Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Tin vào con người



  
-          Dù trong bất kì hoàn cảnh nào tôi vẫn tin vào lòng tốt của con người bác ạ.
-          Lạc quan thế là tốt. Sáng nay đi xe buýt đến cơ quan bác được cô gái trẻ đẹp nào nhường cho chỗ ngồi à?
-          Dù có phải đứng cả ngày tôi cũng không giành chỗ của phụ nữ. Vừa rồi có cô giáo ở trường mầm non Phong Lan thuộc huyện Bắc Trà Mi tỉnh Quảng Nam nhặt được mấy chục triệu đồng đã tìm cách trả lại người mất khiến tôi xúc động quá.
-          Là cô giáo thì phải làm gương cho học trò, có gì bất thường đâu?
-          Điều đáng nói là cô giáo này có hoàn cảnh rất khó khăn, con cái nheo nhóc, lương ba cọc ba đồng. Ở hoàn cảnh đó mấy ai vượt qua được sức cám dỗ của đồng tiền.
-          Đúng thế thật. Phải tôi ấy à… Nhưng hành động của cô giáo này sẽ được đưa lên báo, được nhà trường ghi nhận, con đường tiến thân mới nhanh.
-          Ai làm việc tốt mà cũng tính toán như bác thì xã hội sẽ băng hoại rất nhanh. Cô ấy làm thế vì nghĩ người đánh rơi phải vất vả lắm mới có được số tiền đó. Nếu để mất biết đâu gia đình người ta sẽ lục đục, mất hạnh phúc nên quyết tâm trả lại bằng được.
-          Nếu bác nói vậy thì tôi tin cô giáo này là người thực tâm. Ước sao trong xã hội mình ngày càng có nhiều người thực tâm như thế.
Cận

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Chăm bẵm một giấc mơ

                                           
Nhiều người xem ảnh thấy tôi toàn chụp các loại hoa bờ rào, hoa dại mọc quanh bờ đê bảo số tôi nghèo hèn, đường tình duyên lận đận. Nếu có lấy được vợ thì cũng xấu xí, tầm thường. Có được cô bạn gái nào thì cũng chẳng hạnh phúc, chỉ rước khổ vào thân. Lúc đầu tôi chẳng tin. Mãi sau này tôi mới thấy họ nói có nhiều điều đúng.
Hồi ấy, khi mới học cấp hai mẹ thường bảo tôi cao lớn giống bố. Còn mấy bà hàng xóm mỗi khi ngồi với nhau lại thì thào: Thằng bé này dậy thì sớm quá. Mới tí tuổi đầu mà đã lún phún ria mép với trứng cá. Tôi chẳng hiểu như thế là khen hay chê nữa. Riêng tôi, tôi thấy khoái. Bọn con trai trong lớp luôn ước ao có trứng cá như tôi cho có vẻ người lớn mà có được đâu. Mỗi khi nhìn ánh mắt đầy ngưỡng mộ của mấy thằng oắt, tôi thấy mình oai lắm.
 Bọn con gái cũng thế. Từ khi tôi lớn phổng hẳn lên, chúng nó không chơi trò  đuổi bắt với tôi nữa. Có đứa còn tỏ vẻ lảng tránh, chỉ đứng ở góc lớp liếc trộm. Chẳng rõ học đòi từ đâu vài đứa bắt đầu mặc áo độn của mẹ, của chị, ngực nhú lên bằng quả quit, rúm ró thảm hại. Trong thâm tâm tôi biết chúng nó thích mình nên sáng nào tôi cũng lén dấp nước lên tóc bóng nhẫy, hất lệch sang một bên. Có hôm tôi còn mặc cả quần áo, giày dép của bố. Được cái bố tôi cũng dễ tính, cho dùng thoải mái. Bố còn bảo ăn mặc như thế mới chững chạc.
Vào giờ giải lao giữa các tiết tôi thường lăng xăng từ bàn này sang bàn khác, ngực ưỡn ra phía trước, chân bước luỳnh khuỳnh như cầu thủ bóng đá. Mặc dù chẳng ngoảnh đầu nhìn lại, nhưng tôi biết khối đứa nhìn theo. Tôi hay đàn đúm với các anh chị lớp trên. Thấy cô bé xinh xắn nào đi qua là cả bọn huýt sáo ầm ỹ, mắt nhìn chòng chọc. Bọn con gái mỗi khi buộc phải rảo bước thật nhanh, miệng tủm tỉm, mặt đỏ tưng bừng. Chỉ mỗi cái Hường, học cùng lớp với tôi là không như thế. Mặt nó lúc nào cũng lạnh như tiền, khinh khỉnh chẳng nhìn vào mặt thằng nào. Mà cũng chẳng có đứa nào dám trêu chọc nó. Tôi cũng thế.
Nhà cái Hường với nhà tôi ở cùng ngõ. Nhà nó ở cuối dãy nên ngày nào nó cũng phải qua cửa nhà tôi vài bận. Bố nó già lắm, râu ria, quần áo lúc nào cũng lôi thôi, bẩn thỉu, ít khi ra khỏi nhà. Nghe người lớn bảo, hồi trẻ ông ấy làm chức gì đó to lắm. Chẳng hiểu sao sau ngày về hưu lại thế. Mẹ nó thì trái lại, cao ráo, xinh đẹp, ăn mặc diêm dúa, chỗ nào cũng thấy mặt. Bố mẹ nó rất hay cãi nhau, hình như vì ghen tuông. Cái Hường có vóc dáng giống mẹ. Chân thẳng tắp, cơ thể nở nang, đầy đặn. Khuôn mặt nó đẹp như tượng Đức mẹ ở nhà thờ. Tôi và đám con trai cùng trường ngất ngây trước cặp môi đỏ chót, làn da trắng hồng của nó. Nhiều thằng còn tìm cớ lượn qua lượn lại trước cửa sổ nơi cái Hường ngồi. Có đứa mạnh dạn mời nó ăn táo, ăn ô mai. Ai cho gì, cái Hường đều nhận, không cám ơn cũng không ăn mà cho những đứa ngồi xung quanh.
Mẹ cái Hường chẳng làm gì, mê lô đề, thích tổ tôm nên chiều nào cũng có hàng đống người ra vào thậm thụt. Mặt ai cũng trợn trạo, vàng bạc đeo đầy người. Có lẽ sinh ra trong hoàn cảnh như vậy nên cái Hường có vẻ lạnh lung, ít nói. Chẳng thằng nào ở lớp dám giây với nó. Mà nó cũng chẳng chơi thân với đứa nào. Bọn con gái thì nó càng coi khinh. Tuy thế, tính cái Hường rất rộng rãi. Thỉnh thoảng, nó đãi cả lớp nước mía. Đứa nào yếu đuối bị bắt nạt là nó ra tay bênh vực ngay. Xong rồi thôi, chẳng cần ai mang ơn.
Trong lớp, tôi hay pha trò, hay đặt những câu hỏi móc máy đối với giáo viên. Chẳng phải tôi coi thường họ mà chủ yếu để cho cả lớp cười phá lên, nhất là đám con gái. Thầy cô nhiều người ghét tôi. Sổ học bạ của tôi kì nào cũng ghi hạnh kiểm trung bình, học lực cũng chỉ làng nhàng. Kì nào họp phụ huynh về, mẹ cũng chửi tôi té tát, rát hết cả mặt. Trái với tôi, Hường học rất giỏi, nhiều lần được trường cử đi thi cấp quận, cấp thành phố nhưng nó đều từ chối. Nó bảo mất thời gian. Chẳng biết nó học bài vào lúc nào mà giỏi thế. Có lẽ vì tôi học dốt lại nghịch ngợm nên cô giáo chủ nhiệm thường xếp tôi ngồi cạnh Hường. Tôi rất thích. Nhờ thế mà tôi cũng tiến bộ nhiều.
 Vì là bạn cùng xóm nên tôi biết Hường rất thích bơi. Nó không tới bể bơi công cộng mà ra hẳn sông vùng vẫy cho thỏa thích. Mỗi dịp hè đến mấy đứa trong xóm lại lẽo đẽo theo nó ra sông chơi đến tận chiều mới về. Tôi cũng muốn lắm nhưng không dám đi theo vì không biết bơi, còn bị bố mẹ cấm. Sông Hồng chỉ cách nhà tôi chưa đến cây số. Khi mùa mưa bão đến nước sông dâng cao, nước cuồn cuộn đến tận chân đê. Năm nào dòng nước hung dữ cũng cuốn theo hàng chục người. Vào mùa lũ bọn trẻ chúng tôi thường kéo nhau lên mặt đê nhìn những cây gỗ còn nguyên lá cùng rác rến từ thượng nguồn đổ về. Những lúc như thế những đứa dạn dĩ lắm mới dám lội xuống vớt củi. Tôi chỉ dám đứng trên bờ khỏa chân xuống dòng nước đỏ ngầu phù sa.
Mùa hè năm ấy được mùa nhãn, nước lên cao lắm, mấp mé mặt đê. Người lớn bảo đê vỡ đến nơi rồi. Nhiều nhà bắt đầu tích trữ lương thực, chờ đợi một năm đói kém. Có lẽ ông trời có mắt. Đúng vào lúc nước lũ lên đến cực đỉnh sắp phá vỡ những vị trí xung yếu thì trời ngớt mưa rồi tạnh hẳn. Người lớn thở phào nhưng trên mặt vẫn hằn lên những nếp nhăn lo lắng. Bọn trẻ chúng tôi thì chẳng quan tâm. Trời vừa hửng nắng là cả bọn hùa nhau chạy lên mặt đê xem lũ. Nước ở đâu ra mà nhiều thế, cuồn cuộn, gầm gào. Chẳng có con thuyền hay bè mảng nào chạy trên sông cả. Cái Hường đứng cạnh tôi, mắt đăm đăm nhìn xa tít sang bờ bên kia. Chẳng biết trong đầu nó đang nghĩ gì. Gió lồng lộng thổi hất tung mái tóc rối bời. Chưa bao giờ tôi thấy Hường đẹp như thế. Ước sao tôi được nắm bàn tay Hường vào lúc này, đổi lấy cái gì tôi cũng chịu.
Sức tàn phá của lũ thật ghê gớm. Nhiều gốc cây cổ thụ cũng bị dòng nước cuốn phăng phăng. Những mái nhà lợp lá cọ dập dềnh trên sóng nước. Hàng chục bè nứa không người sầm sập lao về xuôi. Có cái đứt dây chằng nứa văng tứ tán khắp nơi. Bất chợt tôi nhìn thấy một con cá rất lớn trên đầu loang lổ máu vật vờ dạt vào mép đê. Cả bọn hò reo ầm ỹ tìm cách vớt lên mãi không được. Một con sóng lớn ào đến kéo con cá ra xa. Thấy cái Hường há hốc mồm nhìn có vẻ tiếc nuối, chẳng kịp nghĩ ngợi gì, tôi liền nhảy xuống nước nắm lấy đuôi con cá. Trong lúc tôi đang loay hoay đánh vật với con cá trơn nhẫy, bất thình lình ở đâu xuất hiện một khúc gỗ đâm sầm vào lưng. Tôi buông tay rồi không biết gì nữa.
Tôi thấy mình bồng bềnh tít trên trời cao. Thỉnh thoảng lại va vào một đám mây đen kịt khiến người nặng trĩu như chứa trong bụng hàng tấn cát. Tôi thấy mình cứ trôi đi, trôi đi mãi, rồi thấy như có cái gì đó va mạnh vào ngực, mỗi lúc một dồn dập. Người tôi như vỡ ra. Rồi tôi mở mắt. Phía trên là bầu trời xanh ngắt. Hường quì bên cạnh đang ra sức dùng hai tay ấn mạnh vào ngực tôi. Hai mắt Hường đẫm nước mắt. Lần đầu tiên tôi thấy Hường khóc. Đám bạn xung quanh cũng khóc. Mọi người kể Hường đã lao xuống dòng nước xiết cứu tôi. Lúc đó tôi chỉ muốn mình chết đi cho rảnh nợ. tự nhiên nước mắt tôi cũng ứa ra.
Sau cái lần suýt chết đuối đó, tôi bỗng trầm tính hẳn. Tôi không còn thích thể hiện, chẳng làm dáng, vây vo với đám con gái cùng lớp nữa. Hường vẫn ngồi cạnh tôi, nhưng chúng tôi cũng ít nói chuyện. Nhiều lần tôi cũng muốn nói một câu gì đó để cám ơn Hường. Nhưng nhìn vẻ mặt lạnh lùng có phần xa cách của Hường tôi lại thôi.
Rồi tôi thi đỗ đại học và cũng để tiện cho công việc của bố, cả nhà tôi chuyển đi nơi khác. Nhà mới cũng không xa là bao nên tôi vẫn thường ghé thăm đám bạn thuở nhỏ ở nơi ở cũ. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy Hường đi học về. Hường cũng đỗ đại học. Hường giờ lộng lẫy hơn xưa rất nhiều, ra dáng một thiếu nữ đã trưởng thành. Thấy Hường xinh đẹp thế, lúc nào cũng có đám con trai xúm xít xung quanh nên tôi rất ngại giáp mặt. Mỗi lần nhìn thấy Hường từ xa trong ngực tôi lại thấy nhoi nhói. Một nỗi đau mơ hồ.
Khi gần hết năm học thứ hai bỗng một hôm tôi thấy ảnh Hường chi chit trên mặt báo. Hóa ra Hường giành danh hiệu hoa khôi của một cuộc thi dành cho sinh viên cả nước. Tôi không ngạc nhiên chỉ thấy buồn. Buồn vì khoảng cách giữa tôi với Hường ngày càng vời vợi. Sáng nào tôi cũng lục tung sạp báo ở đầu phố. Hễ có bài về Hường là tôi mua. Chỉ trong có hơn một năm mà ảnh của Hường chật chiếc ngăn kéo bàn học.
Và cũng kể từ đó, trưa nào tan học tôi cũng về con ngõ xưa, đứng dưới gốc bàng già nua ngắm những tàu lá đỏ rực như những tia nắng cuối ngày. Hình như Hường cũng thích mùa lá bàng đỏ. Có lần tôi thấy Hường dừng xe bần thần ngắm những tán lá cuối cùng vương trên cửa sổ một nhà ven đường. Hồi còn bé tôi hay dùng súng cao su bắn những trái bàng vàng tươi. Hường lăng xăng, hớn hở nhặt quả rụng đựng đầy vạt áo. Nhiều hôm tôi ngồi suốt buổi đập vỡ hạt bàng lấy nhân cho Hường ăn. Mặt Hường rạng ngời. Những lúc như thế tôi lại mong cây bàng có quả quanh năm, suốt tháng.
 Giống bàng kể cũng lạ, chẳng đẹp khi lá non mơn mởn, chỉ rực rỡ khi về già, khi các tán lá đỏ ối cả góc trời. Ngồi dưới gốc bàng lá đỏ trong cái rét cắt da cắt thịt tôi thấy mình sao nhỏ bé đến thế. Kể từ khi Hường trở thành hoa khôi tôi ít khi nhìn thấy cô ấy. Mấy đứa bạn cũ kể Hường thường về khuya lắm. Đêm nào cũng có ô tô đưa đến đầu ngõ. Quần áo dùng toàn đồ đắt tiền, son phấn thơm lừng. Có hôm cô ấy còn say rượu, chếnh choáng suýt ngã. Bố mẹ Hường chẳng ngăn cấm con gái. Họ còn lấy làm hãnh diện khi con mình giao du với đám con nhà giàu. Hường cũng chẳng chuyện trò với đám bạn cũ. Nếu có bất ngờ chạm trán với ai cô ấy chỉ gật đầu chào kiểu cách rồi đi thẳng. Ít khi Hường dừng lại chuyện trò vài câu xã giao. Nên cũng chẳng ai biết cuộc sống của Hường ra sao.
Rồi mọi chuyện cũng lắng xuống. Đám bạn mới của Hường cũng thưa thớt dần. Sau một năm bảo lưu kết quả học tập, cô ấy đến trường trở lại. Có hôm, ngồi trong nhà cậu bạn nhìn ra tôi thấy Hương ngồi trên chiếc xe đạp tần ngần nhìn những tàu lá bàng đung đưa rơi. Nghe nói chiếc xe đạp này là phần thưởng của cuộc thi hoa khôi mấy năm trước. Chiếc xe màu xanh ngọc rất đẹp. Nó rất hợp với dáng vóc mảnh mai của Hường. Mỗi khi nhìn Hường mặc áo dài đạp xe chầm chậm trên phố tôi có cảm giác những ngôi nhà cũ kĩ hai bên đường như sáng bừng lên. Tôi thấy vui. Một niềm vui man mác.
Một buổi trưa mùa đông rét mướt, bầu trời nặng một màu chì tôi có việc gần đấy nên tiện chân ghé về nơi ở cũ. Con ngõ vắng tanh, nhà ai cũng đóng cửa im ỉm. Tôi đinh quay về thì thấy Hường đi vào ngõ. Hường không nhìn thấy tôi. Mặt Hường có vẻ khác lạ, nhợt nhạt, tóc tai bơ phờ. Tôi chưa kịp hỏi thì cô ấy đã phóng vụt qua. Hường dựng xe trước cửa chạy vội vào nhà. Tôi chưa thấy Hường thế này bao giờ nên bần thần đi theo. Buồng ngoài mở toang, không có ai cả. Chiếc xe đạp dựng nghiêng bên bờ tường không khóa. Tôi hắng giọng rồi gọi Hường thật to nhưng chẳng có ai trả lời. Chờ mãi không có ai ra tôi định quay về. Nhưng, như có cái gì đó thôi thúc, chẳng nghĩ suy tính toán gi, tôi ngồi lên chiếc xe chầm chậm đạp ra phố.
Suốt buổi chiều hôm đó tôi lang thang khắp các phố phường. Lên cả đường Thanh Niên, đạp quanh hồ Tây. Chưa bao giờ tôi thấy sung sướng như thế. Rồi có ngày tôi sẽ chở Hường trên chiếc xe đạp này, đưa cô ấy lên bờ Hồ ăn kem. Cả hai sẽ ra hiệu sách chọn những cuốn mình thích. Rồi đi xem phim. Ngồi co ro suốt tối bên bà bán ngô nướng. Bao nhiêu ước ao, bao nhiêu viễn cảnh cứ ào ạt đổ về.
 Mãi đến khi những cơn gió lạnh xoáy vào cổ áo khiến đôi mắt cay sè tôi mới chợt bừng tỉnh. Tôi phải về trả xe cho Hường thôi. Mùa đông trời nhanh tối quá. Gió hun hút thổi, tơi tả những cành liễu. Thỉnh thoảng mới có một người bước vội vã, quần áo dày sụ, kín mít. Tự nhiên tôi thấy lo. Tôi biết ăn nói sao với Hường khi mang xe trả cô ấy. Ai sẽ tin tôi lấy xe chỉ để thỏa niềm khao khát được một lần sử dụng thứ mà cô gái tôi yêu quí dùng hàng ngày. Sống lưng tôi bỗng lạnh toát khi nghĩ tới cái cảnh bị người thân của Hường đánh chửi, bị bắt lên đồn công an về hành vi trộm cắp. Rồi tôi sẽ mất Hường vĩnh viễn trong nhục nhã. Không. Tôi không thể chịu nổi thực tế phũ phàng đó. Tôi miên man đạp xe trong vô định.
Chỉ đến khi hàng tràng tiếng còi tàu rền rĩ cất lên như muốn xuyên thủng màn đêm tôi mới chợt nhận ra mình đang đứng trên cầu Long Biên. Chiếc xe đạp chỏng chơ nằm bên. Xung quanh không một bóng người. Những ngọn đèn đường vàng thê lương ở hai bên thành cầu hắt ánh sáng yếu ớt xuống dòng nước đen kịt. Nước cuồn cuộn gầm gào như muốn lật nhào chiếc phà chở cát lặng lẽ trôi về xuôi. Từ đây có thể nhìn thấy lờ mờ bờ đê nơi mấy năm trước tôi suýt chết đuối. Không hiểu sao vào lúc này tôi thấy cái chết chẳng nghĩa lí gì cả. Thậm chí tôi còn thấy vui nếu được những ngọn sóng dưới kia dập vùi đưa tới đâu cũng được.
 Có tiếng người í ới phía đầu cầu. Rồi hàng đoàn xe thồ, quang gánh kiu kịt xuất hiện. Ai cũng cố rảo bước thật nhanh tránh cơn gió như muốn xoáy vào da thịt từ dưới sông thổi lên. Họ là những người buôn rau từ khắp nơi đổ vào nội thành. Trời sắp sáng rồi. Tôi mệt mỏi lên xe trở về nhà.
Tôi sốt mê man gần một tháng trời. Người lúc nào cũng như có chiếc lò than cháy rừng rực chẹn trên ngực. Mẹ bảo tôi bị viêm phổi nặng phải vào viện cấp cứu mất mấy hôm. Cả nhà ai cũng lo. Tôi thờ ơ uống thuốc, thờ ơ ăn cháo. Đầu óc rỗng tuếch như bên trong không chứa gì cả. Cứ đêm đến là tôi khóc, ướt đẫm cả gối. Tôi cũng không rõ mình khóc vì cái gì.
Một buổi sáng, tôi chợt thức giấc vì tiếng chim réo rắt ngoài cửa sổ. Những tia nắng đầu mùa đã xuất hiện, xuyên qua tấm rèm tới tận đầu giường. Tôi rón rén xuống tầng một. Nhà không có ai. Chắc mọi người đã đi làm cả. Tôi bỗng thấy đói, đói cồn cào như cả năm nay chưa được ăn gì vậy. Vừa bước chân vào bếp tôi chợt khựng lại. Chiếc xe đạp của Hường nằm ở một xó, lấm lem bùn đất. Tôi vội mang xe ra rửa rồi lấy khăn khô lau sạch. Phải vất vả lắm tôi mới vác được chiếc xe về phòng riêng trên tầng ba. Cả nhà ai cũng tưởng tôi mới mua chiếc xe này.
Chẳng rõ vì sao sau ngày ốm dậy tôi không muốn về thăm nơi ở cũ. Tôi cũng ít nghĩ tới Hường. Cứ về đến nhà là tôi lên phòng đóng chặt cửa. Việc làm đầu tiên là lấy tấm khăn mặt cũ ra lau chiếc xe cho tới khi hết sạch bụi mới thôi. Những khi rảnh tôi ngồi lên yên vừa nhún nhẩy vừa chuyện trò với chiếc xe. Chẳng có chuyện gì là tôi không kể. Từ những nỗi bực bội với đồng nghiệp ở cơ quan đến những niềm vui nho nhỏ khi đi sinh nhật bạn. Chiếc xe được lau chùi nhiều đến mòn cả sơn, bóng loáng. Có lần, đi làm về tôi bắt gặp cậu em lôi chiếc xe ra đường định đi đâu đó đã bị tôi bợp tai mấy cái. Nó cứ đứng trân trân nhìn tôi vẻ khó hiểu. Anh em giận nhau mất mấy ngày. Từ đấy chẳng ai dám động đến chiếc xe nữa.
Tôi cứ sống âm thầm như thế. Như bị lãnh cảm tôi chẳng thấy vui quá hay buồn quá bao giờ. Chỉ có chiếc xe làm bạn để tôi gửi gắm mọi nỗi niềm. Năm ngoái mẹ tôi đi ăn cưới về bảo Hường đã lấy chồng. Chồng Hường làm kinh doanh, giàu lắm. Hường giờ sống trên phố trong một ngôi biệt thự rất to. Đi đâu có xe ô tô sang trọng đưa đón. Cũng phải thôi. Cô ấy xinh đẹp, giỏi giang, xứng đáng được hưởng mọi thứ tốt đẹp nhất.
Thời gian cứ thế trôi đi. Tôi đi làm, thỉnh thoảng đi chơi với bạn bè. Chiều đến, tôi lôi xe ra lau chùi như bao năm nay vẫn thế. Vẫn chuyện trò với chiếc xe về những kỉ niệm thời bé. Vẫn cắt những tấm ảnh của Hường bất chợt gặp trên báo. Ảnh và những bài báo viết về Hường giờ đã chật một bên tủ. Thỉnh thoảng tôi lôi hết ra ngắm nghía, vuốt ve từng cái. Nhiều cô ở cơ quan cũng tỏ vẻ thích cái tính lầm lì của tôi. Có cô còn mạnh bạo rủ tôi đi chơi, đi nghe hòa nhạc vào dịp cuối tuần. Tôi đều nhẹ nhàng từ chối. Hết giờ làm tôi thường về nhà ngay với chiếc xe định mệnh. Chẳng có niềm vui nào hơn thế. Nói chung, tôi hài lòng với cuộc sống của mình.
Một buổi tối chẳng biết làm gì tôi ngồi coi tivi. Vừa chuyển kênh thì gặp hình ảnh Hường trên đó. Thì ra là một buổi phỏng vấn vào dịp mười năm Hường giành giải hoa khôi. Buổi phỏng vấn khá dài. Hường nói nhiều lắm, kể về gia đình và công việc. Khuôn mặt Hường vẫn đẹp, tuy người có phần đẫy đà hơn. Khi nói, mắt Hường luôn ánh lên vẻ hạnh phúc, mãn nguyện. Tôi nghe như nuốt lấy từng lời. Nhất là đoạn cô ấy kể về chiếc xe đạp, phần thưởng của cuộc thi năm nào. Hường bảo, đối với cô, đấy là kỉ vật vô giá. Hường và gia đình đi tìm khắp nơi mà không thấy. Giờ có phải đánh đổi cả ngôi biệt thự đang ở Hường cũng cam lòng. Vừa nói Hường vừa khóc, nghẹn ngào. Tôi cũng nghẹn ngào nhìn chiếc xe dựng ở góc phòng. Nó vẫn mới như ngày nào, vẫn ánh lên một màu xanh đằm buồn. Suốt đêm đó tôi không ngủ, ngồi vuốt ve chiếc xe đến sáng. Tôi phải trả cho Hường chiếc xe thôi. Tôi không có quyền làm cho Hường buồn.
Hôm ấy cũng là ngày nghỉ. Tôi quyết định đạp xe ra quán cà phê tìm chú bé đánh giày quen thuộc. Cậu ấy không biết tên cũng như nhà tôi ở đâu. Thấy được nhờ mang xe đến trả cho Hường kèm thêm chút tiền công cậu ấy vui vẻ nhận lời ngay. Cũng may hôm ấy Hường không có nhà chỉ có bà giúp việc ra nhận nên cậu bé cũng không bị vặn vẹo gì. Trong cả cuộc đời mấy chục năm tôi chưa bao giờ thấy lòng nhẹ nhõm đến thế. Tôi thấy vui, dù trong đầu rỗng tuếch. Tối hôm đấy và nhiều đêm sau tôi và đám bạn đi hết quán rượu này đến quán khác, khuya lắm mới về. Hôm nào còn tỉnh tôi leo thẳng lên giường tránh nhìn về góc phòng nơi gần mười năm nay vẫn dựng chiếc xe. Sáng sớm lại quáng quàng ôm cặp ra khỏi nhà. Não tôi như cái bánh đa cán phẳng, chẳng thấy yêu, thấy thích cái gì. Chỉ thấy một nỗi nhớ nhung, man mác.
Vào một buổi trưa nọ có việc tôi phải lên khu vực phố cổ. Cách nơi tôi ngồi đợi bạn một quãng là nhà Hường. Trái ngược với các hộ nhỏ buôn bán tấp nập xung quanh, nhà Hường rất lớn nằm sâu sau một khoảng vườn. Cây cối xanh um, hoa nở chi chit hai bên lối đi. Cánh cổng được làm bằng sắt sừng sững để thoáng nhìn hút được cả vào phía trong. Trên lối đi rải sỏi sạch sẽ đậu một chiếc ô tô bóng nhãy, sang trọng. Khi tôi đang đắm mình trong dòng hồi ức đẹp đẽ thì cánh cổng nặng nề hé mở. Một bà trạc trung tuổi với đôi quang gánh lách qua, đi về phía cuối phố. Trên hai đầu quang gánh là chiếc xe đạp tháo rời hai bánh nằm chỏng chơ phía trên đống giấy báo ngồn ngộn. Dù ở khoảng cách khá xa tôi vẫn nhận ra chiếc xe mình chăm bẵm bấy lâu. Tôi trả tiền nước rồi đuổi theo. Nghe tiếng tôi í ới gọi, bà đồng nát đặt gánh hàng xuống, chống đòn gánh đứng chờ. Nghe tôi hổn hển hỏi về chiếc xe bà liến thoắng:
-          Cậu mua xe đi. Trông bụi bặm thế thôi chứ mới lắm- Miệng nói, tay bà lần mở mấy nút dây chằng lôi chiếc bánh trước ra cho tôi xem.
-          Sao bà có chiếc xe này?
-          Tôi vừa mua được, cùng với đống giấy lộn này của bà chủ ngôi biệt thự kia kìa- Bà chỉ đòn gánh về phía nhà Hường.
-          Sao cô ấy lại bán chiếc xe này nhỉ?-Tôi lí nhí hỏi.
-          Bà chủ nhà bảo bán đi cho đỡ rác nhà. Nhà bà ấy toàn đồ đạc đắt tiền. Để chiếc xe đạp trong nhà sẽ mất sang. Cậu mua đi, tôi để rẻ cho. Một triệu nhé. Chiếc xe còn tốt lắm- Bà buôn đồng nát nài nỉ- Thôi tôi bớt cho hai trăm, còn tám trăm, được không?.

