Văn học Việt Nam trước năm 1945 đã để lại những dấu ấn hết sức đặc biệt. Để tạo được thành quả đó, có một phần đóng góp không nhỏ của Tao Đàn tạp chí. Tờ báo không chỉ là điểm đến của văn nhân, kí giả đương thời, mà còn là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng nhiều tài năng của đất nước
Điểm đến của tinh thần Việt
Có thể nói, bắt đầu từ cuối năm 1934, đầu năm 1935, các lực lượng hòa bình và dân chủ trên thế giới ngày càng khẳng định thế mạnh của mình trên trường quốc tế. Môi trường tốt đẹp này cũng chỉ kéo dài được ít năm. Từ cuối năm 1938, chủ nghĩa phát xít bắt đầu lấy lại vị thế của mình, bắt tay với một số chính phủ phản động châu Âu, chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh toàn cầu lần thứ II.
Ở nước Pháp, trong cuộc Tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5-1936, Mặt trận nhân dân, liên minh giữa Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội, đã giành thắng lợi tuyệt đối, bầu ra chính phủ do L.Blum đứng đầu. Chương trình hành động của chính phủ mới có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân lao động Pháp cũng như tại các xứ thuộc địa của Pháp. Nói chung, bầu không khí chính trị đã dễ thở hơn nhiều
Tận dụng tình hình trên, các lực lượng cách mạng Việt Nam, do Đảng Cộng sản làm nòng cốt đã tổ chức hàng loạt phong trào đấu tranh đòi mở rộng dân chủ. Đáng chú ý và đình đám nhất trong số này là cuộc vận động tổ chức Đông dương đại hội. Cuộc vận động này không chỉ nhằm đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh, đòi cải thiện mọi mặt đời sống, cải thiện chế độ lao tù, mà còn nhằm huy động, thống nhất các tầng lớp nhân dân về một mối, chống chủ nghĩa phát xít và bọn phản động ở thuộc địa. Những cuộc đấu tranh này phát triển rất mạnh mẽ, khiến chính quyền thuộc địa buộc phải ban hành một số chính sách nới lỏng về các mặt kinh tế, xã hội. Riêng lĩnh vực báo chí, do nhận thức rất rõ tác động của hình thức tuyên truyền này đối với nhận thức chính trị, người Pháp đã ban hành một số văn bản nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận. Chẳng hạn ngày 12-8-1936, Tổng thống Lơ broong kí ban hành văn bản mới, chỉ thừa nhận quyền tự do ngôn luận ở các xứ thuộc địa. Bắc kì (xứ bảo hộ), Trung kì (nửa bảo hộ), không được hưởng các đặc quyền này. Cụ thể hóa Sắc lệnh trên, ngày 7-10-1938, Toàn quyền Đông dương ban hành Nghị định trong đó ghi rõ:
Điều 1: Trong lãnh thổ Trung kì, Bắc kì, Cao Miên, và Lào việc công bố hay truyền bá bằng bất cứ biện pháp nào với những tin tức sai lầm, những văn bản xuyên tạc và vu cáo đối với người khác cố tình và làm giảm lòng tin sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến một năm và phạt tiền từ 100 đến 1000 phơ răng, hoặc một trong hai hình phạt đó khi ấn phẩm hoặc việc truyền bá ấy dẫn tới làm rối loạn kỉ luật và đạo đức các lực lượng lục quân, hải quân và không quân
Điều 2: Những vi phạm trên đây sẽ bị đưa ra xử trước tòa án tiểu hình….
