Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

“Ăn” không biết mệt



         
-          Có lẽ thời gian tới tôi sẽ không mua báo hay lên internet nữa. Suốt ngày đọc những vụ việc tiêu cực, đau hết cả đầu.
-          Tôi cũng thấy vậy. Càng đọc, càng thấy mất niềm tin vào cuộc sống. Sáng nay, đọc báo thấy đưa tin việc Hiệu trưởng trường Tiểu học Hàm Thạnh 1, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận bớt xén tiền ăn trưa của các cháu, thấy phẫn nộ quá.
-          Chắc bác nhầm, các cháu bé thế, ai người ta ăn chặn làm gì?
-          Mẫu giáo họ còn không tha nữa là tiểu học. Thanh tra huyện đã có kết luận vị Hiệu trưởng mắc bệnh “thèm tiền” này chỉ trong thời gian ngắn đã “ăn” của các cháu hàng trăm triệu đồng.
-          Bố mẹ các cháu giàu, “thầy” có bớt chút đỉnh thì cũng chẳng ảnh hưởng gì lắm.
-          Đâu phải. Vị này đã lập hồ sơ chứng từ khống để rút tiền hỗ trợ bữa trưa của huyện cho học sinh thuộc diện hộ nghèo.
-          Chắc “thầy” lo các cháu ăn nhiều dễ bị béo phì nên bớt tiền đi thôi.
-          Không những ăn chặn toàn bộ tiền hỗ trợ, vị này còn bắt gia đình nộp mỗi cháu 15 nghìn đồng cho mỗi bữa ăn. Nghe nói, cả số tiền này cũng bị bớt xén.
-          Chắc “thầy” giữ hộ thôi, khi nào các cháu trưởng thành sẽ trả lại để làm vốn kinh doanh.
-          Được thế đã tốt. Khi Thanh tra vào cuộc đã phát hiện, ngoài tiền căn trưa, Hiệu trưởng còn thu nhiều khoản khác rất mờ ám. Số tiền tham ô đã ăn tiêu hết.
-          Thế thì đáng lên án quá. Thảo nào các cháu ngày càng còi cọc cả về thể chất và tâm hồn. Loại “thầy” cô hồn này cần sớm loại bỏ khỏi ngành giáo dục, có thế mới nhanh khá lên được.
Cận

Biểu hiện của lòng dũng cảm



        
-          Hôm vừa rồi có một giám đốc người Nhật cùng toàn thể công nhân của mình lên truyền hình xin lỗi người dân khiến tôi thán phục quá.
-          Họ làm hàng giả, hay trộn hóa chất độc hại vào hàng hóa bị phát hiện nên mới làm thế hả bác?
-          Không. Họ xin lỗi vì sau 15 năm sản xuất và kinh doanh kem đến nay do nguyên vật liệu đắt đỏ nên họ buộc phải tăng giá chút đỉnh. Họ sợ người tiêu dùng không hài lòng.
-          Nếu chỉ vì lí do đó thì ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp phải xin lỗi khách hàng bởi tình trạng tăng giá vô tội vạ, bất chấp chữ tín. Vậy mà tôi chưa bao giờ thấy ai ngỏ lời xin lỗi cả..
-          Mấy bữa trước có ông Bộ trưởng đã lên báo xin lỗi vì lỡ lời phát ngôn coi thường dân trên nghị trường Quốc hội đấy thôi.
-          Hiếm hoi lắm, chỉ những người sắp về “vườn” mới hay có lời nói bênh vực lẽ phải, mới thừa nhận mình sai thôi. Lời xin lỗi họ phát ra chỉ sau khi có hàng triệu người bị ảnh hưởng.
-          Sao quan chức nhà mình kiệm lời xin lỗi thế nhỉ?
-          Một phần là do coi thường dân, phần khác do sợ cấp trên hoặc dư luận đánh giá là kém năng lực. Họ coi lời xin lỗi là sự tổn hại danh dự ghê gớm.
-          Tôi lại coi lời xin lỗi là một hành vi văn minh. Đó chính là biểu hiện của lòng dũng cảm, là tinh thần trách nhiệm của bản thân người mắc lỗi với cộng đồng. Vậy chúng ta phải làm gì trước thực trạng này?
-          Chẳng cần những kế hoạch hay chiến lược gì to tát. Nếu muốn xã hội ổn định và phát triển, việc đầu tiên là phải nâng cao ý thức nhận lỗi của cán bộ. Việc thứ hai là mọi công chức phải biết nở nụ cười tạo sự gần gũi với công chúng. Khi có được sự yêu quí của nhân dân, có việc gì mà ta không làm được chứ.
Cận

Còn bảo được ai



          
-          Bác chớ có dại viết dòng chữ “Cấm đổ rác ở đây”, chẳng hiệu quả gì đâu.
-          Muốn người ta không làm điều sai trái thì phải có mấy dòng cảnh báo chứ?
-          Lẽ thường là thế, nhưng ở Việt Nam mình thì thường ngược lại. Bác mà cấm người ta sẽ đổ xô tới đây đổ rác.
-          Nếu mọi người vẫn cố tình vi phạm tôi sẽ trình báo cơ quan chức năng hoặc xua chó ra cắn.
-          Chẳng tác dụng gì, có khi còn tạo cơ hội cho bọn Cẩu tặc.  Bác không thấy xung quanh Hồ Tây và nhiều hồ ao khác người ta cắm nhan nhản biển cấm đánh bắt cá mà cả “tập đoàn” người vẫn hồn nhiên ngồi câu suốt ngày đêm hay sao?
-          Đúng thế thật. Khi đi đường tôi thấy đèn đỏ bật lên rồi mà nhiều người vẫn vô tư phóng vèo vèo qua ngã tư. Vỉa hè càng cấm họp chợ, buôn bán người ta càng lấn chiếm. Vậy phải làm sao?
-          Đây là câu hỏi lâu nay khiến chính quyền thành phố đau đầu. Có lẽ cắm biển mời mọi người tới đổ rác, tới câu cá có khi lại chẳng ai đến.
-          Có lẽ thế thật. Sao bây giờ có nhiều người sẵn sàng vi phạm các qui định thế nhỉ?
-          Do các cơ quan chức năng còn nặng tâm lí nửa vời. Ra quân dẹp vi phạm mà theo thời vụ, chờ hôm nắng đẹp mới thực thi thì làm sao mà triệt để được. Hàng hóa, đồ nghề vi phạm tịch thu rồi lại cho chuộc lại ai người ta còn sợ nữa.
-          Đúng thế. Ở một phường nọ người ta cắt đất công viên cho tư nhân mở quán cà phê hàng trăm mét vuông, khi báo chí chất vấn thì ông Chủ tịch thoái thác rồi bảo: Nếu thu hồi thì phường sẽ mất nguồn thu… Lãnh đạo cao nhất của một địa phương còn đặt đồng tiền lên cao nhất thì còn bảo được ai, cám cảnh.
Cận

Đào núi làm nơi trữ rượu?



              
-          Thế mới thấy cán bộ bây giờ có sức khỏe thật phi thường.
-          Thì họ cũng phải tập tành để có sức để làm việc và cống hiến chứ. Có ai cõng trên lưng hàng chục em nhỏ bơi qua sông để đến trường hả bác?
-          Thế đã ăn thua gì. Có vị lãnh đạo cao nhất ở huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam đã cùng mấy đứa con đào hẳn một đường hầm xuyên núi dài hàng trăm mét, thật đáng khâm phục quá.
-          Ở miền núi đi lại khó khăn giờ có người làm đường cho dân đi thật quí hóa quá. Người dân nơi đây chắc biết ơn lắm?
-          Ông ấy làm bí mật có ai biết đâu mà đi nhờ. Sau khi cơ quan chức năng biết chuyện tới tìm hiểu mới biết ông này đào đường hầm này dự định làm nơi trữ rượu, đồng thời sẽ biến nơi đây thành nơi bù khú với bạn bè.
-          Thật là độc đáo. Thế chính quyền địa phương có ý kiến gì về việc này chưa?
-          Họ bảo không có căn cứ để xử lí vì từ xưa đến nay ở đây chưa có trường hợp nào đào xuyên núi để cất rượu và làm nơi uống rượu cả. Tuy nhiên, dư luận ở đây khẳng định ông này bị bệnh gút rất nặng, từ lâu đã bị bác sỹ cấm không được uống rượu.
-          Lạ nhỉ. Hay ông này đào hầm để ngủ cho mát?
-          Người dân ở đây bảo thực ra ông ấy đào hầm là để tìm vàng. Ở đây có rất nhiều bãi khai thác loại kim loại quí này.
-          Tôi hiểu rồi. Nếu vì mục đích đó thì ông này vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai. Ngoài ra ông ấy còn vi phạm Luật Môi trường. Núi mà đào rỗng ruột gặp mưa lâu ngày đổ sập xuống đầu dân thì nguy. Cần ngăn chặn sớm.
Cận

Đau đớn cũng phải làm



      
-          Theo bác thì tại sao trình độ phát triển của Việt Nam tụt hậu hàng chục năm so với bạn bè trong khu vực và thế giới?
-          Nhiều nguyên nhân lắm, chủ yếu là do hậu quả chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt, do quản lí yếu kém, tham nhũng tràn lan, người làm công ăn lương thiếu tinh thần trách nhiệm, sáng cắp ô đi tối cắp về…
-          Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ, thiên tai thì có khối nước còn khắc nghiệt hơn ta mà tại sao họ vẫn phát triển. Đừng đổ lỗi quanh nữa. Tất cả là từ Bộ Học mà ra.
-          Nhưng Bộ này gần đây cũng có nhiều thay đổi trong dạy và học rồi mà.
-          Mọi sự thay đổi đó đều không thực chất khiến cho hàng vạn cử nhân, Thạc sỹ cầm tấm bằng rồi về chăn vịt, đi bán vé số.
-          Thì nhiều người mải chơi, học và thi chỉ mang tính đối phó nên mới thế chứ.
-          Không phải. Đa phần người học đều nghèo, gia đình phải bán nhà, bán ruộng, vay nợ cho con ăn học, chẳng ai lại không muốn học hành tử tế cả. Một giáo sư nước ngoài đã nói thẳng, chương trình học của chúng ta lạc hậu so với thế giới những 60 năm.
-          Kinh thế cơ à, số thời gian đó bằng đúng thời gian tụt hậu của đất nước đấy.
-          Đúng thế. Kiến thức dạy học lạc hậu, lại có quá nhiều môn vô bổ, đấy là chưa nói ngành giáo dục đã lãng phí thời gian từ 4 đến đến 5 năm của mỗi người học. Hàng triệu con người đã bị đánh cắp cả một khoảng thời gian nhiệt huyết, sung mãn nhất. Muốn đất nước đi lên, không còn cách nào khác phải làm cuộc cách mạng triệt để Bộ này. Đau đớn cũng phải làm.
Cận