Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Chẳng biết đâu mà lần


-       Bác thấy đàn ông Việt thế nào?
-       Kém về mọi mặt, xấu cả người lẫn nết, không thể chấp nhận được.
-       Bác thiếu lòng tự tôn dân tộc quá, giá trị người đàn ông Việt Nam đang tăng như vũ bão trên thế giới kia kìa.
-       Có cho không tôi cũng chẳng thèm. Họ mua về người mình về làm gì, để giữ nhà à?
-       Bậy nào, phụ nữ phương tây đang rộ lên mốt lấy chồng Việt Nam đấy.
-       Tôi chẳng tin. Loại đàn ông lười biếng, ăn tục nói phét, tinh tướng, nhậu nhẹt tối ngày, họ rước về nuôi báo cô sao?
-       Thế bác không biết gần đây một phụ nữ Nga đã phải chi cho một trưởng phòng đăng kí dân sự nước này 55.000 rúp tương đương 37 triệu đồng chỉ mong nhận được xác nhận chưa có gia đình để thoải mái cưới chồng Việt à?
-       Chắc cô này thuộc hạng xấu ma chê quỉ hờn không ai lấy hoặc thừa tiền chẳng biết làm gì, mua một gã người Việt về ngồi ôm cuộn len mỗi khi cô ấy đan áo cho đỡ buồn.
-       Tại sao cô ấy lại làm thế, tôi không quan tâm, chỉ biết là lâu nay, đến đàn ông Âu-Mỹ đẹp lồng lộng như thế mà vẫn phải bỏ tiền ra mới có vợ, vậy mà giờ đây những kẻ chân vòng kiềng như tôi với bác chỉ cần nháy mắt, gật đầu là có hằng hà sa số cô gái châu Âu trẻ trung, xinh đẹp bỏ tiền triệu ra rước về làm chồng, tự hào lắm chứ.

-       Thật đúng là thời thế đổi thay chẳng biết thế nào mà lần. Có lẽ đợt này tôi phải đi học ngoại ngữ để nhỡ có cô gái mắt xanh tóc vàng nào ngỏ ý cầu hôn còn biết đường mà trả lời, bác nhỉ.
     Cận

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Tăng giá cật lực là xong


-       Bác có sợ bị cách chức không?
-       Đương nhiên, dù chỉ giữ cái chân tổ trưởng bảo vệ thôi, nhưng mỗi khi bị giám đốc gườm gườm là lưng áo tôi lại đầm đìa mồ hôi, mặt cứ tái dại bác ạ.
-       Cái chức đó đâu có bổng lộc gì mà bác ham thế?
-       Làm gì cũng kiếm chác được, vấn đề là ít hay nhiều thôi. Tôi vẫn thường xuyên nhận được hối lộ đấy. Ai có việc muốn đổi làm từ ca đêm sang ca ngày cũng phải mời tôi đi ăn bát phở hay đưa tôi bao thuốc lá chứ.
-       Vậy để giữ cái chức đó, bác phải làm những gì?
-       Nghèo hèn như tôi thì khỏi phong bì. Chỉ cần sáng ra, khi sếp vừa bước xuống ôtô, dù nắng hay mưa tôi cũng cầm cái ô chạy ra che cho sếp tới tận cửa phòng. Chỉ cần sếp có thiện cảm thôi là yên tâm, không mấy khi bị đuổi việc đâu.
-       Đơn giản thế thôi à?
-       Cũng không dễ đâu, cầm ô tôi phải học mãi mới được đấy, che cao quá thì mưa hắt vào mặt, che thấp quá, chẳng may cái gọng ô chọc vào mắt sếp thì toi.
-       Bác mà còn thế, không hiểu những vị tai to mặt lớn, lắm bổng, nhiều lộc thì còn sợ mất chức đến đâu?
-       Thì họ cũng phải có chiêu để giữ ghế chứ. Gần đây, Bộ Công thương có soạn một dự thảo trong đó qui định, nếu ngành điện để thua lỗ 2 năm liên tiếp thì Tổng Giám đốc sẽ bị cách chức. Để khỏi bị về vườn, cần gì phải nghĩ cách thay đổi phương thức kinh doanh cho mệt óc, chỉ cần tăng giá điện cật lực là xong.
-       Có nghĩa là, để giữ chức cho một ông, toàn xã hội và cả nền kinh tế sẽ phải lao đao vì giá điện ngất ngưởng sao. Văn bản này khác gì bật đèn xanh cho tăng giá điện bừa phứa chứ?