Đến đầu năm 1939, tình hình thế giới căng như dây đàn. Báo chí trong nước bị đàn áp dữ dội. Hàng loạt nhà cách mạng, các chiến sỹ cộng sản (nhiều người trong số đó là nhà báo) đã bị bắt. Việc xin phép báo mang hơi hướng chính trị là hết sức khó khăn. Trước thực tế trên, các ông Vũ Đình Long, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Lưu Trọng Lư, những người rất tâm huyết với việc gìn giữ, duy trì và phát triển phong hóa Việt đã cùng chung vai cho ra đời tạp chí Tao Đàn. Các ông đều có cùng quan niệm đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa cũng ít nhiều giữ gìn được bản sắc Việt Nam, cũng thể hiện được tấm lòng yêu nước. Đây là cuộc chiến lâu dài, hiệu quả. Nhờ sự đầu tư thích đáng về vật chất, con người, ngay từ những số đầu tiên, Tao đàn đã xứng đáng được coi là tờ tạp chí văn học sang trọng bậc nhất thời bấy giờ. Phan Khôi, một nhà báo, nhà văn cực kì khó tính đã phải thốt lên: Trong Tao Đàn tôi thấy một sự siêu việt là dung hợp được mọi tư tưởng dù trái ngược nhau. Tao Đàn sẽ là nơi gặp gỡ của hết thảy mọi khuynh hướng và tư tưởng ấy cùng chung một cứu cánh gây dựng một nền văn hóa Việt Nam.
Tạp chí Tao Đàn ra mắt số đầu tiên vào ngày 1-3-1939, trong lời phi lộ có ghi rõ tôn chỉ mục đích:
Tao Đàn là tạp chí không thuộc riêng về một văn phái nào cả, nó là cơ quan của một nền văn hóa hoàn toàn Việt Nam về sau này, mà sự kiến thiết phải được tất cả các sĩ phu ba kì coi là cái bổn phận tối cao và khẩn cấp
Tao Đàn là vườn ươm hạt giống tài hoa chủng tộc, là nơi để cho hết thảy mọi cá tính được phát triển đầy đủ về phương diện văn chương và tư tưởng.
Tao Đàn là nơi tập trung mọi sự gắng công để đi tới sự hợp nhất và tiến hóa của văn chương Việt Nam và sau hết, để đi tới sự nhận chân cái bản thể nhân loại qua tâm hồn Việt Nam.
Tao Đàn là cái chứng cớ thiêng liêng đẻ các phần tử trí thức tỏ ra không phụ lòng mong đợi, cậy trông về tương lai mà chủng tộc đã tha thiết đặt vào mình
Tao Đàn là tạp chí của hết thảy người Việt Nam mà cái tương lai tinh thần của chủng tộc đã thành sự băn khoăn tha thiết trên mọi băn khoăn khác…
Như vậy là, Tao Đàn, cũng như nhiều tờ báo đương thời, nhất là báo chí Bắc kì, do sự chi phối của các văn bản pháp luật của nhà cầm quyền thực dân, đã hướng mục tiêu đấu tranh sang các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đây không phải là sự tránh né các trách nhiệm xã hội như lâu nay nhiều người vẫn nhìn nhận. Sự uyển chuyển này là có tính toán, phù hợp với tình hình chính trị lúc đó. Nhận thức rõ chính sách ngu dân của thực dân Pháp là nhằm nhấn dân ta ngày càng lún sâu dưới vũng bùn lầm than, Tao Đàn và nhiều tờ báo tiến bộ khác kêu gọi tầng lớp trí thức, văn nhân, kí giả tập hợp nhau lại: Gây ngay một phong trào quốc văn mạnh mẽ và rộng lớn. Những người chủ trương tờ báo quan niệm, nâng cao dân trí sẽ giữ gìn và nâng cao được bản sắc văn hóa dân tộc. Đây chính là nền tảng có tính chất lâu dài, vĩnh cửu của mỗi quốc gia… Ý đồ ít nhiều có tính cải lương trên của Tao Đàn ngẫu nhiên phù hợp với mục đích của người Pháp đang tìm cách hướng dân ta sang lĩnh vực văn hóa, triệt tiêu đấu tranh vũ trang, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trí thức, tiểu tư sản thành thị lúc đó, nên đã lôi kéo được rất đông người tham gia
Bộ máy quản lý chính của tạp chí Tao Đàn gồm: Chủ nhiệm Vũ Đình Long, Trị sự: Nguyễn Kh Đàm, Quản lý: Lan Khai. Lúc đầu Tao Đàn ra 96 trang nội dung, in khổ 14,5x21,5cm. Từ số 1 đến số 8 báo ra mỗi tháng 2 kì vào các ngày mùng 1 và 16. Số 9 và 10 ghép làm 1. Từ số 11 Nguyễn Triệu Luật thay Lan Khai giữ vai trò Quản lý, thay đổi in mỗi tháng một kì, ra vào giữa tháng. Khi cần thiết, báo ra số đặc biệt. Chẳng hạn, để tưởng nhớ Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), Vũ Trọng Phụng báo ra thêm 2 số vào tháng 7 và tháng 12-1939, do Lưu Trọng Lư đứng ra tổ chức, thu gom bài vở. Riêng số đặc biệt, báo không cố định số trang, tăng giảm tùy theo lượng bài có được. Mỗi số, Tao Đàn bán giá 25 xu (kể cả số thường và số đặc biệt). Tao Đàn cũng đã chuẩn bị xong số đặc biệt về Nguyễn Trường Tộ (dự kiến ra vào 1-1-1939) nhưng không ra được vì bị Ty Kiểm duyệt gạch bỏ.
Tất cả vì lợi ích dân tộc
Trong chưa đầy một năm, Tao Đàn ra được 13 số định kì và 2 số đặc biệt với tổng cộng 1374 trang. Mặc dù có đời sống ngắn ngủi như vậy, nhưng Tao Đàn đã để lại những dấu ấn đặc biệt đối với xã hội. Thành công của tờ báo là không thể phủ nhận trong lịch sử Văn học cũng như lịch sử Báo chí.
Vì là tờ báo chuyên về văn học nghệ thuật nên trong số 96 trang nội dung của Tao Đàn cũng được bày biện “đủ mâm, đủ bát” chia làm 3 lĩnh vực có thể “bao sân” rất rộng gồm Nghị luận và khảo cứu - Nghệ thuật - Tạp kí, hàm chứa trong đó đủ các thể tài, thể loại cả trong và ngoài nước, từ cổ chí kim. Có thể kể ra đây loại Thơ, Truyện dịch của Pháp và Trung Quốc, kịch, tiểu thuyết của các cây viết trẻ, khảo cứu về lịch sử, văn hóa hết sức uyên thâm của các bậc đạo cao đức trọng. Không chỉ văn chương, Tao Đàn còn bàn nhiều đến các lĩnh vực tưởng chừng chỉ có ở các xứ văn minh như Triết học, hội họa, tôn giáo, chính trị… Ngoài việc phát hiện, nâng đỡ các cây bút trẻ, báo còn tạo cơ hội xuất hiện hoặc giới thiệu tác phẩm của những nhà thơ, nhà văn trước đây làm việc cho tờ Phong Hóa (của nhóm Tự lực văn đoàn) đối thủ một thời của nhóm Tân Dân. Nhờ sự không phân biệt đối xử này đã khiến Tao Đàn ngày càng qui tụ được nhiều người tài, được xã hội vì nể, tôn trọng
Cầm hơn chục số Tao Đàn, đọc các bài viết trong đó, ai cũng có thể cảm nhận được tâm huyết của các tác giả, sự nặng lòng với văn hóa dân tộc. Số các bài viết có tính khảo cứu, luận đàm về những giá trị truyền thống chiếm dung lượng khá lớn. Nhiều bài đã gây tiếng vang trong dư luận, được tầng lớp trí thức đánh giá cao. Về lĩnh vực nghiên cứu văn hóa- Nghệ thuật đáng chú ý là các bài Nghệ thuật với văn hóa, bài Văn học chữ Hán ở nước ta (Thiều Quang, Phan Khôi, số 1 ngày 1-3-1939), Một nền văn chương Việt Nam (Nguyễn Triệu Luật, số 2 ngày 16-3-1939) Làm sao mà gây được một nền văn hóa riêng (Nguyễn Triệu Luật, số 5 ngày 1-5-1939), Cái nguy mất gốc (Lan Khai, số 6 ngày 16-5-1939), Bàn qua về nghệ thuật (Lan Khai, số 7 ngày 1-6-1939), Những câu hát xanh (Lâm Tuyền Khách, đăng 5 kì từ số 8 ngày 16-6-1939 đến số 13 ngày 16-10-1939), Tục ngữ phong dao (Phan Khôi, số 10 ngày 1-8-1939)….
Có lẽ do quan niệm ngôn ngữ, chữ viết chính là sự khởi đầu của văn hóa, quyết định đến sức sống tinh thần của mỗi dân tộc, đã khiến cho nhiều học giả dành tâm sức nghiên cứu lĩnh vực này. Đáng lưu ý là các bài Một số ý kiến thô sơ về cách điền chế văn tự (Nguyễn Triệu Luật, số 4 ngày 16-4-1939), Tiếng Nam phải giữ tinh thần riêng của tiếng Nam (Hoài Thanh, số 5 ngày 1-5-1939), Phương pháp làm quyển “Mẹo tiếng Việt Nam” (Nguyễn Triệu Luật, số 7 ngày 1-6-1939), Luật ngã hỏi (Nguyễn Đình, số 8 ngày16-6-1939), Vấn đề cải cách chữ quốc ngữ, bài Một số ý kiến về việc cải cách văn tự nước nhà: Tước bỏ cái gạch nối liền (Nguyễn Triệu Luật, Kinh Dinh, số 11 ngày 16-8-1939), Những chỗ thiếu sót trong “Việt Nam tự điển” (Thảo Trang, số 12 ngày 16-9-1939). Mục tiêu chính yếu của Tao Đàn là gây dựng một nền văn hóa mới, tẩy chay tuyệt đối thứ văn hóa áp đặt, ngoại lai. Trong bài Cùng bạn đọc, Tao Đàn nhấn mạnh: Tổ tiên mình đã say mê văn hóa Tàu đến nỗi cam tâm để cho tinh thần của chủng tộc bị tê liệt đi và bị sáp nhập vào trong cái văn hóa vĩ đại ấy. Kết cục: dân tộc mình thành ra một lũ người không có bản sắc, nhân cách và địa vị trong lịch sử thế giới, bị coi bất quá như một lũ học trò của Trung Hoa…
Có thể nói, Tao Đàn đã gây được sự quan tâm của công luận bởi những bài có tính phản biện cao. Những tranh luận, đôi khi rất nảy lửa, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Được bàn đến nhiều nhất là các vấn đề sử học, triết học, chính trị, tư tưởng, học thuật. Sự khách quan của Tao Đàn được thể hiện ở việc cho đăng cả những ý kiến trái chiều nhau, kể cả đi ngược với quan điểm của tờ báo. Chính cách làm khách quan, hiện đại này đã thu hút được nhiều nhân sỹ tham gia viết bài tranh luận, tạo nên những hiệu ứng xã hội rất lớn. Mặt khác, sự góp mặt của các trí thức có tên tuổi cũng tạo thêm sự sang trọng và gây uy tín cho tờ báo. Nhiều vấn đề lớn mà các tác giả bàn đến đã kích thích các báo khác tham gia tranh luận, điển hình là các bài: Đã đến ngày viết lại quyển Nam sử chưa? (Nguyển Văn Tố, số 1 ngày 1-3-1939), Những xiềng xích của văn chương ngày xưa (Ngô Tất Tố, số 2 ngày 16-3-1939), Một nhà viết sử bán nước, một quyển sử nhục nhã: Lê Tắc và quyển “An Nam chí lược” của y, bài Không có ông An Dương vương nhà Thục, bài Đôi lời bàn thêm cùng ông Bùi Công Trừng (Trần Thanh Mại, Ngô Tất Tố, Lưu Trọng Lư số 3 ngày 1-4-1939), Sau khi xem bài ông Phan Khôi: Tại sao quốc văn chậm phát triển? (Nguyễn Hữu Chương, số 4 ngày 16-4-1939), Thiên chức của văn sỹ Việt (Lan Khai, số 5 ngày 1-5-1939), Lại nói về quyển An Nam chí lược của Lê Tắc trả lời ông Huỳnh Thúc Kháng, bài Thành thực và tự do trong văn chương, bài Bàn qua về nghệ thuật (Trần Thanh Mại, Hoài Thanh, Bùi Công Trừng số 6 ngày 16-5-1939), Triết học Bergson, bài Văn chương dân chúng (Lê Chí Thiệp, Tô Vệ, số 7 ngày 1-6-1939), Khổng tử có vũ trụ quan duy vật hay duy tâm?, bài Tôi vẫn bảo cụ Khổng có vũ trụ quan duy vật (Bùi Công Trừng, Ngô Văn Triện, số 8 ngày 16-6-1939)…. Càng những số sau, không khí phản biện, tranh luận càng đậm đặc. Có số bàn về vài ba vấn đề cùng lúc
