Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

TRẦN HUY LIỆU - MỘT ĐỜI SÔI ĐỘNG


TS. HOÀNG VĂN QUANG
Thế là gần một phần ba thế kỷ đã qua đi. Cả quãng thời gian dài đằng đẵng đó bạn bè, gia đình không còn được thưởng thức, suy tưởng trước những bài viết thâm thuý, sâu sắc, uyên bác, đầy khí phách nhưng cũng chan chứa tình cảm cách mạng của người anh cả Trần Huy Liệu. Đứng trước hộp “phích” mang tên ông tại thư viện Sử học, người ta thấy choáng ngợp về những trước tác, bút lục của ông. Vậy mà, đó mới chỉ là một phần nhỏ. Còn biết bao tác phẩm văn học, công trình nghiên cứu khoa học, những bài báo trôi nổi khắp nơi hoặc chưa được công bố, tìm hiểu. Chỉ cần với chừng ấy thôi cũng đủ làm tên tuổi ông trở nên lớn lao. Có lẽ phải nhiều năm nữa, người ta mới hiểu hết về con người Trần Huy Liệu.
Trần Huy Liệu sinh ngày 5.11.1901 (tức 13.10 Tân Sửu) tại làng Vân Cát huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong một gia đình nghèo có truyền thống nho học. Vùng đất đầy cát và nắng gió chỉ có khoai sắn này không chỉ nổi tiếng là quê hương bà chúa Liễu Hạnh mà còn là nơi sản sinh ra bao người con ưu tú của dân tộc. Vì được thừa hưởng nếp nhà với người cha nghiêm khắc, nổi tiếng dữ đòn, được tiếp xúc sớm với các quan điểm yêu nước của cha anh, ngay từ nhỏ, Trần Huy Liệu đã bộc lộ trí thông minh, tính cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói cũng như các bài viết trong quá trình hoạt động của mình.
Nối chí người anh ruột, ngay từ khi 17 tuổi (1918), Trần Huy Liệu đã có một số bài viết gửi đăng trên các tờ Nam Phong, Thực Nghiệp dân báo. Những bài viết thời kỳ này, nói chung còn non nớt, chưa bộc lộ rõ khuynh hướng chính
trị, tuy đã ít nhiều mang màu sắc yêu nước. Khoảng 20 tuổi, vừa xây dựng gia đình xong, ông xuống Hải Phòng rồi vào Nam cùng thầy học là cụ Bùi Trình Khiêm. Ông ra đi vì không chịu nổi sự bức bối, tù hãm của làng quê, đi vì thế giới bên ngoài đang sôi sục, vì chí trai thúc giục phải thoát ra khỏi đời sống dung tục, tầm thường. Bơ vơ nơi đất khách quê người, bản thân lại ốm đau vì không quen thung thổ, ông phải làm đủ nghề để sống từ phụ may đến học làm con dấu. Rồi trong lúc chán chường vì đói, vì bệnh tật, ông viết bài, làm thơ gửi đăng báo với khẩu khí:
Tráng sĩ đau lòng thân ỷ lại.
Anh hùng thẹn mặt cảnh vô nhan
Mặc dầu ai biết, ai không biết
Mắt thiết nào trông thấy ruột gan
Và thế là Trần Huy Liệu đã trở lại với làng báo qua bút danh Đẩu Nam quen thuộc.
Vào những năm đầu của thập kỷ 20, một số trước tác của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu được lén lút đưa vào Việt Nam đã gây xao động tâm tưởng các nhà nho cấp tiến, trong đó có Trần Huy Liệu. Nhiều người coi các tập Ẩm Băng Thất, Trung Quốc Hồn, những tập du ký của hai tác giả nói trên như sách gối đầu giường. Quan điểm hướng ngoại của Lương Khải Siêu, đặc biệt là sự ra đời Đảng Lập hiến của Bùi Quang Chiêu đã có tác động mạnh đến tư tưởng thanh niên thời bấy giờ. Một số bài viết của Trần Huy Liệu trên các tờ Nông Cổ Mín Đàm (1924), Đông Pháp thời báo (1925 - 1926) đều nhằm cổ động cho phong trào “Mưa Âu gió Mỹ” nhằm chống lại phái bảo thủ khư khư với thứ Nho giáo đã lỗi thời “Thủ tử thiên đạo”. Vào những năm này ở Việt Nam, đặc biệt là tại Nam Kỳ xuất hiện nhiều biến cố lịch sử lớn. Vụ bắt bớ rồi đem ra xét xử Phan Bội Châu, cái chết của chí sĩ Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh thần tượng của thanh niên thời bấy giờ bị bỏ tù là những đề tài để Trần Huy Liệu và bạn bè viết bài công kích nhà cầm quyền. Do chưa có quan điểm chính trị rõ ràng, Trần
Huy Liệu cũng như đa phần văn nhân, ký giả lúc đó như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Tạ Thu Thâu,... mới chỉ lên tiếng phê phán chế độ cai trị hà khắc của nhà cầm quyền thực dân, đòi nới lỏng một số quyền tự do dân chủ chứ chưa đặt vấn đề đánh đuổi người Pháp, giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, những bài viết trên tờ Đông Pháp thời báo vào năm 1926 của Trần Huy Liệu đã ít nhiều góp sức thổi bùng lên ngọn lửa căm thù giặc trong quần chúng nhân dân.
Chiến tranh thế giới lần I kết thúc, Pháp buộc phải nới lỏng một số chính sách cai trị Đông Dương. Đây là điều kiện cho các Hội, Đoàn thể, Đảng phái ra đời như Đảng Phục Việt (Bắc Kỳ), Lập Hiến (Nam Kỳ), ... Thời gian đầu những đảng này được dân chúng ủng hộ. Do các thành viên đa phần thuộc tầng lớp tư sản, tiểu tư sản thành thị nên hầu như họ chỉ đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp mình. Họ sẵn sàng bán đứng quyền lợi dân tộc khi bị nhà cầm quyền thao túng, mua chuộc. Trước thực tế đó Trần Huy Liệu đã cùng bạn bè, đồng nghiệp chung chí chí hướng đứng ra lập đảng Thanh niên. Vì chưa thoát khỏi quan điểm lập hiến của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, chưa được tiếp cận với các nguyên lý của chủ nghĩa Mác, với cách mạng tháng Mười Nga, nên khuynh hướng chính trị của Trần Huy Liệu nói riêng, của Đảng Thanh niên nói chung dần dần bị rơi vào lối mòn giống các đảng phái đương thời. Mặc dù không tồn tại lâu. Đảng Thanh niên đã dung nạp được khá đông người tham gia. Nó đã khuấy động được nhiều phong trào đấu tranh yêu nước như tổ chức cuộc biểu tình tố cáo Bùi Quang Chiêu trong dịp hắn về nước, tổ chức đám tang Phan Chu Trinh, đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh. Đây là thời kỳ Trần Huy Liệu tập trung viết cho tờ Đông Pháp thời báo và một số tờ khác có cùng khuynh hướng. Đông Pháp thời báo là một tờ báo chính trị có số lượng phát hành lớn nhất thời bấy giờ (11 ngàn bản). Nó được mọi tầng lớp nhân dân tìm đọc, ủng hộ. Từ năm 1927, khi các phong trào yêu nước, đấu tranh đòi tự do dân chủ lắng xuống, Nguyễn Kim Đính (chủ tờ Đông Pháp thời báo) gia nhập Đảng Lập Hiến, phản bội lại chí hướng ban đầu, Trần Huy Liệu đã từ chức chủ bút, chuyển sang làm
cho tờ báo Pháp – Việt Nhất Gia. Trong “Lời cáo biệt bạn đọc”, ông viết: “Tôi không thể ngồi ghế chủ bút lâu hơn một ngày nữa để nhìn tờ báo thành cơ quan tuyên truyền của bọn dối dân lừa nước”. Từ khi viết cho Pháp – Việt Nhất Gia, Trần Huy Liệu tiệp tục chí hướng của mình, tố cáo chính sách cai trị của nhà cầm quyền thực dân, vạch mặt tính giả nhân giả nghĩa của nhóm Lập Hiến, ... Tuy nhiên, khuynh hướng chính trị của Trần Huy Liệu thời kỳ này vẫn chưa thoát khỏi chủ nghĩa yêu nước thuần tuý, đôi khi ôn hoà, mền dẻo. Quan niệm này chịu ảnh hưởng ít nhiều từ cuốn “Pháp – Việt đề huề chính kiến thư” của Phan Bội Châu, tuy có phần kiên quyết, tích cực hơn.
Để giết chết tờ báo trước khi nó bị Trần Quang Nghiêm đòi lại, Trần Huy Liệu cùng bạn bè dồn hết tâm lực viết số cuối cùng. Về sự kiện này ông đã viết trong hồi ký của mình: “Bài thứ nhất là bải chửi chủ trương Pháp – Việt nhất gia theo tên tờ báo, những bài sau là vạch tội nhà băng Đông Dương và chế độ thuộc địa, rồi đến lên án chính sách bóp nghẹt quyền tự do báo chí, ngôn luận của thực dân Pháp”. Tờ báo phát hành sớm hơn thường lệ, biếu không cho độc giả đã gây chấn động Sài Gòn. Pháp – Việt nhất gia phát hành tổng cộng 27 số và ngày 13.6.1927 nó bị đóng cửa vĩnh viễn. Trần Huy Liệu bị bắt với tội danh phá rối trật tự trị an và bị xử 6 tháng tù.
Vừa ra tù, đầu năm 1928, Trần Huy Liệu sáng lập “Cường học thư xã” mô phỏng theo “Cường học hội” của Lương Khải Siêu. Cường học thư xã một mặt cho dịch và xuất bản hàng loạt trước tác của Lương Khải Siêu, mặt khác cũng ấn hành những cuốn sách do ông và đồng sự viết như: Một bầu tâm sự, Ngục trung ký sự, Gương hi sinh, Vì nhân khai quốc, Câu chuyện chung,... Nói chung, tư tưởng chính của những cuốn sách này mang màu sắc quốc gia cách mạng gần gũi với quan điểm của Việt Nam Quốc dân Đảng (ra đời tháng 12 năm 1927), bộc lộ rõ tư tưởng dân chủ tư sản đang phát triển mạnh lúc đó. Trần Huy Liệu gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng và nhanh chóng trở thành yếu nhân của đảng tại Nam Kỳ.
Với chủ trương bạo động, ngày 9.2.1929 Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức cuộc ám sát tên trùm mộ phu Bađanh. Đây là cái cớ để người Pháp thẳng tay đàn áp các đảng phái yêu nước, khuynh tả. Trần Huy Liệu cùng một số đồng chí bị bắt, bị đày đi Côn Lôn. Tại đây, ông cùng các tù nhân chính trị cho ra tờ Hòn Cau (tên Hòn Đảo nơi ông bị giam giữ). Đây là một trong những tờ đầu tiên khởi nguồn cho dòng báo chí bí mật trong tù.
Khi còn tự do, thông qua Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), một nhà lý luận Macxít, Trần Huy Liệu đã phần nào có thiện cảm với những người tù cộng sản tư tưởng chính trị trong con người ông xuất hiện những xao động lớn. Tuy nhiên, thời gian này Trần Huy Liệu chưa bộc lộ dứt khoát bởi quan niệm “Gái trinh không lấy hai chồng”, “Tôi trung không thờ hai chúa” luôn vò xé tâm can ông. Sau khi ra tù (cuối năm 1934), ông bị nhà cầm quyền thực dân đưa về quản thúc tại quê nhà. Hoàn cảnh đó cộng với những khó khăn trong cuộc sống thôn quê đã buộc ông phải xa rời hoạt động chính trị xã hội một thời gian. Nỗi chán chường về sức trai bị giam hãm, lý tưởng không được phỉ chí đã bộc lộ rất rõ trong mấy câu thơ:
Mười một năm nay trở lại nhà
Nhà thì đã cháy vợ thì xa
Bà con thân thích nghèo xơ xác
Vườn cũ còn cây núc nác già
Tới đầu năm 1935 Trần Huy Liệu đã tìm cách thoát ra Hà Nội. Trong hơn một năm ông tham gia hoặc cộng tác với một số tờ báo như Đời mới, Bắc Hà, Tiếng Vang làng báo, Kiến văn, Tương lai (L’Avenir)... Nói chung, những bài viết của ông thời kỳ này vẫn chỉ dừng ở mức độ tố cáo chế độ nhà tù thực dân, phê phán tinh thần bạc nhược của một số cây bút lãng mạn đương thời. Mặc dù người Pháp coi những tờ báo này như là “ổ cộng sản” nhưng thực tế, chúng mang nhiều màu sắc chính trị khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Đây là sự biểu hiện rất rõ sự khủng hoảng chính trị trong con người Trần Huy Liệu
của tầng lớp thanh niên thời bấy giờ trước sự thoái trào của các phong trào cách mạng.
Những năm giữa thập kỷ 30 chủ nghĩa phát xít hình thành, đặt nhân loại trước nguy cơ một cuộc chiến tranh mới. Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp đã tác động rất lớn đến Đảng cộng sản Việt Nam. Hàng trăm đảng viên được thả đã nhanh chóng trở lại trường hoạt động. Dựa vào nghị quyết của Quốc tế Cộng sản VII, Đảng ta tạm gác khẩu hiệu độc lập dân tộc chuyển sang đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, vận động thành lập mặt trận dân chủ, nhằm vào kẻ thù trước mắt là bọn phản động thuộc địa và tay sai, vào chủ nghĩa phát xít, trực tiếp là bọn phát xít Nhật. Đảng còn chủ trương đưa một số đảng viên hoặc quần chúng cách mạng ra tranh cử vào các Viện dân biểu để đấu tranh nghị trường. Thực tế đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của báo chí, đặc biệt là báo chí công khai, hợp pháp. Chính vì vậy, chỉ trong vài năm (1936 – 1939) hệ thống báo chí của Đảng ta được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Đây cũng là thời kỳ Trần Huy Liệu được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam (5.1930). Ông là một trong những trụ cột của hàng loạt tờ báo Đảng nổi tiếng thời bấy giờ như các tờ: Khỏe (do Trần Đăng Ninh chủ trương, chưa kịp ra số đầu đã bị thu hồi giấy phép), Lao động (Le Travail), Thời thế, Bạn dân, Tin tức, Đời nay,... Những bài viết của Trần Huy Liệu lúc này chủ yếu tập trung hô hào vận động việc tổ chức Đông Dương đại hội, thành lập Hội truyền bá chữ quốc ngữ, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, về nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, đề cập đến đấu tranh giai cấp, phê phán phái Bảo Hoàng, chống Trôkít, ... Trong số những nội dung trên, ông đặc biệt chú trọng viết bài tuyên truyền, vận động cho người của Đảng tham gia tranh cử vào viện dân biểu, vạch trần thủ đoạn của bọn mua bán phiếu, dùng thế lực quan trường ép dân chúng, tố cáo nhà cầm quyền và một số cá nhân đã khủng bố những ứng cử viên của Mặt trận dân chủ Đông Dương...
Chiến tranh thế giới nổ ra (1939), để ổn định chính trị an ninh ở các xứ
thuộc địa, đảng cầm quyền cánh hữu Pháp đã ban hành hoàng loạt biện pháp khẩn trương, trong đó có việc đặt Đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Nhiều đảng viên, những nhà cách mạng yêu nước Việt Nam đã bị nhà cầm quyền bắt giữ. Trần Huy Liệu và một số đồng chí bị đày đi Sơn La. Trong cuộc sống gian khổ của nhà tù, ông vẫn cùng những người tù cộng sản tích cực hoạt động báo chí. Khi còn ở Sơn La, ông và đồng đội cho ra tờ Tiếng suối reo, khi chuyển sang trại Bá Vân lai ra tờ Dòng sông Công, đến Nghĩa Lộ có tờ Đường Nghĩa. Những tờ báo này đã có công rất lớn trong việc tuyên truyền giáo dục tư tưởng cộng sản cho các cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân quanh vùng. Nó là động lực thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các chính trị phạm, là lợi khí đấu tranh với chế độ nhà tù, giác ngộ người dân tộc thiểu số tham gia cách mạng.
Chiến tranh thế giới thứ II chuẩn bị kết thúc, việc quân đội Nhật hất cẳng người Pháp (9.3.1945) đã khuấy động không khí nhà tù. Trần Huy Liệu và các đồng chí rất sốt ruột, biết rằng ngoài kia đang rất cần những con người như ông. Sau mấy lần thất bại, cuối cùng ông cũng vượt ngục được. Sau hàng tháng trời băng rừng, ông về đến Hà Nội và bắt được liên lạc ngay. Trong những ngày đầu bỡ ngỡ, ông được tổ chức bố trí làm báo Cứu quốc bí mật tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) cho tới sát ngày diễn ra Đại hội quốc dân ở Tân Trào (Tuyên Quang). Tại Đại hội Trần Huy Liệu là người giúp đồng chí Võ Nguyên Giáp thảo bản quân lệnh số 1 phát động tổng khởi nghĩa. Kết thúc Đại hội, ông được bầu làm phó chủ tịch Uỷ ban dân tộc giải phóng. Từ đây, sự nghiệp chính trị, con đường nghiên cứu sử học đã không cho phép Trần Huy Liệu hoạt động báo chí sôi nổi như trước nữa. Những công trình khoa học, những bài nghiên cứu của ông trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Không phải ngẫu nhiên mà cho đến nay nhiều người vẫn coi Trần Huy Liệu là anh cả của giới sử học.
Trong toàn bộ cuộc đời của mình, Trần Huy Liệu đã viết khoảng 30 đầu
sách và hàng nghìn bài báo dưới hàng chục bút danh như Nam Kiều, Côi Vị, Hải Khách, Hải Thu,... Song rất tiếc, sau 30 năm ngày mất của ông, chúng ta vẫn chưa có công trình sưu tập, nghiên cứu những bài viết đó một cách tương xứng. Đây là một thực tế rất đáng tiếc đối với một nhà báo, nhà văn, nhà chính trị, nhà khoa học đàn anh Trần Huy Liệu.

THÉP MỚI - CÂY BÚT TÀI HOA



Thép Mới là nhà báo tài hoa nhất trong số những nhà báo Việt Nam mà tôi biết đến. Anh là người có thực tài, thực học. Một con người say xưa tìm tòi cái mới, sáng tạo phong cách mới. Một người làm báo với tâm hồn nghệ sĩ. Tôi cảm nhận anh luôn tự đặt cho mình lúc thể hiện các tác phẩm là phải làm thế nào đi theo một con đường chưa từng có bước chân ai. Văn anh nhiều hình ảnh, nhiều âm thanh, giàu màu sắc; đọc lên lúc nào ta cũng thấy văn mạch tuôn ra cuồn cuộn, thoải mái, tưởng như rất dễ dàng từ nguồn cảm hứng vô tận của tác giả, song trên thực tế đã trải qua một quá trình sưu tầm, suy tư, trăn trở lao động đến đau khổ của người cầm bút - điều này chỉ những bạn cùng nghề thân thiết và có dịp sống gần anh mới hiểu tường tận.
Anh là một trong những nhà viết văn xuôi nổi tiếng thuộc thế hệ trưởng thành sau Cách mạng tháng Tám. Thế mà sau khi đã thành danh, đã tham gia Ban chấp hành Hội nhà văn mấy khoá, tác phẩm đã được đưa vào sách giáo khoa, trong một bức thư gửi bạn cầm bút, anh còn tự đặt ra câu hỏi: “Không biết mình có phải nhà văn không?”.
Thép mới là con người suốt đời đi tìm cái mới, bắt đầu từ bút hiệu của anh – cho dù trong cuộc đời sáng tạo khá dài, anh không khỏi có lúc tự lặp lại mình. Điều này là thông thường thôi, khó tránh ngay cả ở những văn hào lớn
nhất thế giới. Hình như trước Thép Mới, ở Việt Nam ít ai chọn bút danh “nôm na” như anh từ mấy nhà thơ trào phúng. Thế hệ cựu học Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Ngạc Am Võ Liêm Sơn đã đành, mà ngay các vị tây học như Nguyễn Tường Tam vẫn ký là Nhất Linh, Nguyễn Khoa Văn là Hải Triều; Trần Khánh Giư, Lê Văn Bái khi đảo các ký tự của tên mình để trở thành Khái Hưng hoặc j. Leiba thì những bút danh này vẫn mang âm sắc Việt Hán hoặc tự dạng Pháp. Còn Thép Mới là hoàn toàn Việt Nam.
Sau ngày nhân dân Cu Ba giành lại được tự do và thiết lập chính quyền mới (1959), Thép Mới là nhà báo Việt Nam đầu tiên sang thăm đảo quốc này. Trở về anh viết một loạt phóng sự hừng hực hơi thở mới. Loạt bài được tập hợp và xuất bản ngay thành sách Hiên ngang Cu Ba có tiếng vang lớn trong bạn đọc thời bấy giờ. Có lẽ Thép Mới là người đầu tiên trong làng báo đặt tính từ bổ ngữ lên trước chủ ngữ trong đầu đề để tạo ấn tượng mạnh và anh đã thành công. Cùng với Lặng lẽ SaPa, truyện ngắn nổi tiếng cùng thời của Nguyễn Thành Long, cách đặt đề bài này được nhiều người bắt chước, và đến nay thì trên các trang báo đã bão hoà tới mức chán chường. Trước tập ký của Thép Mới, báo chí thường phiên âm Cu Ba là Quy Ba đọc theo tiếng Pháp và dường như còn có một lý do nữa là từ Cu nghe không được văn chương cho lắm. Báo Nhân dân chấp nhận cách phiên âm mới. Thoạt đầu cũng có sự ngỡ ngàng nào đó – và cả sự phản ứng của một số người nữa – song ngày nay thì có ai còn nhớ đến cách viết “đảo quốc Quy Ba”?
Đi theo lối mòn là điều tối kỵ đối với Thép Mới.
*
Chuyện về tài hoa sáng tạo của Thép Mới chắc còn phải nói dài dài. Trong làng văn, làng báo của ta tôi nghĩ ít có người viết bút ký chính luận hay như anh. Thép Mới kết hợp tài tình tư liệu quá khứ với yêu cầu thời sự, khéo khai thác ý kiến người khác rồi nâng lên và phát triển thành tư duy mang dấu ấn của riêng mình. Tôi được biết đang có một số công trình nghiên cứu về sự
nghiệp báo chí – văn học của anh. Cũng đã đến lúc rồi. Anh ra đi đến nay đã ngót mười năm, đủ độ lùi cần thiết về thời gian để bình tâm nhìn lại.
Riêng tôi, thỉnh thoảng nghĩ về nghề nghiệp tôi lại nhớ đến anh. Nhớ những chuyến cùng nhau đi thâm nhập nông thôn. Nhớ con người rất hào hoa mà cũng rất dân dã. Thép Mới ý thức được mặt yếu của mình do môi trường sinh trưởng và học hành ở thành phố, vì vậy anh quyết tâm chan hoà với những con người lao động chân lấm tay bùn trong thời kỳ kháng chiến chín năm và những ngày miền Bắc tiến hành cải tạo nông nghiệp, thành lập hợp tác xã vào cuối những năm 50. Nhớ chuyến cùng nhau chia thành hai mũi phóng viên hướng về Sài Gòn và cùng gặp nhau ngày đầu tháng năm 75 lịch sử ở thành phố Hồ Chí Minh; rồi tôi cùng Thép Mới ở lại Sài Gòn thành lập Ban đại diện báo Nhân dân do anh phụ trách. Đặc biệt nghĩ đến tấm lòng của anh, tấm lòng một người miền Bắc đối với đồng bào ruột thịt miền Nam qua mấy bức thư anh viết cho tôi từ chiến trường vào những ngày chiến tranh ác liệt nhất mà tôi vẫn trân trọng giữ gìn. Tâm tư của Thép Mới thật ra cũng là suy nghĩ của hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn vào Nam tham gia chiến đấu giải phóng đất nước, song Thép Mới đã biết thể hiện với tất cả tâm hồn nồng cháy và bút lực sôi nổi. Tôi biết tiếng anh từ trước, nhưng mãi đến khi được sung vào đội ngũ về tiếp quản Thủ đô Hà Nội rồi được cùng anh công tác ở Toà soạn báo Nhân dân, hai anh em mới chơi thân với nhau. Anh lớn tuổi hơn tôi, lúc này đã là nhà báo nổi tiếng, lại vốn là sinh viên Hà Nội hào hoa đi nhiều biết rộng. Còn tôi tuy cũng đã theo nghề viết lách được ít lâu song mới từ vùng nông thôn kháng chiến ra, còn quê một cục. Anh nhiều lần chịu khó dẫn tôi đi sâu vào ngóc ngách ba mươi sáu phố phường, chắc cũng có hàm ý tốt là để tôi quen dần với môi trường mới, điều mà tôi rất biết ơn.
Vài năm sau, báo Nhân dân chủ trương đưa một số phóng viên trẻ về thường trú các địa phương nhằm đào tạo lâu dài. Anh Hồng Hà ra vùng mỏ, anh Anh Vũ về thành phố cảng, tôi được cử đi liên khu 3 mà trọng điểm là thành
phố dệt, vừa có công vừa có nông. Nam Định chính là quê Thép Mới – bà cụ thân sinh anh có một ngôi nhà nhỏ ỏ phố Trần Hưng Đạo – chúng tôi có nhiều dịp cùng nhau về tận các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Hồi ấy đi xe đạp, đường sá xấu và cách trở đò giang, về tới vùng biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng cũng đã coi như xa xôi lắm.
Nhưng rồi sự phân công của cơ quan đưa chúng tôi mỗi người đi sâu vào một hướng. Tôi được giao mảng nông thôn, quẩn quanh với bần cố trung nông. Anh là phóng viên đặc phái theo các chuyến công du của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo ra nước ngoài, mà sau mỗi chuyến đi về anh lại sản xuất cả một loạt phóng sự – tuỳ bút đăng nhiều kỳ, chất báo và chất thơ, chính luận và ngẫu hứng nhuần nhị quyện lấy nhau, cuốn hút bạn đọc.
Năm 1965, Thép Mới đi chiến trường miền Nam
Một lần, từ một vùng quê Bắc bộ, nhớ đến anh nhiều, tôi viết một bức thư dài cho anh, tán chuyện trên trời dưới đất chốn Bắc Hà. Thư gửi đi cuối mùa xuân, đến mùa thu mới được hồi âm. Hoá ra anh vừa đi một chuyến công tác vào vùng sâu. Cũng một bức thư dài, nét chữ của anh vẫn rất rõ ràng, đều đặn, ngang hàng thẳng lối. Anh lộ rõ sự phấn chấn qua các dòng viết dù đạn bom ác liệt.
Thép Mới lúc này “... chẳng những nhớ nhà mà thôi mà còn nhớ các bạn lắm. Mỗi người bạn là một điểm sáng trong thế giới tinh thần của con người” – anh viết vậy.
“ Mình nhớ mùa thu Hà Nội lạ. Trong này ít có mùa thu, chỉ có những dáng trời êm mát sau mưa. Có đi xa mới thấy Hà Nội thật là đẹp. Cái màu trời của Hà Nội là đẹp nhất. Khi (mình đang) viết thư nghe đài biết (Hà Nội) bão cấp 9. Cho là bão cũng vẫn đẹp đi.
Cái màu tâm hồn nữa cũng gây nhớ lạ lùng. Từ khói lửa, mình nghe bài anh Đồng (Phạm Văn Đồng) nói về “cái quý nhất của con người, của xã hội là một đời sống văn hoá, tinh thần và tình cảm cao đẹp”. Nói thế là đáng chết vì
Hà Nội rồi.
... Mình đã mấy lần thấy cái chết ngay bên cạnh mình nên nhìn đời bây giờ thấy trong sáng hơn. Trước kia mình vẫn coi mọi sự là phù du hết, giờ vẫn thế nhưng chỉ có lẽ sống là tồn tại. Có một lần mình nằm hầm trú máy bay ở vùng ven (1) suốt gần một giờ đến 6 giờ chiều, ông chi uỷ xã ngồi bên cạnh mình trúng đạn xuyên nóc hầm vật ra chết trước mắt mình, mười lăm phút sau một ông nữa đạn trúng sọ não ngay sát sau lưng mình. ồ, bao giờ mình phải viết về hai đồng chí già ấy mới được. Giờ phút cuối cùng của một con người, mình nhìn thấy rõ trong thời gian chậm chạp trôi đi. Năm ngoái mình đã trôn Đinh Thuý. Lòng mình đầy kỷ niệm và điểm sáng của bao nhiêu tình bạn.
Mình bao giờ về sẽ kể các cậu nghe những ngày mình sống trong Sài Gòn và những con người Sài Gòn mình đã gặp. Mình cũng thấy tin yêu ghê ghớm nhưng chưa đủ tài liệu và chưa tìm được cách nói. Mình tự đặt cho mình nhiệm vụ là người Hà Nội phải biết nói về người Sài Gòn. Hết tháng này mình có dịp, phối hợp với việc chung, đi sâu vào vấn đề đó (2). Gặp Bổng (Nguyễn Văn Bổng. Bổng ở đâu, Bổng hiểu nhiều nhưng Bổng bận nhiều và cần lùi ra xa để nhìn lại. Nhớ Hà Nội vì con người ta bao giờ cũng muốn về chỗ sáng nhưng thực sự làm nhà văn không – thì phải xông vào Sài Gòn. Ly kỳ và dữ dội nhất.
ồ, nói thế thì Phan Quang nhà tôi lại sốt ruột (muốn vào Nam) rồi coi rẻ vấn đề năm tấn mất thôi. Anh phải biết trong này chúng tôi mê nhất là bài ca cánh đồng năm tân do Bích Liên hát. Mê chết đi được. Lão Nguyễn Văn Tý giỏi thật, viết xã luận trữ tình bằng bài ca...
Thăm chị P.Q., thăm P.Q con. Thằng bé ham đọc sách thì lúc nào mình phải viết một chuyện thiếu nhi mới được. Không, mình có ý định viết một cuốn Encyclopédie de la jeunesse (Bách khoa toàn thư về tuổi trẻ) nói về những sự việc mà mỗi người lớn cần biết ở thế giới và ở nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sẽ cho năm 1975.
Trong một thư tiếp theo gửi nhân dịp Tết nguyên đán, Thép Mới chúc tôi
và anh em ở bộ phận tôi phụ trách, anh còn nhờ “gửi lời thăm Chế Lan Viên và các đồng chí văn nghệ khu 4. Anh cho biết đã đọc các bài về lễ tang Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1967). Thép Mới viết: “Tôi nghe nói nó ném bom phố tôi (ở Nam Định). Vợ tôi bảo ngôi nhà có thể chén bom. Không tiếc gì hết, sẽ xây dựng lại to lớn hơn, đàng hoàng hơn. Mình chỉ tiếc mấy cái tượng thôi (mấy cái tượng nhỏ anh đi nước ngoài về làm kỷ niệm)”.
Thép Mới đã thực hiện được kế hoạch của mình “đi sâu vào vấn đề”. Trước tết Mậu Thân, anh được giao nhiệm vụ vào lại nội thành Sài Gòn để làm báo, viết văn và làm một số công việc đặc biệt khác.
Trở lại miền Bắc, anh làm Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, và đúng như anh ước mơ, đầu năm 1975, Thép Mới lại có dịp lên đường vào Sài Gòn. Lần này xuất phát từ Hà Nội, bằng xe hơi theo đường Hồ Chí Minh. Như đã nói, tôi may mắn có dịp được xuất quân cùng một lần voíư Thép Mới. Lúc này chiến dịch giải phóng miền Nam đã được mở màn bằng chiến thắng Tây Nguyên. Hai tốp phóng viên báo Đảng lên đường trên hai chiếc xe dã chiến mới nhận, mới toanh.
Tối đầu tiên hai đoàn cùng nghỉ tại Thanh Hoá cho thư thái. Thép Mới lôi các thứ của quý của mình ra, sẻ một ít chiêu đãi anh em. Đó là những món ăn “đặc biệt Bắc Kỳ” như lời anh giới thiệu mà cụ thân mẫu anh đã tự tay chuẩn bị cho con trai trở lại chiến trường, xếp chật một góc sau chiếc com-măng- ca, bởi cụ chuẩn bị đâu chỉ có cho một mình con.
Sáng hôm sau, hai tốp chia tay nhau. Thép Mới theo đường Hồ Chí Minh đi thẳng vào miền đông Nam Bộ. Anh Trần Kiên và tôi theo quốc lộ 1 đi dần vào Quảng Trị giải phóng, vào Huế giải phóng, vào Đà Nẵng giải phóng rồi theo miền duyên hải tiếp tục đi vào sâu hơn.
ít lâu sau, Thép Mới theo đại quân tiến vào Sài Gòn. Anh Trần Kiên cũng đã vào. Tôi từ Phan Thiết giải phóng bôn vào thành phố, muộn hơn các anh em một ngày, ba anh em cùng gặp nhau ở dinh Độc lập.
Thép Mới hăm hở định bắt tay viết về những con người Sài Gòn nhưng công tác lãnh đạo cơ quan những ngày đầu giải phóng buộc anh phải tạm gác ước mơ của mình.

Nguyễn An Ninh - “Chuông rè kêu khắp tây đông!”

TS. HOÀNG VĂN QUANG

Đến nay, nhiều bậc lão niên Nam Bộ vẫn còn nhớ như in hình ảnh một chàng trai thấp đậm, mắt một mí mơ màng, gợn buồn, mái tóc dài bù xù đầy vẻ triết gia, vận chiếc áo dài thâm ôm chồng báo Chuông rè (Laclochefêleé) tới những con hẻm bán dạo. Anh ta đi tới đâu là mật thám bu tới đó. Nhiều người bị mất việc, bị đuổi học, tù tội chỉ vì đọc Chuông rè. Điều này vẫn không ngăn cản được độc giả tìm đến với tờ báo ngày càng đông hơn. Có thanh niên đứng nấp sau bờ tường cả buổi chờ người bán báo đặc biệt đó đi qua là nhảy xô ra, giật lấy tờ báo, giúi vào tay chủ nhân nắm tiền rồi chạy vút vào ngõ thông sang phố khác. Mấy tay mật thám chỉ còn nước giậm chân, lắc đầu, tức tối nhìn theo. Người chủ báo, kiêm ký giả, biên tập và tự mình đi bán báo đó chính là Nguyễn An Ninh, thần tượng của người dân Nam kỳ lúc bấy giờ.
TÌM ĐƯỜNG
Theo sổ bộ đời, tên chính xác của Nguyễn An Ninh là Nguyễn Văn Ninh. Các hồ sơ xử án ông trước đây đều ghi tên là Nguyễn Văn Ninh tự Nguyễn An Ninh sinh 9- 1900 (có tài liệu ghi 1899) tại Mỹ Hoà - Hóc Môn (Gia Định cũ) trong một gia đình Nho học, có truyền thống yêu nước. Người cha, Nguyễn An Khương vốn là nhà văn, nhà thơ theo phái cựu học, đã từng viết nhiều bài cổ xuý cho lòng tự tôn dân tộc trên tờ Nông cổ mín đàm, là dịch giả của Tam quốc chí, Phấn trang lầu, Phong trần, là người viết nhiều cuốn sách giáo khoa bằng văn vần cho trẻ em. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, ông đã cùng người em trai Nguyễn An Cư (biệt danh Hoa Đà Hóc Môn), em gái và những người cùng chí hướng như Gilbert Chiếu hưởng ứng, tham gia phong trào Duy Tân, xây dựng khách sạn Chiêu Nam lầu làm nơi trú ngụ cho các nhà yêu nước, làm kinh tài cho tổ chức. Sau khi phong trào đông kinh nghĩa thục bị giải tán, anh em nhà Nguyễn An lại lập ra phong trào Đông Du. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh gia đình như vậy, Nguyễn An Ninh đã học được nhiều điều, sớm xác định cho mình
một chí hướng. Ngay từ khi còn nhỏ, trong trường tiểu học, ông đã nổi tiếng là đứa trẻ bất khuất, sẵn sàng đánh nhau với đám con Tây, bảo vệ những học trò yếu đuối cùng nòi giống với mình.
16 tuổi, Nguyễn An Ninh tốt nghiệp phổ thông trung học (Brevet – élémẻnteire), ông thử bước vào làm báo. Do còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm, ông chưa được phân công viết những bài có giá trị, chủ yếu giữ chân phóng viên tập sự, thu lượm tin tức tầm thường. Trước những thất bại của cuộc khởi nghĩa Phan Xích Long, cuộc bạo động ở tỉnh Thái Nguyên của Đội Cấn (Trịnh Văn Cấn), Lương Ngọc Quyến, sự bất hợp tác, bỏ vào rừng của vua Duy Tân, Nguyễn An Ninh nhận thức được rằng muốn đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi vòng lầm than, ngoài lòng yêu nước, người thanh niên phải có tầm nhìn rộng rãi về thế giới, phải có học thức vững vàng. Với suy nghĩ đó, Nguyễn An Ninh bỏ ra Hà Nội ứng thi vào Cao đẳng Y khoa và trúng tuyển với điểm số cao. Học chưa hết năm thứ hai, ông bỏ sang Pháp (1918) thi vào trường đại học Sorbonne – Pari, khoa Luật. Chỉ hai năm sau, ông đã lấy được bằng cử nhân, trước kỳ hạn 1 năm. Nhiều người khuyên Nguyễn An Ninh học tiếp lên bậc tiến sĩ. Nhà nước Pháp cũng sẵn sàng mở rộng cửa đón chào người thanh niên đầy triển vọng, nhưng ông đã từ chối tất cả. Ông quyết định ở lại Pháp để tự tìm tòi, nghiên cứu thêm về triết học, chính trị, tôn giáo. Trong mấy năm ở Pari ông kết giao rộng rãi, qua lại thường xuyên với nhóm Ngũ Hổ tại số 6 Villa Desgobélens gồm Tây Hồ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Phạm Thế Song, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành. Ông cũng là bạn của Thánh Gandhi (lãnh tụ của Ấn Độ sau này). Để có tiền sinh sống, Nguyễn An Ninh phải làm đủ nghề từ tạp dịch, viết báo, người mẫu cho hoạ sĩ... Cuối 1922 ông về nước.
CHUÔNG RÈ LÊN TIẾNG
Ngay từ khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) sắp nổ ra, để giữ chọn hoà ổn các xứ thuộc địa, người Pháp chủ trương áp dụng những chính sách cai trị mền dẻo. Khẩu hiệu Pháp – Việt đề huề, Pháp – Việt nhất gia được
các tờ báo của nhà cầm quyền như Đông Dương tạp chí (1913), Nam Phong tạp chí (1917) tuyên truyền ầm ĩ. Thông qua những tờ báo phục vụ chủ thuyết A.Sarraut hàng loạt văn hoá phẩm của Pháp và phương Tây được dịch sang tiếng Việt, một mặt nhằm phổ biến kiến thức cho dân bản xứ, mặt khác, làm cho người dân thuộc địa có tâm lý sợ Pháp, phục Pháp. Bên cạnh đó, người Pháp cũng không loại bỏ ngay ảnh hưởng của Trung Quốc, thậm chí họ còn khuyến khích dịch các áng văn cổ từ chữ Hán sang Quốc ngữ để tầng lớp sĩ phu Việt Nam mải sống trong hư văn, lãng quên đấu tranh. Sự đa dạng hoá về tư tưởng sẽ làm tầng lớp thanh niên trí thức rơi vào tâm trạng mơ hồ trong nhận thức, làm lu mờ hình ảnh Cách mạng tháng Mười Nga, phần nào làm phai nhạt vai trò của các phong trào cộng sản đang lên.
Nguyễn An Ninh, cũng như bao thanh niên có tâm huyết khác, khó mà thoát khỏi những thủ đoạn chính trị hết sức tinh vi này. Chính vì vậy, những năm đầu trở về nước (1922 - 1925) những bài viết, bài diễn thuyết của Nguyễn An Ninh còn khá hỗn độn, khuynh hướng chính trị cũng chưa rõ ràng, cho dù trước đó ông đã có quan hệ với Nguyễn Tất Thành (thành viên của Quốc tế cộng sản III, là một trong những sáng lập viên Đảng cộng sản Pháp); đã từng sửa chữa bài vở cho Le Paria (Người cùng khổ – Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa) và sau này là đại lý cho Le Paria ở trong nước. Thời kỳ này ông viết, dịch, tổ chức nhiều buổi diễn thuyết khá rầm rộ như buổi diễn thuyết về đề tài “Xây dựng một nền văn hoá cho người Việt Nam” - 1 - 1923. Tháng 10- 1923 Nguyễn An Ninh lại diễn thuyết về “Cao vọng của thanh niên Việt Nam”, cùng thời gian này ông cho dịch bản Dân ước (Le Contrat Social) của J.J.Rousseau. Có lẽ đây là thời kỳ Nguyễn An Ninh đang mày mò đi tìm các giải pháp xã hội. Trên diễn đàn của Hội khuyến học Sài Gòn (15-10-1923) ông nhấn mạnh: chìa khoá tạo nên sức mạnh Việt Nam chính là tri thức và văn hoá. Sự kết hợp giữa văn minh phương Đông (chủ yếu có nguồn gốc Trung Hoa) với văn minh phương Tây (do người Pháp đem lại) sẽ tạo ra bản sắc riêng của văn
minh Việt Nam. Theo ông, nền văn hóa Việt Nam, dù không có bề dày như Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng cũng đáng giữ gìn. Nếu cái đó được bảo vệ tốt, chúng ta sẽ không phải lo lắng nhiều cho tương lai, dù hiện tại đất nước vẫn nằm trong vòng nô lệ. Nội dung này không khác bao nhiêu với quan niệm của một số triết gia tư sản phương Tây, đại ý: Một dân tộc mà giữ gìn được ngôn ngữ, dân tộc đó sẽ không bao giờ mất đi. Đây cũng là nội dung chính của cuộc tranh luận về truyện Kiều do Phạm Quỳnh và một số tri thức xu thời phát động: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”. Cũng trong bài diễn thuyết “Cao vọng thanh niên Việt Nam” tuy có đôi chỗ Nguyễn An Ninh bàn về đám đông, về các tổ chức thanh niên, nhưng ông lại rất đề cao vai trò cá nhân, coi các bậc đại nhân, siêu nhân là đối tượng duy nhất có khả năng làm xoay chuyển tất cả. Các đấng, các bậc đó không xuất phát từ trong dân chúng, mà như từ thế giới khác đến...”. Dân ta cần có bậc đại nhân ra giúp thì chưa đủ, phải đem lòng trông đợi các bậc ấy, phải lên chót non cao, xuống nơi rừng sâu, ở đâu mà có phơ phất cái hồn của Nam Việt, rồi ráng hết sức mà kêu gọi các bậc đại nhân, thánh nhân ra. Có lẽ như vậy ta làm cho cảm động được các thế lực lạ thường mà sinh ra người hạ thường đó... Miệng ta mỗi ngày phải kêu, vái, khẩn, niệm cho sinh ra bậc thánh nhân...”. Dường như đây chỉ là sự diễn giải dòng Chủ nghĩa siêu nhân cảu Nietzsche “Cái gọi là dân tộc chỉ là sự đi vòng của tạo hoá nhằm sinh ra một vài vĩ nhân”. Nói cách khác, Nguyễn An Ninh quan niệm “nền văn hoá cần thiết cho dân tộc ta phải là một nền văn hoá tinh thần, lấy chủ nghĩa nhân văn của Pháp làm cơ sở để thấu hiểu nền văn hoá Viễn Đông”. Việc đấu tranh tư tưởng bó hẹp trong phạm vi cải cách xã hội này phần nào gần gũi với Gandhi, với Tagore. Nó còn đeo đẳng Nguyễn An Ninh một thời gian dài, khi ông ra tờ Chuông rè (Laclochefêlée). Tờ báo ra số 1 ngày 10-12-1923 bằng tiếng Pháp, tiêu đề ghi “Cơ quan tuyên truyền cho tư tưởng của nước Pháp”.
NHÀ YÊU NƯỚC TRẺ TUỔI
Trong 20 số đầu, Chuông rè do Nguyễn An Ninh làm chủ nhiệm, khá phức tạp về màu sắc chính trị, giọng điệu. Bên cạnh những nội dung miêu tả thành tựu khoa học, văn hoá Pháp và phương Tây là những bài phê phán đạo đức công chức, công kích có giới hạn một số chính sách cai trị của nhà cầm quyền thực dân như các vấn đề thuế khoá, giáo dục, phu phen, bàn về những khái niệm chính trị thông thường. Ông ít bàn về tự do, hầu như không đặt ra vấn đề độc lập dân tộc. Khái niệm tự do nếu có được nói đến, cũng chỉ là thứ tự do tư sản, vô chính phủ: “Bây giờ đòi tự do để làm gì? Một em bé đang chập chững có cần cả cái trái đất để tập đi không?... Không, không, vấn đề cốt tử của nòi giống ta là vấn đề xã hội...”
Nói chung, đường lối đấu tranh của Nguyễn An Ninh lúc này mới chỉ mang màu sắc yêu nước đơn thuần đậm đặc tính dung hoà, mềm dẻo, thậm chí ít nhiều cải lương “kẻ chiến thắng chỉ có sức mạnh vật chất, kẻ chiến bại bị bó tay có thể dùng sức mạnh tinh thần để chống trả lại” – (Chuông rè – số 19 – 14 – 7 - 1924). Rõ ràng là để giải quyết vấn đề dân tộcd, bạo lực cách mạng chưa bao giờ được Nguyễn An Ninh đặt ra. Tư tưởng này rất gần với Phan Chu Trinh, người luôn được Nguyễn An Ninh coi như người thầy tinh thần của mình.
Từ số 20, Chuông rè do Phan Văn Trường (Tiến sĩ Luật, là nhà Mác xít đầu tiên của Việt Nam) điều khiển, có sự thay đổi đáng kể về cả nội dung lẫn hình thức. Tỷ lệ bài chính trị, công kích nhà cầm quyền tăng trong khi những bài tuyên truyền văn minh Pháp lại giảm. Tiêu đề “Cơ quan tuyên truyền cho tư tưởng của nước Pháp” giờ được thay là “Cơ quan truyền bá dân chủ” và từ cuối năm 1925 được viết thêm dòng chữ “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Đối tượng để tờ báo phê phán lúc này không dừng ở hạng công chức vừa và nhỏ, những chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội mà còn mở rộng đến cả tầng lớp chóp bu như Toàn quyền Đông Dương, vua chúa Nam Triều, thường xuyên đề cập đến các vấn đề chính trị lớn nhỏ trong nước. Đây cũng là thời điểm Chuông rè bước đầu giới thiệu về nước Nga Xô viết, Cách mạng tháng 10, trích dịch
những bài của tờ L’humanite (cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Pháp.
Mặc dù vậy, Chuông rè chưa bộc lộ rõ khuynh hướng chính trị, dường như tờ báo mới chỉ coi trọng nhiệm vụ mô tả trung thực hiện thực đời sống, tránh bình luận, thiên kiến. Tuy nhiên, trước thời điểm 1925, hầu hết các tờ báo hợp pháp trong nước đều né tránh các nội dung chính trị, nên Chuông Rè rất được người đọc hoan nghênh. Nó đã bị nhà cầm quyền gây khó dễ, đã hơn một lần Phan Văn Trường và các đồng sự bị gọi lên Sở mật thám răn đe, thậm chí bị tù. Có thể coi Chuông rè là sự mở đường cho dòng báo chí yêu nước sau này. Tờ báo đã làm lay động tâm hồn biết bao con người có tâm huyết với số phận dân tộc. Bùi Thế Mỹ, một cây bút được liệt vào hạng Tam tài (gồm Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ) của xứ Nam Kỳ đã cổ động cho Chuông rè như sau:
... Kìa! kìa! nghe tiếng Chuông rè!
Chuông rè lên tiếng gọi đời
Bỏ khi lửa đốt bỏ hồi than nung
Chuông rè kêu khắp tây đông
Sông Ngưu sóng dậy, núi Nùng cây lay...
BỊ BẮT LẦN THỨ NHẤT
Mặc dù mang tính chất chống đối nhà cầm quyền, nhưng trong thời gian dài Chuông rè không bị cấm hoạt động như một số tờ báo tiến bộ đương thời khác. Chẳng hạn tờ Le nhà quê do Nguyễn Khánh Toàn chủ trương chưa kịp ra số 1 đã bị thu hồi giấy phép vì mật thám đã đánh hơi thấy “mùi cộng sản” trong đó. Về việc này, cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Người cho rằng vì Nguyễn An Ninh quá nổi tiếng nên người Pháp ngại đụng vào thần tượng của quần chúng nhân dân. Có lập luận khẳng định, do Nguyễn An Ninh có bằng cử nhân Luật nên biết len vào những kẻ hở của luật pháp để viết bài, người Pháp không đủ lý lẽ để bắt bẻ. Thực ra, vào thập niên 20 báo chí cũng như các khuynh
hướng chính trị tại Việt Nam mới đang trong quá trình định hình. Chúng vẫn còn khá ô hợp, dễ kiểm soát. Chuông rè bị gây khó dễ, kiểm soát trong khâu in ấn, phát hành chẳng qua vì nó thường va chạm, đụng độ với một vài cá nhân nào đó. Tờ báo chưa bao giờ nuôi ý định đạp đổ thể chế cũ, xây dựng chính quyền mới đối lập với nhà cầm quyền thực dân.
Đầu năm 1926, tại Việt Nam, đặc biệt là tại Nam Kỳ xảy ra nhiều biến cố lớn.Phan Bội Châu bị bắt đưa về Hà Nội xử. Bùi Quang Chiêu (đại diện đảng Lập hiến) sang Pháp đòi cho dân tộc Việt Nam có một bản Hiến pháp riêng sắp trở về. Nông dân Thái Nguyên bạo động bị máy bay Pháp tàn sát cả làng... Trước thực tế đó, Nguyễn An Ninh cùng Dejean de la Batie, Cao Văn Chánh (báo Tân Thế kỷ), Lâm Hiệp Châu (Đông Pháp thời báo), Phan Văn Trường (Chuông rè) dự định tổ chức một cuộc mít tinh lớn vào sáng chủ nhật 21-3-1926 tại vườn nhà bà Phủ Tài. Do có mật thám cài vào từ trước nên nhà cầm quyền thực dân nắm rất chắc nội dung, chương trình của cuộc họp này. Để ngăn chặn, họ đã cho lệnh bắt Nguyễn An Ninh từ chiều thứ bảy (20-3-1926). Từ thời điểm này về sau, Chuông rè hoàn toàn do Phan Văn Trường điều khiển, thay đổi cơ bản lập trường, quan điểm. Hơn 1 tuần sau, tờ báo đăng nguyên văn Tuyên ngôn của Đảng cộng sản trong suốt một tháng từ 29-3-26-4- 1926. Lần đầu tiên, một văn kiện lớn của phong trào Cộng sản quốc tế được đăng trên mặt báo công khai Việt Nam. Biết bao trái tim đã sục sôi trước những chữ “ ... Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền... xoá bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ...” “ Chủ nghĩa tư bản muốn thống trị tất cả, muốn làm giàu bằng mọi cách... Có đời nào chủ nghĩa tư bản lại muốn giải phóng các dân tộc bản xứ...” Bài báo này một mặt, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, mặt khác nhằm gián tiếp bóc trần tính giả nhân giả nghĩa của học thuyết A.Sarraut, phơi bày sự phản bội lại quyền lợi dân tộc của đảng Lập hiến ( Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long ). Tuy nhiên, do thực tế chính trị lúc đó,Chuồng rè mới chỉ bống gió đề cập đến Đảng cộng sản Pháp, chứ chưa thành lập một chính đảng tương tự tại Việt Nam, chưa trình bày quan điểm thẳng thắn như tờ Thanh niên do Nguyễn Ai Quốc chủ trương, phát hành từ Quảng Châu – Trung Quốc: “ Chỉ có một con đường chân chính là phải theo các Đảng duy nhất, kiên quyết trong hành động, đó là Đảng cộng sản”. Sau loạt bài này, Chuông rè bị thu hồi giấy phép, Ban Biên tập bị theo dõi gắt gao.
Ở TÙ LẦN THỨ HAI
Ngày 24-4-1926 Nguyễn An Ninh bị đưa ra toà xử, bị kết án 18 tháng tù vì tội gây rối trật tự công cộng, xúi dục dân chúng làm loạn. Ngồi tù được 10 tháng, ông được ân xá. Vừa được tự do,Nguyễn An Ninh bán hết tài sản của tờ Chuông rè được hơn 2000 nghìn đồng làm lộ phí sang Pháp trên chuyến tàu Paul le Cat vào ngày 8-8-1927. Tại Paris ông đã tìm gặp được Nguyên Ai Quốc ( thời gian này Nguyễn Ais Quốc đang ở Liên Xô. Đệ tam quốc tế Cộng sản tại Paris lúc này do Nguyễn Hoàng Giu tạm quyền lãnh đạo ). Thất vọng, Nguyễn An Ninh khuyến dụ được Nguyễn Thế Truyền về nước cùng vào đầu năm 1928. Liên minh Ninh- Truyền nhanh chóng tan vỡ bởi đường lối của đảng PAI ( Việt Nam độc lập đảng – Parti Annaminte de L’Inde’pendance ) không còn phù hợp với thực tiễn chính trị xã hội lúc đó. Dường như nó được thành lập để phục vụ cho những quyền lợi , mưu đồ cá nhân. Nhân dân đã quá chán ngấy với thứ cách mạng đầu lưỡi, cải lương, lá mặt lá trái của những đảng phái chính trị kiểu này. Họ đã linh cảm thấy một mặt trời sắp suất hiện, sẽ quét sạch hết các thế lực hắc ám, lầm than cả dân tộc đang phải gành chịu. Đó là mặt trời cộng sản.
Thất vọng và vì những lí do chủ quan, Nguyễn An Ninh bỏ thành phố về nông thôn, ít tham gia các hoạt động chính trị xã hội cũng như báo chí. Ông tập trung nghiên cứu, viết sách về tôn giáo, mang về các làng quê để bán, đồng thời cũng để tuyên truyền các tư tưởng của mình. Ông thường xuyên tổ chức các buổi diễn thuyết cho nông dân nghe về những quan niệm Mác xít đối với tôn giáo nói chung, đạo Phật nói riềng. Ông thường lập luận: “Con người sinh ra tôn giáo, chứ không phải tôn giáo sinh ra con người”, người làm cách mạng không nên xem nhẹ vai trò của các tín đồ.
Một hôm, sau buổi diễn thuyết mệt mỏi, trên đường về, Nguyễn An Ninh và Tạ Thu Thâu xung đột với lính kín. Cả hai bị bắt. Lần này, ông bị xử ba năm tù (từ 10-1928 đến cuối 1930). Lần ở tù này Nguyễn An Ninh đã được tiếp xúc với nhiều thành viên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, Việt Nam quốc dân đảng, Tân Việt v.v... Ông đã tự rút ra được kinh nghiệm:Giáo thuyết đúng là dễ đi vào lòng người, dẽ lay động tình cảm người dân thuộc tầng lớp dưới, nhưng lại rất khó tổ chức, quy tụ lực lượng đó về một mối. Nhiệt tình yêu nước được xây dựng trên cơ sở tôn giáo rất dễ được thổi bùng lên thành bão táp, nhưng cũng nhanh chóng bị lay động, tan vỡ nếu bị nhà câm quyền đàn áp.
Trong tại giam của kẻ thù Nguyễn An Ninh đã gặp và rất tâm đắc với những lý luận của Tú Kiên (Tú tài nguyễn Đình Kiên lãnh tụ nhóm cánh tả của Tân Việt đảng có xu hướng cộng sả.Ông là một trong những người sau này thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn, rồi ra nhập Đảng cộng sản Việt Nam). Nguyễn An Ninh nhận thấy việc xác lập trường cách mạng cho quần chúng chỉ các đảng phái chính trị làm được. Vì vậy, khi được trả tự do, Nguyên An Ninh đã nhận lời mời của Nguyễn Văn Tạo ( Người theo phái đệ tam cộng sản vừa ở Pháp về) ra giữ mục bia miêng của tờ Trung lập do Trần Thiện Quý làm chủ nhiệm. Đây là một tờ báo yêu nước, tiến bộ, rất có uy tín ở Sài Gòn. Khi viết bài cho báo này, Nguyễn An Ninh vẫn ký Thông Reo (bút danh của Phan Khôi khi còn làm cho Trung lập). Ngoài ra ông còn thường xuyên giử bài cho báo Đônnai - một tờ báo thiên về văn học, triết học do Phan Văn Hùm phụ trách. Trên mặt báo Trung Lập, ông viết nhiều bài bênh vực quyền bình đẳng của phụ nữ, coi phụ nữ như một lực lượng quan trọng trong việc cải tạo xã hội. Không chỉ dừng ở đó, Nguyễn An Ninh còn giới thiệu khái quát nền văn học, triết học Nga, trước hết là L. Tolstôi, sau đó là F.Dostoievsky, Tourguénev,
Pouchkine, Gogol,... Trong những lập luận của mình, ông thường gián tiếp nói về những thành tựu của nước Nga Xô viết, về Cách mạng Tháng 10 và Lênin.
Nhờ lần ở tù thứ hai, sự gần gũi với Nguyễn Văn Tạo, tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản đã ít nhiều tác động đến cuộc đời Nguyễn An Ninh. Cùng Nguyễn Văn Tạo, ông đứng ra tổ chức tờ LaLutté, một tờ báo tiếng Pháp, do Gannofsky (một chiến sỹ xã hội chủ trương chống chế độ thực dân) đứng tên. La Lutté lúc đầu thuộc về phái Đệ tứ (Troikit) và các thành phần chính trị tiến bộ khác. Nhờ tờ báo tích cực tuyên truyền mà sổ lao động do Nguyễn Văn Tạo đứng đầu đã trúng cử vào Hội đồng Nân dân thành phố Sài Gòn, mở đầu kỷ nguyên đấu tranh nghị trường, hợp pháp của Đảng cộng sản (4-1934). Do sự bất đồng trong nội bộ Latté, hơn nữa tờ báo cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, cộng thêm sự theo dõi gắt gao của nhà cầm quyền, bộ biên tập quyết định giải tán. Nhằm làm giả, bớt sự chú ý của người Pháp, Nguyễn An Ninh bỏ thành phố về sống cùng với vợ con, nấu dầu Cù là đem đi bán rong. Đến tháng 10-1934, ông trở lại Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào Hội đồng thành phố tổ chức vào giữa năm 1935. Lần này, trước khi tái bản La Lutté, Nguyễn An Ninh đứng ra tổ chức hội nghị nhằm thống nhất phương pháp đấu tranh của hai phái Đệ tam, Đệ tứ cộng sản. Hội nghị đã vạch ra phương hướng chung cho cả hai phái: Tập trung chống chế độ thực dân và chống các đảng phái phản động thân chính quyền đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, nông dân, không công kích lẫn nhau, chỉ tuyên truyền hệ tư tưởng Mác xít kinh điển, mọi bài viết phải được các tập thể thông qua... Lần ra quân này, La Lutté đã góp phần đáng kể cho sự thắng cử của Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai.
NHÀ TỔ CHỨC ĐÔNG DƯƠNG ĐẠI HỘI.
Năm 1936, cánh tả của Léon Blum lên cầm quyền tại Pháp. Brévié được cử sang làm toàn quyền Đông Dương. Vừa tới nơi, để lấy lòng người bản xứ, ông ta đã ký ngay sắc lệnh đại xá cho các chính trị phạm, kể cả các đảng viên cộng sản. Lợi dụng chính sách cởi mở của người Pháp, Nguyễn An Ninh cùng
các đồng sự quyết định đứng ra tổ chức Đông Dương đại hội. Ý tưởng này đã được Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tán thành ủng hộ. Đại hội được tổ chức nhằm tập hợp kiến nghị của người dân 5 xứ đệ trình lên chính phủ Pháp đòi sửa đổi những chính sách cai trị cũ. Trên tờ La Lutté Nguyễn An Ninh nhận định: Chính phủ bình dân ngày nay là một đoạn của chính phủ Pháp, có thể không trở lại lần thứ hai, nên dân ta phải biết lợi dụng dịp may này không chỉ bằng hy vọng mà thôi...
Để chuẩn bị cho đại hội (dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 16-9-1936), trong gần hai tháng liền Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo đã viết nhiều bài trên La Lutté phân tích, giải thích lợi ích của đại hội Đông Dương. Do hoạt động quá rầm rộ, mạnh mẽ, người Pháp lại đánh hơi thấy sự hậu thuẫn của Đảng cộng sản Việt Nam nên nhà cầm quyền thực dân quyết định đàn áp phong trào (từ tháng
7-1936 đến 9-1936, cả Nam Kỳ đã lập được 600 uỷ ban hành động, trong đó có 285 uỷ ban hành động công khai. Nếu tính trong cả nước, con số sẽ lớn hơn nhiều). Ngày 9-9-1936 Bộ trưởng thuộc địa Moutet điện cho Toàn quyền Đông Dương cấm mọi cuộc đại hội nhân dân. Hàng loạt người bị bắt trong dịp này. Ngày 27-9-1936 Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu bị bắt. Ngày 3-10-1936 Nguyễn Văn Tạo cũng bị bắt nốt. Bị giam chừng một tháng cả ba người quyết định tuyệt thực phản đối nhà cầm quyền. Sau 12 ngày nhịn ăn, nhịn uống (từ 24-10 đến 5-11-1936, người Pháp buộc phải thả họ ra). Lệnh tạm tha do Thống đốc Nam Kỳ Pages ký ngày 25-11-1936).
Trong thời gian những người cầm đầu phong trào bị giam giữ thì ở bên ngoài, các đồng chí của Nguyễn An Ninh tiếp tục đấu tranh, cổ động cho Đông Dương đại hội. Trước khí thế ngày càng lên của các cuộc biểu tình thị uy, năm 1937 Tổng thống Pháp buộc phải cử J.Godard sang Đông Dương nắm tình hình, thu thập yêu sách của dân chúng. Biết đây là trò mị dân, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo viết hàng loạt bài trên La Lutté, L’Avant Garde, La Vérité vạch rõ thủ đoạn chính trị của thực dân Pháp, kêu gọi biểu tình đòi tăng lương,
giảm giờ làm, cải thiện đời sống nhân dân, bỏ chế độ thuế thân... Với lý do muôn thuở gây mất trật tự công cộng, xúi giục dân chúng làm loạn, tháng 5-1937 nhà cầm quyền bắt giam Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu. Nhân cuộc biểu tình lớn tại huyện Càn Long (Trà Vinh), người Pháp truy nã Nguyễn An Ninh và cuối cùng bắt được ông tại nhà Hội đồng Võ Công Tồn (Một điền chủ có tiếng của Nam Kỳ). Lần này Nguyễn An Ninh bị xử 4 năm tù ở, 10 năm biệt xứ. Nhờ đơn chống án gửi sang tận Pháp, ông được giảm án xuống còn 2 năm tù ở, 10 năm biệt xứ. Đầu năm 1939 mãn hạn tù, Nguyễn An Ninh đưa vợ con xuống Mỹ Tho sinh sống.
NGƯỜI CHIẾN SĨ - KHÁCH TIỀN PHONG
Tháng 9-1939 chiến tranh thế giới bùng nổ. Người Nhật đang từng bước đặt chân vào Đông Dương. Tại Pháp, phái hữu do Petin lên cầm quyền. Để giữ bình ổn thuộc địa, ngày 26-9-1939 Hội đồng Bộ trưởng Pháp ban hành sắc lệnh đặt Đảng Cộng sản và các tổ chức liên quan ra ngoài vòng pháp luật. Tại Đông Dương, hàng loạt đảng viên Cộng sản, người của các đảng phái chính trị đối lập, các nhà báo tiến bộ, yêu nước, cách mạng bị bắt. Các Hội ái hữu, tổ chức nghiệp đoàn, phe phái chính trị bị giải tán. Sau nhiều lần phải lên trình diện nhà chức trách, ngày5-10-1939 Nguyễn An Ninh chính thức bị bắt. Ngày 14-5-1940, ông cùng Dương Bạch Mai, Hồ Theo và hơn 20 đồng chí bị ra toà xử kín, nhận mức án 5 năm tù giam 10 năm biệt xứ, tước bỏ vĩnh viễn quyền công dân, đày đi Côn Đảo. Vì bị tù đày quá nhiều (5 lần) , sự khắc nghiệt thiếu thốn của chế độ lao tù, Nguyễn An Ninh đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 14-8-1943 bởi căn bệnh kiết lỵ quái ác. Trước khi từ giã cõi đời, ông có để lại một bản chúc thư cho gia đình, đồng đội. Ngôi mộ của ông tại nơi trùng dương sóng gió Côn Đảo là nơi hội tụ, thăm viếng của tất cả những người con ưu tú của dân tộc bị giam giữ tại đây. Dù không phải là một đảng viên nhưng ông đã chết như một người Cộng sản. Nhiều người khi đứng trước mộ ông đã khóc:
Cây cỏ kêu gào để khóc ông
Non sông như gợi vết thương lòng
Tôi tình chi đó thân chim cá
Sung sướng gì đây cảnh chậu lồng
Trời nỡ cướp công người chí sĩ
Đất đành vùi xác khách tiền phong
Nợ nần rũ sạch người thiên cổ
Xiềng xích còn mang cả giống, giòng...

Nhà báo Xuân thủy - Ngòi bút xoay vần thời thế

VIỆT GIANG

NHÀ TỔ CHỨC BÁO CHÍ
Nhiều người biết đến tài tổ chức các hoạt động xã hội của Xuân Thuỷ ngay từ khi ông trực tiếp tham gia các phong trào tố cáo quan lại tham nhũng, vận động bầu cử vào viện dân biểu Bắc Kỳ, chống thuế cư trú ở thị xã Phúc Yên thời kỳ trước năm 1939. Trong thời kỳ bị lưu đày ở nhà ngục Sơn La, Xuân Thuỷ liên tục giữ vai trò chủ bút tờ báo bí mật Suối reo. Ông đã khôn khéo tìm mọi cách để che mắt kẻ thù, sáng kiến trong việc tìm kiếm những vật tư cần thiết, tổ chức ra và phát hành báo thường xuyên ngay trong nhà ngục khét tiếng khắc nhiệt của thực dân đế quốc. Sau khi ra tù, ông được Đảng giao cho trực tiếp phụ trách tờ báo Cứu quốc – cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. Ông đã dũng cảm, không khéo cùng các đồng chí của mình duy trì tờ báo trong điều kiện hoạt động bí mật cực kỳ nguy hiểm và gian khổ.
Ngày 19.8.1945, Xuân Thủy đã có mặt tại Hà Nội, tham gia Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ, trực tiếp phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền và báo chí. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông vừa làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Cứu quốc ra hàng ngày, vừa làm Uỷ viên Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc bộ kiểm trưởng ban Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh. Đây chính là thời kỳ Xuân Thuỷ có đóng góp rất to lớn vào việc tổ chức và phát triển hệ thống báo chí cách mạng của đất nước. Do trách nhiệm công tác của mình, ông là người có công lớn trong việc chỉ đạo và trực tiếp tham gia chuẩn bị cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước như Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công đến trước ngày toàn quốc kháng chiến là một thời kỳ vô cùng khó khăn, phức tạp. Ở phía Bắc, dưới danh nghĩa quân đồng minh vào tước khí giới của quân đội Nhật thất trận, đội quân ô hợp 20 vạn của Tưởng Giới Thạch tràn vào nước ta theo hai ngả Lạng Sơn và
Lào Cai. Chúng đóng quan tại hầu hết các thành phố, thị trấn và thả sức sách nhiễu, vơ vét.Theo gót chân của đội quân này, các tổ chức phản động lưu vong ở phía nam Trung Quốc như “Việt quốc”, “Việt cách” dưới sự cầm đầu của Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Võ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ... cũng kéo về. Dựa vào thế lực của quan thầy, chúng lập ra chính quyền phản động ở một số địa phương, giết người, cướp của, khiêu khích chính quyền cách mạng, âm mưu chiếm quyền lãnh đạo đất nước. Cuộc sống của nhân dân miền Bắc đã khó khăn, gian khổ vì vừa trải qua nạn đói khủng khiếp với hơn 2 triệu người chết, lại càng khó khăn, cực khổ hơn vì phải chịu sự cướp bóc, nhũng nhiễu của bọn thù trong, giặc ngoài. ở miền Nam, quân đội thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh đã kéo vào với âm mưu thiết lập lại nền thống trị đã mất vào tay người Nhật. Đồng bào miền Nam lại một lần nữa buộc phải cầm vũ khí đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhằm tạo ra điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tuyên bố tự giải tán mà thực chất là đi vào hoạt động bí mật. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và phức tạp ấy, Xuân Thủy là người giữ trọng trách trong việc tổ chức, chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền theo chủ trương của Đảng, Hồ Chủ tịch và mặt trận – tỉnh táo, khôn khéo, loại bớt giặc ngoài, đoàn kết dân tộc, bảo vệ thành quả của cách mạng vừa giành được. Ngay cả khi quân Tàu – Tưởng ngang ngược đòi duyệt các chương trình của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam trước khi phát sóng, ta cũng chấp nhận. Phương châm chỉ đạo của Hồ Chủ tịch là: Không nên vì ném bom con chuột mà vỡ bình thuỷ tinh.
Vừa tham gia công tác chỉ đạo hoạt động của cả bộ máy thông tin tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh, trực tiếp lãnh đạo báo Cứu quốc, Xuân Thủy vừa trực tiếp viết báo. Trên báo Cứu quốc thời kỳ này liên tục xuất hiện các bài báo của ông viết về những vấn đề cấp bách, những sự kiện thời sự có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với vận mệnh của đất nước. Ông viết nhiều, có khi 3, 4 ngày liền đều có bài hoặc có ngày viết 2, 3 bài. Những bài báo của Xuân Thủy
không chỉ bám sát tình hình thời cuộc mà còn thể hiện một cách sinh động những chủ trương, quan điểm của Đảng và mặt trận trong tình huống vô cùng khó khăn, phức tạp của cách mạng và cũng chính vì thế chúng có ý nghĩa quan trọng trong hướng dẫn, chỉ đạo đối với cán bộ, nhân dân ta.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến khó khăn và ác liệt, Xuân Thuỷ vừa trực tiếp điều hành hoạt động của báo Cứu quốc trung ương, vừa giữ vai trò nhà tổ chức kiến tạo hệ thống báo chí của Mặt trận, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về thông tin, tuyên truyền. Tháng 3.1947, ông tổ chức hội nghị cán bộ tại Phú Thọ, bàn về việc thành lập các chi nhánh báo Cứu quốc tại các chiến khu. Đây là chủ trương đề ra từ khi chuẩn bị kháng chiến nhằm làm cho thông tin báo chí phục vụ kịp thời yêu cầu chỉ đạo trong điều kiện chiến tranh, giao thông, liên lạc khó khăn. Xuân Thuỷ đã giải thích chủ trương này trong bài báo “Một bước tiến” đăng trên báo Cứu quốc ngày 1.1.1948:
“Từ ngày ra đời, Cứu quốc luôn luôn là tên lính xung phong tranh đấu cho Việt Nam độc lập và thống nhất.
Vẫn nhiệm vụ ấy, từ ngày toàn quốc kháng chiến, Cứu quốc càng thấy mình không được phép một lúc nào vắng mặt nơi mũi súng, đường gươm, cũng như nơi luống cày, giá bút, nơi xưởng máy, nhà hàng.
Bởi vậy, mặc dầu gặp bao khó khăn trong thời chiến, chúng tôi cũng quyết thành lập cho bằng được các Chi nhánh Cứu quốc ở hầu khắp các chiến khu trên toàn cõi nước nhà”(5).
Một số cán bộ của toà soạn báo Cứu quốc trung ương được điều động đi tăng cường cùng cán bộ tai các địa phương tổ chức các chi nhánh báo Cứu quốc. Các đồng chí Hoàng Phong, Hải Ly được cử đi khu 3, Lê Hữu Kiều (tức Sơn Tùng) đi khu 2, Như Phong đi khu 12 ở Bắc Giang. Tô Hoài, Nam Cao, Trần Đình Thọ phụ trách chi nhánh Việt Bắc. Cứu quốc khu 4 được giao cho Lưu Quý Kỳ và khu 5 giao cho Phan Thao phụ trách. Báo Cứu quốc trung ương đóng tại căn cứ cũ của cụ Đề Thám, vùng thượng Yên Thế, Bắc Giang.
Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Xuân Thủy vừa tham gia thường trực Mặt trận, chỉ đạo hệ thống báo chí kháng chiến, vừa thực sự là linh hồn của báo Cứu quốc. Dù ở gần hay xa toà soạn, ông vẫn luôn luôn quan tâm đến các công việc của báo và đời sống của anh chị em cán bộ. Rất nghiệm cẩn đối với các công việc thuộc về nghiệp vụ báo chí, nhưng Xuân Thủy cũng là người rất gần gũi chân thành với đồng nghiệp và cấp dười, có khả năng quy tụ và phát huy tài năng của cán bộ. Nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Thành Lê, người đã có thời gian dài làm việc cùng Xuân Thuỷ trong kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như sau khi hoà bình lập lại đã nhận xét về ông: “Phong cách lãnh đạo của anh khá độc đáo. Về đường lối chính trị của báo, anh rất chặt chẽ và đòi hỏi cán bộ biên tập phải nghiêm túc thực hiện... Về lề lối làm việc, anh mạnh dạn khuyến khích tinh thần chủ động của mọi người, nhất là những anh em phụ trách toà soạn và trị sự”(6).
Với thái độ trách nhiệm cao trước nhiệm vụ lãnh đạo cơ quan báo chí quan trọng hàng đầu của kháng chiến, bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, thái độ trân trọng tài năng và lối sống chân thành, dung dị, Xuân Thủy đã tập hợp, lôi cuốn nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức, nghệ sỹ nổi tiếng, nhiều cán bộ lãnh đạo chính trị, tướng lĩnh quân đội trực tiếp tham gia hoạt động hay cộng tác với toà soạn báo Cứu quốc và tạp chí Cứu quốc. Chính cơ quan báo Cứu quốc cũng là cái lò trực tiếp đào tạo những người làm báo cách mạng. Nhiều người đã được đào luyện ở đây dưới sự dìu dắt của Xuân Thủy và các đồng nghiệp đã trở thành những nhà báo nổi tiếng sau này. Hơn thês, ông cũng chính là người đã đề xuất ý kiến và trực tiếp đứng ra tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí của Tổng bộ Việt Minh. Đó là lớp viết báo đầu tiên ở nước ta – lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức vào giữa năm 1949 ở chiến khu Việt Bắc. Xuân Thuỷ là người chỉ đạo thành lập Đoàn báo chí Việt Nam năm 1945 và Đoàn báo chí kháng chiến năm 1947. Năm 1950, Xuân Thủy cũng là người trực tiếp tổ chức ra Hội những người viết báo Việt Nam, nay là Hội nhà báo Việt Nam và trực
tiếp làm Chủ tịch Hội từ ngày thành lập đến năm 1961. Từ năm 1962 trở đi, Xuân Thủy được giao gánh vác nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước nên không trực tiếp phụ trách Hội Nhà báo Việt Nam nữa. Tuy nhiên, tuỳ theo vị trí công tác cụ thể của mình, ông vẫn quan tâm và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cả về tài năng và về nhân cách nghề nghiệp, Xuân Thủy thật sự gần gũi và đáng kính trọng đúng như nhận xét trong diễn văn kỷ niệm 85 năm thành lập ngày sinh của ông: “Đối với Hội nhà báo Việt Nam, với các thế hệ báo chí cách mạng Việt Nam, từ trước đến nay, đồng chí Xuân Thuỷ không chỉ là người sáng lập, vị chủ tịch đầu tiên của Hội mà mãi mãi là người thầy, người bạn, người anh gần gũi và thân thiết”(7).
NHƯ MỘT VÌ SAO CÒN SÁNG MÃI
Xuân Thuỷ không chỉ là một nhà báo lớn, mà còn là một nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam trong thế kỷ XX. Từ năm 1963 – 1965, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Việc Xuân Thủy được cử giữ trọng trách trong ngành ngoại giao trong điều kiện lịch sử rất phức tạp lúc đó không phải là ngẫu nhiên. Chính những năm tháng hoạt động cách mạng, trực tiếp làm báo trong những điều kiện gian khổ đến khắc nhiệt, thường xuyên tiếp nhận và xử lý khối lượng lớn thông tin đa dạng, phức tạp đã giúp ông trang bị cho mình một hành trang lớn về tri thức, một bản lĩnh vững vàng về chính trị cùng sự sắc sảo, tinh tế trong việc sử lý những tình huống khó khăn và tế nhị trong các quan hệ ngoại giao. Hơn nữa, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã nhiều lần cùng Hồ Chủ Tịch hay các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu đại diện cho Tổng bộ Việt Minh tiến hành đàm phán với đại diện của Tưởng Giới Thạch và các tổ chức chính trị phản động theo đuôi, dựa bóng quân đội Tưởng. Chính trong cuộc đấu tranh với thù trong, giặc ngoài nhằm củng cố khối đoàn kết dân tộc, bảo vệ những thành quả của Cách mạng, Xuân Thuỷ đã thể hiện tài năng và bản lĩnh của một nhà ngoại giao. Cũng chính vì thế mà sau chiến thắng Biên giới Thu - Đông năm 1950,
Xuân Thủy được Đảng giao cho phụ trách công tác “ngoại giao nhân dân” nhằm mở rộng giao lưu với các nước, nâng cao uy tín quốc tế của chính quyền cách mạng. Hoạt động “ngoại giao nhân dân” của ông được tiếp tục cả trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những cố gắng của Xuân Thủy trong lĩnh vực này đã góp phần quan trọng vào việc tạo ra dư luận rộng rãi, hình thành một mặt trận của nhân dân yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ tích cực cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Hoạt động ngoại giao của Xuân Thủy rất phong phú. Ông là đại diện của Việt Nam trong Hội đồng hoà bình thế giới, là Chủ tịch các Hội hữu nghị Việt _ Xô và Hội hữu nghị Việt – Trung. Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới, tham gia nhiều sự kiện quan trọng của các tổ chức hoà bình và hữu nghị quốc tế, nói lên tiếng nói đại diện cho dân tộc Việt Nam yêu chuộng hoà bình, khao khát tự do, dũng cảm, kiên cường trong cuộc đấu tranh giải phóng. Xuân Thuỷ là người trực tiếp lãnh đạo công tác đối ngoại của Đảng trong thời kỳ phong trào công nhân và cộng sản quốc tế bị khủng hoảng chia rẽ. Ông đã nhiều lần có mặt cùng Hồ Chủ tịch và Tổng Bí thư Trung ương Đảng tham gia các hội nghị quốc tế quan trọng, các cuộc đàm phán công khai cũng như bí mật với các Đảng anh em. Trong hoàn cảnh hết sức phức tạp và những tình huống nan giải, ông là người đã có đóng góp to lớn nhằm thực hiện đường lối đối ngoại của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch là giữ vững độc lập, tự chủ, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tích cực góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân thế giới, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Đảng và nhân dân các nước anh em. Xuân Thuỷ đã trở thành người bạn thân thiết của nhân dân cũng như của nhiều vị lãnh tụ cách mạng Lào như Xu – Pha – Nu – Vông, Cay – Xỏn Phom – Vi – Hản, Phu – Mi Vông – Vi – Chit... sau nhiều năm làm Trưởng ban công tác miền Tây (Ban chỉ đạo các hoạt động của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta giúp cách mạng Lào). Bằng hoạt
động không mệt mỏi của mình, ông đã góp phần quan trọng vào sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Lào.
Có lẽ đỉnh cao trong hoạt động ngoại giao của Xuân Thuỷ chính là ở thời kỳ 1968 – 1973 khi ông được cử làm Bộ trưởng, Đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà trong cuộc đàm phán tại Pari. Suốt 5 năm trời đằng đẵng, ông đã cùng các đồng chí của mình mặt đối mặt đấu trí, đấu tài với những đại diện của đối phương – những kẻ được coi là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp sừng sỏ của nước Mỹ. Bằng tài năng, trí tuệ, bằng bản lĩnh chính trị, niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào chiến thắng, ông đã kiên trì, khéo léo trong đàm phán cả bí mật cũng như công khai, cùng các đồng chí của mình hoàn thành tốt nhất những quan điểm, chủ trương của Đảng trong đấu tranh ngoại giao. Xuân Thuỷ đã thực sự có đóng góp to lớn vào việc buộc đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom, bắn phá miền Bắc năm 1968, ký hiệp định Pari năm 1973 rút toàn bộ quân đội Mỹ và các nước chư hầu về nước, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tạo điều kiện quyết định cho sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xuân Thủy còn là môt nhà thơ. Nói như nhận xét của đồng chí Trường Chinh: “Trong lĩnh vực này, anh cũng có những đóng góp quan trọng. Thơ Xuân Thuỷ là thơ trữ tình cách mạng. Lời thơ anh giản dị, trong sáng, lạc quan như nụ cười, tiếng nói, con người anh”(8) . Xuân Thuỷ làm thơ từ thuở thiếu thời. Thơ theo ông trong suốt cuộc đời, cả trong những lúc hoạt động bí mật khó khăn, gian khổ nhất cho đến khi gánh vác những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao phó. Với Xuân Thủy, thơ như là sự ghi nhận cảm xúc trào dâng, như là lời tự bạch với chính mình để tự khuyên nhủ, động viên mình trong cuộc sống, trong sự nghiệp. Vì thế mà thơ ông mộc mạc, hồn hậu, không cầu kỳ về câu chữ, không gò ép trong ý tứ. Cũng vì thế mà đọc thơ Xuân Thủy thấy được cả con đường ông đã trải qua cùng những sự kiện lịch sử mà ông đã chứng
kiến. Nói một cách khác đi, thơ ông cũng mang hơi thở nồng đậm của thời
cuộc, rất gần gũi với tính thời sự của báo chí.
Trong cuộc đời hoạt động phong phú của mình, Xuân Thuỷ gánh vác nhiều trọng trách khác nhau trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Chính phủ, Mặt trận tổ quốc, tham gia ban lãnh đạo các tổ chức quốc tế: Hội đồng hoà bình thế giới, Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ). Ở bất cứ nhiệm vụ công tác nào, lĩnh vực hoạt động nào, ông cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng về năng lực và sự tận tuỵ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều thể hiện một thái độ lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, chân tình, cởi mở với bạn bè và cấp dưới.
Hơn một nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, trải qua bao thử thách khắc nhiệt, bắt đầu từ một thanh niên trí thức yêu nước làm thơ, viết báo với ước vọng dùng ngòi bút “xoay vần thời thế” đến khi trở thành một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm “kết hợp hài hoà giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại”(9), Xuân Thuỷ luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ông “Như một vì sao còn sáng mãi” (10) trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và “Giữa lòng dân tộc, giữa quê hương”.
Hà Nội
Cuối đông 2000
------------------------
1. Trường Chinh: Thư gửi cuộc gặp mặt nhân dịp kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh đồng chí Xuân Thuỷ. Tuyển tập Xuân Thuỷ. NXB Văn học. Hà nội, 1999, tr 17 (Anh Xuân Thuỷ).
2. Nhiều tác giả: Suối Reo năm ấy. NXB VHTT, H. 1993, tr.99.
3. Trong 4 số báo Cứu quốc các ngày: 8, 9, 10, 11 tháng 12 năm 1949, có đến 5 bài báo của Xuân Thuỷ: Tại sao ta đã đề ra nhiệm vụ tổng phản công? (CQ, 8.2.1949); Thực hiện triệt để chiến lược cầm cự và chuẩn bị tổng
Phản công! (CQ, 9 – 2 - 1949); Phải chuẩn bị về quân sự thế nào để tổng phản công? (CQ, 10 – 2 - 1949); Chuẩn bị tổng phản công về mặt chính trị (CQ, 11 – 2 - 1949).
4. Nguyễn Thành Lê: Nhà báo cộng sản Xuân Thủy// Tuyển tập Xuân Thuỷ. NXB Văn học, HN. 2000, tr.903
5. Xuân Thuỷ: Một bước tiến; Báo Cứu quốc, ngày 1-1-1948.
6. Nguyễn Thành Lê: Nhà báo cộng sản Xuân Thuỷ // Tuyển tập Xuân Thuỷ. NXB Văn học, HN. 2000, tr.905.
7. Trích diễn văn của Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam trong lễ kỷ niệm 85 năm ngày sinh đồng chí Xuân Thuỷ.
8,9. Trường Chinh: Anh Xuân Thủy (Thư gửi Ban tổ chức cuộc họp mặt nhân dịp kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh Xuân Thuỷ)// Tuyển tập Xuân Thủy, NXB Văn học, Hà Nội, 1999, tr. 19.
10. Trích từ bài thơ của Nguyễn Tâm “Kính viếng đồng chí Xuân Thuỷ”:
Ôi! Một trời Xuân dâng ngát hương
Một trái tim hồng bao mến thương
Như một vì sao còn sáng mãi
Giữa lòng dân tộc, giữa quê hương.

HUỲNH THÚC KHÁNG - CON NGƯỜI CỦA BAO NỖI TRĂN TRỞ


TS: HOÀNG VĂN QUANG

Một ngày cuối năm 1876 tại làng Thạnh Bình tiêu điều, xơ xác thuộc huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam, cậu bé Huỳnh Hanh đã cất tiếng khóc chào đời trong căn nhà lá lụp xụp. Cái đói, cái nghèo cùng cậu lớn lên. Tuy không được thừa hưởng truyền thống Nho học từ tổ tiên nhưng ông cụ thân sinh vẫn cố làm lụng, dành dụm cho cậu theo đòi bút nghiên. Không phụ lòng cha, cậu sớm khuya dùi mài kinh sử và cuộc đời đã không bỏ dơi đứa trẻ có chí khí. Năm 22 tuổi (1900) Huỳnh Hanh lần đầu lều chõng đi thi và đậu cử nhân. Cũng từ thời khắc này cái tên Huỳnh Thúc Kháng gắn liền với cuộc đời nhà chí sĩ. Mẹ ông, người cả đời khó nhọc lo cho chồng con, đã thanh thản nằm xuống sau khi nghe tin ông đỗ đạt. Chế độ phong kiến xưa quy định người có đại tang không được ứng thí, nên phải 4 năm sau (1904) Huỳnh Thúc Kháng mới tiếp tục thi và đỗ tiến sĩ.
Không như nhiều kẻ khác, dùng bằng cấp để vinh thân phì gia, Huỳnh Thúc Kháng từ chối quan lộ, về quê nhà với thú vui đọc sách và cũng để tìm tòi cho mình một hướng đi. Được hơn một năm (1905), ông cùng Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp lên đường vào Nam bắt đầu cuộc đời tranh đấu trôi nổi. Để kiếm kế sinh nhai nơi đất khách quê người, ông mở một lớp dạy học. Là một trong những yếu nhân của phong trào Duy Tân, ông bị mật thám Pháp để ý, theo dõi. Nhân vụ “xin xâu” ồn ào thời đó (3.1908), thực dân Pháp cấu kết với triều đình Huế đã bắt đầu và xử ông mức án trung thân, đày đi Côn Lôn. Sau 13 năm tù hãm, năm 1921 Huỳnh Thúc Kháng được trả tự do, nhưng chính quyền thực dân nào có buông tha. Vừa về tới đất liền, ông đã được khâm sứ Trung kỳ gọi lên dụ dỗ mời ông giữ một chức quan ở Bác cổ viện (Huế). Huỳnh Thúc Kháng đã khôn khéo từ chối.
Vào những năm 1925 – 1926, tình hình chính trị Việt Nam có nhiều biến động lớn. Một số tổ chức, đảng phái ra đời khuấy động hàng loạt phong trào
đấu tranh mang ý nghĩa toàn dân như các cuộc biểu tình đòi thả Nguyễn An Ninh, Phan Bội Châu, đám tang Phan Chu Trinh, rồi phong trào tẩy chay Hoa kiều được phát động từ đầu năm 20 đã gây nên những xáo động lớn trong xã hội. Thực tế này buộc người Pháp phải tiến hành cải cách về kinh tế, giáo dục, văn hóa thậm chí cả bộ máy cai trị nhằm làm dịu tình hình. Tính dân chủ giả hiệu núp bóng dưới hình thức chính thể đại nghị được người Pháp khởi xướng. được sự động viên của mọi người, Huỳnh Thúc Kháng ra ứng cử ở 3 hạt Tam Kỳ, Tam Phước, Thăng Bình và đã trúng cử với số phiếu cao nhất. Do có uy tín rất lớn trong dân chúng, ông còn được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. Sau hơn một năm làm việc cho “nhà nước” Huỳnh Thúc Kháng quyết định ra báo Tiếng Dân, ước mơ ông đã ấp ủ từ lâu. Điều không ngờ là đơn xin phép ra Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng được chính quyền thực dân chấp nhận ngay.
Trước Tiếng Dân, ở miền Trung hầu như chưa có một từo báo chính thức nào. Vào năm 1922 ở Qui Nhơn mới chỉ có tạp chí “Lời thăm các thày giảng”. Vào những năm 1925 -1926 Nguyễn Bá Trác, Phan Bội Châu và một số người khác cũng có ý định ra báo nhưng đã bị chính quyền Nam triều ngăn trở. Nguyên nhân nào khiến nhà nước cho phép Huỳnh Thúc Kháng – một cựu chính trị phạm ra báo, đến nay vẫn có nhiều ý kiến. Có lẽ, tình hình này xuất phát từ mấy lí do:
- Người Pháp cho rằng hơn chục năm tù đầy đã làm nhụt tinh thần yêu nước của nhà chí sĩ. Việc Huỳnh Thúc Kháng gia nhập vào Viện Dân biểu chính là thoả hiệp từng bước với nhà nước.
- Thời điểm Huỳnh Thúc Kháng nộp đơn ra báo cũng là lúc người Pháp đang tiến hành một sỗ cải cách xã hội. Xu hướng cải lương của Huỳnh Thúc Kháng ít có khả năng gây ra những đột biến xã hội lớn, nhiều khi còn phù hợp với những ý đồ chính trị của người Pháp. Việc nương tay với Huỳnh Thúc Kháng chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả tuyên truyền nào đó.
Khi ứng cử vào Viện Dân biểu, Huỳnh Thúc Kháng ít nhiều có ảo tưởng là sẽ dùng diễn đàn này để nói lên khát vọng của quần chúng nhân dân. Nhưng chỉ sau hơn một năm ý đồ đó đã tan thành mây khói. Nhận thức rõ vai trò nghị
Viện của mình chỉ mang tính chất bù nhìn, ông cùng một số người quyết định từ chức, dành trọn tâm huyết cho nghề báo. Là một nhân sĩ khoan hoà, không màng danh lợi, suốt đời trăn trở với số phận của đất nước, Huỳnh Thúc Kháng luôn được đông đảo các tầng lớp ủng hộ. Và lẽ đương nhiên, cũng có không ít kẻ đã lợi dung uy tín của ông để trục lợi. Khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Nhật nhảy vào Đông Dương, lấn lướt dần vai trò của người pháp với các thuyết đồng chủng, xây dựng khối phòng thủ chung đại Đông Á.
Huỳnh Thúc Kháng là một trong những đối tượng đầu tiên được người Nhật mời ra cộng tác. Vì là con người quá trung thực, nhiều khi đến mức cả tin, Huỳnh Thúc Kháng có lúc đã hy vọng vào anh bạn da vàng này, trong nhờ họ giúp đỡ cho các lực lượng chống Pháp ở trong nước. Sau khi nhận được bức thư của Cường Để (1942), Huỳnh Thúc Kháng đã có một số cuộc tiếp xúc với giới thân Nhật, đặt trọn niềm tin vào những kẻ tự nhận là kế tục sự nghiệp của Phan Bội Châu. Mong mỏi này không kéo dài được lâu khi hàng ngày Huỳnh Thúc Kháng phải chứng kiến lối hành xử tàn bạo của phát xít Nhật đối với người bản địa. Thì ra, ở đâu cũng vậy, không thể có sự đồng cảm giữa kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược. Chính vì lẽ đó mà khi Bảo Đại hồn loan, có mời Huỳnh Thúc Kháng ra “bàn việc nước” nhưng đã bị ông kiếm cớ thoái thác.
- Không hoàn toàn tán thành chủ trương “đừngbạo động, bạo động là chết” của Tây hồ Phan Chu Trinh, lại càng không đồng ý với những lời ra rả cuả Sào nam Phan Bội Châu từ nước ngoài kêu gọi toàn dân đứng lên giết giặc cứu nước, vậy đường lối chính trị của Huỳnh Thúc Kháng là gì? Đây là vấn đề được bàn đến khá nhiều. Hầu hết đều đi đến kết luận những động thái chính trị của Huỳnh Thúc Kháng chủ yếu theo xu hướng cải lương. Điều đó là chính xác nhưng xu hướng cải lương đó có những nét đặc thù nào so với những quan niệm đương thời thì lại không được ai chỉ rõ. Qua những bài “Chánh thể đại nghị ở xứ ta”, bài “Cùng các ông đại biểu” (số 189, 190,154) chúng ta thấy rất rõ Huỳnh Thúc Kháng tuy phê phán rất mạnh chế độ nghị trường, bóc trần tính chất bù nhìn của Viện Dân biểu nhưng sự phê phán này lại không nhằm xoá bỏ Viện Dân biểu. Chúng là tập hợp những gợi ý giúp nhà cầm quyền có những cải cách để viện này thực sự là cơ quan hữu ích cho toàn dân. Nghị hòn, nghị gật, nghị dựa cột, nghị bình hoa được Tiếng Dân mô tả khá hài hước:

“ Sân khấu đã ra tranh một ghế
Vai tuồng cũng phải hát đôi câu
Cơ quan hợp tác chừng ra thế?
Chánh thể văn minh thực ra đâu?
Biết chăng tấm lòng dân ước mỏi
Đã qua năm trước ngóng năm sau”

Tha Sơn Thạch – Tiếng Dân số 175 – 18.8.1928
Dù ở cương vị nào, bị xã hội xô đẩy đến đâu, Hùnh Thúc Kháng vẫn giữ trọn tiết tháo của một kẻ sĩ, chỉ biết tận tâm tận lực với quốc gia đại sự. Tên tuổi ông gắn liền với tờ Tiếng Dân, ngọn cờ đầu của dòng báo chí yêu nước miền Trung nói riêng, cả nước nói chung. Tiếng Dân được phép xuất bản theo nghị định ký ngày 12.2.1927 của toàn quyền Đông Dương P.Pátxkiê. Tờ báo in khổ 58 x42cm phát hành mỗi tuần 2 kỳ. Trong thời kỳ vận động dân chủ 1936 – 1939, để tăng hiệu quả tuyên truyền báo ra tuần 3 kỳ. Khi Nhật vào Đông Dương, báo chí bị kiểm soát ngặt nghèo, Tiếng Dân quay lại lề lối cũ, ra vào thứ tư, thứ bảy hàng tuần. Mặc dù chỉ in 4 trang, nhưng do khổ to, nên dung lượng bài vở của báo khá lớn.
Trước khi xin phép ra báo, Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu (đồng sáng lập báo Tiếng Dân) đã có sự bàn bạ kỹ lưỡng từ việc đặt tên báo đến hình thức tồn tại, thu gom bài vở, xây dựng đội ngũ cộng tác viên... Được sự ủng hộ nhiệt tình của các cổ đông, chỉ trong thời gian ngắn, số tiền huy động được đã
lớn gấp 3 lần so với dự kiến (3000 đồng). Số tiền thừa đó được Huỳnh Thúc Kháng dùng để mua nhà in riêng. Ngay từ đầu Huỳnh Thúc Kháng đã xác định quan điểm của mình cùng các đồng sự:
1. Quyết mở một tờ báo riêng cho xứ Trung kỳ, giữa kinh đô nước Việt Nam, dầu ra đươck 5,7 số mà chết cũng vui lòng.
2. Theo thuyết chính danh của Khổng Tử, làm đúng như tên Tiếng Dân, thà chế quyết không để cái gì lay chuyển lôi kéo đi đường khác.
3. Giữ cái tinh thần phương Đông “Quốc hữu” cùng nuôi đốm lửa nhiệt thành ái quốc của các nhà tiên thời trong đống tro tàn, không để đứt mất.
(Ý kiến của ông Huỳnh Thúc Kháng đối với thời cuộc - Nhà xuất bản Tiếng Dân).
Vì tự coi mình như vật “quốc hữu” nên ngay từ đầu Huỳnh Thúc Kháng đã xác định vai trò cụ thể cho Tiếng Dân, coi tờ báo là sở hữu chung của toàn dân. Chính vì vậy mà cộng sự của Tiếng Dân đều là những người tâm huyết, được lựa chọn kỹ càng. Hầu hết họ đều sinh ra tại miền Trung, gắn bó với mảnh đất này. Tuy đôi khi có những chính kiến khác nhau, nhưng giữa họ luôn có điểm chung thống nhất đó là tầm kiến thức uyên bác và đặc biệt đều có tấm lòng yêu nước nồng nàn, thuỷ chung son sắt. Ngoài hai bậc lão thành Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng là các bậc túc nho có tiếng như Trần Đình Phiên, Nguyễn Quí Hương, Đào Duy Anh. Về chí hướng chính trị lớn có Nguyễn Trí Diểu, Võ Nguyên Giáp, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn). Những ký giả tận tuỵ phụng sự hết lòng cho sự phát triển của tờ báo như Lê Nhiếp, Nguyễn Xương Thái, Vương Đình Quang... Ngoài ra báo còn nhận được sự cộng tác của những cây bút tên tuổi như Đặng Thai Mai... vốn là con người cẩn trọng, Huỳnh Thúc Kháng bao quát mọi khâu từ viết bài đến biên tập, lên trang, theo dõi in, quản lý nhân sự. Sự sát sao này khiến cho Tiếng Dân, suốt 16 năm tồn tại ít có bài mâu thuẫn, đối lập về khuynh hướng, tư tưởng, tạo được sự thống nhất về quan điểm lập trường.
Đây là cây bút chính của tờ báo, Huỳnh Thúc Kháng phải sử dụng nhiều bút danh khác nhau, tuỳ theo từng tính chất, nội dung bài viết. Đối với những bài đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến xã hội, ông mới ký Huỳnh Thúc Kháng, Minh Viên. Còn thường thì ông ký Tha Sơn Thạch, Khỉ ưu sinh, Xà túc tử, Ưu thời khách, Nga sơn, Hải Âu, Điền dân, Thức tự dân, Tiếng Dân... Tiếng Dân ra đời đúng vào thời điểm xã hội Việt Nam có nhiều biến động lớn. Các tổ chức, đảng phái chính trị hoạt động khá rầm rộ, nhưng vẫn còn ấu trĩ, hỗn tạp. Trong số đó, đáng chú ý hơn cả là Việt Nam quốc dân đảng, một đảng phái được hình thành trên cơ sở thuyết Tam dân của Tôn Trung Sơn. Tư tưởng không thành công cũng thành nhân, c hỉ chống đế quốc thực dân, không chống phong kiến, mọi giai cấp Việt Nam đều là bạn đã có sức tác động rất lớn đến tầng lớp nhà Nho cũ. Do ngay tà đẫu đã không tán thành chủ trương bạo động nên Huỳnh Thúc Kháng tuy có thiện cảm với Việt Nam quốc dân đảng nhưng ông vẫn giữ thái độ khá dè dặt. Sau vụ ám sát trùm mộ phu Badand (9.2.1929) Việt Nam quốc dân đảng bị khủng bố dữ dội. Nhiều người bị bắt, bị đưa ra xét xử, trong đó đa phần là thanh niên. Nhân sự kiện này Tiếng Dân có bài “Một mối cảm tưởng đối với vụ án Việt Nam quốc dân đảng” đăng liền 3 kỳ vào tháng 7.1929. Bài báo không tỏ rõ thái độ bênh vực hay phê phán những người chủ trương vụ ám sát mà chủ yếu chỉ trích đường lối bạo động của đảng này “Sao lại ưa điều hại, thích điều nguy, vui như sự hoạ mà sụt xuống tròi lên, cứ diễn lại cái tuồng bi kịch mà không chừa như thế...”. Có thể nói, những điều Tiếng Dân muốn nhắn nhủ như dễ làm nhụt đi nhuệ khí đấu tranh cách mạng đang lên, thậm chí còn phụ hoạ với ý đồ của nhà cầm quyền. Bài báo còn đưa ra giải pháp “Muốn nước không sôi thì chi bằng dụi củi dưới bếp ra, mở đường tương lai thế nào cho bọn thanh niên trước là có nơi đứng chân sau là thối lui lại, cũng không đến lỗi sinh đường tuyệt vọng, ấy là một điều ổn thoả”. Bài viết dễ gây cho người đọc cảm giác Tiếng Dân quá tin tưởng vào sự “sống chung hoà bình” giữa giai cấp thống trị, kẻ đi xâm lược với người dân mất nước, miễn là giữa họ
phải có sự đồng cảm, thoả hiệp. Ảo tưởng này không chỉ diễn ra với Tiếng Dân. Nhiều tờ báo, nhiều nhân sĩ tiếng tăm được quần chúng nhân dân sùng bái thời đó cũng quan niệm như vậy.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) người Pháp buộc phải thực hiện một số điều mà họ đã hứa trước đây đối với các xứ thuộc địa, trong đó có Đông Dương. Chủ trương Pháp – Việt đề huề, Pháp – Việt nhất gia do A. Sarô khởi xướng cùng với việc đổ tiền của đầu tư vào Việt Nam, rồi những cách tân về giáo dục có thể nói đã cơ bản làm thay đổi diện mạo nước ta. Chỉ trong vòng có 5 năm (1930 - 1935) số trường học trong cả nước đã tăng gấp đôi, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng đáng kể, tệ nạn xã hội giảm, thanh niên được tự do tham gia vào các hội, đoàn thể. Đặc biệt ngày 1.1.1935 toàn quyền Rôbanh đã ký sắc lệnh bãi bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí. Những thay đổi chủ yếu mang tính hình thức này đã làm cho không ít người nghi ngờ ngay chính quan điểm đấu tranh của mình trước đây, nói gì tới tầng lớp bình dân, ít học. Nhiều người đã tin vào “thiện chí” của người Pháp. Quan niệm coi người Pháp là bạn, là thầy, “không nên không phải thì đóng cửa bảo nhau” là giọng điệu quen thuộc của khá nhiều tờ báo hợp pháp thời bấy giờ. Tiếng Dân, một tờ báo chưa có sự giác ngộ của ý thức hệ tư tưởng tiên tiến, cũng bị rơi vào vòng cương toả đó là lẽ đương nhiên. Năm 1946, ông Vương Đình Quang, nguyên thư ký toà soạn báo Tiếng Dân, là người bạn thâm giao của Huỳnh Thúc Kháng có ý định viết một cuốn sách khảo cứu về nhà chí sĩ. Huỳnh Thúc Kháng đã từ chối đề nghị trên. Về việc này có người cho rằng Huỳnh Thúc Kháng thuộc thế hệ nhà Nho cũ ưa đời sống phẳng lặng, ẩn dật, không thích phô trương nên mới phản đối thiện chí của bạn. Thực tế chỉ đúng một phần. Nguyên nhân sâu sa là Huỳnh Thúc Kháng không muốn người đời khơi gợi lại những nhận định ngây thơ của ông về người cộng sản vào những năm 1929 - 1930.
Trước năm 1930, Tiếng Dân đã từng có nhiều bài bàn về chủ nghĩa cộng sản, coi chủ nghĩa này thật khó thực hiện ở nước ta. Tờ báo coi những người
cộng sản trong nước chỉ là những thiếu niên trẻ người non dạ, tát nước theo mưa. Với bút danh M.V, Huỳnh Thúc Kháng viết bài “Chủ động cộng sản ở nước ta là ai?” – Tiếng Dân số 236 ra ngày 30.11.1929 – nêu rõ: “Ở nước Nam ta mà có chủ nghĩa cộng sản thì người mình chỉ là hạng nghe theo chứ không có người chủ động mà dầu có đi nữa cũng chỉ là người hiện đương ở ngoại dương kia”. Theo tác giả, chủ động cộng sản là người Nga... Đọc những dòng này. người hời hợt sẽ cho rằng Huỳnh Thúc Kháng đã bài bác, chỉ trích chủ trương của những người cộng sản. Thật ra, đây chính là cách thức để ông gián tiếp biện hộ cho những đảng viên cộng sản trẻ tuổi lỡ rơi vào tay kẻ thù. Sự thanh minh này nhằm làm cho người Pháp “thông cảm”, “tha thứ” cho những kẻ đã “trót lỡ dại” chống lại chính quyền thực dân. ý đồ chính của Tiếng Dân là làm giảm càng nhiều càng tốt sự đổ máu vô ích. Sự thương xót nhiều khi không đúng cách này của tác giả dẫu sao cũng đáng quí khi mà trong xã hội đầy rẫy bọn phản dân hại nước, chỉ biết vun vén lợi ích cá nhân, bất kể số phận đồng loại ra sao.
Tuy nhiên cũng phải công bằng mà xét, Huỳnh Thúc Kháng chưa hẳn là người hoàn toàn không tán thành đường lối của chủ nghĩa cộng sản. Sau cách mạng tháng Tám 1945 ông đã cùgn những người cộng sản hết lòng xây dựng và giữ gìn chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà còn non trẻ. Hơn nữa, nhiều bài viết trên báo Tiếng Dân đã bị kiểm duyệt, cắt bỏ từng phần hoặc toàn bộ, rất khó khôi phục lại. Chúng ta chỉ có thể khẳng định rằng những nội dung bị cắt xén đó chắc chắn đi ngược lại yêu cầu của nhà cầm quyền thực dân, có lợi cho cách mạng.
Xu hướng cải lương xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm với những tên tuổi lớn như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Chánh Chiếu... vậy vì lý do gì mà quần chúng nhân dân thích đọc Tiếng Dân, một tờ báo pha trộn giữa khuynh hướng đại nghị với quan điểm lập hiến? Điều này không khó lý giải.
Thứ nhất, Tiếng Dân là tờ báo đầu tiên đại diện cho người dân xứ Trung
Kỳ, lại chịu sự quản lý của một nhân sĩ có uy tín, nổi tiếng là người có đức có tài, có tâm.
Thứ hai, hầu như số nào Tiếng Dân cũng có bài bàn về chính trị, về các vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội, là những nội dung mà báo chí đương thời (trừ dòng báo chí cách mạng, bí mật) đều né tránh.
Thứ ba, mặc dù mang tính cải lương, nhưng Tiếng Dân luôn đứng về phía những người thuộc tầng lớp dưới, đối lập hẳn với hệ thống báo chí của nhà nước như Hoan Châu công báo, Hà Tĩnh tân văn, Trường an cận tín.
Nó cũng khác hẳn với những tờ báo của các đảng phái chính trị cơ hội kiểu như Đảng lập hiến của Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long đứng trên danh nghĩa đấu tranh đòi quyền tự chủ cho đất nước nhưng thực chất là ngầm bắt tay với thực dân Pháp nhằm bảo vệ quyền lợi cho giới quý tộc bản xứ.
Như trên đã nói, từ những năm 1920 trở về sau, ở Việt Nam xuất hiện nhiều tổ chức, đảng phái chính trị. Tuy nhiên, những đảng phái đấu tranh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc kiểu như Đảng Cộng sản, Việt Nam quốc dân đảng lại không có nhiều. Hầu hết chỉ mang màu sắc yêu nước, giới hạn trong việc đòi cải cách xã hội là chính. Những đảng này khi được chính quyền ve vãn là lập tức quay ra phản bội ngay chính lý tưởng ban đầu của mình. Điều đáng nói là loại đảng phái này lại khá phổ biến, chi phối gần như toàn bộ xã hội, đặc biệt tại các đô thị. Tiếng Dân, tờ báo hợp pháp chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền thực dân, nằm trong vòng vây hãm của thứ luật pháp nô dịch, nên cũng khó mà vẫy vùng được. Chính vì vậy, cũng là điều dễ hiểu khi, suốt 16 năm không ngừng công kích nhà cầm quyền, Tiếng Dân chưa bao giờ đặt ra vấn đề độc lập dân tộc, xoá bỏ chế độ cũ xây dựng chế độ mới bằng các biện pháp cách mạng. Báo mới chỉ hạn chế trong việc phê phán các chính sách thuế khoá, giáo dục, phu phen, ít khi sử đụng chạm tới triều đình phong kiến. Nói cách khác, theo xu thế chung, Tiếng Dân cũng chỉ dừng lại ở mức độ đấu tranh đòi cải cách xã hội. Tiếng Dân từng viết: “Muốn cho tư tưởng phản đối không
xuất hiện ra chỉ có thay đổi chánh thể cho phù hợp với thời thế cùng nguyện vọng của dân là một cách rất ổn thoả và vững bền...”. ở chỗ khác, tờ báo còn tỏ rõ thái độ không muốn người Pháp rút về nước họ: “Hai dân tộc ở chung trên một miếng đất đã hơn nửa thế kỷ nay, cái quan hệ với nhau không phải là tuyệt nhiên không có. Người Pháp vượt mấy lần biển mà sang đây không phải là không có dụng ý, nào quyền lợi, nào lợi ích, trong mấy lâu nay đã gây thành một mối quan hệ không thể nào rời được, mà từ nay về sau, mối quan hệ ấy không dễ một ngày mà mất đi. Vậy thì theo thuyết thế giới giao thông ngày nay, ta không vì lẽ gì mà đuổi người Pháp về...”.
Theo Tiếng Dân mọi xung đột giai cấp trong xã hội đều xuất phát từ mấy lý do: Sự bất bình của người dân trước những chính sách lạc hậu của nhà cầm quyền, vì con người không biết yêu nhau, do cái dốt và cái đói gây nên. Tiếng Dân số 260, 261 có bài “Cuộc trị an trong một nước” đã viết “Bất bình là cái mầm của sự nguy loạn, nên muốn cho trị an tất phải làm cho cái mầm ấy tiêu diệt đã”. Tác giả Nga Sơn vạch rõ nỗi bất bình của dân ta xuất phát từ sự thiên vị trong các chính sách cai trị của người Pháp. Cùng là dân một nước, nhưng người Nam kỳ lại được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi trong khi người dân Bắc và Trung kỳ lại bị rẻ rúng, khinh miệt. Bài báo mách nước, muốn triệt tiêu được mâu thuẫn trong nhân dân, người Pháp nên chú trọng đến việc “tam kỳ hợp nhất”, không có sự phân biệt đối xử. Rõ ràng là Tiếng Dân đã không nắm được bản chất đối kháng trong xã hội ta thời bấy giờ, quan điểm này phần nào giống với thuyết Trực trị của Nguyễn Văn Vĩnh.
Trên đường ra Bắc, nữ phóng viên báo Le Petit là A. Viôlit đã ghé qua toà soạn phỏng vấn chủ nhiệm báo Tiếng Dân. Căn cứ ở phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh những năm 1930 – 1931, Viôlit có hỏi Huỳnh Thúc Kháng: Qua những cuộc biểu tình gần đây, người Việt Nam có lẽ theo xu hướng cộng sản hay sao? Huỳnh Thúc Kháng trả lời: Người Việt Nam chúng tôi phần nhiều chẳng rõ chủ nghĩa cộng sản là gì... Nói cho rõ là cái dốt và cái đó nó phục sau
lưng, cùng đường phải chạy nháo... (Nguyễn Thành, sách đã dẫn, tr.132). Điều này phù hợp với ý nguyện của Huỳnh Thúc Kháng khi đề đạt với Toàn quyền Rôbanh vào ngày 13.12.1930 “Chủ yếu là do đời sống khổ sở mà quần chúng làm biến loạn, muốn trị an thì phải làm cho dân có chút trú trong sự sống do chính phủ ban ơn”. Nói cách khác, nếu người Pháp tiến hành cải cách xã hội , nâng cao dân trí, làm cho đời sống nhân dân ấm no hơn thì sẽ triệt tiêu được đối kháng giữa kẻ đi xâm lược với người bị xâm lược. Rõ ràng là quan điểm sai lầm về chính trị mà Tiếng Dân mắc phải không xuất phát từ đạo đức người cầm bút. Nó liên quan đến những nhận thức không đúng của tờ báo đối với thời cuộc, với sự vận động đi lên của các quy luật xã hội, không nắm bắt được nhu cầu, tâm lý của quần chúng nhân dân. Dường như Tiếng Dân mới chỉ chú trọng đến việc giải quyết những nhu cầu trước mắt, chưa quan tâm đúng mức đến lợi ích lâu dài của dân tộc.
Ngoài những nội dung chính trị chính yếu trên, Tiếng Dân còn đề cập khá phong phú đời sống xã hội, từ đời sống thiếu thốn, đày ải của người tù chính trị tại Sơn La, Côn Đảo, đến vấn đề tự do ngôn luận, từ sự hình thành chủ nghĩa phát xít trên thế giới đến quyền sống, quyền bình đẳng của người phụ nữ Việt Nam. Tờ báo còn có nhiều bài nói lên chính kiến của mình về lịch sử, văn hoá, thơ ca. Tiếng Dân còn là diễn đàn tranh luận về nhiều vấn đề nổi cộm, gai góc trong xã hội trên các lĩnh vực triết học, văn học... Các mục Văn vần, Tự do diễn đàn rất được người đọc hoan nghênh. Qua chúng, tác giả như muốn gửi gắm tâm tình, quan niệm sống của mình đối với thời cuộc tới các tầng lớp nhân dân. Đây chính là nơi nhen nhúm ngọn lửa yêu nước trong mỗi con người. Qua chúng, người đọc như được giải toả bao nhiêu ẩn ức chất chứa bấy lâu và cũng từ đây họ tìm lại được sự tự tin trong nhốn nháo cuộc đời:

“Bút tươi, mực đậm chữ chưa mòn
Chuyện lớn phô bày đến chuyện con
Âu, á un chung ngòi bút sắc
Cuộc năm châu mới xôn xao sóng
Nước mấy triều xưa quan quẽ hồn
Thương nhỉ ghé chăng đành mặc kệ
Miễn sao nghĩa vụ được vun tròn
(Tiếng Dân 1934).

Có thể nói khi làm chủ nhiệm báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng là hiện thân của một chiến sĩ xã hội, là một nhà yêu nước. Tư tưởng cách mạng chỉ thực sự đến với Huỳnh Thúc Kháng sau cuộc gặp gỡ giữa ông và Hồ Chủ Tịch. Giữa ông và những người cộng sản đã tìm được điểm tương đồng, đó là chủ trương đoàn kết toàn dân, đấu tranh vì dân chủ xã hội, vì hạnh phúc của quảng đại quần chúng nhân dân. Không quản tuổi già sức yếu, Huỳnh Thúc Kháng đã cùng Chính phủ nếm mật nằm gai tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến. Ông là người sáng lập và làm Chủ tịch Hội Liên – Việt. Lớp đào tạo báo chí đầu tiên ở nước ta được mang tên ông. Ông cảm kích trước tấm lòng vì dân vì nớc của bậc làm đàn anh, sau ngày Huỳnh Thúc Kháng mất (21.4.1947) Hồ Chủ tịch đã có thư gửi đồng bào cả nước, trong đó đoạn: “Cụ Huỳnh Thúc Kháng là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội đày đi Côn Đảo mười mấy năm trường gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết.
Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm siêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, uy vũ không làm sờn gan.
Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm giàu sang. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập...”.