Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Người giả - hàng giả

- Đố bác Viễn nguyên nhân từ đâu mà bà con nông dân bỏ đồng ruộng lên thành phố ngày càng đông?
- Thì ở nông thôn không có việc làm, giá nông sản được thu mua rẻ rúng, cuộc sống chật vật khó ngóc đầu lên được, khiến nhiều người phải cắn răng “li hương”…
- Đúng vậy, người ta thống kê hằng năm mỗi gia đình ở nông thôn phải nộp hơn 200 khoản thu lớn nhỏ đấy.
- Chết, sao nhiều thế? Họ phải nộp những khoản gì vậy?
- Nhiều lắm. Đơn cử như thuế nông nghiệp, phí thuỷ lợi, quĩ khuyến học, điện đóm, cầu đường, áo lụa tặng bà, điếu cày tặng ông…
- Thì tránh đâu cho khỏi nắng, thế bác tưởng ở thành phố không phải nộp gì hay sao?
- Biết thế, nhưng tôi có cảm giác những khoản thu, khoản phạt cứ như để “tận diệt” vậy. Gần đây một cơ quan đã có văn bản trình chính phủ đề nghị xử phạt thật nặng những đối tượng sản xuất phân bón giả đấy.
- Việc này đáng ra phải tiến hành từ lâu rồi. Sao tự nhiên bác lại động lòng cho những kẻ táng tận lương tâm vậy?
- Đâu có. Điều đáng nói là trong văn bản này có điều khoản đề nghị xử phạt tới 10 triệu đồng nếu bắt gặp ông bà Hai Lúa nào đó mua phải phân bón giả
- Thật vô lí, họ là nạn nhân kia mà. Thế những người uống phải thuốc rởm, ăn phải thực phẩm giả cũng bị phạt à?
- Theo lí giải của cơ quan này, họ làm thế là để ngăn chặn người nông dân tham rẻ mua hàng rởm
- Làm gì có ai chủ ý mua hàng giả về sử dụng bao giờ. Chắc cơ quan này không quản lí nổi đám làm hàng giả nên họ đá quả bóng trách nhiệm sang các nạn nhân đây mà. Vậy làm thế nào để nhận biết được phân bón giả?
- Nhiêu khê, phức tạp, tốn kém lắm. Nói chung là phải có thiết bị cực kì hiện đại, được sử dụng bởi những kĩ sư giỏi.
- Vậy bằng mắt thường, người nông dân có nhận biết được phân bón thật giả không?
- Các phòng thí nghiệm được đầu tư tốn kém thế mà còn cho kết quả nhiều khi trái ngược nhau nữa là người nông dân với đôi mắt cả đời không được nhỏ thuốc.
- Vậy thì người nông dân phải làm thế nào?
- Theo tôi tốt nhất là khi trồng trọt họ đừng dùng phân bón nữa
- Như vậy cây cối làm sao phát triển, cho thu hoạch cao được
- Thế thì dừng sản xuất lại, bỏ lên thành phố mà làm cửu vạn, làm “Ôsin”.
- Đấy là biện pháp tiêu cực, nó sẽ phá vỡ cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội
- Vậy chỉ còn cách là nhà nước phải đánh thật mạnh vào đám làm hàng giả, để người nông dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, phải loại trừ khỏi bộ máy công quyền đám thầy dùi đã đưa ra những đề xuất vô lí
- Việc gì phải ác thế. Mỗi sáng bắt mỗi tên mắc bệnh xúi đểu đó ăn một bát phân bón giả là tởn đến già ngay thôi mà.
Cận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét