Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Phong Hóa và những ước vọng xa vời

Trong các hồi kí, ghi chép của mình, nhiều nhà văn, nhà báo lão thành nước ta đã dành những dòng cảm xúc chân thành kể về những kỉ niệm tốt đẹp khi họ làm cho tờ Phong hóa. Nhiều người thẳng thắn thừa nhận, họ đã trưởng thành từ cái “lò đào tạo” Phong Hóa.

Thổi luồng gió mới
Sau khi đàn áp các phong trào yêu nước do các sĩ phu phát động, thực dân Pháp chỉ được sống yên ổn mấy năm cuối cùng của thế kỉ 19. Từ đầu thế kỉ 20, cơn bão Tân thư Trung Quốc, cuộc Minh trị Duy tân của Nhật Bản, tư tưởng khai sáng, dân chủ, dân quyền của Rousseau, Montesquieu, Voltaire ào ạt tràn vào nước ta. Đây chính là tiền đề để các phong trào đấu tranh có màu sắc hiện đại trong cả nước rầm rộ phát triển. Đáng kể nhất trong số này là phong trào Đông du (Phan Bội Châu khởi xướng từ năm 1904-1908), phong trào Duy tân (Phan Chu Trinh khởi xướng từ 1906-1908), việc mở trường Đông kinh nghĩa thục (do cụ Cử Lương Văn Can đứng ra tổ chức năm 1907), phong trào chống thuế ở Trung kì, vụ đầu độc quân Pháp ở Hà Nội (đều xảy ra năm 1908), rồi cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1908-1913)… Sự tác động về văn hóa, chính trị, tư tưởng, quân sự của các phong trào trên đối với xã hội là rất lớn. Mặc dù đều thất bại, nhưng các phong trào trào yêu nước vẫn thay nhau bùng nổ khiến người Pháp phải tính toán lại các chính sách cai trị nhằm đánh vào ý thức dân tộc của người bản xứ. Ông G.Dumoutier, Thanh tra Giáo dục Bắc kì từng nhận định: Muốn thay đổi hình dáng, mầu sắc của một cái cây, không thể bắt đầu với cái cây đã phát triển hoàn toàn, mà phải tác động từ hạt giống. Muốn biến đổi một dân tộc cũng phải làm như vậy. Nếu chúng ta muốn đặt được vĩnh viễn ảnh hưởng của nước Pháp trên phần đất này của thế giới thì phải làm cho họ tiêm nhiễm tư tưởng của chúng ta, dạy cho họ tiếng nói của chúng ta và phải bắt đầu từ nhà trường và chú ý trước tiên đến trẻ em…. Hơn ai hết người Pháp hiểu rằng, muốn thu phục được tinh thần người Việt, không gì tốt hơn phương tiện báo chí. Đây là cơ sở để những tờ như Đông dương tạp chí (1913), Nam phong tạp chí (1918) ra đời. Những tờ báo của chính quyền này tuyên truyền mạnh mẽ chính sách cai trị của thực dân Pháp, phê phán các phong trào yêu nước, tẩy chay lối học cũ, đề cao văn hóa, khoa học phương tây… Mục tiêu chính của các tờ báo trên một mặt nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của truyền thống, mặt khác thúc đẩy sâu rộng phong trào học và sử dụng chữ quốc ngữ trong dân chúng. Đây chính là tiền đề gây dựng nên đội ngũ văn nhân kí giả theo tây học sau này
Từ đầu thế kỉ 20, nhất là sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), ở Việt Nam bắt đầu rộ lên các phong trào sáng tác văn chương theo lối mới (chủ yếu theo lề lối của Pháp). Báo chí là phương tiện truyền tải văn chương chủ yếu của thời kì này. Đây cũng chính là môi trường làm bùng nổ các phong trào sáng tác đình đám vào những năm 30 của thế kỉ trước. Trong số những tờ báo chuyên về văn chương thời đó, có lẽ để lại dấu ấn đậm nhất là các tờ Phong Hóa, Ngày Nay của nhóm Tự lực văn đoàn.
Có thể nói, Nguyễn Tường Tam là linh hồn của cả 2 tờ Phong Hóa, Ngày Nay cũng như nhóm Tự lực văn đoàn. Nguyễn Tường Tam (1905-1963) sinh ra trong một gia đình trí thức có 7 anh em ở huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Bố mất sớm nên mẹ ông phải rất vất vả, tần tảo buôn bán ngược xuôi, nuôi các con ăn học. Ngay khi mới 16 tuổi ông đã có thơ đăng trên báo Trung Bắc tân văn, đăng nhiều bài có tính khảo cứu trên Nam Phong tạp chí. Sau khi tốt nghiệp Trung học ông thi đậu vào trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng chỉ theo học một năm rồi bỏ. Năm 1926, ông vào Nam làm báo. Do có vai trò khá nổi bật trong phong trào để tang Phan Chu Trinh, ông bị người Pháp truy bắt ráo riết, buộc phải trốn sang Campuchia. Năm 1927, ông tìm cách sang Pháp học và năm 1930, Nguyễn Tường Tam lấy được bằng Cử nhân.
Đầu những năm 1930, ở Việt Nam xảy ra nhiều sự kiện lớn, có tính bước ngoặt của lịch sử như cuộc khởi nghĩa Yên Bái, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Phong trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931). .. Thực dân Pháp đã đàn áp hết sức dã man các phong trào này. Hàng loạt nhà yêu nước rơi vào cảnh tù đày. Cả xứ Đông Dương như sống trong đêm dài trung cổ. Mọi hình thức đấu tranh vũ trang hầu như bị triệt tiêu. Đúng vào thòi kì này, Nguyễn Tường Tam về nước. Khi còn ở bên Pháp, Nguyễn Tường Tam rất ấn tượng với tờ Con Ong, tờ báo trào phúng, châm chích những hiện tượng tiêu cực trong xã hộ và ông đã nảy ý định ra một tờ báo tương tự làm phương tiện đấu tranh.
Tuy nhiên, việc xin phép ra báo Tiếng Cười của ông không thành bởi chính quyền thực dân luôn tìm cách trì hoãn việc cấp phép, mặt khác, việc ra tờ báo mới rất tốn kém, Nguyễn Tường Tam khó mà lo nổi được ngay một khoản tiền lớn. Đây cũng là lúc tờ Phong Hóa của mấy đồng nghiệp dạy trường Thăng Long rơi vào cảnh bết bát có nguy cơ phải đóng cửa. Nguyễn Tường Tam đã gặp Phạm Hữu Ninh, Trần Khánh Giư, Nguyễn Xuân Mai để điều đình mua lại tờ báo. Sau khi có tờ báo trong tay Nguyễn Tường Tam làm Chủ bút, vẫn giữ Phạm Hữu Ninh làm Quản lí, Nguyễn Xuân Mai làm Giám đốc Chính trị. Từ lúc này, Phong Hóa chuyển hướng thành một tờ báo chuyên về văn hóa, nghệ thuật, mang đậm tính trào lộng với 3 hình tượng nghệ thuật điển hình Xã Xệ, Lý Toét, Bang Bạnh.
Phong Hóa số 14 ( 22/9/1932, số đầu tiên do Nguyễn Tường Tam làm chủ bút) ghi rõ tôn chỉ, mục đích:
- Hăng hái theo con đường mới, tìm lí tưởng mới
- Không chịu khuất phục thành kiến
- Không làm nô lệ ai, không xu phụng một quyền thế nào
- Lấy lương tri mà xét đoán, theo lẽ phải mà hành động
- Lấy thành thực làm căn bản
- Lấy trào phúng làm phương pháp, tiếng cười làm vũ khí
Để Phong Hóa sớm có chỗ đứng trong làng báo Việt, ngay khi vừa nắm tờ báo trong tay, Nguyễn Tường Tam đã rất chú trọng đến việc chiêu hiền đãi sỹ. Ngoài mấy anh em trong nhà là Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), Nguyễn Tường Bách, ông mời nhiều cây bút nổi tiếng, đang ăn khách thời bấy giờ về làm cho Phong Hóa như Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ), sau có thêm Xuân Diệu, Trần Tiêu (em Trần Khánh Giư), Thế Lữ. Nhiều người có bài cộng tác chặt chẽ, thường xuyên với Phong Hóa như Trọng Lang, Huy Cận, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ…
Sự ảo tưởng khổng lồ
Ngay từ những số đầu tiên, Phong Hóa đã thổi một luồng gió mới đầy sinh khí vào lòng bạn đọc, được đông đảo nhân dân, đặc biệt là tầng lớp tiểu tư sản, trí thức thành thị khắp 3 kỳ hoan nghênh, ủng hộ. Báo in 8 trang khổ lớn. Mặc dù giá bán khá cao so với những tờ báo cùng thời (7 xu), nhưng Phong Hóa liên tục phải tăng lượng in. Báo thường in 5000 nhưng có những số phải in tới 1 vạn bản (kỉ lục lúc bấy giờ) mà vẫn bán hết veo. Bạn đọc thích Phong Hóa bởi, như trên đã nói, thời gian này các phong trào đấu tranh cách mạng bị đàn áp nặng nề nên việc đấu tranh vũ trang hầu như vắng bóng. Tập trung phê phán những thói hư tật xấu, những tập tục lạc hậu, cổ hủ, hô hào Âu hóa, thúc đẩy phát triển văn học nghệ thuật theo lối mới của Phong Hóa cũng ít nhiều đáp ứng được kì vọng của nhân dân. Cũng chính sự ủng hộ của bạn đọc là động lực thúc đẩy anh em tích cực khai phá các nội dung mới, tìm tòi những phương thức thể hiện sao cho hấp dẫn, dễ hiểu nhằm nâng cao dân trí. Không khí làm báo Phong Hóa đã được Tú Mỡ kể lại: Mỗi tuần lễ, tôi đến họp mặt với các anh từ tối thứ bảy bàn soạn về việc viết lách cho báo, cặm cụi viết vẽ suốt cả ngày chủ nhật; mệt nhọc thì ra sân đá cầu, đánh bóng bàn để giải trí. Thế là bước đầu chúng tôi có một “trại sáng tác” tuy còn nhỏ… Các anh có một sức làm việc ghê gớm, đáng phục, làm ngày làm đêm, tốn khá nhiều cà phê, thuốc lá, làm việc đến rạc cả người, hom hem, xanh xám như Khái Hưng, ai không biết cứ tưởng là “dân làng bẹp”
Tuy có lượng phát hành lớn, đời sống anh em vẫn chưa được cải thiện do bị nhà in và các đầu nậu giấy ép giá. Trước thực tế đó, Nguyễn Tường Tam cùng mọi người trong tòa soạn bàn bạc quyết định lập Tự lực văn đoàn để chủ động trong các khâu in ấn, đồng thời biến đây thành nơi tập hợp tầng lớp văn nhân kí giả. Để mở rộng sản xuất, mua sắm thiết bị hiện đại, Tự lực văn đoàn hoạt động theo hình thức đóng góp cổ phần. Với mỗi cổ đông 500 đồng, Tự lực văn đoàn nhanh chóng có đủ tiền gây dựng Nhà xuất bản Đời Nay
Có lẽ do ảnh hưởng của Chủ nghĩa Ánh sáng, Chủ nghĩa Cộng sản không tưởng phương Tây, những người trong Tự lực văn đoàn đã vẽ ra nhiều kế hoạch “to tát” nhằm nhanh chóng thay đổi đời sống nhân dân như xin đất rồi tập trung lại khai khẩn, lập những trang trại kiểu mẫu, trong đó có nhà hợp vệ sinh, có đèn điện, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, câu lạc bộ… cho tá điền sử dụng với hi vọng mô hình đồn điền kiểu này dần sẽ được nhân rộng ra toàn cõi Đông Dương… Rõ ràng, ý tưởng trên đây là có thiện ý tốt nhưng thiếu thực tế, viển vông, nên sớm bị phá sản. Vô tình, những dự án kiểu như thế này lại rất phù hợp với chính sách mị dân của chính quyền thực dân, nên được người Pháp ủng hộ. Dường như, những người sáng lập ra Tự lực văn đoàn không hiểu rằng cái người dân Việt Nam cần lúc này không phải là miếng cơm manh áo mà là độc lập tự do
Nội dung chính của Phong Hóa là phê phán các thói tật xã hội. Do được bạn đọc ủng hộ cổ vũ nên báo ngày càng lấn sâu vào các địa hạt chính trị, châm biếm tầng lớp quí tộc, phê phán các chính sách cai trị… Nhà cầm quyền thực dân đã nhiều lần bắn tiếng đe dọa đóng cửa Phong Hóa. Điều này không làm cho Phong Hóa nhụt chí. Báo vẫn đều đặn mang tiếng cười sảng khoái đến cho dân chúng, nhưng lại là mũi dùi đâm vào ruột gan tầng lớp thống trị. Phong Hóa chủ yếu bộc lộ một số quan điểm: Phê phán sự lạc hậu, mê tín của các tôn giáo truyền thống như đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng, ca ngợi khoa học, triết học phương Tây. Báo nhiều lần chê bai các tập tục, lễ nghi phong kiến đang đè nặng lên người dân thôn quê, đồng thời đề cao sự bình đẳng trong gia đình, coi trọng quyền công dân tại các thôn xóm… Có thể nói, tư tưởng của Tự lực văn đoàn có nhiều mặt tiến bộ, nhưng đôi khi ảo tưởng, thiếu thực tế, viển vông. Dường như họ chỉ phản ánh tốt đời sống của giới trí thức theo tây học, tiểu tư sản thành thị. Đối với các tầng lớp khác, hoặc là họ bỏ qua, hoặc mô tả một cách phiến diện. Nói cách khác, họ hầu như không nắm được bản chất xã hội đương thời. Chính vì vậy mà trong các bài viết của mình họ thường rất lúng túng khi tìm lối thoát cho các nhân vật, không xây dựng được các khuôn mẫu điển hình cho người Việt Nam. Các tác phẩm đăng trên Phong Hóa tuy được đánh giá cao trên phương diện nghệ thuật, nhưng xét về mặt xã hội lại không đạt được nhiều ý nghĩa.
Với giọng văn hài hước, châm biếm Phong Hóa không chỉ phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, báo còn đả kích khá mạnh mẽ thói tham lam, độc ác của tầng lớp thống trị. Các đối tượng nha lại, chức dịch vùng thôn quê, công chức nơi thành thị bị Phong Hóa đưa lên mặt báo nhiều nhất. Thỉnh thoảng báo cũng đề cập đến những nhân vật chóp bu trong xã hội nhưng tránh nói đến người Pháp cũng như các chính sách của chính quyền thực dân. Phong Hóa số 121 ra ngày 26/11/1934 có mục Từ ông nghị này đến ông nghị khác đã bóc trần bộ mặt thật của những kẻ giá áo túi cơm, tiếng là đại diện cho nhân dân, nhưng lúc nào cũng chăm chăm làm thế nào để túi mình ngày càng đầy thêm. Có những bài thì châm biếm sâu xa, kín đáo, có bài thì chửi thẳng vào mặt, chẳng hạn bài về ông nghị La Thăng có đoạn: Ông nghị Lê Thăng mới nhập vào đẩng của ông Lục, nên có vẻ hăng hái, nhiệt thành lắm. Động có cái gì cãi nhau là ông đứng lên uốn éo cái mình liễu thướt tha, quay sang đông lại quay sang tây, híp mắt lại, mở rộng toác cái mồm, còn tay thì múa men trông dẻo quèo quẹo. Điệu bộ của ông làm tôi nhớ đến con rươi nó nhảy đầm. Nói cho đúng hơn, dáng dấp mềm mại của ông, điệu bộ uyển chuyển của ông giống như tạc khuôn dáng dấp, điệu bộ- xin lỗi ông- của “con đĩ đánh bồng” hay của một cô đào múa bài bông. Nói của đáng tội, có lẽ ông muốn chim cả viện nên mới uốn éo như vậy… Bên cạnh là hình ông nghị La Thăng mặc áo dài phụ nữ, xỏ guốc cao gót, tay cầm quạt phe phẩy, vừa đi vừa uốn éo. Việc châm biếm đả kích tầng lớp quan lại người Việt tuy thỏa mãn được tâm tư, tình cảm người dân, nhưng nó cũng cho thấy Phong Hóa chưa xác định được kẻ thù của dân tộc ta là chủ nghĩa đế quốc, thực dân, là triều đình phong kiến thối nát. Nhiều khi báo còn gián tiếp ca tụng người Pháp thông qua những bài viết ca ngợi văn minh, lối sống, khoa học phương tây, coi rẻ thuần phong mĩ tục của dân tộc. Không những thế, đôi khi báo còn đưa người dân nghèo, ít học ra làm trò cười, coi họ như là lực cản của tiến bộ, là những người ăn bám, thậm chí là tác nhân kéo lùi bước tiến của xã hội, của lịch sử. Phong Hóa số ra ngày 4/8/1933 đăng bài Các trình độ học thức của Nhị Lang (Trần Khánh Giư) đã đánh giá: Sự sống eo hẹp, khó khăn của dân quê ta phần lớn nguyên nhân là ở chỗ vô học trong đó có loại vô học cùng dân: Lúc nhúc như đàn cừu đói rét, chẳng ai đoái thương. Như vậy là, theo Phong Hóa nguyên nhân của mọi sự cùng khổ bất công trong xã hội là do sự vô học của tầng lớp dân nghèo, chứ không phải xuất phát từ sự cai trị hà khắc của chính quyền thực dân, của chế độ phong kiến đớn hèn, mục ruỗng. Tầm nhìn hạn hẹp và sai lầm này còn xuất hiện ở nhiều tờ báo đương thời. Điều đó cho thấy, có thể, do sự áp chế của nhà cầm quyền mà báo chí thời đó phải nói tránh đi như vậy.
Một điểm yếu đễ nhận thấy của Tự lực văn đoàn nói chung, Phong Hóa nói riêng là đẩy lên mây xanh những trường phái, tác phẩm hay tác giả nào đồng quan điểm với họ, nhưng cũng sẵn sàng công kích, đả phá, thậm chí vùi dập những gì không cùng chính kiến. Khi bàn về chủ nghĩa cá nhân của văn phái Nhật Tân, trong số báo 59 ra ngày11/8/1933 vẫn tác giả Nhị Linh châm biếm: Nếu tôi có soạn bộ tự điển Annam thì tôi sẽ viết: Chủ nghĩa cá nhân là chủ nghĩa tôn trọng cá nhân và quyền tự do cá nhân…tôi mà giải nghĩa như thế thì đến tôi, tôi cũng không hiểu. Mà tôi không hiểu thực. Hay là cá nhân là người cá trong vở tuồng “Người cá” của ông Nguyễn Khắc Hiếu có đào Liên đóng vai chính? Vậy thì cá nhân là hạng đầu người mình cá khóc ra hạt minh châu. Nhiều người một mặt chê thơ cũ là: Khuôn con người vào vòng lễ phép chật hẹp vô cùng. Nói không dám nói mạnh, cười không dám cười to, cái gì cũng như bó buộc, cằn cỗi-Việt Sinh, Phong Hóa số 15 ra ngày 29/9/1932. Khi chê bai thơ cũ, Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) bị công kích mạnh nhất. Báo coi, chỉ những tác giả thơ mới, những người sáng tác theo lối hiện đại là thi sĩ, còn tất cả những ai làm thơ theo kiểu cũ, truyền thống chỉ là thợ thơ: Các thi sĩ thì trước hết cốt tứ cho cao, lời cho mạnh rồi nghĩ đến văn thể. Còn hạng thợ thơ thì chỉ hì hục ngồi gọt, đẽo, đục, chạm từng câu, từng chữ như người thợ mộc hay người chạm khắc gỗ- Nhị Linh, bài Văn học tạp chí, số 67 ra ngày 6/10/1933
