Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Chơi sang thật đấy


-       Cảm nhận của bác về cuộc sống gần đây thế nào, có khả quan không?
-       Bi đát hơn chứ khả quan nỗi gì. Lương hưu của tôi trước đây tùng tiệm cũng đủ sống, giờ đi chợ được nửa tháng là hết veo. Đã lâu, chẳng có được bữa ăn ra trò, chẳng mua nổi cái áo tử tế.
-       Làm gì đến nỗi thế, bác là chúa hay nói quá. Bác không thấy gần đây, nhiều địa phương xây nhà cao tầng, chung cư cao cấp cho trâu bò ở sao?
-       Có chuyện đó à? Cả nước hiện còn hàng vạn hộ nghèo, thậm chí nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng vẫn ở nhà tranh vách đất mà.
-       Cái này tôi không rõ, chỉ biết là ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có một ngôi nhà mấy tầng, rất khang trang, xây dựng hết 31 tỷ đồng để trâu bò nghỉ trưa, tránh nắng.
-       Địa phương này chơi sang thật đấy, người dân nơi đây chắc giàu có, sung sướng lắm?
-       Cũng không được như bác nghĩ đâu. Tại đây vẫn còn rất nhiều hộ gia định chính sách phải chạy ăn từng bữa, tỷ lệ người nghèo cũng khá cao.
-       Vậy sao họ xây nhà đắt thế cho trâu bò ở, hay đây là trâu bò thần, biết sáng tác nhạc, làm thơ?
-       Không phải vậy. Thực ra, ngôi nhà và khuôn viên này được xây làm trường học. Khi sắp xây xong thì chính quyền địa phương sáp nhập 2 trường trong huyện làm một. Thế là ngôi trường mới này bị bỏ không, biến thành nơi trú ngụ của gia súc và đám trẻ chăn trâu.
-       Trâu bò được ở biệt thự như thế chắc da dẻ mịn màng, thơm tho lắm. Thịt của chúng chắc cũng mềm mại, ngọt ngào như thịt bò Kô-bê bác nhỉ?
-       Đã được ăn bao giờ đâu mà biết. Ở những địa phương có cung cách quản lí vô trách nhiệm thế này, thịt trâu bò có thể rất ngon ngọt, nhưng chắc chắn thịt người dân sẽ đắng nghét.
      Cận

Phí cả đời trai


           
                                                            
-       Giờ thì những người về hưu như tôi với bác không lo “nhàn cư vi bất thiện” nữa nhé, chỉ sợ không có sức làm việc thôi.
-       Thật sao, tôi khoái nhất là làm ở tiệm vàng, hay chí ít cũng được đứng trên bục giảng, kiếm cái học hàm học vị cho vợ con nở mày nở mặt. Thế cụ thể là làm gì hả bác, có được nhiều tiền không?
-       Không oai và đẹp đẽ như bác nghĩ đâu, chỉ là ngồi thuê sau xe máy qua các ngã ba ngã tư thôi, cũng kiếm ra phết đấy.
-       Sao lại thế, nghề mới à?
-       Đi trước đón đầu thôi. Chẳng là gần đây, có tờ báo đăng “ý tưởng” chống ùn tắc giao thông của một công dân, kiến nghị cấm đi xe máy một mình vào giờ cao điểm.
-       Tôi hiểu rồi. Nếu kiến nghị này được áp dụng vào thực tiễn, hàng ngày tôi sẽ phải dậy sớm đi cùng vợ đến cơ quan. Khi bà ấy vào làm việc, tôi vật vờ ở các quán sá, đến giờ tan tầm chiều, lại ngồi sau lưng vợ về nhà chứ gì. Nếu để vợ đi một mình, sẽ bị phạt, đúng không?
-       Chơi với nhau mấy chục năm, hôm nay tôi mới thấy bác thông minh đột xuất đấy. Đi cùng vợ cả ngày như thế, sẽ chẳng có thằng nào dám bén mảng tán tỉnh. Vừa giữ được vợ, vừa không bị phạt, tiện quá còn gì.
-       Thế lỡ người độc thân, không có vợ hay chồng đi cùng thì sao?
-       Thì thuê những người đẹp trai, phong độ như tôi ngồi sau. Mất có tí tiền mà lại hết cô đơn, biết đâu kiếm được người bạn trăm năm cũng nên.
-       Nếu vậy, tôi sẽ không đi cùng vợ nữa, vừa già, vừa xấu lại chẳng được đồng nào, phí cả đời trai. Tôi sẽ chỉ nhận ngồi thuê sau lưng những cô gái trẻ, chừng 19-20 không chừng đổi được vợ cũng nên. Nói vậy thôi, chứ tôi có cảm giác “ý tưởng” này là không bình thường, nó cứ thế nào ấy, bác nhỉ?
-       Có thế mà cũng thắc mắc. Ở nước mình, nhiều khi những kiến nghị dở hơi cám hấp lại được được áp dụng rầm rộ, những cái nghiêm túc, tử tế lại bị vứt vào sọt rác, lạ thế đấy
      Cận

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Cũng thấy thương


-       Bác chuyển sang nhiếp ảnh khi nào mà máy móc lỉnh kỉnh quanh người thế kia?
-       Đang bã cả người còn hỏi linh tinh. Tôi vừa chở bà xã đi khám bệnh về. Khám nhanh, chữa nhanh, chẳng tốn kém gì, chỉ mệt vì phải đạp xe quá xa thôi.
-       Bệnh viện mới thay đổi cung cách khám chữa bệnh à, vậy tôi cũng phải đi khám ngay mới được. Thời tiết thay đổi, bệnh trĩ tái phát đã lâu mà không có tiền điều trị, đành chịu.
-       Trước khi đi khám nhớ qua nhà tôi cho mượn mấy cái máy ảnh cầm theo nhé.
-       Người đầy bệnh tật, lê cái thân già đến viện còn chẳng nổi, mang theo máy ảnh làm gì?
-       Thì ra bác không theo dõi truyền hình. Hôm vừa rồi bà Bộ trưởng ngành khám chữa bệnh chẳng đề nghị cử tri: Hãy mang đến cho tôi tấm ảnh chụp bác sỹ đang nhận phong bì, sẽ có thưởng. Hưởng ứng lời kêu gọi này, sáng nay tôi đã mang theo máy ảnh vào viện, hiệu quả lắm.
-       Người ta dấm dúi hối lộ chứ có công khai đâu mà bác chụp được?
-       Thì tôi có chụp thật đâu. Tôi chỉ lượn lờ quanh mấy phòng khám, thỉnh thoảng bấm máy soành soạch, đèn flash chói lòa, khiến đám y, bác sỹ sợ vãi linh hồn.
-       Thế khi vợ bác muốn đưa cái phong bì để được khám ngay thì làm thế nào?
-       Lúc bà ấy đưa phong bì, bác sỹ thò tay định cầm, tôi liền giương máy ảnh lên nói: Chụp này, chụp này. Thế là lão ấy vội ném trả lại cái phong bì, lôi bà ấy vào phòng khám cho nhanh. Nhìn mặt lão ấy tái dại, cũng thấy thương.
-       Thế khi vợ bác nằm trong phòng điều trị thì làm thế nào?
-       Có gì đâu, tôi cứ ngồi chồm hỗm trên ghế. Khi cô y tá đẩy xe thuốc vào tiêm, tôi cứ thò ra thụt vào cái máy ảnh, thế là cô ấy liền lấy bơm kim tiêm loại nhỏ nhất ra, cười rất tươi, vừa tiêm cho bà nhà tôi vừa kể chuyện tiếu lâm nữa chứ. Tôi có đưa phong bì, nhưng cô ấy từ chối, còn rút lược ra chải đầu cho tôi nữa chứ.
-       Cách của bác hay đấy. Tôi không mượn máy ảnh của bác mà mua hẳn một cái cho tiện, bác nhỉ
     Cận

“Tởn” ngay ấy mà





5 triệu đồng qui ra phở thì được bao nhiêu bát hả bác?
-       Cũng tùy, nếu là phở bình dân thì được khoảng 20 bát, còn giá của bát phở cao cấp thì vô cùng, có khi lên tới cả triệu đồng.
-       Vậy mà có một nam ca sỹ hôm vừa rồi hôn môi một nhà sư trên sân khấu có mấy giây mà bị phạt những 5 triệu đồng. Giá như có ai hôn tôi nhỉ, tôi chỉ lấy 1triệu đồng thôi, muốn hôn bao lâu cũng được, tha hồ ăn phở.
-       Với hàm răng cải mả như của bác thì ma nó hôn. Bác có trả thêm tiền cũng chẳng ai đủ can đảm làm thế đâu
-       Đùa tí cho vui chứ tôi biết thân phận của mình rồi. Hôn ai lỡ lây bệnh cho người ta thì khốn, tiền đâu mà đền. Mà sao ca sỹ này không hôn ai khác mà lại đi hôn nhà sư nhỉ?
-       Nhà sư cả đời ăn chay đạm bạc nên ít bệnh tật, mồm miệng không hôi như mấy đại gia hay ăn thịt thú rừng, nên có hôn cả tiếng đồng hồ vẫn an toàn, cùng lắm là bị cảm cúm, viêm họng thôi.
-       Nhà sư đã thoát tục, ôm hôn họ trước bàn dân thiên hạ trông phản cảm lắm, không hợp với thuần phong mĩ tục dân tộc.
-       Nhưng nam ca sỹ này cứ xông vào hôn thì biết làm thế nào, hơn nữa có văn bản pháp lí nào cấm hôn nhà sư đâu.
-       Nhưng hôn hít nó gợi dục lắm, như vậy là phạm vào giới luật đấy.
-       Đấy là loại người phàm tục như bác mới thấy thế, chứ nhà sư họ đã ăn chay trường, đủ bản lĩnh để đối phó với mọi cám dỗ ở đời. Với những con người này, nụ hôn chỉ là biểu hiện của sự thân ái.
-       Nói như bác có nghĩa là cứ để họ hôn nhau thoải mái?
-       Tôi có nói thế đâu. Nhà nước đã có qui định, đăng kí kinh doanh cái gì thì bán cái đó, bán sai mặt hàng sẽ phạt. Cấp phép cho ca sỹ cũng vậy, họ lên sân khấu là chỉ được hát, múa, nhảy nhót thôi, nếu hôn hít, sờ soạng, nặng thì cấm diễn, nhẹ thì phạt tiền thật cao, “tởn” ngay ấy mà.
      Cận

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Tốn sắt thép


 Làm thế nào để hết ngu hả bác?
-       Thì phải học, đọc sách nhiều vào. Chịu khó đi du lịch cũng tốt, các cụ vẫn có câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà.
-       Nếu đã trải qua tất cả những cái đó rồi mà vẫn ngu thì sao?
-       Thì yêu nhiều vào. Phụ nữ là một pho sách bí ẩn có người đàn ông nào trên đời khám phá được hết đâu.
-       “Đát” của tôi đã hết từ lâu, còn bà nào ngó ngàng đến nữa chứ.
-       Ừ nhỉ. Vậy những người đang gần đất xa trời như bác muốn “thoát dốt” để làm gì?
-       Tôi muốn học để khi sang thế giới bên kia, Diêm vương có hỏi gì thì còn biết mà trả lời, may ra còn được cất nhắc. Tôi nghĩ, dù có ở dưới địa ngục, người có chữ chắc cũng sẽ được coi trọng.
-       Biết lo xa như thế là tốt. Tôi biết một “chiêu” có thể giúp bác hết ngu, nhưng phải rất liều lĩnh, dũng cảm mới được
-       Đằng nào cũng sắp xuống lỗ rồi, bác nói cho tôi biết đi, gian khổ, khó khăn, tốn kém mấy tôi cũng chịu được.
-       Vừa rồi có một thầy giáo ở Đắc Lắc nhận thấy mình kém hiểu biết nên đã tự đóng 5 cái đinh lên đỉnh đầu với mong muốn hết ngu, bác thử làm thế xem sao.
-       Ối giời, cái này khó đây. Thế anh này có khôn ngoan ra được tí nào không?
-       Ai mà biết được. Nghe nói, sau khi đóng đinh vào đầu, anh này rất hay làm thơ, soạn giáo trình khá chuẩn.
-       Sao không cử mấy tay chuyên soạn sách giáo khoa lên đó học hỏi kinh nghiệm nhỉ?
-       Người ta còn trẻ, đầu óc còn mở mang được, chứ nhiều giáo sư nhà mình bảo thủ, đầu óc thâm căn cố đế lắm, có đóng xà beng vào cũng chẳng ăn thua đâu, chỉ tốn sắt thép của xã hội thôi.

Bác sỹ cũng bó tay


  Bác có hay bị ngất không?
-       Cũng thỉnh thoảng. Như hôm vừa rồi chẳng hạn, khi lên xe buýt, tôi được một thanh niên tóc nhuộm xanh đỏ nhường chỗ, thế là ngất xỉu. Thời buổi này người như thế hiếm lắm.
-       Bác có vẻ nhạy cảm và yếu đuối nhỉ. Thế có khi nào bác ngất vì sướng quá hay buồn bực quá không?
-       Thường xuyên. Cứ thấy một chân dài tới nách, ăn mặc mát mẻ, lại còn nháy mắt với tôi vài cái là y như rằng chân tay tôi nó cứ bủn rủn, tim đập thình thịch, hai bên tóc mai cứ dựng đứng hết cả lên, chỉ muốn ngã khụy xuống đường.
-       Chẳng cứ gì bác, gặp trường hợp đó tôi cũng thế. Với những lão dị nhân như tôi  với bác thì nói làm gì, đằng này, nhiều cô bé ở các tỉnh thành phía Nam đang ngồi trong lớp tự nhiên ngất xỉu hàng loạt mới lạ chứ.
-       Các cháu ngất vì thầy giáo trẻ, khỏe, đẹp trai à? 
-       Không, cô giáo dạy hôm đó đã lên chức bà ngoại rồi, chỉ còn mấy tháng nữa là về hưu.
-       Vậy có lẽ do đói. Không ăn sáng là hay bị hạ đường huyết lắm. Đói mà phải nghe cô giáo già giảng bài thì làm gì chẳng ngất.
-       Không phải, nhiều cháu cho biết đã ăn no trước khi đến trường mà.
-       Nếu thế thì chắc là do học thêm, học khuya nhiều quá, sức các cháu còn non, chịu mãi sao nổi.
-       Nếu thế phải thay phiên nhau ngất, chứ sao lại xỉu hàng loạt, cùng lúc được. Các lớp khác cũng học thêm nhiều như thế mà có đứa nào ngất đâu?
-       Bác cứ căn vặn kĩ quá, tôi có phải bác sỹ đâu mà trả lời được. Với thực trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay, sẽ có ngày học sinh cả nước ngất, bị bệnh thần kinh, chứ chẳng riêng học sinh mấy tỉnh thành đó đâu.
      Cận

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Không thể chấp nhận được


                                                                                  
-       Tôi thấy bác rất giỏi dự báo thời tiết, sao bác không nộp đơn xin vào cơ quan khí tượng, thủy văn?
-       Tôi làm được thế hoàn toàn do kinh nghiệm bản thân, còn các nhà khoa học hiện đại lại chỉ tin vào máy móc, ai người ta nhận những người như tôi vào những ngành này.
-       Nhưng tôi thấy việc dự báo thiên tai bão lũ có mấy khi chính xác đâu, báo mưa thì trời nắng chang chang, báo rét mà mồ hôi tuôn đầm đìa?
-       Thời tiết giống như gái già ế chồng vậy, đỏng đảnh lắm. Đang vui thoắt cái lại buồn, ai mà đoán trước được mà chiều chuộng. Như cơn bão vừa rồi đấy, đang phăm phăm chạy thẳng hướng tây, bất ngờ vọt lên hướng bắc, khiến các địa phương hoàn toàn bất ngờ, gây thiệt hại vô cùng lớn.
-       Bác nói vậy mà nghe được à, các nhà khoa học được đào tạo rất bài bản, tốn kém, được trang bị các thiết bị tối tân, hưởng lương từ tiền thuế của người dân, nếu yếu kém thì phải thay thế, thậm chí giải tán ngay.
-       Không đơn giản như bác nghĩ đâu. Ở Mỹ, nước có nền khoa học hàng đầu thế giới mà hôm vừa rồi còn dự báo sai hướng đi của một siêu bão, gây thiệt hại không thể tính đếm được kia kìa.
-       Cả chục năm họ mới mắc sai lầm một lần, còn ở ta diễn ra liên tục, tuần nào cũng mắc vài lần, không thể chấp nhận được. Vừa rồi, ở nước Ý họ xử tù 6 nhà khoa học về tội dự báo thời tiết sai đấy.
-       Kinh nhỉ, sao dã man thế. Ở mình mà làm thế thì chẳng mấy chốc sẽ vào tù hết, lấy ai dự báo thời tiết.
-       Thì sử dụng những người như bác. Anh em thân thiết mấy chục năm, bác truyền cho tôi bí quyết giúp bác dự báo thời tiết chính xác được không?
-       Có gì đâu, cứ dự báo ngược lại với báo đài là được thôi mà.
      Cận

Mới đậm đà hồn quê



-       Đi đâu mà vội vàng thế bác, vào uống chén trà đã?
-       Thôi vô phép bác, tôi phải đưa thằng cháu đến lớp học thêm, từ chiều đến giờ mấy ca rồi, mệt quá.
-       Trông mặt mũi bác cũng chẳng đến nỗi nào mà sao cháu chắt kém cỏi đến mức phải học thêm vậy?
-       Thời buổi này có đứa nào không phải học thêm chứ, quê học thêm kiểu quê, thành phố học thêm kiểu thành phố, thoát làm sao được.
-       Thầy cô rảnh rỗi, yêu quí học sinh nên tự nguyện dạy thêm, chẳng cám ơn thì thôi còn kêu ca nỗi gì?
-       Bác trên trời rơi xuống đấy à, không thu tiền thì thu bằng thóc, bằng khoai, sắn, trứng gà, thời buổi này đào đâu ra thầy cô dạy thêm không công chứ. Khối thầy cô mua nhà mua xe nhờ dạy thêm đấy
-       Thảo nào mà cả nhà tôi cũng loạn hết cả lên vì chuyện đưa đón con cháu, vừa rời khỏi lớp toán lại nhớn nhác đến lớp học văn, học ngoại ngữ. Trong ba lô của mấy đứa cháu lúc nào cũng sẵn mì tôm để nhỡ không kịp về nhà thì chỉ cần xin cô cho ít nước sôi là xong. Nhìn cháu mặt đầy mụn vì mì ăn liền mà xót cả ruột.
-       Vất vả thế đã ăn thua gì. Ở một tỉnh miền Trung, người ta còn tổ chức dạy thêm từ lúc canh tư cơ.
-       Tốt chứ sao, học trong không khí trong lành buổi sớm tiếp thu mới tốt. Vừa học vừa được nghe tiếng gà gáy sướng quá còn gì, sau này ra đời tâm hồn mới đậm đà hồn quê, bác nhỉ.
-       Chẳng biết có giỏi giang thêm được tí nào không, chỉ thấy cả cô lẫn trò đều mắc tật một mắt thì mở trừng trừng, mắt kia lại nhắm tịt lại, hậu quả của một thời gian dài dạy và học thêm trong tình trạng mắt nhắm mắt mở đấy.
-       Thế cũng tốt, chẳng may có bị cận thị chỉ phải mua kính một bên thôi, đỡ tốn tiền.
      Cận