Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Khó mà quản nổi


-       Tôi nghiệm ra một điều, cứ sát đến tết là các cơ quan công quyền lại ban hành hàng loạt lệnh cấm. Cấm gì cũng nên để sau, cho mọi người ăn tết vui vẻ đã chứ.
-       Bác chẳng hiểu gì cả, họ cũng tính toán chán ra rồi. Gần tết mọi người nhận được nhiều khoản lương thưởng, mới có tiền nộp phạt chứ.
-       Ừ nhỉ, thế mà tôi không nghĩ ra. Lợn, gà nhà bác có còn con nào không, thịt tất niên hết đi, nhớ mời tôi đấy nhé.
-       Sao lại thịt, tôi nuôi để thỉnh thoảng cải thiện, đồng thời cho vui cửa vui nhà mà?
-       Vui gì mà vui, nhỡ bị cúm gà hay dịch tai xanh thì khốn. Sắp tới, để giữ vệ sinh chung, nhà nước cấm nuôi gia súc, gia cầm trong thành phố đấy.
-       Hai vợ chồng già với mớ lương hưu còm cõi làm sao đủ sống, phải để chúng tôi tăng gia mới mong thoát nghèo được chứ.
-       Bác chỉ nghĩ đến lợi ích riêng, lỡ gà lợn nhà bác làm lây truyền bệnh sang hàng xóm thì ai chịu trách nhiệm? Tới đây, nuôi chó mèo cũng phải đăng kí, có sổ sách theo dõi từng con, bác liệu mà bán hết đi.
-       Tức là chó mèo cũng phải có căn cước à?
-       Đúng thế. Khi chó, mèo đẻ, cho ai hay chết, làm thịt, bác đều phải báo chính quyền địa phương, hiểu chưa.
-       Sâu sát thật đấy, từ giờ, nhà nào mỗi tháng ăn hết bao nhiêu cân chó, “sực” bao nhiêu nồi lẩu mèo phường xã sẽ biết cả, khó mà ăn dấm ăn dúi một mình. Thế con chó sau khi bị “sát hại” rồi chế biến thành bao nhiêu món, cho bao nhiêu riềng mẻ, quạt chả hết bao nhiêu cân than, có phải khai báo không bác?
-       Tất nhiên, mà thôi bác đừng nói nữa, tôi chảy hết nước miếng rồi đây này.
-       Tôi nghĩ, mấy cái lệnh cấm này có vẻ khó khả thi. Bác tính, ở các vùng nông thôn còn khó thống kê được hết có bao nhiêu người chưa được làm giấy khai sinh hay chứng minh thư, người còn như thế, chó mèo làm sao mà quản nổi, khó ghê lắm.
      Cận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét