Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Là hành vi ăn cắp

      
-       Trong cuộc đời, kỉ niệm nào khiến bác hạnh phúc nhất?
-       Nói bác đừng cười nhé, có lần ra mua xôi sáng được nghe bà bán hàng đọc cho ông sửa xe đạp nghe câu thơ do tôi làm từ mấy chục năm trước, cả buổi hôm đó nước mắt tôi cứ rưng rưng bác ạ.
-       Nếu là tôi chắc sung sướng đến chết mất, có phải nuôi bà ấy cả đời tôi cũng sẵn lòng.
-       Nghe bác nói vậy tôi mới hiểu nguyên nhân tại sao Nhà Xuất bản Giáo dục quỵt nhuận bút của các tác giả mấy chục năm nay.
-       Bác cứ đùa, nhà xuất bản này độc quyền in và phát hành sách giáo khoa, mỗi năm họ kiếm hàng trăm tỷ đồng, ai người ta “bùng” mấy đồng nhuận bút còm.
-       Vậy mà hàng trăm tác giả là các nhà chính trị, nhà tư tưởng, văn nghệ sỹ chưa bao giờ nhận được dù chỉ một đồng từ nhà xuất bản này.
-       Họ phổ cập tác phẩm đến đồng bào cả nước cho là vinh dự lắm rồi, còn đòi nhuận bút nữa à, còn lâu nhé… Bác phải trả thêm tiền mới đúng
-       Cách nghĩ của bác thật y hệt với giọng điệu của nhà xuất bản. Việc buộc phải trả tiền cho sản phẩm trí tuệ đã được ghi vào luật. Nếu sách phát không thì không nói, đằng này, họ bán giá cao, thu siêu lợi nhuận mà lại lờ chuyện trả nhuận bút thì là hành vi ăn cắp, bác hiểu chưa?
-       Sao nặng lời thế, đây chỉ là thói hay “quên” của mấy anh độc quyền quen mùi lợi ích nhóm thôi mà, chấp làm gì.

Cận

Liệu cơm gắp mắm

             

-       34 nghìn tỷ đồng có lớn không bác?
-       Nếu qui ra phở đủ cho người dân nước mình ăn trong một năm. Sao tự nhiên bác lại tưởng tượng ra số tiền khủng khiếp này vậy, mới được bà tỷ phú đô-la nào yêu cho hưởng thừa kế à?
-       Bác cứ quang quác cái mồm, nhỡ bà nhà tôi nghe thấy tưởng thật nổi cơn ghen thì sao. Đây là khoản kinh phí trước đây Bộ Học đề nghị nhà nước chi để làm chương trình sách giáo khoa, nhưng bị bác bỏ. Mấy hôm nay, họ lại trình xin có 800 tỷ đồng thôi.
-       Chỉ trong vòng có mấy tháng mà họ rút xuống tới gần 50 lần. Sao lại có chuyện phi lí thế nhỉ, chuyện quốc gia đại sự mà họ cứ đùa.
-       Theo họ, đây là con số sát thực nhất, không thể thấp hơn được nữa.
-       Nếu như trước đây, chúng ta kí duyệt cho họ cả 34 nghìn tỷ đồng thì thế nào nhỉ, số tiền chênh lệch sẽ chạy đi đâu.
-       Dạo này bác hay hỏi khó quá, thì họ sẽ phải nghĩ ra việc để tiêu cho hết chứ.
-       Trời ơi, bây giờ tôi mới hiểu tại sao nước mình nghèo lâu thế. Thời chiến tranh, thời bao cấp có tỷ nào đâu mà chương trình và hệ thống sách giáo khoa tốt thế, đào tạo ra hàng vạn trí thức cho đất nước.
-       Kinh tế thị trường thì phải khác, không có tiền thì đừng hi vọng làm được gì.
-       Đành rằng là thế, nhưng những nhà quản lí trí thức này lại “làm bừa” ghê quá. Dân mình còn nghèo, họ phải biết liệu cơm gắp mắm chứ.

Cận

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Em yêu trường em


-       Vào dịp đầu năm học mới, lãnh đạo trường Trung học cơ sở Colette ở quận 3 TP. HCM yêu cầu phụ huynh học sinh đóng góp để xây nhà vệ sinh những 2 tỷ đồng bác ạ.
-       Trường mang tên tây thế này thì cũng nên có nhà vệ sinh tương xứng. Phòng học sang trọng, máy điều hoà chạy vù vù suốt ngày, thì cũng rất cần công trình phụ đẹp đẽ.
-       Được thế đã tốt, đằng này lớp học cũng như các công trình phụ trợ khác ở đây còn xập xệ, hơn 2000 cháu vẫn phải ngồi học chen chúc rất khổ sở.
-       Thế thì càng cần phải có toa-lét tử tế để có nơi cho học sinh vừa đi vệ sinh, vừa truy bài nhau, như thế là nhất cử lưỡng tiện.
-       Vấn đề là, đầu năm học các bậc phụ huynh đang méo mặt đóng góp hàng chục khoản, lấy đâu ra nữa để đóng.
-       Bác cứ lo xa. Vào dịp này ai chẳng có tích trữ để nộp khi nhà trường cần đến. Nhà vệ sinh mát mẻ, đẹp đẽ cũng khiến học sinh yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô hơn, nhờ thế mà học sẽ giỏi hơn, sau này cống hiến được nhiều hơn cho xã hội.
-       Giỏi đâu chưa thấy, chỉ biết năm nào phụ huynh cũng phải nộp những khoản lớn để mua ti-vi, máy chiếu, điều hoà, chóng hết cả mặt, trong khi chất lượng dạy và học ngày càng đi xuống.
-       Trường học được điều hành bởi những người luôn nghĩ ra  cách kiếm tiền như thế chứng tỏ thầy cô ở đây rất thông minh. Con cháu bác có phúc lắm mới được học bởi những người như thế, còn kêu ca nỗi gì.

Cận

Khó mọc mũi sủi tăm


-       Chuẩn bị đi đâu mà ăn mặc xúng xính thế bác?
-       Đi liên hoan nhân 4 năm phường được nhận giấy khen vì không có trường hợp nào sinh con thứ 3.
-       Tưởng thành tích hoành tráng thế nào mới tổ chức kỷ niệm, chứ một chuyện vặt vãnh như thế mà cũng mít tinh, ăn uống bác không thấy xót ruột sao?
-       Đây là những dịp để ghi nhận “công lao” của biết bao con người, mình mà thiếu quan tâm, ai người ta còn muốn “cống hiến” nữa.
-       Mỗi năm cả nước có hàng nghìn lễ hội. Việc vớ vẩn nào mà cũng tổ chức festival thế này sẽ gây tốn kém vô cùng lớn, trong khi ở nhiều nơi đồng bào hàng ngày vẫn không có cơm ăn. Mà đã có quy định chỉ được tổ chức kỷ niệm vào năm chẵn thôi mà?
-       Phép vua sao bằng lệ làng. Khắp nơi, năm nào người ta chẳng tổ chức ăn uống linh đình mà có thấy ai bị tuýt còi đâu.
-       Việc này không chỉ gây tốn kém tiền thuế của dân, mà còn làm mất thời gian của rất nhiều người, tôi cực lực phản đối.
-       Người cứng nhắc như bác cả đời chẳng làm cho cái môi được bóng nhẫy một lần. Vào những dịp thế này, tôi không chỉ no nê, phè phỡn, mà còn được quà cáp mang về, vợ con hoan hỉ lắm.
-       Cán bộ ai cũng làm như bác thì xã hội mọc mũi sủi tăm sao được. Đất nước này thật bất hạnh khi sản sinh ra những người con như bác.
Cận

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Như thế là tốt rồi


-       Dạo này nhiều lãnh đạo chịu khó trực tiếp tới những nơi có vụ việc quá bác nhỉ. Thế mới là cán bộ gương mẫu, vì dân, vì nước chứ.
-       Thời buổi này làm gì còn loại người ngồi phòng điều hoà, chỉ tay năm ngón nữa. Như dịp nghỉ lễ vừa rồi, lãnh đạo ngành giao thông Đồng Nai giả làm dân thường đi xe buýt chỉ trong một ngày bắt và xử phạt 40 trường hợp vi phạm, hành khách ai cũng phấn khởi.
-       Sáng hôm sau, ảnh các vị này xuất hiện tràn ngập trên mặt báo phải không?
-       Tôi có thấy đâu, mãi hôm vừa rồi, một vài tờ báo phát hiện ra vụ việc mới đưa tin ngắn gọn, không có tấm hình nào cả.
-       Thế thì tốt, đấy mới thực sự là “đày tớ của dân”. Phần lớn quan chức “vi hành” có lương tâm trong sáng, tất cả nhằm bảo vệ sự bình yên của người dân, sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, không ít người đã lợi dụng hành động đẹp đẽ này để “show hàng”, đánh bóng tên tuổi.
-       Bác cứ nói quá, cán bộ nhà nước ai lại làm thế.
-       Tôi đặt điều làm gì. Nhiều vị “bí mật” đi xe khách để tìm tiêu cực với lực lượng bảo vệ xúm xít xung quanh, máy ảnh phóng viên loang loáng… như thế không phải “show hàng” thì là cái gì?
-       Tôi cũng thấy thế thật. Có ông đến nơi có tai nạn giữa đêm hôm khuya khoắt mà vẫn kịp “ới” hàng trăm phóng viên đi theo chụp cảnh họ lội bùn, đầu trần phơi sương ướt sũng, trông khổ sở, vất vả lắm. Thôi, họ “diễn” một tí thì có sao. Vấn đề là lãnh đạo giờ đây đã gần dân hơn, thế là tốt rồi.

Cận