Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Mới sáng mắt ra


-       Theo bác, có nên tôn vinh người nông dân bằng một danh hiệu nào đó không?
-       Thì người đời vẫn gọi là Hai Lúa đấy thôi. Riêng cái tên đã nói lên nhiều điều, không cần phải gắn với cái gì cho nhiêu khê, rách việc.
-       Nhưng, mỗi khi gọi cái tên đó, tôi thấy cứ ngượng mồm thế nào ấy, cứ như chế giễu họ vậy.
-       Đấy là do tâm hồn bác thiếu trong sáng nên mới nghĩ thế, chứ họ chẳng quan tâm đâu. Như mấy ông Hai Lúa khi sáng chế ra máy bay, máy gặt đập, máy tuốt lúa, họ đâu vì sự nổi tiếng hay mong được thưởng.
-       Sao mấy ông Hai Lúa không học hành gì mà làm được nhiều thứ kì diệu thế bác?
-       Họ không được đào tạo, cũng chẳng có sách mà đọc nhưng lại có thực tế. Hàng ngày lội bùn, đỉa cắn tứ tung, cái nắng, cái mưa quật ràn rạt vào đầu, vào lưng, khiến họ phải động não.
-       Nhiều người cũng xuất thân từ nông thôn mà sao khi lên thành phố học hành, rồi được gắn cái mác Tiến sỹ, Giáo sư lại “tịt ngòi” nhỉ?
-       Giáo sư mà suốt ngày nhăm nhăm đi xin đề án, chạy chọt lên chức lên quyền thì đừng mong cống hiến gì cho khoa học
-       Vậy phải làm gì để hàng chục nghìn Giáo sư, tiến sỹ nhận thức được đúng vai trò, trách nhiệm của mình?
-       Trước hết, phải làm cho họ biết xấu hổ với bản thân. Thỉnh thoảng chở họ về nông thôn thực tế trên những chiếc máy do chính người nông dân sáng chế, có thế họ mới sáng mắt ra
    Cận

Tinh túy của đất trời


-       Gió thu hây hẩy với nắng nhạt thế này mà sao đầm đìa mồ hôi thế bác, vừa đánh lộn với ai à?
-       Còn hơn đánh nhau ấy chứ. Xếp hàng, chen chúc suốt từ sáng đến giờ mới mua được mấy cái bánh trung thu đấy.
-       Đúng là thân làm tội đời, các cửa hàng bán bánh nhan nhản trên phố, vắng hoe vắng hoắt, sao không vào đấy mà mua, hay bánh ở đó làm không ra gì?
-       Không phải, chúng cũng rất ngon, chỉ có điều không hợp với khẩu vị lắm.
-       Bác cũng kén cá chọn canh nhỉ. Mỗi hộp bánh có giá mấy trăm nghìn đồng, có hộp lên tới mấy triệu đồng mà bác còn chê, không hiểu bác còn muốn loại cao cấp đến đâu nữa?
-       Bác hiểu lầm tôi rồi. Loại bánh mà mọi người phải lũ lượt xếp hàng đến tắc cả đường chỉ có mấy chục nghìn đồng một chiếc thôi.
-       Thì ra mọi người sẵn sàng phơi mình trong cái nắng cả buổi là do ham rẻ. Bác không thấy của rẻ là của ôi sao?
-       Những chiếc bánh này không đắt mà còn rất hợp vệ sinh, cái quan trọng nhất khiến mọi người phải mất thời gian công sức để mua bằng được là do chúng mang đậm tính truyền thống.
-       Bánh mà cũng mang tính truyền thống sao, tôi thấy cái nào chẳng giống nhau?
-       Bác lầm rồi. Đợi đến hôm rằm, trong không khí trăng thanh gió mát, hãy cùng tôi thưởng trà với miếng bánh thập cẩm, bác mới thấy được hết cái tinh túy của đất trời, của dân tộc được ông cha ta gửi gắm trong đó.
-       Tôi thì lại khoái loại bánh hiện đại bây giờ, nó mềm, giàu chất dinh dưỡng, loại có thêm yến sào, vây cá mập nữa thì càng tuyệt, không còn răng, chỉ cần lợi thôi mà vẫn cắn được ngập mồm.
-       Chỉ vì cái suy nghĩ thực dụng của những kẻ như bác mà nước mình đang mất dần đi bao thứ phải gây dựng qua hàng nghìn năm mới có được đấy, buồn thay
      Cận

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Bác toàn hỏi khó


-          Bác có biết người dân giờ phải nộp bao nhiêu loại thuế không?
-          Đây là câu hỏi vô cùng khó, đố cán bộ thuế nào trả lời được đấy.
-          Sao người ta lại có thể nghĩ ra lắm loại thuế thế nhỉ?
-          Có vậy mà cũng hỏi, không có thuế lấy đâu ra tiền làm đường, làm trường học, bệnh viện.
-          Nhưng có nhiều loại thuế tôi thấy phi lí và ngớ ngẩn quá, như đánh thuế bà đẻ chẳng hạn.
-          Làm gì có chuyện đó, từ cổ chí kim, khắp gầm trời này có ở đâu đánh thuế bà đẻ, bác chỉ giỏi bịa
-          Tôi dối bác làm gì, ngành thuế vừa đề xuất thu thuế bảo hiểm xã hội của các bà mẹ đấy
-          Thật sao, ở những nước văn minh, người ta luôn tìm cách hỗ trợ tối đa cho các sản phụ. Bà mẹ chỉ việc đẻ thôi, con cái, viện phí, sinh hoạt đã có nhà nước lo.
-          Thì Quốc hội nước mình vừa rồi cũng đã tăng thời gian nghỉ đẻ từ 4 tháng lên 6 tháng đấy thôi
-          Đảng, Nhà nước luôn có những chính sách ưu viêt nhằm cải thiện đời sống tốt nhất có thể cho người dân, vấn đề là các ngành khi thực thi, lại chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình.
-          Giàu có không nói làm gì, những bà mẹ là công nhân, đời sống vốn đã thiếu thốn đủ bề, chỉ biết trông vào mấy đồng trợ cấp sinh đẻ, giờ bị đánh thuế thì hai mẹ con sống bằng gì?
-          Bác cứ hay lo xa. Chị Dậu ngày xưa khoai lang chẳng có mà ăn còn nuôi được ông chồng ốm yếu với 3 đứa con thơ dại đấy thôi.
-          Trước khác, giờ đánh thuế cả vào bình sữa, vào từng cái bỉm của trẻ thì dã man quá. Thế hệ tương lai của đất nước mà thiếu thốn, đói ăn, suy dinh dưỡng làm sao mà đuổi kịp, sánh vai với các cường quốc năm châu hả bác?
-          Bác toàn hỏi khó, có mà bám theo còn chẳng nổi, nói gì đến sánh vai cho xấu hổ. Câu hỏi này bác hãy dành cho ngành thuế trả lời
Cận

Ta tắm ao ta


-          Chuẩn bị Trung thu đến đâu rồi bác?
-          Ngần này tuổi đầu rồi còn tết nhất gì nữa. Lát nữa ra mua mấy cái bánh, ít hoa quả thắp hương cho tổ tiên là được rồi.
-          Cả năm mới có một ngày, người già ngồi uống cốc trà, nhấm nháp miếng bánh, ngắm đám trẻ phá cỗ trông trăng, cũng khiến tâm hồn thanh thản bác nhỉ.
-          Mắc chứng đái tháo đường, ăn của ngọt vào có mà hết hơi, chẳng dại. Thế Trung thu năm nay bác làm lễ có to không?
-          Tôi bị huyết áp cao cũng phải kiêng nhiều thứ nên quyết định năm nay không bánh trái gì cả, chỉ tổ chức dạy cho các cháu trong phường tự làm đồ chơi Trung thu thôi.
-          Ý tưởng hay đấy, những thứ làm được mang ra đầu phố cũng bán được ít tiền.
-          Tôi dạy các cháu là để gin giữ những giá trị truyền thống chứ đâu phải vì tiền.
-          Nếu vậy thì để thời gian ra bờ hồ ngồi đánh cờ cho sướng. Đồ chơi ngoại nhập đủ chủng loại, bán đầy ngoài đường, ngoài chợ, việc gì phải nhọc thân cho khổ.
-          Bác nói vậy mà nghe được à. Thế hệ tôi với bác, tuy nghèo, nhưng luôn giữ được cái cốt cách của người Việt là nhờ hồi nhỏ được đắm mình trong trong tiếng trống ếch, phơi khô hạt bưởi để đốt trong đêm rằm, được ngắm những vị anh hùng đuổi giặc in bóng trên chiếc đèn kéo quân, được nếm cốm với chuối tiêu, cắn những miếng hồng tươi ngọt lịm…
-          Thôi, xin bác, mộng mơ vừa thôi. Những thứ bác vừa ao ước hàng Trung Quốc có đầy.
-          Bác làm tôi cụt cả hứng. Thế bác không thấy, nhiều thứ hàng hóa, đồ chơi của họ nhập sang ta bị ngâm tẩm hóa chất độc hại, đầy tính bạo lực sao?
-          Nhưng chúng lại ngon, rẻ, đẹp…
-          Đúng là chết vì ăn, thảo nào mà bác lắm bệnh thế. Thôi, nghe tôi đi: Ta về ta tắm ao ta/dù trong dù đục vẫn là… cái ao
      Cận

