Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Muốn giỏi phải có tư chất

                                                                               
-       Lâu nay, tôi có mảnh đất ở quê, thầy địa lí nói nằm đúng miệng rồng, chắc chắn sẽ ăn nên làm ra, công danh thăng tiến, con cái đỗ đạt, vậy mà đã 10 năm có thấy chuyển biến gì đâu.
-       Muốn hưởng lộc thì cũng phải từ từ. Đời bác chưa được thì đến đời con, cháu, chút, chít. Vừa rồi bác chẳng được bổ nhiệm tổ trưởng bảo vệ đấy thôi. Con bác mới thi trượt đại học có 4 lần, cứ cho cháu thi lại đi, trước sau gì cũng đỗ.
-       Chẳng bù cho một trường học bên Đông Anh, nằm trên mảnh đất chó ăn đá gà ăn sỏi mà năm vừa rồi có 5 cháu đỗ thủ khoa các trường đại học lớn. Hay tôi gửi mấy đứa cháu sang đấy học nhỉ?
-       Muốn giỏi giang cũng phải có tư chất, có gien, trông bác thế này thì…
-       Bác đừng coi thương tôi nhé, chừng này tuổi mà tôi vẫn hiểu được ngôn ngữ của “tin” trên phây sờ búc đấy. Theo bác, cái gì khiến thầy trò trường trung học phổ thông Cổ Loa giỏi thế nhỉ?
-       Họ giỏi vì thầy dạy thật, trò học thật.
-       Trên đời này làm gì có ai học dởm chứ. Hay họ thuê được những thiên tài như Ngô Bảo Châu về luyện “chưởng” cho học sinh?
-        Đây là vùng quê nghèo, ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ngoại tệ trả cho các giáo sư.
-       Có khi trường này mỗi năm được đầu tư hàng triệu đô la cũng nên. Học sinh phải nộp học phí và tiền học thêm rất nhiều, chắc phải con cái đại gia mới kham nổi.
-       Ngược lại, đây là trường làng, hầu như chẳng được đầu tư gì. Học sinh mỗi tháng chỉ phải nộp có 20 nghìn đồng tiền học, thầy hiệu trưởng hàng ngày vẫn phải lội ruộng, băm bèo cho lợn mới đủ sống qua ngày.
-       Thật là khó tin. Sao bộ Học không cử lãnh đạo các trường về đây học hỏi kinh nghiệm nhỉ?

-       Chỉ những kẻ dở người mới làm thế. Giỏi để làm gì, học sinh có dốt thì phụ huynh mới cho con cái học thêm, các thầy mới có cái cho vào mồm, hiểu chưa.
      Cận

Hãy tin ở con người


-       Bác là người hay kêu ca, phê phán người Việt lắm đấy nhé.
-       Ra đường thấy đầy rẫy chuyện xấu như sự vô cảm trước người gặp hoạn nạn, thanh niên tranh chỗ ngồi của người già trên xe buýt, vợ chửi chồng, con đánh cha… chẳng lẽ tôi lại khen ngợi.
-       Lên án cái xấu là cần thiết, nhưng xã hội mình đâu chỉ có những chuyện như thế, hàng ngày vẫn xuất hiện những tấm gương tốt đấy thôi.
-       Cái tốt nó là lẽ đương nhiên, trong mỗi con người ai chẳng có ít nhiều, cần gì phải khen. Phê bình cái dở cũng là để cái hay hoàn thiện hơn đấy chứ.
-       Ai chẳng biết thế, nhưng khen hay chê cũng nên đều nhau. Hàng ngày trên mặt báo phơi bày nhiều chuyện lấn chiếm đất công, xây nhà không phép, mà ít khi xuất hiện tin bài hiến đất làm trường học, làm nhà văn hóa.
-       Lại có vấn đề gì khiến bác bức xúc phải không?
-       Bức xúc thì không, nhưng bồi hồi thì có. Chẳng là gần đây, ở Đồng Nai, có nhiều người dân hiến đất làm đường.
-       Ôi dào, chuyện xưa lắm rồi. Khối người sau khi hiến đất, nhà được ra mặt đường, bán được giá hơn nhiều lần. Hiến đất mà được lợi như thế, ai chẳng muốn.
-       Sao bác lại có thể nghĩ xấu về con người thế nhỉ. Ở địa phương này, không chỉ có một người hiến, mà cả huyện cùng thực hiện. Có gia đình, nhà không ở mặt đường cũng bán đất góp tiền làm đường.
-       Thì họ cũng đi trên con đường đó nên phải đóng góp là đúng rồi.
-       Vấn đề là nhiều người rất nghèo, đất không có để bán mà vẫn mang sổ đỏ nhà cửa ra ngân hàng thế chấp lấy ít tiền chung sức với hàng xóm láng giềng.
-       Sao lại có người tử tế đến thế được, tôi chẳng tin. Hay chính quyền địa phương ép người dân nơi đây làm thế để đẹp báo cáo cấp trên?

-       Tôi không nói chuyện với bác nữa. Ai mà cũng mất lòng tin như bác, xã hội làm sao tiến lên được. Chán lắm.
      Cận

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Thế mà không nghĩ ra


-       Mấy trăm con người đang mong được chết mà không được bác ạ.
-       Ối giời! Ở đâu ra mà có nhiều người muốn từ bỏ trời xanh, mây trắng, không muốn nghe tiếng gà gáy lúc rạng sáng, đòi rời xa chén rượu mềm môi bên người tình thế?
-       Gớm, mơ mộng quá, đám tử tù chứ ai vào đây.
-       Nếu họ muốn chết thì cứ đem ra bắn quách đi cho xong, giữ làm gì cái đám lòng lang dạ sói.
-       Vấn đề là luật mới không cho bắn, buộc phải tiêm bằng thuốc độc.
-       Thì tiêm cho mỗi đứa vài mũi, sao cứ lấn cấn mãi thế?
-       Đã bao tháng nay, Bộ khám chữa bệnh đã quyết định được dùng loại thuốc độc nào dành cho tử tù đâu.
-       Có mỗi việc đó mà làm cũng không ra hồn. Cần gì phải tìm đâu xa, trên vùng núi lá ngón mọc trắng rừng, chỉ cần dùng vài lá kẹp với gỏi cá hồi, có khỏe như voi cũng “lên đường” ngay.
-       Thời buổi công nghiệp hóa hiện đại hóa ai làm như thế, việc xây nhà, đặt mua bộ giường để cho tử tù nằm lên trước khi tiêm cũng tốn kém lắm, thời buổi khó khăn thế này, tiền đâu ra.
-       Đúng là nhiêu khê, cơ quan chức năng ngày nào chẳng bắt được nội tạng thối, gà thải loại, cá tầm nhiễm thuốc tăng trưởng. Cho hành tỏi phi thơm lên xào với loại thực phẩm bẩn này rồi cho tử tù ăn kèm vài chén rượu quê, đám này mà không lăn quay ra, tôi đi đầu xuống đất.
-       Bác lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ẩm thực, đã bảo là không bắn, không ăn uống, chỉ được tiêm thôi, luật qui định thế.
-       Thì có khó gì, cứ lấy lô vắc xin viêm gan B vừa làm chết mấy trẻ sơ sinh đấy, tiêm cho mỗi tên vài mũi, có to như trâu mộng thì cũng lăn quay.

-       Ừ nhỉ, thế mà tôi không nghĩ ra.
     Cận

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Đấy cũng là tham nhũng

          
-       Sắp tới, nước mình sẽ có thêm kì tích được ghi vào sách kỉ lục thế giới đấy, tha hồ mà ăn mừng, sướng nhé.
-       Tôi đã nói nhiều lần mà bác không tin, nước mình có nhiều người tài lắm, vấn đề là phải tạo cơ hội cho họ bộc lộ. Kỉ lục mới thuộc về bóng đá hả bác?
-       Không, kỉ lục này liên quan đến lĩnh vực cầu đường. Chẳng là vừa rồi, có địa phương làm 350m đường mà hết những 1,5 tỷ đồng.
-       Mỗi km đường cao tốc tốn hàng triệu USD, hơn tỷ bạc đã là cái gì.
-       Nhưng đây là đường liên xã, đổ bằng bê tông, rộng có vài mét.
-       Xi măng, sắt thép không đáng bao nhiêu, tốn kém nhất là giải phóng mặt bằng, nhân công, nếu san nền ở miền núi ấy à, còn đắt gấp mấy lần ấy chứ.
-       Mặt bằng và nền đường đã được xã hoàn thiện, bàn giao đúng qui chuẩn. Nhân lực cũng không phải thuê, chủ đầu tư đã huy động miễn phí được1000 đoàn viên thanh niên tham gia. Tóm lại, chỉ cần láng xi măng lên là xong.
-       Nếu vậy thì, bất kì ai cũng dễ dàng nhận ra, con đường này có giá đắt gấp 3 đến 4 lần bình thường. Hay xi măng dùng để thi công ở đây được nhập khẩu từ Mĩ, trộn lẫn với bột đá cẩm thạch, còn sắt thì pha với bạc, với vàng để tạo độ cứng, chống gỉ sét?
-       Làm gì có chuyện đó, vật liệu được mua ngay đầu làng, máy đầm hình như cũng không phải thuê, 1000 đoàn viên dậm chân thình thịch cả ngày như thế, nền đường có mà cứng như đá, xe 20 tấn chạy qua cũng không hỏng được.
-       Hay là trong tổng số tiền đó, chỉ 300 triệu đồng dành để làm đường thôi, số còn lại chi cho ăn uống. Cả ngày dậm chân như thế mau đói lắm. Ngày 3 bữa gà rán BBQ cho hàng nghìn con người cũng tốn kém lắm, hơn tỷ bạc chưa chắc đã đủ.
-       Thôi đi, sao bác không nói ăn cả tôm hùm, cua bể đi cho đủ bộ. Chỉ có bánh mì với nước trà tươi. Giống như việc xây nhà vệ sinh siêu sang ở Quảng Ngãi, đây cũng là hành vi tham nhũng, cần phải xử lí thẳng tay, bác đã rõ chưa.

-       Gớm, gay gắt quá, cứ như ăn phải rau ngổ vậy.
     Cận

Vẫn là bệnh giấu dốt

                                                 
-       Theo bác, Việt Nam mình đang tương đương với trình độ nào của thế giới.
-       Bác hỏi khó trả lời quá. Nếu nói về tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm thì ông cha mình đứng đầu thế giới, còn về phát triển kinh tế thì đứng thứ 42, về sự vô ý thức khi tham gia giao thông thì cũng không có nước nào bằng. Bác muốn hỏi về lĩnh vực cụ thể nào?
-       Tôi muốn biết về giáo dục đào tạo, bác có thể nói rõ được không?
-       Việt Nam đang là một trong vài quốc gia đứng đầu thế giới đấy.
-       Bác giễu cợt tôi đấy à, đứng hạng bét thì có.
-       Bác chẳng biết gì cả, thực tế, để các nước khỏi ghen tị, kèn cựa, bộ Học đã chỉ đạo học sinh cả nước phải giả vờ tỏ ra dốt nát đấy thôi. Khá khen cho Bộ này đã vận dụng khá linh hoạt câu nói nổi tiếng của cổ nhân “biết nhưng nói là không biết ấy chính là biết”.
-       Bộ Học vốn nổi tiếng mắc bệnh thành tích trầm trọng, lẽ nào lại đi giấu giỏi, bác cứ nói đùa.
-       Thế bác không biết chuyện tại Hội nghị tổng kết năm học vừa diễn ra, Bộ Học đã quyết định xử phạt một số trường vì có thành tích tốt nghiệp cao hơn năm ngoái à?
-       Bác cứ nói đùa, thành tích cao thì phải thưởng chứ.
-       Theo biện giải của lãnh đạo Bộ này, họ phải phạt để tránh tình trạng báo cáo láo. Con số tốt nghiệp gần 100% hàng năm thực chất là con số ảo, không đáng tin. Họ hạ trần…tỷ lệ tốt nghiệp để cơ quan chức năng và báo chí đỡ “soi”
-       Thì ra là vậy. Thực ra vẫn là bệnh giấu dốt. Làm nghề dạy dỗ đạo đức, tri thức mà gian dối thế, làm sao tạo ra những con người trung thực tử tế được. Vậy người ra lệnh xử phạt tréo ngoe này còn tại vị không?

-       Thì vưỡn…?!
      Cận

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Chán chẳng buồn nói

                                                  
-       Năm học tới tại Hà Nội sẽ có hàng chục trường quốc lập thuộc các hệ trung học cơ sở và trung học phổ thông thu học phí ở mức 3 triệu đồng mỗi tháng đấy.
-       Như thế là thấp hay cao, tôi thấy nhiều trường dân lập thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng mà?
-       Trường dân lập họ phải lo từ A đến Z, còn chi phí cho trường quốc lập được lấy từ tiền thuế của dân, không thể tùy tiện tăng bừa được.
-       Nghe nói là chỉ những trường chất lượng cao mới tăng học phí cao gấp 150 lần mức thu vùng ngoại thành thôi.
-       Như vậy sẽ tạo sự bất bình đẳng trong hưởng thụ giáo dục. Giờ đây, một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ vẫn có thể học trường chất lượng cao miễn là gia đình có tiền nộp. Còn các cháu gia cảnh nghèo khó mà thông minh, học giỏi thì cứ yên tâm mà học trường làng nhé.
-       Cũng phải có sự phân biệt như thế mới tạo ra được tầng lớp tinh hoa được chứ.
-       Để có người tài chúng ta cần có phương án tổ chức thi tuyển tốt, có chế độ đào tạo ưu việt với những cơ chế sử dụng đặc biệt đối với những “ngôi sao”, tiền bạc chưa nói lên điều gì cả.
-       Nếu không tăng học phí, làm sao cải thiện được lương cho giáo viên, lấy đâu ra để nâng cấp cơ sở hạ tầng.
-       Ngành y tế, ngành giao thông cũng nhiều lần tăng các loại phí với cam kết sẽ nâng cao chất lượng phục vụ, vậy mà nạn phong bì vẫn tràn lan, đường sá thì tồi tệ, tai nạn giao thông ngày càng diễn biến phức tạp đấy thôi.
-       Vậy không lẽ cứ để giáo viên sống với đồng lương èo uột, học sinh chui rúc trong những ngôi trường dột nát?

-       Đừng bao biện thế, trước đây, thời đất nước còn nghèo khó, giáo dục Việt Nam đâu có be bét như bây giờ. Rất nhiều học sinh của chúng ta đã giành những giải thưởng lớn, làm vẻ vang cho bộ mặt nước nhà. Còn bây giờ, chán chẳng buồn nói.
      Cận

Lớn làm sao được


-       Sao mặt mũi thẫn thờ, vừa đi vừa lẩm bẩm như bị thần kinh thế bác?
-       Điên làm sao được, tôi đang sáng tác ca khúc đấy.
-       Kinh nhỉ, làm bảo vệ như bác mà cũng có năng khiếu âm nhạc à?
-       Cả đời rình mò bắt trộm, tôi nào có biết nghệ thuật là gì. Chẳng qua là gần đây có một cuộc thi thiết kế logo, slogan và ca khúc phục vụ chương trình cải thiện thể chất người Việt Nam. Giải thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng nên tôi ham quá.
-       Ca khúc thì liên quan gì đến chiều cao, cân nặng của con người nhỉ?
-       Sao lại không, tiếng nhạc có thể át mùi tanh của thịt cá, khiến con người ta hào hứng ăn uống hơn.
-       Ngoài ra còn có chức năng gì nữa?
-       Lời bài hát có thể thay thế thời khóa biểu, nhắc người hát hoặc người nghe giờ nào uống sữa, giờ nào ăn kem, khi nào thì tập thể dục, thậm chí lúc nào mới được cười, được hét to chẳng hạn.
-       Tôi vẫn chưa hiểu?
-       Đúng là thể chất của bác có vấn đề, có thế mà cũng không hiểu. Bài hát chính là qui trình sinh hoạt, ăn ngủ, nghỉ được tính toán một cách khoa học. Ai tuân thủ nghiêm ngặt, chẳng mấy lúc mà cao tới 2 mét
-       Cao lớn quá chỉ tổ hao cơm tốn vải. Thằng Mĩ, thằng Pháp “khủng” thế chẳng bị ông cha mình “tẩn” cho lên bờ xuống ruộng đấy thôi.
-       Trước khác, giờ là thời đại của kẻ mạnh, càng to béo càng dễ lấy thịt đè người. Như người Nhật đấy, cả thế kỉ nay, họ rất khuyến khích người dân kết hôn với người phương tây nên giờ chiều cao của họ đã tăng đáng kể.

-       Kể cũng buồn cười, người dân châu Á vốn chân vòng kiềng, da vàng nhem nhuốc giờ lòi ra trên mặt cái mũi lõ to tướng, mắt thì bên xanh, bên nâu chẳng biết tổ tiên có nhận ra không. Theo tôi, nhà nước chỉ cần tìm cách hạn chế nạn trộm cướp, giảm tai nạn giao thông, đề cao đạo lí làm người, biết nhường trên kính dưới, ai ai cũng hạnh phúc, ăn rau thôi người ta cũng sẽ cao lên vù vù. Uống sữa cô gái Hà Lan, ăn thịt bò Kô-bê mà trong lòng lúc nào cũng lo nơm nớp liệu chiều nay ra đường có bị ôtô đâm phải không nhỉ thì lớn làm sao được.  
      Cận

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Đi mà hỏi Bộ Học

-       Theo bác, cái mà các bà mẹ Việt Nam anh hùng lâu nay cần nhất là gì?
-       Các mẹ phần lớn sinh ra và lớn lên ở nông thôn, chồng con hi sinh cả, tuổi cũng đã cao, sức lại yếu, ăn uống được bao nhiêu nữa nên cần nhất là sự quan tâm, chia sẻ, nâng giấc của cả cộng đồng.
-       Những cái đó, Đảng-Nhà nước và chính quyền địa phương đã chu tất. Theo tôi, cái mà tất cả các cụ đều thiếu đấy là tấm bằng đại học.
-       Gần đây Bộ Học đã ban hành một văn bản ưu tiên 2 điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công trong hoạt động cách mạng trước năm 1945 nếu đăng kí thi đại học đấy thôi.
-       Sao không tuyển thẳng mà chỉ ưu tiên nhỏ giọt thế nhỉ. Tỷ lệ “chọi” cao như thế, nếu có cụ nào lên Hà Nội chui vào lò bát quái luyện thi, chẳng may nóng quá mà “thăng” ra đấy ai chịu trách nhiệm?
-       Chồng con lên đường ra trận rồi hi sinh, cuộc sống khốn khó thời chiến tranh các cụ còn vượt qua được xá gì cuộc thi đại học, bác không phải lo.
-       Rồi khi vào được đại học các cụ lấy gì sống, tiền đâu trả học phí, thuê nhà trọ, mua sách vở, lễ tết thầy?
-       Đâu khắc có đó, ai cấm các cụ làm gia sư, rửa bát cho quán ăn hay chạy xe ôm đâu.
-       Ai lại để biểu tượng của cả một thế hệ anh hùng làm những việc đó. Bọn trẻ nhiều đứa khi thi hết môn còn trượt oành oạch, không hiểu các cụ làm thế nào vượt qua được các môn Ngoại ngữ, Quốc phòng an ninh, Thể dục nhỉ?
-       Thì những môn đòi hỏi thể lực hay trí tuệ quá thì miễn cho các cụ.
-       Nếu thế thì miễn tất. Lấy được tấm bằng rồi, các cụ dùng nó để đi xin việc làm à?

-       Ai mà biết được, bác đi mà hỏi Bộ Học, hỏi nhiều quá, bực cả mình.
     Cận

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Biết trông cậy vào ai?

           
-       Bác đi đâu về mà mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao thế kia?
-       Trời nóng quá, ra cắt tóc, cạo râu thôi.
-       Bác có con cái ở nước ngoài gửi tiền về nên xông xênh làm đẹp thường xuyên được, chứ tôi sống bằng lương hưu, cả năm chỉ cắt tóc một lần vào dịp tết đã thấy xót hết cả ruột.
-       Đầu tóc như tổ quạ thế kia chắc ngứa ngáy khó chịu lắm nhỉ?
-       Cũng quen rồi. đứng đâu mà không gãi lại thấy thiêu thiếu. Tôi thấy mấy cụ Rùa ở Văn Miếu Quốc Tử Giám là sướng nhất, cả đời chẳng phải cắt tóc gội đầu thư giãn hay đi spa bao giờ, đỡ tốn.
-       Các cụ là thiêng lắm đấy, không thường xuyên làm đẹp, rửa ráy cho các cụ, các cụ mà nổi giận thì có mà hết hơi.
-       Cũng không nhất thiết phải tốn kém làm gì. Năm nào chẳng có vài đợt thi, sĩ tử khắp nơi ùn ùn kéo về, mỗi đứa xoa đầu cụ một phát thì tóc nào mọc được, chẳng cần dầu gội đầu mà vẫn bóng lộn, soi gương được.
-       Đáng lí các cụ xoa đầu cháu chắt, giờ bọn trẻ làm ngược lại, hỗn quá. Các cụ không vật chết là may, ai phù hộ cho đỗ đạt chứ.
-       Sao xã hội càng hiện đại, con người ta càng mê tín dị đoan hả bác?
-       Ở nước ngoài họ đâu có thế. Đây là hệ quả của một nền giáo dục thiếu tự tin. Thầy cô mà mặt mũi lúc nào cũng nhem nhuốc chạy đôn chạy đáo kiếm lớp dạy thêm, học trò làm sao sáng láng được, chẳng trông vào thần linh bao bọc cho thì biết cậy vào ai.
-       Nói như bác, tình trạng xoa đầu các cụ rùa vẫn còn dài dài?

-       Đúng thế. Rồi thì, đầu các cụ sẽ ngày càng bóng hơn và ngày càng bé lại, như nền giáo dục vốn chông chênh, ọp ẹp hiện nay vậy.
      Cận

Phải trung thực với bản thân

-       Bác có biết ai thọ nhất thế giới không?
-       Từ nhỏ tôi được bà kể cho nghe chuyện về ông Bành tổ là người sống lâu nhất, đến giờ đã có ai vượt qua được đâu.
-       Ông này chưa là cái gì nhé. Vua Hùng nhà mình sống lâu hơn nhiều.
-       Thật à, sao tôi chưa đọc thấy ở đâu viết như vậy nhỉ?
-       Bác cứ tới khu du lịch Đồng Xanh ở Gia Lai sẽ thấy. Ở đây có tấm biển rất to ghi Hùng Chiêu vương tức Lang Liêu  sống được 692 tuổi, tại ngôi 200 năm, có 60 vợ, 23 con trai, 36 con gái…
-       Hồi đó đã làm gì có giấy khai sinh hay giấy đăng kí kết hôn mà có con số chính xác như vậy được. Vua Lang Liêu có chừng nấy vợ, chỉ cần bẹo má mỗi bà một cái đã hết ngày, thời gian đâu mà trị vì đất nước?
-       Hồi đó đất rộng, người thưa, con người sống với nhau hết sức hiền hòa, nên cũng chẳng có công to việc lớn gì, ăn xong là lại đàn ca sáo nhị, hái hoa bắt bướm suốt ngày, có gì vất vả đâu.
-       Ngày đó khoa học công nghệ chưa có, chống chọi với thế giới tự nhiên đã hết hơi lấy đâu ra mà nhàn hạ thế. Tôi đây có một bà mà đã dặt dẹo thế này, vua Lang Liêu có mấy chục bà mà sống được gần 700 tuổi, thật quá phi lí.
-       Tôi cũng nghĩ như bác vậy, nhưng tấm biển ghi rõ như vậy, không lẽ họ bịa?
-       Thực ra họ không bịa, những nhà quản lí này ghi lại những thông tin trong sách sử thôi. Họ đâu có biết đó chỉ là những con số tâm linh, ước lệ của dã sử, dật sử, thần thoại, truyền thuyết.
-       Các doanh nghiệp dùng những số liệu hoang đường để thu hút du khách hả bác?

-       Khách du lịch họ thực tế lắm, họ không bao giờ chi tiền tới những “danh thắng”giả cầy với những con số bịa đặt cả. Muốn phát triển được du lịch, trước hết chúng ta phải trung thực với bản thân và phải biết coi trọng chữ tín đã.
      Cận

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Thật đáng thương

-       Nếu bị ngộ độc thức ăn bác sẽ xử lí thế nào?
-       Tôi có hay ăn tạp, lê la ngoài đường ngoài chợ như bác đâu mà ngộ độc được.
-       Thế bác tưởng chỉ ăn cơm nhà mà đã an toàn à. Bác đang chết âm thầm mà không biết đấy thôi.
-       Bác đừng có mà trù ẻo tôi nhé, thế nào là chết lặng lẽ, âm thầm?
-       Như tôi đây, suốt đời cơm đường, cháo chợ, nếu chẳng may có ngộ độc thức ăn thì vào viện rửa ruột là hết, hôm sau lại tung tăng quán sá được. Nếu bị nặng thì cũng chết ngay, vợ con đỡ khổ, không dặt dẹo, lay lắt như bác.
-       Tôi chỉ hơi gầy yếu chút thôi, có mấy khi ốm đâu.
-       Nhìn nước da vàng ệch, xám ngoét, chân bước thập thững, đôi mắt thô lố của bác là tôi biết chất độc tích tụ trong cơ thể đã nhiều lắm rồi. Hàng ngày bác mua thức ăn ở đâu?
-       Thì mua ngoài chợ chứ tiền đâu mà vào siêu thị.
-       Ngày nào báo chí cũng ra rả chuyện thịt thối ướp formol, rau cỏ, hoa quả đậm đặc dư lượng thuốc trừ sâu, đặc biệt gần đây lực lượng chức năng còn phát hiện khoai tây Trung Quốc có hàm lượng độc tố cao gấp 16 lần tiêu chuẩn cho phép bán tràn lan ngoài chợ… rồi còn trứng dởm, sữa bẩn… không thể kể hết.
-       Thế cơ quan hữu quan ở đâu mà để đám gian thương lộng hành vậy?
-       Thì họ vẫn hoạt động tích cực, nhưng không xuể. Mới đây, một ông đứng đầu ngành bảo vệ thức ăn khuyên mọi người không nên quá cảnh giác với rau thịt có độc. Ông này bảo một chàng trai 18 tuổi phải ăn 1000 cây rau xà-lách một lúc, hoặc một cô gái phải ăn liền tù tì 354 quả táo nhiễm độc mới có thể chết được.
-       Ôi, sao lại có quan điểm thiển cận thế nhỉ, ai chẳng biết chất độc tích tụ mỗi ngày một tí, đến một lúc nào đó sẽ phát tác thành bệnh tật. Làm lãnh đạo mà phát ngôn như thế là không ổn.

-       Tôi cho rằng, ông này có ý kiến quái đản như thế chắc là do trước đây ăn nhiều thực phẩm bẩn, giờ đã phát tác lên hệ thần kinh, thật là đáng thương.
      Cận

Công bằng được thiết lập


-       Nếu kiếp sau vẫn được đầu thai là người Việt, bác sẽ chọn nghề gì, ngân hàng hay kinh doanh bất động sản?
-       Mấy công việc đó tuy nhiều tiền nhưng mệt lắm, tôi lại xin làm công chức thôi.
-       Làm cán bộ nhà nước lương ba cọc ba đồng sống sao nổi, bác không có chí tiến thủ gì cả.
-       Cũng tùy vị trí, lương thấp nhưng lộc nhiều, quan trọng là mình làm chủ được thời gian, muốn đến lúc nào thì đến, ngồi quán cà phê đến mọc rêu ở ghế cũng được, công việc cũng ít và không bao giờ phải chịu trách nhiệm cả. Tuy làm việc được chăng hay chớ nhưng chẳng ai đuổi được mình.
-       Cái thời cán bộ sáng cắp ô đi tối cắp về của bác sắp qua rồi. Tới đây, sẽ có chế độ công chức hợp đồng. Việc thi tuyển đầu vào sẽ rất chặt chẽ, không thể có chuyện con cháu ở quê chỉ biết chăn trâu cắt cỏ cũng lôi lên thành phố làm bàn giấy, thở ra khói, thét ra lửa chỉ vì có người nhà đang ở “ngôi” cao nhất.
-       Để làm được như thế không dễ đâu. Khi nào mà mỗi cơ quan nhà nước còn được tự chủ trong việc tuyển người thì tiêu cực vẫn có đất sống. Bố bảo bộ phận tổ chức dám đánh trượt người nhà của sếp đấy.
-       Thế chẳng lẽ bó tay, tệ quan liêu, hống hách, cửa quyền cứ kéo dài mãi?
-       Thời buổi này làm gì có chuyện thúc thủ trước đám tầm cửi. Gần đây chúng ta đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh, chẳng hạn như trong đợt thi nâng ngạch vừa rồi, có hơn 30% người bị trượt, đa phần rơi vào cán bộ lãnh đạo.
-       Thế kia à, đúng là cuộc cách mạng, trước đây đám này đã ngồi vào thi là không bao giờ trượt. Vậy theo bác để tuyển được người có chất lượng thì làm thế nào?

-       Quá đơn giản. Nhà nước nên lập một bộ phận hàng năm tổ chức thi tuyển ở mọi ngành nghề, sau đó phân bổ cho các cơ quan có nhu cầu bằng hình thức bốc thăm ngẫu nhiên, như quay xổ số ấy, công bằng sẽ được thiết lập ngay thôi.
      Cận