Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Xin hãy nhường nhịn nhau



                
-          Cứ với tình hình này, người dân sẽ buộc phải trở thành Cảnh sát Giao thông bác ạ.
-          Mỗi người một việc chứ. Bác lại bức xúc vì chuyện giao thông ách tắc phải không. Hôm qua, chỉ từ cơ quan về nhà có vài cây số mà tôi  phải đi đến mấy tiếng đồng hồ đấy.
-          Không, tôi muốn noi gương chị bán hoa quả ở đầu cầu Cống Mọc, Thanh Xuân, Hà Nội. Ngày nào cũng vậy, mỗi khi thấy ùn tắc là chị bỏ bán hàng chạy ra giữa đường hướng dẫn mọi người đi đúng lề lối.
-          Thế Cảnh sát Giao thông đâu mà để chị ấy phải làm như vậy?
-          Họ chỉ làm vào giờ cao điểm thôi. Mỗi khi vắng bóng cảnh sát chị ấy mới ra làm thay, trời mưa cũng như trời nắng đã mấy năm nay rồi.
-          Chắc nhà nước trả lương thì chị ấy mới sốt sắng thế. Loạng quạng giữa đường đông đúc, xe cộ đâm phải thì oan gia?
-          Làm gì được nhận đồng nào. Chẳng qua chị ấy thấy mọi người chen lấn nhau rất vất vả nên mới tự nguyện làm thế thôi.
-          Ngồi bán hàng cả ngày chồn chân mỏi gối nên chị ấy xông pha như thế để thư giãn, cũng là một hình thức rèn luyện sức khỏe.
-          Làm gì có ai thần kinh mà tả xung hữu đột giữa đám xe buýt với xe ben “hổ vồ”. Chị ấy không ngại nguy hiểm mong giúp mọi người đi lại được mau lẹ, an toàn thôi.
-          Nếu thế thì thật đáng quí. Nếu ai đi đường cũng ý thức một tí, nhường nhịn nhau một tí thì người phụ nữ này đâu phải vất vả, nguy hiểm đến thế, bác nhỉ.
Cận

Vừa đá bóng vừa thổi còi



          
-          Bác có biết vì sao mà năm nào, tháng nào, ngày nào người dân cũng kêu ca về giá điện, chất lượng điện không?
-          Báo chí nói mãi rồi. Đó là do độc quyền, tính cả tiền hiếu hỉ, khen thưởng con em trong ngành vào giá thành nên giá cả mới tăng liên tục, chưa bao giờ giảm, dù chỉ một cắc.
-          Tôi mới phát hiện thêm một nguyên nhân nữa khiến cột điện cứ đổ liên tục, làm giảm chất lượng điện.
-          Thì đất nước mình nhiều mưa bão, cột điện đổ cũng là chuyện bình thường.
-          Mấy bữa trước, có cột điện bị đổ trong khi cả bụi chuối ngay cạnh không rách một chiếc lá nên không đổ tại cho thời tiết được. Những ngày gần đây dư luận đang ồn lên chuyện, ở xã Đại An, huyện Vụ Bản, Nam Định một công nhân đã công bố clip, hình ảnh về việc đổ móng trụ điện 200kv toàn đất với sỏi, chỉ trộn tí xi măng gọi là có.
-          Sao lại làm ăn liều thế. Vậy ai chịu trách nhiệm trong việc này?
-          Hiện nay, chủ đầu tư thì đổ cho nhà thầu. Nhà thầu lại đổ cho đơn vị thi công… Nói chung là cứ tít mù cả lên, chẳng biết đâu mà lần.
-          Chỉ cần lấy mẫu về kiểm nghiệm là lòi ra chất lượng có bị gian dối hay không?
-          Đúng thế, nhưng nhà thầu lại cử đoàn thanh tra của chính mình đi lấy mẫu ở phần bê tông trồi trên mặt đất, dưới móng thì không đả động đến.
-          Ô, mình khám tay mình thì làm sao tìm ra vết bẩn. Theo tôi, gặp trường hợp này, cơ quan chức năng cần lập đoàn thanh tra độc lập, lấy mẫu tất cả các trụ trên toàn tuyến. Chuột sẽ lòi mặt ra ngay thôi.
Cận

Việc nhỏ ý nghĩa lớn



                    
-          Theo bác thì người thế nào mới được gọi là hào hiệp?
-          Là người sẵn sàng nhịn đói để dành tiền cưu mang kẻ khác, sẵn sàng lao vào đám cướp để ra tay cứu người đẹp…
-          Cũng không nhất thiết phải to tát thế. Ở thành phố HCM có một chuỗi 10 cửa hàng bán mũ bảo hiểm của một cô gái treo biển sửa mũ miễn phí cho người chạy xe ôm. Trường hợp này hoàn toàn có thể được gắn chữ hào hiệp chứ,
-          Đúng thế. Sao cô ấy chỉ sửa miễn phí cho người làm nghề xe ôm mà không phải cho tất cả mọi người?
-          Bác còn lạ gì dân mình, hễ cứ nghe thấy chữ miễn phí là đổ xô tới, sức cô gái sao làm xuể. Cô ấy bảo chỉ sửa miễn phí cho người làm xe ôm vì đây là những người suốt ngày đêm phải chạy xe trên đường. Họ cần sự an toàn hơn cả.
-          Cũng có lí. Tôi e rằng cô gái này làm thế để thu hút sự chú ý của khách hàng, để bán được nhiều hàng hơn thôi.
-          Bác không nên nghĩ vậy. Không chỉ sửa chữa, nếu thấy mũ của ai quá rách nát, cô ấy còn đổi mũ mới miễn phí.
-          Làm thế thì lấy đâu ra lãi. Tôi e rằng phía sau hành động này có động cơ gì đây.
-          Chỉ có những người đầu óc tăm tối như bác mới nghĩ vậy. Cô ấy bảo: cuộc đời đẹp là phải biết sẻ chia, biết lấy sự an toàn của người khác làm hạnh phúc cho mình.
-          Thật đúng là tình cảm của một nàng tiên, đáng bái phục. Những kẻ chuyên làm mũ bảo hiểm dởm nếu biết chuyện này chắc lấy làm xấu hổ lắm bác nhỉ.
Cận

Trộm thích ăn hoa quả



           
-          Giờ tôi mới biết kẻ trộm cũng thích ăn hoa quả bác ạ.
-          Hoa quả thì ai chẳng thích. Đến con cún ở nhà tôi còn ăn dưa hấu nhoay nhoáy nữa là. Vườn nhà bác bị ai vào hái trộm quả à?
-          Vừa rồi có một Việt kiều từ Mỹ về Việt Nam có mang theo cherry làm quà cho họ hàng. Khi xuống sân bay Nội Bài, nhận lại thùng hàng phát hiện bị mất một phần ba.
-          Ổi, vải thiều, nhãn còn bị trộm nữa là Cherry. Ngon và đắt thế bị rút ruột là đúng rồi. Từ Mỹ quá cảnh Nhật Bản rồi mới về đến Việt Nam, liệu mất ở đâu nhỉ. Người Việt mình có mấy người biết cherry là quả gì, ai người ta lấy?
-          Thôi đi bác. Ở nước ngoài tuy cũng có trường hợp mất đồ khi đi máy bay nhưng rất hiếm, thường chỉ mất đồ quí giá. Chưa có ghi nhận nào mất cắp hoa quả cả.
-          Hàng hóa đầy ra đấy, sao trộm lại nhằm vào cherry nhỉ?
-          Hơn chục cân cherry Mỹ bị mất theo giá thị trường cũng khoảng 5 triệu đồng, không nhỏ đâu. Nghe nói ăn loại quả này rất mát, bổ dưỡng, mịn da. Kẻ trộm cũng có nhu cầu làm đẹp chứ bác.
-          Thôi thì nạn nhân cũng nên lấy làm mừng vì chuyện này. Người nhà ăn nhiều cherry quá nhỡ mắc nghiện thì chết dở. Lên cơn “vật” thì lấy tiền đâu mà mua.
-          Lâu nay, dư luận kêu nhiều về chuyện mất đồ khi đi máy bay. Chẳng hiểu cơ quan chức năng đã làm gì mà chưa xóa bỏ được tệ nạn này. Nếu không giải quyết dứt điểm du khách nào còn muốn đến Việt Nam nữa. Cám cảnh.
Cận

Tốt đột xuất



          
-          Nhiều cán bộ của mình có tấm lòng thật “đáng quí”, khiến tôi hâm mộ quá.
-          Thì họ được đào tạo để yêu nước, thương dân nên có những việc làm tốt cũng là lẽ đương nhiên. Lại có ông nào “hiến” xe Lexus cho Nhà nước hả bác?
-          Lần này còn hoành tráng hơn nhiều. Nguyên Bí thư và Chủ tịch huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu bỏ tiền riêng là 16 tỷ đồng cho UBND huyện này vay để thực hiện Chương trình Nông thôn mới.
-          Thật tuyệt vời. Bà con nơi đây chắc biết ơn lắm. Nhưng tôi tưởng Nhà nước đã tài trợ cho chương trình này rồi chứ?
-          Do làm quá hoành tráng nên huyện mắc nợ 400 trăm tỷ đồng. Để có tiền trả nợ, trả lương cán bộ, giáo viên, huyện phải vay nợ từ nhiều nguồn, chủ yếu từ các cá nhân.
-          Trong lúc ngân sách gặp khó khăn, có những lãnh đạo bỏ tài sản riêng ra hỗ trợ Nhà nước như vậy là hiếm lắm. Thế số tiền cho vay đó có tính lãi không?
-          Có chứ, nhưng chỉ bằng lãi suất ngân hàng thôi.
-          Có vấn đề rồi đây. Mà hai ông này làm gì mà có số tiền lớn như thế để cho vay nhỉ. Với đồng lương của một “công bộc” cấp huyện thì họ phải nhịn ăn, nhịn tiêu tuyệt đối trong khoảng 100 năm mới có được khoản tiền đó?
-          Bác đi mà hỏi họ, tôi làm sao mà biết được. Có lẽ họ được nhận thừa kế từ ông tổ 7 đời trước.
-          Dù có như thế thì cũng phải kê khai tài sản. Với những trường hợp “tốt đột xuất” thế này, cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ sự “trong sáng” của cán bộ, tránh để họ mang tiếng.
Cận