Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

chính qui hơn cha tại chức

Thời bao cấp tôi nhớ mãi câu “tiền lẻ hơn thẻ thương binh”, giờ lại thấy xót xa với câu “chính qui hơn cha liệt sỹ”.
- Bác nói gì tôi không hiểu?
- Chẳng là mấy hôm nay có một số quan chức tuyên bố con liệt sỹ mà chỉ có bằng đại học dân lập, tại chức sẽ không được nhận vào biên chế nhà nước.
- Gia cảnh liệt sỹ thường rất khó khăn. Con em họ không có điều kiện học xa, phải theo hệ vừa học vừa làm, phải thông cảm, nâng đỡ chứ. Cấm con cái liệt sỹ không được thi công chức là hành vi bất nhân, vô ơn thậm chí vi phạm pháp luật đấy. Sao dạo này quan chức hay đưa ra những lệnh cấm gây sốc như ngực lép không được tuyển làm cô giáo, lưng gù không được cấp phép lái xe… thế hả bác?
- Thì cũng như mấy cô người mẫu quá lứa phải lộ “hàng”, để gây chú ý. Quan chức mà đầu óc tăm tối quá thỉnh thoảng phải “hoắng” lên để bề trên không quên, mới cất nhắc cho chứ.
- Theo bác, Bill Gates hay Steve Job mà thi công chức ở nước mình liệu có đỗ không?
- Làm bảo vệ hợp đồng thì được. Chỉ học trường tư mà đòi vào biên chế nhà nước ấy à, còn lâu nhé.

bôi bẩn kiệt tác


- Tôi vừa gặp cô Tấm trong siêu thị bác ạ
- Bốc phét. Cô ấy, là hoàng hậu vào đó làm gì?
- Cô ấy đi mua quần áo, hình như vừa đi giải phẫu thẩm mĩ về
- Ai chẳng biết cô Tấm đẹp như tiên, việc gì phải bơm ngực, độn mông
- Cái đẹp bây giờ khác với ngày xưa rồi. Không kịp thời làm mới mình ấy à, hoàng tử sẽ bỏ rơi, ra phố “vẫy”i ngay
- Đã bao đời nay cô Tấm là hiện thân của phụ nữ Việt gắn liền với sự hiền lành, nhẫn nhịn, chịu thương, chịu khó, đặc biệt hết sức xinh đẹp, chỉ có thằng điên mới không ngưỡng mộ cô ấy thôi
- Nhưng cô Tấm cũng tàn nhẫn quá, học sinh dễ bắt chước hành vi bạo lực của cô ấy. Gần đây các nhà soạn sách giáo khoa đã làm mới câu chuyện cổ tích về cô Tấm bằng cách cắt bỏ đoạn làm mắm con Cám gửi cho mụ dì ghẻ ăn, chỉ giữ lại đoạn dội nước sôi lên người con Cám thôi
- Ối giời! bác nghĩ hành động dội nước sôi lên đứa em cùng cha khác mẹ là nhân ái ư? Sao không cắt béng cả đoạn đó đi, thay vào đó là chi tiết cô Tấm tha thứ rồi mời cả hai mẹ con mụ dì ghẻ đi ăn hải sản, nhường chồng cho con Cám vài bữa, còn mình thì lên chùa làm thơ cho nó lãng mạn
- Thế thì còn gì tính độc đáo của câu chuyện nữa
- Chuyện cổ tích có từ ngàn đời nay rồi. Con người nhìn vào cái kết để tự răn mình không làm điều ác. Tôi dám cá với bác là những kẻ như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa không bao giờ đọc chuyện cổ tích. Ai đã từng thấm đẫm tâm hồn với Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre tram đốt, Cây khế chắc chắn không đủ can đảm làm điều bạc ác đâu. Đây là những kiệt tác đã được tác giả dân gian gọt dũa, hoàn thiện qua bao đời, chớ có tùy tiện chỉnh sửa. Nếu không thích thì bỏ chúng ra khỏi sách giáo khoa, để người dân tự định đoạt số phận câu chuyện. Chớ có dại mà tỏ ra khôn ngoan hơn tổ tiên
Cận

Phải chọn thế đất

- Nghe nói bác Viễn đang có ý định mua nhà phải không? Chà, giàu có thế mà mấy hôm trước còn vay tôi tiền về quê cơ đấy!
- Thì hai vợ chồng tiết kiệm cả đời mới có món tiền định mua căn nhà lấy chỗ chui ra chui vào an hưởng tuổi già thôi.
- Thời buổi gạo quế củi châu này mà có tiền để dành là giỏi lắm đấy, bái phục. Thế ngôi nhà bác định mua cạnh chợ Đồng Xuân có rộng không, xây mấy tầng?
- Đâu có, tôi định…
- À, tôi biết rồi, bác mua nhà nơi phố cổ chứ gì? Ở mấy cái phố đó nhà lợp ngói mát lắm, đêm khuya muốn ăn bát phở ra cửa là có ngay.
- Thực ra, tôi chỉ…
- Chắc bác muốn có ngôi nhà nằm ven hồ Tây đúng không? Bác là khôn ghê lắm, ở đó không khí trong lành, chẳng bệnh tật nào vận vào mình được, phải sống đến trăm tuổi là ít.
- Thôi đi, tiền đâu ra mà mua được ở những nơi đó. Tôi định kiếm mảnh vườn ở quê thôi.
- Nhiều người phấn đấu cả đời để được “chòi” từ quê ra phố, còn bác đang yên đang lành ở phố lại đòi về quê là sao?
- Thì về quê cho đầu óc nó nhẹ nhõm, thanh thản, ở thành phố bụi bậm nóng bức lắm.
- Thế bác định làm gì với mảnh vườn rộng hàng héc ta đó?
- Ở đâu ra mà lắm thế, có mấy chục mét vuông thôi. Tôi định làm trên đó một túp lều nho nhỏ, mua cái khung cửi để ở góc nhà. Ngoài vườn trông mấy luống rau, thả ít lợn, gà…
- Thôi, thôi, tôi biết rồi, bác định hàng ngày nằm rung đùi đọc sách, vợ ngồi dệt vải, tối đến cả hai nằm ườn ngoài sân ngắm trăng lên, ngâm thơ cho nhau nghe chứ gì?
- Ồ bác tài quá, sao đoán đúng ước mơ của tôi vậy?
- Nhìn cái bản mặt vốn đần đần là tôi đoán ra ngay cái khát vọng hão huyền của bác. Thế khi mua bác có chọn thế đất không?
- Về hưu rồi, có làm ăn, bon chen gì đâu mà cần đến phong thuỷ.
- Sao lại không cần, này nhé, muốn con cháu hiển đạt thì chọn nơi hàm rồng, tim hổ, muốn ăn ngon thì phải gần chợ, muốn học giỏi phải gần trường, muốn sống lâu thì gần bệnh viện…
- Những cái đó xa vời quá, trời nóng thế này tôi chỉ cần đừng cắt điện thôi.
- Nếu thế dứt khoát phải mua đất cạnh nhà quan chức, nếu là giám đốc ngành điện thì yên tâm cả đời sẽ mát rười rượi.
Cận

