Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Trăm dâu đổ đầu tằm



                       
-          Cháu bác năm nay sẽ vào tiểu học, bác nên dạy cháu cách kiếm tiền đi là vừa.
-          Các cháu đang tuổi ăn tuổi chơi ai lại bắt chúng va chạm với đồng tiền, sẽ hư người đi.
-          Ở trường tiểu học Đại Nài thành phố Hà Tĩnh có thông báo mỗi cháu phải đóng 100 nghìn đồng để làm đường. Không đi làm kiếm tiền thì lấy đâu mà nộp.
-          Tôi tưởng việc làm đường đã có nhà nước lo, người dân chỉ đóng góp một phần thôi chứ. Sao không thu của phụ huynh mà lại bắt các cháu nộp?
-          Mỗi gia đình đã phải nộp 1 triệu rồi nhưng không đủ nên phường yêu cầu nhà trường thu thêm của học sinh.
-          Rắc rối quá nhỉ. Sao không thu thêm của người lớn mà lại bổ vào đầu học sinh?
-          Trăm bạc có đáng là bao. Chắc phường này muốn các cháu sớm có ý thức, trách nhiệm công dân thôi?
-          Chính quyền phường cho biết, nhà trường được hưởng lợi từ con đường này nên buộc học sinh phải đóng góp.
-          Vấn đề là các cháu lấy đâu ra để nộp?
-          Có thế mà cũng thắc mắc, về “nã” bố mẹ chứ sao nữa.
-          Cuối cùng, “trăm dâu đổ đầu tằm”. Làm cha làm mẹ thời nay cực quá. Quanh năm suốt tháng phải nộp những khoản giời ơi đất hỡi thế này làm sao mà họ ngóc đầu lên được.
Cận

Tin vào con người



                
-          Dù trong bất kì hoàn cảnh nào tôi vẫn tin vào lòng tốt của con người bác ạ.
-          Lạc quan thế là tốt. Sáng nay đi xe buýt đến cơ quan bác được cô gái trẻ đẹp nào nhường cho chỗ ngồi à?
-          Dù có phải đứng cả ngày tôi cũng không giành chỗ của phụ nữ. Vừa rồi có cô giáo ở trường mầm non Phong Lan thuộc huyện Bắc Trà Mi tỉnh Quảng Nam nhặt được mấy chục triệu đồng đã tìm cách trả lại người mất khiến tôi xúc động quá.
-          Là cô giáo thì phải làm gương cho học trò, có gì bất thường đâu?
-          Điều đáng nói là cô giáo này có hoàn cảnh rất khó khăn, con cái nheo nhóc, lương ba cọc ba đồng. Ở hoàn cảnh đó mấy ai vượt qua được sức cám dỗ của đồng tiền.
-          Đúng thế thật. Phải tôi ấy à… Nhưng hành động của cô giáo này sẽ được đưa lên báo, được nhà trường ghi nhận, con đường tiến thân mới nhanh.
-          Ai làm việc tốt mà cũng tính toán như bác thì xã hội sẽ băng hoại rất nhanh. Cô ấy làm thế vì nghĩ người đánh rơi phải vất vả lắm mới có được số tiền đó. Nếu để mất biết đâu gia đình người ta sẽ lục đục, mất hạnh phúc nên quyết tâm trả lại bằng được.
-          Nếu bác nói vậy thì tôi tin cô giáo này là người thực tâm. Ước sao trong xã hội mình ngày càng có nhiều người thực tâm như thế.
Cận

Thú vui nhất thời



            
-          Giờ tôi mới hiểu thế nào là rét tái tê lòng người bác ạ.
-          Chẳng cứ gì bác, chân tay tôi cũng đang cóng cả lại đây này. Chẳng biết có qua nổi mùa đông này không.
-          Vậy mà mấy hôm nay hàng nghìn người đổ xô lên Mẫu Sơn, Sa Pa xem băng tuyết. Thế mới thấy nhiều người Việt mình khỏe thật.
-          Chẳng qua do hiếu kì thôi. Kể cũng lạ, trong đợt lạnh kỉ lục này, một số nước ra thông báo cấm người dân ra khỏi nhà, còn dân mình lại thích ngao du trên những đỉnh núi băng giá. Khối người về đến nhà vật ra ốm vì cảm lạnh kia kìa.
-          Ốm một tí nhưng mà sướng. Cả đời mới được ngắm tuyết rơi bao nhiêu thi hứng sẽ nổi lên. Sau đợt rét này biết đâu lại chẳng xuất hiện khối nhà thơ lớn.
-          Nào có được ngắm tuyết đâu mà làm thơ. Hàng chục km đường lên Sa Pa bị tắc nghẽn. Nhiều xe chờ nửa ngày trời không chịu nổi phải quay về. Chỉ khổ cảnh sát giao thông, dưới trời rét âm 5 độ C họ vẫn phải xông xáo khắp nơi để ổn định tình hình.
-          Bác cũng nên thông cảm. Các lái xe chắc muốn rèn luyện trên đường đóng băng trơn trượt để khi về thành phố vững tay lái hơn đấy thôi.
-          Thì tôi có dám chê trách gì đâu. Chỉ khổ bọn trẻ. Có đứa vẫn còn ẵm ngửa đã biết gì đâu mà cũng bị bố mẹ đưa lên đó. Nhiều gia đình không thuê được phòng lại phải quay về. Đúng là thân làm tội đời.
Cận

Thích nhậu hơn làm việc



     
-          Bỏ công, bỏ việc, đi hàng chục cây số lên UBND xã xin xác nhận giấy tờ mà cơ quan công quyền nghỉ bác cảm thấy thế nào?
-          Tất nhiên là rất bực mình rồi. Nhưng bác cũng phải thông cảm, vào 2 ngày cuối tuần họ cũng phải được nghỉ theo qui định của Nhà nước chứ.
-          Ý tôi muốn nói là ngày làm việc bình thường kia. Ngày 13 tháng 1, tức là hôm thứ tư vừa rồi, nhiều bà con đến UBND xã Phú Mĩ huyện Mĩ Tú tỉnh Sóc Trăng thì toàn bộ các phòng làm việc tại đây đóng cửa im ỉm, nên buộc phải ra về.
-          Chắc do sắp tết họ chia nhau xuống cơ sở đốc thúc công việc nên vắng mặt thôi. Bà con cũng phải thông cảm cho sự “mẫn cán” của họ chứ.
-          Thế thì nói làm gì. Sáng tổng kết cuối năm xong cả cơ quan đi nhậu hết, khiến mọi công việc bị đình trệ.
-          Tôi tưởng họ phải cắt cử người ở nhà trực chứ.
-          Đi ăn tiệc không mất tiền, phải bác, bác có chịu ở nhà không?
-          Cả năm mới được ăn “chùa” một bữa, họa điên tôi mới ở nhà. Ăn uống xong họ lại về, có chút hơi men vào làm việc càng bốc, càng hiệu quả.
-          Qui định của nhà nước đã cấm mọi cán bộ công chức không được nhậu nhẹt trong giờ hành chính.
-          Nếu đã có văn bản cấm thì phải xử lí mạnh tay với loại người thích nhậu hơn làm việc này, có gì phải bàn cãi nữa.
Cận

Thật đáng suy ngẫm



       
-          Giá như mỗi người có tinh thần trách nhiệm xã hội một tí thì đất nước mới đi lên được.
-          Mới sáng ra đã có chuyện gì bức xúc thế bác?
-          Có bức xúc gì đâu, mà là chuyện rất cảm động, rất đáng để mọi người suy ngẫm. Ở xã Lục Dạ huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An có ông lão 83 tuổi cương quyết nộp đơn xin ra khỏi hộ nghèo, trong khi khối người tranh nhau vào diện này mà có được đâu.
-          Chừng nấy tuổi đầu, con cháu đầy đàn, khá giả chu cấp hàng tháng đầy đủ thì cần gì trợ cấp nữa, nên nhường suất đó cho người khác cũng là hợp lẽ.
-          Cụ ông này làm gì có con cái, ở một thân một mình trong túp lều rách nát, mắt lại mù dở, đến cái đơn cũng phải nhờ người viết hộ.
-          Thì cũng đã già, dạ dày teo cả rồi, răng lợi thì rụng hết ăn được là mấy, nhường cho người khác là phải, lại được tiếng là người tử tế.
-          Già thì cũng phải ăn, phải mặc. Ông cụ bảo xin ra khỏi diện hộ nghèo vì không muốn mình trở thành gánh nặng cho xã hội, muốn làm gương cho con cháu.
-          Một suy nghĩ thật có trách nhiệm, không phải ai cũng làm được như thế. Còn chính quyền địa phương xử lí vụ việc này thế nào?
-          Ông Chủ tịch xã cho biết rất cảm động trước hành động trượng nghĩa của ông cụ. Tuy nhiên, xét thấy ông cụ quá neo đơn, hoàn toàn không còn nơi nương tựa nên xã vẫn đưa vào diện hộ nghèo, được hưởng mọi chế độ trợ cấp xã hội.
-          Thật đáng ghi nhận. Không biết mấy ông lãnh đạo chuyên “ăn” dê, “ăn” gà của bà con biết chuyện này có thấy xấu hổ không nhỉ?
Cận