Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Coi trời bằng vung

  


-       Đi đâu về mà mặt mũi hớn hở thế bác, mới trúng lô đề à?
-       Tôi vừa lấy được cái bằng lái xe ôtô , sang khao bác chầu cà phê đây.
-       Bác cao có 1 mét 30, bị động kinh nặng, lại cận lòi thế kia ai người ta cấp bằng cho.
-       Tôi vẫn còn “phong độ” chán. Có anh cụt hẳn một tay mà cũng được cấp bằng đấy.
-       Tôi tưởng trong hồ sơ xin thi lấy bằng lái xe phải có giấy khám sức khoẻ chứ?
-       Ôi dào, chuyện vặt. Bác cứ đến Trung tâm y tế Dự phòng huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình trả 175 nghìn đồng là có ngay, chẳng phải khám gì sất.
-       Thế nhỡ những người què cụt, mắt kém, lại mắc bệnh thần kinh như bác gây tai nạn chết người thì ai chịu trách nhiệm?
-       Thì người bị nạn trước hết thiệt thân đã, chi ra ít tiền bồi thường là đâu vào đấy ngay thôi.
-       Thảo nào mà Việt Nam có số lượng người chết vì tai nạn giao thông nằm trong tốp 10 thế giới. Thực trạng bán giấy khám sức khoẻ tôi cũng có nghe nhiều, tưởng đã khắc phục rồi, ai dè…
-       Ở trung tâm y tế này, người ta còn cấp cả giấy khám sức khoẻ cho người đã chết. Có người dùng chứng minh nhân dân của người nhà khuất núi được 9 năm đến mua Giấy khám sức khoẻ, chỉ sau vài phút đã xong.
-        Đúng là coi trời bằng vung, trường hợp này đề nghị phải xử lí nghiêm mới có sức răn đe.

Cận

Chiều quá hoá hư

        


-       Chính quyền một tỉnh phía Bắc vừa đề xuất xây trụ sở hành chính tập trung mới bác ạ.
-       Thì họ chưa có trụ sở hoặc trụ sở quá xập xệ thì cho họ xây chứ giữ làm gì. Khu hành chính ở các nước hoành tráng lắm. Thời hội nhập không thể úi xùi mãi được.
-       Nhưng ở địa phương này đã có sẵn trụ sở rất lớn, nhiều cái đang bỏ hoang, xây mới e rằng lãng phí quá.
-       Tiền của họ, họ muốn làm gì chẳng được, để lâu trong két mối mọt ăn hết thì sao?
-       Nếu được thế thì nói làm gì, đằng này họ xin được xây bằng ngân sách với số vốn lên tới 2000 tỷ đồng.
-       Thời buổi khó khăn, cả nước đang phải triệt để tiết kiệm mà tỉnh nào cũng đòi thì lấy đâu ra. Lãnh đạo tỉnh này mới công tác trên cung trăng về hay sao mà không nắm được hoàn cảnh đất nước lúc này nhỉ?
-       Thì khắp nơi đang mắc hội chứng xin mà. Nơi này đòi làm sân bay, nơi kia muốn có mấy chục nghìn tỷ đồng làm sách giáo khoa… Họ cứ xin, không được nhiều thì được ít, mất gì của “bọ”
-       Không được, đã đến lúc chúng ta phải thẳng tay với loại cán bộ vô cảm, đục nước béo cò này. Còn nhớ, thời kháng chiến, cán bộ ngồi hầm ngập nước, rắn rết bò lổm ngổm dưới chân mà mọi việc vẫn đâu vào đấy. Còn bây giờ, hơi khó khăn một tí là kêu ca, vòi vĩnh. Chiều quá hoá hư đây mà.

Cận

Sống chung với sự giả dối



-       Thực trạng bằng giả có chiều hướng ngày càng trầm trọng bác ạ.
-       Bằng giả, làm ăn giả, sống giả, đạo đức giả tràn lan khắp nơi, chỉ có tiền của nhân dân, của đất nước chui vào túi đám người giả dối này là thật thôi.
-       Vấn đề là, việc sử dụng bằng giả giờ lan sang cả tầng lớp giáo viên.
-       Thì sao chứ. Các tầng lớp khác kiếm đẫy nhờ bằng giả thì sao lại cấm giáo viên không được làm thế. Họ cũng cần xe đẹp, nhà cao cửa rộng mà.
-       Hôm vừa rồi ở Hà Tĩnh người ta phát hiện một bà hiệu trưởng trường mầm non mới học lớp 9 mà dùng bằng giả để học đại học. Vừa bước vào đời đã “được” cô giáo thiếu trung thực “dìu dắt” bảo sao mà tâm hồn các cháu không bị quặt quẹo cơ chứ.
-       Đúng là nguy hiểm thật, thảo nào ngày càng nhiều thanh niên mất niềm tin vào người lớn. Thế đã xử lí cô giáo thiếu trung thực này chưa?
-       Thì kiểm điểm, rút kinh nghiệm rồi thôi, không lẽ đuổi việc người ta.
-       Có đuổi cũng chẳng xuể. Trách đám người này một thì phải trách cơ chế mười. Khi nào mà cái danh gắn liền với cái lợi, việc bổ nhiệm còn dựa vào bằng cấp thì đừng hi vọng vào sự trung thực của cán bộ.
-       Nói như bác, chúng ta còn phải sống chung với lũ dài dài sao?
-       Đúng thế, chỉ khi nào các tổ chức, cơ quan mạnh dạn trao quyền cho người có tài năng bất kể họ có bằng cấp gì, trả lương cho họ dựa vào sự cống hiến thì nạn dùng bằng giả, nạn mua quan bán tước mới tự biến mất.

