Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Chuồng chim-chuồng người


- Sao bác Viễn hôm nay đi đứng lom khom như Tể tướng Lưu gù vậy?
- Chẳng là mấy đêm vừa rồi sang ngủ trông nhà cho cô con gái nên thân hình nó biến dạng ra thế.
- Chắc nhà rộng quá gió thổi hun hút nên trúng gió chứ gì?
- Được thế thì đã tốt, đằng này nhà nó chỉ có diện tích 2mét vuông thôi. Khi nằm ngủ phải co chân lên sát ngực, đầu gục xuống hết cỡ, cằm và đầu gối chạm vào nhau, cực lắm bác ạ
- Chết, ở đâu ra có thứ nhà như chuồng chim vậy?
- Trên đường phố, đặc biệt ở những con đường vừa được mở rộng, loại nhà như vậy đầy rẫy
- Thế chính quyền địa phương cho phép xây dựng loại nhà như vậy à?
- Gan to bằng cái mẹt cũng chẳng dám cấp phép, họ chỉ làm ngơ cho thôi
- Chắc họ thương dân thiếu chỗ ở nên tạo điều kiện cho làm nhà siêu mỏng, siêu méo đấy mà. Thật đáng khen thay!
- Thôi đi bác, chính nhờ cái thứ chuồng chim thì rộng mà chuồng người thì chật này mà khối kẻ vớ bẫm đấy
- Thế Nhà nước không có văn bản nào qui định về vấn đề này à?
- Thành phố có qui định nhà dưới 15 mét vuông không được xây dựng, gần đây Nhà nước cũng ra quyết tâm phá dỡ nhà siêu nhỏ, nhưng đến nay chưa thấy nhà nào bị xử lí
- Sao có thể nhờn với phép nước thế nhỉ? Cả căn nhà nằm chình ình giữa phố chứ đâu phải cái khuy áo mà giấu giếm được. Cứ phạt thật nặng, thậm chí cách chức người đứng đầu địa phương để xảy ra vi phạm là đâu vào đấy ngay
- Cũng không đơn giản như bác nghĩ đâu. Trước khi phá nhà người ta thì phải lo cho họ chỗ ở mới đã chứ
- Vậy bảo họ hợp khối với nhà phía sau
- Cũng khó lắm, chủ nhà siêu nhỏ thì đòi giá tận trên trời, còn nhà phía trong trả giá rẻ như bèo, nên chẳng bao giờ đôi bên gặp được nhau
- Vậy nhà nước mua cả 2 nhà sau đó hợp khối rồi bán lại
- Nhà nước nào đi kinh doanh bất động sản. Người dân phải tự quyết vấn đề của mình thôi
- Nói như bác thì nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn còn tồn tại dài dài, và tôi đêm đêm vẫn phải sang trông nhà cho con à?
- Đúng vậy, cái lưng của bác sẽ ngày càng cong tròn lại, rồi bác sẽ phải đổi sang họ nhà tôm thôi
Cận

Ranh giới mong manh


- Bác Viễn này, tôi sang chào từ biệt bác, từ mai trở đi chúng mình sẽ không gặp nhau được nữa đâu
- Sao lại thế, bác về quê hay ra nước ngoài vậy?
- Chỉ ở nhà, ăn rồi ngủ, ngủ chán rồi lại dậy ăn thôi
- Tôi có điều gì không phải khiến bác giận à?
- Làm gì có chuyện đó. Tôi không muốn ra đường vì sợ bị cảnh sát giao thông phạt thôi
- Nếu triệt để tôn trọng luật lệ giao thông thì ai dám phạt bác chứ?
- Đó là trước kia thôi, sắp tới cảnh sát giao thông sẽ được giao khoán phạt đấy.
- Giống như ông Kim Ngọc thời bao cấp khoán đến hộ gia đình nông dân phải không bác?
- Đại loại như vậy nhưng bản chất thì khác. Ông Kim Ngọc giao khoán là để nâng cao tinh thần trách nhiệm của bà con nông dân, cải thiện bữa ăn cho con người, còn bây giờ là tận thu, đánh trực tiếp vào túi tiền vốn đã quá mỏng của người dân
- Có nghĩa là…?
- Có nghĩa là, vào cuối mỗi ngày, mỗi vị cảnh sát giao thông phải mang về nộp một khoản tiền nhất định, nếu vượt quá mức khoán thì được khen, nếu thiếu thì phải bù vào
- Bác cứ đùa. Lương cảnh sát rất thấp, tằn tiện lắm mới đủ chi dùng, lấy đâu ra để bù?
- Vậy phải phạt thật nặng, thật nhiều người vào
- Nhìn thấy cảnh sát từ xa, người tham gia giao thông đi chậm lại, không vi phạm nữa hoặc quay đầu đi sang hướng khác thì bác làm gì được
- Phải chọn bức tường hay cái cây to mà nấp kĩ vào đó chứ. Thấy người vi phạm đến thật gần mới nhảy xổ ra, có mà chạy đàng trời
- Cũng chẳng làm thế được mãi đâu. Bị phạt nhiều, ý thức cảnh giác người dân lên cao, họ không vi phạm nữa thì cảnh sát giao thông lấy tiền đâu mà nộp?
- Bác cứ lo không phải lối. Mắc lỗi hay không, ranh giới mong manh lắm. Khi cảnh sát giao thông được giao khoán rồi ấy à: Vỡ gương chiếu hậu ư- Phạt, đèn xi nhan cháy ư- Phạt, ngồi không thẳng lưng ư- Phạt, không chịu rửa xe ư- Phạt, lườm “đểu” cảnh sát ư- Phạt…
- Ối giời! nếu phạt tùy tiện thế thì người dân lấy đâu ra mà nộp?
- Không chịu nộp phạt thì thu xe, không có tiền đầy ví thì tốt nhất nằm nhà
- Vậy tôi đi bộ hay chỉ đi xe buýt thì sao?
- Vẫn phạt được như thường, sang đường không đúng chỗ- phạt, lên xuống xe buýt không đúng kiểu- phạt
- Nếu vậy tôi ở trong nhà, hạn chế tối đa ra đường thì làm gì được
- Họ đứng rình ngoài cửa, bác đi trong nhà cũng phải cẩn thận, phải đi bên phía tay phải, chớ có dại thấy vợ từ nhà vệ sinh ra mà ôm choàng lấy là bị phạt đấy
Cận

Đỡ phải tập thể dục


- Có lẽ tôi phải chuyển trường cho đứa cháu gái bác ạ
- Sao thế, cháu nó đang học hành chăm ngoan lắm mà?
- Vâng, cháu luôn đứng đầu lớp về học tập cũng như hạnh kiểm, nhưng đám bạn nó lại hư lắm, chúng vừa quay clip lột áo đánh bạn rồi phát tán lên mạng internet đấy
- Hình như chúng chỉ đánh những đứa ngu dốt chứ có hành hung những đứa giỏi giang đâu
- Cái đám du côn chẳng phân biệt nạn nhân là người tài hay kẻ ngu đâu. Cháu mình hàng ngày ngồi chung bàn với cái đám đó, chẳng may nhìn “đểu” chúng thế nào cũng bị “tẩn”
- Làm gì đến nỗi thế, mà bác này, vì sao các nữ sinh đánh nhau tợn thế, các thày cô đi đâu mà để chuyện này xảy ra nhỉ?
- Thầy, cô có mặt ở đó cũng chẳng giải quyết được gì. Bác tính với đồng lương eo hẹp, ăn chẳng đủ no, hàng ngày phải hít bụi phấn rởm, người ngợm dặt dẹo, sức đâu mà can được cái đám “bẻ gãy sừng trâu”. Can chẳng được, có khi còn bị chúng bẻ chân bẻ tay làm “tăm” xỉa răng thì vợ con mất nhờ, chẳng dại
- Nghe bác nói thế tôi thấy lo quá. Thế nhà trường và ngành giáo dục đành chịu bó tay à?
- Lúc đầu cũng có ý kiến là phải xử nặng, như bắt giam, truy tố hình sự, đuổi học, nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy nan giải. Các trường hợp vi phạm đều ở tuổi vị thành niên. Suy cho cùng đây cũng chỉ là ẩu đả giữa đám học sinh, không dẫn đến chết người nên khó xử lí, cùng lắm là ghi học bạ, trừ hạnh kiểm, gửi giấy mời phụ huynh lên làm việc.
- Vậy phải tăng cường tuyên truyền trong toàn xã hội, phối hợp tốt giáo dục giữa nhà trường với gia đình chứ
- Biện pháp này đã được ngành giáo dục, cơ quan thực thi pháp luật, báo chí lải nhải quanh năm suốt tháng rồi, nhưng không hiệu quả
- Vậy phải làm thế nào bây giờ?
- Trẻ thời nào cũng vậy thôi. Chúng thường nhìn vào hành vi của người lớn để bắt chước, làm theo. Ra đường nhìn thấy cảnh sát chở 3, chở 4, đầu không đội mũ bảo hiểm, về nhà lại chứng kiến cảnh bố mẹ ‘thụi” cả ông bà, mẹ song phi vào mặt bố, tới trường thì bị thầy gạ tình lấy điểm, thử hỏi đứa nào chẳng chán, ngoan làm sao được
- Nhưng tôi vẫn thấy nhiều đứa chăm ngoan, học giỏi đấy thôi
- Đấy là những đứa cố gắng vươn lên để thoát nghèo, chứ có mấy đứa học thật giỏi để thỏa sức cống hiến cho đất nước đâu. Cứ có cơ hội ra nước ngoài là chẳng mấy đứa muốn trở về, buồn lắm
- Nói như bác thì những clip nữ sinh đánh nhau sẽ còn tiếp diễn dài dài?
- Tất nhiên. Đánh nhau cũng là hình thức rèn luyện sức khỏe, đỡ phải tập thể dục
Cận