Tuy đề cập tới hầu khắp các vấn đề của đời sống xã hội nhưng Tao Đàn vẫn được giới chuyên môn coi như tạp chí chuyên về văn học đầu tiên của Việt Nam. Tao Đàn luôn dành dung lượng lớn nhất để đăng các tác phẩm văn học thơ, tiểu thuyết, kịch nói, truyện ngắn, truyện dài, kí, phóng sự văn học, truyện dịch, tạp bút… Tờ báo đã có công phát hiện hoặc củng cố, khẳng định tên tuổi nhiều cây bút nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Lan Khai, Phạm Duy Khiêm, Toan Ánh, Y Lan, Vũ Trọng Phụng, Tản Đà, Mặc Lan, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Phạm Hầu, Lâm Tuyền Khách, Mạnh Phác, Trương Tửu… Nhiều tác phẩm in trên Tao Đàn đã đi vào lịch sử văn học như những bài viết của Nguyễn Tuân trên mục Vang bóng một thời những sáng tác của Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Phan Khôi,, Ngô Tất Tố…
Có thể nói, so với các tờ báo và tạp chí đương thời, Tao Đàn vượt trội lên hẳn cả về nội dung và hình thức. Lượng bài hết sức phong phú, bao quát được hầu khắp các lĩnh vực của khoa học xã hội. Các sáng tác văn học nghệ thuật có sự chọn lựa kĩ càng, được chấp bút bởi những tác giả nổi tiếng, một mặt nâng tầm, gây uy tín cho tờ báo, mặt khác, đã tạo ra lực hút khó cưỡng đối với bạn đọc. Đây cũng là mảnh đất phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Đọc bài Một nhà thơ nhiều hi vọng: ông Phan Khắc Khoan của Hoài Thanh cho thấy tấm lòng chân thực của bậc đàn anh đối với giới trẻ. Những đánh giá nhận xét trong đó không chỉ có sự ưu ái mà còn rất nghiêm khắc, chỉ ra những yếu điểm để nhà thơ trẻ kịp thời khắc phục, vươn lên
Ngay trong những số đầu, Tao Đàn xác định đối tượng bạn đọc là các tầng lớp nhân dân, khắc phục sự “sang trọng” thái quá của nhóm Tự lực văn đoàn, nhưng thực tế, Tao Đàn lại thường sử dụng loại bài nặng về mặt học thuật, chính trị, tư tưởng, khiến tầng lớp bình dân không “tiêu hóa” được. Những bài khêu gợi lòng yêu nước còn khá mờ nhạt hoặc quá cẩn trọng, kín đáo khiến không ít bạn đọc nghi ngờ mục đích tối thượng của tờ báo. Ranh giới giữa sự tiến bộ và sự phản động là rất mong manh, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thế giới sắp xảy ra, bao chiến sỹ yêu nước đang chịu cảnh tù đày, cả dân tộc đang rên xiết trong lầm than, nô lệ
Có lẽ Tao Đàn là một trong những tờ báo đầu tiên xuất bản những số đặc biệt, tồn tại bên cạnh những số thông thường. Đến nay, hình thức này là khá phổ biến trong báo chí hiện đại. Trong suốt hành trình của mình, báo ra được 2 số đặc biệt về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Vũ Trọng Phụng nhân ngày mất của hai người này, được dư luận đương thời và các nhà khảo cứu sau này đánh giá cao. Báo còn vạch ra kế hoạch ra những số đặc biệt về Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, về thi cử, về phong trào Duy tân… Tuy nhiên, do phải đóng cửa sớm nên dự định trên không thực hiện được. Cách xây dựng kế hoạch cho nhiều số của Tao Đàn đến nay được hầu hết các tạp chí chuyên ngành áp dụng
Có thể nói, chỉ với một năm tồn tại, phát triển, trong bối cảnh chính trị xã hội hết sức rối ren, đen tối, Tao Đàn vẫn vụt lên như một hòn ngọc bé nhỏ nhưng rực sáng, gây những ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc đương thời, để lại nhiều bài học quí giá cho hậu thế. Tao Đàn xứng đáng nhận được chỗ đứng trang trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam
TS Hoàng Văn Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét