Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

'Khi cạnh tranh khốc liệt, báo chí rất dễ sa đà


(theo Infonet)

Nhà báo, Tiến sĩ báo chí Hoàng Văn Quang bàn về bài báo với tựa đề gốc "Cách sống người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội" đang tạo dư luận trên các diễn đàn mạng.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn đa diện về bài báo có tiêu đề gốc "Cách sống người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội" vừa được một trang báo mạng đưa lên gần đây và tạo làn sóng phản ứng trong dư luận, PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với Nhà báo, Tiến sĩ báo chí Hoàng Văn Quang về vấn đề này.
'Khi cạnh tranh khốc liệt, báo chí rất dễ sa đà'
TS Hoàng Văn Quang- Nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí
Thưa tiến sĩ, mới đây, một trang báo điện tử đã đăng bài với tiêu đề gốc "Cách sống của người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội" khiến cộng đồng mạng xôn xao và có rất nhiều quan điểm trái chiều. Là nhà báo lâu năm ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ts Hoàng Văn Quang: Việc báo chí nêu một vấn đề xã hội khơi gợi sự tranh luận của cả cộng đồng để đi đến chân lý nào đó là việc bình thường và nên làm. Tuy nhiên, mỗi tờ báo là một cơ quan ngôn luận của tổ chức xã hội, cộng đồng nên những vấn đề mình nêu ra phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung. Báo chí không được đăng những ý kiến phiến diện, có tính áp đặt cá nhân, đi ngược với thuần phong mĩ tục của dân tộc, đặc biệt là những nội dung có tính kì thị, cục bộ địa phương, phương hại đến ổn định chính trị, trật tự xã hội
Theo ông thông tin bài báo đưa ra có gì mâu thuẫn với báo chí trước đây? có gì cản trở sự tiến bộ chung?
- Trước năm 1990, báo chí không bao giờ thông tin những bài kiểu như “Cánh sống của người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội”, cho dù trong xã hội thời đó không phải không có những thói hư tật xấu đáng lên án. Cũng cần nói thêm là, trong lịch sử, Hà Nội đã nhiều lần cải cách, xây dựng, mở rộng, tiến hành đô thị hóa thu hút người dân các nơi di cư tới, nhưng thực tế, kỉ cương phép nước thời đó vẫn được giữ vững, văn hóa của người Tràng An không vì thế mà bị mai một, thậm chí nó ngày càng được củng cố, hoàn thiện thêm lên. Trên thế giới cũng vậy, có rất nhiều thành phố đa sắc tộc, nhưng họ vẫn giữ được những nét riêng, không thể trộn lẫn. Trong thời đại toàn cầu hóa, bản sắc bao giờ cũng hài hòa với sự đa dạng. Việc một tờ báo đăng bài có tính kì thị người tỉnh ngoài theo tôi là một hành vi phản văn hóa, đi ngược với xu thế chung của thời đại cần phải được khắc phục sớm.
Nhìn từ góc độ văn hóa, thông tin bài báo đưa ra có ảnh hưởng tới tình thần đoàn kết cộng đồng không, thưa ông?
- Tôi có thể khẳng định ngay rằng, người Việt Nam nói chung, những cư dân đang sống và làm việc tại Hà Nội nói riêng luôn mang trong mình tình yêu đất nước, tình yêu con người vô bờ bến. Không một cá nhân hay một thế lực nào có thể hủy hoại tinh thần, tình cảm đoàn kết đó được. Tuy nhiên trong một chừng mực nào đó, bài viết sẽ tác động đến nhận thức của một số người khiến họ có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với người tỉnh ngoài, nhưng đây chỉ là thiểu số. Đa số vẫn đang ngày đêm sát cánh cùng nhau xây dựng Thủ đô ngày càng tốt đẹp hơn
Có ý kiến cho rằng bài báo đưa quan điểm một người để “bôi nhọ, nói xấu” một nhóm, một cộng đồng. Quan điểm của ông thế nào?
- Bài báo viết rằng người tỉnh lẻ đang “bôi bẩn” hình ảnh Hà Nội, sao ta không lật ngược lại rằng, những người nông dân khi còn ở quê đa phần đều thật thà chất phác, họ chỉ bị thay đổi khi lên thành phố sống và làm việc. Vậy có phải họ đã bị người thành thị làm cho “tha hóa”? Thực ra thì, người dân ở đâu và vào thời nào cũng thế thôi, đều mong muốn có được đời sống yên ổn, lương thiện. Người dân nếu có bị biến chất phần nhiều là do cung cách quản lí xã hội của chính quyền. Khi cái nóc nhà bị thủng lại gặp trời mưa thì đừng hi vọng nền nhà khô ráo. Cha mẹ hư đốn thì con cái khó mà tử tế được, nhưng đôi khi những đứa trẻ ngoan ngoãn lại có sức cảm hóa rất lớn đối với người làm cha làm mẹ không ra gì. Chúng ta chưa nên qui kết việc đăng bài của tờ báo này là hành vi bôi nhọ, nói xấu cộng đồng, tất cả có lẽ chỉ nhằm thu hút sự truy cập của bạn đọc, gây sự chú ý của dư luận đối với trang báo mà thôi. Khi các tờ báo càng cạnh tranh khốc liệt thì càng dễ sa đà vào những nội dung “rẻ tiền”. Điều này có thể hiểu và thông cảm được!
Trên quan điểm của người nghiên cứu báo chí, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm gì về tác nghiệp và chọn đề tài đăng tải?
- Như trên đã nói, báo chí là cơ quan ngôn luận của số đông, nên trước hết nó phải phục vụ cộng đồng. Báo chí không chỉ có nhiệm vụ thông tin mà nó còn là diễn đàn để người đọc bày tỏ tình cảm, chính kiến của mình. Chính vì vậy, mỗi nhà báo khi chọn đề tài để tác nghiệp và đăng tải, trước hết phải tự đặt ra những tình huống giả định, bài viết đó có phục vụ những đòi hỏi tốt đẹp của người dân không, nó có làm cho con người sống tốt hơn không, tất cả có nhằm phục vụ sự phát triển đất nước, gìn giữ vốn văn hóa của ông cha để lại không? Nói cách khác, người làm báo giỏi phải đo được hiệu ứng cả mặt xấu lẫn mặt tốt của mỗi bài báo. Nếu cẩn trọng như vậy, chắc chắn những bài kiểu như "Cánh sống của người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội" sẽ không còn đất sống
Xin cảm ơn ông!
HỒNG CHUYÊN
(Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét