Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Lấy người học làm trọng tâm


-       Bác đã nghe chuyện thằng mù cõng thằng què chưa?
-       Đương nhiên rồi, câu chuyện hài hước nhưng rất thâm thúy. Nó là bài học về tính đoàn kết, khuyên con người ta phải biết khai thác thế mạnh của nhau, biết dựa vào nhau để sống.
-       Ở Kim Bôi, Hòa Bình gần đây có câu chuyện rất nhân văn. Một chàng trai tàn tật bẩm sinh mở lớp dạy chữ, dạy công nghệ thông tin cho trẻ mồ côi và trẻ lang thang cơ nhỡ, được rất nhiều em đăng kí theo học.
-       Bọn trẻ hàng ngày phải đi ăn mày, ăn xin về nuôi thầy thay cho học phí à?
-       Không những không phải đóng góp gì, bọn trẻ còn được nuôi ăn, ở, có nơi trú ngụ khi trái gió trở trời.
-       Nếu vậy thì ông thầy tàn tật này có bố mẹ là đại gia hoặc mới nhận thừa kế từ nước ngoài cũng nên?
-       Không hề, ông này bị người thân bỏ rơi từ nhỏ, sau nhờ ý chí vượt lên hoàn cảnh, tự học nghề nuôi sống bản thân, giờ còn cưu mang hàng chục em nhỏ.
-       Vậy thì đáng phục quá. Chẳng bù cho nhiều thầy cô bây giờ, lúc nào cũng nhăm nhăm tìm cách ép phụ huynh học sinh cho con học thêm, thu bộn tiền mà trò dốt vẫn hoàn dốt.
-       Nếu dạy một tháng mà bọn trẻ giỏi ngay thì lấy đâu người học thêm nữa. Vì thế, thầy cô “ giỏi” là phải biết cách dạy để trò bớt dốt hơn thôi, có thế mới có người học quanh năm chứ. Nhiều người mua nhà tậu xe nhờ biết cách dạy thêm này đấy.
-       Thầy cô no đủ thì mới có sức khỏe dạy các cháu chứ.

-       Chính lối tư duy của những người như bác đã khiến ngành giáo dục tụt dốc không phanh. Một nền giáo dục tốt bao giờ cũng lấy người học làm trọng tâm phát triển bác ạ.
      Cận

Cần sớm loại bỏ


-       Cái cuốc thường được dùng vào việc gì hả bác?
-       Xuất thân từ nông dân mà hỏi ngô nghê thế. Hàng nghìn năm nay cái cuốc gắn bó với việc cuốc đất, làm vườn, góp phần nuôi sống biết bao thế hệ.
-       Thời buổi cơ giới hóa ai người ta còn dùng vào những công việc đó nữa, cuốc bây giờ chủ yếu đã biến thành “vũ khí”. Hôm vừa rồi một ông chánh Thanh tra ngành Y tế dùng cuốc bổ vào đầu một phụ nữ đấy.
-       Chắc ông này mua cuốc mới nên muốn thử độ sắc phải không?
-       Tôi không rõ, chỉ biết nạn nhân hiện vẫn phải nằm viện. Làm thanh tra chuyên đi phanh phui tiêu cực mà lại có hành động của một tay đồ tể như thế thật khó chấp nhận.
-       Tôi lại nghĩ, có khi ông này mới chế được loại thuốc “cải tử hoàn sinh” nên làm thế để thử độ nhậy của thuốc cũng nên. Biết đâu, mấy hôm nữa xuất viện nạn nhân lại chẳng khỏe như vâm, đủ sức thi Olimpic. Thế ông thanh tra thích dùng cuốc để “phẫu thuật” hàng xóm này đã bị xử lí gì chưa?
-       Tôi không rõ, chỉ thấy ông này hàng ngày vẫn nhơn nhơn đến công sở. Hôm vừa rồi, khi trả lời báo chí, vị chánh thanh tra này cho biết đứa em trai chứ không phải ông ấy đánh nạn nhân.
-       Nhưng băng ghi hình cho thấy chính ông ta “lia” cuốc vào đầu người hàng xóm mà?
-       Rồi cơ quan chức năng sẽ làm rõ, nếu họ xác định ông này đã đánh dân thì ngoài tội gây thương tích cho người khác, cần qui thêm tội khai man, phải khởi tố.

-       Đúng thế, loại cán bộ “côn đồ” thế này cần phải sớm loại bỏ khỏi bộ máy công quyền, không thể để “con sâu làm rầu nồi canh” mãi được
     Cận

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Không gì quí giá bằng


-       Công việc chính của lãnh đạo một Sở gồm những gì hả bác?
-       Người đứng đầu một ngành ở địa phương nhiều việc lắm. Ngoài những cuộc họp liên miên, họ phải lo ổn định và phát triển một lĩnh vực nào đó của cả một tỉnh, công việc ngập đầu, chẳng có thời gian mà thở ấy chứ.
-       Tôi chẳng thấy thế, dường như cả ngày họ chỉ có mỗi một việc là đút tay túi quần đi tới rồi lại đi lui thôi.
-       Làm gì có chuyện đó, căn cứ vào đâu mà bác khẳng định như vậy?
-       Hôm vừa rồi, một phó giám đốc sở ở một tỉnh miền Trung, khi lái ôtô đã gây tai nạn cho một người đi xe máy. Trong lúc nạn nhân ngã ra đường, ông phó giám đốc này hai tay đút túi quần đi đi lại lại ngắm nghía chiếc ôtô của ông ta mà không có bất cứ hành động nào giúp đỡ người bị nạn cả.
-       Chắc ông ấy muốn giữ nguyên hiện trường đợi cơ quan chức năng đến giải quyết đấy mà.
-       Nhưng ít nhất ông ấy cũng phải đỡ nạn nhân ngồi dậy hỏi xem có cần đi cấp cứu không chứ.
-       Ông ấy to béo thế, cánh tay lại to như cái cột đình, trong lúc bế nạn nhân lên xe đi lỡ tay làm gẫy thêm mấy cái xương sườn thì ai chịu trách nhiệm?
-       Thì ông ấy phải hô hào những người dân xung quanh giúp đỡ, không thể đút hai tay vào túi đứng nhìn được, chướng mắt lắm. 
-       Bác cứ quá khắt khe, có khi lúc đó trong túi quần của ông ta chứa tài liệu mật nên ông ta phải giữ khư khư cũng nên, phải biết thông cảm cho lãnh đạo chứ.

-       Ông ấy có họ hàng hay sao mà bác bênh chằm chặp vậy? Là lãnh đạo tốt phải biết không có cái gì quí giá bằng tính mạng người dân, bác hiểu chưa?
     Cận

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Chưa từng có tiền lệ


-       Chân làm sao mà tập tễnh thế bác?
-       Cứ trở trời là bệnh thấp khớp lại hành hạ, lắm khi đi ra vườn mà chỉ muốn đổ vật xuống.
-       Bác kém thật đấy, mới hơi nhức chân một chút mà đã chực ngã, vậy mà vừa rồi ở sân bay Đà Nẵng một chiếc máy bay không có bánh đã tiếp đất bình thường, mãi sau này khi kiểm tra mới biết.
-       Làm gì có chuyện đó, chiếc máy bay nặng hàng chục tấn, không có bánh làm sao chạy được. Thế chiếc bánh xe đó hiện ở đâu?
-       Thực ra chiếc máy bay có 2 bánh chỉ rụng mất một chiếc thôi. Cho đến nay, người ta vẫn không xác định được chiếc bánh đó rời khỏi thân máy bay khi nào.
-       Ối giời, khi máy bay đang vi vu trên bầu trời mà chiếc bánh rời khỏi “long thể” rớt xuống đầu người đi đường bên dưới thì tan xương nát thịt. Thế trước khi cất cánh, người ta không kiểm tra sao?
-       Trong nhật kí bay ghi rõ là đã kiểm tra và không thấy có biểu hiện gì bất thường.
-       Khó hiểu thật đấy, hay là chuột trong khoang hành lí bò ra gặm khi máy bay đang bay?
-       Chiếc bánh bằng cao su nguyên chất nặng hàng chục kg, sư tử có gặm cũng không rách nói gì chuột.
-       Vậy có khi là chim đại bàng đuổi theo máy bay, quắp  lấy lốp mang về lót ổ cũng nên?

-       Thôi không đùa nữa, đây là chuyện chưa từng xảy ra trên thế giới. Vụ việc này cho thấy, chúng ta đang buông lỏng an toàn hàng không, cần phải tìm bằng được nguyên nhân, trách nhiệm từ đâu để xử nghiêm, có thế mới làm gương cho người khác được.
      Cận

Phải cảnh giác chứ

        
-       Hôm vừa rồi, có dịp đi công tác Hà Nam, tôi được ăn một bữa nhớ đời bác ạ.
-       Bác thật quá đáng, ăn đặc sản mà không rủ anh em đi cùng. Thế bác ăn những gì, tay gấu hầm thuốc bắc hay rùa núi hấp bia?
-       Không, cơm nguội với canh cải nấu với cá rô thôi.
-       Thế mà cũng kể, hay bác được ăn rau cải nhập từ Nam Mỹ, còn cá được nuôi bằng hồng sâm Hàn quốc?
-       Ở đâu ra, ăn món bình thường dân dã thôi, cái khiến tôi suốt đời không quên, đó là nạn chặt chém. Ai đời, một đĩa cơm nguội, đĩa giá xào với bát canh cá mà chủ quán “chém” tới 300 ngàn đồng.
-       Thật sao, chắc vừa ăn, bác vừa bắt chủ quán ngồi lên đùi, còn quạt mát cho nữa nên mới bị tính đắt thế chứ?
-       Không hề. Tôi vừa ăn vừa chuyện trò với chủ quán thôi.
-       Chắc bác cho chủ quán biết bác là “đại gia” ở Hà Nội tới chứ gì?
-       Ôi, sao bác tài thế, đúng là tôi có nói thế thật, nhưng chuyện đó liên quan gì tới việc tính đắt đâu.
-       Ở quê, ai cũng nghĩ dân thành phố “ho ra bạc, khạc ra vàng” nên họ luôn tìm mọi cơ hội  để“bóc lột”, bác phải cảnh giác chứ.
-       Nhưng thực tế có phải vậy đâu. Như tôi đây, chỉ trông vào lương hưu, cả tháng trời nay có được bát phở nào cho vào mồm đâu.
-       Người dân địa phương họ đâu biết điều đó, cho nên, theo kinh nghiệm của tôi, đi đâu thì đi, cố nhịn, về nhà hẵng ăn. Nếu buộc phải cơm hàng cháo chợ, thì đừng có mà ăn mặc sang trọng quá, vừa bước vào quán là nói cho chủ quán biết mình là người xã bên. “Đồng hương” họ không chặt chém đâu.

-       Bác nói chí lí, có thế mà tôi không nghĩ ra. Tôi sẽ bày cách này cho du khách nước ngoài nữa. Thấy họ bị “chém”, thương lắm.
      Cận

Không dễ làm điều thiện


-       Này, bác có đồng lẻ nào không, cho cậu bé kia đi. Tuổi trẻ, sức dài vai rộng, đang tuổi lớn mà phải đi ăn mày, tội quá.
-       Bác đi mà cho, tôi không thừa tiền mà làm việc đó.
-       Hôm nay bác sao thế, “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, bác vẫn thường nói vậy mà?
-       Thôi, tôi sợ làm điều thiện lắm rồi. Hôm vừa rồi, có một chàng trai qua đường, thấy một cô gái bị tai nạn giao thông nằm trên vỉa hè không ai cứu giúp nên đã động lòng trắc ẩn đưa nạn nhân vào viện. Thật không ngờ, người nhà cô gái sau đó đã đâm chết chàng trai.
-       Chắc họ tưởng người thanh niên đó gây tai nạn cho con em họ.
-       Dù có như thế cũng không được hành xử như vậy, còn có pháp luật và tình người nữa chứ.
-       Trong lúc quẫn trí, cũng khó làm chủ được mình lắm.
-       Bác không nên bao che cho tội ác. Đây là lối ứng xử của loài thú hoang dã, khó có thể chấp nhận trong xã hội văn minh hiện nay.
-       Sao giờ lắm vụ chồng tẩm xăng đốt vợ, cháu giết bà lấy tiền chơi điện tử, bác sỹ ném bệnh nhân xuống sông thế bác?
-       Đây là hệ quả của sự suy đồi đạo đức, sự buông lỏng kỉ cương phép nước, trên không ra trên, làm cho dưới cũng không ra dưới.
-       Vậy mỗi người phải chung tay làm gì đi chứ?

