Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

ranh giới mong manh

- Bác khăn gói đi đâu vậy?
- Tôi qua chào bác để vào viện đây
- Bác mắc bệnh gì vậy?
- Từ sáng đến giờ tôi bị hắt hơi mấy lần, vào viện chữa cho tiệt cái chứng này đi
- Bác chỉ vẽ chuyện, có thế mà cũng vào viện làm gì cho tốn tiền
- Tôi đã mua bảo hiểm y tế, các bệnh viện giờ đã cấm nhận phong bì nên có tốn kém gì đâu. Vào đó nghỉ ngơi cho sướng, đỡ phải trả tiền điện, tiền nhà
- Nghe hoang đường quá. Ở nước mình làm gì có chuyện vào viện mà không khuynh gia bại sản chứ
- Thế bác không biết chuyện gần đây có 5 bệnh viện lớn bắt tay nhau quyết tâm diệt quốc nạn phong bì à?
- Chuyện này đề cập từ lâu rồi, có thực hiện được đâu. Không có phong bì “mẹ hiền” hay bực mình lắm. Mà khi nổi cáu “mẹ” sẽ giải phẫu bằng dao bổ củi, có mà tan xương nát thịt Các ngành khác có cấm nhận phong bì không bác?
- Chưa thấy rục rịch gì
- Nếu thế thì thiệt cho ngành y tế quá. Việc đưa hối lộ và nhận hối lộ cũng cần sự công bằng. Bác sỹ gửi con nhà trẻ mà không có phong bì cho thầy cô thì liệu hồn. Khóc nhè ư, lấy băng dính dán vào mồm. Đi vệ sinh không đúng lúc ư, dội cho nó mấy xô nước lên đầu. Nhìn đểu ư, bắt nó nằm xuống nền nhà rồi nhảy lên lưng đạp cho lòi xương sườn ra…
- Nghe kinh quá. Vậy theo bác, việc cấm bác sỹ, y tá nhận phong bì có khả thi không?
- Làm “hàng” cả thôi. Trong văn bản kí kết giữa 5 bệnh viện chỉ nói cấm nhận phong bì chứ có cấm nhận ruột phong bì đâu. Hơn nữa, văn bản này cũng chỉ cấm đưa và nhận hối lộ, đâu có cấm bệnh nhân “cám ơn” bác sỹ, mà ranh giới giữa hai phạm trù này mong manh lắm
Cận

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

nghèo cho lành

- Theo bác Viễn, đợt này nghỉ hưu tôi có nên chuyển sang đá bóng chuyên nghiệp không?
- Muốn chơi được môn thể thao này đòi hỏi phải có sức khỏe, có năng khiếu và tuổi trẻ. Cả ba thứ đó bác đều quá thiếu
- Dạo này tôi cần tiền quá, mà chỉ có đá bóng mới làm giàu nhanh được thôi
- Phải liệu sức mình chứ. Ai bảo bác là đá bóng kiếm tiền dễ nào, cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt đấy.
- Chạy lòng vòng trên sân còn thua tôi chạy thể dục buổi sáng mà được thưởng tới cả triệu “đô” khiến tôi ham quá, buôn heroin cũng không lãi bằng
- Họ được thưởng nhân dịp gì vậy?
- Vừa rồi có hai doanh nghiệp hứa thưởng một triệu “đô” cho bóng đá nam nếu vô địch giải đấu quốc tế sắp tới
- Doanh nghiệp hứa thế bởi họ rất biết Việt Nam khó mà giành giải. Tiền chưa chắc đã mất, lại được báo chí tung hô, quảng cáo không công ầm ầm, một mũi tên mà trúng rất nhiều đích
- Sao bác lại nghĩ Việt Nam không vô địch được?
- Thể lực người Việt mình chỉ phù hợp với cờ vua, thêu thùa hay nhảy lò cò thôi, đá bóng làm sao được. Trình độ thuộc hạng bét thế giới nhưng tiêu cực lại thuộc tốp đầu. Chẳng có ở đâu mà nền bóng đá từ cầu thủ tới trọng tài và ban tổ chức lại lắm chuyện như ở ta
- Vậy mà bóng đá nữ Việt Nam đã vô địch khu vực mấy lần rồi đấy
- Bóng đá nữ giành nhiều giải không phải chúng ta hay, chúng ta giỏi, mà đơn giản bởi các nước xung quanh họ có đầu tư cho môn này đâu. Thằng chột làm vua xứ mù mà
- Sao bóng đá nữ lại bị coi thường thế hả bác?
- Bởi đơn giản đây là môn thể thao dành cho phái mạnh.
- Nhưng vẫn có người mua vé đến xem mà
- Nhiều người tới đâu phải để xem đá bóng, họ đến để cảm nhận trên sân cỏ có mấy chục quả bóng cùng nảy tưng tưng đấy thôi
- Bác chỉ suy diễn bậy bạ. Bóng đá nữ vô địch mấy lần mà sao tiền thưởng èo uột thế nhỉ?
- Phụ nữ đã có chồng nuôi, không bia rượu, không cờ bạc, cần tiền để làm gì. Tiền nhiều chỉ tổ hư người chứ báu gì. Cứ nghèo cho nó lành
- Cận

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

sướng quá còn gì

- Bác đi đâu mà ăn mặc chỉnh tề vậy?
- Đi làm từ thiện, đông vui lắm. Có cả báo chí, truyền hình về đưa tin nên phải mặc cho đàng hoàng
- Ăn diện thế bác không sợ những người được bác giúp đỡ tủi thân à?
- Cười hở mười cái răng. Làm từ thiện bao năm trời, mãi mới được lên truyền hình, ăn mặc búi xùi bạn bè họ cười cho
- Làm việc có ích cho xã hội mà sao bác chỉ nghĩ đến bản thân thế?
- Thế thì đã sao, có một đoàn hơn 30 người toàn doanh nghiệp lớn trong đó có hơn hai chục cô hoa khôi, hoa hậu đến thăm một trại trẻ mồ côi, khuyết tật mà chỉ mang theo có một triệu rưởi đồng kia kìa
- Của ít lòng nhiều, mỗi người một chân một tay xã hội mới tốt đẹp lên được chứ
- Nhưng các cháu có được nhận đâu. Đoàn từ thiện yêu cầu nhà trường dùng số tiền đó nấu một bữa liên hoan cho đoàn và toàn thể cán bộ, học sinh, vị chi là hơn một trăm con người
- Với số tiền đó, mỗi người 1 lon coca và li trà đá còn chẳng đủ, nói gì đến ăn
- Vậy nên nhà trường phải bù thêm cho bữa ăn đỡ phần đạm bạc
- Thì hoa hậu, hoa khôi đa phần vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, lấy đâu ra mà cho nhiều
- Đáng trách là, trước khi lên đường đoàn này đã tổ chức họp báo, quay phim, chụp ảnh tại khách sạn 5 sao rất rình rang, tốn kém cả trăm triệu đồng. Giá như họ dùng số tiền này cho các cháu thì tốt biết mấy
- Các cháu nhịn đói quen rồi, cho nhiều, ăn lắm rồi mắc chứng béo phì ai chịu trách nhiệm. Hơn nữa, nhiều cháu còn được hoa hậu bế, hôn hít, sướng quá còn gì. Tôi mà được thế ấy à, nhịn ăn một năm cũng đáng
Cận

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

bâng khuâng

Sáng nay, mới hơn chín giờ, khi mấy đồng nghiệp cùng phòng còn đang tranh cãi kịch liệt về giá vàng leo thang, tôi lỉnh ra quán cà-phê đầu cổng. Ở đây cũng đông đúc nhưng toàn người lạ, có thể ngồi ngẫm ngợi cả buổi mà không sợ ai quấy rầy. Hình ảnh một chú bé mới ba tuổi rưỡi ở tít tận trong Nam ám ảnh tôi suốt từ sáng tới giờ. Tôi chưa từng gặp cháu, mà cũng không có mối liên hệ ruột rà, máu mủ gì. Nhìn những tấm ảnh của cháu trên báo, tự nhiên thấy thương, thế thôi.
Cháu không có bố, ở một mình với mẹ. Cháu là kết quả của một mối tình vụng trộm. Mẹ cháu là công nhân, gần đây bị tai nạn giao thông trên đường từ nhà máy về nhà. Mẹ bị gãy đốt sống cổ, bị cưa tay, hai chân bị liệt, đã mấy tháng nay nằm một chỗ chờ chết. Họ hàng không còn ai ngoài ông bà ngoại cũng đã gần đất xa trời. Gia cảnh vốn đã nghèo giờ thêm kiệt quệ.
Cháu học mẫu giáo gần nhà. Từ ngày mẹ gặp nạn đến giờ, cháu không la cà với chúng bạn nữa, cứ đến giờ giải lao lại chạy về quanh quẩn bên mẹ. Bước qua cửa là cháu hỏi mẹ có đói không, có muốn uống nước không. Thấy mắt mẹ chơm chớp, cháu hiểu ý chạy đi lấy rồi ngồi bón cho mẹ từng thìa. Những lúc ngồi bóp chân, xoa lưng cho mẹ cháu liến thoắng kể cho mẹ nghe chuyện ở lớp. Thấy con hồn nhiên, mẹ cũng vui, thỉnh thoảng lại nhoẻn một nụ cười héo hon, bạc phếch. Mẹ đâu có biết rằng, mỗi khi ra giếng giặt quần áo, cháu lại lặng lẽ ngồi khóc. Cháu thương mẹ chứ không thương mình. Đêm đến, khi bóng tối bao trùm lên tất cả, cháu quay mặt vào vách thổn thức. Sáng ra, chiếc gối mỏng mẹ khâu cho ướt đầm. Cháu sợ mẹ chết lắm. Chiều chiều, hôm nào cũng thế, bất kể nắng mưa cháu đều chạy sang chùa, nép sau cánh cổng ọp ẹp cầu Phật cho mẹ cháu được sống. Cháu hứa chăm sóc mẹ suốt đời, không để mẹ phải buồn, phải đau. Sư trụ trì nhiều lần âm thầm nuốt nước mắt nghe cháu thì thầm xin ông trời lấy tay, lấy chân của cháu lắp cho mẹ, để mẹ đi kiếm tiền nuôi ông bà. Cháu ước ao được què quặt, được nằm ở chỗ của mẹ, được mẹ bón cho từng miếng bim bim. Tối đến được nghe mẹ kể chuyện Thạch Sanh bắn chim dữ cứu người đẹp. Rồi mẹ sẽ ôm cháu vào lòng hát ru cho cháu ngủ. Cháu muốn được gối đầu lên mớ tóc dày của mẹ như thuở nào, được mẹ hôn làm đỏ hồng đôi má.
Mọi thứ giờ đã xa quá rồi. Mẹ cháu nằm kia, trơ trọi, hình hài móp méo. Chỉ đôi mắt là còn nối dài nỗi yêu thương. Dù phải bất động nhưng người mẹ biết con mình nhiều bữa chỉ có củ khoai, củ sắn, nhường bát cháo nóng cho mẹ. Những lúc như thế, người mẹ chỉ mong sao sớm chết đi để khỏi nhìn thấy cảnh đứa con bé bỏng bị đói. Rồi người mẹ lại muốn thét lên thật to, muốn thấu đến trời xanh, cầu sao được sống, để mãi mãi được há miệng chờ thìa cháo từ tay con mình. Nuốt thìa cháo hạnh phúc mà sao nước mắt cứ tràn trề, đục ngầu, tội lỗi.
Lúc đầu hàng xóm sang thăm cũng nhiều, mấy hôm nay đã thưa dần. Ai cũng nghèo, cũng phải lo chạy ăn từng bữa, cưu mang mãi làm sao được. Từ chiều hôm kia đến giờ hai mẹ con đã được ăn gì đâu. Cháu rúc đầu vào nách mẹ, mệt lả, run rẩy. Người mẹ bất lực căng mắt trân trân nhìn lên trần nhà như đã hóa đá.
Rồi cũng có vài người ghé qua nhưng tay không cầm theo gì cả. Thì ra họ sang xem người mẹ đã chết chưa.
Nghe tiếng người xôn xao, cháu nặng nhọc quay người lại, mặt đỏ bừng, mắt lờ đờ, có lẽ bị sốt. Một bà bế cháu đặt lên lòng. Nếu không có đàn con nheo nhóc ở nhà có lẽ bà đã đón cháu về nuôi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Thằng bé mới tí tuổi đầu mà đã bất hạnh trước khi được sinh ra. Bà cúi mặt não nề, mặc mọi người thì thào bàn chuyện hậu sự cho người mẹ xấu số, móc trong túi áo nông toen hoẻn ra nửa bắp ngô luộc nham nhở, khó nhọc tách từng hạt khẽ khàng đút vào miệng cháu. Cái miệng xinh xinh nhóp nhép, ngon lành, như đang mơ về một miền cổ tích xa lắm. Rồi bất chợt cháu mở bừng mắt, ngơ ngác nhìn bà lão rồi nhả vội miếng ăn ngọt lành ra lòng bàn tay. Cháu chợt nhớ đến mẹ. Sau mấy giây lưỡng lự liếc về phía những người hàng xóm, cháu chạy ào đến bên giường bệnh, nhặt từng hạt ngô nhão nhoét bón cho mẹ. Còn chút sức tàn, mẹ cố vươn cổ tránh ra xa, hai hàm răng nghiến chặt. Mẹ không muốn cướp đi miếng ăn quí giá của con. Cháu nhoài theo, cố vạch miệng mẹ ra. Tiếng ú ớ trong cổ họng người mẹ cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt hẳn. Bà mẹ đã chết, hai hàng nước mắt đỏ như máu chảy tràn xuống chiếc chiếu rách xác xơ. Mọi người gỡ cháu ra, đặt xuống đất. Ai đó mang sang cái chăn mỏng chùm lên người mẹ xấu số. Cháu vùng dậy hai cánh tay giang rộng, run rẩy ngăn không cho mọi người đến bên mẹ. Bà hàng xóm gạt vội hai hàng nước mắt, xốc cháu lên đưa ra ngoài, mặc cho cháu giãy giụa, gào thét dữ dội. Cánh chim non giờ biết bấu víu vào đâu?.
Vậy mà cũng hết một buổi sáng. Đã hết hai li cà-phê và nửa gói thuốc lá mà tôi vẫn chưa trả lời được câu hỏi: Bao lo toan, vun vén, vất vả của mình suốt mấy chục năm qua liệu sẽ đổi được cái gì? Có lẽ tôi sẽ vào Nam đón cháu về nuôi. Tôi muốn dùng chút sức tàn để bù đắp, nuôi dưỡng một tâm hồn. Nhưng tôi cũng biết cây quí đem sang trồng nơi đất mới chắc gì đã cho quả ngọt.
Bâng khuâng đành buông tiếng thở dài
Cận

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

gặp được tri kỉ

- Theo bác thì bê-tông cốt thép với bê-tông cốt tre cái nào cứng hơn?
- Tất nhiên là cốt thép rồi, có thế mà cũng phải hỏi
- Vậy cái nào đắt tiền hơn?
- Bác bị ấm đầu đấy à, thép đắt gấp 1000 lần tre
- Sở dĩ tôi phải hỏi kĩ là vì gần đây có vụ tai nạn giao thông, một chiếc xe máy đâm gãy cột cây số, làm lòi ra 4 thanh tre ở trong lõi, rất may nạn nhân chỉ bị thương. Cột cây số được phép thay bằng ruột tre hả bác?
- Bê-tông là phải đi liền với thép. Nhà sản xuất chắc sợ người dân khi va phải cột cây số bị sắt đâm chết nên thay bằng tre để họ chỉ bị thương nặng thôi. Xã hội phải ghi nhận tính nhân đạo này chứ
- Cả nước có hàng triệu cột cây số, tiền tiết kiệm được nhờ việc thay thép bằng tre chắc lớn lắm bác nhỉ?
- Hàng nghìn tỷ đồng chứ không ít đâu
- Thế cũng tốt, sẽ có hàng trăm cây cầu được xây để các cháu đến lớp không phải bơi qua sông, rồi nhiều ngôi trường được kiên cố hóa, rồi thì…
- Thôi đi bác. Số tiền đó rơi hết vào túi cá nhân, nhà nước chẳng thu được đồng nào hết
- `Vậy là tham nhũng à?
- Đúng thế. Trước đây, PMU18 cũng đã từng bị phát hiện rút ruột cột chỉ đường, khối kẻ đã phải vào tù đấy.
- Vậy những kẻ rút ruột cột cây số vừa rồi đã bị xử lí gì chưa?
- Đang điều tra, chắc không thoát được đâu
- Như vậy là những kẻ thích ăn sắt sẽ gặp nhau trong trại giam. Trong môi trường mất tự do mà gặp được tri kỉ chắc tâm sự được nhiều lắm, có phải ai cũng may mắn được như vậy đâu
Cận

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

không điên là còn may

- Bực quá, từ nay tôi sẽ đi bộ
- Sao thế? Thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa ai người ta còn đi lại bằng đôi chân nữa
- Thà mang tiếng là tụt hậu còn hơn là để cho cái đám trông giữ xe máy chặt chém
- Ôi dào! Đáng bao nhiêu mà bác phải lăn tăn thế
- Năm nghìn đồng một lượt gửi xe máy mà bác coi là nhỏ à? Bác có biết, ở trường học sinh nội trú một tỉnh miền núi phía Bắc tiền ăn cả ngày của một học sinh chỉ có một nghìn đồng không?
- Bác cứ nói đùa. Một nghìn đồng cúng cô hồn còn chẳng đủ, mua gì được
- Vậy mà học sinh nơi đây đã phải sống với mức đó nhiều năm rồi đấy
- Chắc những đứa trẻ này suy dinh dưỡng cả lượt bác nhỉ?
- Bác tính, cơm thiếu, rau thiếu, thịt cá cả năm mới được ăn một lần thì to khỏe làm sao được. Vậy mà năm vừa rồi có mấy đứa đỗ đại học đấy
- Đói ăn như vậy mà sao chúng thông minh thế nhỉ?
- Chúng giỏi là vì có cái tâm sáng, cái ruột sạch. Còn những kẻ ngồi trên sơn hào hải vị mà luôn quay cuồng với âm mưu thủ đoạn thì đầu óc chỉ ngày càng tối đi, không điên rồ là còn may đấy
Cận

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

nguồn cơn phá hoại

- Bác này, sao dạo này bệnh háo danh nở rộ thế nhỉ?
- Cái thói này thời nào chẳng có. Thời phong kiến, các tầng lớp vua chúa, quan lại khi sống cũng ở nhà to, khi chết lại làm mả đẹp, hoành tráng, lưu danh ngàn đời đấy thôi
- Nhưng thời đó tính háo danh thể hiện qua những cái cụ thể, công khai, đâu có mờ ám như ông Thứ trưởng có bằng tốt nghiệp bé lại khai là bằng to, như ông vụ phó chẳng có khả năng gì lại tự vỗ ngực đã từng thi toán quốc tế…
- Trước đây cũng có kẻ nhờ thi hộ, dùng bằng dởm, nhưng ít, bởi ông cha mình đâu có trọng bằng cấp. Mấy chục năm trước, nhiều người được Đảng, Nhà nước cho sang nước ngoài tu nghiệp nhưng học thì ít, buôn bàn là, nồi áp suất thì nhiều. Sắp hết thời hạn mới cuống cuồng dùng tiền thuê người viết luận văn. Chính vì thế mới có chuyện khối ông tiến sỹ chuyên về chế tạo máy mà cái quạt ở nhà hỏng có chữa được đâu
- Chứng sĩ diện, háo danh dẫu sao cũng không tác hại bằng bệnh tham nhũng
- Bác nhầm rồi, đây chính là nguồn cơn phá hoại đất nước đấy. Trao quyền lớn cho những trí thức “dởm” chính là tạo cơ hội cho họ làm bậy. Loại người này không bao giờ trọng dụng người tài hơn họ, mà dùng những kẻ dốt nát để dễ sai khiến, lũng đoạn, như vậy, cơ quan, doanh nghiệp không đi xuống mới là chuyện lạ
- Vậy phải làm gì để hạn chế thói háo danh hả bác?
- Phát hiện ai dùng bằng dởm bắt họ ngồi trước ống kính truyền hình ăn hết cái bằng đó, có thế những kẻ thích gian dối mới tởn đế già
- Cận