Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Không bằng con chuồn chuồn



Từ nhỏ, mình đã tôn thờ loài chuồn chuồn. Hồi sơ tán, bọn trẻ nông thôn bảo cho chuồn chuồn cắn rốn sẽ biết bơi, ai cũng tưởng thật. Mình bắt chuồn chuồn cắn nát cả rốn mà đến giờ chẳng bơi  nổi 2 mét. Xuống nước là đầu cứ chúi xuống, oằn èo như con nòng nọc. Người cắn còn chẳng ăn ai nữa là chuồn chuồn. Nhưng nhờ đó mà mình có được bài học: chớ nhẹ dạ, cả tin.
Sau này, mỗi lần nhìn thấy một chú chuồn chuồn đậu trên que tre bé tí tẹo, mình khâm phục lắm. Ăn, ngủ, nghỉ, làm việc, sinh con đẻ cái đều trên cái que đó. Chuồn chuồn vốn nổi tiếng ân ái dữ dội, vậy mà mình thấy chúng rất thỏa mãn trên cái que, chẳng thấy ngã xuống nước bao giờ. Mỗi lần thấy con chuồn chuồn ớt vuốt râu sưởi nắng, mình lại hình dung đến người Hà Nội xưa. Ba, bốn thế hệ chui rúc trong hơn chục mét vuông, mà mặt mũi ai cũng luôn rạng ngời hạnh phúc. Biết bao con người đã trường thành từ đây. Lễ giáo, gia phong, nhân cách cũng từ đây mà ra. Ở những nơi chật chội đó không có chuyện loạn luân, cha ra cha, con ra con, chồng ra chồng vợ ra vợ, ông bà, cháu chắt quấn quít không rời. Mỗi khi có khách trong quê ra, người chủ gia đình luôn mời nghỉ lại với câu cửa miệng chân thành: nhà rộng rãi mà.
Hoá ra họ cũng giống con chuồn chuồn, luôn hạnh phúc bởi biết thế nào là đủ.
Rồi mọi thứ thay đổi, người ở đâu tràn về đông quá. Họ lừa lọc, chèn ép, triệt hạ nhau chỉ để có nhà cao cửa rộng. Có những vị quan chức có dăm cái biệt thự, vài cái trang trại rồi mà mồm vẫn leo lẻo nhà chật chội quá. Thế là họ lại lao vào chiếm đoạt tiền của bạn bè, của nước, của dân, để rồi một ngày phải vào tù. Nằm trên sàn phòng giam láng xi măng, chưa được 2 mét vuông, họ thấy lạnh lẽo. Lúc đó họ chỉ ước có bà vợ già nằm cạnh sưởi ấm. Họ quờ quạng mãi không thấy nên mới than: sao cái giường này rộng thế. Thì ra, họ không bằng con chuồn chuồn.

Cận

Tốt nhất là cấm tiệt


-       Danh nhân nước mình nhiều bậc nhất thế giới bác nhỉ?
-       Thì bác tính, một dân tộc suốt mấy nghìn năm phải đương đầu với kẻ thù xâm lược, luôn phải xây dựng lại đất nước trên đống đổ nát nên đương nhiên phải sản sinh ra nhiều anh hùng.
-       Sao lắm người tài mà vẫn nghèo thế?
-       Thì nhìn ra thế giới bác sẽ thấy, nhiều tay tỷ phú mà có học hành gì đâu, trong khi khối giáo sư phải chạy ăn từng bữa đấy thôi. Giàu nghèo, sang hèn là có số, đâu phải do bằng cấp. Trân trọng lịch sử ắt tới hồi thái lai.
-       Thì chúng ta luôn tưởng nhớ tới các vị anh hùng dân tộc bằng cách đặt tên đường phố đấy thôi.
-       Việc đặt tên danh nhân cho trường học, đường phố là cần thiết, để con cháu muôn đời ghi nhớ và biết ơn ông cha, nhưng đối với doanh nghiệp thì không nên làm thế.
-       Sao vậy, doanh nghiệp mà mang tên Hai bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… cũng tốt chứ sao. Đặt bằng những cái tên này,  doanh nghiệp sẽ lấy làm tự hào mà không buôn gian bán lận, không làm ăn gian dối, lừa lọc khách hàng.
-       Đành rằng là như vậy, doanh nghiệp sản xuất nước hoa, sản xuất ôtô, máy tính thì không nói làm gì, còn đối với cơ sở sản xuất phân bón, thuốc diệt chuột thì lại là báng bổ lịch sử.
-       Ừ nhỉ, thì bắt các doanh nghiệp này phải đặt theo tên kẻ thù xâm lược như Ô Mã Nhi, Thoát Hoan…
-       Đặt thế, khách hàng sẽ tẩy chay hàng hoá ngay. Tốt nhất là cấm tiệt.

Cận

Chớ phụ thuộc vào máy móc


       -     Bác có biết tại sao người Việt mình hay cau có, tính khí nóng nảy không?
-       Thì bia rượu nhiều, khí hậu khắc nghiệt, tiền lại không có nên dễ sinh bẳn tính, chỉ cần va chạm giao thông, nhìn đểu là xông vào quại nhau chí chạp.
-       Không phải, do không biết thư giãn nên dẫn đến thứ tính khí đó thôi.
-       Chiều nào, sau giờ tan tầm, các quán bia chẳng đông nghịt người. Khi màn đêm buông xuống, thanh niên lại dập dìu tới quán karaoke luyện tay, đấy không phải thư giãn thì là cái gì?
-       Đấy không phải giải trí lành mạnh, họ đang tự huỷ hoại mình thì có. Một điều tra gần đây cho thấy, khi chờ tàu, chờ máy bay, người phương tây thường trò chuyện hoặc đọc sách, còn người phương đông, điển hình là người Việt mình thì chúi mũi vào smartphone, máy tính bảng.
-       Thì bác tính, đồ ăn thức uống ở sân bay đắt đỏ thế, họ phải chơi điện tử, lướt web để quên đi cái đói chứ.
-       Người phương tây luôn tìm cách trò chuyện với nhau để tìm sự sẻ chia, cảm thông, yêu thương, gắn bó. Còn người phương đông lại sống thu mình, cô độc, tin máy móc hơn tin con người nên dần mất đi tính nhân văn vốn có của bản thân.
-       Có lẽ thế thật. Khi bực lên, người Việt mình thường lớn tiếng quát tháo, thậm chí xông vào nhau ẩu đả, trong khi đó, nếu cái điện thoại không làm họ hài lòng, chẳng thấy ai ném đi bao giờ. Vậy phải làm thế nào?
-       Nên hạn chế sự phụ thuộc vào máy móc. Hãy hoà vào cộng đồng và thiên nhiên. Ở đó có nhiều điều để con người ta sống vì nhau lắm.

Cận

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Công dụng của văn chương

             
-       Xã hội đang xôn xao chuyện ngành giáo dục và ngành y tế đề xuất đưa môn văn vào đào tạo bác sỹ đấy.
-       Cái các bác sỹ tương lai cần là được học các kỹ năng cưa, rạch, khoét, khâu, nhổ, nạo, học làm thơ với viết tiểu thuyết để làm gì?
-       Thì những người có trách nhiệm lí giải, y đức giờ xuống cấp quá, đưa môn văn vào nhà trường là để khơi gợi tình đồng loại của các y bác sỹ, để họ sống nhân văn hơn ấy mà.
-       Tôi hiểu rồi, làm thế để bác sỹ nhận phong bì cũng phải có văn hoá hơn chứ gì. Kể cũng hay, trước khi bác sỹ cất phong bì vào túi, họ sẽ đọc một câu thơ cảm ơn, khiến cho bệnh nhân, dẫu có mất tiền, vẫn thấy xúc động, lại móc túi cho thêm.
-       Không phải, ý của những người đưa ra ý tưởng này là, nếu bác sỹ đã được thấm nhuần văn chương, họ sẽ thấy hành vi lấy tiền của bệnh nhân là đáng xấu hổ. Thậm chí nhờ sự khơi gợi của văn chương, các bác sỹ sẽ móc tiền của mình ra cho bệnh nhân.
-       Giờ tôi mới nghe văn chương có tác dụng cao siêu như vậy đấy. Các y bác sỹ thời chiến tranh hay các bác sỹ trên thế giới làm gì có ai được học văn mà họ có nhận phong bì bao giờ đâu?
-       Bác so sánh khập khiễng quá, bác sỹ bây giờ có nhiều thứ phải tiêu đến tiền lắm, lương thấp, đủ làm sao được. Nếu được học văn, họ sẽ không nhận tiền rách, tiền lẻ vì nó không nhã, chỉ nhận tiền chẵn, mới tinh, thơm phức, đẹp như những bài thơ thôi, bác hiểu chưa.

Cận

Ước ao mỏng manh

               

-       Theo bác, cái gì đáng quí nhất trên đời?
-       Các cụ nhà ta chẳng có câu “nhất thổ, nhì kim” là gì. Cái quí giá nhất là đất xây biệt thự, sau đó đến vàng SJC.
-       Đấy là quan niệm của kẻ thực dụng. Đối với một cậu bé tàn tật ở Nghệ An, thì cái quí giá hơn cả chính là những cuốn sách giáo khoa.
-       Chắc nhà cậu này nhiều đất nhiều vàng quá rồi nên quay ra quí sách?
-       Nhà ở vùng núi cao, nghèo đến củ sắn không có mà ăn, nhưng cậu ấy rất hiếu học.
-       Càng nghèo, càng phải chăm học, mới có cơ hội đổi đời chứ.
-       Cậu ấy liệt cả hai chân, hàng ngày phải bò qua rừng, qua núi hàng tiếng đồng hồ để đến lớp. Nhiều hôm, máu tung toé cả khuỷu tay, vắt chui cả vào miệng, vào tai.
-       Khổ thân, tàn tật thế thì ở nhà chơi, học hành làm gì cho khổ?
-       Nhiều người cũng khuyên thế nhưng cậu ấy không nghe, còn bảo, muốn học thật nhiều để giúp đỡ cho xã hội, để bố mẹ hết nghèo, để đất nước được giàu mạnh.
-       Thật sao. Chẳng bù cho nhiều vị lành lặn, làm đến giáo sư tiến sỹ mà chỉ nghĩ đến vinh thân phì gia, tranh quyền đoạt lợi, làm cho đất nước điêu đứng. Tôi chỉ mong được một lần cõng cậu ấy đến trường.
-       Gần đây, vì trường Trung học phổ thông cách nhà tới 17 km nên cậu ấy phải nghỉ học rồi. Hàng ngày cậu ấy bò tới từng nhà quanh vùng xin sách về tự học. Nhà dột, cậu ấy dành chỗ khô ráo nhất để sách. Cậu ấy ước ao một ngày nào đó lại tiếp tục được lê lết đến trường, thương quá.
Cận