Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Cho chúng nó “tởn”

            

-       Lại thêm Giám đốc sở một thành phố phía Nam bị trộm gần 2 tỷ đồng bác ạ.
-       Khổ thân, thương quá. Vợ con ông này chắc mất ăn mất ngủ vì tiếc của?
-       Có phải mất ở nhà đâu mà tiếc. Số tiền này ông ấy để trong ngăn kéo bàn làm việc ở cơ quan, có thể là quĩ riêng.
-       Riêng hay chung thì cũng là tiền. Ở chỗ sơ sài thế mà “vương vãi” mấy tỷ, ông ấy làm gì mà có nhiều thế nhỉ?
-       Theo khai báo tại cơ quan công an, do ông ta để dành mà có.
-       Chắc là khi mọi người ăn xôi buổi sáng, ông này uống nước lọc cầm hơi, đến bữa trưa, nếu không có ai mời thì làm mẩu bánh mì chấm nước chè để làm giàu?
-       Nếu tính theo ngạch bậc công chức, mỗi tháng ông này thu nhập khoảng chục triệu đồng, có “chay tịnh” hoàn toàn cũng phải mất 20 năm mới có được con số mất trộm “nhỏ nhoi” đó.
-       Hàng năm ông ta có khai báo số tiền này trước tổ chức không nhỉ?
-       Ai mà biết được, bác đi mà hỏi cơ quan ông ấy, tôi không rỗi hơi.
-       Tôi hỏi là vì gần đây có ông báo mất có 5 cây vàng, khi bắt được bọn trộm chúng lại khai lấy được 65 cây. Có ông mất cắp nhưng lại im thin thít, đến khi công an bắt được bọn đạo chích mới biết chúng từng khoắng mẻ rất lớn ở nhà quan chức này. Loại trộm này phải xử thật nặng. Ngoài tội trộm cắp, cần bỏ tù thêm về tội làm lộ bí mật tài sản cán bộ, cho chúng nó “tởn”.

Cận

Chớ suy diễn hàm hồ


-       Lại vừa xảy ra chuyện 2 ông phó giám đốc sở ở Bình Phước choảng nhau toác “thủ” bác ạ.
-       Thời buổi này quan chức đánh nhau là chuyện thường. Bác không thấy trên ti-vi thỉnh thoảng chiếu cảnh các ông nghị ở những nước tiên tiến tụt giày quật vào mồm nhau chan chát hay sao?
-       Họ làm thế với phe đối lập là nhằm bảo vệ đến cùng quyền lợi cử tri, đằng này 2 quan chức nhà mình lại “tẩn” nhau ở quán karaoke trong lúc mồm sặc mùi rượu.
-       Sao họ không tỉ thí ở nhà mà lại đưa nhau ra quán xá để thiên hạ thấy nhỉ?
-       Trong nhà bày biện nhiều đồ đạc lấy đâu chỗ để họ song phi, tung cước. Trong lúc mải diễu võ giương oai lỡ làm vỡ mấy cái bình cổ thì sao.
-       Đúng vậy, đánh nhau ngoài quán, bao nhiêu thiệt hại cứ ghi vào hoá đơn đỏ, cơ quan thanh toán hết. Bác có biết lí do vì sao họ đánh nhau không?
-       Hiện, đây vẫn là bí mật của tỉnh này, nhưng theo tôi, một khi hành hung nhau ở những nơi này chỉ có thể do giành gái, kích nhau uống, hoặc đùn đẩy nhau chuyện trả tiền thôi.
-       Thế thì nhục quá. Hai lãnh đạo chức quyền to thế mà còn thích đánh nhau, không hiểu người có địa vị nhỏ hơn còn “đam mê” đấu võ tới đâu?
-       Bác cứ suy diễn hàm hồ. Hầu hết cán bộ của ta đều phải phấn đấu rất nhiều, rất lâu mới được cấp trên bổ nhiệm, nên họ điềm đạm lắm. Chỉ những kẻ “đi tắt về ngang” mới ngông cuồng chẳng coi ai ra gì. Nếu là tôi, tôi sẽ điều tra xem làm thế nào mà 2 đối tượng có tính du côn này lại có được quyền uy ngất trời như vậy.

Cận

Chẳng mấy lúc mà giàu


-       Lãnh đạo một thành phố ở miền Trung vừa ban hành lệnh cấm cán bộ, viên chức nhận phong bì bác ạ.
-       Chuyện xưa rồi. Tôi nhớ nhiều bộ, ngành đã phát động phong trào “nói không với phong bì” mà có hiệu quả đâu.
-       Trước chỉ yêu cầu, đề nghị không nhận quà cáp, biếu xén, giờ cấm hẳn hoi, còn kèm theo nhiều biện pháp chế tài mạnh.
-       Từ trước đến nay nhà nước có văn bản nào cho phép cán bộ nhận phong bì đâu mà giờ lại cấm. Việc đưa và nhận phong bì thuộc về quan hệ xã hội. Chỉ khi nào ai đó chứng minh được cái phong bì đó đã tác động đến quyết định sai trái làm lợi cho cá nhân, gây thiệt hại cho tập thể thì mới vi phạm pháp luật.
-       Nhiêu khê nhỉ. Theo tôi cứ xử lí nghiêm vài trường hợp, kẻ xấu mới sợ.
-       Không dễ như bác nói đâu. Ai người ta đưa phong bì nơi công cộng để cho bác bắt. Họ thường dấm dúi trong phòng làm việc, nơi gầm cầu thang, nhà vệ sinh, quán cà phê, không dưng bác xông vào khám người họ.
-       Nói như bác thì chúng ta đành bó tay, kệ cho nạn phong bì hoành hành?
-       Kẻ đưa và nhận phong bì chỉ là hạng ruồi muỗi. Làm ăn lớn bây giờ ai còn dùng hình thức đó nữa. Văn bản trên chỉ cấm nhận phong bì chứ có thấy chữ nào cấm nhận va li tiền, nhận đất, nhận nhà đâu.
-       Đúng thế, vậy phải làm thế nào?
-       Bác hỏi tôi, tôi biết hỏi ai. Theo tôi, bác nên chuyển việc sản xuất phong bì sang làm va li đi, sẽ chẳng mấy lúc mà giàu.

Cận

Tư duy giật lùi


-       Rồi nước mình sẽ sớm công nghiệp hoá hiện đại hoá, mừng quá.
-       Tôi cũng hi vọng thế. Căn cứ vào đâu mà bác khẳng định như vậy?
-       Thì vừa rồi, Sở GD&ĐT TP.HCM trình đề án làm sách giáo khoa điện tử trị giá 4000 tỷ đồng. Học sinh tiểu học sẽ không phải đeo những chiếc ba lô trĩu nặng chứa sách nữa. Tất cả gói gọn trong một cái máy tính bảng.
-       Vậy sao, thế thì tôi sẽ đăng kí đi học lại lớp 1 để được nhận một chiếc Ipad. Cái này chơi điện tử sướng lắm.
-       Phụ huynh phải bỏ tiền ra mua chứ ở đâu ra mà phát không cho bác.
-       Vậy mà tôi cứ tưởng… Kế hoạch này sẽ khó khả thi. Ngay giữa trung tâm thành phố còn khối gia đình lo tiền học cho con đã bạc mặt, tiền đâu sắm máy tính bảng.
-       Với những trường hợp này, thành phố sẽ tặng.
-       Mưa sao cho khắp được. Các cháu mới chỉ đi đôi giày đèm đẹp một chút thôi đã bị trấn lột, giờ ôm theo cái máy tính hàng chục triệu đồng đến trường, có lẽ gia đình phải thuê vệ sỹ cho bé.
-       Bác cứ hay bàn ngang. Tư duy giật lùi như bác đất nước làm sao đi lên được.
-       Ở Singapore và Thái Lan, những nước giàu có hơn ta nhiều mà chương trình máy tính bảng học đường của họ cũng phá sản rồi đấy.
-       Sao lại thế, họ quảng bá cho chương trình này ghê lắm mà?
-       Nghe nói từ khi có máy tính bảng trong tay, các bé suốt ngày cày game, học hành sa sút, chỉ có hãng sản xuất máy tính, các cửa hiệu bán kính thuốc và chủ dự án là thu bộn tiền. Còn xã hội thì thiệt đơn thiệt kép.

Cận

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Chiến tranh cõi âm!

            

-       Chiến tranh giờ đã lan sang cả cõi âm bác ạ.
-       Tôi tưởng chỉ có ở trần gian con người mới nồi da xáo thịt, chứ dưới ấy đủ đầy cả rồi việc gì phải tranh giành nhau?
-       Các cụ vẫn bảo trần sao âm vậy nên ở dưới âm phủ cũng có người tốt kẻ xấu, cũng tham lam, tranh quyền đoạt lợi như trên này.
-       Các cụ đi mây về gió, thoắt ẩn thoắt hiện, ngao du khắp nơi, sống như thần tiên thì cần gì đến vật chất tầm thường. Căn cứ vào đâu mà bác nói thế?
-       Mọi năm, cứ vào dịp tháng bảy, xe cộ, nhà cửa, gái đẹp làm bằng giấy lại được đốt tứ tung. Năm nay, tại những phố chuyên hàng mã thấy bày bán tràn lan xe tăng, tên lửa, máy bay tiêm kích… Dưới ấy có khi đang diễn ra chiến tranh âm phủ lần thứ nhất cũng nên.
-       Chiến tranh ắt có người chết, thế lỡ hồn ma nào đó tử vong thì linh hồn họ bay về cõi nào?
-       Thì… bay trở lại… trần gian.
-       Trên này đất chật người đông giờ gánh thêm hàng tỷ linh hồn nữa thì chứa vào đâu, bác chỉ khéo tưởng tượng.
-       Nếu dưới đó không loạn sao người trần phải đốt toàn vũ khí hạng nặng cho người thân đã khuất?
-       Đây là do đám đầu nậu chuyên sản xuất đồ vàng mã nghĩ ra để lừa bịp người mê tín dị đoan, chứ dưới ấy mà có chuyện thì trên này yên sao nổi.
-       Vậy mà tôi cứ tưởng… Sao cơ quan có trách nhiệm lại để cho người ta mặc sức sản xuất hàng hoá mang đầy tính bạo lực thế nhỉ?
-       Họ còn bận cúng rằm với tiếp các… cô hồn, hơi đâu quan tâm chuyện lẻ tẻ.

Cận