Cận

Ai người ta nuôi báo cô.



-       Bây giờ cái gì cũng xuất khẩu được bác nhỉ?
-       Tài nguyên ngày càng cạn kiệt nên mọi thứ đều có giá. Không chỉ dầu mỏ, than đá, đến cây dại, nấm độc cũng được nước ngoài tận thu bằng hết.
-       Nghe nói gần đây có chủ trương xuất khẩu giáo sư, tiến sỹ phải không?
-       Mấy chục nghìn giáo sư, tiến sỹ dùng sao hết, không xuất đi, mốc meo cả lên, phí lắm.
-       Vấn đề là có xuất được không. Giun, đỉa có bao nhiêu nước ngoài cũng mua hết, chứ mấy ông giaó sư tiến sỹ chưa chắc họ đã màng đến đâu. Là trí thức mà viết sách giáo khoa thì bị cả xã hội lên án, đến con ốc vít đạt chuẩn cũng không làm nổi, ai người ta nhập về nuôi báo cô.
-       Bác cứ nặng lời, đến ông Hai Lúa sang đất nước láng giềng còn được trọng vọng, được cấp nhà lầu xe hơi, được tạo điều kiện làm việc tốt nhất, được phong hàm đại tướng, nữa là các giáo sư.
-       Vấn đề nằm ở chỗ này đấy. Chúng ta thực sự đãi ngộ chưa tốt tầng lớp trí thức. Lương thấp khiến nhiều người phải bươn trải làm việc khác nuôi thân, làm gì còn thời gian làm khoa học.
-       Đúng vậy, cứ duy trì mãi cung cách quản lí này, biết đến bao giờ các giáo sư, tiến sỹ của mình mới có điều kiện phát huy năng lực, bao giờ đất nước mới có được những con người tài giỏi như Edixon?
-       Nói làm gì cho buồn, Edixon mà sống ở Việt Nam cũng “mất điện”, có khi làm nghề xe ôm chứ báu gì.

Cận

Bàn nhiều nhức đầu



-       Loạn, loạn hết cả rồi bác ạ.
-       Bác có vấn đề gì về thần kinh không đấy. Đang ngồi cà phê bên hàng liễu rủ ven hồ yên bình thế này mà bác kêu loạn là sao?
-       Lại mới xuất hiện một cuốn sách có bìa minh hoạ phản cảm quá.
-       Ôi dào! Tưởng gì, tiểu thuyết diễm tình thì cũng nên để cho người ta sử dụng tranh ảnh “mát mẻ”, sướt mướt một tí cho nó hấp dẫn, khô quá ai người ta mua.
-       Nhưng đây là cuốn sách về luật, ngoài bìa in hình một diễn viên cười toe toét, hai tay nâng cao cái cân, trên người mặc độc cái quần “sịp” nhìn mãi mới thấy. Thật vô duyên quá.
-       Bác chẳng hiểu gì cả. Dùng hình ảnh diễn viên đó cười ý nhà xuất bản muốn nói luật là phải vô tư, vui cả làng, không thiên vị, còn việc cơ thể trụi thùi lụi là để nhấn mạnh giá trị của sự công khai, minh bạch, chẳng có gì giấu giếm, khuất tất cả.
-       Cả xã hội đang lên án mà bác còn bênh họ. Các loại sách khác thì còn có thể châm chước, chứ sách luật rất cần sự nghiêm túc, trang trọng.
-       Tôi đùa chút thôi, thực ra thì sách nào cũng cần phải có văn hoá. Sao dạo này xuất hiện nhiều sách dung tục thế nhỉ, hết sách khiêu dâm cho thiếu nhi, đến từ điển làm ẩu, giờ lại lòi ra chuyện này?
-       Đó là do chúng ta chưa quản tốt khâu liên kết của các nhà xuất bản.
-       Bàn nhiều tốn thời gian, nhức đầu lắm. Cứ rút giấy phép vài nhà xuất bản, cách chức vài lão giám đốc vô trách nhiệm là sách sẽ sạch sẽ ngay thôi mà.

Cận