Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Nặng lòng với bạn đọc bình dân


Có thể nói, từ đầu những năm 30 đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945 là giai đoạn cực thịnh của văn học, báo chí Việt Nam. Đây thực sự là thời kì” trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, đã sản sinh ra nhiều thế hệ nhà văn, nhà báo nổi tiếng, được lịch sử và xã hội ghi nhận
Đôi lời nhắn nhủ bạn làng Nho
Khởi đầu cho các trào lưu văn học lớn ở Việt Nam là hai khu vực báo chí lớn của cả nước: Sài Gòn và Hà Nội. Ở Sài Gòn, trong mảng báo chí- văn học đáng kể nhất là tờ báo Phụ nữ tân văn (Số 1 ra ngày 2-5-1929, do bà Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm, Đào Trinh Nhất làm chủ bút, ra vào ngày thứ Năm hàng tuần, đóng cửa vào năm 1934). Tờ báo đã qui tụ được nhiều tên tuổi lớn như Phan Khôi, nữ sĩ Manh Manh (Cao Thị Kiêm), Hồ Văn Hảo, Trịnh Đình Thảo, Bùi Thế Mỹ, Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình, Thiếu Sơn, Vân Đài… Có thể nói, đây là nơi khởi nguồn cho dòng thơ Mới nói riêng, góp phần gây dựng và thúc đẩy sự phát triển văn học hiện đại nói chung.
Cùng thời kì với Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, tại Hà Nội, từ đầu thập niên 30 của thế kỉ trước, nhóm Tự lực văn đoàn ngay khi vừa ra đời đã để lại những dấu ấn đặc biệt đối với xã hội. Những tác phẩm văn học của Nhất linh Nguyễn Tường Tam, của Khái Hưng Trần Khánh Giư…. đăng dài kì trên các báo Phong Hóa, Ngày Nay đã nhanh chóng chiếm lĩnh văn đàn, được bạn đọc, nhất là tầng lớp thị dân, tiểu tư sản hết sức yêu thích. Tờ Phong Hóa rất ủng hộ phong trào thơ Mới trong Nam, đã cho đăng hàng loạt bài tranh luận về thơ Mới và thơ Cũ đặt cạnh những tác phẩm của Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên, Nguyễn Văn Kiện, Đỗ Đức Vượng… Nội dung các bài viết tập trung công kích thơ Đường luật, hô hào bỏ niêm, luật, biền ngẫu, phê phán lối hành văn tầm chương trích cú, sáo ngữ… Trên Hà Nội báo ra ngày 8-4-1936 Lưu Trọng Lư có viết:
Đôi lời nhắn nhủ bạn làng Nho
Thơ thẩn, thẩn thơ, khéo thẫn thờ
Nắn nót miễn sao nên bốn vế
Chẳng thơ thì cũng cóc cần thơ
Để bảo vệ các phương thức sáng tác truyền thống, các nhà thơ theo Hán học như Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), Huỳnh Thúc Kháng cũng có phản ứng nhưng rất yếu ớt. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là, cả hai nhóm Phụ nữ tân văn và Tự lực văn đoàn đả phá hết sức mạnh mẽ sự gò bó của lối sáng tác cũ, nhưng họ cũng quá đề cao phương diện nghệ thuật, chuộng hình thức, ít có sự cải cách lớn về nội dung. Các lề lối sáng tác mà họ hô hào áp dụng ở Việt Nam cũng ít có sự sáng tạo, không hoàn toàn phù hợp với bản sắc và thuần phong mĩ tục nước ta, chủ yếu theo lối sáng tác phương Tây, chỉ đáp ứng nhu cầu của giới trí thức, tầng lớp trên. Để giữ chân đọc giả, họ thường sử dụng hình thức dài kì, đăng tải dạng tiểu thuyết diễm tình, kể về các mối tình bi ai, tay ba, tay tư của tầng lớp thanh niên thành thị. Để có được một bộ sách trọn vẹn, bạn đọc phải trả số tiền tương đương, thậm chí cao hơn nhiều so với một cuốn sách in thông thường, trong khi chất lượng lưu giữ lại thấp, chữ in nhòe, mờ, phải chờ đợi hàng năm trời mới có được một cuốn sách trọn vẹn. Khuôn khổ tờ báo có hạn cũng hạn chế sự bay bổng của người viết. Vì là văn chương in trên báo, nên các tác giả nhiều khi phải viết các nội dung văn học bằng ngôn ngữ báo chí, tạo nên sự “Đặc thù” rất Việt Nam.
Trong bối cảnh chung đó, ông Vũ Đình Long ( chủ nhà in Tân Dân) thành lập tờ Tiểu thuyết thứ bảy (1934). Thời gian đầu, có lẽ do bước vào lĩnh vực quá mới mẻ, nên ông Vũ Đình Long hầu như chưa tìm được một lối đi riêng. Chức năng, nhiệm vụ xã hội, nội dung, hình thức của tờ báo này không khác nhiều so với hai tờ báo trên, cũng chủ yếu đăng những sáng tác mới bằng hình thức dài kì, cũng bàn luận các vấn đề văn chương thời thượng, cũng ủng hộ sự cách tân, phê phán những lề thói sáng tác cũ. Tiểu thuyết thứ Bảy, mặc dù cũng thu hút được nhiều nhà văn, nhà báo trẻ, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với Tự lực văn đoàn do chưa gây dụng được những đặc sắc riêng. Đây chính là lí do khiến ông Vũ Đình Long cho ra đời tờ Phổ thông bán nguyệt san và sau này ra tờ Tao đàn với những cách thức hoàn toàn khác với thông lệ. Cả ba tờ báo này được người đọc gộp chung vào một cái tên: Nhóm Tân Dân
Cũng như nhiều tờ báo thời bấy giờ, Phổ thông bán nguyệt san (số 1 ra ngày 1-12-1936) và Tao đàn (số 1 ra ngày 1-3-1939) ngay từ khi ra đời đã xác định: “Không làm chính trị, phục vụ văn hóa, giúp ích đại chúng bằng cách vừa mua vui cho họ, vừa mở mang trí tuệ, in rõ ràng và đẹp để đọc không mệt mắt, và bán bằng một cái giá hạ nhất để cho các bạn đồng nghiệp không theo kịp, mà cũng là để cho bất cứ đọc giả nào cũng có thể bỏ tiền ra mua”- Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo, NXB Văn hóa thông tin. Mục tiêu của cả hai tờ báo nhằm “ gây ngay một phong trào quốc văn mạnh mẽ và rộng lớn từ trước đến nay”
Dưới một mái nhà chung
Nhóm Tân Dân được hình thành và bộc lộ hết những nét đặc sắc của mình chủ yếu trong giai đoạn 1936-1939, thời kì Vận động dân chủ. Đây là lúc, Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội Pháp liên minh với nhau thành lập Mặt trận nhân dân. Mặt trận đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc Tổng tuyển cử vào tháng 5-1936. Chính phủ mới đã công bố chương trình hành động có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với nguyện vọng dân chủ của nhân dân Pháp và người dân các xứ thuộc địa của Pháp, trong đó có Việt Nam. Lúc này, hệ thống báo chí cách mạng, đặc biệt là hệ thống báo chí của Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động rất mạnh, chi phối mọi mặt đời sống xã hội nước ta. Báo chí đã khuấy động hiệu quả các phong trào Dân nguyện trong dịp đón Gô-Đa, kêu gọi tổ chức Đông dương đại hội, vận động người dân bầu cho người của Đảng tham gia vào các viện Dân biểu… Hòa trong không khí chung đó, nhiều tờ báo của cá nhân cũng rầm rộ ra mắt. Tờ thì phụ họa với các chủ trương của báo chí cách mạng, tờ thì thuần túy đề cập tới các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhằm nâng cao dân trí, nhận thức của người dân. Phổ thông bán nguyệt san là một trong những tờ báo như vậy.