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Anh hùng khó vượt ải mĩ nhân


- Rét thế không về nhà chui vào chăn, co ro ngoài đường làm gì vậy bác Viễn?
- Tôi vừa ở bờ Hồ Hoàn Kiếm về, ngoài đó rét lắm!
- Chắc mấy hôm trời lạnh không ra đó tập thể dục, ngắm mấy bà ưỡn ẹo nên nhớ chứ gì?
- Đấy chỉ là lí do phụ, cái chính là ra thám thính tình hình cụ Rùa thôi!
- Cụ khỏe không, nghe nói cụ mới lấy vợ?
- Cũng bất đắc dĩ thôi. Khi còn sung sức chẳng thấy em nào đoái hoài, gần đất xa trời thì hàng trăm, hàng ngàn em rùa tai đỏ xông vào xâu xé, còn gì là đời trai nữa.
- Trách nhiệm của con cháu chúng ta là phải cách li cụ khỏi cái đám thê thiếp đó.
- Ai mà ngăn cản được cái đám rùa cái mơn mởn đang lên cơn rửng mỡ chứ. Rồi cụ sẽ chết trong vòng tay các nàng thôi, thương quá!
- Sướng thế còn kêu ca nỗi gì. Tôi đang muốn được chết trong vòng tay một nàng mà còn chẳng được đây này.
- Vừa ngu, vừa tham, vừa ác như bác có chết thiên hạ sẽ được rảnh nợ, còn cụ, biểu tượng của đời sống tâm linh Việt, chẳng may có mệnh hệ gì sẽ tác động rất lớn đến toàn xã hội.
- Vậy, muốn cụ sống lâu, phải lập tức làm thịt hết cái đám rùa tai đỏ dâm loàn đi, đưa cụ lên bờ bồi bổ sức khỏe, chữa trị các vết thương…
- Vấn đề là cụ có đồng ý không. Đang sống quen bên cung tần mĩ nữ, giờ phải chay tịnh, khó thích nghi lắm. Đưa cụ lên bờ thì đơn giản, chỉ e là cụ yếu lắm rồi, chuyển sang môi trường khác, cụ “tịch” ra đấy ai chịu trách nhiệm.
- Nếu cứ để cụ dưới cái hồ ô nhiểm nghiêm trọng như vậy thì cụ cũng không sống được mấy nả nữa. Chi bằng…
- Nếu cụ xuất thân từ hàng bán cá cảnh thì không nói làm gì, đằng này cụ lại thuộc hàng thần linh, đã từng hỗ trợ vua Lê Lợi đánh đuổi kẻ thù ngoại bang, là huyền thoại đẹp nhất của dân tộc, nên mới khó xử lí.
- Dưỡng thương xong rồi lại thả cụ xuống hồ, ai đưa cụ vào nồi lẩu đâu mà bác lo.
- Trong tâm thức người Việt, cụ oai phong lẫm liệt lắm. Giờ đưa lên bờ, chứng kiến hình ảnh thân xác cụ tả tơi vì tình, mình đầy vết thương do mấy thằng câu trộm gây ra, hẳn mọi người sẽ thất vọng lắm. Sự tích Hồ Hoàn Kiếm sẽ mất thiêng.
- Bác nói vậy tôi cũng thấy lo. Mà sao cụ có gươm thần mà không tự chém hết cái đám rùa tai đỏ đi nhỉ?
- Trong đời tôi chỉ thấy người ta cưới thêm vợ chứ có mấy khi chối bỏ người đẹp bao giờ.
- Đúng là anh hùng khó vượt ải mĩ nhân bác à!
Cận