Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Phạt nặng cho chừa



-       Giờ tôi mới thực sự tin công nghệ làm thay đổi cuộc sống.
-       Sắp xuống lỗ rồi mới nhận ra điều đó là quá muộn. Lại có chuyện gì khiến bác bức xúc thế?
-       Chẳng là vừa rồi có hành khách nhắn tin bằng điện thoại cho một vị bộ trưởng phản ánh chuyện bị chặt chém 100 nghìn đồng bát mì tôm ở sân bay Nội Bài, vụ việc ngay lập tức được xử lí rốt ráo.
-       Vậy sao, bát mì với mấy lạng thịt bò ngoại tính thế là còn rẻ đấy, kêu ca gì?
-       Đâu có, mì chay thôi, trong siêu thị có mấy nghìn đồng một gói.
-       Nếu thế thì quá đáng thật. Quản lí sân bay đi đâu mà để cho người ta lộng hành vậy?
-       Ai biết họ làm gì. Thực trạng này chắc chắn xảy ra đã lâu giờ mới bị lộ tẩy, tôi thấy thương hành khách nước mình quá.
-       Đi máy bay toàn người giàu có, ăn uống đắt một chút thì có chết ai.
-       Bác nói thế sai rồi, việc nào đi việc đó chứ. Người ta vui vẻ bỏ ra nhiều tiền đi máy bay bởi phương tiện này an toàn, nhanh chóng, trong khi gói mì chay có ngon hơn bình thường đâu mà ăn lãi gấp gần 20 lần, vô lí quá?
-       Gớm, cả đời bị ăn đắt có một lần mà ầm ỹ cả lên, sốt ruột.
-       Vấn đề không phải ở chỗ đó. Sân bay là nơi thường xuyên đón bạn bè quốc tế. Bị chặt chém như thế ai còn muốn quay trở lại Việt Nam nữa.
-       Thì hai gian hàng ở đó đã bị đóng cửa rồi, còn bị phạt 8 triệu đồng mà.
-       Phải phạt nặng hơn nữa để cho chừa cái thói buôn gian bán lận đấy đi.

Cận

Một nửa mùa xuân.

         

-       Cứ vào dịp cận tết tâm trạng tôi lại thấy bâng khuâng, bùi ngùi bác ạ.
-       Chắc lại nhớ một tình yêu lãng mạn nào đó từ nửa thế kỉ trước chứ gì?
-       Yêu đương gì, tôi thấy ngậm ngùi cho cảnh ăn tết của người nghèo thôi. Báo chí đưa tin có đơn vị cho công nhân một gói mì chính, giáo viên vùng cao mới thảm, có nơi cho có 30 nghìn đồng, trong khi ở một thành phố phía Nam người ta công bố có đơn vị thưởng tết tới nửa tỷ đồng.
-       Mấy chục nghìn đồng chưa ăn được bát phở tử tế thì mua sắm được gì nhỉ?
-       Có cô giáo cho biết với số tiền “thưởng” tết đó, cô sẽ mua mấy lạng thịt bày lên ban thờ cúng tổ tiên, sau đó mang xuống rang với nửa cân muối dành cho các con ăn dần.
-       Ăn mặn thế thì hại thận lắm. Dẫu sao thì các thầy cô cũng ở vùng cao, nơi có khí hậu trong lành, non nước hữu tình, suốt ngày được đi chơi, bụng có đói một chút cũng được. Ăn lắm chỉ tổ bệnh tật chứ báu gì.
-       Bác nói thế không được. Cả năm mới có ngày tết, ngày mà mọi vạn vật đều bình đẳng, hân hoan trước vũ trụ mà lại kẻ đói người thừa mứa tôi thấy mùa xuân mới chỉ có ý nghĩa một nửa.
-       Một nửa thì vẫn là xuân. Bụng đói chân không bước nhanh được, phải thong thả mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của đất trời. Thế mới gọi là vãn cảnh chứ. Trong cái rủi lại có cái may, bác nhỉ.

Cận

Đề xuất giời ơi



-       Bác mua giày để chơi tenis đấy à?
-       Bằng này tuổi rồi chơi làm sao được món đó, tôi tập đi bộ thôi.
-       Đúng đấy, thể dục sẽ đẩy lùi được bệnh tật, tôi với bác cùng tập nhé?
-       Tập cho khoẻ chỉ là một lí do thôi, tôi đi bộ cho quen bởi Bộ Y tế đang đề xuất sắp tới sẽ cấm người bị cận hoặc viễn trên 5 đi -  ốp không được điều khiển phương tiện giao thông.
-       Nghe na ná như lệnh cấm ngực lép không được đi xe máy ấy nhỉ. Những người giảm thị lực có thể khắc phục bằng kính mà?
-       Đúng thế, nhưng bộ này không quan tâm với lí do người mắt kém cũng là người yếu sức khoẻ nên phải cấm.
-       Nếu vậy thì có đến quá nửa dân số nước mình mắc bệnh về mắt. Tỷ lệ người trẻ tuổi đang ở độ tuổi lao động bị cận là rất lớn, cấm họ điều khiển xe máy, ôtô thì họ đi làm bằng gì?
-       Thì đi xe buýt cho an toàn.
-       Chưa cấm mà xe buýt đã quá tải, giờ thêm số người mắt kém này nữa thì lên nóc xe ngồi à. Đối với người khuyết tật, nhà nước còn có văn bản hướng dẫn họ điều khiển phương tiện an toàn trong khi lại cấm người bị cận hoặc viễn thì vô lí quá.
-       Tôi cũng nghĩ như bác vậy. Để xác định người mắt kém trên 5 đi-ốp không đơn giản. Cảnh sát giao thông sắp tới phải đi học nhãn khoa. Mỗi người phải được trang bị một máy đo mắt, phạt không đúng có mà mất nghiệp.

Cận  

Chẳng bằng con kiến



-       Đi đâu mà vội vàng thế bác?
-       Tôi tới thăm chị Phạm Thị Thu Hương ở Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Chị này dù mắc bệnh thấp nặng nằm một chỗ nhiều năm nay nhưng vẫn tìm cách cứu đời.
-       Thật sao, bệnh tật thế cứu mình chẳng nổi còn giúp được ai?
-       Chị giờ cân nặng còn khoảng 30kg, con lại còn nhỏ, sinh sống trong túp lều rách nát vậy mà vừa rồi làm đơn xin hiến thận đấy.
-       Có những nghĩa cử lớn đến vậy sao? Ngày hiến máu nhân đạo vừa rồi cũng thế, có những sinh viên thiếu thốn đủ bề, bản thân rất gầy gò, vậy mà đã 38 lần hiến máu đấy. Bác và tôi cũng nên làm một điều tốt cho đời.
-       Tôi chỉ có thể đóng góp tiền thôi, chứ cho đi một bộ phận cơ thể nhỡ không được lên thiên đường thì sao?
-       Ai cũng có lối tư duy thiển cận, duy tâm như bác thì lấy ai làm điều tử tế đây. Khi bác biết hi sinh cho xã hội, trong tâm khảm bác thấy vui, thấy thanh thản, bình an, đấy chính là cõi tiên, cần gì phải tìm đâu xa.
-       Sao bác không đi vận động mấy tay nhà giàu, to cao béo mượt mà lại đi xui lão già quắt queo như tôi vậy?
-       Đã làm việc nghĩa thì đừng nhìn vào ai, cứ so đo tính toán như bác thì đất nước bao giờ mới văn minh được. Hoá ra người đàn bà ở Vĩnh Phúc nói trên mới thực sự là người khổng lồ, tôi với bác thật chẳng bẳng con kiến.

Cận

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Tưởng dễ mà khó



-       Bác có thích nghe tiếng còi xe không?
-       Chừng nấy tuổi rồi mà còn hỏi ngớ ngẩn thế, chẳng ai thích tiếng còi xe cả, nhức hết cả đầu.
-       Vậy sao chiều hôm qua chở tôi đi ăn cưới, bác bóp còi inh ỏi vậy?
-       Thì người ta đứng ỳ trước mặt, hay lao xe vun vút từ trong ngõ ra không bóp còi mọi người biết đường nào mà tránh.
-       Bác đã thấy vô lí chưa. Bản thân bác rất ghét tiếng còi, vậy sao bác lại bấm ngậu xị khi đi đường. Có những lúc đường vắng vẻ bác cũng bấm?
-       Thì đẹp trai, phong độ, đi xe xịn như tôi thỉnh thoảng cũng phải bấm một phát để thu hút sự chú ý của mọi người chứ.
-       Thì ra bác bấm còi nhiều chỉ để thể hiện mình. Ở nước ngoài ai bấm còi vô ý thức đều bị người đi đường nhìn chằm chằm như nhìn con quái vật.
-       Ở mình không làm thế được đâu, nhỡ nhìn phải thằng có võ thì có mà hết hơi. Sao ở nước ngoài họ ít bấm còi thế nhỉ?
-       Thì còi xe bị vặt bán sang Việt Nam hết rồi lấy đâu ra nữa mà bấm.
-       Theo bác có nên cấm bóp còi như một số kiến nghị gần đây không?
-       Sao lại cấm. Nước ngoài, họ phát minh ra cái còi là chứa đầy tính nhân văn trong đó. Nhờ cái còi, mà sinh mạng người đi đường mới được đảm bảo. Vấn đề là, cần có cách thức giáo dục và chế tài đối với người sử dụng còi xe không đúng qui định. Dứt khoát phải phạt nặng những chủ xe lắp thêm còi, lắp không đúng chủng loại, bóp còi inh ỏi vào ban đêm, cạnh bệnh viện, trường học. Làm được thế cuộc sống sẽ trở nên thanh bình ngay.

Cận