Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Nguyễn An Ninh - “Chuông rè kêu khắp tây đông!”

TS. HOÀNG VĂN QUANG

Đến nay, nhiều bậc lão niên Nam Bộ vẫn còn nhớ như in hình ảnh một chàng trai thấp đậm, mắt một mí mơ màng, gợn buồn, mái tóc dài bù xù đầy vẻ triết gia, vận chiếc áo dài thâm ôm chồng báo Chuông rè (Laclochefêleé) tới những con hẻm bán dạo. Anh ta đi tới đâu là mật thám bu tới đó. Nhiều người bị mất việc, bị đuổi học, tù tội chỉ vì đọc Chuông rè. Điều này vẫn không ngăn cản được độc giả tìm đến với tờ báo ngày càng đông hơn. Có thanh niên đứng nấp sau bờ tường cả buổi chờ người bán báo đặc biệt đó đi qua là nhảy xô ra, giật lấy tờ báo, giúi vào tay chủ nhân nắm tiền rồi chạy vút vào ngõ thông sang phố khác. Mấy tay mật thám chỉ còn nước giậm chân, lắc đầu, tức tối nhìn theo. Người chủ báo, kiêm ký giả, biên tập và tự mình đi bán báo đó chính là Nguyễn An Ninh, thần tượng của người dân Nam kỳ lúc bấy giờ.
TÌM ĐƯỜNG
Theo sổ bộ đời, tên chính xác của Nguyễn An Ninh là Nguyễn Văn Ninh. Các hồ sơ xử án ông trước đây đều ghi tên là Nguyễn Văn Ninh tự Nguyễn An Ninh sinh 9- 1900 (có tài liệu ghi 1899) tại Mỹ Hoà - Hóc Môn (Gia Định cũ) trong một gia đình Nho học, có truyền thống yêu nước. Người cha, Nguyễn An Khương vốn là nhà văn, nhà thơ theo phái cựu học, đã từng viết nhiều bài cổ xuý cho lòng tự tôn dân tộc trên tờ Nông cổ mín đàm, là dịch giả của Tam quốc chí, Phấn trang lầu, Phong trần, là người viết nhiều cuốn sách giáo khoa bằng văn vần cho trẻ em. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, ông đã cùng người em trai Nguyễn An Cư (biệt danh Hoa Đà Hóc Môn), em gái và những người cùng chí hướng như Gilbert Chiếu hưởng ứng, tham gia phong trào Duy Tân, xây dựng khách sạn Chiêu Nam lầu làm nơi trú ngụ cho các nhà yêu nước, làm kinh tài cho tổ chức. Sau khi phong trào đông kinh nghĩa thục bị giải tán, anh em nhà Nguyễn An lại lập ra phong trào Đông Du. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh gia đình như vậy, Nguyễn An Ninh đã học được nhiều điều, sớm xác định cho mình
một chí hướng. Ngay từ khi còn nhỏ, trong trường tiểu học, ông đã nổi tiếng là đứa trẻ bất khuất, sẵn sàng đánh nhau với đám con Tây, bảo vệ những học trò yếu đuối cùng nòi giống với mình.
16 tuổi, Nguyễn An Ninh tốt nghiệp phổ thông trung học (Brevet – élémẻnteire), ông thử bước vào làm báo. Do còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm, ông chưa được phân công viết những bài có giá trị, chủ yếu giữ chân phóng viên tập sự, thu lượm tin tức tầm thường. Trước những thất bại của cuộc khởi nghĩa Phan Xích Long, cuộc bạo động ở tỉnh Thái Nguyên của Đội Cấn (Trịnh Văn Cấn), Lương Ngọc Quyến, sự bất hợp tác, bỏ vào rừng của vua Duy Tân, Nguyễn An Ninh nhận thức được rằng muốn đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi vòng lầm than, ngoài lòng yêu nước, người thanh niên phải có tầm nhìn rộng rãi về thế giới, phải có học thức vững vàng. Với suy nghĩ đó, Nguyễn An Ninh bỏ ra Hà Nội ứng thi vào Cao đẳng Y khoa và trúng tuyển với điểm số cao. Học chưa hết năm thứ hai, ông bỏ sang Pháp (1918) thi vào trường đại học Sorbonne – Pari, khoa Luật. Chỉ hai năm sau, ông đã lấy được bằng cử nhân, trước kỳ hạn 1 năm. Nhiều người khuyên Nguyễn An Ninh học tiếp lên bậc tiến sĩ. Nhà nước Pháp cũng sẵn sàng mở rộng cửa đón chào người thanh niên đầy triển vọng, nhưng ông đã từ chối tất cả. Ông quyết định ở lại Pháp để tự tìm tòi, nghiên cứu thêm về triết học, chính trị, tôn giáo. Trong mấy năm ở Pari ông kết giao rộng rãi, qua lại thường xuyên với nhóm Ngũ Hổ tại số 6 Villa Desgobélens gồm Tây Hồ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Phạm Thế Song, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành. Ông cũng là bạn của Thánh Gandhi (lãnh tụ của Ấn Độ sau này). Để có tiền sinh sống, Nguyễn An Ninh phải làm đủ nghề từ tạp dịch, viết báo, người mẫu cho hoạ sĩ... Cuối 1922 ông về nước.
CHUÔNG RÈ LÊN TIẾNG
Ngay từ khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) sắp nổ ra, để giữ chọn hoà ổn các xứ thuộc địa, người Pháp chủ trương áp dụng những chính sách cai trị mền dẻo. Khẩu hiệu Pháp – Việt đề huề, Pháp – Việt nhất gia được
các tờ báo của nhà cầm quyền như Đông Dương tạp chí (1913), Nam Phong tạp chí (1917) tuyên truyền ầm ĩ. Thông qua những tờ báo phục vụ chủ thuyết A.Sarraut hàng loạt văn hoá phẩm của Pháp và phương Tây được dịch sang tiếng Việt, một mặt nhằm phổ biến kiến thức cho dân bản xứ, mặt khác, làm cho người dân thuộc địa có tâm lý sợ Pháp, phục Pháp. Bên cạnh đó, người Pháp cũng không loại bỏ ngay ảnh hưởng của Trung Quốc, thậm chí họ còn khuyến khích dịch các áng văn cổ từ chữ Hán sang Quốc ngữ để tầng lớp sĩ phu Việt Nam mải sống trong hư văn, lãng quên đấu tranh. Sự đa dạng hoá về tư tưởng sẽ làm tầng lớp thanh niên trí thức rơi vào tâm trạng mơ hồ trong nhận thức, làm lu mờ hình ảnh Cách mạng tháng Mười Nga, phần nào làm phai nhạt vai trò của các phong trào cộng sản đang lên.
Nguyễn An Ninh, cũng như bao thanh niên có tâm huyết khác, khó mà thoát khỏi những thủ đoạn chính trị hết sức tinh vi này. Chính vì vậy, những năm đầu trở về nước (1922 - 1925) những bài viết, bài diễn thuyết của Nguyễn An Ninh còn khá hỗn độn, khuynh hướng chính trị cũng chưa rõ ràng, cho dù trước đó ông đã có quan hệ với Nguyễn Tất Thành (thành viên của Quốc tế cộng sản III, là một trong những sáng lập viên Đảng cộng sản Pháp); đã từng sửa chữa bài vở cho Le Paria (Người cùng khổ – Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa) và sau này là đại lý cho Le Paria ở trong nước. Thời kỳ này ông viết, dịch, tổ chức nhiều buổi diễn thuyết khá rầm rộ như buổi diễn thuyết về đề tài “Xây dựng một nền văn hoá cho người Việt Nam” - 1 - 1923. Tháng 10- 1923 Nguyễn An Ninh lại diễn thuyết về “Cao vọng của thanh niên Việt Nam”, cùng thời gian này ông cho dịch bản Dân ước (Le Contrat Social) của J.J.Rousseau. Có lẽ đây là thời kỳ Nguyễn An Ninh đang mày mò đi tìm các giải pháp xã hội. Trên diễn đàn của Hội khuyến học Sài Gòn (15-10-1923) ông nhấn mạnh: chìa khoá tạo nên sức mạnh Việt Nam chính là tri thức và văn hoá. Sự kết hợp giữa văn minh phương Đông (chủ yếu có nguồn gốc Trung Hoa) với văn minh phương Tây (do người Pháp đem lại) sẽ tạo ra bản sắc riêng của văn
minh Việt Nam. Theo ông, nền văn hóa Việt Nam, dù không có bề dày như Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng cũng đáng giữ gìn. Nếu cái đó được bảo vệ tốt, chúng ta sẽ không phải lo lắng nhiều cho tương lai, dù hiện tại đất nước vẫn nằm trong vòng nô lệ. Nội dung này không khác bao nhiêu với quan niệm của một số triết gia tư sản phương Tây, đại ý: Một dân tộc mà giữ gìn được ngôn ngữ, dân tộc đó sẽ không bao giờ mất đi. Đây cũng là nội dung chính của cuộc tranh luận về truyện Kiều do Phạm Quỳnh và một số tri thức xu thời phát động: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”. Cũng trong bài diễn thuyết “Cao vọng thanh niên Việt Nam” tuy có đôi chỗ Nguyễn An Ninh bàn về đám đông, về các tổ chức thanh niên, nhưng ông lại rất đề cao vai trò cá nhân, coi các bậc đại nhân, siêu nhân là đối tượng duy nhất có khả năng làm xoay chuyển tất cả. Các đấng, các bậc đó không xuất phát từ trong dân chúng, mà như từ thế giới khác đến...”. Dân ta cần có bậc đại nhân ra giúp thì chưa đủ, phải đem lòng trông đợi các bậc ấy, phải lên chót non cao, xuống nơi rừng sâu, ở đâu mà có phơ phất cái hồn của Nam Việt, rồi ráng hết sức mà kêu gọi các bậc đại nhân, thánh nhân ra. Có lẽ như vậy ta làm cho cảm động được các thế lực lạ thường mà sinh ra người hạ thường đó... Miệng ta mỗi ngày phải kêu, vái, khẩn, niệm cho sinh ra bậc thánh nhân...”. Dường như đây chỉ là sự diễn giải dòng Chủ nghĩa siêu nhân cảu Nietzsche “Cái gọi là dân tộc chỉ là sự đi vòng của tạo hoá nhằm sinh ra một vài vĩ nhân”. Nói cách khác, Nguyễn An Ninh quan niệm “nền văn hoá cần thiết cho dân tộc ta phải là một nền văn hoá tinh thần, lấy chủ nghĩa nhân văn của Pháp làm cơ sở để thấu hiểu nền văn hoá Viễn Đông”. Việc đấu tranh tư tưởng bó hẹp trong phạm vi cải cách xã hội này phần nào gần gũi với Gandhi, với Tagore. Nó còn đeo đẳng Nguyễn An Ninh một thời gian dài, khi ông ra tờ Chuông rè (Laclochefêlée). Tờ báo ra số 1 ngày 10-12-1923 bằng tiếng Pháp, tiêu đề ghi “Cơ quan tuyên truyền cho tư tưởng của nước Pháp”.
NHÀ YÊU NƯỚC TRẺ TUỔI
Trong 20 số đầu, Chuông rè do Nguyễn An Ninh làm chủ nhiệm, khá phức tạp về màu sắc chính trị, giọng điệu. Bên cạnh những nội dung miêu tả thành tựu khoa học, văn hoá Pháp và phương Tây là những bài phê phán đạo đức công chức, công kích có giới hạn một số chính sách cai trị của nhà cầm quyền thực dân như các vấn đề thuế khoá, giáo dục, phu phen, bàn về những khái niệm chính trị thông thường. Ông ít bàn về tự do, hầu như không đặt ra vấn đề độc lập dân tộc. Khái niệm tự do nếu có được nói đến, cũng chỉ là thứ tự do tư sản, vô chính phủ: “Bây giờ đòi tự do để làm gì? Một em bé đang chập chững có cần cả cái trái đất để tập đi không?... Không, không, vấn đề cốt tử của nòi giống ta là vấn đề xã hội...”
Nói chung, đường lối đấu tranh của Nguyễn An Ninh lúc này mới chỉ mang màu sắc yêu nước đơn thuần đậm đặc tính dung hoà, mềm dẻo, thậm chí ít nhiều cải lương “kẻ chiến thắng chỉ có sức mạnh vật chất, kẻ chiến bại bị bó tay có thể dùng sức mạnh tinh thần để chống trả lại” – (Chuông rè – số 19 – 14 – 7 - 1924). Rõ ràng là để giải quyết vấn đề dân tộcd, bạo lực cách mạng chưa bao giờ được Nguyễn An Ninh đặt ra. Tư tưởng này rất gần với Phan Chu Trinh, người luôn được Nguyễn An Ninh coi như người thầy tinh thần của mình.
Từ số 20, Chuông rè do Phan Văn Trường (Tiến sĩ Luật, là nhà Mác xít đầu tiên của Việt Nam) điều khiển, có sự thay đổi đáng kể về cả nội dung lẫn hình thức. Tỷ lệ bài chính trị, công kích nhà cầm quyền tăng trong khi những bài tuyên truyền văn minh Pháp lại giảm. Tiêu đề “Cơ quan tuyên truyền cho tư tưởng của nước Pháp” giờ được thay là “Cơ quan truyền bá dân chủ” và từ cuối năm 1925 được viết thêm dòng chữ “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Đối tượng để tờ báo phê phán lúc này không dừng ở hạng công chức vừa và nhỏ, những chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội mà còn mở rộng đến cả tầng lớp chóp bu như Toàn quyền Đông Dương, vua chúa Nam Triều, thường xuyên đề cập đến các vấn đề chính trị lớn nhỏ trong nước. Đây cũng là thời điểm Chuông rè bước đầu giới thiệu về nước Nga Xô viết, Cách mạng tháng 10, trích dịch
những bài của tờ L’humanite (cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Pháp.
Mặc dù vậy, Chuông rè chưa bộc lộ rõ khuynh hướng chính trị, dường như tờ báo mới chỉ coi trọng nhiệm vụ mô tả trung thực hiện thực đời sống, tránh bình luận, thiên kiến. Tuy nhiên, trước thời điểm 1925, hầu hết các tờ báo hợp pháp trong nước đều né tránh các nội dung chính trị, nên Chuông Rè rất được người đọc hoan nghênh. Nó đã bị nhà cầm quyền gây khó dễ, đã hơn một lần Phan Văn Trường và các đồng sự bị gọi lên Sở mật thám răn đe, thậm chí bị tù. Có thể coi Chuông rè là sự mở đường cho dòng báo chí yêu nước sau này. Tờ báo đã làm lay động tâm hồn biết bao con người có tâm huyết với số phận dân tộc. Bùi Thế Mỹ, một cây bút được liệt vào hạng Tam tài (gồm Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ) của xứ Nam Kỳ đã cổ động cho Chuông rè như sau:
... Kìa! kìa! nghe tiếng Chuông rè!
Chuông rè lên tiếng gọi đời
Bỏ khi lửa đốt bỏ hồi than nung
Chuông rè kêu khắp tây đông
Sông Ngưu sóng dậy, núi Nùng cây lay...
BỊ BẮT LẦN THỨ NHẤT
Mặc dù mang tính chất chống đối nhà cầm quyền, nhưng trong thời gian dài Chuông rè không bị cấm hoạt động như một số tờ báo tiến bộ đương thời khác. Chẳng hạn tờ Le nhà quê do Nguyễn Khánh Toàn chủ trương chưa kịp ra số 1 đã bị thu hồi giấy phép vì mật thám đã đánh hơi thấy “mùi cộng sản” trong đó. Về việc này, cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Người cho rằng vì Nguyễn An Ninh quá nổi tiếng nên người Pháp ngại đụng vào thần tượng của quần chúng nhân dân. Có lập luận khẳng định, do Nguyễn An Ninh có bằng cử nhân Luật nên biết len vào những kẻ hở của luật pháp để viết bài, người Pháp không đủ lý lẽ để bắt bẻ. Thực ra, vào thập niên 20 báo chí cũng như các khuynh
hướng chính trị tại Việt Nam mới đang trong quá trình định hình. Chúng vẫn còn khá ô hợp, dễ kiểm soát. Chuông rè bị gây khó dễ, kiểm soát trong khâu in ấn, phát hành chẳng qua vì nó thường va chạm, đụng độ với một vài cá nhân nào đó. Tờ báo chưa bao giờ nuôi ý định đạp đổ thể chế cũ, xây dựng chính quyền mới đối lập với nhà cầm quyền thực dân.
Đầu năm 1926, tại Việt Nam, đặc biệt là tại Nam Kỳ xảy ra nhiều biến cố lớn.Phan Bội Châu bị bắt đưa về Hà Nội xử. Bùi Quang Chiêu (đại diện đảng Lập hiến) sang Pháp đòi cho dân tộc Việt Nam có một bản Hiến pháp riêng sắp trở về. Nông dân Thái Nguyên bạo động bị máy bay Pháp tàn sát cả làng... Trước thực tế đó, Nguyễn An Ninh cùng Dejean de la Batie, Cao Văn Chánh (báo Tân Thế kỷ), Lâm Hiệp Châu (Đông Pháp thời báo), Phan Văn Trường (Chuông rè) dự định tổ chức một cuộc mít tinh lớn vào sáng chủ nhật 21-3-1926 tại vườn nhà bà Phủ Tài. Do có mật thám cài vào từ trước nên nhà cầm quyền thực dân nắm rất chắc nội dung, chương trình của cuộc họp này. Để ngăn chặn, họ đã cho lệnh bắt Nguyễn An Ninh từ chiều thứ bảy (20-3-1926). Từ thời điểm này về sau, Chuông rè hoàn toàn do Phan Văn Trường điều khiển, thay đổi cơ bản lập trường, quan điểm. Hơn 1 tuần sau, tờ báo đăng nguyên văn Tuyên ngôn của Đảng cộng sản trong suốt một tháng từ 29-3-26-4- 1926. Lần đầu tiên, một văn kiện lớn của phong trào Cộng sản quốc tế được đăng trên mặt báo công khai Việt Nam. Biết bao trái tim đã sục sôi trước những chữ “ ... Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền... xoá bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ...” “ Chủ nghĩa tư bản muốn thống trị tất cả, muốn làm giàu bằng mọi cách... Có đời nào chủ nghĩa tư bản lại muốn giải phóng các dân tộc bản xứ...” Bài báo này một mặt, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, mặt khác nhằm gián tiếp bóc trần tính giả nhân giả nghĩa của học thuyết A.Sarraut, phơi bày sự phản bội lại quyền lợi dân tộc của đảng Lập hiến ( Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long ). Tuy nhiên, do thực tế chính trị lúc đó,Chuồng rè mới chỉ bống gió đề cập đến Đảng cộng sản Pháp, chứ chưa thành lập một chính đảng tương tự tại Việt Nam, chưa trình bày quan điểm thẳng thắn như tờ Thanh niên do Nguyễn Ai Quốc chủ trương, phát hành từ Quảng Châu – Trung Quốc: “ Chỉ có một con đường chân chính là phải theo các Đảng duy nhất, kiên quyết trong hành động, đó là Đảng cộng sản”. Sau loạt bài này, Chuông rè bị thu hồi giấy phép, Ban Biên tập bị theo dõi gắt gao.
Ở TÙ LẦN THỨ HAI
Ngày 24-4-1926 Nguyễn An Ninh bị đưa ra toà xử, bị kết án 18 tháng tù vì tội gây rối trật tự công cộng, xúi dục dân chúng làm loạn. Ngồi tù được 10 tháng, ông được ân xá. Vừa được tự do,Nguyễn An Ninh bán hết tài sản của tờ Chuông rè được hơn 2000 nghìn đồng làm lộ phí sang Pháp trên chuyến tàu Paul le Cat vào ngày 8-8-1927. Tại Paris ông đã tìm gặp được Nguyên Ai Quốc ( thời gian này Nguyễn Ais Quốc đang ở Liên Xô. Đệ tam quốc tế Cộng sản tại Paris lúc này do Nguyễn Hoàng Giu tạm quyền lãnh đạo ). Thất vọng, Nguyễn An Ninh khuyến dụ được Nguyễn Thế Truyền về nước cùng vào đầu năm 1928. Liên minh Ninh- Truyền nhanh chóng tan vỡ bởi đường lối của đảng PAI ( Việt Nam độc lập đảng – Parti Annaminte de L’Inde’pendance ) không còn phù hợp với thực tiễn chính trị xã hội lúc đó. Dường như nó được thành lập để phục vụ cho những quyền lợi , mưu đồ cá nhân. Nhân dân đã quá chán ngấy với thứ cách mạng đầu lưỡi, cải lương, lá mặt lá trái của những đảng phái chính trị kiểu này. Họ đã linh cảm thấy một mặt trời sắp suất hiện, sẽ quét sạch hết các thế lực hắc ám, lầm than cả dân tộc đang phải gành chịu. Đó là mặt trời cộng sản.
Thất vọng và vì những lí do chủ quan, Nguyễn An Ninh bỏ thành phố về nông thôn, ít tham gia các hoạt động chính trị xã hội cũng như báo chí. Ông tập trung nghiên cứu, viết sách về tôn giáo, mang về các làng quê để bán, đồng thời cũng để tuyên truyền các tư tưởng của mình. Ông thường xuyên tổ chức các buổi diễn thuyết cho nông dân nghe về những quan niệm Mác xít đối với tôn giáo nói chung, đạo Phật nói riềng. Ông thường lập luận: “Con người sinh ra tôn giáo, chứ không phải tôn giáo sinh ra con người”, người làm cách mạng không nên xem nhẹ vai trò của các tín đồ.
Một hôm, sau buổi diễn thuyết mệt mỏi, trên đường về, Nguyễn An Ninh và Tạ Thu Thâu xung đột với lính kín. Cả hai bị bắt. Lần này, ông bị xử ba năm tù (từ 10-1928 đến cuối 1930). Lần ở tù này Nguyễn An Ninh đã được tiếp xúc với nhiều thành viên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, Việt Nam quốc dân đảng, Tân Việt v.v... Ông đã tự rút ra được kinh nghiệm:Giáo thuyết đúng là dễ đi vào lòng người, dẽ lay động tình cảm người dân thuộc tầng lớp dưới, nhưng lại rất khó tổ chức, quy tụ lực lượng đó về một mối. Nhiệt tình yêu nước được xây dựng trên cơ sở tôn giáo rất dễ được thổi bùng lên thành bão táp, nhưng cũng nhanh chóng bị lay động, tan vỡ nếu bị nhà câm quyền đàn áp.
Trong tại giam của kẻ thù Nguyễn An Ninh đã gặp và rất tâm đắc với những lý luận của Tú Kiên (Tú tài nguyễn Đình Kiên lãnh tụ nhóm cánh tả của Tân Việt đảng có xu hướng cộng sả.Ông là một trong những người sau này thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn, rồi ra nhập Đảng cộng sản Việt Nam). Nguyễn An Ninh nhận thấy việc xác lập trường cách mạng cho quần chúng chỉ các đảng phái chính trị làm được. Vì vậy, khi được trả tự do, Nguyên An Ninh đã nhận lời mời của Nguyễn Văn Tạo ( Người theo phái đệ tam cộng sản vừa ở Pháp về) ra giữ mục bia miêng của tờ Trung lập do Trần Thiện Quý làm chủ nhiệm. Đây là một tờ báo yêu nước, tiến bộ, rất có uy tín ở Sài Gòn. Khi viết bài cho báo này, Nguyễn An Ninh vẫn ký Thông Reo (bút danh của Phan Khôi khi còn làm cho Trung lập). Ngoài ra ông còn thường xuyên giử bài cho báo Đônnai - một tờ báo thiên về văn học, triết học do Phan Văn Hùm phụ trách. Trên mặt báo Trung Lập, ông viết nhiều bài bênh vực quyền bình đẳng của phụ nữ, coi phụ nữ như một lực lượng quan trọng trong việc cải tạo xã hội. Không chỉ dừng ở đó, Nguyễn An Ninh còn giới thiệu khái quát nền văn học, triết học Nga, trước hết là L. Tolstôi, sau đó là F.Dostoievsky, Tourguénev,
Pouchkine, Gogol,... Trong những lập luận của mình, ông thường gián tiếp nói về những thành tựu của nước Nga Xô viết, về Cách mạng Tháng 10 và Lênin.
Nhờ lần ở tù thứ hai, sự gần gũi với Nguyễn Văn Tạo, tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản đã ít nhiều tác động đến cuộc đời Nguyễn An Ninh. Cùng Nguyễn Văn Tạo, ông đứng ra tổ chức tờ LaLutté, một tờ báo tiếng Pháp, do Gannofsky (một chiến sỹ xã hội chủ trương chống chế độ thực dân) đứng tên. La Lutté lúc đầu thuộc về phái Đệ tứ (Troikit) và các thành phần chính trị tiến bộ khác. Nhờ tờ báo tích cực tuyên truyền mà sổ lao động do Nguyễn Văn Tạo đứng đầu đã trúng cử vào Hội đồng Nân dân thành phố Sài Gòn, mở đầu kỷ nguyên đấu tranh nghị trường, hợp pháp của Đảng cộng sản (4-1934). Do sự bất đồng trong nội bộ Latté, hơn nữa tờ báo cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, cộng thêm sự theo dõi gắt gao của nhà cầm quyền, bộ biên tập quyết định giải tán. Nhằm làm giả, bớt sự chú ý của người Pháp, Nguyễn An Ninh bỏ thành phố về sống cùng với vợ con, nấu dầu Cù là đem đi bán rong. Đến tháng 10-1934, ông trở lại Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào Hội đồng thành phố tổ chức vào giữa năm 1935. Lần này, trước khi tái bản La Lutté, Nguyễn An Ninh đứng ra tổ chức hội nghị nhằm thống nhất phương pháp đấu tranh của hai phái Đệ tam, Đệ tứ cộng sản. Hội nghị đã vạch ra phương hướng chung cho cả hai phái: Tập trung chống chế độ thực dân và chống các đảng phái phản động thân chính quyền đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, nông dân, không công kích lẫn nhau, chỉ tuyên truyền hệ tư tưởng Mác xít kinh điển, mọi bài viết phải được các tập thể thông qua... Lần ra quân này, La Lutté đã góp phần đáng kể cho sự thắng cử của Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai.
NHÀ TỔ CHỨC ĐÔNG DƯƠNG ĐẠI HỘI.
Năm 1936, cánh tả của Léon Blum lên cầm quyền tại Pháp. Brévié được cử sang làm toàn quyền Đông Dương. Vừa tới nơi, để lấy lòng người bản xứ, ông ta đã ký ngay sắc lệnh đại xá cho các chính trị phạm, kể cả các đảng viên cộng sản. Lợi dụng chính sách cởi mở của người Pháp, Nguyễn An Ninh cùng
các đồng sự quyết định đứng ra tổ chức Đông Dương đại hội. Ý tưởng này đã được Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tán thành ủng hộ. Đại hội được tổ chức nhằm tập hợp kiến nghị của người dân 5 xứ đệ trình lên chính phủ Pháp đòi sửa đổi những chính sách cai trị cũ. Trên tờ La Lutté Nguyễn An Ninh nhận định: Chính phủ bình dân ngày nay là một đoạn của chính phủ Pháp, có thể không trở lại lần thứ hai, nên dân ta phải biết lợi dụng dịp may này không chỉ bằng hy vọng mà thôi...
Để chuẩn bị cho đại hội (dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 16-9-1936), trong gần hai tháng liền Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo đã viết nhiều bài trên La Lutté phân tích, giải thích lợi ích của đại hội Đông Dương. Do hoạt động quá rầm rộ, mạnh mẽ, người Pháp lại đánh hơi thấy sự hậu thuẫn của Đảng cộng sản Việt Nam nên nhà cầm quyền thực dân quyết định đàn áp phong trào (từ tháng
7-1936 đến 9-1936, cả Nam Kỳ đã lập được 600 uỷ ban hành động, trong đó có 285 uỷ ban hành động công khai. Nếu tính trong cả nước, con số sẽ lớn hơn nhiều). Ngày 9-9-1936 Bộ trưởng thuộc địa Moutet điện cho Toàn quyền Đông Dương cấm mọi cuộc đại hội nhân dân. Hàng loạt người bị bắt trong dịp này. Ngày 27-9-1936 Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu bị bắt. Ngày 3-10-1936 Nguyễn Văn Tạo cũng bị bắt nốt. Bị giam chừng một tháng cả ba người quyết định tuyệt thực phản đối nhà cầm quyền. Sau 12 ngày nhịn ăn, nhịn uống (từ 24-10 đến 5-11-1936, người Pháp buộc phải thả họ ra). Lệnh tạm tha do Thống đốc Nam Kỳ Pages ký ngày 25-11-1936).
Trong thời gian những người cầm đầu phong trào bị giam giữ thì ở bên ngoài, các đồng chí của Nguyễn An Ninh tiếp tục đấu tranh, cổ động cho Đông Dương đại hội. Trước khí thế ngày càng lên của các cuộc biểu tình thị uy, năm 1937 Tổng thống Pháp buộc phải cử J.Godard sang Đông Dương nắm tình hình, thu thập yêu sách của dân chúng. Biết đây là trò mị dân, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo viết hàng loạt bài trên La Lutté, L’Avant Garde, La Vérité vạch rõ thủ đoạn chính trị của thực dân Pháp, kêu gọi biểu tình đòi tăng lương,
giảm giờ làm, cải thiện đời sống nhân dân, bỏ chế độ thuế thân... Với lý do muôn thuở gây mất trật tự công cộng, xúi giục dân chúng làm loạn, tháng 5-1937 nhà cầm quyền bắt giam Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu. Nhân cuộc biểu tình lớn tại huyện Càn Long (Trà Vinh), người Pháp truy nã Nguyễn An Ninh và cuối cùng bắt được ông tại nhà Hội đồng Võ Công Tồn (Một điền chủ có tiếng của Nam Kỳ). Lần này Nguyễn An Ninh bị xử 4 năm tù ở, 10 năm biệt xứ. Nhờ đơn chống án gửi sang tận Pháp, ông được giảm án xuống còn 2 năm tù ở, 10 năm biệt xứ. Đầu năm 1939 mãn hạn tù, Nguyễn An Ninh đưa vợ con xuống Mỹ Tho sinh sống.
NGƯỜI CHIẾN SĨ - KHÁCH TIỀN PHONG
Tháng 9-1939 chiến tranh thế giới bùng nổ. Người Nhật đang từng bước đặt chân vào Đông Dương. Tại Pháp, phái hữu do Petin lên cầm quyền. Để giữ bình ổn thuộc địa, ngày 26-9-1939 Hội đồng Bộ trưởng Pháp ban hành sắc lệnh đặt Đảng Cộng sản và các tổ chức liên quan ra ngoài vòng pháp luật. Tại Đông Dương, hàng loạt đảng viên Cộng sản, người của các đảng phái chính trị đối lập, các nhà báo tiến bộ, yêu nước, cách mạng bị bắt. Các Hội ái hữu, tổ chức nghiệp đoàn, phe phái chính trị bị giải tán. Sau nhiều lần phải lên trình diện nhà chức trách, ngày5-10-1939 Nguyễn An Ninh chính thức bị bắt. Ngày 14-5-1940, ông cùng Dương Bạch Mai, Hồ Theo và hơn 20 đồng chí bị ra toà xử kín, nhận mức án 5 năm tù giam 10 năm biệt xứ, tước bỏ vĩnh viễn quyền công dân, đày đi Côn Đảo. Vì bị tù đày quá nhiều (5 lần) , sự khắc nghiệt thiếu thốn của chế độ lao tù, Nguyễn An Ninh đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 14-8-1943 bởi căn bệnh kiết lỵ quái ác. Trước khi từ giã cõi đời, ông có để lại một bản chúc thư cho gia đình, đồng đội. Ngôi mộ của ông tại nơi trùng dương sóng gió Côn Đảo là nơi hội tụ, thăm viếng của tất cả những người con ưu tú của dân tộc bị giam giữ tại đây. Dù không phải là một đảng viên nhưng ông đã chết như một người Cộng sản. Nhiều người khi đứng trước mộ ông đã khóc:
Cây cỏ kêu gào để khóc ông
Non sông như gợi vết thương lòng
Tôi tình chi đó thân chim cá
Sung sướng gì đây cảnh chậu lồng
Trời nỡ cướp công người chí sĩ
Đất đành vùi xác khách tiền phong
Nợ nần rũ sạch người thiên cổ
Xiềng xích còn mang cả giống, giòng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét