu. Trời nắng chang chang thế này, chen chúc xếp hàng chờ đến lượt, nhỡ cảm nắng cho một cái thì khốn, tiền thuốc men lại chẳng gấp mấy lần ấy à?
-       Thì xách theo cái can trăm lít, mua về dùng dần.
-       Nhỡ mua xong, mai xăng lại hạ giá thì sao, bác có chịu lỗ cho tôi không?
-       Mua hay không kệ bác, chứ vặn vẹo cái gì.
-       Bác là chúa hay xui dại. Để can xăng trăm lít trong nhà, khác gì chứa bom nổ chậm, ai mà ngủ yên cho được. Hay bác xúi tôi trữ xăng để khi muốn đốt nhà, khỏi phải đi mua?
-       Đừng có độc mồm độc miệng thế. Tôi thấy mọi người ào ào đi mua nên mới rủ bác đi cùng thôi, đúng là làm phúc phải tội.
-       Xăng đợt này tăng bao nhiêu mà mọi người đổ xô đi mua vậy?
-       Nghe nói khoảng một nghìn đồng một lít, nhưng người ta đi mua xăng chỉ là mục đích phụ thôi.
-       Lạ nhỉ, thế mọi người tụ tập ở cây xăng làm gì hả bác?
-       Họ ra cây xăng là để giao lưu làm quen với nhau. Lúc nào chẳng có những kẻ cô đơn muốn kết bạn.
-       Đổ xăng xong rồi đi, làm gì còn thời gian mà hàn huyên.
-       Vào những dịp xăng sắp tăng giá, nhiều cây xăng sẽ đóng cửa không bán, nếu có bán thì cũng rất chậm chạp, cả tiếng mới đổ đầy một bình, nên ai cũng có nhiều thời gian, chuyện trò, tán tỉnh nhau. Khối người nên duyên vào dịp xăng chuẩn bị tăng giá đấy
-       Thế mà tôi không nghĩ ra, để tôi vào thay cái áo rồi đi cùng, đừng có đi trước đấy nhé
      Cận

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Dở hơi à


-       Tình hình bất động sản dạo này đã tiến triển chưa bác?
-       Phấn đấu cả đời mua được căn hộ 25 m2, nợ nần còn chưa trả hết, hơi đâu quan tâm đến thị trường nhà đất. Bác chuẩn bị mua nhà hay sao mà hỏi vậy?
-       Tôi cũng như bác thôi, ăn còn không đủ, tiền đâu mà đổi nhà. Tôi hỏi bởi thấy dưới cõi âm tình hình mua bán biệt thự, nhà liền kề diễn ra hết sức sôi động, trong khi trên dương thế lại ảm đạm quá
-       Các hồn ma nay đây mai đó, thoắt ẩn thoắt hiện, có ở cố định một chỗ đâu mà mua nhà làm gì?
-       Tôi đã xuống dưới đó bao giờ đâu mà biết, chỉ thấy ở những khu vực bán đồ hàng mã, vào dịp Vu Lan, hàng trăm, hàng nghìn căn “biệt thự” được bán trong một ngày để các gia đình dâng cho người thân dưới suối vàng. Có gia đình năm nào cũng hóa một căn
-       Vậy người dưới đó ở sao cho hết?
-       Không dùng xuể thì bán lại cho người chết tứ cố vô thân, mở vũ trường cho mấy con nghiện thoải mái vào lắc, cho sinh viên thuê trọ, cho bồ nhí…
-       Ai lại làm thế, họ không sợ những người thân còn sống ghen tuông sao?
-       Khi còn sống, hàng đêm đầu gối má kề còn không phát hiện vợ hay chồng bồ bịch, giờ âm dương cách trở, sao biết được mà ghen
-       Có bà không chỉ gửi tiền, gửi nhà, mà “hóa” cả vợ bé, “ôsin” cho chồng
-       Đúng là nối giáo cho giặc. Có lẽ họ làm thế để chồng họ ở dưới đó có người sớm khuya vui vầy, nâng giấc, không còn sức “đi” lung tung, tránh được sida, giang mai
-       Nghe kinh quá. Hóa ra người cõi âm sướng hơn trên này bác nhỉ. Từ ngày cưới đến giờ tôi biết có mỗi bà vợ già ở nhà, nhiều khi, chỉ mới thoáng tưởng tượng trong đầu bóng dáng cô nào thôi đã bị bà ấy chì chiết, giận hờn, véo tím cả mạng sườn
-       Nếu muốn có nhà cao cửa rộng, nườm nượp cung tần mĩ nữ hầu hạ thì lao đầu vào tầu hỏa đi, ai cấm
-       Dở hơi à, ở dương thế tuy nghèo khổ, thiếu thốn một chút, nhưng vui
      Cận

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Đỡ phải kích cầu


-       Thuốc men dạo này tăng giá ghê quá bác ạ
-       Viện phí lên thì đương nhiên giá thuốc cũng lên, từ nay người bệnh có chạy đàng trời. Gia đình bác mới có người ốm à?
-       Không, lúc này có cho ăn kẹo tôi cũng không dám mắc bệnh. Vậy mà vào cái thời “thuốc cao, viện phí kém” vẫn có doanh nghiệp cấp phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách và người nghèo đấy
-       Thật quí hóa quá, chắc mọi người vui mừng lắm, bác nhỉ?
-       Vui gì, người dân cả xã ở một tỉnh phía Nam đang phẫn nộ muốn kiện nhà “hảo tâm” kia kìa
-       Sao thế, hóa ra làm “phúc” phải tội à?
-       Vô phúc thì có, họ làm từ thiện toàn bằng thuốc quá hạn sử dụng, có loại quá “date” tới 2 năm, nghe nói có cả thuốc dởm nữa
-       Chết dở, thế có ai làm sao không?
-       Có mấy Mẹ liệt sỹ tuổi cao sức yếu, bị bệnh khớp hành hạ, được họ tiêm thuốc. Bệnh không những không khỏi, mà suốt một tuần liền các mẹ ra bờ sông ngồi gãi, miệng không ngớt tủm tỉm, dù xung quanh chẳng có ai
-       Chắc các cụ vui vì được con cái “quan tâm, chăm sóc” đấy
-       Vui cái con khỉ, người ta đang lo thuốc quá hạn khiến các cụ mắc chứng tự kỉ. Mấy đứa trẻ con thương binh mới khổ, từ lúc được uống thuốc chúng cứ nằm một chỗ thở dài, kêu mệt, nửa đêm bò dậy đòi ra trận giống bố nữa chứ
-       Thế cả làng, cả xã đều như vậy à?
-       Không, chỉ những người “được” uống thuốc thôi. Mà có điều lạ là mấy nhà nghèo nhất sau khi uống thuốc vào, tự nhiên ăn rất khỏe, toàn đòi thịt, cá với cua bể thôi
-       Thế cũng tốt, nhờ thuốc quá hạn, thuốc dởm mà lương thực, thực phẩm bán chạy, đỡ phải kích cầu  
     Cận

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Thật là cao cả


-       Bác nghỉ hưu được bao năm rồi?
-       Thấm thoắt mà đã 4 năm, thời gian đúng là như thoi đưa bác nhỉ
-       Vị chi năm nay bác 64 tuổi, như vậy cũng kể là “cụ” đời rồi. Từ ngày về nghỉ đến giờ, bác có làm được  việc lớn nào không?
-       Cũng chẳng được gì, những việc to tát thì đã làm khi còn trẻ, giờ quanh quẩn giúp bà nó việc nhà, trông mấy đứa cháu, tham gia công việc của phường cũng hết ngày, hết buổi rồi
-       Như vậy cũng có thể coi là an nhàn, nhưng thật vô vị. Nếu bác được chứng kiến cảnh bà lão 74 tuổi chân tay run rẩy, phải cố đứng cho vững, thều thào dạy chữ cho trẻ mới thấy được hết cái tình của con người
-       Dạy thế có kiếm được  tiền không bác?
-       Bác thì lúc nào cũng tiền. Bà lão chỉ dạy cho trẻ mồ côi cơ nhỡ. Có ít tiền tằn tiện cả đời, bữa trưa bà lại nấu nồi cháo cho bọn trẻ xì xụp với nhau
-       Chắc tuổi già cô đơn, bà làm thế để lúc nào bên cạnh cũng có người, nhỡ lên cơn đau tim còn có người đưa đi cấp cứu
-       Đúng là suy nghĩ hẹp hòi của đám tiểu nhân. Bà ấy làm thế để bọn trẻ đỡ thiệt thòi, có chút ít nhận thức để tránh xa điều xấu thôi
-       Thế trước đây bà ấy là giáo viên à?
-       Nghe nói bà lão chỉ học hết lớp hai nên  rất hiểu nỗi cơ cực của kẻ thất học. Bà dạy bọn trẻ con chữ để từ đó hướng chúng đến đạo làm người
-       Thật là cao cả! Vậy mấy giáo sư đại học khi về nghỉ thường làm gì hả bác?
-       Người lượn lờ về cơ quan cũ xem có ai nhờ vả gì không, kiếm được đồng nào hay đồng ấy, chủ yếu để hàng ngày khỏi phải đối diện bà vợ già xấu xí ở nhà. Người thì ngồi “thiền” ở quán cà phê chỉ chỏ mua bán đất cát, người lại mở lớp luyện thi đại học, cũng kiếm được khối
-       Sao họ không dạy học từ thiện nhỉ
-       Họ mà nghĩ được như vậy thì giáo dục Việt Nam đã khá lâu rồi
     Cận

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Còn ngu thêm nhiều


-       Theo bác, người Việt có những thế mạnh gì?
-       Thì báo chí, sách vở vẫn viết người mình vốn có truyền thống cần cù, nhân ái, thông minh, sáng tạo đấy thôi
-       Tôi hỏi thật, bác có tin vào những tổng kết đó không?
-       Ừ…thì…nói chung là…
-       Đấy, bác thấy chưa, một người quảng giao, đầy kinh nghiệm sống như bác mà còn lúng túng không có câu trả lời, chứng tỏ, trí tuệ, đạo đức, tình cảm của chúng ta đang có vấn đề
-       Bác là chúa hay bi quan, làm gì đến mức đấy, chỉ xuống cấp chút thôi
-       Một tổ chức của Liên Hợp quốc vừa công bố trí tuệ Việt Nam đang ở nửa dưới của bảng xếp hạng toàn cầu và đang có nguy cơ rơi xuống đáy đấy
-       Làm gì có chuyện đó, chúng ta có Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, những con người ưu tú được cả thế giới công nhận mà
-       Thế giới họ đánh giá trí tuệ một dân tộc qua cả hệ thống giáo dục, xã hội, chứ đâu bởi một vài cá nhân. Mà những người bác vừa nói, khi ở Việt Nam cũng thường thường thôi. Họ chỉ trở thành thiên tài khi được tu nghiệp ở nước ngoài
-       Ở nửa dưới của bảng xếp hạng tức là chúng ta chỉ tương đương với dân châu Phi à?
-       Chỉ ngang với những nước chậm tiến của châu lục này thôi, còn lâu chúng ta mới thông minh bằng dân Nam Phi, Ai Cập
-       Có nghĩa là, nếu không cải thiện tình trạng “thiểu năng trí tuệ” này, đến một ngày nào đó, dân mình cũng đóng khố, nhảy múa quanh đống lửa mỗi khi bắt được con châu chấu hay sao?
-       Đúng thế, rồi sẽ đến lúc một giáo sư đại học không phân biệt được đâu là phở, đâu là mì tôm
-       Eo ơi, thế thì khủng khiếp nhỉ, sao đất nước mình lại ra nông nỗi này cơ chứ?
-       Bác lên bộ Học mà hỏi, cứ tình trạng giáo dục rối như canh hẹ thế này, người mình còn ngu thêm nhiều
      Cận

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Cũng phải "chạy" đấy


-       Dân mình dạo này tích cực luyện tập thể thao quá bác nhỉ
-       Bác tính, ở thành phố thì ô nhiếm, đồ ăn thức uống đắt đỏ, nơi ăn chốn ở chật chội, ngột ngạt, không chịu khó tập tành thì có mà theo ông bà ông vải sớm
-       Ý tôi muốn nói là nông dân giờ cũng chơi nhiều môn “khủng” lắm
-       Làm gì có chuyện đó, họ suốt ngày cày cuốc ngoài ruộng, chiều về lại chăm bẵm mảnh vườn, ao cá, bắp tay bắp chân cuồn cuộn như Lý Đức thì cần gì phải thể dục nhịp điệu hay đến phòng tập thể hình
-       Thế bác không biết theo qui hoạch đến năm 2020 riêng xã Cam Lập ở tỉnh Khánh Hòa người ta đặt ra chỉ tiêu phải hoàn thành xây dựng 3 sân golf sao?
-       Bác có đùa không đấy, đất đai ngày càng bị thu hẹp vì đô thị hóa, giờ làm sân golf còn đâu ruộng vườn trồng trọt?
-       Rồi đâu vào đấy tất, cả đời úp mặt vào vườn ao chuồng chưa chán hay sao, phải thay đổi đi chứ
-       Nhưng golf là môn thể thao quí tộc, người dân lấy tiền đâu ra để chơi môn này?
-       Ai bảo bác là để cho dân chơi, họ sẽ làm thuê cho chủ các sân golf này
-       Đang làm chủ ruộng vườn đất đai, giờ làm đày tớ ai người ta chịu
-       Làm chủ mà cả đời chân lấm tay bùn, ăn không đủ no thì thà vác gậy, đeo túi thuê còn hơn. Suốt ngày được hầu hạ, cung phụng các ngôi sao, cận kề với các doanh nghiệp lớn sướng quá còn gì
-       Bác tưởng nhận mấy đồng bạc dễ dàng lắm hay sao. Hôm vừa rồi có một cô vác gậy thuê chỉ vì ngăn không cho một thiếu gia vụt bóng vào đám đông phía trước mà bị vị này đánh gãy chân phải nhập viện đấy
-       Nghề nào mà chẳng có rủi ro, chỉ mới gẫy chân là còn may, nhiều công nhân xây dựng bị gió thổi bay từ tầng 20 xuống đất là chuyện bình thường. Khi nào có đợt thi tuyển làm vác gậy thuê tại các sân golf bác nhớ bảo tôi nhé, nghe nói để được làm nghề này cũng phải “chạy” đấy
      Cận 

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Chuyện lạ xứ mình


-       Ăn hoa quả có tốt cho sức khỏe không bác?
-       Hỏi ngớ ngẩn quá, đương nhiên là tốt rồi. Bác không thấy con khỉ nhờ hoa quả mà tung tăng suốt ngày trên ngọn cây sao. Nhờ hít mía mà voi to lớn thế, con thỏ xơi lắm cà rốt mới chạy nhanh như gió…
-       Vậy mà ở một thành phố lớn phía Nam chính quyền địa phương cấm các tiểu thương không được buôn bán hoa quả ngoại đấy
-       Thời buổi này sao lại có chuyện ngăn sông cấm chợ như vậy. Bác biết vì sao có lệnh cấm kì quặc như vậy không?
-       Chẳng là gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều loại hoa quả ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ, được tẩm ướp hóa chất độc hại. Vì lo cho sức khỏe người dân nên chính quyền mới cấm tiệt kinh doanh mặt hàng này
-       Nếu vậy thì đáng hoan nghênh quá. Chẳng cứ gì hoa quả, các loại hàng nhái, hàng kém chất lượng ngoại nhập khác cũng phải cấm triệt để. Vấn đề là hàng nội có đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân không?
-       Đây chính là cái đang khiến các nhà quản lí đau đầu. Sau khi lệnh cấm được ban ra, lập tức hoa quả nội tăng giá ầm ầm, dù không hề khan hàng. Chẳng hiểu người nông dân có phun hay tẩm ướp gì không mà rau cỏ nội cũng tươi mơn mởn, sâu bọ chạy mất dép mất guốc bác ạ
-       Sao lại thế, tôi tưởng sâu bọ khoái rau quả lắm, hay chúng thấy các sản phẩm này đẹp đẽ quá nên không nỡ ăn. Đáng khen thay cho cái tính “nhân văn” của đám sâu bọ
-       Nhưng có một thực tế là, nhiều nông dân thà đập đầu vào tường đến chết chứ nhất quyết không ăn thứ rau quả mà họ đem ra chợ bán. Trong vườn nhà họ luôn có vạt đất trồng rau riêng phục vụ sinh hoạt gia đình. Ở đây sâu bọ tha hồ sinh con đẻ cháu, người và sâu suốt ngày ngắm nhau hết sức trìu mến
-       Đúng là chuyện lạ, chỉ xứ mình mới có, bác nhỉ
      Cận

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Toại nguyện nhé


-       Ở một tỉnh miền núi phía Bắc vừa xảy ra vụ vợ một trưởng bản bị giết hại dã man bác ạ
-       Chắc nạn nhân có quan hệ “ngoài luồng” nên bị giết hại vì ghen tuông chứ gì?
-       Không phải, bà này già lắm rồi, răng rụng cả hai hàm còn yêu đương nỗi gì
-       Nếu vậy, chắc lại dính vào chuyện vay nợ, cờ bạc?
-       Đâu có. Bà này vốn rất hiền lành, làm gì có chuyện dính dáng đến tệ nạn xã hội. Bà bị giết vì ông chồng không chịu xác nhận cho một gia đình cùng bản vào diện hộ nghèo
-       Ô!  cả nước đang nắm tay nhau cùng thoát nghèo, sao lại có người muốn trở lại thời nghèo khó nhỉ?
-       Bác ở trên trời rơi xuống đấy à. Giờ ở nhiều địa phương ai muốn là hộ nghèo phải “chạy” rất tốn kém đấy
-       Nghèo rớt mồng tơi lấy đâu tiền lo lót?
-       Thì cũng phải cố mà vay mượn thôi. Nếu lọt vào nhóm người nghèo, siêu nghèo sẽ nhận được nhiều ưu đãi như vay vốn không lãi suất, con cái không phải nộp học phí, nếu có học dốt một chút vẫn được xét lên lớp, ma ,chay. hiếu, hỉ không cần phải có phong bì…
-       Vậy thì tôi cũng muốn được làm hộ nghèo, đỡ được nhiều món phải chi hàng tháng
-       Nên khối ông trưởng thôn, trưởng bản cửa quyền kiếm chác được khối nhờ việc xét duyệt hộ nghèo. Thế mới có chuyện gây án mạng vì không được công nhận hộ nghèo
-       Kẻ giết người giờ vào tù, toại nguyện quá còn gì. Làm gì còn ai nghèo hơn tù nhân nữa, bác nhỉ
      Cận

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

phỏng vấn


Thứ Năm, 02/08/2012, 20:13 GMT

Tuyên truyền Biển Đông: Thận trọng chứ không nên dè dặt (Bài 3)

Nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn của một nhà nghiên cứu báo chí về vấn đề tuyên truyền Biển Đông, Báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ báo chí, Nhà báo Hoàng Văn Quang về vấn đề này.
Tuyên truyền Biển Đông: Thận trọng chứ không nên dè dặt (Bài 3)
TS Hoàng Văn Quang, Nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí
Thưa tiến sĩ, một số nước có tranh chấp về biển đảo đã liên tục tuyên truyền cho chủ quyền của mình, thậm chí đầu tư cho những bloger viết bài về biển đảo, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề tuyên truyền Biển Đông của Việt Nam hiện nay?
Nước nào cũng trân trọng những gì mình có. Philipines, Nhật Bản, Indonesia luôn làm mọi cách để tuyên truyền, bảo vệ vùng biển của mình. Họ sẵn sàng đầu tư không giới hạn cả về nhân lực, vật lực cho lĩnh vực này. Vấn đề biển đảo được họ chú trọng đưa vào sách giáo khoa nhằm giáo dục từ rất sớm cho trẻ em tình yêu quê hương đất nước và tinh thần sẵn sàng đấu tranh bảo vệ quyền lợi và lẽ phải. Khi xảy ra mâu thuẫn hay xung đột với bên ngoài, họ tận dụng tối đa mọi nguồn lực, trong đó có việc sử dụng hiệu quả Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội để tuyên truyền.
Sở dĩ các nước làm được điều này bởi họ có vị thế khác với chúng ta. Việt Nam vốn có mối quan hệ lâu đời theo cả hai nghĩa tích cực và tiêu cực với Trung Quốc. Chúng ta là nước nhỏ nên luôn bị họ chèn ép, xâm lấn.
Tuy nhiên, đã nhiều lần trong lịch sử, nhờ lối ứng xử vừa cứng rắn vừa khôn khéo, ông cha ta đã nhiều lần giành chiến thắng vẻ vang. Trong tình hình hiện nay, diễn biến tại Trung Đông, châu Phi rất phức tạp, dễ lây lan, vì thế, theo tôi, sự thận trọng trong tuyên truyền trên báo chí về vấn đề Biển Đông hiện nay là khá hợp lí, tùy theo tình hình mà gia giảm liều lượng. Gần đây khi chiều hướng quốc tế tốt lên, nhiều nước ủng hộ chúng ta, phê phán Trung Quốc, báo chí trong nước cũng đã lên tiếng khá mạnh mẽ
Theo ông, chúng ta đã phát huy hết sức mạnh truyền thông chưa? Có còn vấn đề nào “vướng” khi tuyên truyền Biển Đông?
Sức mạnh truyền thông nằm ở nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất vẫn là báo chí. Thẳng thắn mà nói, chúng ta chưa phát huy được hết vai trò của báo chí, vẫn còn tình trạng mạnh tờ nào tờ nấy viết, chưa có sự tổ chức phân chia lĩnh vực phản ánh cho từng tờ báo hay từng loại hình báo chí; tờ này đăng lại bài của tờ kia, gây nên những hỗn loạn thông tin, làm giảm sức chiến đấu khá nhiều. Những tờ báo lớn có tính định hướng xã hội cao lại quá thận trọng, dè dặt trong phát ngôn, đã khiến người dân nhiều khi không biết phải làm gì.
Theo ông, giới trẻ, người dân đã nhận thức đầy đủ về Biển Đông hay chưa? Ông có bình luận gì về hiện tượng một số công ty du lịch thông tin sai cho khách du lịch về Biển đảo Việt Nam?
Để hiểu cặn kẽ về vấn đề Biển Đông thì ngay đến các chuyên gia nhiều khi cũng còn lúng túng, nói gì đến giới trẻ. Việc cần làm nhất hiện nay là tập trung tuyên truyền để người dân không bị các đối tượng xấu kích động biểu tình, gây bạo loạn, ảnh hưởng đến bang giao chính trị giữa hai nước, ảnh hưởng đến tình hình chính trị trong nước và khu vực; cần khuyến khích những hành động yêu nước lành mạnh, tỉnh táo. Đồng thời báo chí cần tập trung vận động đoàn kết toàn dân, khơi gợi tinh thần yêu nước, phản ánh những tấm gương hi sinh bảo vệ vùng biển hải đảo. Bên cạnh đó, chúng ta cần thẳng tay hơn, cần thiết thì đóng cửa trang mạng, truy tố người đứng đầu một số trang mạng sử dụng những khái niệm bất lợi cho chủ quyền đất nước như cách gọi biển Đà Nẵng là China beach chẳng hạn.
Từ góc độ chuyên gia báo chí truyền thông, ông có thể đưa ra ý tưởng gì để việc tuyên truyền Biển Đông hiệu quả?
Trước hết chúng ta nên đầu tư tổ chức những cuộc thi có chất lượng huy động toàn xã hội tham gia viết về Biển Đông và chủ quyền biển đảo; tập trung tuyên truyền về ý thức đoàn kết dân tộc, không có sự phân biệt nào về mặt chính trị, tôn giáo. Chẳng hạn vào rằm tháng Bảy này (dịp xá tội vong nhân) chúng ta nên tổ chức một lễ cầu siêu thật lớn cho những người đã từng hi sinh để bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Nếu làm được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ củng cố được khối đoàn kết toàn dân, sẽ nhận được sự ủng hộ của hàng triệu kiều bào trên khắp thế giới. Nhân những dịp này báo chí tổ chức những chiến dịch tuyên truyền thật qui mô, mở rộng ra cả quốc tế thông qua các hình thức công nghệ thông tin. Ngoài ra Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho những cơ quan, cá nhân nghiên cứu về biển đảo, thậm chí lập hội, lập quĩ vì sự phát triển và bình yên của biển đảo.
Tuyên truyền Biển Đông: Thận trọng chứ không nên dè dặt (Bài 3)
Lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ trên Đảo Trường Sa. Nguồn: Internet
Ông nghĩ sao khi có rất nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập bảo tàng công bố chứng lý Biển Đông ngay tại Hà Nội?
Nên chứ, nhất là trong bối cảnh phức tạp về biển đảo hiện nay. Hiện chúng ta có rất nhiều hiện vật liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, chúng chủ yếu nằm tản mát ở các địa phương, trong dân. Nếu qui được về một mối, được giới thiệu một cách hệ thống chắc chắn nhận thức của người dân về chủ quyền biển đảo sẽ được nâng lên rất nhiều. Hơn nữa, bảo tàng là nơi lưu giữ chuyên nghiệp, chỉ họ mới có khả năng bảo tồn được lâu dài những chứng lí lịch sử cho con cháu sau này. Ở cạnh một “ông bạn” hay gây hấn, những chứng lí này chắc chắn có nhiều hữu dụng về sau.
Tuyên truyền Biển Đông: Thận trọng chứ không nên dè dặt (Bài 3)
Bảo tàng Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Nếu có bảo tàng như vậy ở Hà Nội, số người biết chứng lý Biển Đông sẽ nhiều hơn. Ảnh: Lê Hiếu
Xin cảm ơn ông!
HỒNG CHUYÊN
(Thực hiện)