-       Đấy là bác nói chứ không phải tôi đâu nhé.
      Cận

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Chẳng ai dại dột chỉ đạo báo chí "ém" tiêu cực!

Thứ tư 22/05/2013 07:30
"Tôi tin là công văn này không yêu cầu các địa phương chỉ đạo truyền thông “giấu nhẹm” thông tin tiêu cực, chẳng ai lại dại dột đến mức đấy cả"- Đó là ý kiến của Nhà báo, TS Hoàng Văn Quang (nguyên giảng viên Học viện Báo chí Tuyên truyền) khi trả lời phỏng vấn của Infonet.
Liên quan công văn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký Công văn số 2998/BGDĐT-KTKĐCLGD có nội dung yêu cầu “chỉ đạo báo chí”. Điều này khiến dư luận bất bình. Tuy nhiên, nhằm cung cấp một cái nhìn khác, Báo điện tử Infonet đăng tải cuộc trao đổi với Nhà báo. TS Hoàng Văn Quang..
Nhà báo. TS Hoàng Văn Quang
Thưa Tiến sĩ, vừa qua,
 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ký văn bản số 2998 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nội dung "chỉ đạo các cơ quan truyền thông" trong việc đưa thông tin tiêu cực trong thi cử. Ông có đánh giá gì về nội dung này?
 
Thực ra đây là một công văn yêu cầu chính quyền các địa phương tập trung mọi nguồn lực tổ chức tốt các kì thi năm 2013, trong đó chỉ có một mục (mục 7) là có liên quan tới  truyền thông. Đây là một việc làm cần thiết trước mỗi kì cuộc lớn có tầm ảnh hưởng xã hội rộng rãi. Thực ra, mục tiêu của công văn này hoàn toàn có ý tốt. Tác giả công văn dường như mong muốn những thông tin nhạy cảm như lộ đề, đề có sai sót, tiêu cực trong thi cử không nên phản ánh ngay khi kì thi vẫn đang diễn ra, dẫn tới những hoang mang không cần thiết, ảnh hưởng tới tâm lí cũng như chất lượng bài làm của thí sinh. Tôi tin là công văn này không yêu cầu các địa phương chỉ đạo truyền thông “giấu nhẹm” thông tin tiêu cực, chẳng ai lại dại dột đến mức đấy cả.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia truyền thông, thì từ "cơ quan truyền thông" của văn bản này có bao gồm báo chí không?
Đương nhiên rồi. Truyền thông là một lĩnh vực cực rộng bao gồm nhiều lĩnh vực như: sản xuất và phổ biến sách vở, tờ rơi, quảng cáo, tổ chức sự kiện, giải quyết khủng hoảng… trong đó vai trò của báo chí có vai trò chủ chốt. Chính vì lẽ đó mà nhiều người đánh đồng truyền thông (media) với báo chí (press) làm một, dễ dẫn tới những nhầm lẫn không đáng có.
Theo nghĩa đó thì UBND tỉnh có được chỉ đạo báo chí trong trường hợp này không?
Theo Luật Báo chí, báo chí có những quyền và trách nhiệm xã hội rất lớn, các tổ chức hay cá nhân không được phép can thiệp hay làm sai lệch nội dung thông tin. Tuy nhiên, trong thực tế, để giữ bình ổn xã hội, bảo vệ sự sống còn cũng như lợi ích của đất nước, của dân tộc, người ta vẫn có thể ra lệnh cho báo chí được đăng cái gì, đăng tới đâu, thậm chí tuyệt đối không được đả động tới.

Chẳng hạn như ở Mỹ, nơi tự do báo chí được ca ngợi gần như là tuyệt đối, nhưng trong vụ 9-11-2001, chính quyền Mỹ thúc giục báo chí ra rả hàng năm trời lên án chủ nghĩa khủng bố quốc tế, nhưng lại cấm tuyệt đối không được đăng tải hình ảnh xác chết trong vụ sụp đổ tòa tháp đôi. Họ không muốn những hình ảnh đó làm suy sụp tinh thần người dân.

Ở Việt Nam cũng thế thôi. Các bê bối liên quan tới ngân hàng, báo chí đề cập rất hạn chế. Việc không cho báo chí thông tin những cá nhân hay tập thể dính dáng đến tiêu cực không phải nhằm bao che, giấu giếm cho sai phạm, mà đơn giản là, các cấp chính quyền không muốn gây rúng động dư luận xã hội, sẽ khiến cho người dân ào ào đi rút tiền, dẫn tới đổ vỡ hàng loạt ngân hàng, làm sụp đổ cả nền kinh tế. Báo chí tuy không đưa tin, nhưng cơ quan công an vẫn âm thầm tích cực điều tra tội phạm, đưa các đối tượng ra ánh sáng công lý.
Vậy chính quyền địa phương được chỉ đạo cơ quan báo chí đến đâu?
Như trên đã nói, dù là báo tỉnh, báo ngành, hội, đoàn thể hay báo trung ương cũng đều được cấp phép và quản lí bởi những cơ quan chuyên trách cấp cao (Cục Báo chí, Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử- Bộ TTTT và Vụ Báo chí- Ban TGTƯ) nên về danh nghĩa họ chỉ chịu trách nhiệm trước các cơ quan này. Tuy nhiên, phần lớn báo chí của chúng ta phụ thuộc vào cơ quan chủ quản về mặt tài chính, nhân sự nên nội dung đôi khi thể hiện theo yêu cầu của địa phương, của thủ trưởng (hay cơ quan cấp trên). Đây chính là lí do khiến tính khách quan của báo chí ít nhiều bị ảnh hưởng.
Công văn số 2998 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa ký có tác dụng đối với báo chí Trung ương không?
Cái này phụ thuộc vào lối hành văn của văn bản và sự am hiểu của bộ phận chuyên môn, vào trợ lí tư pháp, thư kí riêng của Bộ trưởng. Nếu những yêu cầu của văn bản là cần thiết, hợp lí, hoàn toàn vì sự phát triển, tiến bộ chung, thì báo chí thuộc cấp nào cũng ủng hộ, còn nếu ngược lại, báo chí sẽ có cách riêng để phê phán mọi sự áp đặt vi phạm pháp luật báo chí. 
Mục 7 Công văn 2998 của Bộ
Văn bản này có làm mất tính độc lập của các cơ quan báo chí với đối tượng được phản ánh không, thưa ông?
Trong thời buổi hiện nay, tính độc lập của báo chí đã được thừa nhận. Trình độ nghiệp vụ cũng như nhận thức chính trị xã hội của người quản lí mỗi cơ quan báo chí cũng như của anh em phóng viên ngày càng được nâng cao. Đạo đức nghề nghiệp sẽ không cho phép người làm báo thờ ơ trước mọi biểu hiện tiêu cực. Những hiện tượng xấu trong thi cử nếu diễn ra, sẽ không có ai hoặc cấp chính quyền nào cấm được báo chí phản ánh. Tôi tin, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào phóng viên của chúng ta luôn giữ trọn khí phách của một nhà báo cách mạng.
 Để văn bản này không bị báo giới hiểu lầm, ông sẽ tư vấn cho Bộ trưởng sửa như thế nào?
 Nếu là tôi, tôi sẽ không dùng khái niệm “chỉ đạo” mà thay vào đó khái niệm “định hướng”. Ngoài ra, trong nội dung điều 7 này cần nói rõ chỉ yêu cầu cơ quan báo chí đưa thông tin tiêu cực khi kì thi kết thúc để tránh gây bất ổn cho xã hội, cho thí sinh cũng như phụ huynh. Còn về mặt chính tắc, công văn này không cần có điều 7, thay vào đó là một công văn riêng nói rõ lí do gửi các cấp quản lí báo chí cao nhất, từ đây các cơ quan này sẽ xem xét nếu việc phản ánh tiêu cực trong thi cử có thể gấy bất ổn xã hội, họ sẽ có định hướng cho báo chí, như vậy sẽ chuyên nghiệp và hợp lí hơn.
 Xin cảm ơn ông!

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Khổ vì cái danh hão

           
-       Mấy bữa nay trời nóng hơn 40 độ C bác thấy trong người thế nào?
-       Tôi đang muốn phát rồ phát dại lên đây. Ông trời thật ác quá, dân mình vốn đã nghèo, đã khổ, còn đang tâm trút “lửa” lên đầu họ, khiến bao người điêu đứng.
-       Bác ở biệt thự, nhà lắp điều hòa nhiệt độ, nước máy chảy tràn trề, tiền tiêu không phải nghĩ mà còn than thở, không hiểu bà con ở phố cổ, làng cổ còn khổ đến đâu.
-       Tôi tưởng ở nhà cả tỷ đồng mỗi mét vuông thì mát lắm chứ?
-       Bác tưởng thế thôi chứ họ bức bối lắm. Ai đời ba thế hệ hơn chục con người mà ở gói gọn trong 20 mét vuông, không biết họ xoay trở ra sao trong diện tích như vậy nhỉ?
-       Ôi dào, bác cứ lo không đâu. Công nhận là vào mùa hè thì khổ thật, nhưng trời rét lại sướng, khỏi cần sắm đồ ấm, mồ hôi mồ kê lúc nào cũng ròng ròng, ít bị cảm lạnh.
-       Không hiểu vợ chồng son sinh hoạt thế nào, con cái họ sinh ra trong môi trường đó sẽ ra sao nhỉ?
-       Thì được rèn luyện từ nhỏ trong lò bát quái như thế, bọn trẻ sẽ như Tôn Ngộ Không cả lượt, có ném vào lửa chúng vẫn cười nhe nhởn.
-       Nghe nói chỉ vì ăn ở khổ cực như thời đồ đá, có tiền cũng không được sửa chữa, cơi nới ngôi nhà của chính mình, nên một số người dân làng cổ Đường Lâm còn kéo nhau đi trả bằng chứng nhận di tích đấy.
-       Chẳng cứ dân làng cổ, phố cổ khốn khổ về cái danh hão, mà hàng nghìn người dân một thành phố phía Nam mấy bữa nay đang xếp hàng chờ trả lại sổ đỏ kia kìa
-       Sao lại thế, ai cũng ước ao có cuốn sổ “màu hoa phượng” trong tay, sao người dân trong đó dại thế nhỉ?

-       Có ai muốn vậy đâu, chỉ vì thu tiền thuế cao quá trong thời buổi kinh tế khó khăn thì họ lấy đâu ra nộp. Cứ tận thu thế này, người dân sẽ còn trả lại nhiều thứ nữa.
      Cận

Được đằng chân lân đằng đầu

          
-       Hồi nhỏ bác có hay bị ăn đòn không?
-       Đương nhiên rồi, nhiều là đằng khác. Nhờ đòn roi mà tôi được như ngày nay đấy.
-       Vậy khi đã trưởng thành bác có còn bị đánh không?
-       Có chứ, nhưng mà sướng, được vợ tát yêu suốt đêm, giờ vẫn thấy bồi hổi bồi hồi.
-       Ý tôi muốn hỏi là có bị nọc ra quất gậy vào mông không kia?
-       Làm gì có chuyện đó, bác mới bị ai “tẩn” à?
-       Chẳng là vừa rồi, tại một trung tâm Bảo trợ xã hội ở Khánh Hòa có bà lão đã 78 tuổi bị một cán bộ của trung tâm dùng gậy quật tím mông.
-       Tôi chẳng tin, tại một cơ sở chuyên làm từ thiện, ai người ta lại “ban phát” gậy gộc bừa bãi như vậy. Hay người ta đánh để chữa bệnh?
-       Bấm huyệt hay châm cứu không nói làm gì, ai chữa bệnh bằng roi
-       Bác chẳng hiểu gì cả. Ở tuổi đó, chắc xương cốt, tim mạch bà lão đã có vấn đề. Tay cán bộ đó vụt vào mông khiến bà này phải nhảy dựng lên, có thế khí huyết mới lưu thông, trí óc mới minh mẫn trở lại.
-       Không phải, bà lão bị đánh vì nghi là ăn trộm tiền của một “đồng nghiêp”, nhưng sau đó người ta lại tìm thấy rơi dưới gậm giường.
-       Kể cả bà lão có làm chuyện đó đi chăng nữa thì cũng không nên “tung chưởng” liên chi hồ điệp như thế. Thế tay cán bộ đó đã bồi thường, thuốc men gì cho bà lão chưa?
-       Chẳng bồi thường gì cả, ông ấy chỉ xin lỗi thôi.
-       Thế không được, tôi mà là bà lão, tôi sẽ đâm đơn kiện.

-       Đừng có mà được đằng chân lân đằng đầu nhé. Ông ấy xin lỗi là phúc tổ cho kẻ được xin lỗi rồi. Làm quá, ông ấy bực lên cho vài gậy nữa vào mông thì lại bảo tại số.
     Cận

Chỉ phi hành đoàn là sướng thôi


-       Bác có thường xuyên đi máy bay không?
-       Làm bảo vệ như tôi thì làm gì có diễm phúc đó. Hồi mới nghỉ hưu, phải xin phép mãi bà xã mới cho đi một chuyến vào miền Nam, sướng lắm.
-       Bay vèo vèo trên bầu trời chắc run lắm?
-       Tất nhiên rồi, hai cái xe máy va chạm vào nhau còn tan xương nát thịt nữa là cả khối sắt thép hàng chục tấn lao từ trên trời xuống, khác gì quật tấm bánh đúc vào cái cối đá.
-       Nguy hiểm thế chắc phi công phải cẩn thận lắm?
-       Trên nguyên tắc thì thế, nhưng thực tế, khối ông cầm lái trong tình trạng chếnh choáng hơi men, có ông lên máy bay là ngủ khì, ngáy rung cả buồng lái.
-       Khiếp, nghe bác nói mà rợn cả người, có lẽ từ nay tôi sẽ không đi máy bay nữa.
-       Hôm vừa rồi xảy ra chuyện cô Đại sứ du lịch của mình chui hẳn vào buồng lái “đú đởn” mới kinh, khoác vai, bá cổ với phi hành đoàn, kệ cho máy bay “tung tăng” trên bầu trời.
-       Thật sao, thế nhỡ trong lúc vui vẻ cái “bàn tọa” to như cái thúng của cô ấy mà “chịn” vào cần lái thì sẽ ra sao nhỉ?
-       Thì vọt thẳng lên sao Hỏa hoặc đâm xuống biển cho mát chứ sao nữa.
-       Vậy còn hàng trăm hành khách thì thế nào?
-       Họ sẽ được cùng cô Đại sứ thám thính đáy biển, được nô giỡn cùng các loài cá quí hiếm, được gặp vua Thủy tề, vui quên cả đường về.
-       Ý bác là sẽ “ngỏm” hết chứ gì?

-        Có thế mà cũng không hiểu à. Trong vụ này chỉ có mấy anh trong phi hành đoàn là sướng thôi, khi chết còn được ôm người đẹp bạc tỷ trong tay. Ước gì…
      Cận


Đừng quá khích thế

-       Tôi chỉ mong Hà Nội ngày nào cũng nắng nóng như mấy hôm nay thôi.
-       Thần kinh bác sao không đấy, đầu tôi như muốn nứt toác vì nắng đây này?
-       Kệ bác, trời càng nóng tôi càng thích.
-       Bà nào mới tặng bác viên Dạ Minh châu giắt trong người cho mát à?
-       Vua chúa còn chẳng kiếm được viên ngọc quí giá đó nữa là tôi. Tôi muốn trời nóng để tham gia giao thông cho an toàn.
-       Nắng nóng thì liên quan gì đến lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ chứ?
-       Sao lại không, này nhé, thời tiết thế này nhiều người sẽ ngại ra đường, đèn đỏ vừa bật lên là mọi người tấp ngay vào lề đường núp dưới bóng râm, không ai dừng xe nghênh ngang, vượt qua vạch sơn nữa.
-       Tôi hiểu rồi. Vậy ý bác muốn nói là khi thời tiết đẹp lên, trời mát mẻ sẽ lại mạnh ai nấy đi chứ gì?
-       Đúng thế, chúng ta phải cám ơn ông mặt trời, nhờ ông phun lửa xuống mà tình trạng què cụt nhập viện, người chết vì tai nạn giao thông giảm hẳn.
-       Nói như bác thì tình trạng hỗn loạn giao thông hiện nay không phải do ý thức của người dân kém, đường sá chật hẹp không đảm bảo, qui hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, mà tất cả liên quan đến thời tiết phải không?
-       Thì bác cứ ra đường sẽ thấy, mấy bữa nay vắng hoe vắng hoắt, ngoài phố chỉ có những hàng phượng vĩ đỏ rực trùm lên những con ngõ nhỏ, tiếng ve râm ran sao mà nên thơ đến thế…
-       Nếu thế thì tôi cũng mong trời nóng hơn nữa, 50-60 độ C càng tốt.
Ấy chết, đừng quá khích thế. Nóng quá, “ông” điện đòi tăng giá không được
Cận