Có thể nói hầu như trong số nào Phong Hóa cũng có bài phê phán thơ cũ, ca ngợi thơ mới, góp phần đẩy thơ mới đến với những thành công sau này. Báo cũng tỏ ra công bằng khi thẳng cánh chê bai những tác giả học đòi sáng tác theo lối thơ mới thông qua các mục Những hạt đậu dọn, Cuộc điểm báo, Cuộc điểm sách… nhưng đồng thời cũng tỏ ra hân hoan trước những thành tựu của thơ mới: Thơ mới bắt đầu có từ bài Tình già của ông Phan Khôi. Nhưng vì thiếu người bênh vực có can đảm, thiếu thi sĩ mới có kiên trì, nên độ ấy không có ai ngó tới nó nữa. Đến nay, thơ mới nghiễm nhiên chiếm một địa vị quan trọng trong làng văn, thi sĩ mới rất nhiều, tương lai của thơ mới rất là rực rỡ..- Tứ Ly, số 134 ra ngày30/1/1935
Bên cạnh những bài có tính cách học thuật, văn chương, Phong Hóa cũng khai thác khá triệt để mảng báo chí. Ngoài phần tin tức (trang12), báo rất chú trọng sử dụng những bài thuộc thể loại điều tra, phóng sự (trang 4), thường xuyên giao lưu với đọc giả, phản ánh khá chân thực, sinh động về các vấn đề xã hội. Có những phóng sự, điều tra, tường thuật đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận thời bấy giờ như Vấn đề ngô của Nguyễn Duy Kế ra ngày 4/8/1933 phản ánh những mánh làm ăn bất chính xung quanh loại cây lương thực quan trọng này. Cũng trong số báo này có bài Chuyện thằng chết cãi thằng sống phản ánh tình trạng những người khỏe mạnh đóng giả người tàn tật để hành nghề ăn mày, nguyên nhân gây ra những bất ổn xã hội, mất mĩ quan phố phường. Trước thực trạng mại dâm tràn lan tại các đô thị lớn báo dành 2 số 58 và 59 để phản ánh về tệ nạn mại dâm núp bóng nghệ thuật hát ả đào. Trước những sự kiện lớn, bao giờ báo cũng cử người đến tận nơi viết bài tường thuật. Chẳng hạn, trong số 126 ra ngày 30/11/1934, trực tiếp Nhất Linh viết bài Đặc sắc của hội chợ năm nay. Cách viết phóng sự, điều tra, tường thuật hay đơn thuần chỉ là cái tin ngắn trên Phong Hóa rất hiện đại, gần với hiện nay, thường có kết cấu gồm tít chính, tít phụ, tít xen để nhấn mạnh, khoanh vùng nội dung để bạn đọc dễ theo dõi, làm mất cảm giác đang phải đọc một bài báo dài lê thê. Cách làm này cũng khiến cho việc trình bày báo được đẹp hơn, bắt mắt hơn. Mục Những việc chính cần biết trong tuần lễ xuất hiện trong hầu hết các số, đề cập đến những sự kiện quan trọng trong tuần về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa trong và ngoài nước
Vì có lối làm báo độc đáo, hiện đại, được bạn đọc cả nước hoan nghênh nhiệt liệt nên lượng phát hành của Phong Hóa tăng lên không ngừng. Cách khai thác đề tài, giọng điệu châm biếm, hài hước, hình thức trình bày tươi trẻ, bắt mắt của Phong Hóa được nhiều báo bắt chước. Thậm chí, có tờ rập khuôn hoàn toàn, chỉ có tên báo là khác. Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến lượng phát hành của Phong Hóa, khiến báo phải nhiều lần lên tiếng phản ứng, nhưng tình hình cũng không được cải thiện. Có thể nói, Phong Hóa được coi như một hiện thượng thời bấy giờ, được người tài khắp nơi kéo về xin làm cộng tác viên cho báo. Nhiều cây bút trẻ sau này đã thành danh nhờ sự uốn nắn, hướng dẫn của Nhất linh Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng Trần Khánh Giư.
