Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Dân chịu sao nổi


- Từ nay, nhân viên ngành điện sẽ không lo bị điện giật hay ngã từ trên cột xuống.
- Công tơ vẫn để tít trên cao, không trèo lên thì sao xem được số?
- Ngành này vừa đầu tư 1300 gậy “tự sướng” và máy tính bảng cho công nhân. Trên đầu gậy có gắn đèn và camera chụp chỉ số điện rồi truyền vào máy tính bảng, khách hàng có thể xem trực tiếp.
- Mấy thứ thiết bị này có đắt không bác?
- Nghe nói 4-5 triệu đồng một bộ. Riêng Hà Nội cần đến 5000 bộ.
- Như vậy cũng lên đến hàng chục tỷ đồng. Đấy mới là riêng Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Cả nước áp dụng hình thức này, con số sẽ khủng khiếp gấp nhiều lần. Đáng khen cho các công nhân đã bỏ tiền túi ra đầu tư để công việc của mình bớt nhọc nhằn.
- Đâu có, tiền của ngành này bỏ ra đấy chứ.
- Họ lấy tiền đâu ra để đầu tư khoản lớn như vậy?
- Bác ngây thơ thật hay giả vờ đấy, tính vào giá điện chứ sao nữa. Tôi đồ rằng thời gian tới ngành này lại nghĩ ra chiêu mới để tăng giá điện.
- Đã là kinh doanh thì phải bỏ vốn ra đầu tư, ai người ta làm thế?
- Ai cũng nghĩ như bác thì mọi thứ đã không tăng vù vù một cách phi lí.
- Tiền trảm hậu tấu như vậy là không được. Trước khi định móc túi của dân thì phải hỏi ý kiến người dân đã chứ. Thế nhỡ sau này, lấy lí do vì sức khỏe công nhân, họ mua cho mỗi nhân viên một cái xe máy rồi lại bắt dân trả hay sao. Ngành nào cũng làm vậy thì dân chịu sao nổi.
Cận

Hối không kịp


- Học sinh bây giờ tệ quá, hầu như đứa nào cũng ghét học môn sử bác ạ.
- Một vài đứa lười học thì còn nói thế được, đằng này, chỉ có mấy phần trăm học sinh đăng kí môn này trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa rồi thì chắc chắn lỗi không thuộc về các cháu.
- Nhìn cảnh cả phòng thi có một học sinh dự thi môn sử tôi thấy cám cảnh quá. Vậy theo bác lỗi do đâu?
- Vừa rồi, có cuộc điều tra nhỏ về môn học này. Khi được hỏi Quang Trung- Nguyễn Huệ là ai, rất nhiều cháu trả lời: đây là tên hai người, họ là anh em. Có đứa còn bảo Nguyễn Du là anh ruột Nguyễn Huệ… Qua đó tôi có thể khẳng định, đây là lỗi hệ thống của cả ngành giáo dục.
- Tôi cũng có cảm giác như vậy. Sở dĩ ngày xưa học sử rất thích, thầy chỉ dạy ý, còn đâu là những chuyện bên lề, khiến người học rất say mê.
- Để biết được những chuyện bên lề, thầy phải dành cả đời sôi kinh nấu sử, thầy cô bây giờ ai còn làm thế.
- Không đọc tài liệu, sách vở thì họ làm gì?
- Họ còn bận dạy thêm, bận làm việc khác để có tiền thuê nhà, mua xe, sắm giày dép, quần áo, cứ đọc cho trò chép trong sách giáo khoa cho yên tâm, sáng tạo quá có khi rách việc.
- Dư luận kêu ca nhiều về sách giáo khoa môn sử, sao mãi chẳng thấy thay đổi gì nhỉ?
- Vẫn những con người đó, tư duy đó thì có viết lại sách cũng thế thôi, chỉ tốn tiền thuế của dân. Nếu không cải cách mạnh mẽ về mặt con người, chỉ ít năm nữa thôi, sử Việt sẽ biến mất trong đầu óc lớp trẻ. Đến lúc đó hối cũng không kịp.
Cận

Trách nhiệm nho nhỏ


- Lớp trẻ ngày càng lộ rõ tinh thần trách nhiệm với xã hội, thật đáng mừng quá bác ạ.
- Các cháu lại hiến máu cứu người hay xung phong ra chốn tiền tiêu bảo vệ biển đảo tổ quốc à?
- Đấy là những việc to tát, bọn trẻ vẫn làm đấy thôi. Việc này nhỏ thôi nhưng rất thiết thực. Vừa rồi có nhóm sinh viên Khoa Quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội cùng nhau góp tiền mua mũ bảo hiểm tặng cho các em lớp một.
- Ôi dào, tưởng gì, việc đấy ai chẳng làm được.
- Báo, đài ra rả tuyên truyền bao năm nay rồi mà vẫn có rất nhiều ông bố bà mẹ chở con bằng xe máy phóng vèo vèo trên đường không đội mũ bảo hiểm cho con, dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc. Việc các sinh viên tặng mũ sẽ đánh thức ý thức của nhiều người dân.
- Thế số mũ tặng có nhiều không?
- Chỉ vài trăm cái. Việc tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn.
- Với tôi với bác thì là to, chứ với con cái đại gia thì thấm tháp gì. Chắc đám sinh viên này toàn con nhà giàu, bớt chút tiền ăn sáng để mua mũ tặng các em nhỏ?
- Trái lại, họ đều là sinh viên nghèo vượt khó hoặc sinh ra trong gia đình công chức nghèo. Ban ngày đi học, tối đến họ mở quán trà đá trên đường phố. Số lãi hàng ngày được gom lại, khi nào kha khá họ lại mua mũ bảo hiểm tặng cho các em bé.
- Nghe bác nói tôi cũng thấy khâm phục. Giá như mỗi người lớn chúng ta ai cũng có tinh thần trách nhiệm nho nhỏ như các cô cậu sinh viên này thì chẳng mấy lúc Việt Nam sẽ trở thành đất nước hạnh phúc nhất thế giới, bác nhỉ.
Cận

Trả quách cho xong


- Theo bác, người dân nước nào sính danh hiệu, bằng cấp nhất?
- Người Việt mình chứ ai vào đây nữa. Ở nước ngoài, danh hiệu chỉ là biểu tượng để ghi nhận công lao ai đó, ít khi gắn với tiền bạc. Còn ở mình, cứ có danh là có “lương thực”, nên người ta tranh cướp nhau ghê lắm.
- Thảo nào, trong đợt phong Nghệ sỹ Nhân dân vừa rồi xuất hiện nhiều lùm xùm quá. Gây xôn xao nhất là chuyện người trẻ chưa đủ tiêu chuẩn thì được phong tặng, còn người già có nhiều cống hiến lại bị gạt ra rìa.
- Thì người trẻ, cuộc đời còn dài nên phải khuyến khích họ hướng tới tương lại. Người già sắp xuống lỗ rồi còn tham làm gì, chết có mang theo danh hiệu được đâu?
- Bác nói thế mà nghe được à. Có học trò được phong tặng, người thầy mất bao năm dìu dắt chính người trò đó lại chẳng được gì, phi lí quá.
- Nhưng người trò lại có được số huy chương vàng cần thiết, đã đủ 5 năm sau khi được công nhận Nghệ sĩ Ưu tú thì phải phong cho họ. Người thầy không có đủ nên “nhịn” là đúng rồi.
- Nếu thế thì nói làm gì. Đằng này ông thầy còn đạt tiêu chuẩn gấp mấy lần trò mà vẫn bị loại, thế mới đau chứ.
- Nếu đúng thế thì đau thật. Sao lại có chuyện bất công như thế nhỉ?
- Vô lí thế nên mới có chuyện, khi phát biểu trên báo, có anh học trò lấy làm bất ngờ và ngượng vì được phọng nghệ sĩ Nhân dân trong khi ông thầy tài năng, đức độ của mình lại đứng ngóng từ xa.
- Tôi mà là cậu đó, tôi cũng xấu hổ lắm, trả lại quách cho xong.
Cận

Ý nghĩa của tiền bạc.


- Lương cao thế mà ăn sáng chỉ có khoai luộc thôi hả bác?
- Bao năm nay tôi chỉ ăn thế này cho sạch ruột, cũng phải tằn tiện để nuôi các cháu học hành cho tử tế chứ.
- Có người bố thế này hẳn các cháu giỏi giang lắm?
- Cũng phọt phẹt thôi. Sách vở đồ dùng học tập không thiếu thứ gì, vậy mà năm nào cũng ở mức trung bình, nhiều khi cũng thấy buồn.
- Thế thì cũng cám cảnh thật. Vừa rồi có cháu quê Thái Bình giành 2 huy chương vàng Toán quốc tế, giúp Việt Nam xếp thứ hạng 5/104 quốc gia tham gia đấy.
- Thật vinh dự cho đất nước quá. Nhà cháu này chắc hàng đại gia mới có tiền tấn mời các giáo sư dạy thêm cho.
- Không , gia cảnh cháu thuộc hạng nghèo ở quê, vẫn ở nhà cấp 4 lụp sụp. Bố mẹ cháu phải đi làm phụ hồ để lấy tiền nuôi các cháu ăn học.
- Tôi chẳng tin, thời buổi này mà không có tiền thuê gia sư thì khó mở mang đầu óc được.
- Ngoài thầy cô dạy trong trường, người “thầy” duy nhất mà cháu học hỏi đấy là ông “Gu-Gồ”
- Học thầy nước ngoài chắc phải trả toàn bằng đô-la?
- Thầy nào, đấy là một trang tra cứu trên internet. Cứ rảnh lúc nào là cháu lên mạng tìm tòi. Nhờ có ý chí vươn lên mãnh liệt mà cháu gặt hái được thành quả hôm nay.
- Nếu thế thì đáng khâm phục. Tự nhiên tôi lấy làm buồn cho nhiều nhà, đổ cả núi tiền cho con ăn học mà chẳng đâu vào đâu. Hóa ra, để con giỏi giang phụ thuộc nhiều vào cách dạy của mỗi gia đình, tiền bạc cũng chẳng ý nghĩa lắm, bác nhỉ.
Cận

Cần chấn chỉnh quyết liệt


- Đến giờ tôi vẫn còn choáng váng về 18,6 triệu đô-la tiền tham những của một trưởng phòng kinh doanh thuộc tập đoàn Vinashin.
- Số tiền đó qui ra phở được bao nhiêu bát hả bác?
- Bác lúc nào cũng nghĩ đến phở. Nếu chỉ dùng để ăn phở thì 10 đời bác cũng không hết.
- Tôi nghèo nên lấy thước đo là phở. Kinh thế kia à, thế nhà nước đã thu hồi được chưa?
- Vẫn chưa có công bố chính thức từ cơ quan điều tra, chỉ nghe nói số tiền này đã được đối tượng dùng để mua 40 căn biệt thự cho người nhà đứng tên. Nhiều căn được mua ở nước ngoài.
- Tôi chẳng tin một anh trưởng phòng lại có thể đơn độc tham nhũng được chừng ấy tiền của nhà nước, phải có kẻ chống lưng cho anh ta, đấy mới là những con “cá” to.
- Bác cứ yên tâm, rồi cơ quan điều tra sẽ phanh phui ra hết.
- Vấn đề là, chúng ta có xét xử thẳng tay với những phần tử kiểu này không. Tôi nhớ, cách đây ít năm, ông Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn này để thất thoát hàng tỷ đô-la của nhà nước mà chỉ bị xử có 20 năm tù, khiến dư luận ngao ngán. Cái chức trưởng phòng ở mình có nhiều không bác?
- Không ai có thể thống kê được, hằng hà sa số, nhưng không phải ai trong số đó cũng tham nhũng hoặc có điều kiện tham nhũng.
- Tôi hiểu chứ. Trưởng phòng mà tham nhũng hàng trăm tỷ đồng, không hiểu hắn nắm giữ chức vụ cao hơn sẽ thế nào?
- Điều này cho thấy công tác quản lí ngân sách, quản lí cán bộ của ta đang thực sự có vấn đề. Nếu không sớm chấn chỉnh quyết liệt, sẽ còn xuất hiện hàng đàn “sâu mọt” kiểu thế này.
Cận

Hỏi ai có chạnh lòng?


- Bác có thích chơi gôn không?
- Cứ gì gôn, cái gì tôi chẳng thích, miễn được chơi là khoái rồi.
- Thảo nào mà có ông cán bộ cấp cao của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc hay đi chơi môn thể thao quí tộc này thế.
- Có tiền thì người ta chơi, mắc mớ gì đến bác. Cán bộ cũng cần sức khỏe để phục vụ dân chứ.
- Vấn đề là, ông này toàn trốn việc trong giờ chính quyền để đi chơi thể thao. Chính ông ta đã thừa nhận như vậy.
- Gôn là môn thể thao đòi hỏi chi phí rất cao. Nếu chỉ trông vào đồng lương cán bộ, làm sao chi trả được nhỉ?
- Chắc do đối tác làm ăn bao. Như thế cũng tốt, nhà nước không mất tiền để quan chức rèn luyện thân thể, mà cán bộ vẫn đủ sức khỏe “cống hiến”.
- Doanh nghiệp ngoài họ khôn lắm, chẳng cho không ai cái gì đâu. Biết đâu, ngay trên sân tập, nhiều hợp đồng kinh tế đã được kí cũng nên. Đi ăn, đi chơi bằng tiền của doanh nghiệp thì khó mà tỉnh táo trong chuyện làm ăn lắm.
- Bác nói cứ như đi guốc trong bụng họ vậy. Chứng kiến cảnh ông này chơi gôn, tự nhiên tôi chạnh lòng nghĩ đến người dân ở nhiều xã thuộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều hộ dân nơi đây đã phải bỏ làng quê đi tha phương cầu thực.
- Việc này thì liên quan gì đến chuyện chơi gôn?
- Sao lại không. Người dân ở đây phải góp tiền nuôi bộ máy cán bộ xã. Nhiều hộ chịu không thấu mới phải nuốt nước mắt ra đi. Nhân dân nhiều nơi còn đói nghèo mà họ phải “cõng” loại cán bộ giống như ông mê chơi gôn trên, thảo nào đất nước mãi không phát triển được, bác nhỉ.
Cận

Lại do độc quyền


- Loay hoay toát mồ hôi mà vẫn không tra cứu được điểm thi bác ạ.
- Việc gì phải vội. Hôm nay cả vạn người truy cập nên bị nghẽn mạng đấy thôi. Để vài hôm nữa xem thì chết ai chứ.
- Mất 12 năm lên bờ xuống ruộng cho con ăn học, cha mẹ nào chẳng sốt ruột. Sao cứ mỗi khi cần công bố những thông tin quan trọng cho dân thì mạng lại nghẽn là thế nào nhỉ?
- Do hệ thống máy chủ yếu quá đấy thôi.
- Thì phải đầu tư chứ. Liên quan đến việc học hành của hàng vạn con người không thể sử dụng thiết bị “úi xùi” được.
- Theo ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đầu tư máy chủ đủ mạnh để lập tức phục vụ cho tất cả mọi người tốn kém lắm. Việc công bố điểm thi mỗi năm có một lần, rồi bỏ không, sẽ gây lãng phí.
- Ông ấy cứ nói quanh. Chẳng qua là muốn độc quyền thôi. Cứ chia sẻ việc công bố điểm thi cho một số đơn vị khác hoặc giao về cho các sở hay các trường là mọi chuyện sẽ ổn hết.
- Thì ông ấy muốn tiết kiệm cho nhà nước thôi mà, nên thông cảm.
- Thôi đi bác. Nếu Bộ này lâu nay có suy nghĩ như vậy thì dân đã được nhờ nhiều lắm. Riêng cái việc viết bừa, viết ẩu sách giáo khoa đã gây tốn kém vô cùng lớn cho xã hội rồi. Sau đó họ còn đòi cấp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng để viết lại sách giáo khoa. Đây đâu phải tư duy của người biết thương dân, thương nước. Họ chỉ biết đến lợi ích của chính mình. Bực cả mình.
Cận

Xin phép mặc quần


- Ở mình cái gì cũng phải làm đơn xin phép bác nhỉ?
- Có làm đơn thì cấp trên mới biết nguyện vọng của cấp dưới chứ.
- Nhưng có những cái không nên làm đơn, chỉ nên xin phép bằng mồm là được rồi. Chẳng hạn như việc các bác sỹ, điều dưỡng viên viên ở một bệnh viện ở Đồng bằng song Cửu Long phải làm đơn xin phép mặc quần đấy.
- Thế là thế nào, bình thường họ mặc gì?
- Chẳng là gần đây, bệnh viện này đưa ra qui định tất cả phụ nữ làm việc tại đây đều phải mặc váy trong giờ hành chính, khiến nhiều người bất bình.
- Tốt chứ sao, mặc váy khi tác nghiệp sẽ tiện lợi hơn. Về mặt thẩm mĩ, trông cũng trẻ trung, năng động, hiện đại. Bệnh nhân cũng thấy “mát mắt”, nhanh khỏi bệnh hơn.
- Với những cô trẻ, chân dài, da dẻ nõn nà thì không nói làm gì. Đằng này có nhiều bà tuổi cũng sồn sồn rồi, bắp chân to như chân voi, hoa cà hoa cải tứ tung, lại còn vòng kiềng nữa, nhìn cũng không được “nhã” lắm. E rằng bệnh nhân nhìn thấy, bệnh lại nặng thêm.
- Rồi sẽ quen mắt cả thôi. Bệnh viện hay công sở đều cần sự hiện đại. Mặc váy chính là biểu hiện của tinh thần hội nhập. Tôi tin dần dần bệnh nhân sẽ thích.
- Tôi lại nghĩ đây là căn bệnh hình thức của lãnh đạo bệnh viện này. Cái mà bệnh nhân khát khao được cải cách trước tiên đó là sự tận tụy của các y bác sỹ, là vào viện không phải ghép chung 4-5 người một giường bệnh, là nạn phong bì được xóa bỏ, bác ạ.
Cận

Cái danh hão


- Tính cách nào của người Hà Nội mà bác thích nhất?
- Đó là sự lịch lãm trong mọi mối quan hệ và đặc biệt là rất sành ăn.
- Lịch sự thì tôi tin chứ sành ăn thì phải xem lại. Sành ăn gì mà xơi toàn những thứ kém chất lượng, chứa đầy độc tố.
- Người Hà Nội “xịn” họ không ăn uống xô bồ đâu. Chỉ những người ở các địa phương khác về mới ăn uống thiếu kiểm soát thôi. 
- Làm sao tôi biết ai người gốc bản địa, ai không. Chỉ thấy người Hà Nội nói chung đang làm hỏng đi thói quen ẩm thực lâu nay vẫn được người dân cả nước ngưỡng mộ. Giờ đây, họ ăn uống bất cứ cái gì bán ngoài đường, ngoài chợ.
- Bác nói tôi mới thấy đúng thế thật. Hàng ngày vợ con tôi vẫn mua gà bơm nước, rau đẫm thuốc bảo vệ thực vật về ăn. Nhưng cũng không nên trách họ. Ngoài chợ bán toàn thứ như vậy, rất khó mua được thực phẩm sạch.
- Cái đó thì kể làm gì. Đằng này mang tiếng sành ăn mà họ vẫn mua nhãn Lồng rởm, mận tím Trung quốc giả Sapa.
- Thì người bán nói vậy thì biết vậy, làm sao kiểm chứng được.
- Đã là sành ăn thì phải biết nhãn Lồng Hưng Yên phải hơn tháng nữa mới có. Còn loại mận to và ngon nhất Việt Nam là mận Hậu, mùa này làm gì có. Biết là như thế mà vẫn móc tiền ra mua, chứng tỏ quan niệm người Hà Nội sành ăn chỉ là cái danh hão.
Cận

Một chàng trai tỉnh táo


- Vừa rồi có chàng trai ở xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Hưng, Nam Định chế tạo thành công ôtô chạy bằng năng lượng mặt trời, đáng khâm phục quá.
- Cậu này chắc được đào tạo ở nước ngoài về, chắc phải có mấy bằng đại học bác nhỉ?
- Đâu có. Chàng trai này sinh năm 1997, vừa thi tốt nghiệp THPT.
- Để chế tạo oto tốn kém lắm, gia đình cậu phải thuộc hàng đại gia mới cáng đáng nổi.
- Cũng không đến mức thế. Nghe nói, cậu gom góp tiền ăn sáng mua đồ đồng nát làm linh kiện, thiếu bố mẹ anh chị cho thêm. Tổng mức đầu tư cho chiếc oto này là 20 triệu đồng.
- Bác cứ đùa. Nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho ngành sản xuất chế tạo oto mà đến nay có làm được cái nào đâu. Mới đây, có công ty lắp ráp oto lớn nhất Việt Nam đã phải rao bán công xưởng lấy tiền trả nợ đấy thôi. Tôi chẳng tin.
- Bác lên mạng mà xem clip cậu ấy lái chiếc xe này. Cũng lùi tiến, cũng rẽ trái phải. Xe chở 2 người mà phóng băng băng, đạt tốc độ hơn 30km/giờ. Cậu ấy bảo, nếu có tiền, sẽ làm cái “xịn” hơn.
- Nếu đúng vậy thì thật đáng ngưỡng mộ. Chắc phải có hàng chục trường đại học hay hãng oto trong và ngoài nước mời cậu ấy vào học?
- Đợt thi vừa rồi chàng trai này đạt 22 điểm đủ vào đại học nhưng cậu ấy bảo học đại học chỉ mất thời gian nên quyết định ở nhà theo đuổi đam mê của mình.
- Cậu ấy thật là tỉnh táo. Ước sao, nước mình có nhiều chàng trai như thế này, dân sẽ được nhờ nhiều lắm.
Cận

Thâm căn cố đế


- Hóa ra dân mình chịu sự dối trá mấy chục năm qua bác ạ.
- Ai lừa, lừa cái gì, có mất nhiều tiền không?
- Không phải tiền bạc. Nhiều năm qua tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở nước ta luôn ở mức 98- 99%, nhiều địa phương đạt 100%. Năm nay, vừa mới cải tiến “nhẹ” một cái mà tỷ lệ này rơi xuống còn có 91,58%. 
- Nghe bác nói tôi mới để ý. Như vậy, số lượng ăn gian nói dối là gần 10%, tức là vào khoảng một vạn học sinh mỗi năm. Số lượng này nhân với mấy chục năm sẽ “lòi” ra hàng triệu học sinh không đạt yêu cầu.
- Đúng vậy. Số người này lại đang ngày đêm “cống hiến” dựng xây đất nước. Không ít người đang làm công tác quản lí cấp xã, phường, có khi cao hơn. Không cần nói bác cũng hiểu hậu quả do những người trình độ kém mang lại cho xã hội.
- Khó mà đo đếm được thật. Theo bác, tội này do đâu?
- Rõ thế mà còn phải hỏi. Tội này chủ yếu do Bộ Học thôi. Đây là kết quả bệnh thành tích đã thâm căn cố đế của bộ này. Ngành này, ngành khác gian dối người dân chỉ chịu thiệt khi mua phải sản phẩm kém chất lượng. Ngành giáo dục mà gian dối thì sẽ đào tạo nên những nhân cách rởm, trình độ rởm, hậu quả để lại là vô cùng nặng nề cho nhiều thế hệ.
- Bác nói rất đúng. Muốn đất nước mở mày mở mặt trước hết phải làm cuộc cách mạng về giáo dục, rồi hẵng nghĩ đến việc khác, bác nhỉ.
Cận

Khe khẽ cái mồm thôi


- Ngành thuế dạo này mạnh tay quá. Họ vừa “bêu tên” 600 doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế, khiến nhiều người sợ mất mật.
- Làm thế chứ làm căng hơn nữa cũng có ai sợ đâu. Việc bêu tên cũng đã tiến hành từ lâu nhưng đâu có hiệu quả.
- Vậy phải làm thế nào mới khiến doanh nghiệp sợ, mới tránh thất thu cho nhà nước?
- Trước hết, ngành này phải tự cải cách mình, phải có những cải tiến trong việc thu thuế. Nếu cần có thể đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự những doanh nghiệp có “truyền thống” nợ thuế.
- Doanh nghiệp làm ăn khó khăn họ mới nợ thuế, ai muốn “lẩn” làm gì?
- Có nhiều nơi làm ăn có lãi rất hoành tráng họ vẫn nợ thuế để chiếm đoạt vốn. Trong đợt công bố vừa rồi, có hàng chục doanh nghiệp chấp hành rất nghiêm chính sách thuế nhưng vẫn bị bêu tên, chứng tỏ ngành này có vấn đề trong khâu quản lí.
- Thì họ phải làm thế để ngăn chặn trước thôi mà.
- Như thế là làm ẩu. Nhiều doanh nghiệp đóng thuế đầy đủ, sau khi bị đưa vào danh sách đen, đã bị mất uy tín trầm trọng, khiến họ làm ăn lao đao, doanh thu sụt giảm trông thấy.
- Thì họ nhầm thôi mà?
- Nhưng nó sẽ giết chết doanh nghiệp. Nếu phải tôi, tôi sẽ kiện ngành thuế.
- Bác nói khe khẽ cái mồm thôi. Họ mà bực lên gây khó khăn trong khâu thuế má thì có mà hết cửa làm ăn. Chớ có dại kêu ca, kiện tụng nghe chưa. Có thế họ mới chừa cửa cho nợ thuế.
Cận

Cơ hội thăng tiến


- Bác có biết tại sao đội bóng Manchester City thắng đội Tuyển Việt Nam tới 8-1 không?
- Thì trình độ kém, thể lực yếu, người bé như cái kẹo, thua là đúng rồi.
- Chẳng phải. Đội bạn quyết định thắng đậm là vì họ… bực.
- Không đưa đi tham quan hay cho ăn uống quá đạm bạc đã khiến họ bực dọc hay sao?
- Chẳng phải. Tất cả là do trước giờ bóng lăn, các quan chức của chúng ta đọc quá nhiều diễn văn, cái nào cũng dài lê thê, đã khiến các cầu thủ cũng như hàng triệu khán thính giả hết sức sốt ruột.
- Thế sao các cầu thủ của ta không bực bội, nhấp nhổm?
- Họ quen rồi, trận nào chẳng phải nghe diễn văn với hàng chục lời “kính thưa” nẫu hết cả lòng. Do phải đợi lâu, bị muỗi cắn nên đội bạn bực mình đá như “trả thù đời” vậy
- Thì ra là vậy. Tôi tưởng chính phủ đã ban hành văn bản qui định chỉ được kính thưa một ông to nhất thôi.
- Nhưng có nơi nào chấp hành đâu. Bác thử đọc diễn văn mà không “kính thưa” đầy đủ xem, sẽ ôm hận ngay.
- Thì cũng phải “kính thưa” tất cả để các “quan” trên có dịp đứng lên cho mọi người ngắm dung nhan chứ.
- Vấn đề là, họ đã làm mất thời gian của hàng triệu con người.
- Thời gian của dân thì quan trọng gì. Vấn đề là người đọc diễn văn đã làm đẹp lòng bề trên. Với họ, đấy chính là cơ hội thăng tiến, bác hiểu chưa.
Cận

Kỉ lục ngược đời


- Nước mình rồi sẽ bội thực kỉ lục bác ạ.
- Tốt chứ sao, điều đó chứng tỏ Việt Nam có nhiều người tài năng, nhiều cảnh vật lạ, du khách quốc tế sẽ ùn ùn kéo tới.
- Nhưng đây là kỉ lục về một con đường.
- Chúng ta lại mới làm con đường đẹp nhất thế giới à?
- Không phải, ý tôi muốn nói đến đường Nguyễn Công Trứ ở thành phố Hà Tĩnh. Đây là con đường xương sống của tỉnh, có đoạn 600m xuống cấp nghiêm trọng, đã được đưa vào qui hoạch nhưng 26 năm nay, trải qua 7 đời chủ tịch mà vẫn bị “treo”.
- Chắc người dân ở đây chây ỳ không chịu bàn giao mặt bằng nên mới chậm thế chứ?
- Đâu có. Mặt bằng đã được bàn giao xong từ lâu, nhưng không hiểu sao con đường bị trôi vào quên lãng. Người dân nơi đây vô cùng khổ sở vì con đường tan nát này.
- Cũng có thể chính quyền nơi đây đang gom góp để làm con đường thật hoành tráng, để tỉnh này nở mày nở mặt với cả nước?
- Người dân không hi vọng vào viễn cảnh xa vời đó. Họ chỉ mong sao có con đường để đi sao cho an toàn, để nhà hai bên đường không phải hứng bùn đất, các cháu học sinh hàng ngày không phải lội bùn, không sa xuống những ổ trâu ngã sứt đầu mẻ trán.
- Thôi, đã chịu được 26 năm rồi, ráng thêm 20 năm nữa đi. Chạy xe trên con đường sóc tưng tưng thế này mới giãn xương giãn cốt, đỡ phải tập thể dục.
Cận

Sống khỏe sống có ích


- Dạo này bác có vẻ ham mê tập võ quá nhỉ? 
- Thì cũng phải tập tành cho khỏe chứ lười biếng nằm một chỗ người mỏi mệt lắm.
- Nếu chỉ để khỏe sao bác không tập thể dục mà lại tập võ?
- Chẳng là gần đây biết chuyện bà Nguyễn Thị Thanh Loan 70 tuổi ở Hội võ thuật khiếm thị TP.HCM hơn 10 năm nay dạy võ cho trẻ khuyết tật tôi ngưỡng mộ quá. Tôi quyết định học võ vừa khỏe người, vừa tự bảo vệ được mình khi cần thiết.
- Trẻ em khuyết tật đi đứng còn khó, sao không dạy cái gì khác mà lại dạy võ?
- Thì chỉ để rèn luyện thân thể thôi mà.
- Thế nhỡ mấy cháu thần kinh không bình thường khi lên cơn lại giở võ ra với những người xung quanh thì ai chịu trách nhiệm?
- Bác chẳng biết gì cả, võ không chỉ làm người ta khỏe, mà còn rèn luyện tâm tính. Nhiều cháu mắc bệnh “đao” bẩm sinh mà sau một thời gian học võ của bà lão này bỗng trở nên tỉnh táo hẳn, có cháu còn cắp sách đến trường.
- Ở tuổi 70 chân tay run rẩy cả rồi, làm sao bà ấy dạy võ được?
- Nhìn bà ấy đi quyền vù vù, quật ngã thanh niên nhoanh nhoách mới thấy hợp với câu “sống khỏe, sống có ích”. Bác cũng nên tập tành, chứ cứ suốt ngày cà phê, thuốc lá, chúi mũi vào mấy trò vô bổ, lăn quay ra đấy thì khổ gia đình, khổ xã hội lắm.
Cận

Khám mắt cho bác sỹ


- Có lẽ đợt này phải khám mắt tổng thể cho các y bác sỹ, bác ạ.
- Tôi tưởng họ tự khám và điều trị cho mình được?
- Thế bác không thấy là các bác sỹ toàn nhìn nhầm hay sao. Trước đây đã có nhiều trường hợp bệnh nhân đau ruột thừa lại bị bác sỹ đè ra cắt dạ dày, đau lưng lại giải phẫu mắt, giờ lại xảy ra trường hợp bệnh nhân đau chân trái bị mổ chân phải ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
- Bác cứ đùa. Dạ dày với ruột thừa nằm gần nhau nên nhầm cũng là điều dễ hiểu. Đằng này hai chân cách xa nhau thế nhầm sao được. Hay bác sỹ mổ trước để sau đỡ phải mổ.
- Các bác sỹ bảo thấy chân phải của cháu cũng bị u nang nên họ mổ luôn.
- Tinh thần “trách nhiệm” cao nhỉ. Thế hồ sơ bệnh án ban đầu ghi cháu bị bệnh ở chân nào?
- Ghi là chân trái, không có chữ nào đả động đến chân phải cả.
- Nếu thế thì họ ngụy biện rồi, bởi trước khi mổ gia đình phải kí đồng ý thì bác sỹ mới được tiến hành phẫu thuật. Thế lãnh đạo bệnh viện nói gì?
- Họ vẫn không nhận sai, nhưng lại hứa sẽ kỷ luật bác sỹ tự tiện mổ mà không thông báo cho gia đình biết.
- Tình “thương” của bác sỹ này bao la nhỉ. Làm gì cũng phải có qui trình, đối với sức khỏe và tính mạng con người thì việc tuân thủ càng phải nghiêm ngặt. Cần xử lí vị bác sỹ và lãnh đạo bệnh viện đã làm sai còn chối quanh này. Có thế bệnh nhân mới yên tâm vào đây điều trị.
Cận

Cần “bêu tên” đơn vị gian dối.


- Đợt mưa lũ vừa rồi quá khủng khiếp bác nhỉ. Thật đáng thương cho những gia đình gặp nạn.
- Thương thì chung tay đóng góp ủng hộ đồng bào chứ ngồi đó mà than vãn cái gì?
- Cơ quan nào vận động quyên góp tôi đều ủng hộ. Thật đáng phê phán một số tổ chức, cá nhân không hiểu vô tình hay cố ý lại gửi cho bà con Cẩm Phả một số hàng quá date đã 5 năm. Nhiều mặt hàng bị bóc tem ghi hạn sử dụng, khiến người dân không biết đâu mà lần.
- Đợt ủng hộ người dân vùng gặp thiên tai năm nào cũng xảy ra chuyện đó, khi thì thuốc quá hạn, khi thì mì tôm, gạo mốc. Mặt hàng kém chất lượng lần này là những gì hả bác?
- Chủ yếu là kem đánh răng, sữa tắm.
- Cũng may, nếu là lương thực, thực phẩm thì hậu quả thật khôn lường.
- Cái gì kém chất lượng mà chẳng ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Các mặt hàng này đều được làm từ hóa chất. Khi đã quá hạn sử dụng quá lâu, chúng có thể kích ứng da, gây rụng răng, sưng lợi rồi biến chứng sang các căn bệnh khác.
- Đúng thế. Người dân vùng lũ thật khổ, vừa phải chống chọi với mưa bão, vừa phải đối phó với hàng kém chất lượng. Thế chính quyền địa phương đã có ý kiến gì về chuyện này chưa?
- Họ lịch sự tỏ ra thông cảm và cho rằng do vội nên các nhà tài trợ “gửi nhầm” thôi.
- Nhầm làm sao được. Năm nào cũng gặp trường hợp này. Đề nghị các cơ quan truyền thông từ nay cần công khai các đơn vị, cá nhân tài trợ hàng giả, hàng kém chất lượng. Có thế họ mới chừa thói gian dối.
Cận

Liệu cơm gắp mắm


- Chỉ ít năm nữa người dân Quảng bình sẽ trở nên sành điệu, chịu chơi nhất nước bác ạ
- Đây là một trong những địa phương có số hộ nghèo cao, lo cho cuộc sống còn chật vật lấy đâu ra mà ăn chơi.
- Bác không nghe nói tỉnh này đang có kế hoạch xây dựng liền một lúc 10 sân gôn trị giá từ 1000-3000 tỷ đồng sao? Nhiều sân gôn thế, người dân tha hồ mà tập luyện thể thao.
- Họ xây làm gì mà nhiều sân gôn thế nhỉ. Người dân hàng ngày còn phải tối mắt lo cái ăn, cái mặc, tiền đâu vào đó chơi?
- Một vị lãnh đạo tỉnh này cho biết, họ làm thế để thu hút khách du lịch. Đây sẽ là cú hích để kinh tế địa phương phát triển.
- Đã có nhiều nơi xây dựng sân gôn rồi, nhưng có mấy khách nước ngoài đến đâu. Nhiều sân gôn giờ chỉ phục vụ người Việt lắm tiền nhiều của hoặc quan chức thôi. Chẳng ai dở hơi bỏ thời gian đi chừng nấy cây số vào Quảng Bình chơi món này.
- Nếu không thu hút được du khách thì phục vụ doanh nghiệp, quan chức địa phương cũng tốt chứ sao. Chơi gôn nhiều, cán bộ có sức khoẻ, bụng bớt phệ, đầu óc sảng khoái, minh mẫn sẽ phục vụ người dân tốt hơn.
- Nhà nước đã có nhiều văn bản cấm cán bộ, công chức không được sử dụng giờ chính quyền để phục vụ việc riêng hoặc ăn chơi nhâu nhẹt. Họ chỉ có thể chơi gôn vào dịp cuối tuần, vậy những ngày thường sân sẽ phải đắp chiếu sao?
- Đúng thế. Nếu khôn ngoan họ chỉ nên làm thí điểm một vài sân. Khi nào quá tải làm thêm. Đã nghèo mà không biết liệu cơm gắp mắm thì sớm đi ăn mày, bác nhỉ.
Cận

Việc đáng suy ngẫm

Việc đáng suy ngẫm
- Thế mới thấy giáo dục đại học Việt Nam thực sự có vấn đề, đang gây mất niềm tin nghiêm trọng trong xã hội.
- Mấy hôm nay cả nước sôi sùng sục vì việc xét tuyển vào Đại học. Bác gặp chuyện bức xúc gì sao?
- Không phải vì chuyện đó. Việc một cậu bé ở Thị xã Hồng Lĩnh tỉnh Hà Tĩnh đạt 27 điểm nhưng kiên quyết không vào Đại học khiến tôi bâng khuâng quá.
- Chắc gia cảnh nghèo khó, không đủ điều kiện cho con ăn học xa nên đành phải cho con ở nhà thôi. Nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh đó. Thật tiếc cho các nhân tài vừa hé nở đã lụi tàn. Thôi ở nhà xây dựng quê hương cũng tốt bác ạ.
- Cũng không hẳn như vậy. Gia đình cậu không thuộc hạng nghèo, vẫn có thể nuôi con mấy năm học được. Nghe nói đây là ý nguyện của cậu ấy.
- Có khi vướng vào chuyện yêu đương nên sợ đi xa bạn gái ở nhà bị người khác “cuỗm” mất?
- Vớ vẩn. Yêu đâu mà yêu. Cậu ấy bảo thi cho biết thế thôi chứ không tin tưởng lắm vào nền giáo dục nước nhà. Học xong nhiều người ở lại thành phố, mất đi cái gốc gác của mình. Hơn nữa cậu ấy cũng đã có kế hoạch làm giàu tại quê hương.
- Cậu bé ấy thật chin chắn và có bản lĩnh. Tôi thấy các cô cậu sinh viên bây giờ vừa mới chân ướt chân ráo rời quê lên thành phố đã đua đòi ăn chơi, dính cả vào cờ bạc, cá độ. Có người nảy sinh tính trộm cắp, cướp giật, giết người, hỏng cả một đời.
- Đúng thế. Hành động quyết đoán của cậu bé sẽ khiến cho nhiều người lớn phải suy ngẫm, tính toán cho tương lai của con em mình, bác nhỉ.
Cận

Phải xoá tận gốc bệnh thành tích

Phải xoá tận gốc bệnh thành tích
- Sao dạo này bác có có vẻ thờ ơ với nền giáo dục nước nhà thế. Chúng ta hiện đứng thứ 5 thế giới về toán vì đạt thành tích cao trong các kì thi quốc tế đấy.
- Tôi lại thấy lo chứ không thấy mừng. Bác không thấy lạ khi có tới 68 nghìn 700 em thi trượt, trong đó có 12 nghìn học sinh bị điểm liệt môn toán trong kì thi tốt nghiệp THPT vừa rồi sao?
- Thì lười học nên bị thế, có gì lạ đâu.
- Điều đó cho thấy bệnh thành tích của ngành giáo dục rất nặng nề. Họ chỉ chú trọng đến việc nuôi “gà nòi” mà làm ngơ đối với nền giáo dục đại chúng. Sự khập khiễng này sẽ tạo nên những con người kém hoàn thiện, là tiền đề cho sự què quặt của xã hội.
- Kinh thế kia à. Năm nay thi trượt, năm sau thi lại, có gì đâu mà lo?
- Vấn đề không nằm ở chỗ đó. Bệnh thành tích sẽ tạo nên sự ganh đua, thậm chí triệt hạ nhau. Đây chính là mầm mống của tính ích kỉ, nhỏ nhen trong mỗi con người, mỗi ngành, thậm chí là toàn xã hội.
- Bác cứ nghiêm trọng hoá vấn đề. Có lẽ đề thi năm nay khó quá nên nhiều học sinh thi trượt thôi.
- Không phải. Điều đáng phải suy ngẫm là đề thi năm nay có 60% câu hỏi rất dễ, rất đơn giản mà vẫn có chừng nấy em bị điểm liệt cho thấy lâu nay ngành giáo dục đã thiếu trung thực với nhân dân. Họ cố tình để các em đỗ để “ghi điểm” thôi.
- Vậy chúng ta phải làm thế nào để thay đổi.
- Trước khi viết lại chương trình, viết lại sách giáo khoa, phải xoá bỏ tận gốc căn bệnh thành tích của ngành này. Có thế giáo dục Việt Nam mới có thể ngóc đầu lên được.
Cận

Vẫn phải chờ thôi

Vẫn phải chờ thôi
- Không hiểu sao, cứ mỗi dịp khai giảng năm học tôi lại thấy lo cho mấy đứa cháu không may lăn ra ốm thì chết dở.
- Đầu năm đã phải học gì nhiều đâu mà bác lo?
- Ý tôi không phải vậy. Tôi sợ các cháu phải ngồi nghe diễn văn khai giảng dài lê thê cả buổi dưới trời mưa gió thất thường sẽ không chịu nổi.
- Sở GD&ĐT vừa có chỉ thị cho các trường chỉ được tổ chức buổi lễ trong vòng 60 phút thôi mà.
- Thế cũng vẫn dài. Nhỡ trời mưa to đúng vào giờ khai giảng thì làm thế nào. Dầm mưa trong một giờ đồng hồ đến voi cũng quị, nói gì các cháu?
- Thì đợi ngớt mưa hẵng làm, miễn trong ngày 5-9 là được.
- Tôi e 60 phút khó kham hết chương trình. Bác còn lạ gì quan khách nhà mình, nhiều người “bận” lắm, đến muộn là chuyện bình thường.
- Ông Giám đốc Sở khẳng định rồi, đây là buổi lễ của các cháu, đâu phải của người lớn, nên phải được làm đúng giờ, không đợi ai cả.
- Nói thì nói thế thôi, chứ khách mời đều là những người quyền cao, chức trọng. Có người được mời đánh trống khai giảng. Họ mà chưa đến ai dám bắt đầu buổi lễ. Vẫn phải đợi thôi?
- Ừ nhỉ. Thì đợi một lát cũng tốt chứ sao. Học sinh cũng nên dãi dầu mưa nắng. Có dạn dày mới có sức khỏe dẻo dai mà học tập.
Cận

Việc đáng suy ngẫm


-          Thế mới thấy giáo dục đại học Việt Nam thực sự có vấn đề, đang gây mất niềm tin nghiêm trọng trong xã hội.
-          Mấy hôm nay cả nước sôi sùng sục vì việc xét tuyển vào Đại học. Bác gặp chuyện bức xúc gì sao?
-          Không phải vì chuyện đó. Việc một cậu bé ở Thị xã Hồng Lĩnh tỉnh Hà Tĩnh đạt 27 điểm nhưng kiên quyết không vào Đại học khiến tôi bâng khuâng quá.
-          Chắc gia cảnh nghèo khó, không đủ điều kiện cho con ăn học xa nên đành phải cho con ở nhà thôi. Nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh đó. Thật tiếc cho các nhân tài vừa hé nở đã lụi tàn. Thôi ở nhà xây dựng quê hương cũng tốt bác ạ.
-          Cũng không hẳn như vậy. Gia đình cậu không thuộc hạng nghèo, vẫn có thể nuôi con mấy năm học được. Nghe nói đây là ý nguyện của cậu ấy.
-          Có khi vướng vào chuyện yêu đương nên sợ đi xa bạn gái ở nhà bị người khác “cuỗm” mất?
-          Vớ vẩn. Yêu đâu mà yêu. Cậu ấy bảo thi cho biết thế thôi chứ không tin tưởng lắm vào nền giáo dục nước nhà. Học xong nhiều người ở lại thành phố, mất đi cái gốc gác của mình. Hơn nữa cậu ấy cũng đã có kế hoạch làm giàu tại quê hương.
-          Cậu bé ấy thật chin chắn và có bản lĩnh. Tôi thấy các cô cậu sinh viên bây giờ vừa mới chân ướt chân ráo rời quê lên thành phố đã đua đòi ăn chơi, dính cả vào cờ bạc, cá độ. Có người nảy sinh tính trộm cắp, cướp giật, giết người, hỏng cả một đời.
-          Đúng thế. Hành động quyết đoán của cậu bé sẽ khiến cho nhiều người lớn phải suy ngẫm, tính toán cho tương lai của con em mình, bác nhỉ.

Cận

Phó mặc cho thần chết


-          Học sinh vùng sâu vùng xa sẽ còn phải đu dây hoặc bơi qua sông đến lớp dài dài bác ạ.
-          Tôi tưởng Nhà nước đang quyết liệt giải quyết thực trạng này mà?
-          Đúng là Nhà nước đã đầu tư rất lớn để xóa cầu tạm, cầu khỉ, nhưng thực tế ở nhiều nơi người dân địa phương đặc biệt là các em nhỏ vẫn phải treo mình trên những sợi dây cáp mỏng manh mặc cho nước lũ gào thét bên dưới để đến trường.
-          Thì cũng phải từ từ, làm sao giải quyết hết ngay được.
-          Đành rằng là thế, nhưng có địa phương đã được đầu tư đầy đủ, họ không làm cầu cho dân đi mà dành riêng cho “quan”. Chẳng hạn như cầu Khe Tây (Sơn Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) tốn tới 3,5 tỷ đồng nhưng chỉ phục vụ có 2 hộ dân, trong đó có gia đình ông Chủ tịch xã.
-          Thì ông ấy cũng cần có cây cầu riêng không phải đi đường vòng mới đến ủy ban đúng giờ giải quyết công việc và tiếp dân được chu đáo. Tôi tưởng trước khi xây cầu, xã đã có dự trù lượng người sử dụng, và phải có chữ kí của các hộ dân được hưởng lợi từ cây cầu này chứ.
-          Trong dự trù của xã gửi cấp trên ghi rõ sẽ có khoảng 500 người qua cầu mỗi ngày đêm, có chữ kí của 42 hộ dân, nhưng tất cả đều là giả, và được lập sau ngày cây cầu đã hoàn thành.
-          Chẳng lẽ  trước khi cấp kinh phí, cơ quan cấp trên không về khảo sát sao?
-          Cũng có vài đoàn về tìm hiểu, nhưng rất qua loa, đại khái. Họ không tiếp xúc với bất cứ hộ dân nào mà chỉ khảo sát nơi sẽ xây dựng cây cầu.
-          Với cung cách làm ăn tắc trách, tư lợi thế này, kinh tế miền núi khó mà ngóc đầu lên được. Chỉ thương người dân tiếp tục phải lầm lũi bơi qua sông, phó mặc cho lưỡi hái thần chết lơ lửng trên đầu.

Cận

Thử thách lòng trung thực

              
-          Bác là chúa hay kêu ca, nào là đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, nào là thú tính đang lấn át tính người… lắm đấy nhé.
-          Tôi thấy thế nào thì nói thế thôi, mắc mớ gì đến bác?
-          Phải đặt lòng tin vào con người chứ. Vừa rồi, có một nhóm bạn trẻ ở Đà Nẵng đã làm thí nghiệm giả vờ đánh rơi ví, kết quả thật không ngờ…
-          Chắc mọi người ai cũng giấu ngay đi chứ gì?
-          Không phải, trong 40 lần “đánh rơi” thì có 34 trường hợp trả lại.
-          Nghĩa là vẫn còn 6 người thiếu trung thực?
-          Ở quốc gia nào chẳng có người thế nọ thế kia. Điều đó cho thấy, đa số dân mình là người tốt.
-          Thực hiện trên những con phố giàu có nên thế thôi. Thử tiến hành tại các xóm nghèo, hay vào buổi tối, nơi thưa thớt người qua lại xem, lại chẳng mất hết ấy à.
-          Điều đáng nói là, đa phần đối tượng trả lại là người nghèo.
-          Tôi chẳng tin. Máy quay nhăm nhăm chĩa vào cái ví, ai còn dám đút vào túi nữa?
-          Không phải, máy được đặt ở những chỗ rất bí mật, không ai phát hiện ra.
-          Thật sao. Nếu thế, từ nay tôi sẽ tin vào những điều tốt đẹp. Hóa ra là người dân mình, dù trong hoàn cảnh nào cũng có những tấm lòng đáng quí, bác nhỉ.

Cận

Trẻ mà chín chắn


-          Khi lên lớp cho sinh viên tôi thường hỏi: Lí do nào các em chọn ngành này. Tại sao các em cố sống cố chết vào đại học mà không học nghề… bác có biết mọi người phản ứng thế nào không?
-          Chắc các em bảo học đại học dễ kiếm việc, kiếm tiền, được xã hội trọng vọng…
-          Không phải. Hầu hết họ đều rất lúng túng, không trả lời được. Hóa ra đa phần thi đại học không phải vì đam mê hay có khả năng nghiên cứu  khoa học bác ạ.
-          Bác nói tôi mới thấy, đúng thế thật. Hồi tôi thi đại học cũng thế. Tôi muốn theo ngành sư phạm để làm thầy giáo, nhưng cha mẹ không nghe, bắt học kinh tế, dễ kiếm tiền. Làm con nên phải nghe lời, nhưng trong quá trình học tôi chẳng thấy hứng thú gì cả, học thì ít, chơi thì nhiều, cả đời có làm nên trò trống gì đâu.
-          Chính vì lẽ đó nên có chàng trai tốt nghiệp đại học Bách khoa quyết định đốt tấm bằng đại học của mình.
-          Sao dại thế, phí bao công sức, thời gian, tiền bạc của bản thân và gia đình?
-          Cậu ấy bảo sẵn sàng chịu mất mát để cảnh báo những suy nghĩ lệch lạc coi đại học là con đường tiến thân duy nhất. Cậu ấy khuyên mọi người hãy sống và làm việc theo đam mê của mình.
-          Cậu ấy trẻ mà đã sống có trách nhiệm với xã hội. Bao thiên tài, bao tỉ phú trên đời có bằng đại học đâu mà vẫn thành công. Nếu được làm lại từ đầu, tôi cũng không chọn con đường đại học, nhất là trong thời buổi bậc học này đang có những vấn đề nhiễu nhương như hiện nay.

Cận

Sẽ cám ơn lắm lắm

     
-          Sao ngồi uống trà với tôi mà bác cứ giật mình thon thót vậy?
-          Tôi mắc bệnh này từ khi cái loa phường được lắp trên cột điện ngay sát nhà.
-          Nhờ nó mà bác nắm được những thông tin của cuộc sống đang diễn ra quanh mình, đỡ phải mua báo, nghe đài còn gì?
-          Nhưng ở tuổi tôi rất cần sự nghỉ ngơi, yên tĩnh. Đứa cháu nội mới sinh cũng khốn khổ vì loa phường. Nó cứ khóc thét lên mỗi khi nghe tiếng phát thanh viên oang oang, khiến mẹ nó phải lấy bông nhét vào lỗ tai cả hai mẹ con. Tôi có lẽ phải chuyển nhà.
-          Ở đâu mà chẳng thế, thoát làm sao được. Rồi sẽ quen thôi.
-          Trước đây thiếu phương tiện thông tin không nói làm gì. Bây giờ vô tuyến, internet có ở khắp nơi, cần gì đến loa phường nữa, vừa tốn kém tiền của Nhà nước, vừa gây phiền phức cho người dân. Chỉ cần tấm bảng đen ở mỗi tổ dân phố để nhắc việc là được rồi.
-          Công tác tuyên truyền là phải liên tục, khắp nơi khắp chốn mới thấm vào người dân chứ.
-          Tôi hỏi thực, đã bao giờ bác nghe trọn vẹn một chương trình phát thanh của phường chưa?
-          Tôi làm gì có thời gian. Giúp vợ việc nhà, đón đưa mấy đứa cháu học mẫu giáo đã hết ngày, hơi sức nữa đâu mà nghe.
-          Nhiều người cũng bảo thế đấy. Đám trẻ bảnh mắt ra đã đến công sở, tối mịt mới về. Ở nhà chỉ có người già và trẻ em. Thông tin đâu có thiết thực gì đối với họ. Theo tôi, loa phường giờ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, nên tự rút lui. Được thế, tôi sẽ cám ơn lắm lắm.

Cận

Phải đặt pháp luật lên hàng đầu.

              
-          Mai tôi với bác cầm tấm biển ghi hàng chữ xin tăng lương hưu đứng ở ngã tư để lấy tiền đi du lịch nhé.
-          Sao tự nhiên bác lại có ý tưởng đó. Ai người ta làm theo yêu cầu của tôi với bác?
-          Thế bác không biết chuyện có cậu thanh niên cầm tờ giấy ghi mấy chữ xin việc làm lấy tiền mua sữa cho con, nuôi vợ sao. Rồi chuyện một sinh viên thi đợt vừa rồi được 26,5 điểm mà vẫn trượt đại học cũng làm thế để xin học, đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giúp đỡ đấy thôi.
-          Người ta  xin tiền, xin thức ăn, cho thì không sao, ai lại đi ngược chính sách chỉ vì một cá nhân như vậy.
-          Nhưng nhiều khi chính sách đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp.
-          Kể cả trong trường hợp đó thì chúng ta cần khẩn trương thay đổi chính sách cho hợp lí. Thế nhỡ  hàng nghìn em có hoàn cảnh tương tự cũng làm thế thì Bộ trưởng cũng giúp sao?
-          Nhưng tôi thấy dư luận xã hội ủng hộ, có ai phản đối đâu.
-          Đấy là tâm lí và tình cảm chung đối với mỗi việc làm tốt thôi. Với người đứng đầu một ngành thì phải đặt lí tính và pháp luật lên hàng đầu.
-          Vậy theo bác, ông ấy phải làm thế nào mới hợp lẽ?
-          Phải cải cách mạnh, thậm chí làm cuộc cách mạng giáo dục. Phải làm sao để người dân tâm phục khẩu phục về các qui định, chính sách thi tuyển, sao cho ai cũng được học hành, lao động theo đúng năng lực của mình, bác hiểu chưa.

Cận 

Nên học lấy đức tính này

             
-          Hôm vừa rồi tôi gặp hai thanh niên người nước ngoài chở nhau bằng xe máy, đầu không đội mũ bảo hiểm vượt đèn đỏ bác ạ.
-          Thiểu số thôi. Đa phần họ sang Việt Nam đều tuân thủ nghiêm luật lệ giao thông. Trường hợp bác vừa nói chắc nhiễm phải thói xấu của người Việt.
-          Bác là chúa hay chê bai. Tôi thấy người Việt mình khi ra nước ngoài cũng tôn trọng luật nước sở tại lắm. Họ chỉ hay vi phạm khi ở trong nước thôi.
-          Điều đó cho thấy luật lệ nước mình không nghiêm. Đến người nước ngoài mà giờ đây cũng nhờn luật thì không còn gì để nói nữa.
-          Cũng không nên vơ đũa cả nắm. Hôm vừa rồi tôi chứng kiến cảnh một du khách nước ngoài cương quyết bắt một cô gái phải xuống dắt xe máy khi vào phố dành cho người đi bộ.
-          Chắc anh ấy sợ cô gái đâm vào mình, chẳng may què chân ra đấy còn “phượt” làm sao được nữa?
-          Anh ta làm thế còn vì những người xung quanh. Khi tất cả mọi người đều đang thong thả tản bộ bỗng có người phóng xe máy len vào sẽ rất dễ gây tai nạn.
-          Có khi anh này làm thế để được nổi tiếng trên mạng cũng nên.
-          Anh ta chỉ ở lại có vài ngày thì cần gì ai biết đến. Người nước ngoài họ thế, thấy việc làm sai là họ thẳng tay ngăn chặn ngay. Người Việt mình nên học lấy đức tính này, bác ạ

Cận

Không nên tính thiệt hơn

             
-          Theo bác, điện có tác hại gì không?
-          Bác thử sờ vào đầu dây có điện xem, lại chẳng giãy đành đạch ngay ấy à. Từ ngày sử dụng điện đến giờ, tuy thoát được cảnh tăm tối, nhưng cả nhà tôi ai cũng bị cận. Chính vì vậy tôi khuyên bác không nên sử dụng điện thái quá, để giữ gìn sức khỏe.
-          Bác nói cũng có lí. Thảo nào mà mấy nghìn hộ dân ở Mường La, Sơn La không dùng điện. Đêm xuống chỉ thấy duy nhất thứ ánh sáng từ bếp lửa hồng.
-          Họ sợ hỏng mắt hay sao mà không dùng điện?
-          Không phải. Người dân ở đây rất nghèo. Họ khát khao có điện để thay đổi cuộc sống mà có được đâu.
-          Lạ nhỉ. Đây là địa bàn nằm gần nhà máy thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á mà người dân không có điện dùng thì phi lí quá. Lí do tại sao không cấp điện cho họ?
-          Lãnh đạo ngành điện giải thích. Đây là vùng núi cao, hiểm trở, đầu tư điện sẽ rất tốn kém, khó thu hồi vốn.
-          Có những thứ không nên tính lỗ lãi. Khi người dân càng nghèo, càng khó khăn, nhà nước càng phải ưu tiên đầu tư. Đấy chính là bản chất ưu việt của chế độ ta.
-          Đúng vậy. Nhiều người dân Sơn La đã phải rời bỏ quê hương bản quán, mất ruộng nương để nhà nước xây dựng thủy điện. Vậy mà chính những con người đó suốt đời phải sống trong bóng đêm, tôi thấy tội nghiệp quá.

Cận

Không còn trọng hình thức?

              
-          Không hiểu sao, cứ mỗi dịp khai giảng năm học tôi lại thấy lo cho mấy đứa cháu không may lăn ra ốm thì chết dở.
-          Đầu năm đã phải học gì nhiều đâu mà bác lo?
-          Ý tôi không phải vậy. Tôi sợ các cháu phải ngồi nghe diễn văn khai giảng dài lê thê cả buổi dưới trời mưa gió thất thường sẽ không chịu nổi.
-          Sở GD&ĐT vừa có chỉ thị cho các trường chỉ được tổ chức buổi lễ trong vòng 60 phút thôi mà.
-          Thế cũng vẫn dài. Nhỡ trời mưa to đúng vào giờ khai giảng thì làm thế nào. Dầm mưa trong một giờ đồng hồ đến voi cũng quị, nói gì các cháu?
-          Thì đợi ngớt mưa hẵng làm, miễn trong ngày 5-9 là được.
-          Tôi e 60 phút khó kham hết chương trình. Bác còn lạ gì quan khách nhà mình, nhiều người “bận” lắm, đến muộn là chuyện bình thường.
-          Ông Giám đốc Sở khẳng định rồi, đây là buổi lễ của các cháu, đâu phải của người lớn, nên phải được làm đúng giờ, không đợi ai cả.
-          Nói thì nói thế thôi, chứ khách mời đều là những người quyền cao, chức trọng. Có người được mời đánh trống khai giảng. Họ mà chưa đến ai dám bắt đầu buổi lễ. Vẫn phải đợi thôi?
-          Ừ nhỉ. Thì đợi một lát cũng tốt chứ sao. Học sinh cũng nên dãi dầu mưa nắng. Có dạn dày mới có sức khỏe dẻo dai mà học tập.

Cận

Của người phúc ta

                                                             
-          Bác mua tre về làm gì vậy?
-          Làm lồng đèn chứ làm gì nữa. Cũng sắp đến rằm Trung thu rồi, chuẩn bị ngay từ bây giờ là vừa.
-          Sao năm nay bác “ăn Trung thu to vậy, mới trúng mánh gì phải không?
-          Già rồi còn ham hố gì nữa. Tôi làm đèn cho cháu mang đi thi trên phường. Năm nào phường chẳng tổ chức đêm Hội trăng rằm.
-          Thì mỗi năm chỉ có một lần, cũng nên tạo điều kiện cho các cháu vui chơi thỏa thích.
-          Các cháu có được gì đâu. Có chăng là chạy theo chiếc xe chở đèn chạy lòng vòng trên phố, hò reo đến khản cả cổ.
-          Tôi tưởng là các cháu sẽ được vác đèn đi chơi cùng chúng bạn chứ.
-          Đâu có. Đây là dịp để phường chứng tỏ thành tích với phường bạn. Nhà nào cũng cố làm lồng đèn thật to, thật đẹp, nếu giành giải sẽ được giấy khen.
-          Vất vả một tí nhưng cả nhà đều vui. Mình bỏ sức, phường bỏ tiền là được rồi.
-          Ai bảo bác thế, tất cả từ tiền túi của mình thôi. Nhiều nhà cố giành giải nên làm thật hoành tráng làm bằng chất liệu hiếm, có khi lên tới hàng chục triệu đồng.
-          Tốn kém một tí nhưng sau cuộc thi, được mang đèn về nhà treo là thích rồi.
-          Không phải, đèn đoạt giải sẽ được cất vào kho của phường, sang năm tân trang, thi tiếp.
-          Ô, thế ra của người phúc ta à. Thành tích thì phường hưởng, tiền của, công sức người dân chịu. Sao phường “dại” thế nhỉ?

Cận