Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Không thể úi xùi được


-       Nghe nói bác đang chuẩn bị làm đám cưới cho con gái phải không?
-       Vâng, bác cố gắng sang dự mừng cho hai cháu nhé.
-       Bác định tổ chức ở đâu, mời có đông khách không?
-       Cháu là con gái nên tôi cũng làm nhỏ thôi, chỉ 2 trăm mâm với khoảng 1 nghìn khách, ăn tại khách sạn 5 sao bác ạ.
-       Kinh thế kia à, chắc tốn kém lắm?
-       Khoảng gần tỷ đồng chứ mấy, cả đời cháu cưới có một lần, không thể úi xùi được.
-       Nghe bác nói tôi lại thấy ngậm ngùi cho mấy cô cậu ở Thanh Hóa, họ được Đoàn thanh niên tổ chức đám cưới cho chỉ hết có 870.000 đồng mỗi cặp.
-       Số tiền nhỏ nhoi ấy thì làm được gì, chưa đủ để tôi mua được đôi giày đang đi dưới chân. Cưới xin mà chi phí ít thế khó mà hạnh phúc lâu bền được.
-       Tiền bạc thì liên quan gì chứ, thế bác nghĩ con bác cưới hết chừng nấy tiền thì chắc chắn sung sướng hạnh phúc hay sao?
-       Ai mà nói trước được, nhưng thường thì tiền ít chỉ mua được “hàng chợ” thôi.
-       Khối người bỏ ra hàng đống tiền mà vẫn rước phải hàng nhái, hàng rởm đấy.
-       Cũng có thể như thế, nhưng mà bác hãy hình dung ra cảnh vợ chồng tôi dẫn đôi uyên ương đi chào quan khách ngồi quanh những bàn tiệc đầy ắp cao lương, mĩ vị, nhìn mặt ai cũng bóng nhãy vì được xơi của ngon vật lạ, sướng lắm.
-       Chẳng lẽ bác không thấy có biết bao người chỉ để thỏa mãn tính sỹ diện, háo danh trong chốc lát của cha mẹ mà con cái phải è cổ cày cuốc cả đời để trả nợ sao?
-       Kệ tôi, vợ chồng, con cái tôi phải trả nợ, ai nhờ đến bác đâu mà bác lo, vô duyên
      Cận

Như vậy là biết “thương dân”


  
-       Từ sau tết đến giờ miệng tôi cứ đắng ngắt, ngậm cả cân đường phèn mà vẫn không hết bác ạ.
-       Chắc ăn lắm thịt cá quá nên bị nóng trong người đây mà, đã uống đốc-tơ Thanh chưa, già rồi tiêu thụ chất đạm vừa thôi.
-       Thịt đâu ra mà ăn lắm, tôi bị như thế vì ngửi phải túi quà tết dành cho gia đình chính sách của một tỉnh thuộc cực Nam của tổ quốc đấy.
-       Bác nói gì tôi không hiểu. Quà tết thường chỉ có bánh mứt kẹo, ăn vào thấy ngọt, bùi, sao mà đắng cay được?
-       Không cay đắng sao được khi mà túi quà của chính quyền tỉnh dành cho người nghèo và gia đình chính sách vốn đã quá “hiu hắt” còn bị một ông trưởng phòng Lao động thương binh xã hội huyện rút lõi, tráo hàng quá đát.
-       Cụ thể thế nào bác kể tôi nghe với.
-       Mỗi túi có cân cá khô, gói mì chính, hộp mứt, ông này bảo vợ con rút ra một nửa, tráo bánh kẹo rởm lấy đồ xịn bán kiếm lời.
-       Chắc ông ấy sợ dân ăn nhiều cá khô khát nước nên mới bớt xén đấy thôi. Bánh kẹo cũng vậy, ăn lắm chỉ tổ tiểu đường, tim mạch chứ báu gì. Ông này làm vậy là “thương dân”, biết nhìn xa trông rộng, cần sớm được “khen thưởng”.
-       Chuyện mất nhân tính thế mà bác vẫn đùa được. Đối với những kẻ tham ô, làm ảnh hưởng xấu đến chính sách nhân đạo của Đảng, nhà nước cần phải nghiêm trị.
-       Vậy theo bác thì phải xử lí đối tượng này thế nào?
-       Bỏ tù mãi cũng nhàm rồi. Theo tôi, nên nhốt hắn trong phòng kín cùng vài bao tải cá khô thật mặn bắt ăn thay cơm, không cho uống nước. Chỉ cần giam một tháng thôi rồi thả, có gí tiền vào mặt hắn cũng chẳng dám tham nhũng nữa đâu.
      Cận

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Ngọc thể nào chịu nổi


-          Sao mới sớm ra đã rơm rớm nước mắt thế kia, bị mất cắp à?
-          Bậy nào, tôi khóc vì xúc động quá đấy thôi.
-          Bác mau nước mắt quá, lại thương cảm cho một số phận khốn khổ nào phải không?
-          Không, tôi khóc vì vui thôi. Chứng kiến cảnh một vị bộ trưởng bước lên xe chở khách khiến tôi thổn thức suốt từ sáng đến giờ, cố lắm mà có cầm được nước mắt đâu.
-          Đi xe khách có gì ghê gớm mà bác phải khóc như tiễn đưa con cháu ra trận vậy, tháng nào tôi chẳng về quê vài bận bằng xe khách mà có sao đâu?
-          Tôi với bác thì nói làm gi. Ông bộ trưởng đang ngồi xe “xịn” giờ mà leo lên xe khách bị nhồi như vịt, chẳng may gặp cái ổ trâu lại chẳng long hết “ốc vít” ra à, ngọc thể nào chịu nổi.
-          Thằng trên ngọn lại lo cho thằng dưới gốc. Vất vả một tí cũng là rèn luyện thân thể, tốt chứ sao. Thế ông bộ trưởng đi xe khách cùng người dân được mấy trăm km?
-          Ông ấy chỉ bước lên xe hỏi han, căn dặn lái xe vài câu rồi xuống, chứ đi theo lỡ bị móc túi ai chịu trách nhiệm.
-          Ối giời, vậy mà tôi cứ tưởng ông ấy sẽ cùng hành khách “vào sinh ra tử” từ đây vào tận Tây Nguyên cơ đấy.
-          Thôi, thế cũng là đáng quí rồi, trước đây có mấy người làm được như vậy chứ.
-          Thì tôi có chê bai gì đâu, nhưng làm gì cũng phải mang tính thực tế. Để đấu tranh với thực phẩm bẩn, vị “tư lệnh” ngành cũng nên vài lần nếm thử giò có hàn the,  phở có phoc-môn hay nội tạng thối, có thế mới nâng cao quyết tâm chống các hiện tượng tiêu cực được.
-          Chuyện như thế chỉ có trên sao Hỏa thôi. Bác đòi hỏi cao thế, ai còn muốn làm bộ trưởng nữa.
      Cận

Vận nước nhất định sẽ lên


         
-          Không biết đến bao giờ anh em mình mới được trả lương bằng đô-la hả bác?
-          Thời khủng hoảng, tôi chỉ mong được nhận đều đặn lương tháng bằng tiền Việt Nam là thấy hạnh phúc lắm rồi. Mà sao tự nhiên ngày đầu năm mà đã “thèm” ngoại tệ vậy bác?
-          Chẳng là tôi vừa đọc bài báo viết về một anh chàng Tiến sỹ trẻ tuổi từ bỏ mức lương 5000 đô-la mỗi tháng ở nước ngoài để về nước làm việc mà thấy cảm phục quá.
-          Chắc bố mẹ anh này thuộc hàng đại gia nên không cần tiền, chứ 5000 nghìn đô-la là to lắm đấy. Có số tiền như vậy giắt trong người sẽ chẳng còn biết đến ốm đau, bệnh tật là gì, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm bác ạ.
-          Thực ra gia đình anh này rất nghèo, bố mẹ chỉ làm công chức bình thường, phải tùng tiệm lắm mới đủ ăn.
-          Vậy có khi anh này về nước làm cho doanh nghiệp nước ngoài để nhận mức lương 10 nghin đô-la cũng nên
-          Không, anh này cùng bạn bè góp tiền thuê đất mở trường dạy học.
-          Nếu vậy thì nhanh giàu lắm, chỉ cần thu của mỗi trò vài nghìn đô-la một khóa học thôi thì chẳng mấy hồi sẽ xây biệt thự, tậu xe hơi.
-          Mấy ngày tết ăn lắm thịt quá nên đầu óc bác có vấn đề, toàn suy diễn linh tinh. Anh này về nước với khát vọng truyền đạt kiến thức làm giàu cho người nghèo nên đã mở lớp học 1 đô-la, ai cũng có thể theo học được.
-          Một đô-la thì làm được gì, chưa được bát phở bình dân.
-          Biết ngay là lại qui ra phở. Không biết bác sinh vào giờ nào mà háu ăn thế không biết. Số tiền học phí ít ỏi này lại được vị tiến sỹ trẻ dùng làm từ thiện, đến nay cũng được mấy tỷ đồng rồi.
Thật vậy sao. Xã hội mình mà có nhiều chàng trai như vậy thì năm Quý tị này lo gì mà vận nước không lên, bác