Để khắc phục hạn chế của một số tờ báo trước đó, ông Vũ Đình Long chủ trương, mỗi kì, Phổ thông bán nguyệt san sẽ đăng trọn vẹn một cuốn tiểu thuyết, dung lượng không quá 200 trang. “Cái giá hạ nhất” mà Vũ Bằng nói ở trên là 25 xu cho một số Phổ thông bán nguyệt san (Trong khi một cuốn tiểu thuyết diễm tình thời bấy giờ có giá từ 3-5 hào). Mỗi kì Phổ thông bán nguyệt san in 2000 bản, riêng đối với tiểu thuyết của Lê Văn Trương thì in 3000 bản. Mỗi trang bản thảo tác giả sẽ được nhận 8 hào (sau năm 1939 tăng lên 1,2 đồng/trang), đồng thời báo cũng có qui định, mỗi trang bản thảo phải đủ 32 dòng, mỗi dòng 14 chữ. Để các sản phẩm của mình được phổ cập rộng rãi, nhà in Tân Dân có chế độ rất cao cho các cơ sở bán lẻ: “Đại lý cho sách báo Tân Dân đặt khắp Đông Dương. Hoa hồng cao từ 8-10%. Suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Nam Vang, Vientiane… đại lý phần nhiều sòng phẳng (Hà Nội cũ nằm đây- Tạp chí Văn học số 5-1989, Lê Kim Vinh ghi lại lời kể của nhà văn Ngọc Giao).
Trong quá trình hoạt động của mình, riêng ở Hà Nội, nhà in Tân Dân phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều đối thủ như Nhà in Viễn đông, Nhà in L.Schneider, Nhà in Taupin, Nhà in Mingsang, Đông kinh, Nhà in Ngô Tử Hạ, Nghiêm Hàm ấn quán, Nhà in Mạc Đình Tư, Nhà in Văn Hồng Thịnh, Nhà in Trung Bắc tân văn… Để cạnh tranh hiệu quả, ông Vũ Đình Long chủ trương, không chỉ thay đổi về mặt nội dung, hình thức của tờ báo cũng cần được cải tiến, sao cho thật bắt mắt, thu hút được độc giả. Có thể nói, ông là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam sử dụng máy in Minerve hiện đại nhất thời bấy giờ: “Một phút nhả ra năm chục tờ giấy in khổ báo, tự nó gấp rất ngon lành”- Theo Ngọc Giao, bài đã dẫn. Chính nhờ sự đầu tư táo bạo này mà các sản phẩm chính của Tân Dân được in đẹp hơn hẳn những ấn phẩm đương thời, được bán với giá hạ nhất có thể. Cung cách làm ăn này đã khiến Tân Dân nhanh chóng trở nên hùng mạnh, ngày càng bỏ xa các đối thủ. Để giữ uy tín, cũng như giữ chân các văn nhân kí giả: “Ông Vũ Đình Long có một điểm đáng ghi mà ít có nhà xuất bản nào thời đó cũng như bây giờ hơn được: Tiền thu lao gửi các nhà văn, nhà báo vào cuối tháng không bao giờ trục trặc. Đúng ngày 27 hay 28 mỗi tháng ông đã để sẵn một loạt phong bì đề tên từng người. Anh em nào đến, bắt tay, uống chén nước xong là có bao thư trao liền, đúng răm rắp, không bao giờ suy suyển. Về điểm này, đã có lần ông nói với tôi rất thật thà: Ai cũng có gia đình và phải tiêu đúng ngày. Lắm khi tôi cũng thiếu, nhưng thiếu thì tôi đi vay nợ để đưa cho đúng ngày, chớ để lỡ, anh em buồn lắm”- Vũ Bằng- Sách đã dẫn
Ngoài Phổ thông bán nguyệt san (lớp cũ) đăng tiểu thuyết ra vào ngày 16 hàng tháng, từ 1-7-1943, nhóm Tân Dân cho ra thêm loại Phổ thông chuyên san (Cũng ra hàng tháng), mỗi tập đề cập tới một lĩnh vực khoa học xã hội như Văn học, Sử học, Triết học. Những bài viết trên Phổ thông chuyên san chủ yếu mang tính khảo cứu, mục đích là phổ cập nhận thức, gây dựng cho tủ sách của tầng lớp trí thức. Số trang mỗi tập không nhất định, tùy thuộc vào từng vấn đề. Giá bán cũng rất linh hoạt, tăng giảm tùy số, phụ thuộc vào số trang và chất lượng bài vở. Phổ thông chuyên san được in trên giấy dó-pha, rất bền, có thể lưu giữ được hàng trăm năm
Bộ máy nhân sự của Phổ thông bán nguyệt san khá qui củ, gọn nhẹ, hiệu quả cao, có sự phân nhiệm rõ ràng. Tòa soạn đặt tại 93 phố Hàng Bông. Ngoài chủ báo là ông Vũ Đình Long, chân Thư kí tòa soạn được giao cho Vũ Bằng, Trúc Khê phụ trách phần khảo cứu, sưu tầm và thơ, Ngọc Giao sửa mo-rát, Nguyễn Khánh Đàm phụ trách trị sự, Trần Kim Dần phụ trách nhà in. Do cung cách quản lí hiện đại, sòng phẳng, có trước có sau, tôn trọng tầng lớp văn nhân kí giả nên nhà in Tân Dân thu hút được rất đông nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu nổi tiếng thời bấy giờ như: đại diện cho nhóm cựu học có Mai Đăng Đệ, Phan Kế Bính, Doãn Kế Thiện, Nhượng Tống, Nguyễn Can Mộng, Phan Khôi, Tản Đà…, đại diện cho nhóm tân học là Lan Khai, Vũ Trọng Phụng, TchyA (Đái Đức Tuấn), Phùng Tất Đắc, Lê Văn Trương, Lưu Trọng Lư, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân…
Theo thống kê chưa đầy đủ, Phổ thông bán nguyệt san phát hành được 156 số (12/1936-4/1945). Ấn phẩm trên Phổ thông bán nguyệt san chủ yếu là “sách lịch sử, diễm tình, phần lớn li kì, rùng rợn, độc giả trẻ nam nữ rất thích”- Ngọc Giao, bài đã dẫn. Tác giả được đăng nhiều nhất là nhà văn Lê Văn Trương với 22 tác phẩm đăng trên 35 số báo. Do công tác lưu trữ yếu kém, hiện vẫn còn một số tác phẩm vẫn chưa xác định được in trong số báo nào.
Bên cạnh nhóm Tự lực Văn đoàn, nhóm Tân Dân nói chung, tờ Phổ thông bán nguyệt san nói riêng trở thành diễn đàn để văn nhân, kí giả thời đó đăng tải những đứa con tinh thần của mình, là nơi để họ giao lưu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Đây chính là cơ sở hình thành nên các văn nhóm sau này. Không chỉ vậy, Phổ thông bán nguyệt san còn là nơi phát hiện, nuôi dưỡng nhân tài. Trong Bốn mươi năm nói láo, nhà văn Vũ Bằng kể: “Anh em viết văn lúc đó hầu hết đều tiếp xúc với tôi, cho nên ngoài cái lợi được học hỏi thêm về văn hóa, văn chương ngoại quốc, ngoài cái lợi rút kinh nghiệm và trau dồi nghề nghiệp, tôi lại còn được biết rõ hơn về tài đức, tư tưởng, sở trường, sở đoản của từng anh em văn nghệ”. Sau này, trong các hồi kí, ghi chép của nhiều người như Lý Văn Sâm, Tô Hoài…đều bày tỏ sự hàm ơn đối với ông Vũ Đình Long, Vũ Bằng, những người phát hiện, động viên, tạo điều kiện cho nhân tài nảy nở, cống hiến những tác phẩm xuất sắc cho xã hội
Góp một tiếng nói riêng
Có thể nói, Tự lực Văn Đoàn đã taọ dựng nên cực Lãng mạn chủ nghĩa, thì Tân Dân góp phần tạo ra cực Hiện thực chủ nghĩa, như nhạc sĩ Phạm Duy từng viết: “Nền văn học Việt Nam cận đại thường đi qua ngả báo chí trước khi xuất hiện bằng ấn phẩm. Hoặc nó mang tính chất canh cải phong hóa và thẩm quan của nhóm Tự lực văn đoàn. Hoặc đó là thứ văn học xã hội của nhóm Tân Dân”- Hồi kí Phạm Duy, chương 3. Tuy phải cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng có thể nói, đối thủ nặng kí nhất của Tân Dân là Tự lực Văn đoàn. Đây không chỉ là cuộc đua quảng bá văn học nghệ thuật, còn là cuộc đua giành đọc giả, giành lợi nhuận. Để chiến thắng cả hai bên đua nhau đầu tư phương tiện in ấn, nâng cao kĩ thuật trình bày, chú trọng quảng cáo, hạ giá sản phẩm, lôi kéo người nổi tiếng… Để không bị Tân Dân và Tự lực văn đoàn bỏ quá xa, các báo khác cũng phải cố gắng tham gia vào guồng quay đó, nhiều tờ không theo kịp, bị mất đọc giả dẫn đến phá sản. Chính thực tế này đã thúc đẩy báo chí phát triển rất nhanh, tạo không khí sôi nổi chưa từng thấy trên văn đàn. Đây cũng là lí do khiến các nhóm văn nhân kí giả ngày càng xa nhau, thậm chí coi nhau như thù nghịch, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Về vấn đề này, tác giả Ngọc Giao kể: “Hàng tuần, tờ Phong hóa rồi tiếp đến Ngày nay, cơ quan ngôn luận của nhóm Nhất Linh thẳng tay lôi Vũ Đình Long lên mặt báo, sử dụng tranh trào phúng, thơ văn hài hước, gọi nhà xuất bản Tân Dân 93 Hàng Bông là động Tân Dân, Vũ Đình Long là tiên ông phun kiếm ra tiền. .. Vũ tiên ông khoái chí, coi đó là địch thủ Tự lực văn đoàn đang quảng cáo không công cho Vũ tiên ông. Nhóm Nhất linh cũng biết vậy, nhưng vẫn phải lấy việc tiên ông phun kiếm ra tiền để làm đề tài mua vui độc giả, vì cười đùa mãi với Xã Sệ, với Lý toét cũng làm người đọc chán”
Nếu như Tự lực văn đoàn là một tổ chức văn chương tự nguyện có tuyên ngôn, tôn chỉ, mục đích, thì Tân Dân lại có cơ cấu hết sức lỏng lẻo, trọng sự hồn nhiên. Tất cả xoay quanh cái trục Vũ Đình Long, tác giả vở kịch 3 hồi Chén thuốc độc lừng danh thuở trước (1921). Những người tham gia nhóm Tân Dân không chịu sự ràng buộc nào cả, hôm nay thích thì ở, mai không thích thì đi, tự do tuyệt đối. Sự công kích lẫn nhau giữa hai nhóm diễn ra khá lâu, khởi đầu từ giữa thập niên 1930, Tự lực văn đoàn “kết án” nhà văn Nguyễn Công Hoan đạo văn khi viết tác phẩm Cô giáo Minh. Để phản pháo, trong bài Từ Cô giáo Minh đến Đoạn tuyệt (số 92) Nguyễn Công Hoan kết án Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) là người gian ngoa, “không biết mình và không biết người”, hay trong bài Lối trích văn của Phong hóa, số 97, Nguyễn Công Hoan lại chỉ ra lối trích văn xuyên tạc của Phong hóa nhằm hạ uy thế đồng nghiệp…
Một trong những điểm yếu của nhóm Tân Dân (mà Tự lực văn đoàn khoét sâu công kích) là thường xuyên đăng tải các loại truyện rẻ tiền, câu khách, tất cả vì lợi nhuận. Tự lực văn đoàn coi văn chương của Tân Dân là thứ rẻ tiền, thiếu tính nghệ thuật, chỉ phù hợp với tầng lớp bình dân, ít học. Đây chính là nguyên nhân khiến ông chủ Vũ Đình Long cho ra đời tạp chí Tao Đàn (1/3/1939), một sản phẩm văn chương cao cấp, được coi như là một trong những tạp chí chuyên nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam.