Thu phải hợp lí


-       Sao mặt dài thuỗn như cái bơm thế bác?
-       Vừa đi họp cho mấy đứa cháu, đầu năm học phải nộp nhiều tiền quá.
-       Vì tương lai con cháu, tốn kém chút ít tính toán so đo làm gì, nghĩ ngợi nhiều dễ sinh trầm cảm lắm.
-       Mọi năm tôi có ý kiến gì đâu, bảo nộp tiền lắp điều hòa, tiền đồng phục, tiền quĩ lớp… là tôi nộp ngay. Năm nay nhà trường thông báo nộp tiền gãi lưng khiến tôi không biết đâu mà lần, bức xúc quá.
-       Bác có nghe nhầm không, khoản thu đó chỉ có trong quán mát-sa thôi chứ.
-       Thì các cô giải thích, giờ nghỉ trưa, để các cháu dễ ngủ, các cô sẽ thủ thỉ kể chuyện cho các cháu nghe. Nếu cháu nào vẫn không chịu ngủ, cứ chồm dậy đánh bạn, cô sẽ đến nằm cạnh xoa lưng, vuốt má để cháu dịu bớt cơn nóng, trôi dần vào giấc mơ êm đềm với những hình ảnh đẹp về bánh trung thu, về trăng rằm.
-       Mỗi khi con cái khó ở, bà mẹ nào chẳng làm thế, các cô gãi lưng hay xoa đầu các cháu có gì lạ chứ
-       Vấn đề là các cháu muốn được cô gãi lưng thì ông bà hay bố mẹ phải trả thù lao cho cô. Cái gì cũng tiền thế này thì còn gì là môi trường sư phạm nữa?
-       Thì chỉ cho phép cháu bác ngứa lưng ở nhà thôi, cấm chỉ không được ngứa ở lớp. Bác đau mình mẩy đi tẩm quất thì phải trả tiền. Cháu bác ngứa lưng đòi cô gãi thì phải chi phí cho cô, kêu ca gì nữa.

-       Thực ra, để góp phần giảm bớt gánh nặng cuộc sống cho thầy cô tôi rất sẵn sàng. Tuy nhiên, thu gì thì cũng phải hợp lí. Hôm nay bọn trẻ ngứa lưng thu như vậy, mai chúng nó ngứa ở những chỗ quan trọng hơn chẳng lẽ lại thu thêm hay sao. Thực trạng này dứt khoát phải dẹp bỏ.

Thích tiêu tiền người khác


-          Có lẽ trường Nguyễn Hữu Tiễn xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn TP.HCM là trường hiện đại nhất Việt Nam bác ạ.
-          Trường xây cao tầng, kiên cố, lớp học có điều hòa, mỗi học sinh được cấp một máy tính xách tay hả bác?
-          Không. Trường này được cả nước biết đến vì khắp nơi chỗ nào cũng gắn camera.
-          Có tiền thì họ mua, như thế cũng tốt, nhỡ có cháu nào vấp ngã hay đánh lộn nhà trường sẽ biết ngay.
-          Vấn đề là, họ thu tiền mua quạt của phụ huynh nhưng lại đầu tư cho hệ thống camera, kệ các cháu mồ hôi túa ra khi ngồi học trong lớp.
-          Chảy tí mồ hôi thì đã sao. Đây cũng là cách rèn luyện cho các cháu biết vượt qua gian khổ. Sao trường này lắp nhiều camera thế nhỉ?
-          Hiệu trường trường này bảo họ lắp camera để dễ theo dõi các cháu.
-          Chẳng phải. Biết bị theo dõi các cháu sẽ trở nên rụt rè, ít nói, không dám tung tăng chạy nhảy, như vậy sẽ đánh mất tuổi thơ. Tôi lại đồ rằng, vị hiệu trưởng này làm thế để muốn ngắm, muốn hôn học sinh yêu quí lúc nào cũng được.
-          Nếu tình cảm lai láng thế, sao vị ấy không bỏ tiền túi ra mà lại sử dụng tiền quạt mát của các cháu để mua camera. Với những người thích tiêu tiền của người khác một cách bừa bãi thế này cần phải được xử lí đến nơi đến chốn, bác hiểu chưa.

Cận

Thật “năng nổ” quá


-          Từ nay bỏ facebook đi nhé, kẻo có ngày tai vạ ập xuống đầu hối không kịp đâu.
-          Đây là mạng xã hội, nơi chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc khiến mọi người ngày càng gần gũi, cảm thông với nhau, sao phải bỏ?
-          Vừa rồi, có 3 cán bộ bị kỉ luật, trong đó 2 người bị phạt 10 triệu đồng vì “nói xấu” lãnh đạo ở An Giang đấy
-          Họ bêu riếu chuyện tày đình gì vậy?
-          Nhân chuyện Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chính quyền An Giang có sai phạm trong quản lí đất đai, một người viết trên facebook nói ông Chủ tịch UBND tỉnh “nhìn cái mặt kênh kiệu”, được một số người like. Họ liền bị cơ quan chức năng kỉ luật và phạt tiền vì tội “xúc phạm uy tín, danh dự người khác”.
-          Nếu “xúc phạm” tôi như thế, tôi cũng kiện, cho chừa cái thói ăn nói ba lăng nhăng.
-          Vấn đề là, vị “quan” đầu tỉnh này vừa phát biểu trên báo chí rằng không hề biết chuyện này, và không chỉ đạo xử lí ai cả.
-          Ô, hay nhỉ. Các cơ quan chức năng địa phương mẫn cán quá. Không có ai kiện hay yêu cầu gì, chỉ một việc cỏn con mà họ huy động cả bộ máy vào cuộc hết sức rầm rộ. Chỉ trong thời gian ngắn đã đưa vụ việc ra ánh sáng. Thật đáng “khen” cho địa phương này.
-          Tôi lại nghĩ khác. Hình như, chỉ những việc liên quan tới các “quan”họ mới năng nổ thế. Giá như việc của dân mà cũng được các cơ quan công quyền sốt sắng như thế thì tốt biết bao.

Cận 

Không thể hiểu nổi!

    
-          Đã lâu tôi mới lại thấy cảnh người dân Hà Nội xếp hàng trật tự khi mua hàng, cũng thấy vui.
-          Thì thời buổi hội nhập, cũng phải học lấy những nét hay, nét đẹp của các nước chứ. Họ xếp hàng mua gì vậy?
-          Xếp hàng ăn bát bún ngan bác ạ.
-          Thì người ta nấu ngon nên đông khách là bình thường. Quán này bán bún ngan ngoại nhập hay ngan được nuôi theo chế độ đặc biệt hả bác?
-          Không phải. Trước đây quán cũng vắng khách, gần đây nghe đồn cô chủ quán sắp lấy chồng nên mọi người ùn ùn kéo đến. Có người xếp hàng mấy tiếng đồng hồ mới đến lượt.
-          Chắc cô bán hàng đẹp nghiêng nước nghiêng thành nên mọi người đổ xô đến để chiêm ngưỡng lần cuối.
-          Suốt ngày ngồi ôm cái bếp than tổ ong với nồi nước dùng nghi ngút khói thì xinh làm sao được, nhan sắc cũng thường thường bậc trung thôi.
-          Bún nấu không ngon, người bán không đẹp, sao mọi người lại đến đông thế, phải có cái gì đặc biệt chứ.
-          Không những thế cô chủ quán còn luôn miệng mắng khách, vậy mà mọi người vẫn nhẫn nhịn chờ đến lượt.
-          Thật không thể hiểu nổi. Có khi việc tung tin sắp lên xe hoa cũng là chiêu thu hút khách của chủ quán cũng nên. Khi giao thông ùn tắc thì nhiều người cố chen lấn, vượt cả đèn đỏ, gây nên những tai nạn đáng tiếc, trong khi đó lại sẵn sàng xếp hàng đến nửa ngày trời chỉ để ăn bát bún. Có khi đây cũng là “bản sắc” của người Hà Nội, bác nhỉ???

Cận

Thật khó hiểu quá



-          Có lẽ trên thế giới không ở đâu ứng xử với môn lịch sử rẻ rúng như ở Việt Nam bác nhỉ?
-          Tôi cũng nghĩ thế. Chỉ có một môn học thôi mà cả một Bộ, với bộ máy cồng kềnh như vậy mà bàn mãi vẫn không có lối ra, cứ như “gà vướng tóc” cả lượt.
-          Thế theo bác, nên giữ môn này hay bỏ?
-          Giữ chứ. Không chỉ giữ mà nó còn cần được coi như môn học quan trọng nhất. Có mấy ai trên đời thành công được nếu quên nguồn gốc tổ tiên đâu.
-          Tại một hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia hàng đầu vừa diễn ra, Bộ GD&ĐT có ý định tích hợp môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc, đã bị các nhà khoa học phản đối dữ dội.
-          Phản đối là đúng rồi. Lịch sử là khoa học quá khứ, các môn chính trị kia là của thời hiện đại, chúng làm sao bổ trợ cho nhau được.
-          Điều đáng nói đây là hội nghị kín, tuyệt đối không có cơ quan báo chí nào được bén mảng.
-          Như vậy là họ chặn tiếng nói của nhân dân. Một môn học ảnh hưởng đến nhận thức toàn dân mà không lấy ý kiến nhân dân thì lạ thật, ý đồ của lãnh đạo Bộ này là gì?
-          Có trời mà biết được. Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo Bộ gọi đây là sự “sáng tạo”, phù hợp với thực tế hiện nay.
-          Theo tôi, đây là sự ngu dân thì đúng hơn. Xã hội càng hiện đại thì người ta càng phải trân trọng, nâng niu quá khứ.
-          Các nhà khoa học được mời dự cũng nói như vậy đấy. Ai cũng hiểu mà chỉ mình Bộ này chẳng chịu hiểu, thật khó hiểu quá.

Cận 

Sự vô cảm “lên ngôi”


-          Lại đổi điện thoại đấy à, dạo này ăn chơi quá nhỉ?
-          Thì cũng phải hưởng thụ tí chứ. Loại này chụp ảnh đẹp và nét lắm, bác đứng ra chỗ cây hoa tôi chụp cho một kiểu.
-          Thôi, thôi. Mặt tôi đến Trư Bát Giới còn chê, chụp để dọa ma ai. Sao già rồi mà tự nhiên hứng chí chụp ảnh thế bác, đang yêu à?
-          Yêu đương gì đâu. Chẳng là dạo này hay gặp tai nạn giao thông ngoài đường, có cái máy ảnh tốt quay phim, chụp ảnh rồi đưa lên “phây”, nhiều người like cũng thú ra phết.
-          Gặp trường hợp đó sao không lo cứu chữa người bị nạn mà lại quay phim chụp ảnh hả bác?
-          Bác có ra hiện trường các vụ tai nạn mới thấy, có mấy ai lao vào cứu chữa nạn nhân đâu, toàn đứng chụp ảnh bằng điện thoại, lắm khi gây tắc nghẽn cả một đoạn đường dài.
-          Bác không nên a dua với đám đông. Gặp chuyện không may phải ra tay nghĩa hiệp chứ?
-          Thực ra, có lần tôi cũng xông vào cứu một người bị nạn, khi khiêng nạn nhân lên xe cấp cứu, tôi nghe loáng thoáng tiếng dè bỉu sau lưng: “Lão điên”. Có người còn ghé vào tai tôi hỏi nhỏ: “có lấy được gì không?”. Thế là từ đó tôi thề sẽ không quan tâm đến mọi việc xung quanh nữa.
-          Đúng là khó xử thật. Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa, bác để ý đến những kẻ vô cảm đó làm gì?
-          Nghe bác nói vậy, tôi biết mình sai rồi. Sao pháp luật không xử phạt thật nặng những kẻ thờ ơ với số phận đồng loại nhỉ. Loại này còn tồn tại, xã hội sao tiến lên văn minh được.

Cận

Quyền của các ông “huyện”

             
-          Bác thích dùng đồ mới hay đồ cũ?
-          Cũng còn tùy, nhưng về cơ bản tôi thích đồ mới. Có thế mà cũng phải hỏi.
-          Vậy mà người dân ở huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng chỉ thích đi mua bán ở chợ cũ xập xệ, không thích vào Trung tâm thương mại xây dựng khang trang hiện đại, thế có lạ không chứ?
-          Chắc do thói quen hoặc do chợ cũ tiện đường, hàng hóa rẻ hơn nên mọi người thích tới đây mua bán, ở đâu chẳng có chuyện như thế.
-          Vấn đề là, Trung tâm thương mại mới xây hàng trăm tỷ đồng mà vắng như chùa Bà Đanh, các ki ốt bán giá quá cao vượt khả năng các tiểu thương, nên họ cương quyết ở lại chợ cũ.
-          Thế chính quyền địa phương có giải pháp gì chưa?
-          Gần đây, huyện này có văn bản cấm cán bộ, công chức không được mua bán ở khu chợ cũ, nếu vi phạm sẽ bị phạt, bị trừ thi đua.
-          Mọi người vào chợ mua bán chớp nhoáng, ai biết mà phạt?
-          Huyện yêu cầu các đơn vị phải lập những ban bệ, cát cử người hàng ngày đứng ở cổng chợ cũ ghi hình rồi cuối tuần báo cáo, huyện sẽ xử lí nghiêm.
-          Thời buổi kinh tế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, ai cho huyện cái quyền ngăn sông cấm chợ như  vậy. Chỉ cần hạ giá sạp, ưu đãi thuế, có người trông giữ phương tiện cho khách là mọi người chuyển sang chợ mới ngay, sao phải dùng biện pháp tiêu cực như thế?
-          Các ông “quan” huyện giờ quyền to lắm. Họ muốn làm gì thì làm, ai làm gì được họ chứ.

Cận

Phải biết lo cho dân chứ

            
-          Một cơ quan y tế uy tín thế giới vừa công bố số liệu cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh ung thư nước mình cao nhất thế giới, gây ra cái chết của 75 nghìn người mỗi năm đấy.
-          Người Việt Nam mình ai chẳng biết điều này. Biết mà có tránh được đâu.
-          Theo bác thì nguyên nhân do đâu, do di truyền hay do các nguyên nhân khách quan?
-          Tất cả là do thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm. Thời gian vừa qua, nhờ chuyến “vi hành” của mấy vị lãnh đạo cấp cao, người ta phát hiện ra nhiều sự việc lạnh gáy. Ngoài số thực phẩm bẩn nhập từ nước ngoài, người Việt mình đang đầu độc lẫn nhau.
-          Tôi còn biết chuyện, một vị phó Thủ tướng khi thăm gia đình nông dân đã phát hiện nhiều vườn rau có một luống được trồng riêng để gia đình sử dụng. Số còn lại đều xanh tốt, được tưới bằng nhiều loại hóa chất độc hại để bán ra thị trường. Đồng bào với nhau mà sao họ độc ác thế nhỉ?
-          Đừng đổ lỗi cho người dân, tất cả là do sự yếu kém của các cơ quan chức năng thôi. Trước thực trạng này mỗi người chúng ta phải tự biến mình thành người tiêu dùng thông thái.
-          Bác nói như con vẹt vậy. Thông thái sao được khi trong danh mục hơn 2000 chất hóa học bị cấm sử dụng trong thực phẩm, chúng ta mới có khả năng kiểm định được có 600 chất. Làm sao người dân phân biệt được thực phẩm nào bẩn, thực phẩm nào sạch.
-          Nhưng các cơ quan chức năng cũng lực bất tòng tâm bác ạ. Trên bàn của Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia có quả táo để 5 tháng vẫn tươi roi rói, biết là bị tẩm hóa chất mà cũng đành bó tay.
-          Nếu bó tay trước sự diệt vong của dân tộc thì những người như ông ta còn ngồi trên cái ghế đấy làm gì. Muốn người dân là nhà tiêu dùng thông thái, trước hết nhà quản lí phải lo cho dân chứ.

Cận

Nhìn mà sốt cả ruột

             
-          Sao phòng bác toàn mùi thịt hầm vậy?
-          Tháng vừa rồi ở nhà phải nộp tiền điện nhiều quá, tôi tranh thủ nấu nhờ ở cơ quan, chiều về có cái ăn ngay, đỡ phải nấu.
-          Chính phủ vừa ban hành văn bản về định mức trang thiết bị cho cán bộ, công chức, trong đó có điều khoản nghiêm cấm sử dụng thiết bị cơ quan vào việc riêng, bác không biết sao?
-          Ôi dào, ai chẳng làm thế. Bác vẫn thường mang quần áo đến cơ quan giặt còn nói gì tôi. Tôi với bác làm thế đã nhằm nhò gì. Việc trang bị cho các sếp mới kinh. Mỗi năm nhà nước phải chi hàng nghìn tỷ đồng cho việc này đấy.
-          Làm lãnh đạo người ta cần được trang bị máy móc hiện đại mới có thể điều hành công việc tốt được. Việc đầu tư nhiều cho họ cũng hợp lí thôi, bác không nên so bì.
-          Nhưng tôi thấy vô lí lắm. Lắm ông có biết sử dụng máy tính đâu mà bắt cơ quan mua cho máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng. Nhiều người mang về nhà cho vợ con dùng.
-          Người ta là sếp, người ta có quyền. Còn tôi với bác chỉ là anh bảo vệ phải biết tiết kiệm cho cơ quan chứ.
-          Đành rằng là thế, nhưng nhìn cảnh ông sếp nào mới lên cũng cho sửa sang lại phòng làm việc hoành tráng, máy móc, thiết bị của người tiền nhiệm dù còn tốt cũng cho thanh lí hết, sắm đồ mới, tôi thấy sốt ruột lắm.
-          Tôi cũng thấy thế, nhưng biết làm sao được. Họ là sếp mà. Chỉ thương cho nhà nước và người dân phải è cổ gánh chịu sự lãng phí này đã bao năm nay. Chẳng biết đến bao giờ, đội quân ăn bám này mới bị triệt tiêu hết. Càng nghĩ đến càng thấy chán.

Cận

Làm đường để… ngắm

               
-          Qua mấy năm thực hiện chương trình Nông thôn mới tôi thấy đổi thay nhiều quá. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân được nâng lên rất nhiều, ai cũng mừng.
-          Nhưng cũng còn không ít nơi lợi dụng chủ trương của Nhà nước, vung tay quá trán, khiến dư luận bất bình.
-          Lại có nơi nào đòi xây trụ sở nghìn tỷ hả bác?
-          Lộc Hà tỉnh Hà Tĩnh là một huyện nghèo, dân cư thưa thớt, chưa có thị trấn mà vừa rồi làm con đường rộng 10 làn xe ô tô với số vốn đầu tư đến 240 tỷ đồng, tôi thấy lãng phí quá.
-          Phải biết nhìn xa trông rộng chứ. Thời buổi kinh tế phát triển như vũ bão thế này chẳng mấy lúc nhà ai cũng có ô tô, làm đường rộng thế sau đỡ phải làm lại, mệt lắm.
-          Đành rằng là như thế, nhưng nhìn cảnh đìu hiu cả ngày có vài người đạp xe qua đây, cả tuần mới thấy một chiếc ô tô chạy trên đường, tôi thấy cứ nao nao thế nào ấy.
-          Càng ít xe qua, đường càng lâu hỏng, nhà nước không phải đầu tư sửa chữa, sướng quá còn gì.
-          Vấn đề là đời sống bà con nơi đây rất khó khăn. Họ đang rất cần vốn để đầu tư sản xuất. Trong khi đó, chính quyền Huyện lại cho làm con đường để trâu bò chiều chiều dạo mát khiến hiệu quả sử dụng đồng vốn nhà nước không cao.
-           Bác không thấy ở một số nước tiên tiến họ cho bò nghe nhạc giao hưởng, uống sữa người à. Làm đường cao tốc cho trâu bò thư giãn cũng tốt. Thịt sẽ mỡ màng, mới cạnh tranh được với thịt bò Kobe chứ. Phải đầu tư cho huyện này làm đường rộng hơn nữa, như thế mới là người có tầm nhìn, bác hiểu chưa???

Cận 

Hoan hô phạt “nguội”

             
-          Từ nay đi xe ngoài đường bác chớ phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách nhé.
-          Tôi vốn đi đứng vẫn cẩn thận mà. Chỉ thỉnh thoảng, khi đường vắng, không có công an tôi mới vượt đèn đỏ vì có việc vội thôi.
-          Từ 1/12 này, cơ quan chức năng sẽ tiến hành phạt “nguội”, thế nào cũng có ngày bác bị tóm.
-          Phạt “nguội” khác phạt “nóng” ở điểm gì hả bác?
-          Tức là ở các ngã tư sẽ có camera ghi hình. Ai vi phạm sẽ được gửi vé phạt đến tận nhà.
-          Sướng quá. Được nộp tiền ở nhà, không phải đứng xin xỏ giữa ngã tư, ngượng lắm.
-          Cũng không vui vẻ như bác nghĩ đâu. Ngoài vé phạt cơ quan công an còn gửi thông báo về nơi cư trú, gửi cả cho cơ quan bác đang làm việc. Căn cứ ở những thông báo này, đơn vị quản lí sẽ trừ thi đua. Nếu tái phạm nhiều lần sẽ tịch thu bằng lái.
-          Nào tôi có muốn vi phạm làm gì. Chẳng qua thấy nhiều người vô tư vượt đèn đỏ tôi thấy sốt ruột quá nên cũng a dua theo thôi.
-          Già rồi mà còn “đú”, từ nay chừa cái thói ấy đi nhé.
-          Thế nhỡ hệ thống đèn tín hiệu bị trục trặc, có lần đèn xanh vừa bật lên vài giây đã chuyển sang đỏ thì làm thế nào?
-          Bác yên tâm, khi đã thực hiện việc phạt “nguội”, đội ngũ kĩ thuật ngành điện sẽ thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống đèn tín hiệu, không để xảy ra trường hợp oan sai đâu.
-          Hi vọng là thế. Hình thức phạt này cũng sẽ triệt tiêu được cảnh xin xỏ, gọi điện cho ông bác nào đó, bác nhỉ. Hoan hô phạt “nguội”.

Cận

Hi vọng mong manh

       
-          Hôm vừa rồi đọc báo đưa tin chuyện một ông thủ tướng ở nước ngoài phải ngồi trong toa lét suốt hành trình khiến tôi cảm phục quá.
-          Ông ấy bị Tào Tháo đuổi hay sao mà phải ngồi trong đó?
-          Không phải. Chuyến bay đông khách quá, hết ghế. Để không bị trễ hẹn, ông ấy chấp nhận ngồi trên xí bệt suốt mấy giờ đồng hồ.
-          Chắc cấp dưới lười biếng không đi đặt vé cho ông ấy sớm?
-          Tôi không rõ, nhưng ông ấy rất vui vẻ với sự trải nghiệm này.
-          Ở các nước văn minh, việc một ông thủ tướng phải xếp hàng mua vé xem hòa nhạc, chờ đến lượt để ăn cái bánh mì là bình thường. Họ coi làm chính khách cũng chỉ là một nghề như bao nghề khác, không có ưu tiên ưu đãi nào cả.
-          Nghe nói ở mình cũng có ông bộ trưởng sử dụng xe buýt, xe ôm khi đi công cán mà.
-          Cũng có, nhưng mà hiếm lắm. Nhiều người làm thế để “diễn” mà thôi, cả đời chỉ thực hiện một vài lần.
-          Sao cán bộ nước mình ít sử dụng các phương tiện công cộng thế nhỉ?
-          Tại cái quyền thường gắn với cái lợi. Chức càng to thì lương bổng càng lớn. Từ đây dẫn đến bệnh “nghiện” hưởng thụ. Sắp tới, nhà nước sẽ cắt chế độ xe cộ phục vụ cá nhân một số đối tượng, ngăn chặn các khoản thu nhập không minh bạch. Hi vọng biện pháp đó sẽ ít nhiều làm trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, sẽ khiến họ gần dân hơn.

Cận

Còn thiếu sự cảm thông

            
-          Thế mới thấy nhân tài nước mình không bao giờ thiếu, bác nhỉ.
-          Đúng thế. Chỉ có điều cơ chế phát hiện và nuôi dưỡng người tài ở ta còn nhiều tồn tại quá. Lại mới có em nào giành huy chương vàng toán quốc tế à?
-          Những cái viển vông đó bàn làm gì. Có chàng thanh niên tên là Trần Đại Nghĩa ở thôn Đông Hoàng xã Đông Hoàng huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình đã phát minh ra máy cấy lúa đấy.
-          Loại máy này người ta phát minh đầy ra rồi sao không mua một cái về dùng mà phải mày mò nghiên cứu làm gì cho vất vả?
-          Loại máy bác vừa nói đều có động cơ chạy bằng xăng hoặc điện rất cồng kềnh, đắt đỏ. Máy của anh chàng này không tốn nhiên liệu mà hiệu quả lao động rất cao.
-          Thế thì anh này sắp giàu to rồi. Nhà nông nào chẳng cần một cái như thế?
-          Bác lúc nào cũng nghĩ đến tiền. Anh này bảo sẵn sàng chuyển giao công nghệ miễn phí cho người dân. Anh ấy cho biết chế tạo cái máy này vì thương mẹ và bà con nông dân nghèo hàng ngày phải vất vả còng lưng cấy lúa ngoài đồng.
-          Thế hàng chục nghìn nhà khoa học nước mình nghĩ gì về hiện tượng này?
-          Ai biết họ nghĩ gì trong đầu. Chỉ thấy họ im thin thít như thịt nấu đông.
-          Sao họ toàn nghiên cứu những cái xa xôi mà không làm những cái đơn giản nhưng thiết thực như chàng thanh niên quê Thái Bình này nhỉ?
-          Để làm được những cái đó không chỉ cần có trí tuệ mà còn cần sự cảm thông, tình thương rất sâu sắc. Tôi có cảm giác các nhà khoa học của ta còn thiếu thứ này.