Khảo sát Phong Hóa chúng ta thấy một hiện tượng, thời kì đầu, báo quan tâm nhiều hơn đến đời sống dân nghèo, nhưng về sau những đối tượng này được phản ánh mờ nhạt dần, dành dung lượng cho giới trí thức, tiểu tư sản thành thị. Nói cách khác, báo ngày càng xa rời quần chúng, tiến gần hơn đến tầng lớp trên trong xã hội. Biểu hiện rõ nhất của hiện tượng này là mục Giáo dục trong dân quê lúc đầu được đặt ngay trên trang nhất, do những cây bút lớn trực tiếp viết bài như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo nói về đời sống lầm than, đói nghèo, dốt nát, hủ tục đang hàng ngày gặm nhấm đời sống người dân, kêu gọi chính quyền có những chính sách hợp lí nhằm thay đổi xã hội. Tính chất đấu tranh gay gắt của mục này cứ nhạt dần, sau đưa vào trang trong rồi biến mất cho thấy, có sự thay đổi trong nhãn quan chính trị của những người đứng đầu tờ báo.
Giọng điệu chung của Phong Hóa là hài hước, châm biếm. Có thể coi đây là tờ báo trào phúng đầu tiên của Việt Nam. Tiếng cười ở đây một mặt góp phần thay đổi lối sống lạc hậu trong xã hội, nhất là vùng nông thôn, mặt khác, nó là mũi dùi đâm thẳng vào tầng lớp thống trị, khiến kẻ thù của người nghèo đôi lúc phải chùn tay. Ông Phạm Thế Ngũ khi nghiên cứu về báo chí thời kì này đã viết, nhờ những tờ báo kiểu như Phong Hóa mà: Cụ Nguyễn Văn Tố phải cát bỏ búi tóc; Tản Đà hết ngông, hết mộng, thành trì của văn hóa cũ không chịu nổi những nhát dao cạo của Phong Hóa đành để sụp đổ. Những hí họa phát hành khắp Bắc Trung Nam chỉ cho người ta thế nào là nhà quê, là hủ lậu, thế nào là văn minh tân tiến và thúc đẩy họ trút bỏ những tập tục cũ. Tuy nhiên, vì quá lạm dụng thủ pháp này mà nhiều khi tiếng cười của Phong Hóa biến thành tiếng cười sinh lí, không mang tính xã hội, cười cợt trên nỗi đau khổ của người khác, trêu chọc cả những người cùng khổ, ít học, châm biếm cả truyền thống ngàn đời của cha ông, và nguy hiểm hơn là đụng cả đến những giá trị thiêng liêng của dân tộc. Về vấn đề này, Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) từng trích dẫn: Cái tôn chỉ quí hóa của báo Phong Hóa nói cho đúng là cái tôn chỉ pha trò, cái tôn chỉ của phường chèo, của trẻ con… Hễ thấy ai mọc mũi lên là sẵn báo nhà cứ chỉ trích, phê bình tràn đi để đạp người ta xuống đất đen và tự nâng mình lên chín tầng mây.
Và đến năm 1936, Hoàng Đạo có bài công kích Hoàng Trọng Phu (Tổng đốc Hà Đông) nên bị chính quyền thực dân ra lệnh đóng cửa. Chỉ với mấy năm tồn tại Phong Hóa đã kịp để lại dấu ấn của mình trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tờ báo này đã để lại những bài học quí giá cho các thế hệ người làm báo nước ta, kể cả đối với ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét