Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

TRẦN HUY LIỆU - MỘT ĐỜI SÔI ĐỘNG


TS. HOÀNG VĂN QUANG
Thế là gần một phần ba thế kỷ đã qua đi. Cả quãng thời gian dài đằng đẵng đó bạn bè, gia đình không còn được thưởng thức, suy tưởng trước những bài viết thâm thuý, sâu sắc, uyên bác, đầy khí phách nhưng cũng chan chứa tình cảm cách mạng của người anh cả Trần Huy Liệu. Đứng trước hộp “phích” mang tên ông tại thư viện Sử học, người ta thấy choáng ngợp về những trước tác, bút lục của ông. Vậy mà, đó mới chỉ là một phần nhỏ. Còn biết bao tác phẩm văn học, công trình nghiên cứu khoa học, những bài báo trôi nổi khắp nơi hoặc chưa được công bố, tìm hiểu. Chỉ cần với chừng ấy thôi cũng đủ làm tên tuổi ông trở nên lớn lao. Có lẽ phải nhiều năm nữa, người ta mới hiểu hết về con người Trần Huy Liệu.
Trần Huy Liệu sinh ngày 5.11.1901 (tức 13.10 Tân Sửu) tại làng Vân Cát huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong một gia đình nghèo có truyền thống nho học. Vùng đất đầy cát và nắng gió chỉ có khoai sắn này không chỉ nổi tiếng là quê hương bà chúa Liễu Hạnh mà còn là nơi sản sinh ra bao người con ưu tú của dân tộc. Vì được thừa hưởng nếp nhà với người cha nghiêm khắc, nổi tiếng dữ đòn, được tiếp xúc sớm với các quan điểm yêu nước của cha anh, ngay từ nhỏ, Trần Huy Liệu đã bộc lộ trí thông minh, tính cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói cũng như các bài viết trong quá trình hoạt động của mình.
Nối chí người anh ruột, ngay từ khi 17 tuổi (1918), Trần Huy Liệu đã có một số bài viết gửi đăng trên các tờ Nam Phong, Thực Nghiệp dân báo. Những bài viết thời kỳ này, nói chung còn non nớt, chưa bộc lộ rõ khuynh hướng chính
trị, tuy đã ít nhiều mang màu sắc yêu nước. Khoảng 20 tuổi, vừa xây dựng gia đình xong, ông xuống Hải Phòng rồi vào Nam cùng thầy học là cụ Bùi Trình Khiêm. Ông ra đi vì không chịu nổi sự bức bối, tù hãm của làng quê, đi vì thế giới bên ngoài đang sôi sục, vì chí trai thúc giục phải thoát ra khỏi đời sống dung tục, tầm thường. Bơ vơ nơi đất khách quê người, bản thân lại ốm đau vì không quen thung thổ, ông phải làm đủ nghề để sống từ phụ may đến học làm con dấu. Rồi trong lúc chán chường vì đói, vì bệnh tật, ông viết bài, làm thơ gửi đăng báo với khẩu khí:
Tráng sĩ đau lòng thân ỷ lại.
Anh hùng thẹn mặt cảnh vô nhan
Mặc dầu ai biết, ai không biết
Mắt thiết nào trông thấy ruột gan
Và thế là Trần Huy Liệu đã trở lại với làng báo qua bút danh Đẩu Nam quen thuộc.
Vào những năm đầu của thập kỷ 20, một số trước tác của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu được lén lút đưa vào Việt Nam đã gây xao động tâm tưởng các nhà nho cấp tiến, trong đó có Trần Huy Liệu. Nhiều người coi các tập Ẩm Băng Thất, Trung Quốc Hồn, những tập du ký của hai tác giả nói trên như sách gối đầu giường. Quan điểm hướng ngoại của Lương Khải Siêu, đặc biệt là sự ra đời Đảng Lập hiến của Bùi Quang Chiêu đã có tác động mạnh đến tư tưởng thanh niên thời bấy giờ. Một số bài viết của Trần Huy Liệu trên các tờ Nông Cổ Mín Đàm (1924), Đông Pháp thời báo (1925 - 1926) đều nhằm cổ động cho phong trào “Mưa Âu gió Mỹ” nhằm chống lại phái bảo thủ khư khư với thứ Nho giáo đã lỗi thời “Thủ tử thiên đạo”. Vào những năm này ở Việt Nam, đặc biệt là tại Nam Kỳ xuất hiện nhiều biến cố lịch sử lớn. Vụ bắt bớ rồi đem ra xét xử Phan Bội Châu, cái chết của chí sĩ Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh thần tượng của thanh niên thời bấy giờ bị bỏ tù là những đề tài để Trần Huy Liệu và bạn bè viết bài công kích nhà cầm quyền. Do chưa có quan điểm chính trị rõ ràng, Trần
Huy Liệu cũng như đa phần văn nhân, ký giả lúc đó như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Tạ Thu Thâu,... mới chỉ lên tiếng phê phán chế độ cai trị hà khắc của nhà cầm quyền thực dân, đòi nới lỏng một số quyền tự do dân chủ chứ chưa đặt vấn đề đánh đuổi người Pháp, giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, những bài viết trên tờ Đông Pháp thời báo vào năm 1926 của Trần Huy Liệu đã ít nhiều góp sức thổi bùng lên ngọn lửa căm thù giặc trong quần chúng nhân dân.
Chiến tranh thế giới lần I kết thúc, Pháp buộc phải nới lỏng một số chính sách cai trị Đông Dương. Đây là điều kiện cho các Hội, Đoàn thể, Đảng phái ra đời như Đảng Phục Việt (Bắc Kỳ), Lập Hiến (Nam Kỳ), ... Thời gian đầu những đảng này được dân chúng ủng hộ. Do các thành viên đa phần thuộc tầng lớp tư sản, tiểu tư sản thành thị nên hầu như họ chỉ đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp mình. Họ sẵn sàng bán đứng quyền lợi dân tộc khi bị nhà cầm quyền thao túng, mua chuộc. Trước thực tế đó Trần Huy Liệu đã cùng bạn bè, đồng nghiệp chung chí chí hướng đứng ra lập đảng Thanh niên. Vì chưa thoát khỏi quan điểm lập hiến của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, chưa được tiếp cận với các nguyên lý của chủ nghĩa Mác, với cách mạng tháng Mười Nga, nên khuynh hướng chính trị của Trần Huy Liệu nói riêng, của Đảng Thanh niên nói chung dần dần bị rơi vào lối mòn giống các đảng phái đương thời. Mặc dù không tồn tại lâu. Đảng Thanh niên đã dung nạp được khá đông người tham gia. Nó đã khuấy động được nhiều phong trào đấu tranh yêu nước như tổ chức cuộc biểu tình tố cáo Bùi Quang Chiêu trong dịp hắn về nước, tổ chức đám tang Phan Chu Trinh, đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh. Đây là thời kỳ Trần Huy Liệu tập trung viết cho tờ Đông Pháp thời báo và một số tờ khác có cùng khuynh hướng. Đông Pháp thời báo là một tờ báo chính trị có số lượng phát hành lớn nhất thời bấy giờ (11 ngàn bản). Nó được mọi tầng lớp nhân dân tìm đọc, ủng hộ. Từ năm 1927, khi các phong trào yêu nước, đấu tranh đòi tự do dân chủ lắng xuống, Nguyễn Kim Đính (chủ tờ Đông Pháp thời báo) gia nhập Đảng Lập Hiến, phản bội lại chí hướng ban đầu, Trần Huy Liệu đã từ chức chủ bút, chuyển sang làm
cho tờ báo Pháp – Việt Nhất Gia. Trong “Lời cáo biệt bạn đọc”, ông viết: “Tôi không thể ngồi ghế chủ bút lâu hơn một ngày nữa để nhìn tờ báo thành cơ quan tuyên truyền của bọn dối dân lừa nước”. Từ khi viết cho Pháp – Việt Nhất Gia, Trần Huy Liệu tiệp tục chí hướng của mình, tố cáo chính sách cai trị của nhà cầm quyền thực dân, vạch mặt tính giả nhân giả nghĩa của nhóm Lập Hiến, ... Tuy nhiên, khuynh hướng chính trị của Trần Huy Liệu thời kỳ này vẫn chưa thoát khỏi chủ nghĩa yêu nước thuần tuý, đôi khi ôn hoà, mền dẻo. Quan niệm này chịu ảnh hưởng ít nhiều từ cuốn “Pháp – Việt đề huề chính kiến thư” của Phan Bội Châu, tuy có phần kiên quyết, tích cực hơn.
Để giết chết tờ báo trước khi nó bị Trần Quang Nghiêm đòi lại, Trần Huy Liệu cùng bạn bè dồn hết tâm lực viết số cuối cùng. Về sự kiện này ông đã viết trong hồi ký của mình: “Bài thứ nhất là bải chửi chủ trương Pháp – Việt nhất gia theo tên tờ báo, những bài sau là vạch tội nhà băng Đông Dương và chế độ thuộc địa, rồi đến lên án chính sách bóp nghẹt quyền tự do báo chí, ngôn luận của thực dân Pháp”. Tờ báo phát hành sớm hơn thường lệ, biếu không cho độc giả đã gây chấn động Sài Gòn. Pháp – Việt nhất gia phát hành tổng cộng 27 số và ngày 13.6.1927 nó bị đóng cửa vĩnh viễn. Trần Huy Liệu bị bắt với tội danh phá rối trật tự trị an và bị xử 6 tháng tù.
Vừa ra tù, đầu năm 1928, Trần Huy Liệu sáng lập “Cường học thư xã” mô phỏng theo “Cường học hội” của Lương Khải Siêu. Cường học thư xã một mặt cho dịch và xuất bản hàng loạt trước tác của Lương Khải Siêu, mặt khác cũng ấn hành những cuốn sách do ông và đồng sự viết như: Một bầu tâm sự, Ngục trung ký sự, Gương hi sinh, Vì nhân khai quốc, Câu chuyện chung,... Nói chung, tư tưởng chính của những cuốn sách này mang màu sắc quốc gia cách mạng gần gũi với quan điểm của Việt Nam Quốc dân Đảng (ra đời tháng 12 năm 1927), bộc lộ rõ tư tưởng dân chủ tư sản đang phát triển mạnh lúc đó. Trần Huy Liệu gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng và nhanh chóng trở thành yếu nhân của đảng tại Nam Kỳ.
Với chủ trương bạo động, ngày 9.2.1929 Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức cuộc ám sát tên trùm mộ phu Bađanh. Đây là cái cớ để người Pháp thẳng tay đàn áp các đảng phái yêu nước, khuynh tả. Trần Huy Liệu cùng một số đồng chí bị bắt, bị đày đi Côn Lôn. Tại đây, ông cùng các tù nhân chính trị cho ra tờ Hòn Cau (tên Hòn Đảo nơi ông bị giam giữ). Đây là một trong những tờ đầu tiên khởi nguồn cho dòng báo chí bí mật trong tù.