Tôi im lặng quay đi. Bà đồng nát lẩm bẩm câu gì tôi không nghe rõ. Chắc bà ấy chửi tôi ám quẻ. Lúc này bà ấy có cho không tôi chiếc xe tôi cũng chẳng lấy. Thì ra là như vậy. Mọi thứ như vụt tắt trong tôi. Bỗng thấy người bải hoải, mệt mỏi quá chừng. Giờ tôi mới thấy tiếc hơn chục năm chăm bẵm một giấc mơ. Tiếc lắm.

Giờ tôi mới hiểu

              
-          Sắp tới, con bác tốt nghiệp đại học, bác định cho cháu đi làm ở đâu chưa?
-          Tôi đang xin cho cháu vào công ty xổ số. Nghề này ổn định lại cho thu nhập cao, nắng không tới mặt, mưa không tới đầu.
-          Sao không làm bác sỹ, kĩ sư mà theo nghề cờ bạc vậy?
-          Thông qua dịch vụ xổ số để kiến thiết đất nước mà bác lại bảo cờ bạc là thế nào, mất quan điểm quá.
-          Thôi đi bác. Kiến thiết cái khỉ khô gì. Vừa rồi Thanh tra Chính phủ đã kí kết luận đối với tỉnh Tiền Giang cho thấy, riêng ngành xổ số của tỉnh này đã có rất nhiều sai phạm. Thu nhập của lãnh đạo và nhân viên ở đây vào loại khủng nhất nước, hơn cả ngành tài chính, ngân hàng.
-          Tờ vé số mấy ngàn bạc lãi được bao nhiêu mà thu nhập cao, bác có nhầm không đấy.
-          Theo báo cáo thanh tra, thu nhập bình quân của lãnh đạo ở đây là 730 triệu đồng mỗi năm. Còn nhân viên, kể cả người quét rác, bình quân mỗi tháng là 26 triệu đồng một người.
-          Kinh khủng thế kia à. Thì họ vất vả tính toán suốt ngày đêm mới có doanh số cao, lương cao cũng là chuyện bình thường.
-          Đây là doanh nghiệp Nhà nước nên phải theo chế độ lương thưởng chung, không thể chia cho nhau một cách tùy tiện được.
-          Thế cơ quan có trách nhiệm đã xử lí chuyện này đến đâu rồi?
-          Theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, địa phương này phải thu hồi của những cá nhân sai phạm  98 tỷ đồng.
-          Khó thu hồi lắm. Có khi họ chơi xổ số hết rồi cũng nên. Giờ tôi mới hiểu tại sao ở các địa phương còn nhiều trường học rách nát, học sinh phải đu dây đến trường. Buồn.

Cận

Giấu đầu hở đuôi


-          Thế mới thấy đất nước đã thực sự đổi thay. Đời sống của cán bộ, người dân đã được nâng cao rất nhiều trong những năm qua.
-          Tôi lại thấy vẫn thế. Căn cứ vào cái gì mà bác nói vậy?
-          Trong dịp tổng kết 10 năm chống tiêu cực tỉnh Khánh Hòa không phát hiện được vụ tặng và nhận quà nào. Điều đó cho thấy mọi người đã quá no đủ, chẳng màng đến quà cáp nữa.
-          Cho và nhận quà thường rất kín đáo. Ai người ta đứng giữa ngã năm hô to tôi đi tặng quà đây. Còn việc cán bộ không báo cáo việc nhận quà với cơ quan không có nghĩa tệ nạn này đã hết. Thế việc tham nhũng ở tỉnh này được báo cáo thế nào?
-          Trong 10 năm qua Khánh Hòa đã tiến hành 1000 cuộc thanh tra phát hiện sai phạm 280 tỷ đồng, 670 ha đất, trong đó có 71 đối tượng tham nhũng bị xử lí…
-          Đúng là giấu đầu hở đuôi. Tất cả những vi phạm đó đều liên quan đến việc đưa và nhận hối lộ, vậy mà bảo không có chuyện tặng quà, bác đã nhận ra sự vô lí chưa?
-          Tham nhũng ở nước nào chẳng có. Vấn đề là ở Khánh Hòa các vụ việc tiêu cực rất ít, cũng nên mừng cho họ.
-          Nếu thực chất đúng như thế thì tôi và mọi người sẽ rất vui. Tuy nhiên, ở một địa phương heo hút, lạc hậu như Khánh Hòa mà không có tiêu cực thì đáng ngờ lắm. Tôi lại cho rằng, việc 10 năm trời không phát hiện vụ cho và nhận quà nào cho thấy sự yếu kém trong việc thanh kiểm tra và quản lí cán bộ, chứ chẳng liên quan gì tới việc nhận thức đã được nâng cao đâu.
Cận

Của người phúc ta


-          Thế mới thấy người Việt mình ăn chơi vào loại nhất thế giới bác ạ.
-          Bác cứ nói đùa. Nước mình còn nghèo, chỉ mấy tay giàu xổi mới xây cung điện, mua siêu xe chứ người dân làm gì có tiền ăn chơi bừa bãi.
-          Chẳng cứ đám nhà giàu đâu, nhiều cán bộ cũng vung tay quá trán ghê lắm. Vừa rồi chính quyền huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau quyết định địa phương này sẽ bắn pháo hoa vào dịp tết đấy.
-          Nghe nói tỉnh này vừa cầu cứu Trung ương cấp thêm kinh phí để trả nợ lương cán bộ, viên chức mà. Họ lấy đâu ra hàng trăm triệu để mua pháo hoa?
-          Theo thông báo khẩn do ông Chủ tịch UBND huyện kí gửi các đơn vị cấp dưới thì nguồn tiền sẽ được xã hội hóa. Nghĩa là mọi cán bộ, viên chức ăn lương nhà nước sẽ phải đóng góp.
-          Tôi hiểu rồi. Đây cũng là một dạng “của người phúc ta”, làm thế cả nước mới biết đến. Lương cán bộ bị nợ, thưởng tết không có, vậy mọi người lấy tiền đâu đóng góp?
-          Thì phải bớt mồm bớt miệng đi, không có thì đi vay bạn bè, hàng xóm. Lệnh đã ban ra, đố anh nào dám trốn tránh.
-          Khổ thân cán bộ huyện này. Trong lúc vợ xanh xao vì đói, con gào khản tiếng vì khát sữa mà họ vẫn phải bấm bụng nộp tiền cho một thú vui phù phiếm.
-          Từng chum pháo hoa nở bung trên trời màu sắc rực rỡ mà bác bảo phù phiếm là thế nào. Nhìn cảnh tượng đó ai cũng phải hò reo, nhảy lên vì sung sướng. Họ sẽ quên đi cái đói rất nhanh.
-          Tôi thì lại thấy lo. Chẳng biết đến bao giờ lãnh đạo các địa phương mới bỏ được thói đua đòi. Đã nghèo còn mắc tính sĩ diện, ăn chơi quên cả ngày mai, rồi sẽ có ngày đi ăn mày cả thôi.

Cận 

Cả nhà đều vui

             
-          Cơ quan thưởng tết năm nay có khá không bác?
-          Nghe nói vỡ quĩ nên đơn vị thưởng tết cho mỗi người 200 viên gạch.
-          Thế cũng tốt. Số gạch đó đủ để xây cái chuồng gà. Thả vào đó vài chục con, sang năm tha hồ ăn.
-          Tiền đâu mà mua gà giống. Mấy hôm nay rao bán khắp nơi mà có ai mua số gạch đó đâu. Để chất đống ở sân mỗi khi ra vào nhìn ngứa hết cả mắt.
-          Bác còn may đấy. Chuyện thưởng tết cho công nhân của một xưởng làm nhang ở huyện Đan Phượng mới bi hài. Mỗi người được nhận mấy chục thẻ nhang, chẳng biết để làm gì.
-          Nhang thắp trên ban thờ, tổ tiên được đằm mình trong hương thơm suốt mấy ngày tết sẽ rất vui, sẽ phù hộ cho con cháu. Còn tôi, không lẽ xếp gạch lên ban thờ?
-          Bác cứ than thở, nghe nẫu hết cả ruột. Một công ty dệt ở quận Hoàng Mai thưởng cho mỗi công nhân 70 chiếc quần đùi thì sao. Có nơi còn thưởng bằng mấy bịch giấy vệ sinh mà họ có kêu ca nhiều như bác đâu.
-          Tệ đến thế cơ à. Sao họ không dùng số vải của mấy chục cái quần đùi đó may thành vài chiếc quần dài để công nhân ít nhất cũng có bộ quần áo tươm tất đi chúc tết bạn bè nhỉ?
-          Giáp tết công việc lu bù, ai hơi sức đâu mà ngồi tính toán như bác. Có lẽ lãnh đạo nơi đây lo cho công nhân của mình hè này không đủ quần đùi mặc nên thưởng trước đấy thôi. Họ biết nhìn xa trông rộng chứ đâu có con mắt hẹp hòi thiển cận như tôi với bác.
-          Ờ, cũng có lí. Khi trời nóng, vợ chồng con cái đều “diện” quần đùi giống nhau. Cả nhà “tông suỵt tông” mới hạnh phúc vui vẻ lâu bền, bác nhỉ.

Cận