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Giá của hạnh phúc

                
-       Bác hiểu thế nào là hạnh phúc?
-       Ối giời, đây là chuyện lớn, nhân loại đã phải loay hoay hàng nghìn năm nay mà có định nghĩa nổi hạnh phúc là gì đâu. Hồi xuân hay sao mà lại hỏi vậy.
-       Chẳng là, hôm vừa rồi tôi vớ được một tờ báo nước ngoài có đăng báo cáo của một tổ chức kinh tế quốc tế đánh giá Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số hạnh phúc đấy, vui quá bác nhỉ.
-       Căn cứ vào đâu mà họ nói vậy?
-       Thì dựa vào mức độ hài lòng với công việc, thu nhập, con cái chăm ngoan học giỏi, sự bình yên trong cuộc sống xã hội và khả năng uống… bia
-       Đúng thế thật, có lẽ chỉ có người Việt mình là luôn hài lòng với mọi thứ. Ai đời, biết là thực phẩm bẩn mà vẫn nhẫn nhịn cắm cúi ăn, ra đường gặp ô nhiễm không khí, tệ nạn tràn lan, vẫn mỉm cười rảo bước. Dù kinh tế đang gặp khó khăn, cứ chiều đến là nhà nhà, người người nô nức kéo nhau ra quán bia, tinh thần vô cùng lạc quan, hỉ hả.
-       Thế cho nên, để đổi lấy hạnh phúc mỗi năm người dân chi cho thần Tê-lê-phê tới 3 tỷ USD đấy.
-       Kinh thế kia à, bác có biết số tiền đó đủ để xóa nghèo cho một nghìn xã không?
-       Đâu chỉ có thế, ra khỏi quán bia là phóng xe ào ào, tai nạn chết người, thương tật vĩnh viễn, cha mất con, vợ mất chồng, còn gây tốn kém hơn nhiều.

-       Thì ra cái giá của hạnh phúc thời nào cũng đắt, bác nhỉ
   Cận

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Con đường nào chịu nổi

Con đường nào chịu nổi Cận - Có điều kiện thăm thú nhiều nước, bác “khoái” danh lam thắng cảnh nào nhất? - Nhiều lắm, không thể kể hết được. Tôi thích nhất Kim Tự tháp Ai Cập, đền Ăng Ko của Cam Pu Chia, Vạn lý trường thành của Trung Quốc… - Sao bác toàn kể danh thắng của nước ngoài thế, vậy Con đường gốm sứ của Hà Nội thì sao? - Bác làm tôi cụt cả hứng, con đường đó kể vào đây làm gì, nó chỉ là tấm bình phong nhằm che bớt sự thô thiển của bờ đê bê tông thôi. - Bác cần phải xem lại tinh thần yêu nước, yêu thủ đô đi nhé. Cả con đường tốn hàng trăm tỷ đồng như thế mà bác còn chê thì cái gì mới khiến bác hài lòng, khó tính vừa thôi chứ. - Tôi không chê con đường gốm sứ, tôi chỉ chê cái cách người ta ứng xử với con đường đó thôi. - Lại có kẻ nào đập phá hay dỡ gốm sứ về lát nhà tắm sao? - Còn tệ hơn nhiều. Cứ trưa đến hay cuối giờ chiều, ra đấy bác sẽ thấy hàng dãy dài đàn ông nối đuôi nhau đứng“tè” lên bề mặt con đường. - Sao họ không “xử lí” ở nhà mà lại ra đấy giải quyết “nỗi buồn” nhỉ? - Chắc ở đấy mát, vừa “tè” vừa ngắm tranh nghệ thuật còn có cái thú nào bằng. - Sao họ không tập trung ở đó vào ban đêm hay lúc sáng sớm mà cứ nhè vào giữa trưa hay chiều nhỉ? - Đó là giờ cao điểm của bợm nhậu. Bác không thấy phía đối diện con đường có rất nhiều quán bia hơi à? - Tôi hiểu rồi. Bia của mình rởm nhiều lắm, không hấp thụ được vào người, uống một cốc mà “tè” tới ba lần thì con đường gốm sứ nào chịu nổi, thật là đáng lo.

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Đại dịch” toàn cầu

      
-       Hè này bác có kế hoạch đi chơi đâu chưa?
-       Ôi dào, tốn tiền. Cả nhà tôi nghỉ ngơi tại gia thôi.
-       Ai cũng như bác thì ngành du lịch khởi sắc sao được.
-       Tôi cũng muốn đóng góp cho sự phát triển ngành “công nghiệp không khói” lắm, nhưng mỗi lần đi đâu về là y như rằng mặt mũi vợ con tôi cứ tái dại như người thiếu máu, cả tuần sau vẫn chưa hồi được.
-       Chỉ việc đi chơi, ăn ngon, nghỉ khách sạn đẹp mà sao bác tả cứ như đi đánh trận vậy?
-       Còn hơn chiến đấu với giặc ấy chứ. Bác tính, chỉ riêng việc xua tay từ chối “cò” xe khách, “cò” khách sạn, nhà hàng thôi, hai bả vai tôi bị bại cứng không cử động nổi, châm cứu cả tuần nay chưa khỏi đấy.
-       Có lẽ bác phải học chiêu của tôi. Năm ngoái trước khi đi Sầm Sơn tôi ra mua bộ ria giả dán lên mép cho hầm hố, mượn thằng cháu khẩu súng nhựa đen trũi giắt cạp quần. Mấy tay “cò” vừa lao ra định lôi kéo, thấy tôi kéo vạt áo lòi ra cái báng súng, vội tránh đường ngay
-       Kế ấy cũng hay, nhưng nhỡ công an họ tưởng súng thật hỏi han thì mệt lắm. Vậy còn đối với việc “chặt chém” du khách thì bác làm thế nào?
-       Tốt nhất là mang mì tôm đi hoặc thuê xe ôm chở về vùng quê hẻo lánh cách các khu du lịch ít nhất 50 km thuê người dân nấu cho ăn rồi xin họ cho ngủ nhờ.
-       Nếu thế thì nhiêu khê quá, vậy đi du lịch ra nước ngoài cho yên tâm.
-       Cũng không tốt như bác nghĩ đâu. Báo chí chẳng vừa làm rầm rĩ chuyện du khách Việt bị lái xe taxi nước Anh “chặt chém” là gì.
-       Hay đây là hành vi “trả đũa” khi họ sang Việt Nam du lịch?

-       Chẳng phải. Đây là “đại dịch toàn cầu” cả thế giới vẫn chưa tìm ra phác đồ điều trị bác ạ
Cận

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Không hiếm người tài

                                           
-        Theo bác, thế nào được gọi là người tài?
-        Khó định nghĩa lắm. Đó có thể là người có khả năng “kinh bang tế thế”, nhưng cũng có khi chỉ đơn giản là người có đầu óc tính toán giúp doanh nghiệp vượt khó, nuôi sống được nhiều người.
-        Người tài có hiếm không?
-        Tất nhiên rồi, “người tài như lá mùa thu” mà. Nếu có sẵn như rau má mọc ở đường tàu thì nước mình đâu có nghèo như bây giờ.
-        Thực ra, người tài đâu có hiếm như bác nói. Mười năm qua, riêng Hà Nội đã thu hút được hơn hai trăm nhân tài là các thủ khoa đại học, vận động viên thể thao... đấy thôi.
-        Con số này nhìn có vẻ lớn nhưng thực tế chỉ bằng một phần mười số người tài thủ đô hiện có.
-        Thế con số còn lại đang làm gì?
-        Một số làm cho doanh nghiệp nước ngoài, số còn lại làm cho tư nhân, có người chạy xe ôm, mở quán bán trà chanh cho sinh viên.
-        Sao họ không vào làm cho nhà nước, chính quyền thành phố sẵn sàng giang tay đón người tài mà?
-        Thực ra chúng ta mới chỉ đón bằng một tay thôi, tay còn lại vẫn lúng túng trong túi quần vì vướng cơ chế. Lương tháng chẳng được nổi chục triệu đồng, nhà lại phải đi thuê, trong thời buổi “gạo châu củi quế” thế này thì người tài làm sao sống được, sức đâu mà cống hiến.
-        Tôi tưởng, đã là người tài thì màng gì đến vật chất, có những người mải nghiên cứu khoa học quên cả lấy vợ, có người sẵn sàng cấy cả virus nguy hiểm vào người để tìm ra thuốc chữa đấy thôi.

-        Đấy là thiên tài, đối tượng chúng ta đang bàn đến ở đây là người tài. Thế mới có chuyện, nhiều người giành giải quốc tế rồi ở tịt nước ngoài, chỉ thỉnh thoảng về nước để show “hàng” thôi. Họ bảo chỉ có ở nước ngoài mới có đủ phương tiện để họ làm khoa học, tôi chẳng tin. Ở những nước đó mà trả lương thấp xem, họ chẳng “phắn” ngay ấy à.
      Cận

Nằm mơ giữa ban ngày

                                                                                                                                                         
-        Thằng út chuẩn bị ra trường, bác đã hướng cho cháu vào làm đâu chưa?
-        Cũng đi mấy nơi rồi nhưng chưa đâu vào đâu, khó lắm.
-        Tại bác “kén cá chọn canh” quá đấy thôi. Vào thời buổi khó khăn như hiện nay, có được việc làm đã may lắm rồi, phải biết chấp nhận chứ.
-        Kiếm được việc làm đủ để có ba bữa, quần áo mặc cả ngày đâu có khó. Tôi muốn cháu ngay khi được nhận vào làm là phải giữ chân Chủ tịch Hội đồng quản trị, chí ít cũng là Tổng Giám đốc cơ.
-        Bác điên à, nhiều người phấn đấu cả đời, sẵn sàng làm mọi chuyện mà còn chẳng được nửa cái chức đó, nữa là thằng  nhóc “ăn chưa no lo chưa tới” nhà bác.
-        Khó mấy cũng phải tìm bằng được, nhất định tôi không để cháu làm công nhân hay cán bộ bình thường. Làm to, doanh nghiệp  có khó khăn đến mấy vẫn được hưởng lương cao, bổng hậu.
-        Làm gì có chuyện đó, sản xuất hay kinh doanh đình đốn thì các cấp lãnh đạo phải là những người chịu thiệt hại đầu tiên chứ?
-        Bác ở trên trời rơi xuống đấy à, ở nước mình đừng hi vọng vào điều đó. Vừa rồi có một doanh nghiệp xây dựng vào hàng “chóp bu” có báo cáo làm ăn thua lỗ trong năm qua là hơn 600 tỷ đồng, trong khi ông Chủ tịch Hội đồng quản trị vẫn nhận lương đều đặn gần 80 triệu đồng mỗi tháng.
-        Vậy chắc lương cán bộ nhân viên ở đó cao lắm. Thời buổi kinh tế khủng hoảng như hiện nay được thế là quí lắm đấy?
-        Ngược lại, hầu hết đều bị giảm thu nhập, có những bộ phận bị nợ lương nửa năm nay. Nhiều người không sống nổi phải bỏ việc ra ngoài làm cửu vạn, phụ vợ bán hàng rong.
-        Ở nước ngoài, khi kinh tế khủng hoảng nhiều giám đốc tự nguyện nhận lương tượng trưng là 1 đô-la mỗi năm, sẵn sàng nhận hết khó khăn về mình, khiến nhiều nhân viên noi theo, cùng nhau vượt qua cơn bĩ cực đấy.

-        Bác lại nằm mơ giữa ban ngày rồi, ở mình người đứng đầu doanh nghiệp mà cũng làm thế thì lấy tiền đâu ra để hàng sáng ăn phở Ko-bê gần triệu bạc mỗi bát. Không ăn uống đủ chất làm sao có đủ sức khỏe để mà cống hiến cơ chứ.
      Cận