-       Để rồi phải nhận một kết cục như chàng trai nói trên hay sao, chẳng dại.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Mối nguy từ sự “trực quan”

            
-       Sắp tới, học sinh cả nước sẽ được tập trung về Quảng Ninh học các môn về giới tính bác ạ.
-       Sao lại thế, đường sá xa xôi đi lại vất vả lắm, ai ban hành chủ trương này vậy?
-       Cũng chẳng có văn bản nào bắt buộc chuyện này, nhưng lâu nay việc giáo dục giới tính cho trẻ tại các trường không hiệu quả, gây tốn kém thời gian và tiền bạc quá. Ở Quảng Ninh, người ta chỉ dạy có một buổi mà các cháu đã khá thông thạo chuyện “người lớn” rồi.
-       Thật sao, người ta làm thế nào mà tài vậy?
-       Chẳng là, trong dịp Liên hoan phim quốc gia vừa rồi, để lấp kín rạp, các thày cô “lùa” rất nhiều học sinh đến xem miễn phí. Khi ra về, thấy mặt cháu nào cũng đăm chiêu như đang toan tính chuyện chồng con vậy.
-       Liên hoan phim với giáo dục giới tính thì liên quan gì với nhau?
-       Chẳng là trong các bộ phim chiếu cho các cháu xem có rất nhiều cảnh nóng, tôi xem suốt từ hôm nọ tới giờ mà vẫn còn đỏ mặt đây này. “Trực quan” thế thì cần gì phải học trong sách nữa.
-       Việc giáo dục giới tích ở mỗi bậc học là khác nhau, phải trưởng thành rồi mới được học các nội dung nhạy cảm. Cảnh “nóng” trong phim chiếu cho các cháu xem, đến bậc giáo sư còn chưa được học, làm vậy nguy hiểm quá.
-       Bác cứ lo xa, trước sau gì các cháu chẳng biết, biết trước thì sau đỡ phải học.

-       Các cháu còn nhỏ, chưa làm chủ được bản thân mà đem “ứng dụng” bừa bãi sẽ làm loạn xã hội. Chẳng lẽ bác không thấy, mọi tội lỗi đều xuất phát từ việc dục vọng không được thỏa mãn hay sao, người lớn chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm việc này.
      Cận

Đỡ phải tập thể dục


-       Thằng cháu tôi có lẽ là thần đồng bác ạ, mới học mẫu giáo nhỡ mà lúc nào trong tay cũng lăm lăm cái bút với tờ giấy, tính tính, toán toán, có vẻ bác học lắm.
-       Còn đứa cháu tôi có khi lại phát về nghiệp võ, tí tuổi đầu đã vung dao cả ngày, băm băm chặt chặt rất thiện nghệ.
-       Làm tướng cướp hoặc đồ tể chứ anh hùng cái thế gì. Vô phúc mới sinh con cháu thích nghịch dao, báu bở gì chứ.
-       Thế bác tưởng cháu bác suốt ngày kè kè giấy bút sẽ trở thành trí thức hay sao. Chẳng qua thầy cô vốn xuất thân làm nghề bán thịt, ghi đề, cá độ bóng đá, nên bọn trẻ bắt chước thôi.
-       Bác chỉ giỏi đặt điều, dạy học là nghề cao quí ai người ta giao cho mấy anh hoạn lợn làm nhiệm vụ “trồng người”?
-       Tại một hội thảo giáo dục vừa diễn ra, đại diện lãnh đạo bộ Học thừa nhận, việc cấp phép mở trường mầm non tư thục hiện quá dễ dãi. Người xin cấp phép chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT là đủ. Chính vì thế mới có chuyện bà chủ chuyên nghề đòi nợ thuê lại làm hiệu trưởng một trường mẫu giáo.
-       Thảo nào, thằng cháu tôi suốt ngày làm các phép tính cộng trừ nhân chia, trong khi không thuộc nổi mặt chữ cái nào. Mới tí tuổi đầu mà thỉnh thoảng đã biết văng tục bác ạ.
-       May mà thầy cô chỉ kiêm thêm nghề cờ bạc, chẳng may lại là mấy tay đâm thuê chém mướn thì có mà hết hơi.
-       Thế vẫn chưa có giải pháp khắc phục thực trạng này sao?

-       Khắc phục làm gì, tính toán nhiều mới thông minh, múa may dao kiếm suốt ngày mới khỏe người, đỡ phải tập thể dục.
      Cận

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Bài học đáng suy nghĩ


-       Có chuyện gì mà mặt mũi đăm chiêu thế bác?
-       Tôi vừa đi họp phụ huynh cho thằng cháu đích tôn về. Chà…chà, tình trạng mua “quan” bán “tước” diễn ra công khai quá.
-       Bác nói gì mà phi lí thế, thằng cháu bác mới vào lớp một, lắm lúc mải chơi còn “bĩnh” cả ra quần, làm “quan” thì ‘cai trị” được ai?
-       Bác lạc hậu quá, trước khi nhập học cả tháng trời, người ta đã chen nhau tới nhà “thăm” cô giáo chỉ để “xin” cho con cháu một chức nào đó. To cao, đẹp trai, nhà giàu thì làm lớp trưởng, loại làng nhàng mà có tiền thì làm lớp phó. Thậm chí, có đứa bị “đao” mà bố mẹ cũng chạy được cho chức quản ca đấy.
-       Làm cán bộ lớp có bổng lộc gì đâu mà mọi người lo lót kinh thế?
-       Mối lợi về vật chất không có gì, nhưng điều này lại giải quyết khâu oai cho con, cho cháu. Hơn nữa, đây chính là điều kiện để bọn trẻ làm quen dần với cung cách quản lí, ăn trên ngồi chốc, trị vì thiên hạ.
-       Nguy hiểm quá, đây chính là mầm mống của thói hống hách, ích kỉ, sẵn sàng trà đạp lên nhân phẩm của nhau để tranh giành mối lợi sau này.
-       Ở đâu chẳng thế, hễ có tập thể là có tầng lớp lãnh đạo, là có bon chen, chạy chọt.
-       Bác nhầm, mỗi lớp tiểu học ở Hàn Quốc đều có 4 chức danh gồm Người giúp đỡ, Người gọn gàng, Người chia sẻ, Người ăn uống. Các chức danh này giao luân phiên hàng tuần, ai cũng phải làm, nhằm giúp các bạn ăn mặc gọn gàng, học tập tiến tới, động viên nhau vượt qua khó khăn.
-       Nếu chỉ có “nhiệm kì” ngắn như thế, các cháu có tranh thủ “gặt hái” không bác?
-       Không hề. Cách làm này còn rèn luyện cho các cháu tinh thần trách nhiệm với tập thể, với cộng đồng, đây là bài học để các nhà quản lí giáo dục nước ta suy ngẫm.

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Mầm nuôi dưỡng tình người

-       Bác đã bao giờ được ở trong cung điện chưa?
-       Đấy là nơi dành cho vua chúa, những bậc tài cao đức trọng, những người lắm bạc nhiều vàng, một lão bảo vệ như tôi bố bảo cũng chẳng dám bén mảng tới.
-       Sống trong đó chắc hạnh phúc, sung sướng như trên thiên đường ấy bác nhỉ?
-       Sung sướng thì chắc chắn rồi, còn có hạnh phúc hay không, cần phải xem xét. Khối người sống và làm việc trong những “cung điện” nguy nga lộng lẫy mà mặt mũi lúc nào cũng đăm chiêu như mắc bệnh trĩ đấy thôi.
-       Ở Việt Nam cũng có cung điện sao?
-       Bác cứ chịu khó đi về các địa phương sẽ thấy, nhiều cơ quan công quyền được xây dựng chẳng khác gì cung vua phủ chúa, đến du khách nước ngoài cũng phải choáng ngợp.
-       Điều kiện làm việc có tốt thì mới cống hiến được nhiều, cán bộ ở những nơi này chắc tài giỏi lắm, đời sống người dân địa phương sẽ rất sung túc?
-       Tôi lại thấy nơi nào mà trụ sở càng nguy nga, lộng lẫy thì ở đó càng lắm người nghèo, càng lắm nhà tranh vách đất.
-       Hay là ngồi làm việc trong “cung điện” mát mẻ, không có nổi một con ruồi, con muỗi, tiện nghi quá đầy đủ nên cán bộ chỉ tới đây để ngủ?
-       Phải tôi, tôi cũng ở rịt trong đó cả ngày, dở hơi mới xuống cơ sở làm việc trong tiết trời nóng nực, đầy khói bụi thế này.

-       Nghe bác nói, tôi lại nhớ đến câu chuyện “Giá mà không có ruồi” của Azit Nexin. Thường thì, cái sướng, cái đủ đầy lại giết chết sự sáng tạo, năng động. Đôi khi, thiêu thiếu một tí có khi lại là mầm nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và tình người, bác nhỉ.
      Cận

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Tiện cả đôi đường


-       Một tộc người ở khu vực miền núi phía Bắc có tập tục rất lạ là, đứa trẻ vừa sinh ra được người lớn đem nhúng xuống nước suối, nếu không làm sao thì để nuôi, còn bị ho hay viêm phổi thì bỏ vào rừng.
-       Thật quá tàn nhẫn, đấy là hủ tục chứ tập tục gì, gặp hôm trời lạnh, có mà voi bị ném xuống suối cũng chết nói gì những sinh linh bé nhỏ. Phải loại trừ ngay hành vi phi đạo đức này.
-       Có điều rất lạ là, những đứa trẻ vượt qua được thử thách trên sau này lớn lên đều rất khỏe mạnh, sống thọ và thông minh. Có lẽ vì thế mà một trường mầm non ở Hà Nội gần đây đã học theo hình thức này.
-       Ở thành phố làm gì có suối để nhúng các cháu xuống?
-       Chính vì thế mà trường này có cách thử thách còn ghê gớm hơn nhiều. Hôm vừa rồi, đúng vào giờ ăn chiều, một mảng trần diện tích hơn 2m2 bất ngờ đổ ụp xuống đầu mấy chục cháu phía dưới, vậy mà không đứa nào chết mới tài, chỉ có 6 cháu bị thương nhẹ, nghe nói chúng đã chạy nhảy tung tăng được rồi.
-       Đây là rủi ro, lãnh đạo nhà trường có muốn thế đâu?
-       Vô tình hay hữu ý hồi sau phân giải, chỉ biết rằng, ngôi trường mới được bàn giao hơn một năm, nếu không cố tình ăn bớt, ăn xén vật tư, trần nhà làm sao sập được.
-       Vậy thì lỗi này thuộc về bên thi công, có liên quan gì đến các thầy cô giáo?
-       Sao lại không, chủ đầu tư phải có trách nhiệm giám sát quá trình xây dựng, lỗi này còn thuộc cả về lãnh đạo nhà trường.
-       Ý bác muốn nói hai bên bắt tay tham nhũng à?

-       Tôi thì nghĩ rằng họ làm thế chỉ để thử xem đầu các cháu có cứng không thôi. Nếu vượt qua được thử thách này thì cho lên lớp, giữ lại trường, còn nếu tự nhiên dở chứng lơ ngơ thì chuyển trường khác, tiện cả đôi đường, bác nhỉ.
      Cận

Biết gì mà trả lời


-       Ngành điện lại vừa khiến cả xã hội giật đùng đùng bác ạ.
-       Thế à, có làm chết nhiều người không?
-       Ý tôi muốn nói là, những khuất tất của ngành này vừa được thanh tra công bố đang khiến cả nước choáng váng.
-       Ngành điện năm nào chẳng giở trò, dư luận đã phát chán với mấy “anh” độc quyền này rồi. Họ vừa gây chuyện gì nữa thế, lại tăng giá điện à?
-       Thanh tra công bố, ngành này đưa cả biệt thự, sân tenis, nhà ở vào giá thành sản xuất điện, buộc khách hàng phải thanh toán qua lượng điện sử dụng hàng tháng.
-       Thì công nhân ngành điện cũng cần được ở biệt thự cho mát, tinh thần phấn chấn làm việc mới tốt. Họ cũng cần chơi thể thao, có thế tay mới khỏe, mới đóng cầu dao được chứ.
-       Vấn đề là, năm nào ngành này cũng kêu thua lỗ, trong khi họ đầu tư ngoài ngành lượng tiền lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
-       Để tiền nhiều trong nhà mãi cũng chán, phải cho nó chạy ra chạy vào mới vui, mới sinh sôi nảy nở được chứ.
-       Bác nói thế mà nghe được à. Năm nào cũng thế, cứ đến hè là ngành điện lại rền rĩ điệp khúc cắt luân phiên, kêu thiếu điện, thiếu tiền xây dựng nhà máy điện mới, trong khi dùng tiền đầu tư lung tung, không kiểm soát được lượng vốn bỏ ra.
-       Thì tiền của họ, họ muốn làm gì chẳng được
-       Đấy là tiền của nhà nước, lấy từ tiền thuế của dân, phải phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, cấm không được tự tung tự tác.
-       Ngành điện “vung vẩy” cả nghìn tỷ đồng trong hàng chục năm qua, không hiểu ngành tài chính và bộ Công thương có biết không nhỉ?

-       Bác lên mà hỏi cơ quan thanh tra, tôi làm bảo vệ, biết gì mà trả lời.
      Cận

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Khó trị lắm

     
-       Đi đâu mà mặc đồng phục của con cháu thế bác, bác muốn trở lại thời sinh viên sao?
-       Cả đời tôi làm bảo vệ, đã bao giờ được ngồi trên giảng đường đại học đâu. Giờ về hưu tự nhiên muốn trở lại thời áo trắng, níu lấy chút ngây thơ, trong sáng.
-       Muốn làm người cứ gì phải có tấm bằng đại học. Ở nhà trông cháu mà giữ tròn đạo cha- con, chồng- vợ, tình nghĩa thầy trò phân minh, được bạn bè, hàng xóm láng giềng kính trọng là đáng quí nhất đấy bác ạ.
-       Nhưng tôi vẫn thấy thiêu thiếu cái gì đó, hay là bác mới học hết lớp 8 nên ghen với tôi à?
-       Sao bác lại nghĩ thiển cận thế, chẳng là vừa rồi bộ Học ra quyết định thu hồi chức danh Phó Giáo sư, Tiến sỹ của một ông viện phó thuộc một trường đại học vì đạo văn đấy. Làm học trò của ông này chắc bác cũng chẳng sung sướng gì.
-       Lên đến cái chức đó rồi, ai người ta làm thế. Chắc thời buổi kinh tế khó khăn, môi trường, thời tiết thay đổi khiến đầu óc con người mụ mị đi, ông ấy chép nhầm của người khác thôi.
-       Nhầm thì cũng chỉ vài dòng, một trang thôi, đằng này chép nguyên văn hơn 50 trang mà bảo nhầm thì quá vô lí.
-       Máy tính bây giờ hiện đại lắm, nếu không lắp phanh vào tay, chỉ nhấn bàn phím một cái thôi là nó lôi tuột đi mấy trăm trang ngay, chẳng kịp nhận ra chỗ nào của mình, chỗ nào của người khác đâu.
-       Thôi đi, đừng có mà ngụy biện. Không hiểu cái ông viện phó đạo văn này có cảm thấy xấu hổ trước đồng nghiệp, vợ con, cấp dưới không nhỉ?

-       Nếu trong họ còn sợi dây xấu hổ thì họ đã không đạo văn. Loại người này, có đi ăn bát phở họ cũng gắp trộm miếng thịt, thành gene rồi, khó trị lắm.
      Cận