Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Đừng huyền hoặc quá!


- Mừng quá bác Viễn ạ! Thế là cuối cùng cụ rùa hồ Gươm sắp được cứu sống rồi.
- Căn cứ vào đâu mà bác nói vậy?
- Thì chính quyền Hà Nội vừa quyết định thành lập Ban chỉ đạo cứu cụ rùa đấy thôi.
- Ôi dào, việc này người ta đã bàn bao năm nay rồi, có thực hiện được đâu
- Thế ra tôi mừng hụt à?
- Không chỉ nhẹ dạ cả tin, tôi còn đồ rằng đầu óc bác có vấn đề.
- Bác cứ dìm “hàng”, tôi mà ngu dốt đã không giữ được cái chức đội trưởng đội bảo vệ cơ quan ngần ấy năm.
- Được rồi, vậy tôi hỏi, nếu bác là lãnh đạo một đơn vị lớn, người ta giao cho bác nhiệm vụ trục vớt, cứu chữa cụ rùa, bác có nhận không?
- Thì… thì cũng phải tính toán điều hơn lẽ thiệt đã chứ!
- Tôi biết ngay là bác sẽ nói vậy, “Cụ” là thần linh, là biểu tượng của dân tộc, giờ mà bác vớt “cụ” lên, chẳng may không chạy chữa được, “Cụ” lăn ra chết thì cơn bão dư luận sẽ trút xuống đầu bác, coi như sự nghiệp chính trị của bác cũng “tiêu”.
- Cụ là thần, chết làm sao được
- Bác ngố thật hay giả vờ đấy? Cụ mà có phép thuật thật thì đã vật chết mấy con mẹ rùa tai đỏ lúc hứng tình cắn đứt cả cổ cụ, cũng như chém chết mấy thằng định câu cụ rồi.
- Bác cứ hay báng bổ, không là thần sao cụ sống cả nghìn tuổi được.
- Chính cái lối huyền hoặc hóa thực tế của những người như bác khiến cụ khổ thêm đấy. Bác thử giở từ điển các loài vật ra xem có loài nào sống quá 200 năm không. “Cụ” rùa hồ Gươm quá lắm là 150 tuổi thôi.
- Ý bác là, nói dại, cụ có “thăng” bây giờ cũng là hợp với qui luật phải không?
- Đúng thế, “Còn nước còn tát”, cứu chữa để “Cụ” thọ thêm cũng tốt, việc cải tạo môi trường lòng hồ cũng là viêc nên làm, nhưng không nhất thiết phải cuống cả lên như thế!
- Nếu không đưa cụ kịp thời lên bờ để cứu chữa, cụ mà chết nổi lềnh phềnh trên mặt nước sẽ tác động rất lớn đến xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới truyền thuyết hào hùng xa xưa.
- Nhưng nếu vớt lên, mọi người chứng kiến thân hình lở lói của “Cụ”, dáng đi thì thập thững nhưng mắt vẫn hấp háy trước các nàng rùa tai đỏ, tôi e sự tôn sùng trong lòng mọi người sẽ sụp đổ
- Vậy phải làm thế nào?
- Bác có thấy những ngôi sao lớn thường có những cái chết hết sức đặc biệt, bí ẩn không?
- Ý bác muốn nói là bí mật đem cụ đi thủ tiêu à?
- Việc gì phải nhẫn tâm thế, đợi đêm xuống, lẳng lặng trục vớt cụ lên mang đến nơi kín đáo mà cứu chữa.
- Nhỡ người dân lâu không thấy cụ nổi lên thắc mắc thì sao?
- Thì kiếm một cụ tương tự thả xuống hồ.
- Kiếm đâu ra một cụ to lớn như thế bây giờ?
- Cứ đặt hàng các chủ quán thịt rừng là có tất.
Cận

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Khát vọng “ảo”


- Tôi hỏi bác Viễn một câu nhé, nhưng bác hứa là phải trả lời thật lòng đấy?
- Gớm, mới nói dối bác có hơn chục lần mà bác nhớ kĩ thế, tôi hứa.
- Bác thích ở thành phố hay nông thôn?
- Mới sáng ra mà bác đã hỏi ngớ ngẩn thế, tất nhiên là thích an cư lạc nghiệp ở thành phố rồi. Ở nông thôn cũng có cái hay, nhưng mỗi năm chỉ nên ở vài ngày thôi. Ở lâu, cái cảnh nhếch nhác, đói khổ nó vận vào thân, ai mà chịu được.
- Tôi cũng có suy nghĩ y như bác vậy. Vợ chồng tôi vừa bán vườn, bán ruộng, bán nhà ở quê lên đây mua đất đấy. Giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội mà bác.
- Vậy à. Chúc mừng bác. Số ruộng vườn mênh mông của bác mà bán đi, lên đây chắc mua được mấy căn biệt thự ấy nhỉ?
- Ở đâu ra, được có hơn chục mét vuông thôi, mà cũng tận trong ngõ ngách chứ đâu phải mặt đường. Chật nhưng vui, muốn ăn bát phở, bước ra cửa là có ngay. Ai cũng ăn mặc đẹp. Các cô thì xinh xắn, ẻo qua ẻo lại trước mặt khiến tôi bần thần rạo rực hết cả người, muốn hồi xuân lần nữa quá!
- Hồi mới lên đây tôi cũng có tâm trạng như bác vậy, hưng phấn lắm. Nhưng ở lâu tôi mới nghiệm ra rằng, ở cái đất này mà không có tiền nhục như con trùng trục vậy.
- Phong độ như bác thì mới nhiều khát vọng, chứ như tôi, răng lợi có còn cái nào đâu mà đòi ăn thịt bò. “Thiết bị”, “máy móc” cũng đại tu mấy lần rồi, giờ không thể phục hồi được nữa. Với tôi giờ chỉ cần mặc ấm, mỗi bữa vài lưng cơm với bát canh là đủ.
- Nếu nhu cầu đơn giản thế sao không ở quê cho thoáng mát, tĩnh tâm, chen chúc lên đây làm gì cho khổ?
- Thì tôi đã nói rồi, tôi chuyển lên thành phố không phải để hưởng thụ, mà chỉ cốt được ở cạnh những người sang trọng. Nhìn mọi người sung sướng, no đủ là tôi thấy mãn nguyện rồi, thấy mình như thuộc về giới quí tộc vậy.
- Bác không có tầm nhìn xa trông rộng gì cả. Sắp tới, nông thôn nước mình rồi cũng phát triển như thành thị vậy. Hàng trăm trí thức trẻ ưu tú vừa được cử về các huyện nghèo, giúp địa phương vươn lên làm giàu đấy. Rồi các vùng sâu vùng xa sẽ có những tòa nhà chọc trời. Người nông dân ở ngoài ruộng về đi thang máy lên tầng 20, chui vào căn hộ cao cấp mát lạnh điều hòa để nghỉ ngơi, coi bóng đá…
- Bác đang coi phim khoa học viễn tưởng đấy à. Tôi chỉ mong bà con nông thôn nhận được những manh áo cứu trợ còn lành lặn, đừng có tã tượi quá như đợt vừa rồi, mong bà con ai cũng có cặp bánh chưng không bị mốc, chút hoa quả không ngâm hóa chất, mấy gói mì tôm còn hạn sử dụng đặt lên bàn thờ tổ tiên là được. Người còn sống dùng đồ “dởm”, ăn thịt hộp thối, uống thuốc quá đát còn chấp nhận được, chứ để người đã khuất xài mấy thứ đó tội lắm, có ngày các cụ vật chết.
Cận