Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Sâu mọt là đây



           
-          Ở tuổi gần đất xa trời, bác ước ao điều gì nhất?
-          Tôi lúc nào cũng chỉ mong con cháu hòa thuận, hạnh phúc. Vợ chồng vui vẻ, con cái hiếu đễ.
-          Nói đến chữ hiếu, có lẽ không ai bằng ông Lexus biển xanh. Riêng ngày sinh nhật bố mà ông ấy chi những 550 triệu đồng.
-          Phú quí sinh lễ nghĩa. Người ta giàu có thì làm to, mình nghèo hèn thì chỉ cần cái kẹo lạc với chén trà là được rồi.
-          Vấn đề là, số tiền đấy do cấp dưới của ông ta móc từ quĩ đen của tập đoàn ra để cống nạp.
-          Trời, hơn nửa tỷ đồng chứ ít đâu. Bố ông này chắc ăn khỏe lắm, răng lợi còn đầy đủ cả nên mới cần phải mừng sinh nhật chừng nấy tiền?
-          Ai mà biết được. Nhưng tôi đồ rằng ông lão cũng chẳng nhận được xu nào, chắc ông con trai quí hóa cầm cả.
-          Thôi thì tập đoàn ăn nên làm ra, mừng số tiền lớn đó cũng là cách để cơ quan tri ân những cống hiến của vị giám đốc.
-          Được thế đã tốt. Đằng này cơ quan chức năng đang làm rõ việc ông này để thua lỗ tiền nhà nước mấy nghìn tỷ đồng. Tiền lương của cán bộ viên chức tại đây cũng bị nợ nhiều tháng liền. Hơn 80 tỷ đồng quĩ đen bị ông ta và bộ sậu chi xài vung tứ mẹt.
-          Sâu mọt là đây, tham nhũng, lãng phí là đây chứ tìm đâu xa. Với loại cán bộ tha hóa suy đồi này cần sớm bỏ tù. Cần phải sớm moi hết ra những kẻ còn đang ẩn trong bóng tối
Cận

Phải cương quyết loại bỏ.



            
-          Vừa rồi có mấy y sỹ phải vào viện mổ tai bác ạ.
-          Thì họ cũng là người, cũng có lúc phải ốm đau chứ. Chắc do họ đeo tai nghe để khám bệnh nhiều nên dẫn đến viêm nhiễm, khổ thân.
-          Không phải. Trong kì thi liên thông từ y sỹ lên bác sỹ tổ chức ở Cần Thơ vừa qua, giám thị đã phát hiện nhiều trường hợp dùng công nghệ cao để gian lận trong thi cử. Trong số này có 3 người dùng thiết bị thu rất nhỏ nhét vào tai không lấy ra được nên phải đưa đi cấp cứu.
-          Chẳng biết đã gian lận được gì chưa, chứ bị điếc thì khổ cả đời. Chẳng cứ gì ngành này, ngành nào bây giờ chẳng có gian lận. Điều này đã, đang và sẽ để lại hậu quả rất lớn cho xã hội.
-          Ngành khác mà gian dối thì người dân hay đất nước chỉ mất tiền, mất đất đai, nhà cửa. Chứ bác sỹ mà dởm thì ảnh hưởng nhãn tiền đến sức khỏe, tính mạng con người.
-          Bác cứ nói quá. Họ gian lận chỉ để được nâng ngạch, nâng lương, chứ có ai cố tình làm thế để hại dân, hại nước đâu?
-          Sao bác nhìn nhận nông cạn thế nhỉ. Nếu được công nhận là bác sỹ họ sẽ có quyền điều trị, giải phẫu bệnh nhân. Thật vô phúc cho bệnh nhân nào rơi vào tay loại bác sỹ bất tài này.
-          Ừ nhỉ. Thảo nào mà lâu nay xuất hiện nhiều trường hợp người ta đau ruột thừa lại bị đè ra cắt dạ dày, đau bụng lại mổ tai. Vậy chúng ta phải làm gì?
-          Trước mắt, phải thắt chặt khâu đào tạo, sau nữa là ngành y phải tổng rà soát chất lượng y bác sỹ. Ai không có thực tài phải dứt khoát loại bỏ.
Cận

Nỗi khổ “chuồng chim cu”



