Sáng nay, mới hơn chín giờ, khi mấy đồng nghiệp cùng phòng còn đang tranh cãi kịch liệt về giá vàng leo thang, tôi lỉnh ra quán cà-phê đầu cổng. Ở đây cũng đông đúc nhưng toàn người lạ, có thể ngồi ngẫm ngợi cả buổi mà không sợ ai quấy rầy. Hình ảnh một chú bé mới ba tuổi rưỡi ở tít tận trong Nam ám ảnh tôi suốt từ sáng tới giờ. Tôi chưa từng gặp cháu, mà cũng không có mối liên hệ ruột rà, máu mủ gì. Nhìn những tấm ảnh của cháu trên báo, tự nhiên thấy thương, thế thôi.
Cháu không có bố, ở một mình với mẹ. Cháu là kết quả của một mối tình vụng trộm. Mẹ cháu là công nhân, gần đây bị tai nạn giao thông trên đường từ nhà máy về nhà. Mẹ bị gãy đốt sống cổ, bị cưa tay, hai chân bị liệt, đã mấy tháng nay nằm một chỗ chờ chết. Họ hàng không còn ai ngoài ông bà ngoại cũng đã gần đất xa trời. Gia cảnh vốn đã nghèo giờ thêm kiệt quệ.
Cháu học mẫu giáo gần nhà. Từ ngày mẹ gặp nạn đến giờ, cháu không la cà với chúng bạn nữa, cứ đến giờ giải lao lại chạy về quanh quẩn bên mẹ. Bước qua cửa là cháu hỏi mẹ có đói không, có muốn uống nước không. Thấy mắt mẹ chơm chớp, cháu hiểu ý chạy đi lấy rồi ngồi bón cho mẹ từng thìa. Những lúc ngồi bóp chân, xoa lưng cho mẹ cháu liến thoắng kể cho mẹ nghe chuyện ở lớp. Thấy con hồn nhiên, mẹ cũng vui, thỉnh thoảng lại nhoẻn một nụ cười héo hon, bạc phếch. Mẹ đâu có biết rằng, mỗi khi ra giếng giặt quần áo, cháu lại lặng lẽ ngồi khóc. Cháu thương mẹ chứ không thương mình. Đêm đến, khi bóng tối bao trùm lên tất cả, cháu quay mặt vào vách thổn thức. Sáng ra, chiếc gối mỏng mẹ khâu cho ướt đầm. Cháu sợ mẹ chết lắm. Chiều chiều, hôm nào cũng thế, bất kể nắng mưa cháu đều chạy sang chùa, nép sau cánh cổng ọp ẹp cầu Phật cho mẹ cháu được sống. Cháu hứa chăm sóc mẹ suốt đời, không để mẹ phải buồn, phải đau. Sư trụ trì nhiều lần âm thầm nuốt nước mắt nghe cháu thì thầm xin ông trời lấy tay, lấy chân của cháu lắp cho mẹ, để mẹ đi kiếm tiền nuôi ông bà. Cháu ước ao được què quặt, được nằm ở chỗ của mẹ, được mẹ bón cho từng miếng bim bim. Tối đến được nghe mẹ kể chuyện Thạch Sanh bắn chim dữ cứu người đẹp. Rồi mẹ sẽ ôm cháu vào lòng hát ru cho cháu ngủ. Cháu muốn được gối đầu lên mớ tóc dày của mẹ như thuở nào, được mẹ hôn làm đỏ hồng đôi má.
Mọi thứ giờ đã xa quá rồi. Mẹ cháu nằm kia, trơ trọi, hình hài móp méo. Chỉ đôi mắt là còn nối dài nỗi yêu thương. Dù phải bất động nhưng người mẹ biết con mình nhiều bữa chỉ có củ khoai, củ sắn, nhường bát cháo nóng cho mẹ. Những lúc như thế, người mẹ chỉ mong sao sớm chết đi để khỏi nhìn thấy cảnh đứa con bé bỏng bị đói. Rồi người mẹ lại muốn thét lên thật to, muốn thấu đến trời xanh, cầu sao được sống, để mãi mãi được há miệng chờ thìa cháo từ tay con mình. Nuốt thìa cháo hạnh phúc mà sao nước mắt cứ tràn trề, đục ngầu, tội lỗi.
Lúc đầu hàng xóm sang thăm cũng nhiều, mấy hôm nay đã thưa dần. Ai cũng nghèo, cũng phải lo chạy ăn từng bữa, cưu mang mãi làm sao được. Từ chiều hôm kia đến giờ hai mẹ con đã được ăn gì đâu. Cháu rúc đầu vào nách mẹ, mệt lả, run rẩy. Người mẹ bất lực căng mắt trân trân nhìn lên trần nhà như đã hóa đá.
Rồi cũng có vài người ghé qua nhưng tay không cầm theo gì cả. Thì ra họ sang xem người mẹ đã chết chưa.
Nghe tiếng người xôn xao, cháu nặng nhọc quay người lại, mặt đỏ bừng, mắt lờ đờ, có lẽ bị sốt. Một bà bế cháu đặt lên lòng. Nếu không có đàn con nheo nhóc ở nhà có lẽ bà đã đón cháu về nuôi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Thằng bé mới tí tuổi đầu mà đã bất hạnh trước khi được sinh ra. Bà cúi mặt não nề, mặc mọi người thì thào bàn chuyện hậu sự cho người mẹ xấu số, móc trong túi áo nông toen hoẻn ra nửa bắp ngô luộc nham nhở, khó nhọc tách từng hạt khẽ khàng đút vào miệng cháu. Cái miệng xinh xinh nhóp nhép, ngon lành, như đang mơ về một miền cổ tích xa lắm. Rồi bất chợt cháu mở bừng mắt, ngơ ngác nhìn bà lão rồi nhả vội miếng ăn ngọt lành ra lòng bàn tay. Cháu chợt nhớ đến mẹ. Sau mấy giây lưỡng lự liếc về phía những người hàng xóm, cháu chạy ào đến bên giường bệnh, nhặt từng hạt ngô nhão nhoét bón cho mẹ. Còn chút sức tàn, mẹ cố vươn cổ tránh ra xa, hai hàm răng nghiến chặt. Mẹ không muốn cướp đi miếng ăn quí giá của con. Cháu nhoài theo, cố vạch miệng mẹ ra. Tiếng ú ớ trong cổ họng người mẹ cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt hẳn. Bà mẹ đã chết, hai hàng nước mắt đỏ như máu chảy tràn xuống chiếc chiếu rách xác xơ. Mọi người gỡ cháu ra, đặt xuống đất. Ai đó mang sang cái chăn mỏng chùm lên người mẹ xấu số. Cháu vùng dậy hai cánh tay giang rộng, run rẩy ngăn không cho mọi người đến bên mẹ. Bà hàng xóm gạt vội hai hàng nước mắt, xốc cháu lên đưa ra ngoài, mặc cho cháu giãy giụa, gào thét dữ dội. Cánh chim non giờ biết bấu víu vào đâu?.
Vậy mà cũng hết một buổi sáng. Đã hết hai li cà-phê và nửa gói thuốc lá mà tôi vẫn chưa trả lời được câu hỏi: Bao lo toan, vun vén, vất vả của mình suốt mấy chục năm qua liệu sẽ đổi được cái gì? Có lẽ tôi sẽ vào Nam đón cháu về nuôi. Tôi muốn dùng chút sức tàn để bù đắp, nuôi dưỡng một tâm hồn. Nhưng tôi cũng biết cây quí đem sang trồng nơi đất mới chắc gì đã cho quả ngọt.
Bâng khuâng đành buông tiếng thở dài
Cận
Nghẹn đắng thầy à. Cuộc sống còn quá nhiều những góc khuất.
Trả lờiXóaEm đọc bài khi thầy đang giảng bài rất vui vẻ. Không biết lúc viết câu chuyện này, Thầy có khóc không? Còn em thấy nghẹn ngào. Thấy chết mà không cứu được. Thấy bất hạnh mà không thể ra tay giúp đỡ.Điều gì đang ràng buộc con người sống Tốt ha Thầy?
Trả lờiXóa