Cận

Bất chấp hậu quả


-          Bác có rảnh đi ăn cháo ếch Singapore với tôi cho vui.
-          Vừa trúng “mánh” gì nên chiêu đãi tôi phải không?
-          Cùng cánh về hưu với nhau tôi làm gì có tiền trả cho cả 2 người. Ai ăn tự trả chứ.
-          Nếu vậy thì bác đi một mình thôi. Đây là món đặc sản đắt tiền tôi làm gì có khả năng vào đó.
-          Ngay đầu phố có quán ếch, ai muốn ăn bao nhiêu tùy thích, trả bao nhiêu cũng được, mà không trả tiền cũng chẳng sao. Tôi với bác tới đó cho biết.
-          Tôi hiểu rồi. Đây là chiêu thu hút khách hàng. Những ngày đầu họ miễn phí. Khi khách đã quen và chấp nhận món ăn ở đây rồi lúc đó họ mới tính giá cắt cổ.
-          Sau này thế nào chưa rõ, hôm nay được ăn miễn phí là khoái rồi, chúng mình tới đó đi.
-          Tôi không đi đâu. Lỡ “nghiện” cháo ếch, sau này lấy tiền đâu mà ăn thường xuyên được.
-          Tôi thấy mọi người ùn ùn kéo đến ăn. Có người ăn tới mấy suất mà chẳng trả đồng nào, tôi thấy ham quá.
-          Nhiều người Hà Nội cũng giống y như bác vậy, hễ thấy ở đâu khuyến mại hay miễn phí cái gì là đổ xô đến, bất chấp hậu quả thế nào. Người nước ngoài họ không như thế. Họ rất cảnh giác với cái gì bất thường, bởi họ quan niệm rất rõ ràng không ai cho không mình cái gì cả. Bác thích thì cứ đi, tôi xin kiếu, ở nhà ngủ cho khỏe.

Cận

Bài học thấm thía

   
-          Nghe nói Việt Nam sắp trở thành vựa rau an toàn của châu Á, bác có vui không?
-          Tất nhiên là vui rồi. Nhà nước đổ ra hàng tỷ đô-la đào tạo các kĩ sư nông nghiệp giờ bắt đầu phát huy hiệu quả đây.
-          Ai bảo bác thế. Trong khi các nhà khoa học nước ta đang “ngủ đông”, thì một người đàn ông Nhật đã lặn lội sang Việt Nam, tới Đà Lạt thuê đất trồng rau sạch. Rau của ông này đã được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, được quốc tế đánh giá cao.
-          Tiền họ nhiều, lại được ưu tiên thuê những mảnh đất màu mỡ nhất, sản phẩm làm ra tốt là đương nhiên rồi.
-          Không phải như vậy. Số vốn ông này bỏ ra còn thấp hơn nông dân Việt. Ông thuê mảnh đất cằn cỗi bị bỏ hoang rồi cải tạo với chi phí thấp nhất. Giờ đây, đến thăm vườn rau sạch này ai cũng phải thán phục.
-          Giá sản phẩm của ông ta chắc cao lắm, người mình làm gì có tiền mà ăn.
-          Bác nhầm rồi. Rau của ông ấy thấp hơn ngoài chợ nhiều, ai cũng khen sạch và an toàn.
-          Sao người nông dân mình không học theo lối làm ăn này nhỉ.
-          Ông người Nhật này bảo, để trồng được rau sạch, không phụ thuộc nhiều vào kĩ thuật, tất cả đều xuất phát từ cái tâm của người trồng trọt. Ông sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho tất cả những ai biết gạt bỏ lợi nhuận trước mắt, biết sống có trách nhiệm với cộng đồng, không dùng chất cấm trong trồng trọt. Đây đúng là bài học thấm thía cho mỗi người Việt, bác nhỉ.

Cận

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Chớ tạo tiền lệ

             
-          Có lẽ đợt này tôi phải bán chiếc xe ô tô thôi bác ạ, chi phí nuôi xe kinh khủng quá.
-          Sao xe vừa mua mà đã bán hả bác. Tốn kém một tí đã kêu, để dùng cho sướng, mưa không tới mặt nắng không tới đầu.
-          Tôi cũng muốn thế nhưng tiền xăng, tiền bến bãi, bảo dưỡng định kì đã mất đứt tháng lương rồi, giờ lệ phí đường tăng gấp mấy lần, ai chịu nổi.
-          Nghe nói chỉ có trạm thu lệ phí trên Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Lương Sơn tỉnh Hòa Bình là thu phí cao bất thường thôi, các nơi khác vẫn thế mà?
-          Đây là một tiền lệ, các nơi thấy nơi khác thu cao được, họ sẽ té nước theo mưa ngay. Bán xe trước đi cho lành.
-          Không hiểu ai cho phép thu phí đoạn đường này cao gấp 2,5 lần đoạn Pháp Vân- Cầu Giẽ nhỉ?
-          Nghe nói Bộ Tài chính đã đồng ý cho thu mức đó trong 27 năm.
-          Theo người dân phản ánh thì trạm thu phí đặt ở khu vực chia đôi thi trấn, vậy cán bộ hàng ngày đi làm, người đưa đón con đi học bằng ô tô qua lại ngày mấy lượt thì lấy đâu ra tiền để trả?
-          Bác hỏi tôi, tôi biết hỏi ai. Không có tiền thì đừng đi ô tô nữa, chuyển sang xe máy, xe đạp hay đi bộ cho khỏe.
-          Xã hội hiện đại rồi, bác nói thế khó nghe quá. Nếu thu cao thế, các lái xe sẽ tìm đường khác để vượt trạm thì làm thế nào?
-          Người ta đã tính toán cả rôi. Đây là con đường độc đạo, không có lối rẽ nào cả, buộc mọi ô tô phải qua đây mới đi được tiếp. Họ khôn lắm chứ đâu có khờ như tôi với bác.

Cận 

Coi trời bằng vung

         
-          Nhìn tấm ảnh cưới này bác đoán cô dâu bao nhiêu tuổi?
-          Tầm mười tám, đôi mươi. Thân hình nảy nở thế cơ mà.
-          Bác nhầm rồi. Cô ấy mới 14 tuổi thôi.
-          Bác cứ đùa. Tuổi này ai người ta cho làm đám cưới?
-          Thế mà có đấy. Chuyện này xảy ra tại xã Hương Quang huyện Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh. Cô dâu khi làm đám cưới vừa tròn 14 tuổi, còn chồng 21 tuổi.
-          Việc tảo hôn luật pháp đã nghiêm cấm. Trường hợp này sẽ bị phạt nặng, chú rể thậm chí sẽ bị phạt tù về tội giao cấu với trẻ em. Hay gia đình và bản thân chú rể “nhầm”, không biết cô dâu là trẻ con?
-          Trái lại, họ biết rất tường tận, nhưng vẫn tổ chức cưới hỏi rất linh đình.
-          Họ là con cháu nhà ai mà dám ngang nhiên trà đạp lên pháp luật và dư luận như vậy?
-          Bố chú rể là phó Chủ tịch xã, ai dám  làm gì.
-          Chà, “ca” này khó đây, thường thì những vụ việc tương tự như vậy rất dễ “chìm xuồng”. Quan xa bản nha gần mà.
-          Chìm làm sao được. Nghe nói Huyện đã buộc ông bố thích có con dâu trẻ này làm kiểm điểm, còn hình thức kỉ luật đến đâu chưa thấy nói đến.
-          Theo tôi, vụ này phải xử nghiêm cả bố lẫn con, nhất là đối với quan chức vi phạm. Không thể để họ coi trời bằng vung được. Có thế mới giữ được lòng tin của người dân đối với chính quyền.

Cận

Kêu lắm chỉ mỏi mồm

    
-          Bác vào TP HCM thăm bà con mà phải mang theo ủng làm gì?
-          Trong đấy đang mùa mưa, mang theo để lội nước chứ còn làm gì nữa. Vào chơi có mấy bữa mà mắc bệnh ghẻ thì chết.
-          Làm gì đến nỗi thế. Người dân vẫn đi lại bình thường mà. Có ai kêu ca gì đâu?
-          Họ kêu mãi rồi nhưng tình hình ngập nặng mỗi khi mưa xuống không những không được cải thiện mà ngày càng trầm trọng hơn nên tốt nhất là im lặng, đỡ mỏi mồm, nhức đầu.
-          Chuyện ngập do triều cường hay mỗi khi mưa xuống diễn ra đã lâu. Thành phố này đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng mà sao tình hình vẫn không được cải thiện nhỉ?
-          Số tiền đấy bay nhảy những đâu có trời mới biết. Chỉ khổ người dân, mỗi khi nghe dự báo thời tiết, mọi người phải đến công sở từ 4 giờ sáng, nhiều khi nửa đêm mới về được đến nhà. Ngoài đường thì tràn ngập xe chết máy,người ướt như chuột, chỉ béo mấy ông sửa xe.
-          Trong đấy nóng, dầm người trong nước cho mát, về nhà đỡ phải tắm, sướng quá còn gì.
-          Toàn nước cống đen ngòm, hôi thối dễ gây bệnh tật chứ báu gì. Nhiều nhà ngập hàng mét, mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra trên đó, khổ cho đám trẻ con quá.
-          Nhân tiện những lúc như thế thì dạy con cháu tập bơi. Cá từ sông chui vào nhà, tha hồ bắt, đỡ phải đi chợ tốn tiền.
-          Trước thực trạng đó mà bác còn đùa được. Ăn, ngủ, đi lại trong úng ngập quanh năm như thế, không bị bệnh ngoài da, sốt xuất huyết mới là lạ. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà thế này thì chết dân.

Cận

Mãi là “trẻ con”

          
-          Sau ngày về hưu, ước mơ lớn nhất của bác là gì.
-          Do vẫn còn sức khỏe tốt, nên tôi muốn mở một quán phở. Tôi khoái món này nên muốn ăn lúc nào cũng được, tùy thích.
-          Nhưng tôi khuyên bác chỉ mở quán nhỏ thôi, mà cũng đừng nấu ngon quá, khách đến tấp nập thì chết.
-          Bác dở người à. Ai kinh doanh chẳng muốn làm ăn lớn, khách hàng càng đông càng tốt?
-          Đấy là bác không hiểu luật nên nói thế thôi. Nếu bác thuê từ 10 nhân công trở lên, thì quán của bác sẽ trở thành doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức là phải có giám đốc, thủ quĩ, kế toán, không được kiêm nhiệm. Nghĩa là người rửa bát không được làm thủ quĩ…
-          Vậy là tôi làm Giám đốc phở, khoái quá. Nhưng giờ phải nuôi thêm bộ máy bác vừa nói thì lấy tiền đâu ra?
-          Vậy thuê 9 người làm trở xuống thôi, mà chớ có kí hợp đồng đấy, đỡ phải mua bảo hiểm, không phải nộp 2% doanh thu cho công đoàn…
-          Như vậy là bác xui tôi lách luật à, nhỡ cơ quan chức năng đi kiểm tra thì sao?
-          Đến lúc ấy hẵng hay. Doanh nghiệp nào chẳng làm thế, như vậy mới sống nổi.
-          Chi phí thế ai còn ai dám kinh doanh nữa, làm sao mà cạnh tranh nổi. Qui định nào ra đời thì cũng phải khiến doanh nghiệp tâm phục khẩu phục, vui vẻ tuân theo, chứ cứ tận thu, cứng nhắc thế này thì nền kinh tế sẽ mãi là “trẻ con”, vươn ra thế giới sao được.

Cận 

Chỉ vì sự tắc trách

         
-          Kì thi tuyển sinh đại học năm nay đúng là có quá nhiều chuyện cười ra nước mắt, bác nhỉ?
-          Lại có chuyện gì sao. Kì thi kết thúc đã lâu, các cháu đã nhập học hết rồi mà.
-          Thế mà vẫn có chuyện đấy. Đó là trường hợp cháu Nguyễn Xuân Anh Tuấn ở Quảng Ngãi thi đỗ vào trường Đại học Y Dược Huế. Cháu này nhập học đã được hơn một tháng bất ngờ nhận được thông báo thiếu điểm trúng tuyển vì không thuộc diện ưu tiên.
-          Tôi tưởng khi xét tuyển các cháu phải mang giấy chứng nhận ưu tiên theo để cán bộ làm thủ tục đối chiếu, nếu hợp lệ sẽ được thông qua chứ?
-          Khi xét tuyển thì hợp lệ, nhưng sau rà soát lại thì không ổn nên nhà trường quyết định không cho cháu học lớp này nữa.
-          Vậy lỗi do đâu. Cháu này nhập học đã khá lâu, giờ lại bị đuổi ra đường, như thế đâu có được?
-          Thì nhà trường đã cho cháu được học một thời gian để biết mùi trường đại học là thế nào rồi. Có phải ai cũng được “diễm phúc” thế đâu.
-          Không được. Nếu ngay từ khi xét tuyển mà làm chính xác, cháu bị trượt trường này vẫn có thể đăng kí vào trường khác thấp điểm hơn. Bây giờ các trường đã nhận đủ người, cháu chỉ còn mỗi nước về quê thôi.
-          Thì về quê một năm cũng tốt chứ sao, tha hồ có thời gian ôn luyện, năm sau thi lại.
-          Bác nói thế không được. Một năm trời lỡ làng tốn bao thời gian, tiền bạc, gây mất niềm tin của giới trẻ ai thì ai chịu trách nhiệm. Nếu cháu bị đuổi học thì cũng phải kỉ luật vị cán bộ tuyển sinh, như thế mới công bằng.

Cận

Một tấm lòng nhân văn


-          Ở đời quí nhất cái gì hả bác?
-          Nhiều thứ lắm, nhưng theo tôi, quí nhất đôi mắt.
-          Tôi cũng nghĩ thế. Vừa qua có chàng thanh niên, vì thương người khiếm thị đi lại vất vả đã phát minh thành công thiết bị giúp người mù đi lại thoải mái mà không sợ vấp ngã đấy.
-          Sản xuất đại trà cái đấy có nhiều tiền không?
-          Không kể chi phí nghiên cứu, mỗi sản phẩm làm ra hết 2 triệu đồng.
-          Ở Việt Nam hiện có 1,2 triệu người khiếm thị, trong đó có 300 nghìn người mù, chàng trai này rồi sẽ giàu to.
-          Tại Hội nghị các nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi vừa rồi, nhà khoa học trẻ này tuyên bố sẽ tặng miễn phí sản phẩm của mình.
-          Thật sao. Thế thì đáng quí quá. Gia đình anh này chắc vào hạng siêu đại gia mới chịu nổi gánh nặng này.
-          Đâu có. Cậu ấy cũng thuộc hạng nghèo. Tại Hội nghị này, Thủ tướng đã quyết định Chính phủ sẽ tài trợ hoàn toàn cho dự án. Ngoài ra, còn có 200 doanh nghiệp đứng sau giúp đỡ. Nghe nói, sản phẩm đã được xuất khẩu sang Mỹ.
-          Thật tuyệt vời. Giá như nhà khoa học nào cũng biết vượt qua sự ích kỉ cá nhân, cũng tâm huyết với người khuyết tật thế này thì thật là vui. Một xã hội thật sự tốt đẹp là nhờ những tấm lòng nhân văn như thế, bác ạ.

Cận

Chẳng coi ai ra gì

              
-          Trộm cướp ngày càng lộng hành quá, không còn coi ai ra gì.
-          Khổ thân. Lại vừa mất cắp gì sao, tôi đã nhiều lần bảo bác phải cẩn thận, mà bác không nghe?
-          Không phải. Ý tôi muốn nói về nạn cát tặc kia.
-          Chuyện này thì báo chí đã nói nhiều, nhưng tình hình vẫn ngày càng nghiêm trọng.
-          Vấn đề là, hôm vừa rồi có vị lãnh đạo rất to đi thị sát bờ sông giáp ranh giữa Hà Nội với Hưng Yên. Trong khi ở bờ bên này vị lãnh đạo đang có những chỉ đạo sát sao đối với địa phương, thì ở giữa sông, tàu to, tàu nhỏ vẫn ung dung hút cát.
-          Thế chính quyền địa phương phía bên kia sông đi đâu mà để cát tặc ngang nhiên hoạt động vậy?
-          Có trời mà biết được. Chuyện này xảy ra đã lâu, giữa ban ngày ban mặt. Việc xử phạt chỉ như đuổi ruồi, chẳng khiến ai sợ cả.
-          Thôi thì, cát là của trời cho. Không khai thác thì nó cũng trôi hết ra biển, phí lắm.
-          Bác nói thế không được. Việc khai thác cát bừa bãi sẽ nắn dòng chảy, tác hại rất lớn về môi trường sinh thái.
-          Bác cứ quá lo xa. Tác hại môi trường đâu chưa thấy, nhưng nhỡn tiền là không có cát thì việc xây dựng nhà cửa sẽ bị đình trệ ngay.
-          Thế bác có biết, việc khai thác cát quá nhiều sẽ gây sụt lún lòng sông, khiến đất hai bên bờ sụt xuống, cuốn trôi bao nhà cửa và sinh mạng con người không?
-          Kinh thế kia à. Vậy chúng ta phải khẩn trương dẹp bỏ thực trạng này. Trước mắt phải phạt nặng, tịch thu phương tiện của cát tặc. Nếu địa phương nào để tái diễn phải kỉ luật người đứng đầu.

Cận

Chán như con gián


-          Sáng ra sao mặt mũi phờ phạc thế bác?
-          Cả đêm có ngủ đâu, thức xem bóng đá. Bác có vẻ không khoái “món” này lắm nhỉ?
-          Tôi chỉ thích xem giải Ngoại hạng Anh thôi.
-          Nghe nói,có khả năng sắp tới ti vi sẽ không phát trực tiếp giải đấu này vì giá thầu cao quá. Giá bản quyền cho 3 mùa tới có thể lên tới 80 triệu USD, gấp mấy lần so với kì trước.
-          Chắc phía nước ngoài thấy người dân nước mình hâm mộ giải đấu này quá nên họ tăng giá?
-          Chẳng phải. Nhà đài nào cũng muốn độc quyền phát sóng nên cạnh tranh nhau theo kiểu mạnh ai nấy được. Họ liên tục đẩy giá lên cao để vượt qua đối thủ, và phía nước ngoài đã lợi dụng việc này để tăng giá.
-          Sao họ không ngồi lại với nhau đề ra phương hướng đấu thầu thống nhất, sau đó chia sẻ bản quyền tùy theo đóng góp của từng đơn vị nhỉ?
-          Được thế thì người hâm mộ đã không phải lo lắng. Đằng này họ lại luôn tìm cách chơi xỏ nhau, ai cũng muốn tranh giành “miếng bánh” béo bở, đạp đối thủ cạnh tranh xuống đất đen. Họ đâu biết rằng, làm thế tất cả đều thiệt.
-          Chẳng cứ gì bóng đá, ngành nghề nào cũng rất thiếu tinh thần đoàn kết. Với chính đồng bào mình, các doanh nghiệp Việt luôn tìm cách “dìm hàng”, triệt hạ nhau, nhưng khi bước ra thương trường quốc tế thì ép rệp. Như thế thì làm sao mà ngẩng đầu lên được. Đúng là chán như con gián.

Cận