Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Đa nghi đến thế là cùng

       
-       Bác chuẩn bị hành lí đi đâu vậy?
-       Dịp nghỉ lễ này kéo dài nên tôi quyết định vào Nam chơi với các cháu.
-       Nghe nói trong đó nóng lắm, người có tiền sử huyết áp cao như bác có chịu được không?
-       Lo gì, ở thành phố Hồ Chí Minh, chỗ nào chẳng có những bình trà đá miễn phí hay suất cơm bình dân 5 nghìn đồng. Thấy đầu óc căng lên thì làm cốc trà, sẽ dịu ngay thôi.
-       Thế nhỡ nước được pha bằng chè mốc thì sao, uống vào lại “tòi” ra bệnh khác thì có mà hết hơi.
-       Làm phúc, làm từ thiện mà gian dối sẽ phải tôi chết, ai người ta làm thế.
-       Thế bác không thấy đợt ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung vừa rồi, nhiều doanh nghiệp “ủng hộ” mì tôm, gạo mốc, thuốc quá “đát” hay sao?
-       Cứ đa nghi như bác thì ai còn dám sử dụng đồ từ thiện nữa. Những doanh nghiệp bác vừa nói chỉ là thiểu số, là “con sâu làm rầu nồi canh” thôi.
-       Cũng chẳng biết thế nào, có khi họ cho uống trà đá miễn phí nhưng lại bán kèm kẹo dồi hay kẹo lạc với giá cắt cổ cũng nên.
-       Sao bác lại có thể nghi ngờ tấm lòng của mọi người thế. Chỉ những em bán báo, đánh giày, người buôn bán ve chai uống thứ nước đó thôi, tiền đâu mà ăn kẹo lạc.
-       Có khi chủ bình nước cho các em cốc trà đá nhưng lại bắt các em đánh giày hay cho đọc báo miễn phí cũng nên.

-       Thôi, tôi không nói chuyện với bác nữa. Cứ cái kiểu suy nghĩ thiển cận thế này, nói dại chẳng may bác có gặp điều không may, sẽ chẳng có ai giúp đỡ đâu. Hãm.
      Cận

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Bác sỹ là phải biết lo xa

           
-       Giờ tôi mới hiểu lí do tại sao người dân luôn chọn trường học, bệnh viện của nhà nước, tránh xa những gì thuộc về tư nhân
-       Sáng ra đã bức xúc chuyện gì vậy. Các cơ sở tư nhân được lập ra để chia sẻ với những khó khăn của nhà nước mà.
-       Vấn đề là dân mình còn nghèo mà các doanh nghiệp tư nhân luôn tìm mọi cách bóp nặn ai mà chịu được.
-       Thì họ cũng cần tiền để tái đầu tư chứ.
-       Đắt một chút mà làm ăn chính đáng ai nói làm gì. Đằng này, tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội, khi điều trị cho một bệnh nhân bị ngoẹo cổ,  bác sỹ yêu cầu siêu âm ổ bụng với soi trĩ bác không thấy vô lí sao?
-       Có lẽ bác sỹ nghĩ rằng, trĩ bị đau sẽ lan lên bụng khiến bệnh nhân không ngủ được, trong lúc trằn trọc lại gối cao nên dẫn đến đau cổ. Đau cổ phải uống thuốc trị trĩ là đúng rồi.
-       Nói như bác thì ai cũng có hàng trăm thứ bệnh. Bác sẽ phản ứng ra sao nếu như vào bệnh viện điều trị ù tai, bác sỹ lại đè ra mổ đầu gối?
-       Phỉ phui cái mồm bác, tôi chỉ bị nghễnh ngãng chứ có ù tai bao giờ đâu. Có lẽ bác sỹ tại bệnh viện này lo xa cho bệnh nhân nên bắt đi soi trĩ, dẫu chưa bị bệnh thì cứ uống thuốc trước cho chắc ăn.

-       Cũng có lí. Vậy thì bệnh nhân này không nên kêu ca, thậm chí phải lấy làm biết ơn vị bác sỹ này mới đúng. Bệnh viện biết lo cho tương lai bệnh nhân như vậy giờ hiếm lắm, nên nhân rộng, bác nhỉ.  Cận

Chiêu trò độc đáo

       
-       Bây giờ có nhiều chiêu quảng cáo độc đáo quá bác nhỉ.
-       Lại có cô nào khỏa thân vì loài hổ hay vì nước biển mặn hả bác?
-       Trò đó là của giới showbiz, bây giờ lái xe khách cũng lộ hàng để thu hút khách.
-       Lái xe khách đa phần là cánh đàn ông, cởi ra ai người ta xem?
-       Thế mà hôm vừa rồi tại một cây xăng ở huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị một lái xe khách khỏa thân gây náo loạn khu vực, còn định cướp súng của cảnh sát.
-       Chắc do trời nóng anh này muốn chui xuống bồn xăng tắm à?
-       Ai mà biết được, chỉ thấy làm om sòm lên, nhiều người khoái quá trèo lên xe ngồi cười khiến anh ta càng múa may tưng bừng.
-       Có khi anh này bị điên nên mới làm thế?
-        Nghe người nhà nói anh này có tiền sử bệnh tâm thần.
-       Trời ơi, tính mạng hàng trăm hành khách đã từng được giao cho cánh lái xe nghiện ma túy, giờ lại rơi vào tay kẻ điên thế này trách nhiệm sẽ thuộc về ai đây.
-       Tiêu cực đã có tính hệ thống rồi bác ạ. Cách đây ít bữa, cũng ở tỉnh này, người ta phát hiện nhiều ôtô móp đầu, thiếu bánh vẫn được kiểm định viên cho qua. Việc có người mất hẳn một cánh tay vẫn được cấp giấy phép lái xe đâu còn là chuyện hiếm.
-       Vậy chẳng lẽ bó tay, tôi với bác hàng ngày vẫn phải đi trên những chiếc xe mà người cầm lái có khả năng bị tâm thần phân liệt à?

-       Tất nhiên, tôi khuyên bác nên sắm lấy cái áo giáp. Đi xe buýt cũng phải đội mũ bảo hiểm xe máy. Lên xe mà thấy lái xe nào mặt mũi đờ đẫn, bọt mép sùi ra là phải tụt xuống ngay, rõ chưa.
     Cận

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Phải tin vào con người

        
-       Bác định nghĩa thế nào là một anh hùng?
-       Là người hai tay hai súng xông vào chiến đấu với kẻ thù nơi biên cương. Còn ở thời bình, đó là những con người có chí làm giàu cho bản thân, quê hương, đất nước, là chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần cho nhiều người.
-       Cũng không cần phải to tát đến thế. Đơn cử như trường hợp cậu học sinh lớp 11C trường THPT Nguyễn Đức Mậu ở Quỳnh Lưu, Nghệ An suốt 5 năm qua miệt mài cõng bạn đến lớp cũng cần được vinh danh.
-       Có khi việc tình nguyện cõng bạn đi học này chỉ để đỡ phải tập thể dục hàng ngày thì sao?
-       Cậu ấy làm thế vì muốn giúp cậu bạn hàng xóm bị tàn tật từ nhỏ không bị thất học thôi.
-       Cậu bé tật nguyền đó học rất giỏi phải không?
-       Đúng thế, sao bác biết, họ hàng nhà bác à?
-       Nếu thế thì hành động đáng khen của cậu bé này có khi chỉ là để có người làm bài hộ, cho nhìn bài mỗi dịp thi cử thôi. Chẳng ai làm không cho ai cái gì bao giờ.
-       Sao bác dạo này mất lòng tin vào con người ghê thế? Cậu ấy giúp bạn hoàn toàn vô tư trong sáng, chỉ mong bạn có kiến thức giúp ích cho đời.
-       Thời buổi này nhiều người sợ phải làm điều tốt lắm. Hôm vừa rồi có một cậu thanh niên thấy một ông lão bị chấn thương sau khi va chạm với xe máy đã đưa vào bệnh viện. Ai ngờ anh ta đã bị người nhà nạn nhân đánh cho một trận nên thân vì nghi ngờ anh này gây tai nạn cho ông cụ. Đúng là làm phúc phải tội.

-       Bác không nên có suy nghĩ tiêu cực như thế. Ai trước khi làm điều tốt nào đó cũng phải ngó trước ngó sau như bác thì xã hội làm sao phát triển tốt đẹp được. Phải biết tin vào con người chứ.
     Cận

Coi thường mạng sống

-       Mỗi lần đi xa bác thích dùng phương tiện nào?
-       Tôi khoái nhất xe khách đường dài hoặc xe tải hạng nặng.
-       Lạ nhỉ, ai cũng muốn đi máy bay hay xe ôtô 4 chỗ hạng sang, sao bác lại khoái loại xe “hung thần xa lộ” vậy?
-       Từ nhỏ tôi đã ưa mạo hiểm, ngồi trên những chiếc xe này sẽ được hòa mình vào tiếng gầm rú của máy móc, được phóng với tốc độ phản lực, sướng nhất là được đánh võng trên những con đường đông người…
-       Nghe bác nói mà rợn hết cả người. Ngồi trên đó bác không sợ lái xe gây tai nạn à?
-       Có gì đâu mà sợ, trước khi cầm vô lăng nhiều người đã sử dụng ma túy nên tỉnh táo lắm.
-       Chết, sao bác liều thế, dám giao tính mạng mình cho đám nghiện?
-       Bác chưa biết cảm giác đi mây về gió sướng thế nào đâu. Khi đám lái xe đói thuốc họ phóng mới kinh. Những lúc như thế tôi thấy mình được xông pha vào nơi hiểm nguy như điệp viên 007 vậy, sướng lắm.
-       Bác có biết hầu hết những vụ tai nạn thảm khốc đều do xe khách và xe tải gây ra không?
-       Sống chết đã có số, lo làm gì cho bạc tóc.
-       Bác coi thường mạng sống của mình thì kệ bác, nhưng bác phải biết lo cho người khác chứ. Vừa rồi ở Hải Phòng đã phát hiện hơn 100 lái xe nghiện ma túy đấy.

-       Thật sao, vậy thì trong cả nước hàng ngày có hàng nghìn đối tượng nghiện ma túy lái xe “tung tăng” trên đường. Thảo nào số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam luôn cao nhất thế giới. Từ mai tôi sẽ cạch không đi loại xe này nữa.
      Cận

Mơ mộng viển vông

            
-       Theo bác ở Việt Nam mình ngành nghề nào có tư cách đạo đức tốt nhất?
-       Ngành nào chẳng có người tốt, nhưng đồng đều hơn cả có lẽ là các lực lượng vũ trang.
-       Chẳng phải.
-       Vậy là nghề giáo hoặc ngành y tế xả thân cứu người?
-       Sai bét. Có tư cách nhất hiện nay là ngành đường sắt. Trong báo cáo tổng kết vừa rồi, ngành này đưa ra con số 97,5% cán bộ, nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
-       Cũng có sao, tốt thì đánh giá là tốt, miễn là đừng có bịa là được.
-       Vấn đề là, đến ông Bộ trưởng trực tiếp phụ trách ngành đường sắt còn lắc đầu không tin con số này.
-       Có lẽ ông này khiêm tốn thay cho cấp dưới thôi. Ngành đường sắt đã làm gì mà đạt gần 100% cán bộ ưu tú nhỉ?
-       Chắc là khi hành khách mệt mỏi nhân viên trên tàu sẵn sàng đưa tay làm gối cho người đi tàu yên giấc, khách ăn xong thì lấy giấy thơm lau mồm cho, trẻ đi tàu trằn trọc không ngủ được thì ngồi cạnh kể chuyện cổ tích cho chúng nghe…

-       Bác lại mơ mộng viển vông rồi. Tôi chỉ mong mỗi dịp gần tết, người dân không phải chầu chực suốt đêm để mua được tấm vé về quê, mong ngành đường sắt xóa bỏ được nạn tuồn vé cho “cò” là người dân mừng lắm rồi.
     Cận

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Bỏ hết cho xong

     
-       Thế mới thấy thời nào những đối tượng biết đi mây về gió như Tôn Ngộ Không cũng được trọng dụng?
-       Đây là nhân vật hư cấu, tìm đâu ra những thần linh chịu làm việc trần gian như thế.
-       Tôn Ngộ Không thật thì không có chứ diễn viên đóng Tôn Ngộ Không người nước ngoài vừa rồi chẳng được một số người kiến nghị cử làm Đại sứ Du lịch Việt Nam là gì.
-       Làm gì có chuyện đó, chẳng lẽ nước mình không còn ai đủ tiêu chuẩn để giữ vị trí này hay sao. Như cái cô vừa rồi tôi thấy làm cũng được mà?
-       Nhưng cô này hay khoe nhẫn kim cương, quần áo hàng hiệu.
-       Làm du lịch giống như bản tính vốn có của người phụ nữ vậy, có cái hay, cái đẹp, cái độc đáo thì phải khoe chứ. Vấn đề là nhờ cô ấy mà nhiều người nước ngoài biết đến Việt Nam
-       Nhưng cô này có lần đóng kịch lộ hết cả “hàng” khiến dư luận kêu ca quá.
-       Ai chẳng có lúc thế này, thế khác, tránh sao được những soi mói của thiên hạ. Một con người tài năng, xinh đẹp, giàu có như cô ấy hoàn toàn xứng đáng là bộ mặt đại diện cho tiềm năng du lịch nước ta.
-       Nhưng ông diễn viên đóng Tôn Ngộ Không cũng rất có tài, được cả thế giới ngưỡng mộ mà.
-       Dứt khoát không. Hình ảnh quốc gia mà một câu tiếng Việt cũng không nói được, bác không thấy buồn cười sao?

-       Thôi thì bỏ hết đi cho xong chuyện. Để khách du lịch đến Việt Nam, điều quan trọng là phải tỏ ra hiếu khách, phải xóa bỏ triệt để nạn đeo bám, chặt chém, hành hung, cướp giật của du khách, bác nhỉ.
      Cận

Cho thiên hạ biết mặt


-       Chẳng lẽ bác mãi cam phận làm anh bảo vệ hay sao?
-       Tôi đang xin đi học rồi chuyển nghề bác ạ. Làm nghề này lương ba cọc ba đồng nuôi mình còn chẳng nổi nói gì đến nuôi vợ con.
-       Đúng đấy, chuyển sang làm bác sỹ hay luật sư cho nó danh giá, lại kiếm bộn tiền, sau này về hưu khỏi lo thiếu thốn.
-       Ngần này tuổi rồi làm sao theo được những nghề đó. Tôi học lái xe thôi.
-       Sao lại làm công việc mạt hạng đó, chẳng may gây tai nạn thì có mà sạt nghiệp.
-       Có lái taxi đâu mà lo, tôi chỉ phục vụ sếp ở quê thôi.
-       Thôi thế cũng được, mỗi khi chở thủ trưởng đi họp cũng kiếm được cái phong bì, sếp ăn thịt thì mình gặm xương.
-       Cứ chịu khó phục dịch, chịu khó chở sếp đi thăm thú bạn bè, chở vợ con sếp đi lễ bái, thế nào cũng có ngày được đề bạt làm Phó chánh Văn phòng huyện.
-       Sao lại có chuyện “thăng hạng” một cách tùy tiện thế được. Tôi chưa từng nghe chuyện một anh chỉ có bằng lái xe mà được chuyển sang ngạch chuyên viên cao cấp bao giờ?
-       Xã hội bây giờ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Gần đây ở Thanh Hóa người ta phát hiện 4 anh lái xe được bổ nhiệm làm Phó chánh Văn phòng ở 4 huyện đấy thôi.

-       Như vậy là sai nguyên tắc. Mới lái ôtô mà được làm to thế, nếu có nghề lái cần cẩu, lái xe tăng thì không biết còn thăng chức đến đâu. Đã thế, đợt này tôi xin đi học lái máy bay để được làm “quan khủng” cho thiên hạ biết mặt.
      Cận

Xử theo luật…siêu thị

-       Người xưa có câu “ăn cắp sách là không có tội” đúng không bác?
-       Ý các cụ muốn nói lấy trộm sách để đọc, nhằm nâng cao kiến thức giúp ích cho đời thì có thể giảm nhẹ tội lỗi, có thể châm chước cho hành vi này.
-       Vậy mà vừa rồi ở huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai xảy ra chuyện một nữ sinh lớp 7 bị các nhân viên siêu thị trói ở cửa ra vào suốt nửa ngày trời, trên ngực đeo tấm biển có nội dung “Tôi là người ăn trộm” chỉ vì em này lấy trộm 2 cuốn truyện tranh.
-       Sao không xin bố mẹ tiền mua mà lại trộm cắp vậy?
-       Gia đình em quá nghèo, ăn còn chẳng đủ tiền đâu mua sách.
-       Các nhân viên siêu thị này “đùa” thôi. Chắc do chưa bao giờ nhìn thấy một con chim non bị trói trong tư thế dang cánh nên họ làm thế để thỏa trí tò mò.
-       Mấy người này còn tung ảnh lên mạng xã hội cho hàng triệu người “chiêm ngưỡng” nữa.
-       Làm nhân viên siêu thị ở một tỉnh miền núi có đời sống tẻ nhạt lắm, phải đưa những hình ảnh gây sốc kiểu này lên face book thì mới nhanh “nổi tiếng” chứ.
-       Nhưng đây là hành vi làm nhục người khác, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em.
-       Ôi dào, bác cứ quan trọng hóa vấn đề. Hàng ngày đi ngoài đường tôi chứng kiến khối vụ vợ đánh chồng, cháu tát bà, trò đánh thầy mà có sao đâu, chỉ bị phạt hành chính rồi cho về. Ăn cắp nên bị trói là đúng rồi.

-       Chính cái lối suy nghĩ thiển cận của bác mà làm hỏng đi cả một thế hệ đấy. Việc xử lí mọi hành vi sai trái đã có các cơ quan pháp luật lo. Ở đâu cũng hành động như nhân viên siêu thị này sẽ làm loạn xã hội, sẽ làm mất lòng tin của giới trẻ vào người lớn đấy.
       Cận

Thật đáng khâm phục

-       Mấy hôm nay cả xã hội đang nóng việc xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn gây thất thoát, chiếm dụng tiền của nhà nước, của nhân dân hàng nghìn tỷ đồng bác ạ.
-       Đây là những kẻ một thời hết sức ngông nghênh, gây náo loạn xã hội và nền kinh tế, giờ mới đưa ra xét xử e rằng hơi muộn. Số tiền bọn này tham ô, tham nhũng qui ra phở thì được bao nhiêu bát hả bác?
-       Trình độ một anh bảo vệ như tôi làm sao tính được. Đại khái là, cả phường mình ăn phở thay cơm cỡ khoảng một nghìn năm mới hết.
-       Ối giời, thôi bác đừng nói nữa kẻo tôi tăng huyết áp bây giờ. Như vậy là chỉ riêng nước xuýt để chan phở thôi cũng đủ để thay toàn bộ nước hồ Tây. Tiền nhiều như thế làm sao bọn chúng tiêu hết được nhỉ?
-       Đối với loại người này, tiền không chỉ thỏa mãn nhu cầu ăn ở, mà chủ yếu thể hiện quyền lực. Giàu vừa vừa dùng tiền đè hàng xóm, còn siêu giàu thì đè đất nước, đè nhân dân, bác hiểu chưa.
-       Cái đám cuồng quyền lực này thực ra chỉ là con muỗi nếu đứng trước cô bé Phạm Thị Mỹ Hà 11 tuổi, bán vé số ở thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng.
-       Cô bé này mới trúng độc đắc hàng triệu USD hả bác?
-       Không, hôm vừa rồi cô bé đã trả lại cái ví nhặt được, bên trong có mấy triệu đồng cho một khách du lịch.
-       Chắc có ai nhìn thấy nên phải trả chứ gì, việc trả lại của rơi ngày nào chẳng có.
-       Không ai nhìn thấy cô bé nhặt được ví tiền cả. Điều đáng nói là, ngày hôm đó cô bé chưa có gì cho vào bụng nên đã bị lả đi vì đói trong đồn công an.

-       Thật đáng khâm phục. Tôi, bác và tất cả mọi người phải rất bản lĩnh mới vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền trong hoàn cảnh đó, bác nhỉ.
      Cận

Cả thế giới làm thế

  

                                                                     
-       34 nghìn tỷ đồng có lớn không bác?
-       Đây là số tiền mà những bộ não bé nhỏ của tôi với bác không thể tưởng tượng nổi. Nếu qui ra phở, cả phường đủ ăn thoải mái trong một nghìn năm…
-       Bác thì cái gì cũng qui ra phở. Đây chính là số tiền mà bộ Học vừa trình Quốc hội dùng để thay đổi chương trình và sách giáo khoa đấy.
-       Bộ Học thì phải đưa ra những con số khiến cả xã hội choáng váng thì mới tương xứng với vai trò của mình chứ. Số tiền này đã ăn thua gì. Trước đây cũng bộ này đòi 70 nghìn tỷ đồng nhưng bị bác bỏ, nay họ rút xuống một nửa đây mà.
-       Số tiền trên tuy lớn, nhưng nếu chương trình và sách giáo khoa mới làm thay đổi gốc rễ nền giáo dục “lởm khởm” hiện nay thì cũng đáng.
-       Nếu được như bác nói thì dẫu có phải chi gấp 10 lần thế tôi cũng ủng hộ. Nhưng với cơ chế giáo dục này, với những con người cũ kĩ này, chớ có hi vọng vào sự thay đổi nào, chỉ phí tiền thuế của dân thôi.
-       Nói như bác thì chúng ta cứ tiếp tục khoanh tay đứng nhìn con tàu giáo dục rách nát chìm dần sao?
-       Thời chiến tranh và sau này là thời bao cấp nền giáo dục của chúng ta được thế giới đánh giá rất cao. Để có được điều này, chúng ta đã áp dụng mô hình đào tạo, lối viết sách giáo khoa của Liên-xô và các nước xã hội chủ nghĩa đấy.
-       Nói như bác thì chúng ta chẳng cần làm mới mình, chỉ cần làm theo các nước có nền giáo dục tiên tiến là đủ?
-       Đúng  thế. Muốn tạo sự khác biệt, trước hết phải làm giống cái đã. Trong tình hình hiện nay, cứ dịch các chương trình, sách giáo khoa của Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, nhặt nhạnh lấy cái hay, cái tốt của họ rồi điều chỉnh cho phù hợp với ta là đủ. Làm như thế sẽ không tốn kém bao nhiêu cả. Cả thế giới họ làm thế mà.

Cận

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Thật đáng xấu hổ

           
-       Ngã xe hay sao mà đi tập tễnh thế bác?
-       Tôi vừa dùng chày đập vào đầu gối để được ngồi xe lăn.
-       Điên à, người ta muốn lành lặn không được, bác lại muốn thành tàn phế là sao?
-       Khỏe mạnh mà cả đời làm nghề bảo vệ, phải sống bám vào vợ con thì thật xấu hổ. Tôi tự làm què để có nghị lực vươn lên như chàng trai bị liệt hai chân ở thôn Ngọc Lậu xã Đông Thịnh huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa.
-       Anh này không đi lại được nhưng vẫn tự nấu cơm, giặt giũ hả bác?
-       Mấy việc vặt nói làm gì. Anh ấy còn kiếm tiền xây nhà cho bố mẹ, nuôi vợ đẹp con xinh nữa kia.
-       Thật sao. Ngồi một chỗ mà vẫn làm giàu được thì chắc anh ta ghi lô đề hoặc cá độ bóng đá?
-       Bậy nào. Chàng trai này đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, nhưng lại từ chối làm cho các tập đoàn lớn, về quê mở lớp dạy học.
-       Ôi dào, tưởng làm vương làm tướng gì. Què chẳng làm nghề gõ đầu trẻ, không lẽ làm cầu thủ bóng đá?
-       Vấn đề là anh này không thu tiền của học sinh nghèo. Trò ở xa còn được trọ không mất tiến. Cái đáng nói nhất là từ lớp học này, 80% học sinh đã thi đỗ đại học.
-       Bác có đùa không đấy, nhiều trường trung học phổ thông tầm cỡ quốc gia phấn đấu mấy chục năm nay mà có đạt được con số đáng mơ ước đó đâu?

-       Điều này cho thấy cả một bộ máy giáo dục hùng hậu mỗi năm tiêu tốn hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thuế của dân mà không bằng một chàng trai què quặt. Thật đáng xấu hổ lắm thay.
      Cận
Một lối đánh du kích
                                                                   Cận
-       Đọc báo thấy quá nhiều công trình bị chậm tiến độ vì không giải phóng nổi mặt bằng bác ạ.
-       Phải tay tôi ấy à, chỉ cần một tháng là mọi việc xong tất.
-       Bác làm thế nào mà tài vậy, trả tiền đền bù cho dân cao hơn giá thị trường à?
-       Nếu có điều kiện thế thì nói làm gì. Tiền không tăng mà mọi người vẫn bàn giao mặt bằng mới tài chứ.
-       Bác siêu thật đấy. Giỏi giang vậy mà sao bác lại chịu làm bảo vệ nhỉ. Bác có cách nào vậy?
-       Tôi sẽ học cách làm của chính quyền huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang, sẽ áp dụng triệt để lối đánh du kích, giống hồi chiến tranh ấy.
-       Thế là thế nào, sao lại đánh nhau với dân?
-       Đâu có, chỉ xúi ngầm thôi. Chẳng hạn như ngừng xác minh lí lịch Đảng với những cán bộ có người thân cứng đầu không chịu nhận tiền đền bù, cho nghỉ việc để ở nhà thuyết phục bố mẹ, anh chị em bàn giao đất. Có anh còn bị gây sức ép không bổ nhiệm lên chức cao hơn nếu không nói được vợ con…
-       Thì chính quyền cũng phải “mưu ma chước quỷ” thì mới hoàn thành việc thu hồi đất, phục vụ công trình công ích chứ?
-       Đã có biết bao gia đình chịu cảnh lục đục, li tán, cha mẹ từ mặt con cái, vợ không thèm ngủ với chồng. Thu hồi đất làm gì tôi không rõ, chỉ biết chính quyền trả có vài trăm nghìn đồng mỗi mét vuông, sau khi lấp ruộng, san nền, họ bán lại cho dân với giá gần chục triệu, ai mà chịu nổi chứ.

-       Nếu thế thì dã man quá. Cứ như tôi với bác chẳng có mét đất nào lại sướng, vợ con đề huề, hạnh phúc dù chẳng mảnh đất cắm dùi.