Nhắc đến Tân Dân là nhắc đến những trí thức nặng lòng với đất nước. Trong Hồi kí của mình Vũ Bằng kể: “Trần Huyền Trân, Tô Hoài, Nam Cao dường như cũng bí mật hoạt động cho kháng chiến với Thâm Tâm, cùng một lúc với Lý Văn Sâm chiến đấu ở trong Nam… Đa số anh em văn nghệ trong nhóm Tân Dân xếp bút nghiên theo kháng chiến. Thực ra không phải đến lúc đó (năm 1945) anh em mới theo kháng chiến, ngay từ hồi Nhật tới, Pétain lên cầm quyền ở Pháp thì nhiều anh em trong nhóm đã bí mật hoạt động rồi, nhưng vẫn viết bài thường trực. Phải chờ đến lúc Pháp tiến vào thủ đô, dân ta tiêu thổ kháng chiến, lúc ấy anh em mới ra bưng thật sự”. Và chính những con người này, khi kháng chiến thành công, người bỏ xác nơi chiến địa, người còn sông trở về tiếp tục phát huy trí sáng tạo, gây dựng nên một nền văn học, báo chí cách mạng hùng mạnh ngày nay

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Lợi nhuận lớn quá

- Cuối tuần này bác Viễn có rảnh không, qua biên giới với tôi một chuyến?
- Sắp xuống lỗ rồi, được đi một chuyến thăm nơi địa đầu tổ quốc kể cũng thú vị…
- Rỗi hơi đâu mà đi chơi. Tôi định rủ bác đi thám thính dây chuyền sản xuất băng keo giá cả thế nào để nhập về thôi
- Băng keo trong nước đã làm được từ lâu, bác đầu tư vào lĩnh vực này liệu có cạnh tranh được không?
- Thị trường băng keo gần đây đang cháy hàng, mình không chớp lấy cơ hội thì uổng quá
- Vậy mà tôi không biết đấy. Sao tự nhiên mọi người sử dụng nhiều băng keo thế nhỉ?
- Không phải ai cũng có nhu cầu, chỉ có các trường mầm non và tiểu học là mua nhiều thôi, toàn loại xịn nhé
- Ở các cấp học này họ dùng băng keo làm phần thưởng cho các cháu khá, giỏi à?
- Bác chẳng hiểu gì cả, các cô giáo dùng băng keo để dán miệng những đứa hay khóc, hay nói chuyện trong lớp
- Không còn biện pháp gì nữa hay sao mà phải dùng cách đó vậy?
- Cũng đã có bảo mẫu nặng gần bảy mươi kilogam đứng lên lưng cháu bé hơn một tuổi rồi hắt cả xô nước vào mặt cháu chỉ bởi cháu làm rây thức ăn ra người, có cô dùng cả thanh củi tạ phang mấy chục phát vào đùi, vào mông cháu bé mới mười tám tháng tuổi chỉ vì cháu ị đùn không xin phép…
- Đánh thế đã là kinh khủng rồi, còn dán băng keo vào miệng các cháu làm gì?
- Bác toàn hỏi ấm ớ, để hàng xóm không nghe thấy tiếng kêu thét của các tội nhân chứ còn để làm gì nữa
- Nghe nói ở trong Nam có một cháu bé bán thân bất toại do bị cô giáo dán băng keo vào miệng. Gần đây lại rộ lên hiện tượng này. Dán kín miệng thế, các cháu thở làm sao được?
- Thì thở đằng mũi
- Nhỡ cháu bị cảm cúm, ngạt mũi thì sao?
- Thì thở bằng mắt, bằng tai
- Nói dại, nhỡ cháu bác gặp phải bảo mẫu dạng hổ vồ này, bác tính sao?
- Cháu tôi mỗi ngày chỉ nói chuyện mấy tiếng đồng hồ, cả tuần ị đùn có vài lần, cô nào nỡ hành hạ đóa hoa hồng bé bỏng của tôi chứ
- Bác có biết việc bác bán băng keo cho các trường mầm non là tiếp tay cho tội ác không?
- Biết chứ, nhưng lợi nhuận lớn quá, ai kìm lòng cho được
Cận