Báo Đại Đoàn Kết - PV: Thưa ông, "Tôn sư trọng đạo” từ lâu đã trở thành truyền thống
tốt đẹp của dân tộc ta. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong nhịp
sống hiện đại tinh thần tôn sư trọng đạo ít nhiều đã không còn vẹn
nguyên giá trị?
TS Hoàng Văn Quang |
TS Hoàng Văn Quang: Việt Nam là
một dân tộc hiếu học. Chính vì vậy mà từ thời xa xưa, từ các bậc vua
chúa cho đến người dân bình thường, đều hết sức kính trọng người thầy.
Trong kho tàng văn học truyền miệng dân gian có rất nhiều câu ca dao,
tục ngữ, đặc biệt là các thành ngữ nói về vai trò của ông thầy trong đời
sống xa hội, chẳng hạn như những câu mà bất cứ ai cũng thuộc, cũng luôn
ứng dụng trong cuộc sống như "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, "Không thầy
đố mày làm nên”,"Trọng thầy mới được làm thầy” , "Muốn sang thì bắc cầu
kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”…
Đúng là xã hội hiện nay đã có nhiều biến chuyển, có
những giá trị thẩm mĩ, đạo đức bị ảnh hưởng thậm chí băng hoại. Đây đó
đã xuất hiện thực trạng: trên không ra trên, dưới không ra dưới; chồng
không ra chồng, vợ không ra vợ; cha không ra cha, con không ra con, và
đương nhiên có cả hiện tượng thầy không ra thầy, trò không ra trò. Theo
tôi, đây chỉ là hậu quả bình thường của một xã hội đang có sự chuyển đổi
mô hình phát triển về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Rồi mọi thứ sẽ
ổn định dần trở lại, và quan niệm tôn sư trọng đạo sẽ tiếp tục được duy
trì và phát triển ở tầm cao mới.
PV: Thưa ông, người ta cũng cho rằng vấn nạn
bạo lực học đường bấy lâu nay có căn nguyên từ việc giáo dục chưa lấy
việc dạy làm người để làm điều cốt lõi. Do đó mới có thực trạng không ít
học sinh vô lễ, xem thường thầy cô?
TS Hoàng Văn Quang: Thanh niên
thời nào cũng thích thể hiện mình. Đây là một thực tế đáng trân trọng,
cần được khuyến khích. Tuy nhiên, chúng ta đang ở thời kì đầu của sự
phát triển, nên chưa đủ tiềm lực để chăm lo một cách bao quát, đầy đủ cả
về vật chất và tinh thần cho tất cả mọi người. Việc thiếu sân chơi,
thiếu định hướng sẽ khiến giới trẻ rơi vào bế tắc, dễ dẫn tới những hành
vi thiếu lành mạnh như đua xe, thích hành hung người khác, cãi lại
thầy… Đây chỉ là những hành vi bộc phát, nhất thời, hoàn toàn có thể
điều chỉnh được nếu như những người lớn chúng ta biết sống gương mẫu,
nhất là người thầy.
PV: Và ông có cho rằng những hiện tượng tiêu
cực từ phía người thầy mà xã hội đang lên án, phải chăng đó chỉ là những
trường hợp cá biệt trong ngành giáo dục?
TS Hoàng Văn Quang: Báo chí hay
thổi phồng những hiện tượng tiêu cực. Vụ Sầm Đức Xương chẳng hạn, đã có
hàng trăm tờ báo mổ xẻ trong hàng tháng trời vụ việc này khiến xã hội
nhìn vào ngành giáo dục thấy toàn một màu xám xịt. Trong khi đó có biết
bao tấm gương thầy lao xuống dòng nước lũ cứu trò để rồi chết đuối, có
cô giáo suốt 5 năm trời cõng trò đến trường cách nhà mấy cây số, rồi
chuyện người thầy cưu mang trong nhà hàng chục trẻ mồ côi, tàn tật…
Những sự việc này lại ít được báo chí khai thác, nên đạo đức người thầy
ít được ghi nhận. Những đối tượng như Sầm Đức Xương bao năm mới có một,
trong khi tấm lòng, tình yêu bao la của người thầy đối với trò luôn hiện
diện khắp nơi, chính vì vậy không thể cho rằng tiêu cực trong giáo dục
có tính phổ biến trong xã hội ta được.
PV: Theo ông, việc càng ngày càng có ít người theo học ngành sư phạm là do nguyên nhân nào?
TS Hoàng Văn Quang: Thầy giáo cũng
như là con người bình thường. Họ cũng cần cái ăn cái mặc... Nhiều người
không chọn thi vào ngành sư phạm không phải do họ coi thường ngành này,
mà chủ yếu do nghề làm thầy hiện không đủ sống. Chính vì vậy, để thay
đổi quan điểm người dân trước hết nhà nước cần thay đổi chính sách đối
với giáo dục. Ví dụ ở Thái Lan, giáo viên vùng sâu, vùng xa luôn có thu
nhập gấp nhiều lần giáo viên tại các đô thị, lương giáo viên dứt khoát
phải cao hơn người lái xe taxi, cao hơn cả bộ trưởng, chính vì vậy đã
thu hút rất mạnh thanh niên theo học ngành sư phạm. Gia đình nào có
người làm thầy giáo là niềm vinh dự lớn, được cả cộng đồng tôn trọng, vì
nể.
PV: Là giáo viên đào tạo một nghề đặc biệt - báo chí, nhân ngày 20- 11 ông có điều gì muốn chia sẻ?
TS Hoàng Văn Quang: Tôi yêu nghề
báo bởi đơn giản đây là nghề của những con người dũng cảm, chân thực.
Đào tạo nhà báo là niềm tự hào lớn không phải ai cũng có được. Có những
lúc, nhìn bạn bè thăng tiến vùn vụt tôi cũng dao động, muốn chuyển qua
nghề khác, nhưng rồi suy nghĩ kĩ tôi tin rằng mọi khó khăn mà ngành sư
phạm đang vướng phải chỉ là tạm thời, bởi một xã hội phát triển không
thể xem nhẹ và coi thường người thầy.
Xin cảm ơn ông !
Minh Quang (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét