Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

“Yêu cho roi cho vọt”

    

-       Hôm vừa rồi trên mạng xuất hiện clip cô giáo đuổi học trò chạy xung quanh lớp bác ạ
-       Thì làm sao. Giờ nghỉ giải lao thì cũng phải để họ đùa nghịch chứ, có thế mới thắt chặt tình thầy trò.
-       Không phải, cô đuổi bắt bằng được để đánh học trò.
-       “Yêu cho roi cho vọt” mà. Lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học đôi khi cũng cần doạ một tí kẻo lớn lên sinh hư.
-       Nhưng đây là đuổi đánh học trò chuẩn bị tốt nghiệp THPT, chỉ mấy tháng nữa là thi đại học, trông phản cảm lắm.
-       Thật sao, tôi chẳng tin. Lương giáo viên thấp, ăn uống thiếu chất làm sao có sức mà đánh được bọn trẻ ở tuổi bẻ gãy sừng trâu?
-       Lúc đầu tôi cũng nghĩ vậy, nhưng thực tế clip chiếu rõ cảnh cô tóm được học trò liền xoắn tóc, giật ra đằng sau, tay kia tát vào mặt bôm bốp.
-       Thế à. Nếu thế chắc cô này có võ. Gặp phải thầy cô luyện công phu hay giỏi karate học sinh có mà “mất điện”
-       Bác có vẻ khoái chí, bênh vực cô giáo có máu “hổ vồ” này nhỉ?
-       Tôi có bênh đâu, chẳng qua là thấy tầng lớp giáo viên nhiều người bị o ép, khổ cực quá, giờ vùng lên một tí thì thấy phấn khích thôi.
-       Không được. Môi trường giáo dục là phải mô phạm, thầy ra thầy, trò ra trò. Thầy trò “tẩn” nhau loạn xà ngầu như thế còn ra thể thống gì nữa. Phải có biện pháp với những giáo viên mang bầu máu nóng này.

Cận

Văn hoá vỗ tay



-       Bác tập tạ thì chỉ có tay khoẻ chứ chân cẳng có cải thiện được gì đâu, trông mất cân đối quá.
-       Thì mục đích của tôi là chỉ để khoẻ tay thôi mà.
-       Thế cũng tốt, tay khoẻ sẽ bổ củi, xách đồ, giặt giũ giúp vợ được nhiều.
-       Đấng nam nhi ai lại làm những việc đó, tôi luyện tay khoẻ để vỗ tay hoan hô được mạnh thôi.
-       Bác thật thức thời. Chẳng như tôi, sau mỗi cuộc lại rát hết cả 2 bàn tay vì vỗ tay. Sao chúng ta không bỏ cái lệ vỗ tay trong các hội nghị đi?
-       Bỏ là bỏ thế nào, vỗ tay là biểu thị thái độ đồng ý, vui vẻ của người dự. Nơi đông người mà không có vỗ tay thì buồn lắm.
-       Đành rằng là thế, nhưng nhiều khi tôi thấy không cần thiết. Nhà nước đã có qui định trong mỗi hội nghị chỉ giới thiệu và vỗ tay một người cao nhất thôi, nhưng có nơi nào thực hiện đâu.
-       Bác chẳng biết gì cả, nếu không thỉnh thoảng có tiếng vỗ tay, cả hội trường sẽ ngủ hết.
-       Hôm vừa rồi đi dự đám tang một nghệ sỹ, các đồng nghiệp hát vĩnh biệt người quá cố nhưng sau mỗi bài lại có tiếng vỗ tay rào rào. Sau khi toà tuyên tử hình một bị cáo nào đó cũng thế, người dự bao giờ cũng vỗ tay rầm rầm, rất vô ý thức.
-       Bác nói đúng, vỗ tay cũng cần có văn hoá. Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể cần chấn chỉnh sớm việc này, để người nước ngoài không nghĩ xấu về người Việt chúng ta.

Cận

Trường hợp hiếm hoi.

      

-       Sao vừa đi vừa hát thế bác, vừa trúng số à?
-       Còn hơn trúng số ấy chứ. Tôi vừa đọc bài báo về việc thầy hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng ở tỉnh Trà Vinh xin từ chức.
-       Thế bác định ứng cử vào chức đó hay sao mà vui vậy?
-       Tôi đã quá ngưỡng về hưu rồi, còn làm quản lý sao được.
-       Hoá ra bác phấn khởi vì người ta mất chức?
-       Cũng không phải. Tại trường này vừa xảy ra vụ nhiều học sinh đánh hội đồng một bạn cùng lớp, thầy hiệu trưởng thấy mình có trách nhiệm trong đó nên từ chức.
-       Không quản lí được nên phải rời bỏ nhiệm sở là chuyện bình thường mà. Trên thế giới họ làm thế từ lâu rồi.
-       Nước ngoài thì nói làm gì, ở Việt Nam thì đây là một trong những trường hợp hiếm hoi đấy.
-       Đúng thế thật. Nhiều ông to bà lớn để xảy ra những vụ tày đình, nhưng khi bị cơ quan chức năng sờ gáy thì tìm cách rũ bỏ trách nhiệm, đổ tội cho thuộc cấp, vợ con, chạy mọi “cửa” để lo giữ ghế.
-       Sao quan chức nước mình sau khi để xảy ra sai phạm, quản lý yếu kém lại ít có bản lĩnh từ chức thế nhỉ?
-       Nếu quyền mà tách rời khỏi cái lợi việc từ chức sẽ nhẹ tựa lông hồng. Còn một khi quyền là tiền đề cho cái lợi, gắn chặt với cái lợi, quyền càng to thì lợi càng lớn, thì đừng mong ai đó có hành động rất con người như thầy hiệu trưởng nói trên, bác nhỉ.

Cận

Tấm lòng thơm thảo

          

-       Dạo này bụng bác có vẻ to ra đấy. Thịt cá ít thôi, chịu khó ăn chay nhiều vào, sẽ đỡ được bệnh tật.
-       Bác tưởng ăn chay mà an toàn à, mà ăn chay cũng đâu có rẻ?
-       Trên phố Nguy Như Kontum có quán cơm chay miễn phí, bác đến đấy muốn ăn bao nhiêu tuỳ thích.
-       Chắc lại nấu bằng rau nhiễm thuốc trừ sâu chứ gì, tôi chẳng dại.
-       Bác nhầm rồi. Rau ở đây được trồng trên Ba Vì theo qui trình dành cho rau sạch. Ai ăn cũng khen ngon, sạch sẽ.
-       Chủ quán này dùng chiêu hút khách đây. Chắc chỉ miễn phí một thời gian thôi, khi đông khách sẽ tính tiền với giá cắt cổ?
-       Cái đó tôi không rõ, chỉ nghe ông chủ nói vì thương những người gặp bệnh nan y do ăn phải thực phẩm bẩn nên ông mở quán này cho người nghèo, các cháu sinh viên tới ăn để đảm bảo sức khoẻ.
-       Nhưng tôi cá là người nghèo tới đây rất ít, đa phần sẽ là người giàu.
-       Người nghèo thường giàu lòng tự trọng, còn nặng mặc cảm, tự ti nên mời họ tới ăn không dễ. Tôi quan sát thấy rất nhiều người đi ôtô, đeo đầy vàng tới ăn. Có người còn chở theo gia đình, bạn bè, cầm theo cả thùng rượu ngoại nữa. Đã thế họ còn ăn nói oang oang hạch sách người phục vụ nữa.
-       Tôi mà là chủ quán sẽ cấm cửa loại người này, dành chỗ cho những người xứng đáng hơn.

Cận

Sống chết mặc bay



       -      Bác đã đọc “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn chưa?
-       Chuyện kể về ông quan huyện say sưa sát phạt tổ tôm trong khi vỡ đê chứ gì, tôi đọc từ thuở nhỏ. Đúng là chuyện hi hữu.
-       Cũng không đến mức hiếm đâu. Vừa rồi tại Thừa Thiên Huế xảy ra mưa to gió lớn, chính quyền xã Quảng Thành dưới hạ nguồn đắp cao con đập khiến phía thượng nguồn là xã Quảng An huyện Quảng Điền chìm đắm trong lũ.
-       Chắc họ thương người dân xã Quảng An lâu nay bị hạn hán nên làm vậy để địa phương này tích nước lâu dài.
-       Vấn đề là nước ngập cao quá khiến hàng chục hec ta lúa và hoa màu mất trắng, một số nhà dân chìm trong biển lũ, thiệt hại rất lớn.
-       Lãnh đạo xã Quảng Thành lúc đó bận lo cho dân chạy lũ nên sơ suất thôi.
-       Ai bảo bác thế, đúng vào lúc nước sôi lửa bỏng nhất thì họ tập trung nhậu tại Uỷ ban xã, ngoài cửa đỗ hàng chục ôtô hạng sang.
-       Chắc mọi người vội vàng ăn bát cơm lấy sức chiến đấu với lũ lụt .
-       Ăn cơm mà hò dô…dô, cụng li chan chat à.
-       Gớm quá. Sao bác khó tính thế. Phải lội nước suốt ngày, uống vài chén rượu vào cho ấm, nếu không nhỡ cảm lạnh lấy ai chỉ đạo việc chống lũ?
-       Chỉ thương cho người dân xứ này lâu nay phải chịu đựng loại cán bộ vô trách nhiệm như thế. Loại người này sớm muộn rồi cũng bị lũ cuốn trôi, bác hiểu chưa.

Cận