Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Việc nhỏ nghĩa lớn



           
-          Nếu thần Đèn cho một điều ước, bác sẽ làm gì?
-          Tôi sẽ cầu mong cho dân mình không bao giờ phải đối diện với thiên tai, địch họa, biển sạch, rừng không bị phá, nhà nhà, người người ấm no, hạnh phúc.
-          Tấm lòng bác thật bao la, nhưng sẽ chẳng có vị thần nào giúp được những việc to tát thế đâu. Hãy thực tế như hai anh chàng ở Học viện Cảnh sát nhân dân hôm bão lũ ấy.
-          Họ nhảy xuống dòng lũ xả thân cứu người đẹp như trong truyện cổ tích hả bác?
-          Bác lúc nào cũng mơ mộng như mấy thi sĩ gàn. Hôm đó gió rất to. Nhiều người đi xe máy bị ngã dúi dụi. Hai chàng trai này dù đang rất vội, nhưng vẫn cho xe chạy chậm lại để chắn gió cho người đi xe máy qua hết cầu Bãi Cháy an toàn.
-          Chuyện như thế có đầy, có gì đáng ca ngợi đâu?
-          Bác không nên phụ một tấm lòng như thế. Việc tuy nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn. Nó sẽ khơi gợi sự tử tế trong bản thân mỗi con người. Chính vì thế mà cư dân mạng mấy hôm nay hết sức tán thưởng hành động đẹp này.
-          Thế hai chàng trai đáng yêu nói trên đã được nhà trường khen thưởng gì chưa?
-          Người thực tâm khi làm điều tốt chẳng bao giờ mong nhận được sự hàm ơn hay được xã hội ghi nhận. Họ giúp người khác đơn giản vì làm theo tiếng gọi thầm thì của trái tim thôi.
-          Nghe bác nói thế tôi mới thấy ngán ngẩm cho nhiều lái xe. Vào hôm Hà Nội nước ngập như sông, nhiều người ngồi trên ô tô phóng vun vút té nước cống như thác đổ vào người đi đường. Thấy người đi xe máy, xe đạp ngã tối tăm mặt mũi, nhiều kẻ ngồi trong ô tô còn cười như bị ma làm, thật là đáng ghét và đáng khinh.
Cận

Việc làm thiết thực



            
-          Đã lâu mới có hình thức xử phạt khiến người dân hết sức thỏa mãn, đồng tình bác ạ.
-          Bị phạt mà vẫn sung sướng là sao, tôi không hiểu?
-          Mấy bữa nay dư luận rất đồng tình trước việc cơ quan chức năng đồng loạt ra quân xử phạt nặng những người sử dụng rượu bia mà vẫn ngồi sau tay lái. Có lái xe bị phạt tới 17 triệu đồng.
-          Đáng ra việc này phải làm từ lâu, nhưng thôi, giờ làm cũng chưa muộn. Phạt gấp mấy lần lương tháng không hiểu đám ma men có tởn không nhỉ?
-          Không chỉ phạt tiền, xe còn bị tạm giữ 7 ngày, giữ bằng lái 5 tháng. Những đối tượng này giờ phải chuyển sang đi xe máy, xe đạp, họ mới hiểu được nỗi kinh hoàng của người dân trước những chiếc xe được điều khiển bởi những con sâu rượu.
-          Nghe bác nói tôi cũng phấn khởi. Nhưng liệu đợt ra quân này có thường xuyên không, hay chỉ được một thời gian rồi lại lắng xuống?
-          Nghe nói, trước mắt chỉ thực hiện một tháng để rút kinh nghiệm.
-          Tôi và đông đảo người dân mong sao đây là việc làm thường xuyên, chứ lúc làm, lúc không sẽ khiến những kẻ thích vi phạm nhờn luật.
-          Nhưng nhân lực, vật lực ở đâu ra, lấy đâu ra bãi chứa số xe vi phạm?
-          Thì lấy ngay tiền phạt để trang trải, sao cứ phải trông vào ngân sách nhà nước. Cái gì hợp lòng dân thì phải duy trì lâu dài, còn nếu trái lại thì phải cương quyết dẹp bỏ. Đấy chính là những hành động thiết thực để gây dựng và nuôi dưỡng lòng tin của nhân dân vào chính quyền, bác ạ.
Cận

Ve sầu thoát xác



      
-          Thế mới thấy các cụ nhà mình thông minh thật. Cái câu “ve sầu thoát xác” được đúc kết hàng trăm năm nay giờ vẫn ứng dụng tốt.
-          Khen các cụ thì khen cả ngày không hết. Lại có chuyện gì khiến bác phải lăn tăn à?
-          Chẳng là Bộ Giao thông vận tải vừa bổ nhiệm một ông phó tổng Công ty Bảo đảm Hàng hải miền Nam, khiến dư luận dậy sóng quá.
-          Thấy người tài thì phải ưu ái cất nhắc có gì lạ đâu mà thắc mắc?
-          Vấn đề là ông này vừa mới bị Bộ trưởng cũ bãi chức năm ngoái vì qui trình bổ nhiệm có vấn đề. Tổng công ty cũng đã có đủ 3 cấp phó theo qui định.
-          Thì năm nay có người đã nghỉ hưu, khuyết chân nên phải bổ sung, có gì lạ đâu?
-          Vẫn đầy đủ 3 ông, giờ thêm ông này nữa là 4 vị. Như vậy là thừa tiêu chuẩn.
-          Ông này chắc cỡ thiên tài nên người ta mới bất chấp mọi qui định bổ nhiệm để giữ chân không có nơi khác họ “vớt” mất.
-          Cũng đã thấy thể hiện được gì đâu. Tôi chỉ biết bố ông ta từng là Nguyên Tổng Giám đốc, còn chú ruột đang là đương kim Tổng Giám đốc của Tổng Công ty này.
-          Á à, có mùi rồi đây. Hóa ra một năm qua, ông ta dùng chiêu nín thở chờ cơ hội. Thế các cơ quan có trách nhiệm đã có ý kiến gì về chuyện này chưa?
-          Thì chuyện cũng vừa xảy ra, đã có nơi nào kịp phản ứng gì đâu. Hi vọng là cơ quan có trách nhiệm làm rõ chuyện này để dư luận phấn khởi, bớt thì thào nhức đầu.
Cận

