Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Bôi bẩn kiệt tác

- Tôi vừa gặp cô Tấm trong siêu thị bác ạ.

- Bốc phét. Cô ấy, là hoàng hậu vào đó làm gì?
- Cô ấy đi mua quần áo, hình như vừa đi giải phẫu thẩm mỹ về.
- Ai chẳng biết cô Tấm đẹp như tiên, việc gì phải bơm ngực, độn mông.
- Cái đẹp bây giờ khác với ngày xưa rồi. Không kịp thời làm mới mình ấy à, hoàng tử sẽ bỏ rơi, ra “phố vẫy” ngay.
- Gần đây các nhà soạn sách giáo khoa đã làm mới câu chuyện cổ tích về cô Tấm bằng cách cắt bỏ đoạn làm mắm con Cám gửi cho mụ dì ghẻ ăn, chỉ giữ lại đoạn giội nước sôi lên người con Cám thôi.
- Ối giời! Bác nghĩ hành động giội nước sôi lên đứa em cùng cha khác mẹ là nhân ái ư? Sao không cắt béng cả đoạn đó đi, thay vào đó là chi tiết cô Tấm tha thứ rồi mời cả hai mẹ con mụ dì ghẻ đi ăn hải sản, nhường chồng cho con Cám vài bữa, còn mình thì lên chùa làm thơ cho nó lãng mạn.
- Thế thì còn gì tính độc đáo của câu chuyện nữa.
- Chuyện cổ tích có từ ngàn đời nay rồi. Con người nhìn vào cái kết để tự răn mình không làm điều ác. Tôi dám cá với bác là những kẻ như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa không bao giờ đọc chuyện cổ tích. Ai đã từng thấm đẫm tâm hồn với Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Cây khế chắc chắn không đủ can đảm làm điều bạc ác đâu. Đây là những kiệt tác đã được tác giả dân gian gọt giũa, hoàn thiện qua bao đời, chớ có tùy tiện chỉnh sửa. Nếu không thích thì bỏ chúng ra khỏi sách giáo khoa, để người dân tự định đoạt số phận câu chuyện. Chớ có dại mà tỏ ra khôn ngoan hơn tổ tiên.
Cận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét