Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Khổ vì nghĩa hiệp




-          Bác chuẩn bị tinh thần ăn gà thoải mái nhé.
-          Tôi cũng mong được như thế. Mấy tháng nay ngày nào cũng ăn thịt lợn ngày 3 bữa hỗ trợ người chăn nuôi tôi ngán quá rồi.
-          Thế bác tưởng chỉ ăn thịt gà một vài bữa thôi sao. Lần này bác sẽ được ăn món “tủ” hàng tháng trời, sướng nhé.
-          Ối giời, ăn vài bữa thì được, chứ triền miên thế chịu sao nổi. Bác mới kiếm được nguồn thịt gà giá rẻ hay sao?
-          Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tổng đàn gà cả nước hiện nay là 214 triệu con, khủng hoảng thừa đang dần hiện hữu. Có nơi bán giá thịt có 19 nghìn đồng/kg, trứng là 900 đồng/quả mà vẫn không có người mua, khiến người nông dân rất lo lắng vì lỗ nặng.
-          Ý bác muốn nói là, nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời, người dân như tôi với bác sẽ tiếp tục phải tham gia “giải cứu”đàn gà hay sao?
-          Đúng vậy. Có lẽ từ giờ đến cuối năm, bác chuẩn bị tinh thần để “giải cứu” nhiều thứ khác nữa.
-          Cứ như thế này thì chết dở. Giá sản phẩm bà con làm ra rơi xuống tận đáy, trong khi tôi vẫn phải mua chúng với giá cao gấp mấy lần, đồng lương hưu của tôi làm sao kham nổi?
-          Tôi cũng thấy mệt khi ra tay nghĩa hiệp kiểu này. Hi vọng Bộ NNPTNT sớm có giải pháp để người tiêu dùng cũng như người chăn nuôi không khổ vì những chuyện như thế này nữa.
Cận

Tận thu không biết ngượng




-          Tận thu không chỉ là vấn đề xã hội nữa, giờ nó còn len lỏi cả vào trường học bác ạ.
-          Ngân sách thâm hụt, không tận thu thì lấy gì để làm đường, cầu cống, xây trường học, trả lương cho cán bộ, giáo viên… Đây cũng là việc chẳng đặng đừng, ai muốn thế đâu?
-          Nếu tận thu vì những việc công ích như thế thì nói làm gì. Đằng này, bà Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu (Cà Mau) thu của học sinh không từ một thứ gì vì lợi ích cá nhân, khiến giáo viên và phụ huynh rất bất bình.
-          Trường ở nơi xa xôi như thế chắc cũng nghèo. Thu tiền dạy thêm, tiền điện nước, vệ sinh cũng là chuyện bình thường.
-          Thu tiền những khoản đó thì nói làm gì. Đằng này bà Hiệu trưởng bắt học sinh phải trả tiền mua học bạ cao gấp 3 lần giá chung. Thậm chí, học sinh còn phải trả tiền cho việc dán ảnh vào học bạ, tiền phô tô tài liệu với giá cao gấp mấy lần bên ngoài…
-          Thì muốn ảnh dính chặt vào học bạ cũng cần phải có hồ dán. Thứ này cũng phải đi mua chứ cướp đâu ra?
-          Nào có đáng bao nhiêu. Lọ hồ nghìn bạc dán được hàng trăm ảnh. Chẳng có trường nào trên đất nước này thu của học sinh chi li như thế.
-          Làm Hiệu trưởng phải riết róng như vậy mới giàu được. Chứ người hay mủi lòng như bác suốt đời nghèo, chỉ có thể làm anh giáo viên quèn, khó mà ngóc đầu lên được.
Cận

Sống chết có số



     
-          Thế mới thấy người dân mình có trí “sáng tạo” vào bậc nhất thế giới.
-          Tôi cũng nghĩ thế. Mới có ai cải tiến xe công nông thành xe tăng hay biến con thuyền độc mộc thành tàu ngầm hả bác?
-          Gì mà to tát thế. Vì cầu qua sông không có, thuyền lại không chở được nặng, bà con xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh nghĩ ra cách dùng trâu kéo theo xe chở nông phẩm, phía trên là vài người vắt vẻo bơi qua sông Ngàn Sâu. Nhìn cả đoàn xe như thế thấy “hào hùng” lắm.
-          Đấy là sự liều mạng chứ sáng tạo gì. Thế nhỡ, khi đang bơi con trâu nổi hứng lặn xuống thì làm thế nào?
-          Phỉ phui cái mồm bác. Gặp trường hợp đó thì người và nông sản đành phải lặn theo xuống đáy sông chứ biết làm sao.
-          Như thế nguy hiểm quá. Hà Tĩnh là tỉnh năm nào cũng gặp lũ lụt, những hôm nước lên to thì bà con đi lại bằng gì?
-          Chủ yếu vẫn dựa vào mấy con thuyền mỏng manh và xe trâu kéo qua sông thôi. Cũng đã có nhiều trường hợp lũ kéo cả trâu và xe xuống đáy sông. Biết là vượt sông bằng cách này sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bà con vẫn phải tặc lưỡi làm liều.
-          Sao chính quyền địa phương không làm cây cầu để người dân nơi đây đi lại cho an toàn?
-          Tiền còn “chôn” vào những dự án nghìn tỉ đắp chiếu, lấy đâu ra mà làm cầu. Thôi, bà con nơi đây chịu khó ngồi xe trâu cho mát. Sống chết đã có số, lo gì.
Cận

Đau đầu vì xét tuyển.