Khi còn tự do, thông qua Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), một nhà lý luận Macxít, Trần Huy Liệu đã phần nào có thiện cảm với những người tù cộng sản tư tưởng chính trị trong con người ông xuất hiện những xao động lớn. Tuy nhiên, thời gian này Trần Huy Liệu chưa bộc lộ dứt khoát bởi quan niệm “Gái trinh không lấy hai chồng”, “Tôi trung không thờ hai chúa” luôn vò xé tâm can ông. Sau khi ra tù (cuối năm 1934), ông bị nhà cầm quyền thực dân đưa về quản thúc tại quê nhà. Hoàn cảnh đó cộng với những khó khăn trong cuộc sống thôn quê đã buộc ông phải xa rời hoạt động chính trị xã hội một thời gian. Nỗi chán chường về sức trai bị giam hãm, lý tưởng không được phỉ chí đã bộc lộ rất rõ trong mấy câu thơ:
Mười một năm nay trở lại nhà
Nhà thì đã cháy vợ thì xa
Bà con thân thích nghèo xơ xác
Vườn cũ còn cây núc nác già
Tới đầu năm 1935 Trần Huy Liệu đã tìm cách thoát ra Hà Nội. Trong hơn một năm ông tham gia hoặc cộng tác với một số tờ báo như Đời mới, Bắc Hà, Tiếng Vang làng báo, Kiến văn, Tương lai (L’Avenir)... Nói chung, những bài viết của ông thời kỳ này vẫn chỉ dừng ở mức độ tố cáo chế độ nhà tù thực dân, phê phán tinh thần bạc nhược của một số cây bút lãng mạn đương thời. Mặc dù người Pháp coi những tờ báo này như là “ổ cộng sản” nhưng thực tế, chúng mang nhiều màu sắc chính trị khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Đây là sự biểu hiện rất rõ sự khủng hoảng chính trị trong con người Trần Huy Liệu
của tầng lớp thanh niên thời bấy giờ trước sự thoái trào của các phong trào cách mạng.
Những năm giữa thập kỷ 30 chủ nghĩa phát xít hình thành, đặt nhân loại trước nguy cơ một cuộc chiến tranh mới. Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp đã tác động rất lớn đến Đảng cộng sản Việt Nam. Hàng trăm đảng viên được thả đã nhanh chóng trở lại trường hoạt động. Dựa vào nghị quyết của Quốc tế Cộng sản VII, Đảng ta tạm gác khẩu hiệu độc lập dân tộc chuyển sang đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, vận động thành lập mặt trận dân chủ, nhằm vào kẻ thù trước mắt là bọn phản động thuộc địa và tay sai, vào chủ nghĩa phát xít, trực tiếp là bọn phát xít Nhật. Đảng còn chủ trương đưa một số đảng viên hoặc quần chúng cách mạng ra tranh cử vào các Viện dân biểu để đấu tranh nghị trường. Thực tế đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của báo chí, đặc biệt là báo chí công khai, hợp pháp. Chính vì vậy, chỉ trong vài năm (1936 – 1939) hệ thống báo chí của Đảng ta được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Đây cũng là thời kỳ Trần Huy Liệu được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam (5.1930). Ông là một trong những trụ cột của hàng loạt tờ báo Đảng nổi tiếng thời bấy giờ như các tờ: Khỏe (do Trần Đăng Ninh chủ trương, chưa kịp ra số đầu đã bị thu hồi giấy phép), Lao động (Le Travail), Thời thế, Bạn dân, Tin tức, Đời nay,... Những bài viết của Trần Huy Liệu lúc này chủ yếu tập trung hô hào vận động việc tổ chức Đông Dương đại hội, thành lập Hội truyền bá chữ quốc ngữ, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, về nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, đề cập đến đấu tranh giai cấp, phê phán phái Bảo Hoàng, chống Trôkít, ... Trong số những nội dung trên, ông đặc biệt chú trọng viết bài tuyên truyền, vận động cho người của Đảng tham gia tranh cử vào viện dân biểu, vạch trần thủ đoạn của bọn mua bán phiếu, dùng thế lực quan trường ép dân chúng, tố cáo nhà cầm quyền và một số cá nhân đã khủng bố những ứng cử viên của Mặt trận dân chủ Đông Dương...
Chiến tranh thế giới nổ ra (1939), để ổn định chính trị an ninh ở các xứ
thuộc địa, đảng cầm quyền cánh hữu Pháp đã ban hành hoàng loạt biện pháp khẩn trương, trong đó có việc đặt Đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Nhiều đảng viên, những nhà cách mạng yêu nước Việt Nam đã bị nhà cầm quyền bắt giữ. Trần Huy Liệu và một số đồng chí bị đày đi Sơn La. Trong cuộc sống gian khổ của nhà tù, ông vẫn cùng những người tù cộng sản tích cực hoạt động báo chí. Khi còn ở Sơn La, ông và đồng đội cho ra tờ Tiếng suối reo, khi chuyển sang trại Bá Vân lai ra tờ Dòng sông Công, đến Nghĩa Lộ có tờ Đường Nghĩa. Những tờ báo này đã có công rất lớn trong việc tuyên truyền giáo dục tư tưởng cộng sản cho các cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân quanh vùng. Nó là động lực thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các chính trị phạm, là lợi khí đấu tranh với chế độ nhà tù, giác ngộ người dân tộc thiểu số tham gia cách mạng.
Chiến tranh thế giới thứ II chuẩn bị kết thúc, việc quân đội Nhật hất cẳng người Pháp (9.3.1945) đã khuấy động không khí nhà tù. Trần Huy Liệu và các đồng chí rất sốt ruột, biết rằng ngoài kia đang rất cần những con người như ông. Sau mấy lần thất bại, cuối cùng ông cũng vượt ngục được. Sau hàng tháng trời băng rừng, ông về đến Hà Nội và bắt được liên lạc ngay. Trong những ngày đầu bỡ ngỡ, ông được tổ chức bố trí làm báo Cứu quốc bí mật tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) cho tới sát ngày diễn ra Đại hội quốc dân ở Tân Trào (Tuyên Quang). Tại Đại hội Trần Huy Liệu là người giúp đồng chí Võ Nguyên Giáp thảo bản quân lệnh số 1 phát động tổng khởi nghĩa. Kết thúc Đại hội, ông được bầu làm phó chủ tịch Uỷ ban dân tộc giải phóng. Từ đây, sự nghiệp chính trị, con đường nghiên cứu sử học đã không cho phép Trần Huy Liệu hoạt động báo chí sôi nổi như trước nữa. Những công trình khoa học, những bài nghiên cứu của ông trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Không phải ngẫu nhiên mà cho đến nay nhiều người vẫn coi Trần Huy Liệu là anh cả của giới sử học.
Trong toàn bộ cuộc đời của mình, Trần Huy Liệu đã viết khoảng 30 đầu
sách và hàng nghìn bài báo dưới hàng chục bút danh như Nam Kiều, Côi Vị, Hải Khách, Hải Thu,... Song rất tiếc, sau 30 năm ngày mất của ông, chúng ta vẫn chưa có công trình sưu tập, nghiên cứu những bài viết đó một cách tương xứng. Đây là một thực tế rất đáng tiếc đối với một nhà báo, nhà văn, nhà chính trị, nhà khoa học đàn anh Trần Huy Liệu.

2 nhận xét:

  1. Có thể nói đây là một nghiên cứu khoa học về con người và sự nghiệp của Trần Huy Liệu. Người viết hẳn là rất có tâm huyết và mong muốn thực sự có được những công trình sưu tập, những nghiên cứu về con người và sự nghiệp của nhà văn, nhà báo Trần Huy Liệu nói riêng và của các nhà văn, nhà báo tiền bối nói chung. Đọc Trần Huy Liệu - Một đời sôi động, ta có cảm giác như có cái gì đó là tương đồng trong tư tưởng của người viết với tư tưởng của Trần Huy Liệu song Anh chưa bộc lộ hết mình. Mong rằng Anh sẽ toả sáng hơn nữa để xứng tầm với lối suy nghĩ và cách làm việc của Anh.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi chỉ thấy Liệu Trần qua hình tượng Lê Văn Tám và cái chết tức tưởi của cha con Quỳnh Phạm và Giao Phạm.

    Trả lờiXóa