Trọng xe hơn dân



    
-          Trong khi ở nhiều nơi bà con phải đu dây qua sông giữa mùa bão lũ thì ở Cần Thơ người ta đã hủy hoại 7 cây cầu còn tốt bác ạ.
-          Thì muốn làm cầu to hơn, đẹp hơn thì phải đập cầu cũ đi. Chuyện bình thường mà.
-          Không phải. Mặt cầu vẫn được giữ nguyên. Họ chỉ vặn, bẻ lan can hai bên thôi.
-          Chắc họ làm thế để mấy tay ngáo đá tiện nhảy xuống sông, đỡ phải vất vả leo qua thành cầu?
-          Theo bà con ở đây cho biết, một số kẻ đã lén lút phá lan can để ô tô của các quan xã đi qua không bị vướng, tránh xước sơn.
-          Thật sao. Cầu mà không có lan can nhỡ trẻ em, người già, trâu bò rơi xuống sông thì chết dở.
-          Ai người ta quan tâm đến sinh mạng của dân. Chiếc xe trị giá cả tỷ bạc mà bị xước xát, móp méo thì khác gì cái xe công nông. Ngồi trên chiếc xe như thế mất thể diện lắm.
-          Vấn đề là những chiếc cầu này được xây dựng nhờ tiền nhà nước, là mồ hôi nước mắt của nhân dân, đâu phải ai muốn phá cũng được.
-          Khối kẻ phá hoại hàng nghìn tỷ đồng người ta còn không “xin phép” dân, mấy cái cầu ranh thì nghĩa lí gì. Họ phá cầu để giữ xe cũng là hành vi giữ gìn của công mà.
-          Bác nói thế mà nghe được à. Cái xe, dù của nhà nước đầu tư, nó cũng chỉ phục vụ một vài vị “quan”. Còn cây cầu nó có ý nghĩa dân sinh, cộng đồng rất lớn. Phá một cây cầu là phá đi phương tiện, sự phát triển của cả xã hội, bác hiểu chưa
-          Nói như bác thì đây là hành vi phá hoại của công à. Nếu vậy thì cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ, bắt mấy “quan” xã bỏ tiền túi ra sửa cầu cho dân. Có thế chúng mới sợ.
Cận

Tống cổ bọn cơ hội



         
-          Vào dịp sinh nhật, bác thích được tặng gì?
-          Già rồi có nhu cầu gì nhiều đâu. Tôi khoái nhất là nhận được cái bánh ga tô. Cả năm mới được ăn một lần nên tôi chẳng muốn nhiều người đến dự. Một mình xơi cả cái bánh, chẳng có niềm vui nào bằng.
-          Trời ạ, sao mà tham lam thế, chỉ biết hưởng thụ một mình. Tại Sở NN&PTNT Thanh Hóa, người ta chia miếng “bánh” cho 8 vị phó giám đốc, có giai đoạn họ chia cho tận 11 người. Sống ở trên đời là phải biết san sẻ như thế chứ.
-          Tôi tưởng Nhà nước đã có chủ trương mỗi sở chỉ được không quá 3 phó Giám đốc?
-          Chủ trương là một chuyện, còn người ta có thực hiện hay không lại là chuyện khác. Họ bảo, sở này cần nhiều phó giám đốc vì quá nhiều việc. Nhiều cấp phó như thế để lỡ có tách tỉnh không phải tuyển thêm người nữa.
-          Ngụy biện cả thôi. Thế các nơi khác ít người thì công việc không chạy hay sao. Không hiểu làm thế nào mà họ thu nạp được lắm “nhân tài” thế nhỉ?
-          Người giỏi ai người ta chui vào lớp “mầm non” như thế. Người do trên “ấn” xuống, kẻ thì có họ hàng với ông nọ bà kia. Cũng không loại trừ khả năng chạy chọt, mua bán chức tước. Ở một nơi mà lãnh đạo nhiều hơn nhân viên như thế nên địa phương rất khó phát triển.
-          Thế chúng ta phải bó tay trước chuyện đã rồi hay sao?
-          Làm gì có chuyện đó. Cơ quan chức năng đang vào. Đợt này chúng ta sẽ cương quyết tống cổ loại cán bộ cơ hội, chui vào cơ quan nhà nước để kiếm chác này. Bác cứ chờ xem, sẽ thấy.
Cận