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Kiểu gì cũng nói được


-       Tôi hỏi thật, đã khi nào bác thấy chán bà vợ già ở nhà chưa?
-       Ai mà nắm tay cả ngày được. Vợ chồng cũng có lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt chứ. Bác tính, ở với bà vợ đã lắp cả hai hàm răng giả lại còn hay cười thì chán đến đâu. Giọng nói thì khào khào, chân tay đầy xương xẩu, mỗi lần vịn vào tôi để đứng lên là người tôi lại nổi đầy gai ốc
-       Vấn đề là đã khi nào bác có ý định bỏ vợ, lấy người khác chưa?
-       Ồ, chưa. Lắm khi bực cũng muốn bỏ quách đi cho xong, nhưng lại thấy ngại. Chuyện con cái, chuyện phân chia tài sản phức tạp lắm. Mà tránh vỏ dưa có khi lại gặp vỏ dừa cũng nên, chẳng dại.
-       Thông tin mới cho bác đây, từ nay sẽ không có ai phải bỏ vợ, bỏ chồng, nếu thích sẽ được thường xuyên xài “hàng” trẻ đẹp mà không phải trả tiền.
-       Nghe bác nói cứ như chuyện trên thiên đường vậy, ở đâu vậy bác, chỉ cho tôi với.
-       Vấn đề là, bác phải vào Sài Gòn, đăng kí tham gia hội Đổi vợ đã.
-       Tức là tôi phải mang vợ mình tới cho người khác “dùng”, còn mình lại “ăn” vợ người khác sao?
-       Đúng thế. Khi có đủ bốn cặp, đàn ông sẽ bốc thăm, trúng bà vợ của ai thì “lên đường” cùng người đó.
-       Vợ tôi đã 70 rồi, kiểu gì tôi chẳng “lãi” bác nhỉ?
-       Cũng chưa chắc, thiếu gì những ông mang bà vợ 90 tuổi tới đó.
-       Ối giời, tuổi đấy còn “làm ăn” được gì nữa?
-       Ai bảo bác thế. Bác không thấy các cụ già Tây vẫn đẻ sòn sòn đấy thôi.
-       Tây khác, ta khác. Không hiểu ai nghĩ ra cái trò lập hội Đổi vợ này nhỉ. Suy đồi đến thế mà chính quyền vẫn làm ngơ sao?
-       Thì cũng phải tạo điều kiện cho những lão “khọm” già rửng mỡ  như bác lấy chỗ vui chơi giải trí chứ. Cấm đoán thì lại gào lên là mất dân chủ, kiểu gì bác cũng nói được

Đổ thóc giống ra ăn


-       Dạo này đạo đức xã hội đang có vấn đề, nhiều người già bị đẩy ra đường quá bác ạ
-       Thì sống lâu là sống nhục mà. Ý bác muốn nói về việc một ông lão 87 tuổi bị các con ném ra vỉa hè ở Hà Nội chứ gì?
-       Vụ đó đúng là dã man và cạn tình nhưng chưa ăn thua gì so với trường hợp ở Hà Tĩnh
-       Lại chuyện con chém bố, cháu song phi vào mặt bà chứ gì?
-       Chuyện như thế đúng là phi luân nhưng cũng chỉ liên quan đến cá nhân, việc tôi muốn kể cho bác nghe liên quan đến sự bất nghĩa, dối trá của lãnh đạo cả một tỉnh, một huyện kia
-       Thế kia à, tôi sốt ruột quá, bác kể ngay đi.
-       Chẳng là thế này, có một bà mẹ liệt sĩ cô đơn năm nay đã 92 tuổi ở trong túp lều rách nát như lều canh vịt mà chưa một lần được chính quyền địa phương đoái hoài tới
-       Làm gì có chuyện đó, năm nào nhà nước chẳng rót ngân sách để địa phương cải thiện nơi ăn chốn ở cho người nghèo, đặc biệt là các gia đình chính sách.
-       Ai chẳng thấy thế, nhưng vấn đề là tiền có đến được với người dân không.
-       Nhỡ bà mẹ liệt sỹ này được cấp nhà tình nghĩa rồi, sau đó bán đi lấy tiền ăn chơi, lô đề thì sao?
-       Bác chỉ suy diễn linh tinh. Mẹ già lắm rồi, thở chẳng ra hơi, còn chơi bời cái gì. Đã 25 năm nay mẹ vò võ trong túp lều hơn chục mét vuông, mưa chưa ngập đường, trong nhà đã lụt. Có đêm mưa lớn, mẹ phải ra vườn ôm chặt gốc cây suốt đêm cho đỡ ướt, tội quá.
-       Chắc mẹ thích ở nhà tranh cho mát đấy thôi. Tôi với bác giờ muốn ở nhà tranh cũng đâu có dễ. Nghe nói, Hà Tĩnh báo cáo Trung ương đã xóa 100% nhà tre nứa lá từ năm 2003 rồi mà?
-       Bệnh thành tích thôi. Tin các ông ấy có ngày đổ thóc giống ra mà ăn
      Cận

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

"Tởn" đến chết


-       Bác có hay đi du lịch không?
-       Đó là thú vui nhất đời của tôi đấy. Từ khi còn trai trẻ tôi đã khoái đi rồi. Về già vẫn muốn lượn lờ, nhưng không có tiền nên đành chịu.
-       Tại những nơi từng đi qua, bác thích nhất cái gì?
-       Có nơi đến vì phong cảnh đẹp, nơi do có đặc sản ngon, nơi thu hút bởi có nhiều “bông hoa” đẹp, nhỏ xinh, dịu dàng chân quê…
-       Bác sướng thật đấy, được đến nhiều nơi, được thưởng thức nhiều của ngon, vật lạ, giờ chắc thỏa mãn lắm rồi, bác nhỉ.
-       Thì ai cấm bác chứ. Con cái đề huề cả rồi, còn khỏe ngày nào thì cố mà đi, đến khi nằm một chỗ không còn gì phải ân hận nữa.
-       Dịp nghỉ lễ vừa rồi, vợ chồng thằng út đưa cả nhà đi Suối Ngà, Ba Vì chơi, tiện thể mời cả vợ chồng tôi. Sau chuyến đi đó, tôi “tởn” đến chết luôn
-       Lại bị chèo kéo hay tính tiền đắt gấp ba gấp bốn chứ gì, chuyện như thế giờ ở đâu chẳng diễn ra, chấp làm gì.
-       Nếu chỉ như thế thì nói làm gì, đằng này tôi được chứng kiến cảnh 6-7 bảo vệ của khu du lịch dùng dùi cui, tuýp sắt đánh túi bụi gây trọng thương cho hai du khách mới mười mấy tuổi đầu.
-       Hai du khách đó “bùng” tiền ăn của quán hay trộm cắp à?
-       Không. Trời mưa, bố mẹ bọn chúng bảo các con phóng lên bãi gửi xe trước, còn mình rẽ vào mua vé tham quan. Bảo vệ gọi lại, hai đứa không nghe thấy, thế là bị ăn “tẩn”
-       Chắc họ thử xem khách có sức chịu đựng được đòn roi không, có đủ sức khỏe để băng rừng, vượt núi không đấy mà
-       Thôi đi, thử sức mà vụt con nhà người ta chảy máu mắt, phải đi cấp cứu à.
-       Hòa Bình thì có suối nước khoáng Kim Bôi, Nghệ An thì có bãi biển Cửa Lò, còn ở Ba Vì thì có dùi cui, tuýp sắt. Đấy cũng là “đặc sản”, mới thế mà đã sợ thì ở nhà cho khỏe
      Cận

Dễ chết yểu lắm


-       Tổng diện tích đất nhà bác được mấy chục mét vuông?
-       Ở đâu ra mà lắm thế. Phấn đấu cả đời mới mua được mảnh đất xen kẹt 15 mét vuông, chồng lên 4 tầng mới tạm đủ để ở đấy.
-       Nhà như thế khác gì cái chuồng chim, mỗi lần leo cầu thang chắc mệt lắm nhỉ?
-       Đành phải chịu chứ biết làm thế nào, rồi cũng quen tất.
-       Sao bác không bán đi, mua căn hộ chung cư, ở một sàn cho sướng?
-       Tiền đâu mà bù thêm vào. Mà tôi cũng không thích ở chung cư, dễ chết yểu lắm.
-       Người ta ở đầy ra đấy có sao đâu. Hay bác sợ đêm hôm trèo lan can sang nhà bà hàng xóm xin lửa chẳng may tuột tay rơi xuống?
-       Bậy nào, ngần này tuổi ai còn chơi trò Romeo và Juliet. Tôi sợ ở chung cư vì không muốn mình bị ung thư thôi.
-       Bác nói khó hiểu quá. Chung cư với ung thư thì liên quan gì với nhau chứ?
-       Sao lại không, thế bác không thấy chúng cùng vần “ư” sao. Vừa rồi, ở một khu chung cư thuộc xã Mỹ Đình người ta làm xét nghiệm nước sinh hoạt cho kết quả lượng asen và tạp chất cao hơn mức cho phép 37 lần đấy.
-       Ối giời! Ở nước ngoài, chỉ cần nước sinh hoạt bẩn hơn mức qui định vài lần thôi, người ta đã di dân cả khu vực rồi. Nói như bác thì người dân ở tòa nhà này có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 37 lần so với nơi khác. Thế cơ quan có trách nhiệm đã có ý kiến về chuyện này chưa?
-       Nền hành chính của mình giống như con rùa bị lật ngửa bụng lên, chân nó đạp rất dữ nhưng có chuyển động được tí nào đâu. Chắc còn phải họp, phải bàn, nhanh cũng khoảng một năm nữa mới có kết luận.
-       Thế từ giờ đến lúc đó người dân sinh hoạt bằng gì?
-       Bỏ tiền ra mua nước đóng chai về mà dùng, có thế mà cũng hỏi.
      Cận

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Cổ tích giữa đời thường


-       Là bệnh nhân ung thư có khổ không bác?
-       Sao bác hỏi lạ thế, chỉ mắc cảm cúm thôi đã khó chịu mệt mỏi lắm rồi, người mắc bệnh nặng luôn có cảm giác trên đầu treo lơ lửng một thanh gươm, chỉ một cơn gió thoảng qua thôi là nó cắm phập xuống gáy.
-       Bác tưởng tượng nghe ghê quá. Theo bác người mắc bệnh nan y cần gì nhất?
-       Trước hết là cần tiền để thuốc men, chữa chạy, thứ nữa là sự thương yêu, đùm bọc, chia sẻ của người thân, cộng đồng.
-       Đúng vậy, vừa rồi, tại một thành phố phía Nam, một nhóm ca sỹ nổi tiếng đã cùng nhau đến tận giường bệnh hát cho những người gần đất xa trời nghe, xúc động lắm.
-       Trong khi nhiều “ngôi sao” lúc nào cũng chỉ chăm chăm khoe “hàng”, khoe “bồ”, khoe váy áo, kim cương thì việc hát cho bệnh nhân nghe miễn phí thật là ý nghĩa. Ngoài tiếng hát ra, các ca sỹ có tặng gì thêm cho bệnh nhân không bác?
-       Được nghe hát rồi còn đòi gì nữa. Nghe nói có ca sỹ ôm hòm công đức đi khắp bệnh viện vận động bệnh nhân nhẹ ủng hộ tiền cho bệnh nhân hiểm nghèo, ai cũng hưởng ứng.
-       Thì “lá rách ít đùm lá rách nhiều” mà, chắc cũng chẳng được bao nhiêu
-       Cũng được kha khá bởi hầu hết các y bác sỹ đều ủng hộ mỗi người cái phong bì.
-       Chuyện cổ tích giữa đời thường đây. Từ trước đến nay, bác sỹ chỉ nhận phong bì của bệnh nhân, chứ tôi chưa từng nghe họ cho bệnh nhân tiền bao giờ.
-       Bác cứ cực đoan quá, bác sỹ cũng là người, họ cũng có lòng trắc ẩn chứ
-       Tôi chẳng tin, “mỡ nó rán nó thôi”. Nhưng thôi, như thế cũng tốt, mong rằng, các y bác sỹ thường xuyên “tán lộc” cho bệnh nhân nghèo được nhờ
      Cận