      
-          Sao dạo này nhiều người bỏ nhau quá. Họ li dị vì lí do gì nhỉ?
-          Nhiều lắm, khó có thể thống kê được hết. Nào là bỏ nhau để theo người mới, bỏ vì chồng nát rượu, hay quát mắng vợ con, vì vợ hoặc chồng ngoại tình…
-          Tôi còn biết ở phố Hàng Buồm, có gia đình, người vợ bỏ đi chỉ vì nhà ở quá chật.
-          Vô lí nhỉ. Lúc mới cưới ai chẳng khó khăn. Tiết kiệm dần rồi mua chỗ khác rộng rãi hơn, sao nỡ rời bỏ nhau chỉ vì căn nhà.
-          Nghe nói đã nhiều năm nay họ chỉ có 5 mét vuông để ở. Với cái “chuồng chim cu” như thế khó nuôi dưỡng hạnh phúc lắm.
-          Đúng là, với diện tích tương đương 2 ngôi mộ ghép lại như thế thật khó mà ăn đời ở kiếp với nhau. Sao họ không bán đi rồi ra ngoại ô mua mảnh đất làm nhà nhỉ?
-          Đây là tình cảnh diễn ra hơn nửa thế kỉ nay của nhiều gia đình ở khu vực phố cổ. Chính quyền thành phố cũng đã đề ra nhiều phương án di dời nhưng đến nay vẫn ách tắc bởi nhiều lí do. Thời tiết nóng bức như thế này mà ở trong những “ngôi nhà” như thế đúng là cực hình.
-          Họ chỉ khổ vào mùa hè thôi, chứ mùa đông ‘sướng lắm”, chẳng cần chăn đệm gì mà vẫn ấm toát mồ hôi. Nhiều gia đình, khi được nhà nước đề nghị đền bù chỗ ở khác rộng rãi hơn, họ lại từ chối với lí do ở như thế quen rồi. Họ chấp nhận khổ sở vì cái danh “dân phố cổ”.
-          Thật khó thay đổi thói quen. Trong khi nơi đây người ta thiếu thốn đủ bề thì ở ngoại ô có hàng nghìn căn biệt thự bỏ không. Đúng là người ăn không hết kẻ lần chẳng ra, bất công quá.
Cận

Nhân cách có vấn đề



             
-          Sao mặt mũi hốc hác thế bác. Lại thức khuya xem bóng đá à?
-          Mấy đêm nay tôi không thể ngủ được vì nghĩ đến chuyện 2 cháu bé bị xử tù do cướp 2 ổ bánh mì trong cơn đói.
-          Bác cứ dựng chuyện. Chẳng có ở đâu trên thế giới này người ta tống trẻ vị thành niên vào ngục vì mấy chiếc bánh cả. Chắc trong ruột mấy chiếc bánh đó người ta giấu vàng hay kim cương?
-          Theo tòa, họ xử 2 cháu gần một năm tù căn cứ ở hành vi chứ không quan tâm đến giá trị tang vật. Đây là hành vi có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng, cần ngăn chặn sớm.
-          Nhưng luật pháp, dù có nghiêm đến mấy cũng phải tính đến đạo lí, tình người. Theo dõi vụ này, tôi lại nhớ đến vụ xét xử vụ đường ống sông Đà mấy bữa trước. Đến nay, đường ống này đã vỡ 18 lần khiến hàng vạn hộ gia đình điêu đứng, nhà nước phải khắc phục hàng trăm tỷ đồng mà một số lãnh đạo làm sai lại được hưởng án treo.
-          Họ già rồi nên chẳng có cơ hội tái phạm. Còn 2 cháu bé còn trẻ phải nhận một bài học để sau không mắc lỗi nữa.
-          Chẳng phải. Tôi lại nghĩ, nhiều người cầm cân công lí của chúng ta đang có vấn đề về nhân cách. Họ xử án treo vì cho rằng mấy ông “kễnh” này phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo. Hai cháu bé này cũng có chối tội đâu, cũng lần đầu phạm tội đấy chứ. Hành vi của các cháu đâu có gây hậu quả xấu nào cho xã hội, sao nỡ “ra đòn” nặng thế.
Cận

Nguyên nhân khó tin



           
-          Tật xấu nào của người Việt mà bác ghét nhất?
-          Cũng kha khá đấy. Tôi rất khó chịu khi chứng kiến sự bàng quan của một số người trước những vụ tai nạn giao thông, sự vô ý thức trong cuộc sống hàng ngày, sự bất kính với người trên, trịch thượng với người dưới…
-          Còn tôi lại khó chịu với loại người luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác, không bao giờ tự nhận trách nhiệm về mình.
-          Lại có vụ đổ cho đường sụt lún do trời nóng quá, hay do cái ao ven đường của người dân à?
-          Ở một trường đại học lớn phía Nam gần đây toàn bộ nền gạch lát trong các phòng của kí túc xá bị bong vỡ, ông Giám đốc Kí túc xá cho rằng lỗi thuộc về sinh viên.
-          Sinh viên vốn hiếu động, tụ tập nhảy nhót suốt ngày, sàn nhà có làm bằng thép cũng chẳng chịu nổi. Hay là có em nào cạy gạch mang về quê lát chuồng gà?
-          Ông Giám đốc này bảo do các em lau nhà nhiều quá. Gặp hôm trời nóng, lau nhà bằng nước mát đã gây nứt vỡ gạch lát.
-          Chừng này tuổi đầu rồi, lần đầu tiên tôi nghe thấy nguyên nhân buồn cười như thế đấy. Sinh viên bận học suốt ngày, nước sinh hoạt còn chẳng đủ, sao họ lau nhà nhiều thế nhỉ?
-          Đấy là do ông Giám đốc nói thế, chứ các em làm gì có thời gian chăm chút cho việc đó.
-          Vậy theo bác thì nhà trường và bên xây dựng phải khuyến cáo thế nào để gạch lát không tiếp tục vỡ nữa?
-          Nếu theo họ nói thì sinh viên không được ở sạch nữa, vài năm mới được lau nhà một lần. Ở bẩn một tí kiến thức mới quẩn quanh trong phòng, không thoát ra ngoài, có thế mới học giỏi được.
Cận