         
-          Mấy bữa nay, dư luận bàn tán chuyện có nhiều em tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đạt toàn điểm 10 tuyệt đối, đạt giải thưởng các cuộc thi từ cấp quận đến cấp thành phố, quốc gia khiến các thầy cô rất lúng túng trong việc xét tuyển.
-           Đạt điểm cao chứng tỏ có năng lực, được đầu tư tốt, cứ thế mà nhận, sao phải lúng túng?
-          Vấn đề là, trong số này, không ít em có học bạ đẹp như mơ là do bố mẹ biết “yêu” thầy cô nên mới được như thế.
-          Có bắt tận tay day tận trán chuyện quà cáp, biếu xén đâu mà đã vội kết luận như thế. Tôi thấy nhiều cháu giỏi thực sự dù bố mẹ không biết nhà thầy cô ở đâu cả?
-          Đúng là như vậy, nhưng chúng ta rất khó để phân biệt em nào giỏi tự thân, em nào giỏi nhờ bố mẹ biết chạy vạy. Đây chính là lí do khiến lãnh đạo các trường đau đầu.
-          Tình trạng này diễn ra đã lâu mà sao vẫn chưa khắc phục được nhỉ?
-          Thực ra, để giải quyết việc này không khó. Vấn đề là chúng ta có muốn làm hay không thôi. Khối ông Hiệu trưởng lại thích sự mập mờ. Chính nhờ nó mà các vị mới tạo được mối quan hệ với cấp cao hơn, mới kiếm chác được nhiều nhờ tháng “củ mật” này.
-          Vậy theo bác, ngành giáo dục cần làm gì để tạo ra sự công bằng?
-          Theo tôi, không áp dụng chế độ xét tuyển nữa. Học sinh có nhà ở đâu thì học ở địa phương đó, khỏi cần thi tuyển lôi thôi. Em nào giỏi sẽ thi được vào Đại học. Làm được thế, tôi tin bệnh thành tích sẽ bớt được nhiều lắm.
Cận

Quay cuồng vì giải cứu.



            
-          Bác có biết cái gì khiến tôi gần đây mắc bệnh hoa mày chóng mặt không?
-          Chắc do huyết áp cao hay rối loạn tiền đình. Người già là hay mắc những chứng bệnh đó lắm.
-          Không phải. Tôi bị thế là do quay cuồng tham gia giải cứu hết thịt lợn, dưa hấu, bí đỏ, giờ còn thêm giải cứu giáo viên.
-          Những thứ bác vừa nói phải giải cứu vì chúng ta quá kém trong các  khâu qui hoạch, sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa. Giáo viên có phải hàng hóa đâu mà phải giải cứu?
-          Có một ông TS của Trường Đại học FPT cho rằng, đời sống của giáo viên, nhất là ở cấp Tiểu học khó khăn quá. Để đội ngũ này toàn tâm, toàn ý với nghề cần cải thiện đời sống cho họ bằng cách thu thêm của mỗi em học sinh 100 nghìn đồng mỗi tháng.
-          Ngành giáo dục có thiếu tiền đâu. Chẳng qua họ chi tiêu quá lãng phí vào việc thí điểm đề án này, dự án nọ nên đã ảnh hưởng đến đời sống giáo viên thôi. Nhiều nước còn nghèo hơn ta mà họ đã thực hiện miễn phí trong giáo dục, y tế, sao ông này lại nghĩ ra chuyện thu thêm của học sinh nhỉ. Những em nhà nghèo, ở vùng sâu, vùng xa ăn còn chẳng có lấy đâu ra nộp?
-          Không nộp thì trừ hạnh kiểm, chây ỳ quá thì đuổi học.
-          Có ai không muốn làm điều tử tế cho người khác đâu, chẳng qua vì cái nghèo nó bó buộc thôi. Ngoài những khoản như học phí, quĩ lớp, tiền vệ sinh, đồng phục, điều hòa, giờ thêm khoản này, phụ huynh và học sinh sắp kiệt quệ vì các khoản đóng góp vậy ai sẽ giải cứu họ?
-          Khi đời sống đã khá lên rồi thì giáo viên lại quay ra giải cứu học sinh. Cuộc đời là những cuộc giải cứu bất tận mà.
Cận