Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Sẽ không đụng hàng

    
-       Sao dạo này nhiều người thích khỏa thân thế bác?
-       Thì trời nóng thế này khỏa thân cho nó mát, đỡ tốn tiền mua quần áo. Mà ai khỏa thân vậy, có đẹp không, cho tôi địa chỉ với?
-       Toàn người mẫu với các ngôi sao màn bạc, ngôi sao ca nhạc thôi. Người thì bảo khỏa thân vì môi trường, kẻ vì sự phát triển bền vững, có cô còn cởi tuốt tuồn tuột rồi uốn éo trước mặt thầy phong thủy giả dạng nhà sư, tôi mới chỉ hé mắt nhìn mà mồ hôi cứ túa ra, không tài nào ngăn lại được.
-       Sao mọi người chụp ảnh khỏa thân cứ phải gắn với  cái gì đó nhỉ?
-       Nhiều người làm thế để nhỡ có bị dư luận ném đá thì còn có cớ để giải thích họ biết hi sinh vì cộng đồng, cơ quan chức năng sẽ không nỡ phạt.
-       Cái cơ thể ngọc ngà cha mẹ sinh ra giờ tung hê hết lên mạng ai còn dám lấy làm vợ nữa, họ không biết xấu hổ à?
-       Họ cũng chẳng dại đâu, tiền cát sê sau ngày tung ảnh khỏa thân cứ tăng vùn vụt, chẳng thế mà các cô cứ thay nhà, thay ôtô như thay áo.
-       Sướng thế kia à, hay là tôi cũng cởi, cũng chụp ảnh khỏa thân rồi tung lên mạng?
-       Thôi xin, cơ thể người ta như ngọc như ngà, cái gì cũng nuột nà, hoành tráng, khoe ra có nhiều người ngắm, chứ bác thì…
-       Tôi thì làm sao, “hàng họ” nào đã đến nỗi, chỉ cần vài cân Silicôn là ngon ngay thôi.
-       Nhưng bác phải gắn với con vật nào đó ảnh khỏa thân mới có ý nghĩa chứ.
-       Tất nhiên rồi, khỏa thân vì loài gấu bắc cực có được không bác?
-       Có người làm rồi.
-       Vậy nude vì loài trăn vậy.
-       Cũng có người thực hiện rồi.

-       Khó nhỉ, tôi quyết định sẽ khỏa thân vì loài chuột cống, chắc chắn sẽ không đụng hàng, bác nhỉ 
     Cận

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Tiền hậu bất nhất


                                                           
-       Bác có thích sự hài hước không?
-       Ai chẳng thích, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ mà. Đây chính là yếu tố gắn kết con người với nhau, xóa bỏ mọi hận thù, chiến tranh, đem lại hạnh phúc…
-       Thảo nào mà gần đây quan chức nhà mình thích khôi hài thế.
-       Làm quản lí có rất nhiều áp lực nên họ cũng cần vui vẻ để giảm xì-chét. Ai là người có thể khiến cả xã hội cười thế bác?
-       Gần đây, một lãnh đạo ngành xây dựng cho rằng gia đình có tổng thu nhập 5-6 triệu đồng cũng có thể mua được nhà ở Hà Nội.
-       Dựa trên cơ sở nào mà tính toán như vậy nhỉ, số tiền đó còn chưa đủ cho thằng cháu đích tôn của tôi nộp tiền học thêm mà?
-       Ông ấy tính toán thế này, hộ gia đình 3 người mỗi tháng chi tiêu hết 3 triệu đồng, còn 2 triệu trả góp cho ngân hàng, trong 10 năm là sở hữu nhà riêng.
-       Hình như đầu óc ông này có vấn đề. 3 triệu đồng đó phải chi tiêu tằn tiện như lão Gờ-răng-đê may ra mới đủ, vậy còn tiền thuê nhà, tiền học của con cái, chữa bệnh, mà chay hiếu hỉ, khách khứa nội ngoại hai bên thì tính sao?
-       Tôi cũng nghĩ như bác vậy. Để mua được nhà thu nhập thấp mỗi người buộc phải có sức khỏe như Lí Đức, dạ dày bé như của trẻ sơ sinh, họ hàng, thân bằng cố hữu cũng đã chết cả. Trong 10 năm liền vợ chồng con cái không được mua sắm gì, chỉ được ăn bỏng ngô ngâm với nước giếng thôi.
-       Sống thế thì khác gì con lợn, có nhà  để làm gì. Tôi vẫn còn nhớ, chính vị lãnh đạo ngành xây dựng này chỉ ít tháng trước đã từng phát ngôn, lương của bộ trưởng phải 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp, sao tiền hậu bất nhất thế nhỉ?
-       Theo tôi, nên xếp ông này vào hạng quan chức khôi hài nhất Việt Nam. Lương 5 triệu mà đòi mua nhà ấy à, còn lâu nhé. Có mà mua nhà mồ thì may ra.

Cận

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Nhức hết cả đầu

Nhức hết cả đầu
-       Thế nào, cậu út nhà bác chuẩn bị thi cử đến đâu rồi?
-       Đêm nào nó cũng ôn bài đến nửa đêm mà hôm vừa rồi tham gia thi thử 3 môn được có 7 điểm, chưa bao giờ tôi thấy chán đời như lúc này bác ạ.
-       Cứ bình tĩnh, đâu khắc có đó. Cháu học tập không tiến bộ có khi do chưa được chăm sóc chu đáo, đúng cách cũng nên.
-       Mấy  tháng nay cả nhà tôi thay nhau phục dịch cháu. Sáng ra, mẹ nó bưng tới tận giường bát phở bò với cặp trứng vịt lộn. Đến trưa, thấy nó có vẻ uể oải là lập tức con chị phóng xe đi mua gà ác hầm thuốc bắc với cốc chè Khúc bạch ăn cho mát ruột. Bữa tối, nó muốn “xơi” tôm hùm hay cua bể cũng có ngay, ăn thoải mái, no thì thôi.
-       Sao nó ăn còn hơn cả đại gia mà học vẫn dốt nhỉ, tôi nghe nói thừa đạm quá cũng khiến đầu óc mụ mị đi đấy.
-       Bác thì biết gì, có phải chỉ ăn không đâu, ngày nào cháu chẳng “nốc” cả vốc vitamin với thuốc hoạt huyết dưỡng não, vậy mà dốt vẫn hoàn dốt.
-       Vậy còn chuyện học thêm, thày có tốt không?
-       Thi 3 môn, tôi thuê 5 ông giáo sư đầu ngành dạy riêng cho cháu, mỗi buổi 2 triệu bạc chứ ít đâu.
-       Hay hướng đất, thế nhà không đúng?
-       Không, nhà cửa đất cát đều đúng phong thủy cả.
-       Thế thì lạ thật đấy, thiên đã thời, địa cũng lợi mà nhân chưa hòa, chẳng bù cho một chị ở phường Bến Nghé, quận 1 TP Hồ Chí Minh, chồng mất, suốt mấy chục năm nay chị này chạy xe ôm nuôi 4 đứa con học đại học. Hay là cái đói, cái khổ lại khiến con người ta thông minh hơn hả bác?
-       Thôi bác đừng hỏi nữa, nhức hết cả đầu.
      Cận
-       

Sống sao cho phải đạo

           
-       Sau này mất đi, khi xuống suối vàng, bác ước ao, người nhà trên dương thế gửi cho những gì?
-       Không cần nhiều lắm, chỉ gửi những gì khi còn sống tôi thích và vẫn hay sử dụng như nhà lầu, ôtô, mấy cỗ tổ tôm, vài bộ com lê, chiếc Ipad, ít đô la và vàng SJC…
-       Sao đòi lắm thế, vợ con lấy tiền đâu mà mua?
-       Toàn bằng giấy bồi chứ có phải đồ thật đâu mà lo.
-       Những thứ đó có phải ra đường là nhặt được đâu, phải mua bằng tiền thật cả đấy. Mà nhà cao, cửa rộng, vàng bạc đầy nhà như thế, dùng sao hết?
-       Không thừa đâu. Trong di chúc tôi còn dặn vợ con, vào dịp đầu năm, thằng cả phải đi đặt lấy chục mĩ nữ, mà phải chau chuốt thật đẹp rồi “hóa”, đắt mấy cũng được. Nuôi thêm từng đấy con người cũng tốn kém lắm.
-       Hiện có một bà còn chẳng kham nổi, lúc đấy có chục cô, có mà thành xác ve à?
-       Cùng lắm thì báo mộng cho con cái bảo chúng đốt cho vài chục lọ Viagra là đâu vào đấy ngay thôi.
-       Biết lo xa như thế chắc bác phải để lại cho vợ con hàng chục tỷ đồng?
-       Ở đâu ra, có mỗi cuốn sổ hưu thôi.
-       Khi bác chết nhà nước sẽ cắt lương hưu ngay, người nhà đâu có được hưởng.
-       Tôi không quan tâm, không có cho tôi thì liệu hồn, đêm đến tôi sẽ hiện về bóp cổ.

-       Giờ còn sống mà dặt dẹo thế kia, lúc chết thì đánh được ai. Lúc sống thương vợ con một thì khi sang thế giới bên kia phải thương mười mới phải đạo chứ. Bác không thấy người dân làng Khê Tang xã Cự Khê huyện Thanh Oai từ lâu đã phát động phong trào “Nói không với vàng mã” sao? Họ làm thế là để hạn chế thói ăn chơi sa đọa của người chết, giảm bớt nỗi khổ của người sống, phải học tập chứ.
      Cận

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Cái gì cũng “tọng”


-       Học sinh, nhất là trẻ vùng sâu vùng xa giờ sướng quá bác nhỉ.
-       Nhà nước mới có chính sách cải thiện đời sống cho các cháu hả bác, mỗi cháu có được vài triệu đồng một tháng không?
-       Tiền đâu ra mà cho lắm thế, ý tôi muốn nói là cơ sở vật chất dành cho các cháu giờ đã khá lên nhiều.
-       Thế mà tôi cứ tưởng các cháu đã thoát cảnh cả tuần không được nổi miếng thịt vào mồm. Ý bác muốn nói cơ sở vật chất ở đây là cái gì vậy?
-       Gần đây hàng loạt trường ở khu vực miền núi, hải đảo được cấp vốn xây mới nhà vệ sinh, để các cháu mỗi khi bí bách có chỗ “chui ra chui vào”, không phải vào rừng để “đi” nữa.
-       Được như thế thì vấn đề vệ sinh môi trường sẽ đảm bảo, nhưng tôi nghe nói, hầu hết các cháu chỉ sử dụng nhà vệ sinh có vài lần, sau đó lại rủ nhau chui tuốt luốt vào rừng hay lên núi mà.
-       Chắc do thói quen thôi…
-       Không phải, nghe nói các cháu sợ tường đổ vào người.
-       Bác nói nghe khó tin quá, ở một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi, vừa được chính quyền đầu tư 13 cái nhà vệ sinh với tổng số tiền 6 tỷ đồng, vị chi mỗi cái diện tích có hơn chục mét vuông mà được làm với giá gần 600 triệu đồng, đắt hơn cả nhà vệ sinh của khách sạn 4 sao, đổ làm sao được.
-       Nếu được làm đủ số tiền nhà nước cho thì nói làm gì, có dùng xe ủi cũng chẳng đổ được, đằng này…
-       Ý bác muốn nói là bị rút ruột thậm tệ chứ gì, chẳng lẽ, đến cái nhà vệ sinh cho học sinh nghèo mà cũng bị “ăn” sao?

-       Đúng thế, cái nơi luôn bốc mùi xú uế mà họ còn “tọng” được vào mồm thì liệu có cái gì mà họ buông tha chứ.
     Cận

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Khổ gấp tỷ lần


-       Bác có muốn tôi kiếm cho cái giấy xác nhận bị bệnh thần kinh không?
-       Phỉ phui cái mồm bác, sao tôi đẹp trai thông minh thế này mà bác lại muốn tôi bị điên, từ nay không còn anh em, bạn bè gì nữa nhé.
-       Đừng nóng, tôi muốn điều tốt cho bác thôi. Bác có biết, để mua được bệnh án có tiền sử tâm thần phải tốn tiền triệu không. Công an vừa khám phá đường dây chuyên làm giả hồ sơ tâm thần ở một tỉnh phía Bắc đấy.
-       Người ta cần cái giấy chứng nhận này để làm gì chứ?
-       Bác ngây thơ quá, nếu được coi là tâm thần, dù có làm điều xấu kinh khủng đến đâu, bác cũng không sợ bị tống vào tù.
-       Tôi hiểu rồi, nếu như tôi có bia rượu quá đà, chẳng may đâm xe chết người đi đường hay chỉ vì nóng giận chém lão hàng xóm, cứ chìa cái giấy này ra là không bị giam giữ chứ gì?
-       Đúng thế, thứ bảo bối này đang được nhiều người săn lùng lắm đấy.
-       Có lẽ tôi cũng phải mua một cái mới được. Ở cơ quan, có thằng cha rất hay kèn cựa, nói xấu tôi, nhiều khi muốn “phang” cho hắn một trận nhưng sợ tù tội nên lại thôi, phen này…
-       Có cái giấy này trong tay, bác tha hồ tả xung hữu đột, mấy cú đá ăn thua gì, có giết người cũng chẳng sao.
-       Thế chẳng lẽ cơ quan công quyền bó tay với đám tâm thần phạm tội này sao?
-       Họ không có quyền bỏ tù mà chỉ có thể nhốt vào trại điên thôi.

-       Ối giời, ở với mấy người điên còn khổ gấp tỷ lần bị tù. Đang đêm mà bị mấy tay thần kinh cùng phòng dùng đũa ngoáy vào mũi rồi ngửa cổ lên trần nhà cười sằng sặc đến sáng ai mà chịu nổi. Thôi bác cứ giữ lấy cái giấy chứng nhận tâm thần phòng thân, tôi xin kiếu.
      Cận

“Thương hiệu” khó bỏ

    
-       Dạo này Việt Nam có nhiều thứ đứng đầu thế giới quá bác ạ.
-       Mới có ai giành huy chương vàng bơi lội hay điền kinh à?
-       Không! Mới đây, một tạp chí lừng danh về du lịch đã bình chọn cầu khỉ của nước ta vào vị trí số một về mức độ nguy hiểm đấy.
-       Tôi biết ở nhiều nước, có những cây cầu làm bằng dây chăng qua vực thẳm, có cái đã mục nát nằm chênh vênh trên đỉnh núi, chẳng may rơi xuống có mà tan xương nát thịt. Loại cầu đó mới kinh khủng, chứ tôi chưa thấy ai chết vì rơi xuống từ cầu khỉ bao giờ.
-       Hay là tôi đâm đơn kiện tạp chí này vì đã viết không đúng sự thật?
-       Đừng hấp tấp thế. Báo chí của nước ngoài họ rất thận trọng, trước khi qui kết cái gì họ điều nghiên kĩ càng lắm, mà mối nguy hiểm ở đây đâu nhất thiết cứ phải liên quan đến chết người.
-       Tôi đã bò qua cầu khỉ nhiều lần rồi, nói chung là vui, có thấy sợ hãi gì đâu. Nhiều người nhờ nắm tay hay vịn vai nhau khi qua cầu mà nên vợ nên chồng đấy. Có những bài thơ, câu ca đã viết về cầu khỉ rất lãng mạn, gây xốn xang cả tim gan cật ruột tôi đây này.
-       Đấy là khi bác còn an toàn trên cầu nên nói thế thôi. Bác cứ thử một lần ngã xuống xem, lại chẳng vãi linh hồn ấy à.
-       Nước ở đấy sâu hay cắm nhiều cọc tre vát nhọn hay sao?
-       Không, nước ở đó rất nông, lại tù đọng, đã bao đời nay là nơi chứa rác thải, đến đi vệ sinh người ta cũng xả thẳng xuống đó. Ai vô phúc rơi xuống những con kênh này thì coi tàn đời, tắm rửa hàng tháng trời cũng không hết mùi, đấy là chưa kể nhiều bệnh nan y cũng xuất phát chính từ nơi đây.
-       Thế sao không làm cầu xi măng đi cho an toàn?

-       Cầu khỉ đã thành “thương hiệu” rồi, bỏ khó lắm. Đi trên đó nguy hiểm nhưng vui.
      Cận

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Xem ti-vi tắt tiếng

        
-       Hồi nhỏ, vào dịp tết, bác có hay đốt pháo không?
-       Chẳng cứ gì tết, ngày thường vớ được bánh pháo, tôi cũng đốt, đinh tai nhức óc nhưng mà sướng.
-       Sau này bị cấm, chắc nhớ lắm?
-       Cũng bâng khuâng một chút nhưng quen rồi.
-       Còn tôi, đến giờ vẫn có cảm giác thiêu thiếu khó tả lắm. Sao tự nhiên chính quyền lại cấm pháo nhỉ?
-       Vui xuân, tiếng pháo chỉ cần đì đẹt, khói thơm nồng đủ để đưa đẩy mùa xuân về với cõi nhân gian là đủ, đằng này nhiều tay quá khích làm những quả pháo to bằng cái phích, mỗi khi phát hỏa đủ sức thổi bay cả cửa kính, nên cấm là phải.
-       Đúng thế, một ngón tay chỏ của tôi đã phải nằm lại bệnh viện khi cố cầm quả pháo đang cháy trên tay trước mặt bạn gái đấy.
-       Thế sau này hai người có lấy được nhau không?
-       Không, cô ấy ghét người có tính sĩ diện. Nghe nói, sắp tới nhà nước có thể cho đốt pháo lại mà.
-       Tôi cũng nghe nói vậy, nhưng chỉ là pháo phát sáng thôi, không có tiếng nổ.
-       Thế thì khác gì xem ti-vi mà tắt tiếng. Đã cấm thì cấm tiệt. Pháo sáng không hiểu có gây hại mắt, cháy nhà không nhỉ?
-       Tôi không rõ, chắc người ta phải nghiên cứu kĩ để giảm thiểu đến mức thấp nhất tác hại của loại pháo này. Theo tôi, nên cho đốt cả pháo nổ.
-       Tại bác bị điếc nên mới nói vậy. Bọn trẻ vớ được loại pháo nổ là hay ném lung tung vào người đi đường, tai nạn ai chịu trách nhiệm.

-       Quả pháo đâu có lỗi gì, đáng trách là chúng ta không quản được nên cấm thôi. Nhiều nước cũng đốt pháo mà có sao đâu. Nên có văn bản qui định kích cỡ, quả pháo, chất liệu làm pháo, không được đốt rời, xử phạt nặng mọi vi phạm, đâu sẽ vào đấy ngay thôi.
     Cận

Bụt chùa nhà không thiêng

                                                      
-       Có lẽ trên thế giới ít nước nào có lịch sử chống ngoại xâm oai hùng như dân tộc mình, bác nhỉ?
-       Bác nói quá đúng. Mỗi khi có dịp sang Paris, London, thấy ai tỏ ý ngưỡng mộ quá khứ lẫy lừng của Việt Nam, tôi tự hào lắm, đi đường tự dưng ngực nó cứ ưỡn ra, thành tật, chẳng sửa được.
-       Vậy mà học sinh giờ chẳng mấy đứa thích học sử Việt. Có nơi khi nghe tin năm nay không phải thi tốt nghiệp môn lịch sử, nhiều em, thậm chí cả giáo viên nhảy cẫng lên vì vui mừng, sách vở, giáo án môn này bị xé bỏ vứt trắng sân trường.
-       Trách gì các cháu, lỗi này do người lớn cả thôi. Chẳng cứ gì học sinh, đến tôi cũng điên đầu với sách lịch sử, luôn lẫn lộn lung tung, nhiều khi chẳng biết Bà Triệu là tiền bối hay hậu bối của Hai Bà Trưng nữa.
-       Lịch sử nước mình đâu có phức tạp lắm, vậy mà sao mấy chục năm nay cứ loay hoay bàn về cách dạy, cách học nhỉ?
-       Làm sao mà tôi biết được, đến các học giả sau lưng lúc nào cũng kè kè cả bồ chữ mà còn bó tay kia kìa.
-       Hay sử mình quá mờ nhạt nên giáo viên không có gì để nói, học sinh không có gì để nhớ?
-       Bậy nào. Truyền thống chống ngoại xâm của ông cha ta khiến nhiều nước rất thán phục. Các nhà nghiên cứu nước ngoài đã cho ra đời nhiều cuốn sách rất có giá trị về lịch sử Việt Nam, có một cô gái Nga sang nước mình làm thuê lấy tiền để học sử Việt đã mấy năm nay đấy.
-       Thật sao, lạ nhỉ! Nhiều lưu học sinh mình cũng vậy, ra nước ngoài nhiều em đăng kí học lịch sử nước bạn, trong khi lại thờ ơ với truyền thống nơi chôn nhau cắt rốn.

-       Chắc do “Bụt chùa nhà không thiêng” thôi.
      Cận

Trái tim rất giàu

         
-       Càng những nơi khốn khó, càng dễ nảy mầm anh hùng…
-       Sao vừa sáng ra đã triết lí thế bác, vợ không cho tiền uống bia à?
-       Bia bọt thì liên quan gì chứ, tôi đang suy tư về hành động của bọn trẻ hiện nay.
-       Đêm qua lại có đứa nào ném chất bẩn vào vườn nhà bác à?
-       Sao bác toàn nghĩ xấu về người khác thế, tôi đang nói về những điều tốt đẹp kia.
-       Lại mới có ai nhặt được của rơi trả lại người mất hay có người nhiều năm cõng bạn tàn tật đến lớp sao?
-       Bác chẳng chịu cập nhật thông tin gì cả. Mấy ngày gần đây chuyện về cậu bé học lớp 11 chỉ vì cứu 4 em nhỏ khỏi chết đuối mà hi sinh thân mình, đang gây chấn động dư luận kia kìa.
-       Tôi còn nghe chuyện hôm vừa rồi một cô bé 8 tuổi lao xuống dòng nước xiết cứu sống một bé 4 tuổi. Không hiểu 2 em nhỏ đầy tinh thần nghĩa hiệp này đã được ghi nhận hay thưởng công gì chưa?
-       Nghe nói đã có giấy khen, hình như có đề nghị phong anh hùng nhưng chưa được.
-       Thế không thưởng tiền à?
-       Bác lúc nào cũng tiền…tiền. Nếu trước khi làm một nghĩa cử nào đó mà lại hiện ra trong đầu hình ảnh đồng tiền thì có lẽ sẽ chẳng có ai chịu hi sinh thân mình vì đồng loại cả.
-       Làm việc tốt mà không được trả công xứng đáng thì ở nhà ngủ cho sướng. Chắc 2 đứa trẻ này sinh ra trong gia đình giàu có nên chẳng thiết gì đến tiền bạc.
-       Ngược lại, chúng đều có hoàn cảnh cực kì khó khó khăn. Cô bé lên 8 còn không có mảnh đất cắm dùi. Hai mẹ con sống và sinh hoạt trên một chiếc thuyền nát, không có cả tiền học hàng tháng.

-       Thật đáng khâm phục quá, chúng nghèo nhưng trái tim rất giàu, chẳng bù cho…
      Cận