Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Việc làm thiết thực



     
-          Khi quyết tâm sống vì cộng đồng, con người ta sẽ làm được những điều phi thường.
-          Bác chỉ được cái nói đúng. Chỉ tiếc là những người như thế giờ hiếm quá.
-          Cũng không ít như bác nghĩ đâu. Tại cuộc Hội thảo khoa học vừa diễn ra tại TP.HCM, một nữ quân nhân chuyển ngành đã công bố một loại thuốc diệt cỏ không có hại cho con người và môi trường được dư luận rất quan tâm.
-          Vô lí. Diệt được cỏ mà không gây hại cho con người, tôi chẳng tin?
-          Ngay tại hội thảo, người phụ nữ này cùng với vài người có chức sắc khác đã uống cả chai thuốc. Không những không làm sao, sắc mặt họ còn hồng hào xinh tươi hơn.
-          Cứ như tiên dược ấy nhỉ. Để làm ra loại thuốc an toàn này, giá thành chắc cao lắm. Bà còn nông dân lấy tiền đâu mà mua?
-          Ngược lại. Loại thuốc diệt cỏ này hoàn toàn làm từ các loại cây cỏ mọc tràn lan khắp nơi. Giá của nó chỉ bằng một nửa so với các loại độc hại đang bán trên thị trường.
-          Thật là đáng quí. Ngoài sản phẩm này, công ty có loại nào khác cũng an toàn như thế nữa không?
-          Họ đang nghiên cứu để đưa ra thị trường nhiều loại thuốc an toàn dùng trong nông nghiệp.
-          Chứng kiến việc làm này, những kẻ đang hàng ngày đầu độc người dân bằng hóa chất ủ chín, bơm chất bẩn vào tôm nghĩ gì. Chẳng lẽ họ không thấy xấu hổ sao?
Cận

Phải biết đoàn kết



             
-          Việc giải cứu giá thịt lợn khó mà đạt kết quả trong một sớm một chiều bác ạ.
-          Tôi thấy khắp nơi ủng hộ việc mua thịt cho bà con mà?
-          Đúng là cả nước đang chung tay giúp đỡ người chăn nuôi, nhưng nhiều tiểu thương tại các chợ lại ra tay cản trở. Giá bán lẻ tại đây hầu như không giảm, lãi suất dịp này có khi lên tới 100%.
-          Trước sau gì thì họ cũng phải giảm thôi. Cứ bán đắt mãi ai người ta mua?
-          Họ cấu kết với nhau giữ giá, khách hàng vẫn phải bấm bụng mua. Những ai muốn bán giá thấp hơn sẽ bị các đối tượng này phá đám.Chẳng hạn như tại khu chợ Lương Văn Can (TP Hải Phòng), khi thấy một phụ nữ bán thịt giá thấp, 2 người có quầy thịt gần đó liền trộn dầu luyn với nước cống và một số chất bẩn khác đổ lên phản thịt của chị này, khiến toàn bộ số hàng đó phải đổ bỏ.
-          Trời ạ. Sao họ lại có hành vi côn đồ như thế chứ. Vụ việc đã được báo chính quyền chưa?
-          Cơ quan công an đang xác minh điều tra để xử lí. Hai phụ nữ đó đã bị bắt khẩn cấp. Chỉ thương cho nạn nhân, sau khi bị đổ chất bẩn vào hàng hóa, chị này còn bị các đối tượng dọa đánh.
-          Phải xử nặng các đối tượng này. Nếu nhẹ tay, họ sẽ còn lộng hành. Thế người bị hắt chất bẩn vào hàng hóa có còn bán hàng giá rẻ nữa không?
-          Chị vẫn bán bình thường và được khách hàng hết sức ủng hộ. Chỉ một loáng là hết hàng. Chị này còn có đơn xin giảm án cho những người đã hãm hại mình.
-          Bà con phải biết đoàn kết như thế thì kẻ xấu mới sợ. Mong rằng Nhà nước sớm cải cách khâu lưu thông hàng hóa để tư thương không còn bán giá cao nơi thành phố trong khi người nông dân lại khốn khổ vì sản phẩm làm ra rớt giá thê thảm,
Cận

Cám cảnh cho sự vô cảm



          .
-          Thế mới thấy, có nhiều cái người lớn phải học trẻ nhỏ bác ạ.
-          Tôi đồng ý với bác. Đúng là có nhiều người đã lớn tuổi nhưng sống rất vô trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Lại có cháu nào nhặt được của rơi trả lại người mất hả bác?
-          Còn hơn thế nhiều. Cháu Trần Đức Đông ở xã Long Tân, huyện Phú Riềng tỉnh Bình Phước, dù mới 10 tuổi đầu đã xả thân cứu 4 người bạn thoát đuối nước.
-          Biết bơi nên cứu người cũng là chuyện bình thường. Cháu chắc sinh ra trong gia đình chài lưới nên bơi giỏi à?
-          Cháu tự học thôi. Vấn đề là, do quá nỗ lực nên khi cứu người cuối cùng, cháu kiệt sức nên đã chết thảm.
-          Trời. Cháu rất xứng đáng được coi là anh hùng. Cái chết của cháu chắc khiến bà con chòm xóm tiếc thương lắm?
-          Vâng. Ngày đưa cháu ra nghĩa trang có rất đông bà con và đại diện chính quyền địa phương đưa tiễn. Ai cũng ngậm ngùi tiếc thương cháu. Gia cảnh cháu rất nghèo, mọi người đã gom góp ít nhiều để hỗ trợ gia đình vượt qua nỗi đau thương.
-          Đây sẽ là bài học cho người lớn chúng ta. Khi mà nhiều người rất thờ ơ trước nỗi bất hạnh của đồng loại.
-          Đúng thế. Tôi thường xuyên bắt gặp tình cảnh người bị tai nạn giao thông nằm vật giữa đường, máu chảy lênh láng nhưng người qua đường thờ ơ đi qua. Nhiều xe ô tô nhất định không chịu chở nạn nhân tới bệnh viện vì sợ bẩn xe. Thật cám cảnh cho sự vô cảm này.
Cận

Để mãi thế sao được.



         
-          Chưa bao giờ tôi thấy việc thanh tra nhanh và cho kết quả ngay như vụ vụ tiêu hủy 20 nghìn viên thuốc đặc trị ung thư đang gây xôn xao dư luận mấy ngày vừa qua.
-          Kết quả ra sao. Cuối cùng thì lỗi thuộc về cá nhân hay đơn vị nào?
-          Theo kết luận thanh tra, để số thuốc trên được lưu hành, Bệnh viện Huyết học và truyền máu TP.HCM phải có đơn xin phép các đơn vị Sở Y tế, Liên hiệp Hữu nghị, Ủy ban Nhân dân thành phố, Cục Quản lý Dược, Sở Tài chính thành phố. Sau hơn một năm, mọi thủ tục mới kết thúc. Đến lúc đó số thuốc trên chỉ còn hạn sử dụng có 10 tháng nên Hải quan không cho thông quan.
-          Cả nước đang tiến hành rầm rộ công cuộc cải cách hành chính mà sao việc cấp phép diễn ra lâu thế nhỉ?
-          Chắc chỉ hô hào cho vui thôi. Cứ nhìn vào vụ việc này sẽ thấy căn bệnh quan liêu, cửa quyền tại nhiều cơ quan, tổ chức vẫn còn nặng lắm.
-          Vậy cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc tiêu hủy số thuốc trị giá hàng tỷ đồng này, trong khi người bệnh vẫn “khát” thuốc?
-          Kinh nghiệm cho thấy càng có nhiều cơ quan liên quan càng khó qui kết trách nhiệm. Rồi sẽ hòa cả làng như bấy lâu nay thôi.
-          Để mãi như thế sao được. Đã đến lúc chúng ta phải mạnh tay hơn với tình trạng trì trệ, quan liêu, cửa quyền tại các cơ quan Nhà nước. Có thế, doanh nghiệp và người dân mới bớt khổ, đất nước mới đi lên được.
Cận

Chớ nên cứng nhắc



              
-          Cái gì cứng nhắc quá cũng dễ cho kết quả sai lệch, bác nhỉ.
-          Đúng vậy. Chẳng có luật nào bao quát được hết mọi vấn đề xã hội. Chính vì thế, những cán bộ thay mặt chính quyền xử lí vi phạm đôi khi cũng phải uyển chuyển, linh hoạt nhưng phải phù hợp với đạo đức và pháp luật. Lại có trường hợp nào linh hoạt quá dẫn đến sai phạm à?
-          Tại An Giang có nhà máy thép miền Tây gây ô nhiễm nhiều năm nay cho một số xã của tỉnh này và của tỉnh Đồng Tháp nhưng không được xử lí dứt điểm khiến bà con nơi đây khiếu kiện kéo dài, gây bất ổn xã hội.
-          Để giải quyết việc này đâu có khó khăn gì. Chỉ cần kiểm nghiệm không khí, nguồn nước là rõ ngay thôi.
-          Nhà máy này đã một lần bị phạt vì gây ô nhiễm môi trường. Sau đó họ không vận hành nhà máy vào ban ngày nữa mà chỉ làm vào ban đêm. Các đoàn kiểm tra, thanh tra nhà máy lại chỉ được tiến hành vào ban ngày nên không phát hiện được sai phạm.
-          Sao họ không thực hiện việc đo chỉ số môi trường vào ban đêm, khi nhà máy hoạt động sản xuất?
-          Có Trời mới biết lí do. Chắc họ nghĩ, là cán bộ nhà nước nên họ chỉ làm việc theo giờ hành chính. Đêm hôm đi làm việc ai trả lương thêm cho họ, nhỡ vợ, con nghi ngờ thì chết dở.
-          Không thể cứng nhắc thế được. Đã là cán bộ, họ phải có trách nhiệm bảo vệ lợi ích, quyền lợi, sức khỏe cho người dân. Dù có phải đột xuất làm thêm 10 đêm thì họ cũng phải nhiệt tình. Có thế, họ mới được dân tin, dân yêu chứ.
Cận