Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

Do thiếu kỉ cương.



      
-          Để giữ gìn văn hóa ứng xử nơi công cộng, đã đến lúc chúng ta phải hành động, không thể cứ hô hào suông mãi được.
-          Đúng thế. Vậy theo bác chúng ta phải làm gì trước tiên?
-          Cái này bác phải hỏi các nhà quản lí văn hóa. Tôi thấy việc quây váy dài cho du khách ăn mặc phản cảm của các sư thầy ở chùa Linh Ứng, Đà Nẵng là hành động tuy nhỏ nhưng thiết thực.
-          Việc làm này đã được nhiều chùa trên thế giới làm, có gì lạ đâu?
-          Nhưng ở Việt Nam đây là lần đầu tiên nhà chùa “tuyên chiến” với nạn ăn mặc hở hang đấy. Không hiểu mọi người nghĩ gì khi mặc quần ngắn tũn, hở hết cả đùi, vế. Áo thì tớn lên hở cả rốn, chắp tay vái lia lịa xin Ngài phù hộ, nhức mắt lắm.
-          Thánh thần nào độ trì cho loại người đó. Các Ngài không vật chết là may lắm rồi. Sao nhiều người dân nước mình thích khoe “hàng” nơi cửa Phật thế nhỉ?
-          Bác đi mà hỏi họ chứ chất vấn gì tôi. Đây có lẽ là một trong những biểu hiện của sự xuống cấp nhận thức ở một số người, nhất là tầng lớp trẻ. Mà không riêng gì người Việt, nhiều người nước ngoài cũng ăn mặc hết sức thiếu vải khi tới những nơi cần sự nghiêm cẩn này.
-          Nhưng chính các du khách này, khi tới Thái Lan, Myanma, họ đâu có ăn mặc phóng túng khi thăm viếng chùa chiền?
-          Điều đó cho thấy cơ quan quản lí văn hóa của ta chưa nghiêm. Để nâng cao lối ứng xử nơi công cộng, việc làm của chùa Linh Ứng là chưa đủ. Phải phạt nặng những trường hợp ăn mặc phản cảm ra đường, mọi thứ sẽ đi vào kỉ cương ngay thôi.
Cận

Vùng cấm vô hình.



             
-          Suốt thời chiến tranh, nhiều khi đối mặt với cái chết mà nhiều người vẫn dũng cảm vượt qua. Còn trong thời bình, con người ta lại đầu hàng trước các vùng cấm vô hình.
-          Bác định ám chỉ cái gì vậy. Thế nào là vùng cấm vô hình?
-          Cả tuần nay dư luận hết sức ủng hộ quyết tâm dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè của một ông Phó Chủ tịch Quận 1 TP.HCM. Ông này cương quyết giải tỏa mọi vi phạm trên lối đi của người đi bộ. Nhưng ngay ngày hôm sau, ông lại cho người lắp lại mấy vọng gác của ngân hàng Nhà nước.
-          Thì ngân hàng là nơi chứa tiền, cũng phải có người canh giữ chứ. Dẹp vọng gác thì người bảo vệ đứng vào đâu, nhất là những khi mưa gió?
-          Đành rằng là thế, nhưng ngân hàng phải tự sắp xếp trong khuôn viên của mình thôi, sao cứ phải “trườn” ra vỉa hè. Làm thế là không công bằng, người dân không phục. Nếu cứ sợ bóng, sợ gió như thế, đợt “ra quân” này khó mà đi đến cùng được.
-          Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng bác thấy đấy, lâu nay, có thấy địa phương nào xử phạt được một cơ quan hay doanh nghiệp cỡ trung ương đâu. Đụng vào mất ghế như chơi.
-          Bác nói thế không được. Đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh “Chống tham nhũng không có vùng cấm”. Lấn chiếm vỉa hè cũng là một dạng tham nhũng, phải xử lí triệt để.
-          Đúng vậy. TP.HCM vừa quyết định giải tỏa lấn chiếm vỉa hè trên toàn địa bàn. Hi vọng lần này sẽ không có sự nhân nhượng nào cả. Làm được thế người dân mới tin tưởng vào tính công minh của bộ máy công quyền, mới ủng hộ nhà nước làm những việc lớn hơn.
Cận

Đừng cứng nhắc thế



              
-          Lần nào cũng vậy, sau khi công bố danh sách cá nhân được công nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh là lại xuất hiện những lùm xùm không đáng có.
-          Lẽ thường tình thôi. Đây là một trong những giải thưởng cao quí nhất của Việt Nam, ai chẳng muốn những cống hiến của mình được Nhà nước ghi nhận. Thế lần này có những ai bất bình về cung cách làm việc của Hội đồng xét giải vậy?
-          Nhiều lắm. Trong số này có gia đình của những người có nhiều cống hiến như các nhà thơ Xuân Quỳnh, Thu Bồn, nhạc sỹ Thuận Yến, NSND Đinh Ngọc Liên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Viết Giao…
-          Toàn tên tuổi “khủng”. Đây là những người có đóng góp rất lớn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Đến giờ mà họ chưa được trao giải thì lạ quá. Tại sao vậy?
-          Cơ quan xét giải chưa nói rõ lí do. Chắc do thiếu giấy tờ chứng nhận gì đó.
-          Trời ạ. Đây đều là nghệ sỹ. Cả đời họ mải lo sáng tác phục vụ đồng bào, hơi sức đâu mà đi sưu tầm rồi khư khư ngồi ôm đống giấy tờ như mấy anh công chức văn phòng?
-          Hội đồng chỉ căn cứ vào các tiêu chí có sẵn, ai thiếu là loại thẳng cánh. Cũng không nên trách họ.
-          Đừng cứng nhắc thế. Chẳng có bộ tiêu chí nào chính xác bằng tình yêu và trái tim con người. Hãy lập một danh sách những người xứng đáng rồi lấy ý kiến nhân dân thông qua kênh báo chí. Tôi đảm bảo nhân dân không bao giờ chọn nhầm người. Làm thế, ai cũng hài lòng, đỡ chuyện kiện tụng, nhức đầu.
Cận

Âm thầm nhưng hiệu quả



  
-          Đã lâu mới có ngày nghỉ thảnh thơi, yên bình đến thế. Đi trên hè mà rộng rãi thênh thang, sướng quá.
-          Tôi cũng thấy thế. Mấy hôm nay, hàng quán ở những phố lớn đã gọn gàng, ngăn nắp hơn rất nhiều. Xe cộ cũng thẳng hàng, thẳng lối. Chẳng biết tình trạng này có giữ được lâu không, chứ cứ như mấy lần “ra quân” trước thì chán lắm?
-          Cũng chưa nói trước được điều gì, nhưng lần này có vẻ quyết liệt hơn. Hà Nội làm tuy âm thầm, không đao to búa lớn, nhưng có vẻ hiệu quả.
-          Để duy trì được tốn kém lắm. Lấy đâu ra kinh phí và nhân lực để bám địa bàn mãi được?
-          Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá. Xã, phường nào chẳng có người đứng đầu. Cứ “Trảm” vài ông vô trách nhiệm là đâu vào đấy ngay thôi.
-          Cũng không đơn giản như bác nghĩ đâu. Chẳng hạn, có ai đó thù tức với Chủ tịch phường, họ cố tình lấn chiếm vỉa hè để ông này bị cách chức oan thì sao. Lãnh đạo và lực lượng công an phường còn trăm công nghìn việc, người đâu mà giữ vỉa hè 24/24 được?
-          Phải huy động nhân dân. Ai bây giờ chẳng có điện thoại hiện đại. Họ sẽ quay phim, chụp ảnh vi phạm rồi báo lên phường. Phải giữ bí mật danh tính cho người báo tin, tiền phạt chia cho họ một phần. Lúc đó ai cũng muốn trở thành “cảnh sát trật tự” ngay.
-          Có lí. Ở đầu phố, gắn thêm cái camera nữa. Nhà nước và nhân dân cùng làm, việc gì chẳng thành công bác nhỉ.
Cận

Vùi hoa dập liễu



             
-          Giờ tôi hiểu thấu đáo câu: không biết nâng niu hoa, hoa sẽ cào cho chảy máu.
-          Làm gì có danh ngôn nào như vậy. Bác lại bịa ra để ám chỉ chuyện gì phải không?
-          Chẳng là mấy bữa nay dư luận sục sôi chuyện một nữ phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận tự tiện bẻ một cành hoa Anh đào để chụp ảnh.
-          Chắc bà ta không biết nên mới làm vậy thôi?
-          Người bị thần kinh thì đã đành. Đằng này đường đường là người đứng đầu một ngành bảo vệ pháp luật mà bảo không biết ai mà nghe được. Tại lễ hội, Ban Tổ chức đã cắm biển cấm bẻ hoa rồi mà.
-          Chắc bà ta yêu cuồng si loài hoa này nên trong một phút “nông nổi” mới làm vậy thôi?
-          Đấy là giết hoa chứ yêu cái nỗi gì. Trước khi thực hiện bà này tuyên bố hùng hồn sẽ bẻ hoa để chụp ảnh, một khách tham quan đã can gián nhưng bà ấy không nghe, vẫn thực hiện bằng được.
-          Chẳng lẽ bà ta không hiểu, nếu hình ảnh phản cảm này được đưa lên mạng sẽ bị ném đá hay sao?
-          Cành hoa chẳng đáng bao nhiêu, nhưng hành vi của bà ấy cho thấy con người này quen thói hống hách, muốn gì được nấy, chẳng coi dư luận ra gì.
-          Trước sự việc trên, cơ quan chủ quản kẻ thích vùi hoa dập liễu đã có ý kiến gì chưa?
-          Chính quyền Bình Thuận đã giao Giám đốc Sở Tư pháp điều tra vụ việc. Nếu đúng sẽ xử nghiêm. Chỉ thương cho những cánh hoa vượt nghìn dặm đến đây lại bị vùi dập. Thương lắm.
Cận