Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Đau đầu vì xét tuyển.



          
-          Mấy bữa nay, dư luận bàn tán chuyện có nhiều em tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đạt toàn điểm 10 tuyệt đối, đạt giải thưởng các cuộc thi từ cấp quận đến cấp thành phố, quốc gia khiến các thầy cô rất lúng túng trong việc xét tuyển.
-           Đạt điểm cao chứng tỏ có năng lực, được đầu tư tốt, cứ thế mà nhận, sao phải lúng túng?
-          Vấn đề là, trong số này, không ít em có học bạ đẹp như mơ là do bố mẹ biết “yêu” thầy cô nên mới được như thế.
-          Có bắt tận tay day tận trán chuyện quà cáp, biếu xén đâu mà đã vội kết luận như thế. Tôi thấy nhiều cháu giỏi thực sự dù bố mẹ không biết nhà thầy cô ở đâu cả?
-          Đúng là như vậy, nhưng chúng ta rất khó để phân biệt em nào giỏi tự thân, em nào giỏi nhờ bố mẹ biết chạy vạy. Đây chính là lí do khiến lãnh đạo các trường đau đầu.
-          Tình trạng này diễn ra đã lâu mà sao vẫn chưa khắc phục được nhỉ?
-          Thực ra, để giải quyết việc này không khó. Vấn đề là chúng ta có muốn làm hay không thôi. Khối ông Hiệu trưởng lại thích sự mập mờ. Chính nhờ nó mà các vị mới tạo được mối quan hệ với cấp cao hơn, mới kiếm chác được nhiều nhờ tháng “củ mật” này.
-          Vậy theo bác, ngành giáo dục cần làm gì để tạo ra sự công bằng?
-          Theo tôi, không áp dụng chế độ xét tuyển nữa. Học sinh có nhà ở đâu thì học ở địa phương đó, khỏi cần thi tuyển lôi thôi. Em nào giỏi sẽ thi được vào Đại học. Làm được thế, tôi tin bệnh thành tích sẽ bớt được nhiều lắm.
Cận

Vỗ béo để vặt lông



            
-          Có khi đợt này tôi xin trả lại học vị Tiến sĩ.
-          Nhà nước đãi ngộ không xứng đáng khiến bác bất mãn sao?
-          Không phải. Tôi trả lại vì không muốn đồng hạng với một số Tiến sĩ có vấn đề về thần kinh thôi.
-          Tầng lớp nào chẳng có người thế nọ, thế kia. Lại có ai công bố “phát minh” ngớ ngẩn hay đạo văn à?
-          Hôm vừa rồi, tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam, khi bàn về vấn đề thuế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh hùng hồn tuyên bố: “Thu thuế cũng như vặt con vịt, vặt càng nhiều lông thì càng tốt, nhưng đừng để nó kêu to hay chết đi". Hóa ra lâu nay những người nộp thuế như tôi với bác có được coi là người đâu, chỉ là con cạc cạc thôi. Nghe mà buồn quá.
-          Ông ấy ví von cho vui thôi, chứ đâu có ý miệt thị, bác chấp làm gì.
-          Không như bác nghĩ đâu. Lâu nay, nhiều cán bộ vẫn cho rằng, Nhà nước như con bò sữa, muốn vắt bao nhiêu tùy ý. Chính vì thế ngân sách Nhà nước mới ngày càng teo tóp đi, trong khi hầu bao một số kẻ lại phình to ra. Vắt kiệt Nhà nước rồi, bây giờ họ quay ra vặt dân.
-          Đi đến đâu tôi cũng thấy khẩu hiệu “ nộp thuế là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của người dân”, hóa ra đây chỉ là câu cửa miệng thôi à?
-          Đấy là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhưng một số người như ông Tiến sĩ này không nghĩ thế. Họ coi dân như đàn vịt, vỗ béo rồi vặt lông. Nếu để loại Tiến sĩ này tồn tại, đất nước sẽ còn nghèo, dân sẽ còn khổ, bác ạ.
Cận

Chân lí giản đơn.



            
-          Tôi đã nghe nhiều về những người làm từ thiện, nhưng tấm gương như mẹ Lê Thị Tâm, còn gọi là dì Mười (SN 1931) ở Quận Phú Nhuận TP HCM thì là lần đầu tiên bác ạ.
-          Tính đến nay, mẹ đã gần 90, ở tuổi đó yếu lắm rồi còn sức đâu mà làm điều to tát?
-          Bác nhầm. Khi thực sự muốn làm điều tốt thì dù già cả đến mấy người ta cũng có cách mang lại niềm vui cho người khác. Gần đây mẹ đã bán căn nhà của mình để lấy tiên giúp đỡ những mảnh đời khốn khó.
-          Chắc con cái mẹ phương trưởng cả nên mẹ bán nhà làm từ thiện cũng không ảnh hưởng đến ai?
-          Bác lại nhầm. Mẹ vốn là một tù nhân Côn Đảo, sinh đứa con duy nhất trong tù. Sau ngày thống nhất đất nước, mẹ rất tích cực hoạt động xã hội, nuôi con khôn lớn. Dù rất bận rộn, sống trong túng bấn nhưng mẹ luôn tìm cách giúp đỡ người khó khăn hơn mình, được bà con lối xóm hết sức yêu quí.
-          Bán nhà đi hai mẹ con ở đâu?
-          Mẹ mua căn nhà nhỏ hơn lấy chỗ chui ra chui vào. Số tiền còn lại mẹ dùng làm từ thiện dần. Không chỉ có thế. Suốt gần nửa thế kỉ nay, mẹ dùng số tiền lương,  trợ cấp thương binh của mình để hỗ trợ người nghèo, còn bản thân mẹ khi ốm đau cũng không có tiền thuốc thang.
-          Không hiểu động lực nào khiến mẹ có những hành động phi thường như thế?
-          Mẹ bảo: Nếu muốn hạnh phúc, con người không nên ăn quá no, ở quá rộng, và thế hệ trước sống phải có trách nhiệm với thế hệ sau, thế thôi.
Cận

Âm thầm làm việc nghĩa



           
-          Vừa rồi nghe chuyện một người nước ngoài chỉ vì muốn lập kỉ lục thế giới đi thăng bằng trên vách núi bị rơi xuống vực sâu chết thảm tôi thấy rùng cả mình.
-          Những người thích danh tiếng bất chấp tính mạng như thế ở đâu chẳng có. Một số người có khả năng dùng răng kéo máy bay, nằm dưới đường cho ô tô hàng chục tấn chẹt qua chỉ làm cho bọn trẻ trầm trồ. Cá nhân tôi lại phục sát đất ông Nguyễn Văn Tác ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ TP Cần Thơ. Trong 22 năm liền, ông đã đạt kỉ lục khi hiến máu tới 65 lần.
-          Để cho được nhiều máu như thế chắc ông này phải ăn khỏe lắm?
-          Nhà ông cũng nghèo, lấy đâu ra mà ăn lắm. Ông quyết định làm thế vì có lần người thân của ông phải chết vì không có tiền mua máu. Không chỉ hiến máu, ông còn bỏ tiền tiết kiệm được, vận động thêm người nhà, bà con chòm xóm đóng góp mua chiếc xe để chở người bệnh, người bị tai nạn đến bệnh viện miễn phí.
-          Chở từ thiện như thế thì lấy tiền đâu đổ xăng, nuôi xe?
-          Ô tô còn mua được thì mấy cái đó nghĩa lí gì. Từ nhỏ, ông đã theo cha đi làm từ thiện khắp nơi, làm cầu, làm đường, xây trường học, trạm xá cho bà con. Nhờ nghĩa cử của ông mà cả xã hình thành phong trào hiến máu cứu người hết sức rầm rộ.
-          Những người như ông Tác cần phải sớm được ghi danh, bác nhỉ?
-          Ông ấy bảo: Làm phúc tay phải thì đừng cho tay trái biết. Làm việc nghĩa mà cứ quàng quạc lên thì còn gì ý nghĩa. Cứ âm thầm làm thôi.
Cận

Xẻ thịt cả di sản thế giới



 
-          Có lẽ, chưa bao giờ Việt Nam xuất hiện nhiều đồ tể đến thế, bác ạ.
-          Bác ăn nói phải giữ mồm giữ miệng. Theo sách báo viết thì nước ta là hiện thân của hòa bình, hữu nghị, con người hiền hòa, thân thiện, căn cứ vào đâu mà bác coi người dân như hổ báo, như đám đâm thuê chém mướn vậy?
-          Tôi không đề cập đến người dân, ý tôi muốn nói là một số vị có chức sắc và doanh nghiệp kia. Không chỉ cấu kết chặt phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên đất nước, giờ đây họ còn quay ra xẻ thịt cả Di sản thiên nhiên thế giới.
-          Bác nói thì phải có bằng cớ. Đây là tài sản thuộc về nhân loại, ai dám to gan mà đụng đến chứ?
-          Không tin thì bác hãy đến phường Hà Tu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sẽ rõ. Nhiều núi đá thuộc vùng đệm của Vịnh Hạ Long đang bị xẻ thịt đến trơ trụi. Có ngọn núi bị phá vẹt đi một nửa. Cả khu vực là một đại công trường.
-          Vịnh Hạ Long là một quần thể các hòn đảo tự nhiên đẹp bậc nhất thế giới. Chính vì thế nó mới được Unesco hai lần công nhận Là Di sản thiên nhiên thế giới. Cơ quan nào của tỉnh này cho phép doanh nghiệp khai thác đá tại đây chứ?
-          Có Trời mới biết. UBND tỉnh Quảng Ninh đang lệnh cho các cơ quan chức năng đi xác minh.
-          Đâu phải chuyện cái kim trong bọc. Cả mấy quả núi bị xẻ thịt cùng một lúc mà lãnh đạo tỉnh này không biết thì lạ quá. Vụ việc này cần được làm rõ để xử lí nghiêm.
Cận